Mỹ chuẩn bị chuyển giao thêm tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Việt Nam


Trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper cho biết Washington sẽ chuyển giao thêm một tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đó, Bộ trưởng Mark T. Esper cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là để cho tất cả người dân được sống trong thịnh vượng, an ninh và tự do; cho tất cả các nước được tự do triển khai hoạt động thương mại và thực thi chủ quyền; và giữ cho các vùng biển và các tuyến đường thuỷ mà nền kinh tế của chúng ta dựa vào rộng mở với tất cả”. Lãnh đạo quốc phòng Mỹ cho rằng các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp đang đe dọa khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của các nước khác, làm suy yếu sự ổn định của thị trường năng lượng khu vực và gia tăng rủi ro xung đột. Mỹ kiên quyết phản đối hành vi dọa nạt của các bên yêu sách nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ hay hàng hải, và chúng tôi kêu gọi chấm dứt các hành động bắt nạt và phi pháp đang ảnh hưởng tiêu cực đến các nước ASEAN ven biển. Hành vi ứng xử như vậy hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong hòa bình và ổn định.
Bộ trưởng Esper cũng tuyên bố Mỹ sẽ chuyển giao chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai cho Việt Nam. Việc chuyển giao con tàu này - một trong những lớp tàu lớn nhất trong hạm đội Tuần duyên Mỹ - là biểu tượng cho quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam và sẽ giúp tăng cường thực thi luật hàng hải và khả năng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam. Ông Esper nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược này bằng cách tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan tâm chung như an ninh hàng hải, hoạt động gìn giữ hoà bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ. Điều này bao gồm việc trang bị cho Việt Nam năng lực cần thiết để bảo vệ chủ quyền và tài nguyên thiên nhiên để tiếp tục lớn mạnh”.
Ngay sau tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, giới truyền thông nhận định nhiều khả năng tuần duyên lớp Hamilton mà Mỹ sắp chuyển giao cho Việt Nam là tàu tuần tra cỡ lớn USCGC John Midgett (WHEC 726) thuộc lớp Hamilton. Theo nhận định từ giới chuyên môn, khả năng cao (gần như chắc chắn 100%) tàu tuần tra lớp Hamilton tiếp theo được Mỹ chuyển giao cho Việt Nam sẽ là chiếc USCGC John Midgett (WHEC 726) khi nó đã được lên kế hoạch loại biên trong năm 2020. Hiện chiếc USCGC John Midgett vẫn đang đóng quân ở bờ biển phía bên kia nước Mỹ, cảng nhà của nó là Seatle và dự kiến phải sang tới năm 2020 thì con tàu mới di chuyển về phía quần đảo Hawaii sau khi chính thức “nhận sổ hưu”.
Tàu tuần tra USCGC John Midgett có lượng giãn nước đầy tải 3.250 tấn; chiều dài 115m; chiều rộng 13m; mớn nước 4,6m; thủy thủ đoàn 160 người (20 sĩ quan, 140 thuyền viên). WHEC 726 được trang bị hệ thống động lực kết hợp gồm 2 động cơ diesel và 2 động cơ turbine khí, cho tốc độ tối đa 29 hải lý/h (53,7 km/h), tầm hoạt động 14.000 hải lý (22.531 km), thời gian bám biển liên tục 45 ngày. Vũ khí trang bị của WHEC 726 gồm radar trinh sát đường không 2D AN/SPS-40, pháo hạm Oto Breda cỡ 76,2mm, hệ thống phòng thủ tầm cực gần 20mm Phalanx CIWS. Bên cạnh đó trên tàu còn có pháo tự động M242 Bushmaster cỡ 25 mm, súng máy hạng nặng M2 Browning cỡ 12,7mm và súng máy hạng nhẹ M240 cỡ nòng 7,62mm.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, khi chuyển giao cho Việt Nam, tàu USCGC John Midgett nhiều khả năng sẽ bị tháo dỡ gần hết vũ khí trang bị trên tàu, cụ thể: Đầu tiên là tổ hợp pháo Mk38. Đây là tổ hợp pháo dành riêng cho hải quân được phát triển từ pháo M242 Bushmaster. Pháo sử dụng cỡ nòng 25mm và là loại pháo tự động, có tốc độ bắn cực nhanh, tối đa lên tới 500 viên một phút. Tầm bắn hiệu quả của pháo vào khoảng 3000 mét và tầm bắn tối đa lên tới 6800m. Nhiều khả năng Mỹ sẽ lột bỏ tổ hợp pháo này khỏi tàu Hamilton trước khi bàn giao cho phía Việt Nam. Thậm chí ngay cả khi Mỹ để lại tổ hợp này cho ta, phái Việt Nam cũng khó có thể khai thác triệt để được vì cỡ đạn mà khẩu pháo này sử dụng là 25x137mm - không đồng bộ với các cỡ đạn khác trong kho vũ khí của Việt Nam. Tiếp theo là tổ hợp pháo cao tốc Phalanx. Đây là tổ hợp pháo cao tốc cực kỳ hiện đại, có khả năng hoạt động hoàn toàn tự động, được sử dụng làm nhiệm vụ phòng thủ tầm gần trên các tàu chiến của Mỹ hiện tại. Trên các tàu lớp Hamilton, có một tổ hợp pháo cao tốc loại này được trang bị. Tuy nhiên gần như chắc chắn rằng Mỹ sẽ tháo bỏ tổ hợp này ra khỏi tàu chiến trước khi bàn giao cho Việt Nam. Cuối cùng là thứ vũ khí có “cơ may” được giữ lại nhiều nhất khi Mỹ bàn giao tàu Hamilton cho chúng ta - đó là khẩu pháo chính trên tàu, hải pháo ÔT Melara 76mm. Đây là khẩu pháo do Italia sản xuất từ năm 1964 và hiện tại là khẩu hải pháo hiện đại bậc nhất trên thế giới. Pháo có tầm bắn tối đa từ 16km cho tới 40km tuỳ từng loại đạn, kèm theo đó là cơ chế nạp đạn tự động với 80 viên sẵn trong ổ xoay, tốc độ bắn tối đa 120 viên mỗi phút. Cỡ đạn mà khẩu pháo này sử dụng là 76x636mm - tương đồng với cỡ đạn đang được sử dụng trên các tàu lớp Pohang mà Việt Nam chuyển giao cho chúng ta. Vậy nên bài toán nguồn cung đạn dược sẽ có thể được giải quyết dễ dàng.
Trước đó, Mỹ (5/2017) cũng đã chuyển giao tàu USCGC Morgenthau số hiệu 722 thuộc tàu tuần tra lớp Hamilton cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Tàu tuần duyên Morgenthau được sản xuất ở nhà máy Avondale, chính thức đưa vào sử dụng ngày 10/3/1969 và sau đó ngừng hoạt động ngày 18/4/2017 để chuyển giao cho phía Việt Nam. Con tàu có trọng tải 3.250 tấn, chiều dài 115m, chiều rộng 13m, có sức chứa 160 người (20 quan chức và 140 thủy thủ đoàn). Tàu Morgenthau được trang bị hai động cơ diesel và hai động cơ tua-bin khí, đạt tốc độ tối đa 29 hải lý (53,7km/h), dự trữ hành trình 14.000 hải lý (22.531km), 45 ngày hoạt động liên tục trên biển. Hệ thống trang thiết bị trên tàu bao gồm rada tìm kiếm mục tiêu trên không SPS-40 với tầm trinh sát tối đa 450km, khẩu pháo hạm Oto Breda 76,2mm, hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx CIWS, súng tự động Bushmaster M242 25mm, và súng máy hạng nặng M2 Browning 12,7mm…
Sau đó, tàu này được đổi tên thành CSB 8020 nhằm nâng cao năng lực nhận thức về các vấn đề hàng hải của Cảnh sát biển Việt Nam, tăng cường năng lực thực hiện các hoạt động thực thi luật hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và các hoạt động ứng phó nhân đạo trên biển. CSB 8020 đã được chính phủ Mỹ chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam thông qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA).
Việc bổ sung một tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton theo đánh giá sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam trong việc thực thi pháp luật trên các vùng biển thuộc chủ quyền, trong lúc chờ đợi tàu tuần tra DN-4000 lớn hơn được đóng mới.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?