Tin khắp nơi – 29/11/2019

Tin khắp nơi – 29/11/2019

TT Trump bất ngờ

đến thăm binh sỹ Mỹ ở Afghanistan vào Lễ Tạ ơn

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến thăm bất ngờ nhân dịp Lễ Tạ ơn đến Afghanistan hôm 28/11 để úy lạo binh sỹ Mỹ và nói ông tin rằng phiến quân Taliban sẽ đồng ý ngừng bắn trong cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ.
Chuyến thăm này là lần đầu tiên ông Trump tới Afghanistan kể từ khi trở thành tổng thống Mỹ và diễn ra một tuần sau khi Washington và Kabul thực hiện việc trao đổi tù nhân vốn làm tăng hy vọng hai phía sẽ đạt được một thỏa thuận hòa bình mà đến nay vẫn chưa thực hiện được.
“Taliban muốn có thỏa thuận và chúng tôi đang gặp gỡ họ”, ông Trump nói với các phóng viên sau khi đến Afghanistan sau chuyến bay đêm bí mật vì lý do an ninh.
“Chúng tôi nói rằng đó phải là một lệnh ngừng bắn và họ từng không muốn ngừng bắn nhưng bây giờ họ lại muốn, tôi tin thế. Có lẽ mọi việc sẽ tiến triển như thế”.
Các thủ lĩnh Taliban nói với Reuters rằng một lần nữa họ đã có các cuộc họp với các quan chức cấp cao của Mỹ tại Doha kể từ cuối tuần trước, và họ có thể sẽ sớm nối lại các cuộc hòa đàm chính thức.
Ông Zabihullah Mujahid, phát ngôn nhân của nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan này, nói với Reuters hôm 29/11 rằng họ ‘đã sẵn sàng khởi động lại các cuộc đàm phán’.
“Lập trường của chúng tôi vẫn vậy. Nếu hòa đàm bắt đầu, nó phải được nối lại ở chỗ mà nó đã ngưng lại”, ông Mujahid nói với Reuters.
“Chúng tôi hy vọng rằng chuyến thăm của ông Trump đến Afghanistan sẽ chứng tỏ rằng ông ấy nghiêm túc muốn khởi động lại cuộc đàm phán. Chúng tôi không nghĩ rằng ông ấy có nhiều sự lựa chọn”, một tư lệnh cấp cao của Taliban nói với Reuters với điều kiện giấu tên.
Chuyên cơ Không lực Một của tổng thống đã hạ cánh xuống sân bay Bagram vào tối muộn ngày 28/11, với sự tháp tùng của cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, một nhóm nhỏ các phụ tá và các đặc vụ của Sở Mật vụ.
Ông Trump đã gặp Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và phục vụ món gà tây cho số binh lính Mỹ trước khi ngồi xuống ăn bữa tối Lễ Tạ ơn cùng với họ. Ông nói chuyện và chụp ảnh với một số binh sỹ Mỹ được triển khai ở quốc gia này.
“Các bạn đang thực hiện sứ mạng rất tuyệt. Thật vinh dự khi có mặt ở đây”, ông nói.
Đây mới chỉ là chuyến thăm thứ hai của ông Trump đến một khu vực chiến sự. Ông là tổng thống Mỹ chưa bao giờ phục vũ trong quân ngũ và thường chế giễu sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột nước ngoài là ‘sai lầm tốn kém’. Ông đã đến Iraq vào năm 2018 trong dịp Giáng sinh để úy lạo binh sỹ.
Khi đến Afghanistan, ông Trump đã được Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, chào đón. Ông Milley hôm 27/11 cho biết các cuộc hòa đàm phán để chấm dứt cuộc chiến 18 năm ở Afghanistan ‘sắp sửa’ có kết quả.
Ông Trump muốn chấm dứt sự can dự của Mỹ vào Afghanistan từ những ngày ông còn là ứng viên ra tranh cử tổng thống.
Nhưng các cuộc đàm phán giữa Taliban và Hoa Kỳ đã sụp đổ hồi tháng 9 sau khi ông Trump hoãn cuộc họp đã được lên lịch với các thủ lĩnh Taliban tại Trại David với lý do Taliban gia tăng các hành động bạo lực.
Quân đội Hoa Kỳ cho biết kể từ đó họ đã tăng cường tấn công và pháo kích Taliban nhằm gây áp lực buộc phiến quân trở lại bàn đàm phán.
Hy vọng cho hòa bình đã tăng vào đầu tháng này, khi Taliban thả các con tin người Mỹ và Úc.
Tổng thống Ghani nhấn mạnh sự cần thiết phải dừng cuộc chiến. Ông đã viết trên Twitter sau khi gặp ông Trump: “Nếu Taliban chân thành trong cam kết muốn có thỏa thuận hòa bình, họ phải chấp nhận ngừng bắn”.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-b%E1%BA%A5t-ng%E1%BB%9D-%C4%91%E1%BA%BFn-th%C4%83m-binh-s%E1%BB%B9-m%E1%BB%B9-%E1%BB%9F-afghanistan-v%C3%A0o-l%E1%BB%85-t%E1%BA%A1-%C6%A1n/5186145.html

Tổng thống Mỹ thông báo

nối lại đàm phán với Taliban

Thanh Hà
Đúng ngày lễ Tạ Ơn 28/11/2019, tổng thống Donald Trump bất ngờ đến Afghanistan thăm lính Mỹ tại căn cứ quân sự Bagram, phía bắc thủ đô Kaboul. Tại đây, ông thông báo đàm phán với phe Taliban bị gián đoạn từ tháng 9/2019 đã được nối lại.
Từ Kaboul thông tín viên đài RFI, Sonia Ghezali gửi về bài tường trình :
Donald Trump đứng trên bục trước một cử tọa gồm 500 lính Mỹ. Sự kiện đã diễn ra tối ngày 28/11 tại căn cứ không quân ở Bagram. Tổng thống Mỹ cảm ơn các quân nhân Hoa Kỳ và những người lính Afghanistan đã dấn thân. Đây là lần đầu tiên từ khi bước vào Nhà Trắng tháng Giêng 2017, ông Trump đến Afghanistan.
Chuyến thăm này là cả một biểu tượng đối với 13.000 quân nhân Mỹ được triển khai tại Afghanistan, một cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani cũng đứng trên bục khi nguyên thủ Mỹ thông báo nối lại đàm phán với quân Taliban.
Các cuộc đối thoại đang diễn ra và ông Donald Trump tin rằng phe Taliban có thể là đang thiên về một giải pháp ngừng bắn. Bị gián đoạn từ hồi tháng 9/2019, đàm phán đã được khởi động lại cách nay hơn một tuần sau khi hai con tin, hai nhà nghiên cứu Mỹ và Úc, đã được trả tự do.
Đổi lại thì ba tù nhân có vai vế trong hàng ngũ Taliban cũng đã được phóng thích. Tổng thống Trump một lần nữa nhắc lại mục tiêu từng bước đưa quân về nước, chỉ để lại khoảng 8.600 quân. Tại Afghanistan, chuyến viếng thăm của tổng thống Donald Trump được coi như sự tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chính quyền và quân đội Afghanistan“.
http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191129-tong-thong-my-dam-phan-taliban

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo:

NATO cần hợp lực chống lại mối đe dọa từ TQ

Phát biểu sau Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao NATO được tổ chức tại Brussels – Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ây đã kêu gọi các quốc gia đồng minh NATO đoàn kết để đối phó lại các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Ngoại trưởng Pompeo (21/11) cho biết: “Liên minh của chúng ta phải giải quyết mối đe dọa hiện tại và lâu dài mà do Trung Quốc mang lại. 70 năm trước, các quốc gia sáng lập NATO đã cùng nhau vì sự nghiệp tự do và dân chủ. Chúng ta không thể bỏ qua những khác biệt trong niềm tin cơ bản giữa các quốc gia đồng minh của chúng ta và Trung Quốc. NATO thực sự là quan hệ đối tác chiến lược quan trọng nhất trong lịch sử được ghi nhận, đồng thời khẳng định Mỹ cam kết hợp tác với các đối tác NATO để xây dựng một liên minh thịnh vượng, ổn định, một châu Âu và một thế giới tự do vì lợi ích của tất cả mọi người. Tôi không biết đây là thời điểm chính xác để nói ra điều này hay không. Nhưng tất cả chúng ta sẽ nghĩ về điều đó. Và thật hợp lý khi tiếp tục đảm bảo rằng liên minh này được kết hợp với nhau, chia sẻ gánh nặng để cùng nhau tiến đến mục tiêu chung. Và ngày nay chúng ta có mối đe dọa từ đảng Cộng sản Trung Quốc, đó là điều mà NATO đã nghĩ về 70 năm trước khi thành lập”.
Trong khi đó, tại Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao NATO, Ngoại trưởng các nước NATO nhận định, không gian vũ trụ đang trở thành nơi cạnh tranh mạnh mẽ trong vài năm qua. Các đối thủ chính của NATO là Nga và Trung Quốc đã phát triển mạnh các công nghệ và vũ khí không gian. Vì thế, ưu tiên chiến lược của NATO trong thời gian tới sẽ là phát triển năng lực bảo vệ các vệ tinh quân sự cũng như dân sự của mình trước nguy cơ bị tấn công từ đối phương. Tuy nhiên, NATO tuyên bố khối quân sự này không có ý định đưa vũ khí lên không gian. Cùng với đó, các Ngoại trưởng NATO cũng đồng ý đề ra chiến lược theo dõi chặt chẽ sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Được biết, Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao NATO là nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào đầu tháng 12. Thời gian gần đây, liên minh quân sự NATO đang bị đặt trước nhiều nghi vấn về tương lai của tổ chức này, vai trò và chức năng, nhất là sau bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng, NATO đang “chết não” và việc Tổng thống Mỹ nêu ý tưởng rút ra khỏi liên minh quân sự này. Đặc biệt, gần đây, Mỹ rút binh sỹ khỏi miền bắc Syria, động thái được cho “bật đèn xanh” để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các tay súng người Kurd để khiến uy tín của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ bị giảm sút cũng như làm suy yếu liêm minh NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (21/11) cũng thừa nhận đang có nhiều khác biệt giữa các đồng minh về vai trò của NATO và các Ngoại trưởng sẽ phải đưa ra quan điểm của nước mình trong cuộc họp này. Ông Jens Stoltenberg cho rằng “NATO đã thực hiện chức năng tăng cường an ninh chung trong hàng chục năm qua. Mỹ sẽ không rời châu Âu, mà Mỹ thực sự trở lại châu Âu, hỗ trợ cho an ninh châu Âu. Các đồng minh châu Âu cũng đang chi ngân sách nhiều hơn cho quốc phòng. Chúng ta đang hiện đại hóa NATO bằng cấu trúc chỉ huy hoàn toàn mới, giải quyết các mối đe dọa chung và an ninh mạng. Bắc Mỹ và châu Âu đang phối hợp hành động nhiều hơn bao giờ hết trong hàng chục năm qua”.
Tuy nhiên để duy trì vai trò của NATO, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng, NATO cần được điều chỉnh để thích ứng với những thách thức hiện tại và phải có trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh châu Âu. NATO cần làm rõ khái niệm và vai trò chính trị, trong bối cảnh các thử thách mà liên minh phải đối mặt gần đây”. Đức và Pháp đề xuất thành lập một “ủy ban chuyên gia mới” nhằm bàn các vấn đề chiến lược để hồi sinh NATO. Ý tưởng mà Đức và Pháp đưa ra sẽ cho phép NATO có tầm nhìn chung tốt hơn về hướng đi của liên minh bởi NATO đã hiện đại hóa về mặt quân sự kể từ sự kiện bán đảo Crimea được sát nhập vào Nga năm 2014 nhưng vai trò trong việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới còn rất hạn chế.
http://biendong.net/bien-dong/31814-ngoai-truong-my-mike-pompeo-nato-can-hop-luc-chong-lai-moi-de-doa-tu-tq.html

Ba lựa chọn với Triều Tiên

giúp Mỹ tránh cơn bão nguy hiểm ở châu Á

Bất cứ tính toán sai lầm nào với 1 trong 3 vấn đề cũng sẽ ảnh hưởng tới các đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á cũng như sự ổn định của cả khu vực.
Trong vài tuần tới, Bán đảo Triều Tiên có thể sẽ phải đối mặt với một bước ngoặt – điều có thể ảnh hưởng tới các đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á và sự ổn định của cả khu vực nếu 3 vấn đề bất đồng không được giải quyết.
Ba vấn đề này là: chính sách ngoại giao của Mỹ với Triều Tiên; số phận của thỏa thuận hợp tác tình báo giữa Hàn Quốc và Nhật Bản – hai đồng minh của Mỹ; và các cuộc đàm phán về chi phí quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc. Cả 3 vấn đề đều đang ở giữa “ngã tư đường” và đang đi sai hướng.
Kịch bản tồi tệ nhất là sự hội của các vấn đề này có thể dẫn tới việc vội vàng giảm hoăc rút lính Mỹ khỏi Hàn Quốc, trong bối cảnh Triều Tiên và Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Những tác động chồng chéo lên nhau của các vấn đề có thể dẫn đến cơn bão bất ổn ở châu Á và trên toàn cầu.
Ngoại giao Mỹ với Triều Tiên
Tháng 4/2019, Triều Tiên đưa ra thời hạn cuối năm đối với Mỹ để thúc đẩy một thỏa thuận hạt nhân, hoặc nếu không Bình Nhưỡng sẽ tìm “giải pháp mới” nhằm đạt được sức mạnh quân sự và kinh tế.
Tổng thống Trump đối mặt với 3 lựa chọn để giải quyết vấn đề này trước khi kết thúc năm 2019.
Ông có thể “câu giờ” bằng cách gửi một lá thư khác tới Nhà lãnh đạo Kim Jong-un; tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh nữa với ông Kim; hoặc tiếp tục với các cuộc đàm phán cấp chuyên viên.
Mỗi lựa chọn lại đi kèm với những rủi ro.
Tháng 6/2019, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin ông Kim Jong-un đã nhận được “lá thư riêng” từ ông Trump với “nội dung rất tuyệt”.
Một lá thư khác nữa từ ông Trump gửi ông Kim sẽ cho cả 2 thời gian để tìm cách thúc đẩy tuyên bố chung sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất ở Singapore tháng 6/2018 về mối quan hệ mới, hòa bình, và phi hạt nhân hóa cũng như ngăn chặn một sự khiêu khích có thể diễn ra từ phía Triều Tiên.
Để một lá thư có thể phát huy tác dụng, ông Kim cũng sẽ vẫn cần một bước ngoặt đối thoại thuyết phục để đưa vào bài phát biểu năm mới nhằm giải thích lý do ông trì hoãn thời hạn chót của mình với Mỹ.
Một cuộc gặp thượng đỉnh nữa, lựa chọn thứ 2 của ông Trump, là không khôn ngoan nếu thiếu sự chuẩn bị phù hợp của các nhà đàm phán. Nó cũng dấy lên những rủi ro ông Trump sẽ “mắc bẫy” khi đi đến một thỏa thuận vội vàng theo đó có thể đưa lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc, làm suy yếu thêm sự ổn định trong khu vực cũng như không thể xác minh việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Ngoài ra, cuộc thượng đỉnh mới cũng có thể lặp lại kết cục “không thỏa thuận như cuộc gặp ở Hà Nội hồi tháng 2/2019 – điều đã gây thất vọng cho nhà lãnh đạo Triều Tiên và dẫn tới các vụ thử vũ khí liên tiếp.
Một thỏa thuận dù là khiêm tốn, như một bước đầu tiên của một quá trình dài hơn, cũng chỉ khả thi nếu cả 2 nhà lãnh đạo để ngỏ thỏa hiệp và sẵn sàng đàm phán.
Lựa chọn thứ 3 và tốt nhất ở thời điểm hiện nay là tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán cấp chuyên viên. Dù vậy, con đường này lại không phải dễ dàng. Ông Trump sẽ phải chấp nhận rằng sẽ khó có một bước đột phá sớm và chuẩn bị cho một sự khiêu khích có thể từ phía Triều Tiên nếu thời hạn chót mà Bình Nhưỡng đưa ra không được đáp ứng.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ phải trao quyền cho các nhà đàm phán của ông để thực sự đàm phán một thỏa thuận với Mỹ, bởi ông Trump có lẽ là Tổng thống Mỹ duy nhất sẵn lòng gặp ông Kim và đưa ra cho Bình Nhưỡng những lợi ích vượt sức tưởng tượng. Ông cũng phải hiểu rằng Mỹ sẽ không bị lúng túng bởi bất cứ hành động khiêu khích nào sau thời hạn chót [mà Triều Tiên đưa ra] – điều này chắc chắn sẽ vấp phải sức ép tối đa, sự răn đe, thậm chí đáp trả từ Mỹ.
Điều này có nghĩa là Triều Tiên cần phải cho phép các cuộc đàm phán diễn ra một cách phù hợp và không rời khỏi bàn đàm phán.
Các cuộc thảo luận ở Stockhom ngày 5/10 với Mỹ đã kết thúc nhanh chóng vì Triều Tiên đã không được nghe chính xác những gì họ muốn trong một cuộc mặc cả. Bình Nhưỡng lâu nay vẫn tìm cách dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc phá hủy bãi thử hạt nhân Yongbyon – điều mà 2 bên đã đưa ra bàn thảo luận ở Hà Nội – hoặc dừng tất cả các cuộc tập trận chung như một bước khởi đầu.
Liên minh ở giữa “ngã tư đường”
Hai trong số 3 vấn đề lớn có liên quan đến Hàn Quốc: tương lai của Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản và chi phí quân sự cho việc binh lính Mỹ đồn trú trên Bán đảo Triều Tiên.
Bất chấp sự trì hoãn có điều kiện hồi tuần trước, Hàn Quốc vẫn muốn chấm dứt GSOMIA nếu Nhật Bản không thay đổi thái độ về những vấn đề tranh cãi có nguồn gốc lịch sử sâu sắc giữa 2 nước.
Chấm dứt thỏa thuận có thể sẽ khiến việc chia sẻ thông tin và giám sát chương trình tên lửa của Triều Tiên thêm khó khăn.
Nếu hồ sơ Triều Tiên trở lại những ngày “lửa và giận dữ” như năm 2017 – thời điểm mà nhiều người lo ngại những lời chỉ trích và đe dọa có thể nổ ra thành một cuộc xung đột không chủ ý – thì việc kết thúc GSOMIA sẽ khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản không thể phối hợp hành động kịp thời.
Một vấn đề khác, việc ông Trump đang yêu cầu Hàn Quốc chi thêm 400% trong năm 2020 cho việc đồn trú 28.500 binh sỹ Mỹ trên bán đảo Triều Tiên có thể đổ thêm dầu vào lửa làn sóng phản đối Mỹ ở Hàn Quốc. Trong khi đó, phía Hàn Quốc chưa chắc sẽ chi toàn bộ số tiền mà ông Trump yêu cầu.
Nếu ông Trump đáp trả bằng việc rút toàn bộ hoặc một phần binh sỹ Mỹ khỏi Hàn Quốc để làm hài lòng cử tri trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, điều này sẽ làm dấy lên căng thẳng với một đồng minh chủ chốt tại châu Á, làm suy yếu sự phòng vệ liên kết chống lại Triều Tiên. Hàn Quốc và Nhật Bản khi đó sẽ phải xem xét lại các lựa chọn vũ khí hạt nhân của riêng mình. Trong khi đó, quan hệ của Mỹ với các đồng minh sẽ ngày càng trở nên tồi tệ, từ đó làm xói mòn ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ trên thế giới.
Bất cứ tính toán sai lầm nào với 1 trong 3 vấn đề trên đều sẽ tác động đến những vấn đề còn lại. Kết cục này sẽ đem lại chiến thắng dễ dàng cho Triều Tiên, Trung Quốc và Nga
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31801-ba-lua-chon-voi-trieu-tien-giup-my-tranh-con-bao-nguy-hiem-o-chau-a.html

Trump thông qua dự luật Hong Kong,

 thương chiến Mỹ-Trung bị ảnh hưởng gì?

Giới quan sát lo ngại việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký dự luật Dân chủ và nhân quyền Hong Kong sẽ đẩy đàm phán thương mại Mỹ – Trung tới bước ngoặt xấu.
Tín hiệu từ thị trường chứng khoán châu Á sáng 28-11 nhiễu động vì quyết định mới nhất của Tổng thống Trump, theo Reuters.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 0,15% trong những phút đầu của phiên giao dịch sáng 28-11, trong khi chỉ số Topix chỉ nhỉnh hơn một chút. Ngược lại, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,3%.
Chỉ số MSCI cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, không tính Nhật Bản, có dao động nhỏ vào đầu phiên giao dịch. Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc cũng tăng 0,3%.
Trước thông tin mới, chiến lược gia trưởng tại sàn giao dịch CMC Markets (Sydney), ông Michael McCarthy cho rằng giá cổ phiếu tạm thời vẫn sẽ tăng theo quán tính từ những thông tin tích cực một ngày trước đó, khi phía Trung Quốc công bố cuộc điện đàm giữa các quan chức thương mại 2 bên nhằm chốt thỏa thuận giai đoạn 1.
Ông McCarthy cho rằng việc ông Trump ký dự luật Dân chủ và nhân quyền Hong Kong có thể chặn đứng diễn biến tốt của đàm phán thương mại Mỹ – Trung. Dù vậy, ông dự đoán thị trường có thể vẫn muốn đánh cược.
Bloomberg nhận định nếu thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 không được thông qua trước ngày 15-12, ông Trump sẽ phải cân nhắc việc thực hiện lời đe dọa áp 15% thuế quan bổ sung đối với khoảng 160 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chỉ mới tuần trước, Tổng thống Mỹ từng tuyên bố không thể chốt cùng Trung Quốc “một thỏa thuận cân bằng” vì khi Mỹ chỉ mới “bắt đầu từ nền nhà” thì Trung Quốc đã “leo tới trần nhà”.
“Trọng tâm là chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận vào ngày 15-12. Liệu Mỹ có đồng ý hoãn áp thuế quan vì thiện chí?”, ông Khoon Goh, người đứng đầu phòng nghiên cứu châu Á của Tập đoàn Australia & New Zealand Banking Group, nhấn mạnh.
Giới chuyên gia cho rằng ông Trump còn phải đối mặt với những ngờ vực tại chính nước Mỹ về ý nghĩa thật sự của một thỏa thuận tạm thời. Khả năng thỏa thuận này có thể mở đường cho những vòng đàm phán tiếp theo cũng là một câu hỏi lớn.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31795-trump-thong-qua-du-luat-hong-kong-thuong-chien-my-trung-bi-anh-huong-gi.html

‘Mỹ bảo vệ không công

91% dầu TQ qua eo Hormuz’

Những căng thẳng ở Trung Đông nói chung và vịnh Ba Tư nói riêng đã tạm thời lắng xuống, nhưng nguy cơ xung đột vẫn còn
Giờ là lúc các bên có thời gian tĩnh tâm để âm thầm đánh giá về đối thủ và xem xét lại sức mạnh của chính mình. Còn Trung Quốc đang phải trả lời câu hỏi, liệu hải quân nước này có đủ khả năng tuần tiễu bảo vệ các thương thuyền của mình trên tuyến hàng hải qua eo biển Hormuz?
Ông Trump mở đường cho Trung Quốc vào vịnh Ba Tư?
Trong suốt năm 2019, Hoa Kỳ và Iran đã nhiều lần đến bên bờ vực xung đột. Tàu chở dầu bị tấn công; máy bay không người lái bị bắn hạ hồi tháng 6, sau đó là các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi vào tháng 9.
Những chính khách diều hâu Washington nổi nóng kêu gọi Lầu Năm Góc “phải dạy cho Teheran một bài học tàn khốc” để đáp lại sự táo tợn của Iran. Họ cho rằng, uy tín của Mỹ trên toàn thế giới đã bị đe dọa.
Ngược lại, những người chủ trương hòa bình và không can thiệp lại ủng hộ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump né tránh một cuộc chiến khác ở Trung Đông, sau khi ông Trump rút một phần lực lượng quân sự khỏi Syria.
Giữa tất cả những sự kiện đáng ngạc nhiên trong cuộc khủng hoảng cuối tháng 6 năm 2019 ở Vịnh Ba Tư, Tổng thống Mỹ đã thể hiện một sự thẳng thắn đáng kinh ngạc nhưng đúng với tính cách của ông, khi tuyên bố:
“Trung Quốc nhận được 91% lượng dầu qua eo biển Hormuz, Nhật Bản là 62% và nhiều quốc gia khác cũng nhận được lượng dầu lớn thông qua eo biển huyết mạch này. Vậy tại sao trong nhiều năm, chúng ta [Mỹ] phải bảo vệ các tuyến đường vận chuyển cho các quốc gia khác để được bồi thường bằng 0? Tất cả các quốc gia này nên tự bảo vệ tàu của mình”.
Một cựu quan chức tình báo Hoa Kỳ được cho là đã có một thông điệp quan trọng hơn, với một khuyến cáo như sau: “Trung Quốc không bỏ ra một đồng nào, nhưng họ vẫn tiếp tục được hưởng an ninh mà chúng ta cung cấp”.
Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng tất nhiên đã khiến những quan chức cấp cao vốn cứng rắn với Trung Quốc hết sức bực bội, họ cảm thấy bất ngờ với lời mời “rất cởi mở” của Tổng thống gửi tới Bắc Kinh về việc phái lực lượng quân sự quy mô lớn đến vịnh Ba Tư.
Các chính khách này cho rằng, trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã “yếu đuối” ở nhiều nơi, bắt đầu từ sự kiện bãi cạn Scarborough vào năm 2012, dẫn đến việc Tổng thống Philippines Duterte trở nên thân thiết với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Do đó, nếu Bắc Kinh đưa quân đến vịnh Ba Tư, đó có thể là cái đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài chôn vùi vị thế thống trị toàn cầu của Mỹ.
Trung Quốc được lợi gì khi tuần tra Hormuz?
Trung Quốc làm gì với lời mời hấp dẫn của ông Trump để nhận được “chiếc chén thánh quyền lực”? Một bài viết phân tích khá đầy đủ về vấn đề này đã được công bố trên một tạp chí hải quân nổi tiếng của chính Trung Quốc mang tên “Tàu thuyền hiện đại” (现代舰船-Modern Ships], Số 16 – Năm 2019 với tiêu đề: “Trung Quốc có nên tiến hành hộ tống hàng hải ở eo biển Hormuz hay không?” (“Should China Undertake Escort of Navigation in the Strait of Hormuz? – 中国应该当在霍尔木兹海峡实施护航?”).
Theo bài viết, có rất nhiều người phương Tây thực sự ủng hộ Hải quân Trung Quốc (PLAF) tiếp quản nhiệm vụ tuần tiễu ở eo biển Hormuz, thúc giục Bắc Kinh gửi chiến hạm đến khu vực này.
Trung Quốc sở hữu hạm đội tàu mặt nước có kinh nghiệm dồi dào thông qua hàng thập niên triển khai lực lượng hộ tống hàng hải, chống cướp biển ở vịnh Aden – Somalia, cũng như có căn cứ hải quân mới mở ở quốc gia cạnh đó là Djibouti.
Bài viết cũng khẳng định số liệu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ ra là 91% dầu thô xuất khẩu sang Đại Lục đi qua eo biển Hormuz là chưa chính xác. Bất chấp việc 5 trong số 10 nhà xuất khẩu dầu hàng đầu sang Trung Quốc nằm ở vịnh Ba Tư, lượng dầu thô xuất khẩu sang Trung Quốc thực tế là khoảng 44%.
Vì vậy, Bắc Kinh không phải là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào dầu mỏ từ vịnh Ba Tư. Ngược lại, tác giả cho rằng, Nhật Bản mới là nước phụ thuộc lớn nhất ở mức 88% và con số của Hàn Quốc cũng cực kỳ cao, ở mức 82%.
Các nhà phân tích Trung Quốc cũng đánh giá rằng, một quốc gia nằm trong vịnh Ba Tư sẽ dễ dàng phong tỏa eo biển này; khiến không có tàu dân sự nào có thể đi qua, nên không dễ để chống lại điều này.
Trong lịch sử các cuộc chiến ở khu vực này, Hoa Kỳ và các đồng minh đã từng triển khai 175 tàu chiến trong Chiến tranh vịnh Ba Tư, nhưng giá bảo hiểm cho các tàu dân sự đi vào vùng Vịnh vào thời điểm đó vẫn tăng gấp ba lần so với trước.
Bài viết chỉ ra, một cuộc tuần tra ở eo biển Hormuz, với sự tiếp xúc và trải nghiệm của một nhiệm vụ xuyên quốc gia sẽ cho Hải quân Trung Quốc những kinh nghiệm quý báu về việc thực thi các nhiệm vụ toàn cầu, hơn nữa còn khiến Bắc Kinh có lí do để tuyên truyền rằng, nước này đã có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp bảo vệ lợi ích của cộng đồng quốc tế, có lợi cho Trung Quốc trong việc nâng cao vị thế, trở thành một cường quốc toàn cầu, đánh bại ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông.
Trung Quốc chưa đủ điều kiện đặt chân tới Trung Đông?
Bài viết cho rằng, việc Hải quân Trung Quốc thực hiện các hoạt động hộ tống ở eo biển Hormuz là điều hoàn toàn không đơn giản và việc so sánh một nhiệm vụ lớn như vậy với hoạt động hộ tống hàng hải ở vịnh Aden là khá khập khiễng.
Cướp biển là đối thủ không cân xứng và một lực lượng hải quân nhỏ cũng dễ dàng chiến thắng, nhưng nếu điều chiến hạm đến vịnh Ba Tư, đối thủ không còn là lũ hải tặc yếu đuối, Trung Quốc hoàn toàn chưa đủ khả năng đảm nhận nhiệm vụ này.
Tác giả cho rằng, yếu tố tiềm ẩn nguy cơ nhất đối với an ninh khu vực này rõ ràng là căng thẳng giữa Iran với Mỹ và đồng minh, nếu Trung Quốc hiện diện ở eo biển Hormuz, rất có thể họ sẽ nảy sinh xung đột với một hoặc nhiều quốc gia ven biển vùng vịnh Ba Tư. Rõ ràng là Trung Quốc chẳng muốn bị kéo vào một cuộc chiến giữa Iran với Mỹ và Saudi, UAE…
Hơn nữa, thời gian gần đây Bắc Kinh dường như đang tập trung vào việc giảm sự phụ thuộc vào lượng dầu qua eo biển Hormuz bằng cách tăng nhập khẩu năng lượng từ Nga và Trung Á. Như vậy, nước này
dường như chưa có ý định thò tay vào vịnh Ba Tư. Trường hợp bất đắc dĩ, nếu thực sự cuộc chiến nổ ra giữa Mỹ với Iran, thì Trung Quốc mới cân nhắc tới việc gửi tàu chiến đến bảo vệ các thương thuyền của mình.
Theo phân tích trên trang web chuyên nghiên cứu về hải quân Trung Quốc này, chắc chắn là Bắc Kinh sẽ không có hành động nào để hỗ trợ các lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran và ngược lại cũng sẽ không ủng hộ các kế hoạch hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, bài báo cũng nhấn mạnh rằng, nếu xét đến chiến lược trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu thì trước sau gì Trung Quốc cũng sẽ đặt chân đến Trung Đông, điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh phải nghĩ đến việc chống lại và làm giảm khả năng của các cường quốc trong và ngoài khu vực đang tìm cách kiểm soát eo biển Hormuz.
Trong thời điểm hiện nay, Bắc Kinh không nên đột ngột thực hiện một sự can thiệp quân sự vào khu vực này mà bắt đầu gia tăng dần ảnh hưởng chính trị, ngoại giao, đẩy mạnh ảnh hưởng về kinh tế và “bình thường hóa” sự hiện diện quân sự. Hải quân Trung Quốc cũng cần tiến hành công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, ví dụ như làm quen với các yếu tố tự nhiên như độ sâu, luồng lạch và các điều kiện thủy văn trong khu vực.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cần phát triển một hệ thống cảnh báo khẩn cấp để đối phó với các cuộc khủng hoảng ở khu vực biến động nhất thế giới này. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, Trung Quốc có thể cũng sẽ lún sâu vào bãi lầy Trung Đông như Mỹ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31767-my-bao-ve-khong-cong-91-dau-tq-qua-eo-hormuz.html

Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc

bị phê phán vì Hồng Kông

Minh Luật
Hôm 25/11/2019, hơn 20 tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng chỉ trích Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đưa ra tiếng nói sai lệch về tình hình biểu tình ở Hồng Kông.
Trong tuyên bố được phát đi bởi một nhóm các tổ chức nhân quyền quốc tế nói rằng: “Thông cáo báo chí của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ vào hôm 19/11, đánh giá chính quyền Hồng Kông đã rất tôn trọng việc thực thi quyền tự do hội họp hòa bình là không chính xác”.
Theo các tổ chức nhân quyền, cảnh sát Hồng Kông ngày càng từ chối cấp phép cho các cuộc hội họp và tuần hành ôn hòa, cũng như giam giữ tùy tiện các cá nhân vì lý do “hội họp bất hợp pháp”.
“Cảnh sát đã bắt giữ gần 4.500 cá nhân liên quan đến các cuộc biểu tình kể từ ngày 9 tháng 6, và có bằng chứng đáng tin cậy về việc tra tấn và ngược đãi người biểu tình của cảnh sát khi bị giam giữ”, tuyên bố cho biết.
Tuyên bố này cũng bày tỏ mối quan ngại về việc “không một sĩ quan cảnh sát nào phải đối mặt cho việc bị truy tố cho hành động sử dụng vũ lực quá mức hoặc lạm dụng quyền lực liên quan đến sự đàn áp”.
Các nhóm nhân quyền đã nhắc lại nhiệm vụ của Cao ủy Nhân quyền cần sử dụng vị trí của mình để nêu lên những lo ngại nghiêm trọng về vi phạm nhân quyền ở mọi nơi trên thế giới.
Văn phòng Cao ủy đã làm tổn hại đến uy tín của mình qua việc phớt lờ sự tàn bạo của cảnh sát và sự đàn áp của người dân Hồng Kông trong việc thực thi ôn hòa các quyền tự do cơ bản của họ”, tuyên bố của các tổ chức nhân quyền nhận định.
Qua đó các tổ chức này kêu gọi Cao ủy nhân quyền LHQ Michelle Bachelet, nên công khai tố cáo Chính phủ Hồng Kông vì vi phạm có hệ thống các quyền tự do hội họp hòa bình và tự do ngôn luận, và lên án việc sử dụng bạo lực không cần thiết và không tương xứng của cảnh sát Hồng Kông.
Tuyên bố này có sự tham gia đồng đứng tên của các tổ chức nhân quyền quốc tế uy tín như Ân xá quốc tế (Amnesty International), Hỗ trợ Quốc tế cho Nhân quyền (International Service for Human Rights), Tổ chức Chống tra tấn thế giới (World Organisation Against), Liên minh thế giới vì sự tham gia của người dân (CIVICUS), Điều 19 (Article 19), ….
Cao ủy nhân quyền từng nói gì?
Trong thông cáo báo chí được đăng tải trên trang website của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ vào hôm 19/11, phát ngôn viên Rupert Colville cho biết, cơ quan này “rất quan tâm về tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng ở Hồng Kông”, nhưng lại chỉ trích các nhóm thanh niên tham gia vào các cuộc biểu tình đã gây ra tình trạng bạo lực này.
Thông cáo báo chí của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ nêu rõ: “Đại đa số người dân Hồng Kông đã thực hiện quyền tự do hội họp một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp – và chính quyền đã rất tôn trọng việc thực thi quyền này. Do đó, việc sử dụng bạo lực cực đoan – bao gồm chống lại lực lượng cảnh sát – bởi một số người tham gia vào các cuộc biểu tình là rất đáng tiếc và không thể tha thứ.
Phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền đã bị chỉ trích mạnh mẽ từ các tổ chức nhân quyền quốc tế, mà họ gọi đây là một phát ngôn lố bịch.
Xung đột tiếng nói giữa Cao ủy Nhân quyền LHQ và các tổ chức nhân quyền quốc tế là điều hiếm khi xảy ra. Nhiều người nhận định Văn phòng Cao Ủy Nhân quyền đã chịu nhiều ảnh hưởng từ nhà cầm quyền Bắc Kinh khi đưa ra nhận xét thiếu khách quan về tình hình biểu tình ở Hồng Kông.
Theo sự kiện mới nhất diễn ra tại Hồng Kông, trong cuộc bầu cử Hội đồng cấp quận tại đặc khu hành chính này vào hôm 24/11, các ứng viên đại diện cho lực lượng đấu tranh cho dân chủ đã giành chiến thắng áp đảo trước các lực lượng chính trị thân chính quyền Bắc Kinh. Điều này cho thấy đa phần người dân Hồng Kông đã lựa chọn đứng về phe biểu tình.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/un-human-right-council-criticized-for-its-reaction-to-hongkong-situation-11282019215536.html

Châu Âu tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp khí hậu’

Nghị viện châu Âu mới đây tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp toàn cầu về khí hậu và môi trường’ trong khi kêu gọi tất cả các nước EU cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050, nhật báo Guardian của Anh cho biết.
Cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện châu Âu diễn ra khi các khoa học gia cảnh báo rằng thế giới có thể đã đi quá một loạt các điểm duy trì thăng bằng về khí hậu và dẫn đến ‘tình trạng khẩn cấp cho hành tinh’.
Mặc dù có dụng ý chứng minh cam kết của châu Âu về môi trường vài ngày trước một hội nghị quan trọng về khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra ở Madrid, cuộc bỏ phiếu này cũng nhằm gia tăng áp lực lên bà Ursula von der Leyen, tân chủ tịch Ủy ban châu Âu, người tuyên bố trong tuần này rằng EU sẽ lãnh đạo cuộc chiến chống lại ‘mối đe dọa mang tính sống còn’ của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Mặc dù được thông qua với đa số rộng rãi, gồm 429 phiếu thuận, 225 phiếu chống và 19 phiếu trắng – các nghị viên châu Âu thuộc toàn thể các xu hướng chính trị đã cảnh báo không nên chỉ có những cử chỉ tượng trưng.
Các nhà vận động môi trường cho biết tuyên bố này không đi kèm với các hành động đầy đủ. “Ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy. Nghị viện châu Âu đã nhìn thấy đám cháy, nhưng chỉ đứng nhìn và theo dõi thôi thì không đủ”, Sebastian Mang, cố vấn về chính sách khí hậu EU của Greenpeace, nói ngay trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu.
Trong một cuộc bỏ phiếu riêng rẽ hôm 28/11, các nghị sỹ châu Âu đã ủng hộ một nghị quyết tuyên bố rằng các mục tiêu khí hậu hiện tại của EU ‘không tương thích’ với thỏa thuận khí hậu Paris 2015 vốn kêu gọi giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ‘thấp hơn’ 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, nhưng chỉ đặt mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ không quá 1,5 độ C.
Các nghị sỹ ủng hộ mục tiêu khó nhằn hơn là cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, tức cao hơn mục tiêu hiện tại là 40%, nhưng vẫn bị các chính trị gia và các nhà vận động môi trường chế nhạo ‘không đủ’.
Ông Pascal Canfin, nghị sỹ tự do của Pháp, người soạn thảo nghị quyết khẩn cấp khí hậu, nói: “Việc châu Âu là lục địa đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và môi trường, ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP25, khi Ủy ban châu Âu mới nhậm chức và ba tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận Paris, là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến công dân châu Âu và phần còn lại của thế giới”.
Trong một diễn biến riêng rẽ, Mạng lưới Hành động Khí hậu, một liên minh quy tụ 1.700 tổ chức phi chính phủ, đã cảnh báo rằng các quốc gia thành viên EU sẽ phải vượt xa mục tiêu cắt giảm carbon hiện tại đặt ra cho đến năm 2030 để theo đúng thỏa thuận khí hậu Paris.
Một đánh giá của Mạng lưới Hành động Khí hậu cho biết châu Âu ‘không có đủ tham vọng’ để chuyển sang năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và loại bỏ than.
Báo cáo nhấn mạnh rằng đã có tiến bộ đáng kể từ khi các nước đệ trình kế hoạch ban đầu vào năm 2018. Hy Lạp, Hungary và Slovakia đã đồng ý loại bỏ than trong ngành năng lượng của họ cho đến năm 2030. Điều này có nghĩa là than chỉ còn tập trung tại năm quốc gia EU vào năm 2030: Bulgaria, Cộng hòa Séc, Đức, Ba Lan và Romania.
“Các quốc gia thành viên EU còn một tháng nữa để cải thiện kế hoạch của họ”, bà Wendel Trio, giám đốc Mạng lưới Hành động Khí hậu, cho biết. “Rõ ràng là chất lượng của các kế hoạch này sẽ đè nặng lên khả năng hành động của EU trong vấn đề thay đổi khí hậu trong thập kỷ tới. Họ phải đặt ra con đường rõ ràng sẽ cho phép khối tăng mục tiêu khí hậu, từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và tăng tốc xây dựng nền kinh tế dựa trên năng lượng và hiệu quả hoàn toàn về mặt năng lượng”.
https://www.voatiengviet.com/a/ch%C3%A2u-%C3%A2u-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%91-t%C3%ACnh-tr%E1%BA%A1ng-kh%E1%BA%A9n-c%E1%BA%A5p-kh%C3%AD-h%E1%BA%ADu-/5186440.html

Cảnh sát bắn kẻ dùng dao đâm người ở Cầu London

Cảnh sát Anh hôm 29/11 đã bắn một người đàn ông sau một vụ đâm dao ở khu vực Cầu London trong trung tâm thành phố, một nguồn tin an ninh nói với Reuters.
Các đoạn video và hình ảnh trên Twitter cho thấy một số xe cảnh sát và xe buýt trên cầu và một chiếc xe tải nằm vắt qua nhiều làn đường.
Đoạn video dài 14 giây trên Twitter được quay từ điểm cao ở phía bên kia đường cho thấy có vẻ như ba nhân viên cảnh sát đang lùi lại trước một người đàn ông nằm trên hè phố.
Hai trong số các cảnh sát này đang chĩa súng trường vào người đàn ông, người này được nhìn thấy đang di chuyển một chút. Reuters không thể kiểm chứng độc lập đoạn video trên.
“Cảnh sát đã được gọi vào lúc 1:58h chiều đến hiện trường vụ đâm dao tại các điểm gần Cầu London”, cảnh sát cho biết trong một thông cáo. “Một người đàn ông đã bị cảnh sát bắt giữ. Chúng tôi tin rằng một số người đã bị thương”.
Cầu London là hiện trường của một cuộc tấn công hồi tháng 6/2017 khi ba kẻ hiếu chiến lái xe tải thùng kín đâm vào khách bộ hành và sau đó tấn công người dân ở khu vực xung quanh, khiến 8 người chết.
https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-b%E1%BA%AFn-k%E1%BA%BB-d%C3%B9ng-dao-%C4%91%C3%A2m-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-%E1%BB%9F-c%E1%BA%A7u-london/5186453.html

Xác người ‘chất đống, chuột gặm’

tại trung tâm hiến tạng Đại học Paris-Descartes

Trung tâm hiến tạng tại một trường đại học ở Paris đã tạm thời đóng cửa để chính phủ điều tra.
Hàng ngàn thi thể bị để trong tình trạng phân hủy, mất vệ sinh tại Trung tâm hiến tạng tại Đại học Paris-Descartes.
Một số xác và các bộ phận cơ thể đã được cho là đã bị bán cho các công ty tư nhân, theo như cáo buộc.
Tờ L’Express của Pháp là hãng tin đầu tiên tiết lộ sự việc này vào hôm thứ Ba.
Một cuộc điều tra của tờ báo cho biết hàng chục thi thể được lưu giữ trong tình trạng “khỏa thân, phân hủy, chất đống trên những chiếc xe cáng, mắt mở trừng trừng”.
Tờ báo mô tả trung tâm là “một ngôi mộ tập thể ở giữa lòng Paris”.
Trường đại học đã ghi nhận về cuộc điều tra và xin lỗi gia đình của những người hiến tặng xác.
TQ phạt tù 16 người cấy ghép thận chui
Trường sinh bất lão trong tầm tay?
Trong một thông báo trên trang web của mình (bằng tiếng Pháp), trường đại học thừa nhận trung tâm đã không đáp ứng được “yêu cầu của xã hội về tôn trọng phẩm giá”.
“Đại học Paris-Descartes mong muốn xin lỗi các gia đình về chuyện này. Trường đại học mong muốn làm rõ và tái khẳng định cam kết đầy đủ của mình với phẩm giá của những người hiến xác và gia đình của họ.”
Liên minh Y học Tự do Pháp (UFML) cho biết sẽ nộp đơn khiếu nại. Chủ tịch Jerome Marty nói với đài franceinfo rằng chuyện này đã khiến ngành Y mang tiếng xấu.
Tờ báo đã phát hiện thấy gì?
Trong hơn một thập kỷ, hàng ngàn thi thể được hiến tặng cho mục đích nghiên cứu được cho là được lưu trữ trong điều kiện tồi tệ và được bán cho mục đích phi đạo đức.
Một số thi thể được xếp chồng lên nhau “không có chút tôn trọng nào”, tờ báo cho biết. Một số thi thể thậm chí đã bị chuột gặm.
Một số thi thể được cho là bị tàn phá nặng nề đến mức chúng phải được thiêu hủy mà không được mổ xẻ.
Trong một số trường hợp, các thi thể được cho là bị đem bán cho các công ty tư nhân với mục đích không phù hợp, chẳng hạn như kiểm tra tai nạn xe hơi. Toàn bộ cơ thể có thể được bán với giá 900 euro, còn giá cho một chi là 400 euro, tờ báo cho biết.
Tờ báo cho biết họ đã thấy những bức ảnh được chụp bên trong cơ sở này từ năm 2016.
Những bức ảnh được lấy từ một tài liệu dài 27 trang được Giáo sư Richard Douard, chủ tịch của trung tâm từ năm 2014 đến 2017, trao cho Frederic Dardel, cựu chủ tịch của trường đại học.
Đối mặt với những gì ông gọi là “sự chây ì của các cơ quan công quyền”, ông Douard đã từ chức vào tháng 10 /017, tờ Le Figaro đưa tin.
Đại học Paris-Descartes cho biết cơ sở này sẽ đóng cửa cho đến khi Bộ Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới của Pháp tiến hành điều tra.
Cuộc điều tra sẽ “cho thấy thực tế của sự thật”, trường đại học nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50597526

Trực thăng Pháp bị nạn ở Mali:

Paris bác bỏ lời nhận trách nhiệm của Daech

Trọng Nghĩa
Ngày 29/11/2019, trên đài RFI, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng François Lecointre, đã khẳng định : Việc hai trực thăng chiến đấu của Pháp va chạm nhau tại Mali gây thiệt mạng cho 13 lính Pháp không phải là do bị bắn trúng hay một hành động nào khác của lực lượng thánh chiến Daech đang bị truy quét.
Trả lời phỏng vấn của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp RFI, tướng Lecointre đã phủ nhận tuyên bố hôm 28/11 của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, theo đó hai chiếc trực thăng Pháp va chạm nhau là do tránh đạn của lực lượng thánh chiến.
Tướng Lecointre nhấn mạnh lập luận này là “hoàn toàn sai lạc”. Theo ông, “sự thật là đã xẩy ra va chạm (giữa hai chiếc trực thăng) trong một chiến dịch rất phức tạp, cần đến một sự phối hợp tinh tế”, nhưng “không hề có hành động tấn công nào của quân thánh chiến đang bị bám sát và truy đuổi dưới đất. Không có một máy bay bị đẩy lùi vì bị nhắm bắn”.
Chi nhánh vùng Tây Phi của Daech hôm 28/11 khẳng định rằng chính là họ đã gây ra tai nạn trực thăng làm cho 13 quân nhân Pháp thiệt mạng. Theo cơ quan Mỹ SITE Intel Group, chuyên theo dõi hoạt động của các thành phần Hồi Giáo cực đoan, trong lời tự nhận trách nhiệm của Daech có nói đến chi tiết là hai trực thăng Pháp va chạm nhau khi một trong hai chiếc nằm trong lưới đạn của quân thánh chiến.
Tai nạn hôm thứ Hai 25/11 vừa qua tại Mali đã gây tổn thất nặng nề nhất cho lực lượng Pháp từ sau vụ tấn công khủng bố nhắm vào tổng hành dinh lực lượng Pháp Drakkar ở Beyrouth vào năm 1983, làm 58 người thiệt mạng.
Trưa thứ Hai, 02/12, tổng thống Pháp Macron sẽ chủ trì lễ tưởng niệm 13 quân nhân vừa tử nạn tại Mali ở điện Invalides, Paris với sự hiện diện của tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keïta.
http://vi.rfi.fr/ph%C3%A1p/20191129-tr%E1%BB%B1c-th%C4%83ng-ph%C3%A1p-mali-paris-daech

Khủng bố năm 2015 ở Pháp :

Viện công tố đề nghị xử 20 người

Thanh Phương
Sau bốn năm điều tra, ngày 29/11/2019, viện công tố chống khủng bố của Pháp đề nghị đưa ra xét xử tổng cộng 20 người về các vụ tấn công khủng bố ở Paris và vùng ngoại ô tháng 11 năm 2015, làm thiệt mạng 130 người.
Trong số những người mà viện công tố muốn đưa ra tòa, có Salah Abdeslam, mang hai quốc tịch Bỉ-Pháp, người duy nhất sống sót trong nhóm khủng bố. Abdeslam đã bị giam ở Pháp từ 3 năm rưỡi nay.
Ngoài ra, viện công tố còn đề nghị xử khiếm diện nghi can người Bỉ Oussama Atar, một lãnh đạo của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, được cho là người từ Syria đã lên kế hoạch cho các vụ khủng bố năm 2015. Nghi can này chưa bao giờ bị bắt giữ và các cơ quan tình báo xem là đã chết. Oussama Atar nằm trong số 6 nghi can đang bị truy nã theo lệnh truy nã quốc tế, mà viện công tố đề nghị xử khiếm diện.
Các phiên xử sẽ bắt đầu vào năm 2021 và quyết định cuối cùng về tầm mức của phiên tòa là thuộc về các thẩm phán đặc trách điều tra về các vụ tấn công khủng bố năm 2015.
Ngày 13/11/2015, nhóm khủng bố đã tấn công nhiều nơi ở Paris, nhất là tại rạp hát Bataclan, và vùng ngoại ô Saint-Denis, hạ sát tổng cộng 130 người và làm bị thương hơn 350 người. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ khủng bố này.
Các cuộc điều tra đã cho thấy đằng sau các vụ khủng bố 2015 tại Pháp là một mạng lưới thánh chiến Hồi Giáo quan trọng, với các cơ sở khắp châu Âu, đặc biệt là ở vương quốc Bỉ. Cũng chính mạng lưới này, ngày 22/03/2016, đã tấn công sân bay và metro ở Bruxelles, khiến 32 người thiệt mạng.
http://vi.rfi.fr/ph%C3%A1p/20191129-kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91-n%C4%83m-2015-ph%C3%A1p-vi%E1%BB%87n-c%C3%B4ng-t%E1%BB%91-20-ng%C6%B0%E1%BB%9Di

Nga và Trung Quốc

đồng ý tăng cường phối hợp chiến lược

Nga-Trung đồng ý tăng cường phối hợp chiến lược để cùng giải quyết thách thức, bảo vệ lợi ích an ninh cũng như sự cân bằng và ổn định chiến lược toàn cầu
Phát biểu trên được ông Mã Triệu Húc đưa ra vào hôm nay (28/11) trong cuộc tham vấn chiến lược với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Đây là lần đầu tiên hai bên gặp nhau để tham khảo ý kiến về các vấn đề liên quan đến hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và cơ chế tham vấn chiến lược khác.
Theo ông Mã Triệu Húc, hai bên đồng ý rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng chiến lược toàn cầu, hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu và hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế. Mỹ đã trở thành nhân tố bất ổn lớn nhất trên thế giới và gây ra tác động nghiêm trọng đến sự ổn định chiến lược toàn cầu khi rút khỏi các tổ chức và hiệp ước quốc tế khác nhau.
Về phần mình, Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga và Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi về các vấn đề liên quan đến hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), và khẳng định tăng cường phối hợp chiến lược có ý nghĩa lớn đối với hai nước, đặc biệt là sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước này.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31810-nga-va-trung-quoc-dong-y-tang-cuong-phoi-hop-chien-luoc.html

Thủ tướng Iraq Adil Abdul Mahdi nói sẽ từ chức

Thủ tướng Iraq Adil Abdul Mahdi sẽ từ chức sau gần hai tháng diễn ra biểu tình chống chính phủ, CNN dẫn một tuyên bố từ văn phòng phủ thủ tướng Iraq cho biết hôm 29/11.
Thủ tướng Adel Abdul Mahdi hôm 29/11 đã chính thức đệ đơn từ chức lên quốc hội Iraq khi đại giáo sĩ Hồi giáo dòng Shia, ông Ali al-Sistani, kêu gọi thay đổi, theo hãng tin Aljazeera.
Người dân Iraq đốt pháo hoa ăn mừng tại Quảng trường Tahrir của Baghdad sau khi ông Mahdi tuyên bố từ chức, theo CNN.
Ông Mahdi nói rằng ông từ chức là để đáp lại bài giảng hôm 29/11 của giáo sĩ Ali al-Sistani, người đã đề cập đến “sự thất bại của các cơ quan hữu quan trong việc xử lý những diễn biến trong hai tháng qua”.
Các diễn biến này xảy ra chỉ một ngày sau khi hơn 50 người bị lực lượng an ninh giết chết trong một vụ bạo lực đẫm máu nhất kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra vào đầu tháng 10, theo Aljazeera.
Cũng theo Aljazeera, hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu trong bối cảnh phản ứng dữ dội từ lực lượng an ninh, những người đã sử dụng đạn dược, hơi cay và lựu đạn trấn áp những người xuống đường.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-iraq-noi-se-tu-chuc/5186431.html

Irak : Đến lượt Bagdad rơi vào vòng xoáy bạo động

Thanh Hà
Irak lún sâu thêm vào khủng hoảng. Riêng ngày 28/11/2019 xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát trên toàn quốc làm 43 người chết. Tình hình tại miền nam ngày càng nguy kịch. Thủ đô Bagdad cũng bị rơi vào vòng xoáy bạo loạn.
Thông tín viên đài RFI, Lucile Wassermann tường thuật từ thủ đô Irak :
« Tiếng súng vang lên thường xuyên trên đường Al Rasheed, ngay trung tâm Bagdad. Từ nhiều ngày qua, con đường mang nặng dấu ấn lịch sử này của thủ đô Irak đã trở thành một chiến tuyến, như giải thích của Ali, một người biểu tình 28 tuổi, mặt che kín bằng chiếc mũ chụp mầu đen. Ali nói : Lực lượng an ninh dùng đạn thật bắn vào người biểu tình. Họ dùng cả lựu đạn cay mà nhẽ ra các loại vũ khí này bị cấm sử dụng nhắm vào thường dân.
Ở cách xa đó một chút, người biểu tình trèo lên một bức tường, ném đá và bom xăng vào cảnh sát. Nhân viên an ninh Irak đáp lại bằng những tràng súng. Một lần nữa cảnh tượng hỗn loạn lại diễn ra trong hàng ngũ người biểu tình. Ammar mặc một bộ quần áo màu đỏ trốn sau bức tường, vừa nói vừa khóc : Chúng tôi biểu tình một cách ôn hòa, nhưng từ đầu phong trào, đã có gần 400 người chết. Tại sao những thanh niên trẻ này lại bị chết ? Tại sao vậy ?.
Cho dù đã có nhiều nạn nhân, nhưng người biểu tình tại Bagdad vẫn không nản lòng. Như nhiều người khác, Ibrahim,27 tuổi kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp. Ibrahim nói : Nếu cứ khoanh tay, chính phủ sẽ giết chết hết mọi người, không chừa một ai. Chúng tôi chỉ muốn quốc tế giúp đỡ”. Nhiều nhà bảo vệ nhân quyền cũng đã kêu gọi quốc tế can thiệp. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho rằng đã đến lúc “cuộc tắm máu ở Irak phải chấm dứt ».
http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191129-irak-bagdad-vong-xoay-bao-dong

Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hàn Quốc:

An toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông

là lợi ích chung của tất cả các quốc gia

Từ ngày 25-26/11, tại Busan, Hàn Quốc đã diễn ra Hội nghị Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ASEAN-Hàn Quốc và nhiều diễn đàn liên quan. Bên cạnh các vấn đề hợp tác song phương giữa ASEAN với các đối tác, Lãnh đạo các nước đã thảo luận về tình hình Biển Đông.
Phát biểu tại Phiên họp thứ nhất của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ASEAN-Hàn Quốc với chủ đề “Quan hệ ASEAN-Hàn Quốc: 30 năm qua và 30 năm tới” sáng 26/11, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các Nhà Lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các quốc gia.
Tại hội nghị, các nhà Lãnh đạo đánh giá cao quan hệ đối tác ASEAN-Hàn Quốc đã phát triển đầy ấn tượng trong 30 năm qua, trải rộng trên các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và giao lưu nhân dân. Hàn Quốc là một trong những Đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN. Lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh “Chính sách Hướng Nam mới” của Hàn Quốc và nỗ lực của cá nhân Tổng
thống Moon Jae-in trong thúc đẩy quan hệ với ASEAN trên ba trụ cột hoà bình – thịnh vượng – con người. Các nước ASEAN cám ơn và mong muốn Hàn Quốc tiếp tục tích cực hỗ trợ ASEAN đẩy mạnh liên kết, xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và tích cực tham gia các cơ chế thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin do ASEAN chủ trì, hợp tác ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Trong lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn thứ 5 của ASEAN, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hàn Quốc. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 160,5 tỷ USD năm 2018, tăng 16 lần so với năm 1990. Đầu tư từ Hàn Quốc vào ASEAN đạt 6,6 tỷ USD trong năm 2018. Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thương mại-đầu tư, tận dụng hiệu quả các lợi ích của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Hàn Quốc, phấn đấu đạt kim ngạch thương mại hai chiều đạt 200 tỷ USD vào năm 2020; phối hợp đề cao tự do hóa và liên kết kinh tế, nỗ lực ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020. Các Nhà Lãnh đạo ghi nhận quan hệ giao lưu nhân dân phát triển mạnh mẽ giữa hai bên với khoảng 500.000 người ASEAN tại Hàn Quốc và hơn 300.000 người Hàn Quốc tại ASEAN. Hai bên khẳng định đẩy mạnh hơn nữa trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, du lịch, đưa văn hóa các nước ASEAN đến gần hơn với người dân Hàn Quốc như văn hóa Hàn Quốc đang được tiếp nhận rộng rãi ở các nước ASEAN.
Hợp tác trên các lĩnh vực ASEAN có nhu cầu và Hàn Quốc có thế mạnh như đổi mới, sáng tạo, phát triển thành phố thông minh, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, phát triển rừng bền vững… cũng được Lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc nhất trí đẩy mạnh trong thời gian tới. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đánh giá cao vai trò của ASEAN ở khu vực, khẳng định sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác cùng các nước ASEAN trên tinh thần Chính sách Hướng Nam mới, cùng nhau xây dựng một Cộng đồng gắn kết bền vững, lấy người dân làm trung tâm, Cộng đồng sáng tạo vì sự thịnh vượng chung và Cộng đồng vì hòa bình, ổn định ở khu vực. Tổng thống Hàn Quốc công bố một số sáng kiến hợp tác với ASEAN về cải thiện hệ thống visa cho công dân các nước ASEAN tới Hàn Quốc; tăng gấp đôi số lượng học bổng cho sinh viên các nước ASEAN học tập tại Hàn Quốc; lập quan hệ đối tác khởi nghiệp ASEAN-Hàn Quốc; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới; lập Trung tâm sáng tạo công nghiệp ASEAN – Hàn Quốc; tăng hỗ trợ ASEAN phát triển công nghệ số…
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhận định quan hệ ASEAN và Hàn Quốc được tạo dựng và củng cố suốt 3 thập kỷ qua trên cơ sở sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ tầm nhìn chung và đem lại lợi ích cho các quốc gia và người dân hai bên. Thủ tướng đề xuất Hàn Quốc tích cực hỗ trợ ASEAN đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để lực lượng lao động ASEAN đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở một số định hướng hợp tác quan trọng cho 30 năm tiếp theo giữa ASEAN và Hàn Quốc, trong đó có: gia tăng tính chiến lược trong quan hệ đối tác, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế và định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ; đẩy mạnh hợp tác kinh tế theo hướng cân bằng, cùng có lợi, tạo điều kiện cho hàng hóa và đầu tư hai bên tiếp cận thị trường của nhau; tiếp nhận lao động đến từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, hỗ trợ họ làm quen với môi trường sống ở Hàn Quốc. Thủ tướng đề xuất Hàn Quốc tích cực hỗ trợ ASEAN đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để lực lượng lao động ASEAN đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và hỗ trợ ASEAN lập Trung tâm nghiên cứu khoa học biển để thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế biển và bảo tồn môi trường biển bền vững.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Thủ tướng khẳng định duy trì an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các quốc gia; đề nghị Hàn Quốc ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, duy trì Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác, tự do thương mại.
http://biendong.net/bien-dong/31809-hoi-nghi-cap-cao-asean-han-quoc-an-toan-va-tu-do-hang-hai-va-hang-khong-o-bien-dong-la-loi-ich-chung-cua-tat-ca-cac-quoc-gia.html

Nhật Bản: Bắt sư thầy Việt nghi ‘kết hôn giả’

Sư thầy trụ trì chùa Việt Nam bị bắt vì nghi “kết hôn giả” để được lưu trú lâu dài tại Nhật.
Sư thầy có thế danh Nguyễn Văn Nam bị bắt hôm thứ Năm 28/11 vì bị tình nghi vi phạm luật quản lý xuất nhập cảnh, theo NHK.
Cảnh sát bắt nhà sư 42 tuổi này vì nghi đã kết hôn giả với một phụ nữ đã có tư cách vĩnh trú để được định cư tại Nhật.
Hình ảnh trong bản tin truyền hình NHK cho thấy một số cảnh sát có mặt tại chùa Đại Nam tại thành phố Himeji và một chùa khác tại thành phố Kobe, hai chùa đều thuộc tỉnh Hyogo miền Tây Nhật Bản.
Ngoài hai chùa này, cảnh sát cũng tiến hành rà soát các chùa khác tại tỉnh Saitama, nơi có nhiều người Việt sinh sống và làm việc.
Bản tin cho biết cảnh sát nghi người phụ nữ này được trả tiền và vì vậy cần làm rõ tiền cất giữ tại chùa được sử dụng vào việc gì.
Sư thầy và người phụ nữ này đều bác bỏ các cáo buộc và nói họ là “vợ chồng thật”, cảnh sát được truyền thông Nhật dẫn lời.
Được biết cảnh sát cũng đưa ra cáo buộc nhà sư này ba năm trước đã khai không đúng thông tin cá nhân trong một sự việc riêng rẽ khác cũng liên quan tới nộp hồ sơ xin tư cách lưu trú với “một phụ nữ”. Hiện chưa rõ phụ nữ này và phụ nữ kể trên có phải là cùng một người hay không.
Theo Bộ Tư pháp Nhật, số người nước ngoài ở lại Nhật bất hợp pháp (sau khi visa hết hạn) là khoảng 79.000 tính tới 1/7/2019, tăng 25% so với ba năm trước và hơn 13.000 người Việt thuộc diện này, là nhóm đông nhất.
Giáo sư Yoshihisa Saito từ Đại học Kobe được NHK dẫn lời nói để có tư cách vĩnh trú ở Nhật là không dễ dàng.
“Nhật rất nghiêm ngặt trong việc chấp nhận [tư cách vĩnh trú], đặc biệt là đối với người nước ngoài thuộc diện lao động kỹ năng thấp và do đó kết hôn là một cách để luồn lách,” Giáo sư Saito nói. “Vì vậy hệ quả là ngày càng có nhiều người phạm pháp”.
Vì sao thực tập sinh Việt tử vong ở Nhật Bản?
Nhật Bản: Vấn đề nữ thực tập sinh Việt có thai
‘Sư lấy vợ’
Bình luận trong bài ‘Nhà sư lấy vợ?‘ trên blog “Chú Thành”, một người Nhật ẩn danh viết:
”… Rất bất ngờ vì một thầy theo Phật giáo Việt Nam đã khai “lấy vợ”. Cũng như Nhật Bản và Trung Quốc, Phật giáo Việt Nam cũng là Phật giáo Bắc Tông còn được gọi là Đại Thừa. Quy luật phải theo không nghiêm khắc so với Phật giáo Nam Tông. Nhưng, việc lấy vợ vẫn bị cấm.
Trong khi đó, ở Nhật Bản hiện nay, nhà sư lấy vợ cũng chuyện bình thường. Thầy Việt Nam “Nhập gia tùy tục” hay không thì vẫn chưa biết. Nhà sư nói với cảnh sát rằng, họ thực sự là vợ chồng. Nếu vậy thì thầy đã nhập gia tùy tục, còn, nếu họ làm vợ chồng giả vờ thì nhà sư giữ gìn tín ngưỡng của mình và bất đắc dĩ lấy vợ giả vờ để tiếp tục ở lại Nhật Bản.
Thế thì tại sao Phật giáo Nhật Bản cho phép nhà sư lấy vợ? Nói về hình thức thì đến thời Minh Trị, tức đến khoảng 150 năm trước, có luật riêng đối với nhà sư, ni cô. Trong đó, nghiêm cấm nhà sư lấy vợ, quan hệ tình dục của nhà sư, ni cô. Trong thời Edo, nhà sư, ni cô vi phạm luật này bị gửi tù ở hòn đảo xa, quan hệ với vợ, chồng người khác là tử hình.
Tuy nhiên, ở Nhật, cách áp dụng luật này thay đổi theo thời đại. Trong thời Kamakura và Muromachi, các phái Phật giáo đã cạnh tranh gay gắt, tự cải cách để thu hút nhiều tín đồ. Trong thời gian này, một số phái đã nới lỏng quy chế về việc lấy vợ. Với lý do là, trong thời Mạt Pháp (người Nhật tin rằng, thời Kamakura là thời Mạt Pháp) ai cúng được Phật tổ như lai cứu, thậm chí người trái với đạo đức, pháp luật cũng thế, để làm mẫu cho tín đồ, nhà sư dám phá quy luật.
Nhà sư Ikkyu, một trong những nhân vật chính trong phim hoạt hình Anime nổi tiếng, cũng là một nhà sư lấy vợ danh tiếng trong thời đó. Mặc dù lấy vợ nhưng tín đồ vẫn ngưỡng mộ, kính trọng nhà sư này. Có thể nói, ở Nhật Phật giáo phát triển độc đáo, có môi trường cho phép nhà sư lấy vợ từ xưa”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50596695

Bắc Triều Tiên thử tên lửa,

đàm phán hạt nhân càng bế tắc

Thanh Phương
Vụ phóng tên lửa Bắc Triều Tiên hôm 28/11/2019 diễn ra vào lúc sắp hết thời hạn cuối năm mà Bình Nhưỡng đưa ra để Washington phải « thể hiện sự linh hoạt » trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, bị bế tắc từ nhiều tháng qua.
Kim Jong Un có vẻ rất thích những gì mang tính biểu tượng. Ông đã cho thử nghiệm « bệ phóng nhiều tên lửa có kích thước rất lớn » đúng vào ngày Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ, và một ngày trước dịp kỷ niệm hai năm Bắc Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng bắn tới lãnh thổ lục địa của Mỹ.
Trong những tháng qua, Bình Nhưỡng đã bắn nhiều tên lửa nhằm buộc Hoa Kỳ có những nhân nhượng trong các cuộc đàm phán về phi hạt nhân, vốn không có tiến triển gì kể từ sau thất bại của cuộc họp thượng đỉnh tại Hà Nội tháng 2 năm nay. Nhưng mục tiêu của các cuộc thử nghiệm đó cũng là tiếp tục nâng cao tiềm lực quân sự của Bắc Triều Tiên.
Theo hãng tin Reuters, vào tuần trước, đại diện đặc biệt của Mỹ về Bắc Triều Tiên Stephen Biegun tuy khẳng định thời hạn cuối năm chỉ là một thời hạn « giả tạo », nhưng ông nhìn nhận là quá thời hạn đó, Bình Nhưỡng có thể sẽ quay trở lại các hành động khiêu khích như trước năm 2017.
Ông Leif-Eric Easley, giáo sư giảng dạy về nghiên cứu quốc tế tại Seoul, nhận định với Reuters rằng, qua cuộc thử nghiệm tên lửa hôm qua, Bình Nhưỡng đang gia tăng áp lực với Wasshington cũng như với Seoul. Các quan chức Bắc Triều Tiên yêu cầu Hoa Kỳ phải từ bỏ « chính sách thù địch » đối với Bình Nhưỡng, cụ thể là phải giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, nếu không họ sẽ rút khỏi đàm phán hạt nhân. Bắc Triều Tiên còn đòi Hoa Kỳ và Hàn Quốc chấm dứt các cuộc tập trận chung thường niên, được cho là nhằm chuẩn bị một cuộc xâm lược Bắc Triều Tiên. Đó là những yêu cầu mà tổng thống Trump hiện không thể đáp ứng được.
Trả lời hãng tin Bloomberg, ông Chun Yung Woo, cựu trưởng đoàn Hàn Quốc trong đàm phán phi hạt nhân hóa với Bắc Triều Tiên, cho rằng Kim Jong Un xem Donald Trump như là một « con tin chính trị » và tự xem là đang ở một vị thế có thể áp đặt ý muốn của mình trong cuộc đàm phán với Trump.
Mặt khác, chính tổng thống Mỹ dường như đang dung túng cho Kim Jong Un bắn thử tên lửa. Trong khi Nhật Bản và các nước khác nhấn mạnh các vụ bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, thì ông Trump lại xem những vụ bắn thử đó là không đáng quan tâm, mặc nhiên cho phép Kim Jong Un tiếp tục chương trình vũ khí, khi nào mà Bình Nhưỡng không bắn thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Kể từ sau thượng đỉnh Hà Nội, phần lớn các tên lửa mà Bình Nhưỡng bắn thử đều là tên lửa tầm ngắn. Vấn đề được đặt ra là nếu hết hạn cuối năm mà tổng thống Trump vẫn chưa có đề nghị gì mới về phi hạt nhân hóa, Bắc Triều Tiên có sẽ tiến hành trở lại các vụ bắn thử tên lửa tầm xa và thử nghiệm hạt nhân, đã bị đình chỉ từ năm 2017, hay không.
Trước mắt, theo nhà phân tích Kim Dong Yub, Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Seoul, được hãng tin AP trích dẫn, cuộc thử nghiệm hôm qua cho thấy dường như Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt và triển khai bệ phóng tên lửa đó. Nếu đúng như thế thì rõ ràng là cơ may khai thông bế tắc trong đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều càng thêm xa vời.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191129-%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn

Bắc Triều Tiên xác nhận đã bắn thử tên lửa

Thanh Phương
Ngày 29/11/2019, hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA loan tin là hôm 28/11, lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát cuộc thử nghiệm một « bệ phóng tên lửa nhiều nòng có kích thước rất lớn ». Vụ thử nghiệm diễn ra đúng vào ngày Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ, trong lúc mà đàm phán về hạt nhân Mỹ – Triều vẫn gặp bế tắc.
Theo KCNA, cuộc thử nghiệm nói trên có mục tiêu thẩm định khả năng của hệ thống tên lửa. Cuộc thử nghiệm đã chứng minh « tính ưu việt quân sự và kỹ thuật của hệ thống vũ khí này và hiệu quả vững chắc của nó ». KCNA cho biết thêm là chủ tịch Kim Jong Un « rất hài lòng » về kết quả cuộc bắn thử tên lửa.
Đây là lần thứ tư kể từ tháng 8/2019, Bình Nhưỡng thử nghiệm bệ phóng tên lửa nhiều nòng. Hãng tin AFP nhận định nếu đúng như mô tả nói trên của hãng tin KCNA, thì cuộc thử nghiệm này cho thấy Bắc Triều Tiên đã đạt được một số tiến bộ so với lần thử nghiệm trước hồi tháng Chín.
Trong cùng ngày, Seoul thông báo Bình Nhưỡng đã bắn hai « tên lửa không » không rõ loại nào. Thông báo của bộ tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc nêu rõ hai tên lửa này được bắn từ tỉnh Nam Hamyong và đã rơi xuống Biển Nhật Bản.
Trong những tháng qua, Bình Nhưỡng đã bắn nhiều tên lửa nhằm gia tăng áp lực với Washington, vào lúc các cuộc đàm phán giữa hai nước về phi hạt nhân hóa vẫn gặp bế tắc kể từ sau thất bại của cuộc họp thượng đỉnh tại Hà Nội tháng 02/2019 giữa Donald Trump và Kim Jong Un.
Đối với thủ tướng Nhật Shinzo Abe, các vụ bắn tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên là một « thách thức nghiêm trọng » không chỉ đối với Nhật, mà còn đối với toàn thể cộng đồng quốc tế.
Về phần mình, Washington yêu cầu Bình Nhưỡng « tránh các hành động khiêu khích, tôn trọng các nghĩa vụ theo đúng các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và nối lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa hoàn toàn ». Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An nêu rõ Bắc Triều Tiên không được phép tiến hành các vụ bắn thử tên lửa đạn đạo.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191129-btt-ban-thu-ten-lua

Người biểu tình Hong Kong biết ơn Mỹ

và chuẩn bị xuống đường

Hàng ngàn người Hong Kong xuống đường trong Lễ Tạ ơn để cảm ơn Mỹ đã ký hai luật ủng hộ người biểu tình chống chính phủ.
TQ cảnh báo Mỹ vì hai luật ủng hộ biểu tình Hong Kong
Trump ký luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong
Bầu cử Hong Kong: TQ lặng im, Carrie Lam không nhượng bộ
Bày tỏ lòng biết ơn nước Mỹ
South China Morning Post cho hay hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường vào Lễ Tạ ơn để bày tỏ lòng biết ơn nước Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump ký thành luật hai dự luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong.
Nhà tổ chức cũng lên một danh sách khoảng 40 nhân vật mà họ hi vọng Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt, chiểu theo Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong mà Mỹ vừa thông qua.
Trong danh sách này có tên của Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam, cựu Đặc khu trưởng Hong Kong Tung Chee-hwa, Giám đốc Sở Tư pháp Teresa Cheng Yeuk-wah, cựu cảnh sát trưởng Andy Tsang Wai-hung và Stephen Lo Wai-Chung, và Giám đốc Văn phòng Liên lạc Trung Quốc Vương Trí Dân.
Cuộc tuần hành tại Edinburgh Place, Hong Kong, được tổ chức chỉ vài giờ sau khi ông Trump ký thông qua hai dự luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong. Trong đó Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong có thể trừng phạt những người có các hành vi được cho là làm suy yếu sự tự chủ của Hong Kong; đồng thời yêu cầu giới chức không được từ chối cấp visa cho những người là đối tượng của các vụ bắt giữ hoặc giam cầm “có động cơ chính trị”.
Nhà tổ chức đưa ra con số khoảng 100.000 người tập trung ăn mừng Lễ Tạ ơn hôm thứ Năm 28/11, nhưng cảnh sát chỉ đưa ra con số khoảng 9.600.
Nhà tổ chức cũng thúc giục Mỹ sớm trừng phạt những quan chức Hong Kong đã vi phạm nhân quyền và các công ty đã xuất khẩu vũ khí trấn áp đám đông cho Hong Kong.
Nhưng cuộc tuần hành trong hòa bình kết thúc chóng vánh sau một cuộc đối đầu với lực lượng cánh sát, được cho là do một người trong nhóm tuần hành mang theo đèn laser và người này đã bị cảnh sát đưa đi.
Người tuần hành lăng mạ cảnh sát trong khi cảnh sát đáp lại bằng hơi cay.
Chuẩn bị cho đợt biểu tình mới
Theo Reuters, lượt biểu tình mới, như thông báo của người biểu tình trên mạng xã hội, được lên kế hoạch từ thứ Sáu 29/11, sẽ diễn ra vào cuối tuần và kéo sang tuần tới. Phép thử lớn đối với sự ủng hộ cho phong trào biểu tình được trông đợi sẽ diễn ra vào 8/12, với cuộc tuần hành của Mặt trận Nhân quyền – nhóm đã đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình thu hút cả triệu người tham gia vào tháng Sáu.
Trung tâm tài chính châu Á đã trải qua một cuối tuần tạm lắng sau khi phe ủng hộ dân chủ dành thắng lợi lẫy lừng hôm Chủ Nhật trong cuộc bầu cử hội đồng quận.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ đã làm rung chuyển Hong Kong nhiều tháng nay, nhiều thời điểm đã khiến các trung tâm thương mại, cơ quan chính phủ, trường học, thậm chí cả sân bay quốc tế, phải đóng cửa.
Hàng trăm cảnh sát đã vào khu ký túc xá Đại học Bách Khoa Hong Kong hôm thứ Năm 28/11 để thu thập bằng chứng và mang đi các vật dụng nguy hiểm, bao gồm nhiều bom xăng, cung tên và các hóa chất vẫn nằm rải rác trong khuôn viên trường.
Chow Yat-ming, một sỹ quan cao cấp, cho hay hôm thứ Năm rằng cảnh sát có thể kết thúc cuộc điều tra vào thứ Sáu. Cảnh sát sẽ rời trường ngay sau đó, cho phép sinh viên có thể tự do vào hoặc ra khỏi trường.
Đại học Bách khoa Hong Kong, nằm trên bán đảo Cửu Long, đã trở thành chiến trường của sinh viên từ giữa tháng Mười Một. Các sinh viên trong trường đã dựng rào chắn bằng chướng ngại vật và đụng độ với lực lượng cảnh sát chống bạo động trong các cơn mưa bom xăng, vòi rồng và khí ga. Khoảng 1.100 người đã bị bắt tuần qua, trong khi một số khác cố gắng trốn thoát.
Cảnh sát cho hay họ tìm thấy khoảng 3.000 ly cốc tai Molotov và hàng trăm chai chất lỏng ăn mòn trong khuôn viên trường.
Không rõ có còn sinh viên nào ở trong trường vào thứ Sáu nhưng cảnh sát cho hay bắt giữ không phải là ưu tiên hàng đầu mà ai đó nếu được tìm thấy sẽ được chăm sóc y tế trước hết.
Trung Quốc đổ lỗi cho các thế lực nước ngoài đã gây ra bất ổn ở Hong Kong
Trung Quốc cũng cảnh báo sẽ trả đũa Mỹ sau khi ông Trump ký hai luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50597055

Những dấu hiệu rạn nứt mới

trong quan hệ TQ và Australia

Quan hệ TQ và Australia trong vài năm trở lại đây có nhiều căng thẳng, xuất phát từ những tính toán chiến lược, mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh từ khu vực Đông Nam Á xuống Nam Thái Bình Dương. Những động thái mới nhất từ Australia là việc nước này thận trọng với những giao thoa văn hoá với Trung Quốc và vấn đề an ninh quốc phòng.
Australia cảnh báo không hợp tác với các trường đại học của TQ
Các trường đại học Australia được cảnh báo không nên hợp tác với hơn 100 trường đại học Trung Quốc vì nghi ngờ mối quan hệ của các trường này với quân đội Bắc Kinh. Sử dụng dữ liệu nguồn mở, Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) hôm 25/11 đã công bố báo cáo cho biết 115 trường đại học Trung Quốc được cho là có các mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Do vậy, các trường đại học Australia được khuyến cáo không nên hợp tác với các trường này. Trước đó, các trường đại học tại Australia đã cam kết sẽ xem xét bất kỳ mối liên hệ nào về quân sự mà các cơ sở giáo dục có thể có trong quá trình thực hiện các dự án nghiên cứu chung. Đây là một phần trong nỗ lực của Australia nhằm hạn chế sự can thiệp từ nước ngoài. Du học sinh nước ngoài hiện đóng góp khoảng 35 tỷ AUD (khoảng 24
tỷ USD) cho nền kinh tế Australia. Các du học sinh Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 trong số này và Australia lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng lợi thế này để tạo dựng ảnh hưởng. Trung Quốc trước đây từng phủ nhận có bất kỳ hoạt động mờ ám nào đối với Australia. Bắc Kinh cáo buộc Canberra theo đuổi “tâm lý Chiến tranh Lạnh”. Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc trở nên căng thẳng trong những năm gần đây khi Canberra lo ngại về các hoạt động của Bắc Kinh, cả trong nước cũng như trên toàn khu vực Thái Bình Dương.
Australia tiến hành điều tra nghi vấn TQ tìm cách cài cắm gián điệp
Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục bị đẩy lên cao khi hãng tin Reuters ngày 25/11 đưa tin, Tổ chức Tình báo An ninh Australia (ASIO) cho biết đang điều tra nghi vấn Trung Quốc tìm cách gài gián điệp vào quốc hội nước này. ASIO coi đây là vấn đề nghiêm trọng. Tình báo Australia xác định rằng, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về một cuộc tấn công mạng nhằm vào quốc hội và 3 đảng chính trị lớn nhất của Australia trước thềm cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5. Thông tin về cuộc điều tra được đưa ra trong bối cảnh một người tự nhận là “điệp viên” của Trung Quốc đã đào tẩu sang Australia, cáo buộc Bắc Kinh tiến hành các hoạt động can thiệp chính trị vào các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Australia. Đáp trả thông tin trên, Trung Quốc khẳng định người tự xưng là “điệp viên đào tẩu” ở Australia là một kẻ lừa đảo, đang bị truy nã vì tội hình sự ở Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 25/11 đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới nghi vấn can thiệp công việc nội bộ của Australia. “Một số chính trị gia, viện nghiên cứu và truyền thông Australia đã căng thẳng quá mức về các vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Họ đã đạt đến mức độ cuồng loạn và căng thẳng cực độ. Những câu chuyện như “gián điệp Trung Quốc” hay “sự can thiệp của Trung Quốc vào Australia” chỉ là những lời dối trá”, ông Cảnh cho biết. “Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Chúng tôi phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Australia và các nước khác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Chúng tôi không can thiệp và cũng không bao giờ quan tâm tới việc can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.
http://biendong.net/bien-dong/31808-nhung-dau-hieu-ran-nut-moi-trong-quan-he-tq-va-australia.html

Tội Phạm Mạo Danh Cảnh Sát Trung Cộng

Tràn Xuống Đông Nam Á

Tội phạm Trung Quốc đóng giả cảnh sát, công tố viên để lừa đảo trực tuyến chuyển hướng sang Đông Nam Á khi bị trấn áp tại quê nhà.
Khoảng cuối tháng 11/2019, cảnh sát Indonesia bắt 85 nghi phạm Trung Quốc bị cáo buộc thực hiện các hoạt động lừa đảo trên mạng nhắm vào các nạn nhân ở Trung Quốc. Cảnh sát trưởng thủ đô Jakarta Gatot Eddy Pramono cho biết: “Họ giả danh cảnh sát, công tố viên gọi cho nạn nhân, nói rằng họ gặp vấn đề pháp lý và yêu cầu chuyển tiền để giải quyết.”
Một số kẻ lừa đảo đóng giả là nhân viên ngân hàng giới thiệu các chương trình đầu tư và thuyết phục nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc. Các nạn nhân đã bị lừa 2.5 triệu USD. Gatot nói thêm: “Lý do họ chọn Indonesia vì Trung Quốc đang trấn áp hoạt động dạng như vậy, nên họ chạy đến các nước khác”. Các nhóm tội phạm Trung Quốc gần đây thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo ở Đông Nam Á, chủ yếu nhắm vào đồng hương ở đại lục.
Nhà chức trách Singapore cũng cho biết đang nhận thấy các vụ lừa đảo liên quan đến việc mạo danh nhân viên hành pháp Trung Quốc tái xuất hiện. Giới chức cho hay các nạn nhân Trung Quốc bị lừa ít nhất 3.5 triệu USD trong 65 vụ từ tháng 1 đến tháng 4.
Malaysia cũng đã bắt 680 nghi phạm Trung Quốc vận hành đường dây lừa đảo đầu tư trực tuyến trong công viên khoa học Cyberjaya. Một nhóm “cảnh sát” giả mạo gồm 103 người Trung Quốc ở Bali cũng bị triệt phá năm 2018, sau khi lừa một nạn nhân hơn 500,000 USD. Tháng 09/2018, cảnh sát Indonesia bắt 18 người đến từ Trung Quốc đại lục và 29 người từ đảo Đài Loan trong đường dây “cảnh sát giả” ở đảo Riau, Sumatra.
Các nghi phạm trong vụ lừa đảo mới nhất ở Indonesia bị bắt tại 6 địa điểm khắp Jakarta cùng một nghi phạm khác bị bắt ở Malang, Đông Java. Họ đã nhập cảnh vào Indonesia bằng visa du lịch và ở lại khoảng 3-4 tháng.
Chiến dịch đột kích được cảnh sát Indonesia tiến hành sau khi nhận được tin báo từ chính phủ Trung Quốc và họ hy vọng sẽ làm sáng tỏ mạng lưới tội phạm lừa đảo trong hai tuần tiếp theo.
https://vietbao.com/a301309/toi-pham-mao-danh-canh-sat-trung-cong-tran-xuong-dong-nam-a

Cảnh sát Hong Kong rút khỏi Đại học Bách khoa

Cảnh sát Hong Kong hôm 29/11 đã rút khỏi đống đổ nát trong khuôn viên Đại học Bách khoa vốn đã bị hư hại sau nhiều tuần đụng độ, trong khi các nhà hoạt động dân chủ đã thảo luận trên mạng xã hội để kêu gọi sự ủng hộ cho các cuộc biểu tình nữa vào mỗi cuối tuần.
Các giảng viên cao cấp của Đại học Bách khoa Hong Kong đã đi thăm khuôn viên trường sau khi cảnh sát rời đi, ghé qua căng-tin, vận động trường và kiểm tra các cửa sổ bị vỡ và đống rào chắn bị cháy thành than.
Sau hơn năm tháng biểu tình ngày càng bạo lực, Hong Kong đã tương đối tĩnh lặng kể từ cuộc bầu cử địa phương hôm 24/11 mà khi đó các ứng cử viên thuộc phe dân chủ đã giành chiến thắng áp đảo.
Các nhà hoạt động đang cố gắng giữ nhiệt cho phong trào, sau khi giành được sự ủng hộ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự hậu thuẫn này đã làm cho thế giới quan tâm trở lại tình hình của trung tâm tài chính châu Á và khiến Bắc Kinh đưa ra những cảnh báo gay gắt.
“Nhiều phòng học, phòng thí nghiệm và thư viện đã bị phá hủy. Mặc dù vậy, không có tổn thất nhân mạng. Chúng tôi nhấn mạnh việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách nhân đạo”, hiệu trưởng trường, ông Đằng Cẩm Quang, nói với các phóng viên.
Ông cho biết hơn 1.000 người biểu tình đã rời khỏi trường trong hai tuần qua. Mặc dù chịu thiệt hại rất lớn, ông nói ông tự tin rằng học kỳ tiếp theo sẽ bắt đầu đúng lịch trình.
Bắc Kinh cảnh báo Washington họ sẽ có ‘các biện pháp đáp trả mạnh mẽ’ sau khi ông Trump hôm 27/11 đã ký thành luật dự luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong đã được Quốc hội thông qua.
Trong chuyến thăm tới Bangkok hôm 29/11, Đặc khu trưởng Hong Kong, bà Carrie Lam đã cố gắng trấn an chính phủ và các doanh nghiệp Thái Lan rằng Hong Kong vẫn là một trung tâm tài chính hấp dẫn.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ kể từ tháng 6 đã làm rung chuyển thuộc địa cũ của Anh này, có khi đã buộc các doanh nghiệp, cơ quan chính quyền, trường học và thậm chí là sân bay quốc tế phải đóng cửa.
Những người biểu tình có kế hoạch tập trung tại lãnh sự quán Anh lúc 7 giờ tối hôm 29/11 để kêu gọi chính phủ Anh bảo vệ công dân của họ làm việc tại Hong Kong.
Trước đó, một cựu nhân viên lãnh sự quán Anh, ông Simon Cheng, cho biết ông đã bị cảnh sát chìm của Trung Quốc đánh, không cho ông ngủ và xiềng xích ông để nhằm buộc ông cung cấp thông tin về các nhà hoạt động dẫn đầu các cuộc biểu tình.
Áp phích kêu gọi cuộc tập hợp vào ngày 29/11 bao gồm những khẩu hiệu như “Tất cả chúng ta có thể là Simon”. Cheng là một công dân Hong Kong làm việc cho chính phủ Anh trong gần hai năm.
“Tự do đang trong tình thế hiểm nghèo. Hãy bảo vệ tự do bằng tất cả sức lực. Chiến đấu cho tự do. Sát cánh với Hong Kong”, một băng rôn khác ghi.
Các cuộc biểu tình khác được lên kế hoạch cho dịp cuối tuần bao gồm một cuộc tập hợp của học sinh cấp hai, một cuộc tuần hành để phản đối cảnh sát phun hơi cay gần trẻ em và một ‘cuộc tuần hành biết ơn’ tiến đến lãnh sự quán Hoa Kỳ.
Một cuộc tuần hành đã được Mặt trận Nhân quyền Dân sự, nhóm đứng ra tổ chức các cuộc tuần hành với hàng triệu người tham gia vào tháng 6, lên kế hoạch vào ngày 8/12. Cuộc tuần hành này được cho sẽ là ‘thước đo tốt nhất’ về mức độ ủng hộ mà phong trào dân chủ vẫn còn duy trì được.
Trước đó, hàng trăm cảnh sát đã vào khuôn viên trường để thu thập chứng cứ cũng như tháo dỡ các món đồ nguy hiểm, trong đó có hàng ngàn bom xăng, tên bắn và hóa chất vương vãi khắp nơi.
“Môi trường hiện tại trong khuôn viên trường vẫn không an toàn, và công việc dọn dẹp, kiểm tra và phục hồi hàng sẽ mất thời gian”, Đại học Bách khoa ra thông cáo nói và cho biết hàng rào cảnh sát đã được dỡ bỏ.
Nằm trên bán đảo Cửu Long, ngôi trường này đã trở thành bãi chiến trường vào giữa tháng 11, khi những người biểu tình dựng rào chắn và đụng độ với cảnh sát chống bạo động với bom xăng, vòi rồng và hơi cay đã được sử dụng. Khoảng 1.100 người đã bị bắt hồi tuần trước, một số người trong số đó bị bắt trong khi tìm cách trốn thoát.
Cảnh sát cho biết họ đã tìm thấy hơn 3.000 bom xăng và hàng trăm chai chất lỏng ăn mòn ở trong khuôn viên trường.
https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-hong-kong-r%C3%BAt-kh%E1%BB%8Fi-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-b%C3%A1ch-khoa/5186217.html

Phe dân chủ Hồng Kông tiếp tục kêu gọi xuống đường

Thanh Hà
Ngày 29/11/2019 phe dân chủ Hồng Kông tiếp tục kêu gọi tuần hành trong những ngày tới. Quyết định được đưa ra sau khi tổng thống Donald Trump phê chuẩn luật bảo vệ nhân quyền và dân chủ Hồng Kông, và một ngày sau khi cảnh sát quét dọn khu đại học Bách Khoa.
Theo hãng tin AFP, nhiều diễn đàn trên mạng đang phối hợp để chuẩn bị cho một cuộc tập hợp lớn vào Chủ Nhật 01/12/2019 và kêu gọi đình công vào ngày hôm sau 02/12. Mục đích đề ra là làm xáo trộn các phương tiện giao thông công cộng. Nhiều nhóm phản kháng, như Reddit – Like LIHKG thậm chí còn chủ trương bãi công trong nhiều này liên tiếp. Vẫn theo AFP lời kêu gọi này hiện đang được khá nhiều người dùng internet tán đồng.
Về tình hình tại chỗ, vào giờ nghỉ trưa nay, hàng trăm nhân viên văn phòng tiếp tục tập hợp tại nhiều khu phố. Cảnh sát chống bạo động được điều đến hiện trường giải tán đám đông trong vòng trật tự. Cũng trưa nay, cảnh sát đã rút lui khỏi khu ký túc xá Đại Học Bách Khoa, sau khi hoàn thành niệm vụ dọn dẹp khu vực mà cả ngàn sinh viên đã cố thủ từ ngày 17/11/2019. Cảnh sát phát hiện khoảng 4.000 bom xăng trong khuôn viên nhà trường.
Chính quyền Hồng Kông cho biết từ đầu phong trào phản kháng hồi mùa xuân vừa qua, 5.800 người đã bị câu lưu. Gần 1.000 trong số này bị truy tố và cảnh sát đã dùng 12.000 lựu đạn cay để dẹp phong trào biểu tình.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191129-phe-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-xu%E1%BB%91ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng

Trung Quốc:Mỹ sẽ lãnh hậu quả khôn lường

vì luật ủng hộ dân chủ Hong Kong

Trung Quốc hôm thứ Năm 28/11 cảnh báo Hoa Kỳ rằng họ sẽ áp dụng các “biện pháp cứng rắn đáp trả” các đạo luật của Mỹ ủng hộ người biểu tình chống chính phủ ở Hồng Kông. Bắc Kinh nói rằng các âm mưu can thiệp vào thành phố do Trung Quốc cai trị tất phải thất bại.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư đã ký thành luật hai dự luật được Quốc hội thông qua ủng hộ người biểu tình Hong Kong, bất chấp Bắc Kinh phẫn nộ phản đối.
Trong khi đó người biểu tình ở Hong Kong phấn khởi đón nhận tin này bằng việc tuần hành “tạ ơn” với hàng trăm người đủ mọi lứa tuổi tham gia, một số người giương cao cờ Mỹ, tại trung tâm thành phố.
Đạo luật Nhân quyền và dân chủ Hong Kong yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá hàng năm mức độ tự chủ của Hong Kong để làm cơ sở điều chỉnh các chính sách ưu đãi thương mại đặc biệt của Mỹ dành cho Hong Kong.
Luật cũng sẽ trừng phạt các cá nhân và tổ chức vi phạm nhân quyền liên quan đến Hong Kong.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh cáo Mỹ sẽ gánh chịu hậu quả khôn lường nếu cứ tiếp tục “hành động tùy tiện” can thiệp vào Hong Kong.
Thứ trưởng Ngoại giao Le Yucheng của Trung Quốc hôm thứ Năm triệu tập Ðại sứ Terry Brandstad của Mỹ, lần thứ hai trong tuần này, để phản đối và yêu cầu Washington phải ngay lập tức chấm dứt can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Chính quyền Hong Kong được Bắc Kinh hậu thuẫn tuyên bố đạo luật của Mỹ gởi một tín hiệu sai lầm đến những người biểu tình, và “can thiệp thô bạo” vào chuyện nội bộ của Hong Kong.
Kim ngạch thương mại giữa Hong Kong và Mỹ ước tính đạt khoảng 67,3 tỉ đôla trong năm 2018, với mức thặng dư khoảng 33,8 tỉ đôla nghiêng về phía Mỹ. Văn phòng Đại diện Thương Mại Mỹ nói rằng đây là mức thặng dư thương mại cao nhất mà Mỹ có được đối với bất cứ quốc gia hoặc lãnh thổ nào.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-my-se-lanh-hau-qua-khon-luong-vi-ung-ho-hong-kong/5184844.html

Thân phận Duy Ngô Nhĩ

và sự lạnh lùng của các nước Hồi giáo

Minh Anh
Các báo cáo lên án chiến dịch thanh trừng sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, đang diễn ra tại Trung Quốc ngày một nhiều. Thế nhưng, nhà báo Sarah Leduc, kênh truyền hình quốc tế Pháp – France 24 lấy làm tiếc rằng các nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo lại không lên tiếng bênh vực cộng đồng tôn giáo thiểu số đang bị trấn áp như những gì họ đã làm đối với người Rohingya tại Miến Điện.
Một triệu người Duy Ngô Nhĩ dường như đang bị giam giữ trong các nhà tù của Trung Quốc ở Tân Cương. Bất chấp nhiều tiết lộ mới trong những ngày gần đây cho thấy rõ một chính sách trấn áp có hệ thống của cường quốc kinh tế thứ hai nhắm vào cộng đồng sắc tộc chiếm đa số ở Tân Cương, nhưng tình liên đới vẫn chưa thấy xuất hiện, các quốc gia bị chia rẽ và « im hơi lặng tiếng ».
Duy Ngô Nhĩ – Rohingya : « Nhất bên trọng, nhất bên khinh »
Sự chia rẽ này được thấy rõ tại Liên Hiệp Quốc, giữa một bên là những nước bảo vệ nhân quyền và bên kia là các quốc gia ủng hộ các chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương. Đài France 24 thuật lại, cuối tháng 10/2019, tại phiên họp lần thứ ba của Ủy ban phụ trách Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa, 23 nước – trong đó có Pháp, Anh và Mỹ – đã lên án chính sách đàn áp nhắm vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ. Thế nhưng, Trung Quốc lại nhận được sự ủng hộ của 54 quốc gia, chủ yếu là các nước châu Phi. Những nước này đã lần lượt hết lời ca ngợi cách quản lý của Trung Quốc tại vùng tự trị.
Những lời lẽ qua lại này giữa hai phe đã bắt đầu từ tháng 07/2019. Cũng tại cùng một diễn đàn, các quốc gia vẫn chia rẽ : 22 nước yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc giam giữ tùy tiện tại Tân Cương. Và 37 quốc gia khác ủng hộ, tán thưởng Trung Quốc là đã đạt được những « thành tựu đáng chú ý trên phương diện nhân quyền ». Trong số này, có đến 14 nước thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi Giáo (OCI) như Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Pakistan, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Qatar hay Algeri…
Trong trường hợp người Duy Ngô Nhĩ lần này, các nước thuộc khối OCI, tổ chức liên chính phủ gồm 57 nước đã không có cùng một tiếng nói chung mà họ từng thể hiện như trong cuộc khủng hoảng người Rohingya. Năm 2017, việc bảo vệ cộng đồng sắc tộc thiểu số này, bị quân đội Miến Điện truy sát, đã tạo được sự liên kết của rất nhiều nước Hồi Giáo trong đó có Ả Rập Xê Út, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ. Và OCI đã hoạt động tích cực tại Geneve để lên án Miến Điện tại Hội Đồng Nhân Quyền.
Thân phận « hẩm hiu », người Duy Ngô Nhĩ không có được cơ may này. Lần cuối cùng mà OCI thể hiện tình đoàn kết với các sắc tộc Hồi Giáo thiểu số là năm 2015 : Trong thông cáo chung, OCI đã bày tỏ mong muốn là cộng đồng này có thể thực hiện mùa chay ramadan.
Bà Sophie Richardson, giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc cho tổ chức Human Rights Watch xác nhận với France 24 rằng trong trường hợp người Duy Ngô Nhĩ, « đúng là có ít tình liên đới hơn như là đối với các hồ sơ Palestin hay Rohingya. Trung Quốc đã thành công có được sự ủng hộ của những nước đó vì các quốc gia này rất cần đến các khoản đầu tư của Trung Quốc ».
Thực tế chính trị
Ả Rập Xê Út là một minh họa rõ nét cho điều này khi bày tỏ sự « tôn trọng » với Tập Cận Bình, vào tháng 02/2019, trước khi ký kết nhiều hợp đồng thương mại quan trọng. Về phần Ai Cập, chính quyền nước này, do cần các nguồn tài trợ của Bắc Kinh cho các dự án cơ sở hạ tầng, đã cho phép công an Trung Quốc, vào năm 2017, đến thẩm vấn những người Duy Ngô Nhĩ tỵ nạn trên lãnh thổ của mình. Pakistan, vốn nhanh nhẩu trong việc bảo vệ người Rohingya, thì lần này gây chú ý khi lựa chọn sự im lặng.
Đáng ngạc nhiên nhất là Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia có một bộ phận lớn người Duy Ngô Nhĩ sinh sống – từ lâu vốn hay tỏ tình liên đới, nay dường như đang  xuống giọng dần dần. Đầu năm 2019, Ankara từng lớn tiếng chỉ trích « chính sách đồng hóa có hệ thống của chính quyền Trung Quốc nhắm vào Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ là một nỗi xấu hổ cho nhân loại ».
Nhưng kể từ đó, chính quyền tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng dần « im hơi lặng tiếng ». Ông đánh tiếng cho biết là Ankara rất chú tâm vào việc thương thảo mậu dịch với Bắc Kinh, và không đi theo 22 nước khác ký thư chỉ trích chính sách trấn áp tại Tân Cương.
Về điểm này, Rémi Castets, nhà chính trị học chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại đại học Bordeaux Montaigne giải thích như sau : « Công luận Thổ Nhĩ Kỳ rất có cảm tình với người Duy Ngô Nhĩ nhưng
trên thực thế, ông Erdogan lại cần đến đồng minh Trung Quốc vì những lý do kinh tế hay để đối trọng với phương Tây hiện đang gây áp lực với nước này trong nhiều hồ sơ khác như Syria chẳng hạn. »
Vẫn theo ông Rémi Castets, đây là sự thắng thế của « chính trị thực dụng », không hơn không kém. « Rất nhiều người biết rõ những gì đang xảy ra ở đó. Nhưng vấn đề nhân quyền thường bị lu mờ trước những lợi ích kinh tế và quốc gia, hay lợi ích của tầng lớp lãnh đạo khi mà họ nhìn thấy ở đó có nhiều lợi thế »
Bắc Kinh : Duy Ngô Nhĩ đồng nghĩa với « khủng bố »
Một yếu tố khác không có lợi cho người Duy Ngô Nhĩ : Đó là chính sách tuyên truyền của Bắc Kinh bằng cách tung ra những thông tin xấu. Sau vụ tấn công khủng bố nhà ga Côn Minh năm 2014, Trung Quốc tiến hành một chiến dịch mới mang tên « Strike Hard Campaign against Violent Terrorisme » (tạm dịch là Đánh mạnh chống khủng bố bạo lực), biện minh cho việc kiểm soát chặt chẽ hơn tại Tân Cương bằng cuộc chiến chống khủng bố. Bắc Kinh bảo đảm chống được tình trạng những kẻ khủng bố trở nên « cực đoan hóa » trong các « trại đào tạo nghề ».
Chuyên gia Rémi Castets giải thích tiếp với France 24 : « Thực ra đó làluận điệu quy luật tam lực, theo đó, Bắc Kinh cần phải tăng cường kiểm soát xã hội để chống lại ba hiểm họa : khủng bố, ly khai và cực đoan ».
Hồi tháng 07/2019, luận điệu này của Trung Quốc tại Ủy ban Liên Hiệp Quốc lại mang hiệu quả : Thư ngỏ do các thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ký ủng hộ Bắc Kinh ca ngợi rằng « các biện pháp chống khủng bố và phi cực đoan hóa tại Tân Cương » đã mang lại cho người dân một « cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát triển và an toàn hơn »
Việc bắt được những người Duy Ngô Nhĩ trong mạng lưới Taliban trong cuộc chiến tại Aghanistan, và họ bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo của Mỹ, rồi sự hiện diện của nhiều người Duy Ngô Nhĩ trong các nhóm thánh chiến có liên kết với Al-Qaida tại Syria chỉ làm gia tăng chính sách trấn áp. Nhưng các nhà bảo vệ nhân quyền tố cáo đó chỉ là một kiểu « lập luận lấy cớ »
Bénédicte Jeannerod, giám đốc chi nhánh Human Right Watch tại Pháp nhận định : « Lấy cớ chống khủng bố để biện minh cho chính sách trấn áp, đó là một thủ thuật cổ điển của các chế độ chuyên chế. Sự hiện diện của người Duy Ngô Nhĩ trong các nhóm thánh chiến cực đoan không thể biện minh được gì cho chính sách đàn áp tùy tiện và có hệ thống nhắm vào hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, tất cả đều bị nghi ngờ chỉ vì sắc tộc và tôn giáo của họ mà thôi ! »
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191129-duy-ngo-nhi-cac-nuoc-hoi-giao

Nghị sĩ Úc: Thu hoạch tạng

làm “sụp đổ mọi khái niệm về nhân quyền”

Tờ The Australian đưa tin, nghị sĩ Úc Eric Abetz đã gọi tội ác thu hoạch tạng của chính quyền Trung Quốc là “man rợ” trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC vào ngày 19/11 vừa qua. Ông Eric Abetz là một nghị sĩ có thái độ cứng rắn về tình trạng nhân quyền của Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ Úc – Trung ngày càng căng thẳng.
Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC Radio vào hôm thứ 3, 9/11, thượng nghị sĩ Eric Abetz đã gọi việc thu hoạch tạng của Trung Quốc là hoàn toàn không thể chấp nhận được, và là sự “sụp đổ mọi khái niệm về nhân quyền”. “Mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc là rất quan trọng. Mặc dù vậy, chúng ta còn có mục tiêu cao thượng hơn, đó là đảm bảo rằng chúng ta sẽ không nhẹ nhàng hay trợ giúp cho những hành vi man rợ đang xảy ra”, ông Abetz nói.
“Tôi muốn nói với chế độ Cộng sản Trung Quốc rằng họ đã có đủ vấn đề với Hồng Kông, với người Duy Ngô Nhĩ, và với các nhóm tín ngưỡng thiểu số, và việc thu hoạch tạng này là hành vi man rợ nhất mà họ cho phép xảy ra. Tội ác này cần phải bị ngăn chặn, bị lên án, và những ai có liên quan phải bị đưa ra công lý. Đây là bài kiểm tra xem Trung Quốc có thể hòa nhập với cộng đồng quốc tế không, và tôi hy vọng họ hiểu rằng nước Úc và người dân trên khắp thế giới đều lên án hành vi này.”
Bình luận của ông Abetz xuất hiện sau khi cựu thủ tướng Úc Paul Keating đổ lỗi cho truyền thống trong việc tạo nên căng thẳng Úc – Trung, và cho rằng truyền thông Úc đã “kích động” người dân về sự phát triển của Trung Quốc. “Úc đang báo động về quy mô và tốc độ phát triển của Trung Quốc. Điều này là do sự kích động của truyền thông”, ông Keating phát biểu trong một diễn đàn chiến lược của Úc.
Tuy nhiên như ông Abetz đã chỉ ra, vấn đề quan hệ Úc – Trung không nằm ở sự phát triển của Trung Quốc, mà nằm ở các giá trị quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thời gian vừa qua, chính trường Úc đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận về mối quan hệ với Trung Quốc. Sự việc khởi đầu sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc Peter Dutton phát biểu vào ngày 11/10 rằng mặc dù Trung Quốc là đối tác “vô cùng quan trọng” của Úc về kinh tế, nhưng các giá trị quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc là không phù hợp với các giá trị quan của Úc.
“Vấn đề của chúng tôi, như tôi đã nói, là không phải với người Trung Quốc, không phải với cộng đồng người Hoa đáng mến ở Úc. Vấn đề của tôi là với Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính sách của họ, bởi chúng không phù hợp với các giá trị quan của chúng ta”, ông Dutton tuyên bố.
Những bình luận của ông Peter Dutton đã khiến Lãnh sự quán Trung Quốc tại Canberra giận dữ. Họ gọi đó là “sự gièm pha hiểm độc” “tấn công trực tiếp vào người Trung Quốc”. Thủ tướng Úc Scott Morrison đã phải vào cuộc để hạ nhiệt căng thẳng, yêu cầu các nghị sĩ Úc thận trọng, không phản ứng thái quá và “phân tích thái quá”.
Không hài lòng với cách xử sự của thủ tướng, ngày 14/10/2019, thượng nghị sĩ Abetz lại tiếp tục lên án mạnh mẽ chế độ Trung Quốc:
“Tôi không lên án người dân Trung Quốc, nhưng tôi lên án chính quyền cộng sản Trung Quốc, một chính quyền độc tài nhốt khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong cái gọi là trại cải tạo. Nhà thờ Kitô giáo đang bị phá hủy và linh mục bị cưỡng bức. Những người theo Pháp Luân Công thì bị bắt, và theo một báo cáo mới nhất, họ phải đối mặt với việc bị lấy nội tạng đem bán, một hành vi lạm dụng nhân quyền cực kỳ tồi tệ.”
Ông Eric Abetz còn trực tiếp lên án việc Trung Quốc là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cùng với Cuba và Somalia: “Bên trong hệ thống Liên Hợp Quốc, chúng ta có một nhóm các nước được bầu vào hội đồng nhân quyền, mà chính những nước đó lại không thực hiện các quyền lợi cơ bản nhất của con người.”
Cũng trong tháng 11, Trung Quốc từ chối visa đối với hai nghị sĩ Andrew Hastie và James Paterson do họ đã chỉ trích chính quyền nước này về vấn đề Tân Cương trong bối cảnh một tài liệu bí mật bị rò rỉ cho thấy chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ đạo việc đàn áp dã man người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Hai nghị sĩ này dự định tới Bắc Kinh vào tháng 12 để nghiên cứu về các vấn đề Trung Quốc. Phía Trung Quốc cho biết hai nghị sĩ Úc phải “ăn năn” vì đã chỉ trích chế độ nếu muốn được cấp visa.
Úc và Trung Quốc đã thiết lập một chương trình cải thiện nhân quyền trị giá nhiều triệu USD trong hơn 20 năm qua. Chỉ tính riêng 3 năm vừa qua, chương trình này đã tiêu tốn 7 triệu USD. Tuy nhiên, sự việc rò rỉ tài liệu trấn áp Tân Cương, cùng việc leo thang đàn áp biểu tình Hồng Kông đã khiến chính quyền Úc quyết định đình chỉ chương trình này.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31799-nghi-si-uc-thu-hoach-tang-lam-sup-do-moi-khai-niem-ve-nhan-quyen.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?