Tin khắp nơi – 28/11/2019

Tin khắp nơi – 28/11/2019

Tổng thống Trump

ký luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký thành luật một dự luật ủng hộ những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.
Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ sẽ bắt buộc phải rà soát lại mỗi năm nhằm đảm bảo Hong Kong có quyền tự chủ đáng kể so với phần còn lại của Trung Quốc.
Ông Trump cho biết ông đã ký luật “vì tôn trọng Chủ tịch Tập [Cận Bình], Trung Quốc và nhân dân Hong Kong”.
Nhưng luật này sẽ chọc tức Bắc Kinh – giới chức Trung Quốc trước đó đã kêu gọi Hoa Kỳ “ngừng nhúng mũi” và nói sẽ “trả đũa” nếu các dự luật này trở thành luật..
Ông Trump hiện đang tìm kiếm một thỏa thuận với Trung Quốc, để chấm dứt cuộc chiến thương mại gây thiệt hại giữa hai nước.
Tổng thống cũng đã ký một dự luật thứ hai, trong đó cấm xuất khẩu “đạn dược” khống chế đám đông cho cảnh sát ở Hong Kong – bao gồm hơi cay, đạn cao su và súng sốc điện.
“[Các dự luật] được ban hành với hy vọng các nhà lãnh đạo và đại diện của Trung Quốc và Hong Kong sẽ có thể giải quyết một cách hòa hoãn sự khác biệt của họ, cốt để dẫn đến hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả,” ông Trump nói.
Bầu cử Hong Kong: Truyền thông TQ ‘ỉm’ kết quả, Carrie Lam không nhượng bộ
Biểu tình khiến Hong Kong rơi vào suy thoái ra sao?
Biểu tình Hong Kong: Tập Cận Bình ‘rất tin tưởng’ Carrie Lam
Luật nói gì?
Dự luật được đưa ra vào tháng Sáu trong giai đoạn đầu của các cuộc biểu tình ở Hong Kong, và đã được Quốc hội phê chuẩn với tỉ lệ áp đảo vào tháng trước.
Luật nói: “Hong Kong là một phần của Trung Quốc nhưng có một hệ thống kinh tế và pháp lý đa phần riêng biệt.
“[Rà soát thường niên] sẽ đánh giá liệu Trung Quốc có làm xói mòn các quyền tự do dân sự và luật pháp của Hong Kong được bảo vệ bởi Luật Cơ bản của Hong Kong hay không.”
Hoa Kỳ sẽ giám sát Hong Kong để đảm bảo thành phố này nó đủ tự chủ để được hưởng qui chế giao thương đặc biệt.
Qui chế giao dịch thương mại đặc biệt của Hong Kong có nghĩa là Hong Kong không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt hoặc thuế quan của Hoa Kỳ áp vào Trung Quốc đại lục.
Dự luật cũng nói rằng Hoa Kỳ nên cho phép cư dân Hong Kong được cấp visa vào Hoa Kỳ, ngay cả khi họ đã bị bắt vì là tham gia biểu tình bất bạo động.
Biểu tình Hong Kong: Trường ĐH Bách Khoa bị cảnh sát bao vây sau một cuối tuần bạo lực.
Tình hình ở Hong Kong thế nào?
Các cuộc biểu tình tại Hong Kong bắt đầu vào tháng Sáu chống lại một luật được đề xuất cho phép việc dẫn độ sang Trung Quốc đại lục nhưng kể từ đó đã biến thành một phong trào dân chủ lớn hơn.
Biểu tình cũng đã xảy ra các cuộc đụng độ ngày càng dữ dội, với cảnh sát bị tấn công, và cảnh sát đã có lúc bắn đạn thật.
Người biểu tình đã ném bom xăng và tấn công các cơ sở kinh doanh được coi là thân Bắc Kinh.
Những người biểu tình, trong khi đó, đã cáo buộc cảnh sát có hành động tàn bạo.
Một cựu nhân viên của Lãnh sự quán Anh ở Hong Kong nói với BBC rằng ông bị trói, ”bịt mặt và bịt đầu” ở Trung Quốc với cáo buộc kích động bất ổn chính trị.
Simon Cheng, 29 tuổi, một công dân Hong Kong từng làm cho chính phủ Anh gần hai năm, bị tạm giữ 15 ngày hồi tháng Tám khi đi vào Trung Quốc đại lục.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50582238

Mỹ thông qua

Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông

 và biện pháp đáp trả nực cười của TQ

Sau khi Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua hai Dự luật nhằm ủng hộ nhân quyền và bảo vệ Hồng Kông, phía Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chỉ trích và đe dọa “có hành động đáp trả” đối với Mỹ.
Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông
Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật ủng hộ Hồng Kông hay còn có tên gọi chính xác là Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông sau khi Hạ viện Mỹ thông qua và đệ trình. Ngay sau khi được Thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được chuyển lại cho Hạ viện Mỹ trước khi nó được đệ trình lên Tổng thống Donald Trump để ký ban hành. Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019 là một đạo luật lưỡng viện và lưỡng đảng Hoa Kỳ tái giới thiệu dưới tên gọi Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông theo đề xuất dự luật dẫn độ của Hồng Kông từng được ban hành năm 2019 và các cuộc biểu tình tiếp theo chống lại nó. Về bản chất, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông là bản sửa đổi của “Đạo luật Chính sách Hồng Kông 1992” với những thay đổi chính được mô tả bằng cụm từ “các mục đích khác”.
Dự luật thứ hai có tên “Bảo vệ Hồng Kông” cũng được toàn thể Hạ viện nhất trí thông qua với 417 phiếu thuận, 0 phiếu chống sau khi được Thượng viện thông qua ngày 19/11. Dự luật yêu cầu cấm xuất khẩu một số loại vũ khí kiểm soát đám đông cho lực lượng cảnh sát Hồng Kông, bao gồm lựu đạn hơi cay, bình xịt hơi cay, đạn cao su và súng chích điện.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (20/11) cho biết, “Quốc hội Mỹ đang gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn tới thế giới rằng Mỹ sẽ đoàn kết với những người yêu tự do của Hồng Kông và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh vì tự do của họ. Đây là một vấn đề mà chúng tôi đã hoàn toàn thống nhất”
Theo các nhà lập pháp Mỹ, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông gần như là một dự luật mở, cho phép các bộ, ban ngành của Mỹ có thể thay đổi những biện pháp, phương thức hành động để ứng phó với những diễn biến chính trị ở Hồng Kông theo luật pháp Mỹ đã quy định. Luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông có 10 phần. Ngoại trừ phần 1 nêu tóm tắt toàn bộ đạo luật, 9 phần còn lại là những quy định vừa chi tiết vừa có hướng mở để các bộ của Hoa Kỳ dễ dàng, linh hoạt hành động tương ứng với những diễn biến chính trị liên quan đến tình hình Hồng Kông.
Văn phòng nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cho biết, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông sẽ là nền tảng cho chính quyền chỉ đạo các bộ phận khác nhau trong thể chế đánh giá xem sự phát triển chính trị ở Hồng Kông có cần thiết phải tiến hành thay đổi cách đối xử với Hồng Kông theo luật pháp của Hoa Kỳ hay không. Cụ thể là: Yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ hàng năm phải có báo cáo tổng quan chi tiết về quyền tự trị của Hồng Kông để từ đó ban hành các chính sách đặc biệt dành cho Hồng Kông như đã được đề cập theo Đạo luật chính sách Hồng Kông năm 1992; Yêu cầu Tổng thống xác định những người chịu trách nhiệm ở Trung Quốc đại lục về các vụ bắt bớ các nhà viết sách, các nhà báo Hồng Kông và những người đồng lõa trong việc mà Hoa Kỳ cáo buộc là “đàn áp các quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông”, bao gồm cả những vấn đề phức tạp trong việc thể hiện quan điểm của các cá nhân, liên quan đến việc thực thi các quyền được quốc tế công nhận, cũng như quyền đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ
và từ chối cho những người có trách nhiệm nhập cảnh vào Mỹ; Yêu cầu Tổng thống Mỹ ban hành chiến lược bảo vệ Hoa Kỳ công dân và doanh nghiệp khỏi những rủi ro do Pháp lệnh người phạm tội bỏ trốn sửa đổi, bao gồm cả việc xác định xem có cần sửa đổi thỏa thuận dẫn độ giữa Hoa Kỳ – Hồng Kông và dịch vụ tư vấn đi lại ở Hồng Kông của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hay không; Yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Mỹ có báo cáo thường niên để đánh giá liệu chính quyền Hồng Kông có thực thi đầy đủ các quy định, lệnh trừng phạt liên quan đến xuất khẩu các mặt hàng sử dụng trong những lĩnh vực nhạy cảm (vũ khí, trang bị) mà Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc đã ban hành, đặc biệt liên quan đến Iran và Triều Tiên hay không; Chính phủ Mỹ phải đảm bảo rằng những người xin thị thực sẽ không bị từ chối việc cấp visa dù họ có lệnh phải bị bắt giữ, đang bị giam giữ hoặc đang gặp phải những hành động bất lợi khác do các chính phủ khác gây ra do tham gia vào các hoạt động phản kháng liên quan đến vận động thúc đẩy dân chủ, nhân quyền hoặc củng bố luật pháp ở Hồng Kông.
Phản ứng của Trung Quốc
Tại cuộc họp với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (21/11) cho rằng: “Ngay bây giờ, mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ đã tới một ngã tư quan trọng. Nhưng chúng tôi rất tiếc khi thấy một số chính trị gia Mỹ đang bôi nhọ, tấn công, nói xấu Trung Quốc đến mức gần như điên rồ”; đồng thời chỉ trích, “Mỹ nhiều lần ban hành dự luật để can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, vi phạm các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế. Những hành vi này đầu độc bầu không khí quan hệ Trung – Mỹ, gây ảnh hưởng đến niềm tin lẫn nhau mà chúng ta đã xây dựng trong nhiều năm qua”. Ngoài ra, ông Vương Nghị cho rằng việc Hạ viện Mỹ phê chuẩn Dự luật đã “gửi một tín hiệu sai đến những tên tội phạm bạo lực ở Hồng Kông, đồng thời sẽ gây thiệt hại cho đặc khu”; đồng thời cho biết Trung Quốc cũng triệu tập Đặc phái viên hàng đầu của Mỹ tại Hồng Kông Hanscom Smith để khiếu nại và cảnh báo họ sẽ áp dụng các biện pháp đối phó cứng rắn nếu dự luật được thông qua.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện các “biện pháp đáp trả quyết liệt” sau khi quốc hội Mỹ thông qua dự luật Hồng Kông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng: “Bất cứ nỗ lực nào của Mỹ nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc đều sẽ không có tác dụng. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ nhìn rõ tình hình và tiến hành các bước để ngăn chặn việc biến dự luật này thành luật, chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và Hồng Kông, tránh châm lửa đốt chính mình”; đồng thời cảnh báo “nếu phía Mỹ nhất quyết hành động đơn phương, Trung Quốc sẽ có biện pháp hiệu quả để đáp trả cương quyết nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển”. Tuy nhiên, ông Cảnh Sảng không nêu chi tiết hành động Bắc Kinh có thể thực hiện. Trước đó một ngày, phát ngôn viên chính quyền Hồng Kông nói rằng Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông cùng với các dự luật khác là “không cần thiết và không chính đáng”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã triệu Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh William Klein để trao công hàm “phản đối mạnh mẽ” việc Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, khẳng định sẽ áp dụng những bước đi cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.
Trong khi đó, để bênh vực cho Chính quyền và góp phần lên án Mỹ, truyền thông Trung Quốc đã hết lời chỉ trích hành động trên của Mỹ. Tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc nhanh chóng đăng bài xã luận gọi Dự luật này là “văn bản rác” và “một sự khiêu khích nghiêm trọng đối với toàn bộ người Trung Quốc”. Nhân dân nhật báo cho rằng “nếu phía Mỹ đi theo con đường của riêng mình, Trung Quốc sẽ có biện pháp hiệu quả để kiên quyết chống lại họ và mọi hậu quả phải do Mỹ gánh chịu hoàn toàn”. Thời báo Hoàn cầu, phụ san của Nhân dân nhật báo thì lên giọng mỉa mai khi cho rằng thay vì gọi là Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, Dự luật này nên được gọi là “Dự luật Bạo lực Hồng Kông”.
Tác động của Dự luật
Theo CNN, Dự luật này là một đòn làm suy yếu các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh trong thời điểm quan trọng của đàm phán. Ông Trump vẫn chưa xác nhận có ký thông qua Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông hay không, nhưng ông từng nhiều lần cẩn thận khi nói về chủ đề này để tránh Trung Quốc nổi giận. Hồi tháng 10, ông Trump thậm chí còn hứa hẹn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng ông sẽ im lặng trước tình hình căng thẳng tại Hồng Kông, trong bối cảnh hai nước đang đàm phán thương mại. Nếu Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông được thông qua thì Mỹ từng năm sẽ đánh giá xem liệu thành phố tự trị này có được Trung Quốc duy trì quyền tự do của họ hay không. Nếu Mỹ tuyên bố thành phố không được tự do trước Bắc Kinh thì khi đó Washington sẽ rút lại tình trạng thương mại đặc biệt của thành phố, điều này sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của Hồng Kông và Trung Quốc. Ngoài ra, Dự luật Dân chủ và Nhân quyền
Hồng Kông cũng đưa ra một quy trình cho phép Tổng thống Mỹ có thể ký lệnh trừng phạt và hạn chế đi lại đối với các quan chức Hồng Kông bị cho là vi phạm nhân quyền.
Các dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua trong bối cảnh căng thẳng leo thang gần đây ở Hồng Kông khi người biểu tình chiếm đóng các trường đại học, sau đó tập trung trong Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) từ hôm 17/11. Phần lớn người biểu tình trong PolyU đã bị bắt hoặc buộc rời khỏi trường, chỉ còn một số ít ở lại bên trong. Biểu tình Hồng Kông nổ ra từ tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đặc khu tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu sách khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát và đòi lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam từ chức.
http://biendong.net/bien-dong/31788-my-thong-qua-du-luat-dan-chu-va-nhan-quyen-hong-kong-va-bien-phap-dap-tra-nuc-cuoi-cua-tq.html

Vai trò của Mỹ trong việc ngăn chặn

TQ “độc chiếm Biển Đông”

Mỹ cần tiếp tục tăng cường “xây dựng năng lực cho Việt Nam” bên cạnh việc bắt các thực thể và công ty Trung Quốc lãnh hậu quả về các hành động hỗ trợ cho Chính phủ Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ đã tổ chức Hội thảo về Tham vọng hàng hải của Trung Quốc trong chuỗi đảo đầu tiên và xa hơn thế”. Tại Hội thảo, giới chuyên gia, học giả cho rằng Trung Quốc đang ngày càng tỏ rõ ưu thế và áp đặt sức mạnh của mình để tìm cách thiết lập một hiện trạng mới trên Biển Đông, đồng thời cho rằng Mỹ phải tìm ‘điểm cân bằng’ để cùng chia sẻ quyền lực với Trung Quốc trên vùng biển này.
Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) Greg Poling cho rằng những bước tiến dài trên thực địa về khả năng tác chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và cảnh báo những gì được bàn bạc ở Mỹ cũng như các nước đông nam Á ‘theo không kịp’ các bước tiến của Trung Quốc. Ông Greg Poling nhận định Trung Quốc trong vài năm trở lại đây đã thực hiện chiến dịch từng bước qua “nhiều giai đoạn” nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông một cách nhanh chóng. Giai đoạn thứ nhất, bắt đầu kể từ cuối năm 2013 khi các tàu nạo vét Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Trường Sa để bồi đắp đảo nhân tạo. Cho đến đầu năm 2017, Bắc Kinh chuyển sang giai đoạn hai là hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo để phục vụ mục đích quân sự và dân sự, bao gồm nhà để máy bay, nhà chứa tên lửa, kho chứa vũ khí và nhiên liệu, hải cảng, radar, thiết bị thu thập thông tin tình báo… Công việc này phần lớn hoàn tất vào cuối năm 2017, ông cho biết. Giai đoạn ba được thực hiện từ cuối năm 2017: triển khai nhanh chóng các khí tài quân sự tân tiến ra các đảo nhân tạo, bao gồm đưa máy bay quân sự ra các bãi Subi và Vành Khăn, hạ cánh lên Bãi Chữ Thập các máy bay vận tải và tuần tra biển, đưa những tên lửa hành trình đầu tiên ra Trường Sa, thiết lập các thiết bị phá sóng…bên cạnh việc tăng nhanh chóng các bệ phóng tên lửa được triển khai trên đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa hiện Trung Quốc đang nắm giữ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất, là “sự gia tăng như vũ bão các tàu hải giám và tàu dân quân biển của Trung Quốc đóng ở các đảo thuộc Trường Sa”. Những chiếc tàu này không phải ra Biển Đông hoạt động rồi về như trước mà thực sự là chúng đóng đô ở các đảo nhân tạo này ít nhất là trong hàng tuần hay hàng tháng trời mỗi lần. Chính khả năng cơ động này của Trung Quốc đã giúp họ có thể duy trì cường độ quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam quanh sự cố Bãi Tư Chính trong bốn tháng vừa qua. Theo ông Poling, “đây là sự thực hiện quyền lực cưỡng ép ở mức độ thấp của Trung Quốc vốn chưa đến mức sử dụng vũ lực. Điều này là không thể xảy ra trước khi Trung Quốc hoàn thành các đảo nhân tạo”. Ngoài ra, ông Poling cho biết, việc thực hiện quyền lực cưỡng ép này của Trung Quốc còn được thể hiện trong lĩnh vực khai thác dầu khí. Bắc Kinh đã quyết định rõ ràng có lẽ từ năm ngoái rằng họ sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động khảo sát dầu khí nào trên Biển Đông nữa, thậm chí đối với những lô dầu khí đang khai thác. Trong khi đó, ông cho rằng, Mỹ và các đồng minh, cho dù là Nhật Bản, Australia hay Anh, Pháp, “đều không có sự chuẩn bị” và “không có phương cách để đối đầu với tình huống này”. Vì vậy, nguy cơ sẽ là chẳng mấy chốc “Mỹ sẽ lâm vào tình thế là các đối tác ở Đông Nam Á, nhất là Philippines sẽ đặt vấn đề nếu như sự hiện diện quân sự đón đầu của Mỹ không giúp ích gì được cho tôi trong việc đánh bắt hay khai thác dầu khí thì tại sao tôi lại ủng hộ mối quan hệ đồng minh này”.
Chuyên gia Collin Koh Swee Lean, nghiên cứu viên thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore cho rằng những hòn đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông không bao giờ có thể là được xem là “hàng không mẫu hạm không thể chìm” và cho biết “các tướng lĩnh của PLA đã thừa nhận kín đáo cũng như công khai rằng trong trường hợp chiến sự nổ ra thì những hòn đảo này trên thực tế gần như vô dụng. Chúng sẽ bị phá sạch gần như ngay lập tức ngay khi bắt đầu bất kỳ cuộc xung đột nào trên Biển Đông. Do đó chủ yếu những hòn đảo này chỉ có công dụng trong thời bình”. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn trong việc duy trì các công trình trên đảo nhân tạo này và đảm bảo rằng chúng vẫn nằm đó. Ông Collin cho biết các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu cách làm sao để cho san hô và xi măng có thể kết dính lại với nhau để không bị sóng biển đánh sập cũng như không bị xói mòn theo thời gian do thời tiết và làm sao để các thiết bị điện tử không bị ăn mòn. Hiện nay, Trung Quốc chưa có khả năng ngăn ngừa sự ăn mòn của thời tiết, ông nói và cho biết họ đang tìm cách để làm được điều này trong vòng 10 năm tới và cơ hội họ làm được ‘là rất cao’. Bên cạnh đó, ông Collin cũng lưu ý rằng mặc dù đội tàu quân sự của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông vẫn không tăng không giảm gì nhiều nhưng chúng “có sự tăng trưởng về chất” và cùng việc xây dựng năng lực linh động là việc xây dựng kho vũ khí tên lửa vốn cho phép Trung Quốc thực thi sức mạnh với phạm vi rộng khắp thậm chí ngoài phạm vi Biển Đông. Ông lấy ví dụ là Mạng lưới Quan sát Đại dương (Ocean Observation Network) của Trung Quốc vốn nghe có vẻ vô hại nhưng lại “có mục đích kép” là không chỉ ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai mà còn phục vụ cho mục đích quân sự. Ông cho rằng Biển Đông được Trung Quốc xem là ‘lãnh thổ xanh’ của họ. Nó không chỉ có ý nghĩa lịch sử, chiến lược, kinh tế mà còn là ý nghĩa tình cảm’ đối với Trung Quốc, và nó không chỉ là “vấn đề bảo vệ chủ quyền” đối với họ mà còn tạo ra “chiều sâu chiến lược” để đảm bảo an ninh cho Trung Quốc đại lục từ xa. Do đó, Trung Quốc đang tìm cách “định hình cách hành xử của các nước trên Biển Đông” theo ý họ.
Phó Chủ tịch cao cấp chương trình châu Á của CSIS Michael J. Green cho rằng có sự đồng thuận rộng rãi giữa các học giả rằng “đẩy lùi hiện trạng trên Biển Đông lại như cũ là không có khả năng trừ phi các đảo nhân tạo bị đổ sập”. Cả Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh nhau ở Biển Đông và không có bên nào làm bá chủ được. Cho nên vấn đề là đâu là điểm cân bằng mà Mỹ và Trung Quốc có thể chấp nhận được.
Trong khi đó, ông Greg Poling đưa ra hai đề xuất để tăng cường khả năng đối phó của Mỹ trước Trung Quốc trên Biển Đông. Trước hết, sẽ không có cơ hội tìm ra giải pháp cho tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông mà thay vào đó, Mỹ nên tìm phương cách bền vững để quản lý tranh chấp. Do đó, Mỹ cần củng cố địa vị của mình đối với đồng minh Philippines mà điều này có nghĩa là thực thi Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA). Chỉ như vậy thì Mỹ mới có thể duy trì một lực lượng luân phiên tại khu vực Biển Đông. Nếu không thì Mỹ không thể nào dễ dàng phá dỡ các căn cứ của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo. Thứ hai, Washington nên tìm cách quay về tình trạng hồi năm 2016 dưới thời Tổng thống Obama là “có một liên minh quốc tế mạnh mẽ sẵn sàng nêu tên và chỉ trích những hành vi sai trái của Trung Quốc”. Làm như vậy sẽ khiến cho Trung Quốc gánh chịu hậu quả về danh tiếng bên cạnh các hậu quả về kinh tế. Ngoài ra, ông Collin nhấn mạnh để có ‘điểm cân bằng’ đó thì các nước ASEAN cần phải có chính sách nhất quán bất kể các chính phủ khác nhau lên nắm quyền sau mỗi chu kỳ bầu cử; đồng thời cảnh báo nếu Mỹ không thể chấm dứt hợp tác quân sự với các nước quanh Biển Đông thì căng thẳng sẽ leo thang trở lại và do đó COC nếu được thông qua cũng sẽ trở nên vô tác dụng.
Trước đó, khi trả lời câu hỏi về liệu Hà Nội có thể dựa vào sự ủng hộ của Mỹ đến đâu trên Biển Đông khi mà Manila, một đồng minh có hiệp ước với Washington, còn không thể tin tưởng vào Mỹ đến nỗi phải xích gần lại Trung Quốc, ông Greg Poling nói rằng Mỹ có thể giúp Việt Nam “tăng cường khả năng răn đe Trung Quốc”. Ông Greg Poling cho rằng Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có khả năng đánh chặn Trung Quốc trên Biển Đông mặc dù họ sẽ thua nhanh chóng nhưng không phải là Trung Quốc không lãnh hậu quả” và cho rằng Mỹ cần tiếp tục tăng cường “xây dựng năng lực cho Việt Nam” bên cạnh việc bắt các thực thể và công ty Trung Quốc lãnh hậu quả về các hành động hỗ trợ cho chính phủ Trung Quốc trên Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/31789-vai-tro-cua-my-trong-viec-ngan-chan-tq-doc-chiem-bien-dong.html

Mỹ tố cáo Nga giúp Syria

che giấu việc sử dụng vũ khí hóa học

Hoa Kỳ hôm 28/11 tố cáo Nga đã giúp Syria che giấu việc sử dụng các loại vũ khí hóa học độc hại bị cấm trong cuộc nội chiến bằng cách cản phá công việc của cơ quan quốc tế chống vũ khí hóa học đang điều tra xác định những kẻ đã vi phạm.
Các tố giác do đại diện Hoa Kỳ trong Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), ông Kenneth Ward, đưa ra ngay lập tức bị Moscow bác bỏ giữa lúc các cường quốc phương Tây và Nga bất đồng gay gắt với nhau tại hội nghị thường niên của tổ chức này diễn ra ở The Hague
Moscow trong mấy tháng qua đã bày tỏ bất đồng quan điểm đối với việc một tài liệu và một email do hai cựu nhân viên OPCW rò rỉ được xem như là một bằng chứng cho thấy OPCW đã ghi lại kết luận của một báo cáo ngày 1 tháng 3 nói rằng vũ khí hóa học có chứa clo đã được sử dụng trong vụ tấn công năm 2018 gần Damascus.
Hơn 40 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công ở Douma, một thị trấn ở ngoại ô thủ đô Damascus lúc đó do phe nổi dậy kiểm soát vào ngày 7 tháng 4 năm 2018.
Hoa Kỳ, Anh và Pháp một tuần sau đó đã phản ứng bằng việc bắn tên lửa vào các mục tiêu của chính phủ Syria. Đó được xem là hành động quân sự lớn nhất của phương Tây chống lại chính quyền Damascus trong cuộc chiến kéo dài 8 năm.
Syria và Nga bác bỏ việc đã xảy ra một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma. Hai đồng minh này nói rằng vụ này được dàn dựng bằng cách sử dụng các thi thể được mang từ nơi khác tới, và báo cáo của OPCW về Douma đã được ghi nhận để biện minh cho sự can thiệp quân sự của phương Tây vào Syria.
https://www.voatiengviet.com/a/my-to-cao-nga-giup-syria-che-giau-viec-su-dung-vu-khi-hoa-hoc/5185095.html

60,000 người buộc phải di tản

sau vụ nổ tại nhà máy hóa chất ở Texas

Tin từ Port Neches, Texas — Vào Thứ Tư (ngày 27 tháng 11), hai vụ nổ tại một nhà máy hóa chất TPC ở Texas đã buộc chính quyền phải ra lệnh di tản cho 60,000 người.
Theo CBS News, vụ nổ đầu tiên xảy ra chỉ sau 1 giờ sáng thứ Tư, thổi tung cửa sổ và cửa ra vào của những ngôi nhà gần đó, làm ba công nhân bị thương. Các viên chức cho biết người dân có thể cảm nhận sự rung chuyển của vụ nổ trong khu vực 30 dặm xung quanh. Khi mặt trời mọc, những đám khí độc hại có thể được nhìn thấy cách xa nhà máy hàng dặm. Đến chiều cùng ngày, một vụ nổ lớn thứ hai đã xảy ra, buộc các viên chức phải ban hành lệnh cuộc di tản bắt buộc cho những người dân sinh sống trong bán kính bốn dặm xung quanh nhà máy.
Trong một cuộc họp báo tối thứ Tư, Thẩm phán Jeff Branick cho biết một số vụ nổ nhỏ hơn đã xảy ra trong suốt cả ngày, nhưng may mắn là không ai thiệt mạng. TPC đã xác nhận sự an toàn của tất cả các công nhân trong nhà máy, và ba công nhân bị thương hiện đã được xuất viện. Troy Monk, Giám đốc Y tế, An toàn và An ninh của TPC, cho biết có ít nhất 3 bể chứa dầu đã bị hư hại, nhưng lính cứu hỏa vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ thiệt hại của vụ nổ. Năm cư dân đang được điều trị vì những vết thương nhẹ do cửa kính bị vỡ.
Texas đã chứng kiến nhiều vụ nổ nhà máy lọc dầu trong năm nay, bao gồm vụ hỏa hoạn hồi tháng 3 đã gần Houston và một vụ khác đã giết chết một công nhân tại một nhà máy ở Crosby. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/60000-nguoi-buoc-phai-di-tan-sau-vu-no-tai-nha-may-hoa-chat-o-texas/

Hai cơn bão mùa đông đổ bộ

gây kẹt xe và hoãn chuyến bay khắp nước Mỹ

Tin từ Los Angeles, California – Vào hôm thứ tư (27 tháng 11), hai cơn bão mùa đông đã đổ bộ vào Hoa Kỳ, gây ra kẹt xe và khiến hàng ngàn chuyến bay bị trì hoãn khi người dân trong nước khởi hành những chuyến du lịch vào Lễ Tạ Ơn.
Hàng loạt xe cộ đã bị mắc kẹt trên xa lộ Interstate 5 sau một cơn bão mùa đông gây ra bởi áp suất khí quyển giảm nhanh đã mang đến 4 feet tuyết ở khu vực miền núi Tây Bắc Thái Bình Dương.
Trước đó vào Thứ Ba (ngày 26 tháng 11), Vùng Trung Tây Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi một cơn bão đổ bộ vào Denver, khiến các phi trường ở Minneapolis và Chicago phải trì hoãn và hủy hàng trăm chuyến bay. Theo American Automobile Association (AAA), các cơn bão đánh vào một trong những ngày du lịch nhộn nhịp nhất trong năm, với gần 55 triệu người Hoa Kỳ khởi hành các chuyến hành trình kèo dài ít nhất 50 dặm để đón Lễ Tạ Ơn vào thứ năm (ngày 28 tháng 11).  Cơ Quan Thời Tiết Quốc Gia cho biết sau khi nhiều khu vực tại Colorado có tuyết rơi lên tới 30 inch vào thứ ba, Minneapolis dự kiến sẽ có đến 12 inch tuyết trong lúc cơn bão di chuyển về phía đông. Theo dự đoán của Cơ Quan Thời Tiết Quốc Gia, cơn bão sẽ  di chuyển qua miền Bắc Michigan và ngoại ô New York về phía trung tâm Maine, nơi tuyết có thể rơi rơi từ 6 đến 10 inch. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hai-con-bao-mua-dong-do-bo-gay-ket-xe-va-hoan-chuyen-bay-khap-nuoc-my/

Mêhicô bất bình với tuyên bố của Trump

về các băng đảng ma túy

Mai Vân
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba 26/11/2019, tuyên bố sẵn sàng xếp các băng đảng ma túy ở Mêhicô vào danh sách các tổ chức khủng bố. 9 thành viên cộng đồng Mormon tại Hoa Kỳ mới đây đã bị giới buôn lậu ma túy Mêhicô sát hại. Tuyên bố của tổng thống Mỹ đã làm cho Mêhicô bực tức và tổng thống nước này đã phản ứng gay gắt hôm qua 27/11.
Thông tín viên RFI tại Mêhicô, Patrick John Buffe ghi nhận :
“Hợp tác thì được, can thiệp thì không !”: Tổng thống Lopez Obrador đã phản ứng như trên trước tuyên bố của đồng nhiệm Mỹ. Ông Obrador không nói gì thêm, chỉ dừng lại ở khẩu hiệu này thôi. Ông muốn tránh mọi tranh cãi trước ngày lễ Tạ Ơn, một ngày lễ mà ông muốn tôn trọng vì rất quan trọng ở Mỹ.
Ngược lại, ngoại trưởng Mêhicô Marcelo Ebrard đã phản ứng nhanh nhẹn, nói rõ là nước ông sẽ không chấp nhận một hành động nào mang tính vi phạm chủ quyền quốc gia của mình. Ông cho biết đã tiếp xúc với chính quyền Mỹ để nói về vấn đề có thể gây căng quan hệ song phương này.
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại và khi được hỏi về khả năng liệt các băng đảng ma túy vào danh sách khủng bố, ông Trump khẳng định : « Tôi sẽ liệt họ vào diện đó, đúng thế.»
Đầu tháng 11 này, 3 phụ nữ và sáu trẻ em thuộc cộng đồng Mormon ở Mỹ nhưng định cư ở bắc Mêhicô đã bị giới ma túy sát hại. Trên mạng witter, ông Trump đã nói « nếu Mêhicô cần hay yêu cầu giúp đỡ để loại các quái vật đó, thì Mỹ sẵn sàng tình nguyện, và có khả năng làm việc đó nhanh gọn. »
Đã có khoảng 26.000 người bị thiệt mạng từ đầu năm đến nay ở Mêhicô, và Washington yêu cầu láng giềng tuyên chiến với các băng đảng ma túy.
Đói với chính quyền Mêhicô, các nghị sĩ, đảng phái ở nước này, không thể chấp nhận việc liệt các băng đảng ma túy vào danh sách tổ chức khủng bố, vì như vậy là Hoa Kỳ sẽ có thể tiến hành trên lãnh thổ Mêhicô những vụ đột kích, bước đầu cho can thiệp quân sự.
http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191128-m%C3%AAhic%C3%B4-b%E1%BA%A5t-b%C3%ACnh-v%E1%BB%9Bi-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%91-c%E1%BB%A7a-tt-m%E1%BB%B9-v%E1%BB%81-c%C3%A1c-b%C4%83ng-%C4%91%E1%BA%A3ng-ma-t%C3%BAy

Tân chính phủ Bolivia

tái lập các mối quan hệ với Hoa Kỳ

Tin từ LA PAZ/COCHABAMBA, Bolivia – Chính phủ lâm thời của Bolivia bổ nhiệm một đại sứ tạm thời tại Hoa Kỳ lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, nối lại các mối quan hệ quốc tế của quốc gia Nam Mỹ này.
Theo Reuters, chính sách đối ngoại của Bolivian đã thay đổi rõ rệt chỉ trong hai tuần dưới quyền Tổng thống lâm thời Jeanine Anez, một thượng nghị sĩ tiếp quản một khoảng trống quyền lực do việc từ chức và trục xuất của nhà lãnh đạo cánh tả Evo Morales. Vào hôm Thứ Ba (26/11), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Karen Longaric đã đề cử ông Walter Oscar Serrate Cuellar làm đại sứ của một phái đoàn đặc biệt và tạm thời tại Hoa Kỳ. Đây là đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên kể từ năm 2008, khi quan hệ ngoại giao với Washington trở nên suy thoái dưới thời ông Morales.
Bộ trưởng Karen Longaric cho biết việc bổ nhiệm ngắn hạn này sẽ giúp mở đường cho các mối quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ.
Bolivia rơi vào tình trạng hỗn loạn, sau khi cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 20 tháng 10 bị hủy bỏ bởi những cáo buộc gian lận theo hướng có lợi cho ông Morales. Ông Morales, vị lãnh đạo bản địa đầu tiên của Bolivia, người nắm quyền từ năm 2006, từ chức vào ngày 10 tháng 11 giữa các cuộc biểu tình lan rộng chống lại ông. Một cuộc kiểm tra quốc tế cho biết cuộc bầu cử phải được hủy bỏ và cảnh sát cùng quân đội tuyên bố rút lại sự hỗ trợ ông Morales. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tan-chinh-phu-bolivia-tai-lap-cac-moi-quan-he-voi-hoa-ky/

Tân Ủy Ban Châu Âu được Nghị Viện thông qua

với đa số rộng rãi

Mai Vân
Tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Hôm qua, 27/11/2019, thành phần ủy ban mới do bà đệ trình đã được Nghị Viện Châu Âu thông qua với một đa số rộng rãi, trái với tỷ lệ sát sao mà bà giành được trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm gần đây.
Theo kết quả bầu phiếu, tân Ủy Ban Châu Âu gồm 26 ủy viên đã nhận được 461 phiếu tín nhiệm, so với 157 phiếu chống và 89 người không bỏ phiếu. Tuy nhiên, ngay cả các nhóm đã bỏ phiếu tín nhiệm hoặc không bỏ phiếu, đều đã cảnh báo rằng họ không hề khoán trắng công việc cho tân chủ tịch, như phát biểu của ông Dacian Ciolos, người Rumani, lãnh đạo nhóm nghị sĩ tự do Renew.
Trong diễn văn đọc trước lúc tiến hành bỏ phiếu, bà Ursula Von der Leyen đã xác định : « Thông điệp của tôi rất đơn giản : hãy cùng nhau bắt tay vào việc ». Đây là một điều cần thiết trong bối cảnh ngày chính thức làm việc của Ủy Ban Châu Âu đã bị dời lại một tháng do những trục trặc trong quá trình hình thành ê kíp, với một con số kỷ lục là ba ứng viên bị Nghị Viện bác bỏ, trong lúc tên đặt cho một số chức danh đã gây nhiều tranh cãi.
Dẫu sao thì trong phát biểu bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp và Đức, tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã nêu bật các ưu tiên của bà trong năm năm tới, trong đó có kỹ thuật số và nhất là chống biến đổi khí hậu.
Một bộ phận nghị sĩ đã đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh bài diễn văn, nhưng cũng có một vài tiếng nói bất đồng vang lên. Năm nghị sĩ thuộc đảng Xã Hội Pháp đã tuyên bố sẽ không bỏ phiếu, sẽ « không khoán trắng » cho bà Von der Leyen, nhưng cũng không « lao vào cuộc chiến » với bà.
Đảng Xã Hội như vậy đã cùng quan điểm với đảng Xanh, cũng chủ trương không bỏ phiếu, Ngược lại, hai  khối nghị sĩ cực tả và cực hữu đã bỏ phiếu chống.
http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191128-t%C3%A2n-%E1%BB%A7y-ban-ch%C3%A2u-%C3%A2u-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-ngh%E1%BB%8B-vi%E1%BB%87n-th%C3%B4ng-qua-v%E1%BB%9Bi-%C4%91a-s%E1%BB%91-r%E1%BB%99ng-r%C3%A3i

Khí hậu: Hai ONG kêu gọi Pháp ra luật

buộc ngân hàng chống ô nhiễm

Tú Anh
Hiệp hội Les Amis de la Terre France và Oxfam France hôm nay 28/11/2019, đồng yêu cầu chính phủ Pháp « ra luật » ngay từ năm 2020 để ép buộc giới ngân hàng phải có chính sách hạn chế hiện tượng khí quyển tăng nhiệt.
Một ngày trước khi diễn ra cuộc hội thảo mang tên « Climat Finance Day », Ngày Khí Hậu và Tài Chính, tại Paris, chi nhánh tại Pháp của hai tổ chức quốc tế Bạn Của Trái Đất và Oxfam chống bất công và nghèo đói công bố một bản nghiên cứu, kèm theo đề nghị gây bất bình cho giới ngân hàng.
Trong phần mở đầu, hai tổ chức phi chính phủ nói trên kêu gọi các ngân hàng chấm dứt đầu tư vào các dự án công nghiệp sử dụng năng lượng gây hiệu ứng nhà kính như xăng dầu, than đá… và phải lập kế hoạch cụ thể bỏ nhiên liệu than đá trên khắp châu Âu và khối OCDE kể từ 2030 và trên toàn thế giới vào năm 2040.
Theo bản nghiên cứu này, trong năm 2018, tổng cộng khí thải hâm nóng không khí, do các hoạt động mà bốn ngân hàng lớn nhất của Pháp đầu tư trên thế giới, là 2 tỷ tấn, nhiều gấp 4,5 lần toàn bộ khí CO2 do nước Pháp thải ra.
Theo AFP, trong những năm gần đây, các ngân hàng Pháp tiến hành nhiều chương trình cụ thế để dần dần tăng thêm phần đầu tư vào năng lượng xanh. Tuy nhiên, hai hiệp hội Bạn Của Trái Đất và Oxfam cho là quá chậm.
Bác bỏ nhận định này, chủ tịch Liên Đoàn Ngân Hàng Pháp Frédéric Oudéa, trong một chương trình của đài Europe 1, cho là phương pháp nghiên cứu không chính xác và dù muốn dù không, cần phải tỏ ra thực tế : « Liệu có thể ngưng đầu tư vào Air France, Renault hay Peugeot hay không ? ».
http://vi.rfi.fr/ph%C3%A1p/20191128-kh%C3%AD-h%E1%BA%ADu-hai-ong-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-ph%C3%A1p-ra-lu%E1%BA%ADt-bu%E1%BB%99c-ng%C3%A2n-h%C3%A0ng-ch%E1%BB%91ng-%C3%B4-nhi%E1%BB%85m

Paris: Bắc Kinh nên ngưng giam cầm tùy tiện

người Hồi Giáo Tân Cương

Mai Vân
Trong cuộc họp báo thường kỳ vào hôm qua, 27/11/2019, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Pháp đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc « chấm dứt việc giam cầm tùy tiện » người Hồi Giáo ở Tân Cương, mà theo các tổ chức nhân quyền, số lượng lên đến cả triệu người, phần đông là người Duy Ngô Nhĩ. Họ bị giam giữ trong các trại mà Trung Quốc gọi là trại huấn nghiệp.
Trước Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội Pháp, ngoại trưởng Jean – Yves Le Drian nói thêm : « Chúng tôi đề nghị chính quyền Trung Quốc là, ngoài việc đóng cửa các trại giam, hãy mời Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet và các chuyên gia về thủ tục đặc biệt đến tận nơi, trong những thời hạn ngắn nhất, để xem xét tình hình một cách công minh. »
Tài liệu chính thức của Trung Quốc bị rò rỉ đã cho thấy rõ tình hình đàn áp, giam cầm tùy tiện ở Tân Cương mà Bắc Kinh luôn phủ nhận. Tài liệu này được tập hợp nhà báo điều tra quốc tế ICIJ nắm được và công bố trên 17 tờ báo lớn trên thế giới, với những chi tiết về những quy định không khác gì chế độ khổ sai.
Ngoại trưởng Pháp còn nhấn mạnh « Chúng tôi theo dõi kỹ tất cả những lời chứng và tài liệu mà báo chí đã đăng tải về hệ thống trấn áp được thiết lập trong vùng đó (Tân Cương) »
Trung Quốc luôn phủ nhận việc đã thiết lập trại cải tạo, cũng như con số hơn triệu người bị giam giữ trong các trung tâm này.
Không chỉ Pháp, mà hôm qua thủ tướng Đức Angela Merkel, phát biểu trước các nghị sĩ Đức, cũng bày tỏ quan ngại về tình hình vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Bắc Kinh hôm nay, 28/11/2019, đã phản bác phương Tây, phủ nhận những lời tố cáo, cho rằng không có trung tâm cải tạo mà chỉ là những « trung tâm huấn nghiệp »,với mục tiêu chống Hồi Giáo cực đoan.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng còn phát biểu gay gắt: « Vấn đề Tân Cương là chuyện hoàn toàn nội bộ Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết chống lại mọi can thiệp nước ngoài về Tân Cương ».
Không chỉ nêu lên quan ngại về Tân Cương, thủ tướng Đức cũng như ngoại trưởng Pháp cũng đề cập đến kết quả bầu cử ở Hồng Kông ; Thủ tướng Đức khen ngợi cử tri Hồng Kông đã bỏ phiếu mang lại thắng lợi cho phe đối lập. Ngoại trưởng Pháp thì nói đến « thất bại đối với chính quyền Bắc Kinh ».
Ông Cảnh Sảng cũng gằn giọng cho là không ai có quyền can thiệp vào chuyện ở Hồng Kông.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191128-paris-b%E1%BA%AFc-kinh-n%C3%AAn-d%E1%BB%ABng-giam-c%E1%BA%A7m-t%C3%B9y-ti%E1%BB%87n-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-h%E1%BB%93i-gi%C3%A1o-t%C3%A2n-c%C6%B0%C6%A1ng-ok

Cảnh sát Đức truy lùng

các nghi can trộm cắp trang sức trị giá một tỷ Mỹ kim

Cảnh sát Đức đang nỗ lực tìm kiếm những nghi can trộm cắp chạy trốn với những viên ngọc vô giá từ viện bảo tàng Green Vault. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát đang phải chịu rất nhiều áp lực vì số tài sản bị đánh cắp, bao gồm một con dao găm nạm kim cương, vòng cổ ngọc trai và hàng tá đồ tạo tác quý giá khác, đều không được bảo hiểm. Bộ Tài Chính Đức cho biết tiểu bang Saxony, chủ sỡ hữu của viện bảo tàng Green Vault ở phía đông thành phố Dresden, không có bảo hiểm về đồ trang sức vì phí bảo hiểm thường vượt quá mức thiệt hại có thể xảy ra.
Bà Julia Ries thuộc công ty bảo hiểm Ergo Group AG, cho biết mặc dù các viện bảo tàng thường không bảo hiểm các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại đây vì ngân sách hạn chế. Bà Ries cho biết thêm rằng những tác phẩm có giá trị tiền tệ hoặc giá trị lịch sử nghệ thuật là không thể thay thế được, và nếu số trang sức nói trên không được tìm thấy, Green Vault sẽ mất một phần của bộ sưu tập mãi mãi. Vào thứ hai (ngày 25 tháng 11), cảnh sát đã công bố chi tiết về vụ trộm. Họ tin rằng những nghi can đã đốt lửa gần đó để thiết bị báo động cắt điện viện viện bảo tàng, sau đó phá cửa sổ và đột nhập vào tòa nhà. Mặc dù chưa xác định được số lượng nghi can, nhưng máy quay giám sát đã quay được cảnh hai trong số các nghi can đập vỡ tủ kính trưng bày bằng một chiếc rìu để lấy trang sức rồi bỏ chạy trên một chiếc xe hơi. Ông Tobias Kormind, giám đốc điều hành của nhà bán lẻ kim cương 77 Diamonds, cho biết có khả năng những nghi can sẽ mài và cắt những viên kim cương sau đó rao bán trong nhiều năm.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/canh-sat-duc-truy-lung-cac-nghi-can-trom-cap-trang-suc-tri-gia-mot-ty-my-kim/

Số người học tiếng Nga trên thế giới

‘giảm rất nhiều và nhanh’

Số người học tiếng Nga trên thế giới ‘giảm nhanh’ xuống còn chừng một triệu ở ngoài vùng thuộc Liên Xô cũ, theo báo Nga.
Trang Moscow Times 28/11/2019 trích nguồn của Nga nói trong 30 năm qua, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, số người học tiếng Nga giảm nhanh và sẽ còn giảm.
Không kể các nước dùng tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ hoặc là tiếng phổ biến hàng đầu (Nga, Belarus, Ukraine), số người học tiếng Nga bên ngoài đã giảm, từ 74,6 triệu đầu thập niên 1990, xuống còn 38,2 triệu năm 2018, theo một trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Giáo dục Liên bang Nga.
Con số người vẫn học tiếng Nga ở các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô (Trung Á, Baltic) cũng giảm đi nhanh chóng.
Bên ngoài khu vực này, số sinh viên chọn học tiếng Nga trên thế giới giảm từ 20 triệu xuống trên 1 triệu cùng thời gian.
Các bài báo nói cần phân biệt con số người đã biết tiếng Nga và số người chọn học tiếng Nga như ngoại ngữ hàng đầu.
Và việc giới trẻ trên thế giới không chọn tiếng Nga để học nữa mới là đáng lo ngại, dù lý do có thể có cả chính trị, kinh tế và trào lưu văn hóa.
Nga cáo buộc các nước từng thuộc phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và vùng Baltic là “phân biệt đối xử” với người nói tiếng Nga, và với ngôn ngữ này.
Tiếng Nga trở thành vấn đề gây chia rẽ nghiêm trọng ở Ukraine, nhất là sau cuộc chiến ở Đông Ukraine.
Tới 20% dân Nga ‘muốn di cư’ sang nước khác
Joseph Stalin: Nhà độc tài được dân Nga thích
TV Putin: Dân Nga xem đều dù không tin?
Ai nói tiếng Nga trên thế giới?
Theo trang Russia Beyond (10/05/2018), ở Liên bang Nga, tính đến 2017 có 154 triệu người nói tiếng Nga.
Còn trên thế giới, số người nói tiếng Nga tập trung ở 17 quốc gia từng thuộc Liên Xô hoặc khối cộng sản Đông Âu.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, số người nói tiếng Nga ở châu Âu, Úc và Hoa Kỳ thường là di dân từ Nga và các nước Liên Xô cũ.
Chẳng hạn năm 2000 có tới 706 nghìn người nói tiếng Nga định cư tại Mỹ, và đến 2010 con số này tăng lên 900 nghìn.
Ngoài ra, ít người biết là ở Alaska vẫn có một cộng đồng nói tiếng Nga rất nhỏ, ở lại từ thời vua Nga bán Alaska cho Hoa Kỳ năm 1867.
Ở Israel hiện có tới gần nửa triệu người di dân từ Liên Xô cũ vẫn nói được tiếng Nga.
Tuy nhiên, về mặt pháp luật và tôn giáo, đa số họ là người Do Thái hoặc gốc Do Thái chứ không phải người Nga.
Còn tại Đức, người nhập cư nói tiếng Nga tính đến 2003 là khoảng 6 triệu, gồm cả con cháu của kiều dân Đức vùng Volga mà Đức nhận về.
Anh Quốc cũng đã có cộng đồng hàng vạn người nói tiếng Nga, gồm không ít doanh nhân giàu có hoặc con em họ.
‘Tiếng của người anh lớn – nước Nga’
Ở châu Á, Mông Cổ và Việt Nam là hai nước từng có đông người học tiếng Nga.
Nhưng xu thế học tiếng Anh và các tiếng khác đã đẩy tiếng Nga xuống vị trí thứ yếu hoặc không thiết yếu như trước.
Một tài liệu công bố ở Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (2015) ghi nhận thực trạng này:
“Những năm gần đây, việc sử dụng tiếng Nga ở Việt Nam có thể nói đã không còn phổ biến như cách đây gần hai thập kỷ.”
“Đất nước đã mở cửa với các nước tư bản khác, nên việc sử dụng tiếng Anh đã phổ biến khắp mọi nơi…Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quốc tế, phủ song toàn cầu…”
Tuy thế, vẫn có ý kiến ở Việt Nam muốn nước này phục hồi vị trí “là một quốc gia Nga ngữ lớn ở châu Á”.
Việt Nam vẫn còn một số không nhỏ trí thức, cán bộ cộng sản có tình cảm với Liên Xô cũ, gồm nhiều người được đào tạo bằng tiếng Nga.
Dù vậy, không hiện không rõ bên cạnh tình cảm với văn hóa Nga, số người Việt còn dùng thạo tiếng Nga là bao nhiêu.
Trang Russia Beyond khi nói về số người dùng tiếng Nga trên thế giới đã không nhắc gì đến Việt Nam.
Tại Mông Cổ, sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ kinh tế với Liên bang Nga và việc học tiếng Nga giảm sút đáng kể.
Trao đổi thương mại Nga – Mông Cổ giảm gần 80& trong những năm 1990 và “thanh niên Mông Cổ ngày càng chọn tiếng Anh như ngoại ngữ thứ nhì, sau tiếng Nga”, theo trang Nikkei Asian Review (03/10/2019).
Thế nhưng, trang Mongolia Focus hồi 2016 trích một điều tra dư luận cho rằng tiếng Anh không ở vị trí thứ nhì, mà đã là lựa chọn thứ nhất cho người Mông Cổ khi học ngoại ngữ.
Điều tra đó hỏi “Bạn thường dùng tiếng gì ngoài tiếng mẹ đẻ?” đem lại câu trả lời: Tiếng Anh 42%, Nga 17%, Hàn 8%, Nhật 8%, và Trung văn 5%.
Hiện tiếng Nga vẫn rất phổ biến trong giới quan chức, trí thức Mông Cổ học thời Liên Xô và Nga đang quay trở lại bằng các khoản đầu tư để giữ Mông Cổ trong vùng ảnh hưởng.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-50592141

Thượng đỉnh Nga-Ukraina tại Paris đầu tháng 12

Tú Anh
Điện Kremlin hôm qua, 27/11/2019, xác nhận tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky sẽ gặp nhau lần đầu tiên tại Paris, bên lề hội nghị bốn bên do Pháp, Đức bảo trợ còn được gọi là « công thức Normandie ».
Theo tuyên bố của Yuri Uchakov, phát ngôn viên điện Kremlin, vào ngày 09/12 tới đây, tại Paris, lãnh đạo Nga và Ukraina sẽ có một « cuộc họp song phương » bởi vì hai ông « sẽ gặp nhau trong một phòng họp và đương nhiên họ sẽ nói chuyện với nhau ». Yuri Uchakov cho biết thêm là « chương trình nghị sự đang còn ở giai đoạn soạn thảo ».
Hôm qua, khi được báo chí đặt câu hỏi, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky không xác nhận sẽ gặp riêng tổng thống Nga, nhưng cho biết « sẵn sàng thảo luận với từng nhà lãnh đạo hiện diện tại Paris » nếu cần. “Với tư cách là tổng thống Ukraina, tôi muốn biết một cách rõ ràng và bằng cách nào chấm dứt được cuộc chiến tranh này », ông Zelensky chia sẻ như vậy với AFP.
Đang công du Lítva, tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố không hy vọng chiến tranh, vốn đã làm 13.000 người chết, sẽ sớm kết thúc.
Xung khắc Matxcơva-Kiev nổ ra từ khi phe thân Tây Phương lên cầm quyền tại Ukraina vào năm 2014. Tiếp theo đó là Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée và phê thân Nga ở miền đông Ukraina nổi dậy chống chính phủ Kiev.
Một hiệp định hoà bình đã được ký kết ở Minsk (Belarus) từ năm 2015 cho phép giảm phần nào căng thẳng ở vùng Donbass, nhưng thỏa thuận chính trị chưa được thi hành
http://vi.rfi.fr/ph%C3%A1p/20191128-nga-ukraina-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-putin-zelynsky-t%E1%BA%A1i-paris-%C4%91%E1%BA%A7u-th%C3%A1ng-12

Người biểu tình ở Iraq

phóng hỏa đốt tòa lãnh sự Iran tại Najaf

Tin từ Baghdad, Iraq – Các nguồn tin cảnh sát và dân sự cho biết người biểu tình ở Iraq xông vào và đốt cháy tòa lãnh sự Iran ở thành phố phía nam Najaf vào hôm thứ Tư (27/11).
Theo tin từ Reuters, nhân viên tại tòa lãnh sự Iran di tản trước khi sự việc xảy ra. Truyền thông nhà nước cho biết các nhà chức trách công bố lệnh giới nghiêm ngay sau đó. Theo nguồn tin cảnh sát, những người biểu tình tiến vào khu phức hợp vào cuối hôm thứ Tư và đốt cháy toàn bộ tòa nhà lãnh sự.
Hàng ngàn người dân Iraq xuống đường để yêu cầu sự ra đi của chính phủ và giai cấp chính trị mà họ xem là tham nhũng và mang nợ các thế lực nước ngoài, đặc biệt là nước láng giềng Iran. Các nhà chức trách bắn chết hơn 300 người trong một nỗ lực trấn áp tình trạng bất ổn, theo cảnh sát và nhân viên y tế.
Các đảng phái và nhóm bán quân sự được Iran hậu thuẫn hiện đang thống trị các tổ chức nhà nước và quốc hội Iraq. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nguoi-bieu-tinh-o-iraq-phong-hoa-dot-toa-lanh-su-iran-tai-najaf/

Hàn Quốc gia hạn Hiệp định

chia sẻ tình báo với Nhật Bản:

Mỹ mừng, Trung Quốc lo lắng

Văn phòng tổng thống Hàn Quốc vừa đưa ra thông báo việc quyết định kéo dài Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản, đồng nghĩa với việc Hiệp định vẫn sẽ có hiệu lực.
Phó Giám đốc của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSO) Hàn Quốc Kim You-Geun đã xác nhận diễn biến mới kể trên chỉ vài giờ trước khi Hiệp định này hết hiệu lực và giải thích lý do là vì hai bên đã giải quyết được một số bất đồng và chính quyền Nhật Bản bày tỏ động thái sẵn sàng đối thoại. Ông Kim cũng cho biết thêm Hàn Quốc đồng ý tạm hoãn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Nhật Bản ngăn cản xuất khẩu một số mặt hàng công nghệ sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Kim nhấn mạnh Hàn Quốc vẫn có quyền chấm dứt GSOMIA bất cứ lúc nào nước này muốn.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ca ngợi Hàn Quốc vừa đưa qua một quyết định chiến lược. “Để xử lý vấn đề Triều Tiên, sự hợp tác của Nhật Bản-Hàn Quốc và Nhật Bản-Mỹ-Hàn Quốc là vô cùng quan trọng. Tôi đã nói điều này nhiều lần. Tôi nghĩ rằng Hàn Quốc cũng đưa ra quyết định này dựa trên quan điểm chiến lược như vậy”.
Quyết định trên được phía Hàn Quốc đưa ra vài giờ trước khi Hiệp định GSOMIA hết hạn (0 giờ ngày 23/11). GSOMIA là hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự được Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc ký kết năm 2016 nhằm đối phó các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Tháng 8/2019, Seoul quyết định không gia hạn hiệp định sau khi Tokyo công bố các quy định hạn chế xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, khiến GSOMIA có nguy cơ hết hiệu lực từ 0 giờ ngày 23/11.
Ngay sau quyết định này của Hàn Quốc, Mỹ, đồng minh của cả Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ hoan nghênh. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, quyết định của Hàn Quốc đã gửi đi thông điệp tích cực tới các quốc gia đồng minh của Mỹ về việc có thể thỏa luận để giải quyết các bất đồng song phương. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hối thúc Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục duy trì thái độ chân thành
trong thảo luận để tìm ra một giải pháp lâu dài cho các bất đồng liên quan đến lịch sử hai nước. Cùng ngày, Thượng nghị sỹ Bob Menendez, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã ca ngợi quyết định của Hàn Quốc. Trong thông báo đăng trên mạng Twitter, ông cho rằng Hàn Quốc đã đưa ra quyết định khôn ngoan và được cân nhắc kỹ lưỡng, qua đó mang lại lợi ích cho hợp tác song phương và quan hệ giữa các đồng minh.
Việc Hàn Quốc kéo dài thời gian hiệu lực của Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự được xem là động thái bất ngờ vì trước đó cả Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn kiên quyết giữ nguyên lập trường cứng rắn của mình xung quanh vấn đề này, bất chấp sức ép từ phía Mỹ. Hiện chưa rõ động thái mới nhất có giúp “phá băng” quan hệ song phương đang rất xấu hay không.
Được ký năm 2016, Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản chia sẻ các bí mật quân sự, đặc biệt là về năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Các quan chức Mỹ thường bày bày tỏ quan ngại rằng, quan hệ đi xuống giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang làm phức tạp tình hình ngoại giao ở khu vực. Hàn Quốc trước đây hứa sẽ tiếp tục chia sẻ bí mật thông qua Mỹ như một bên thứ ba, nhưng điều này gây lo ngại về hiệu quả và tình huống khẩn cấp. Với quyết định duy trì tiếp thỏa thuận, hai bên sẽ có thêm thời gian để đàm phán một giải pháp cho những vấn đề tranh cãi khác.
http://biendong.net/bien-dong/31779-han-quoc-gia-han-hiep-dinh-chia-se-tinh-bao-voi-nhat-ban-my-mung-trung-quoc-lo-lang.html

Hàn Quốc lên án Triều Tiên tập trận gần biên giới,

 vi phạm thỏa thuận quân sự

Hàn Quốc đã mạnh mẽ chỉ trích Triều Tiên liên quan đến các cuộc tập trận pháo binh gần đây trên một hòn đảo ở biên giới liên Triều thuộc biển Hoàng Hải, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hôm thứ Ba (26/11).
Theo nguồn tin từ Thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap, nước này đã gửi thông điệp phản đối Triều Tiên sáng hôm qua (26/11) thông qua đường dây liên lạc quân sự liên Triều, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Choi Hyun-soo nói. Ông xác nhận việc Triều Tiên đã thực hiện các cuộc tập trận bắn pháo vào đảo Changrin, nằm ngay phía trên Đường giới hạn phía Bắc (NLL) hôm thứ bảy (23/11).
Các quan chức bộ quốc phòng Hàn Quốc cũng đã đưa ra một phản đối bằng lời về vụ việc này.
Hôm thứ bảy (23/11) đánh dấu kỷ niệm 9 năm Bắc Triều Tiên pháo kích Hàn Quốc tại hòn đảo biên giới Yeonpyeong của Hàn Quốc. Vụ pháo kích đã giết chết hai lính thủy đánh bộ và hai thường dân. Vụ việc xảy ra vào ngày 23/11/2010, là một trong những cuộc tấn công tồi tệ nhất của Triều Tiên vào Hàn Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.
Theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm thứ Hai (25/11), lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh nổ súng trong chuyến thị sát một đơn vị quân đội trên một đảo nhỏ ở biển Hoàng Hải. KCNA không cung cấp thêm thông tin về thời điểm thị sát và các chi tiết liên quan.
“Chúng tôi đã nói rõ, các cuộc tập trận của họ thể hiện một sự vi phạm thỏa thuận quân sự liên Triều ký ngày 19/9/2018. Chúng tôi mong muốn Triều Tiên hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận và ngừng thực hiện thêm các hành vi như vậy”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố.
Triều Tiên vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào cho sự việc này.
Những động thái quân sự trên diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Hoa Kỳ đi vào thế bế tắc. Triều Tiên đã giao hạn định cho Mỹ đến cuối năm nay phải đưa ra một đề xuất mới có thể phá vỡ thế bế tắc. Triều Tiên dọa, nếu không sẽ buộc phải từ bỏ đàm phán và chọn một “con đường mới”.
http://biendong.net/bi-n-nong/31763-han-quoc-len-an-trieu-tien-tap-tran-gan-bien-gioi-vi-pham-thoa-thuan-quan-su.html

Triều Tiên phóng tên lửa

nhắc nhở Mỹ thời hạn cuối năm

Sau một tháng tạm lắng không thử tên lửa, Triều Tiên hôm 28/11 lại bắn hai vật thể bay tầm ngắn từ một tỉnh ở miền đông vào Biển Nhật Bản. Quân đội Hàn Quốc nói vụ phóng tên lửa này dường như là thử nghiệm mới nhất của bệ phóng nhiều tên lửa mới của Triều Tiên.
Vụ phóng tên lửa diễn ra khi thời hạn chót là cuối năm mà Bình Nhưỡng đặt ra để Washington phải thể hiện sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa vốn đang bị ngưng trệ.
Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã bắn hai tên lửa từ thị trấn ven biển phía đông Yonpo vào khoảng 5 giờ chiều (0800 GMT) ngày 28/11. Hai tên lửa bay cao 97 km và xa 380 km.
Vụ phóng tên lửa diễn ra trong này Lễ Tạ ơn của Hoa Kỳ, và một ngày trước dịp đánh dấu hai năm sau vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng phóng đến đại lục Hoa Kỳ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng vụ phóng tên lửa là mối đe dọa đối với không chỉ Nhật Bản mà cả khu vực và thế giới, mặc dù bộ quốc phòng của ông cho biết tên lửa không bay vào không phận hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Vụ phóng này là lần đầu tiên kể từ ngày 31/10, khi Triều Tiên thử nghiệm cái mà họ gọi là bệ phóng siêu lớn phóng nhiều tên lửa. Thiết bị này cũng được sử dụng trong các cuộc phóng thử tên lửa vào tháng 8 và tháng 9 trước sự chứng kiến của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
Ông Kim đã đưa ra thời hạn cuối năm cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Washington, nhưng các cuộc đàm phán đã bị bế tắc sau cuộc họp cấp công tác giữa hai bên hôm 5 tháng 10 kết thúc mà không có tiến triển.
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-phong-ten-lua-nhac-nho-my-thoi-han-cuoi-nam/5184991.html

Hồng Kông: Cảnh sát dọn dẹp Đại Học Bách Khoa

Tú Anh
Theo yêu cầu của ban giám hiệu Đại Học Bách Khoa, cảnh sát và các chuyên gia chất nổ bắt đầu dọn dẹp khu cư xá từng là nơi cố thủ của gần 1000 sinh viên, học sinh chống chế độ thân Bắc Kinh trong gần hai tuần lễ.
Phóng viên AFP tháp tùng lực lượng cảnh sát cho biết không thấy bóng dáng một sinh viên tranh đấu nào trong cư xá, có lẽ họ đã rút đi hết. Theo lời phát ngôn viên cảnh sát, nhiệm vụ cúa họ không phải là bắt người, mà là để « thu gom vũ khí và chất nổ nguy hiểm ». Trong những ngày xung đột với cảnh sát, sinh viên Hồng Kông đã dùng cung tên và bom xăng chống trả lựu đạn cay.
Cung tên, bom xăng và chai lọ đựng hóa chất đã được cảnh sát chuyển đi hết trong ngày hôm nay. Bước kế tiếp là dọn dẹp tất cả dấu tích của 11 ngày xung đột, theo AFP.
Sau chiến thắng áp đảo của phong trào dân chủ trong cuộc bầu cử Hội Đồng Quận hôm chủ nhật, phong trào phản kháng dự kiến tổ chức những cuộc biểu tình « ăn mừng » và cám ơn những ân nhân ủng hộ.
Ban tổ chức chọn biểu tình hôm nay 28/11, đúng vào ngày Lễ Tạ Ơn, trùng hợp với sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành đạo luật ủng hộ Hồng Kông, bất chấp áp lực của Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191128-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-d%E1%BB%8Dn-d%E1%BA%B9p-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-b%C3%A1ch-khoa

Hồng Kông cản trở

việc giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ-Trung ?

Thanh Hà
Hồng Kông là một trở ngại mới trên con đường giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Tổng thống Donald Trump vừa phê chuẩn luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông vào thời điểm nhạy cảm đối với chủ nhân Nhà Trắng.
Việc Washington công khai ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông liệu có nguy cơ đe dọa đến “Giai đoạn một” của thỏa thuận thương mại mà Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng tuyên bố đang sắp sửa ký kết?
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy hành pháp lúng túng kể từ khi quốc hội lưỡng viện thông qua luật về nhân quyền và dân chủ Hồng Kông hôm 20/11/2019 là tổng thống Trump cuối tuần trước đã tỏ ra do dự khi được hỏi ông sẽ phê chuẩn hay không đạo luật này.
Trả lời đài truyền hình Fox News, nguyên thủ Mỹ đã tuyên bố : Phê chuẩn đạo luật này không tránh khỏi “những hậu quả vô cùng tai hại cho những nỗ lực giải quyết xung khắc thương mại” với Bắc Kinh, nhất là vào lúc Washington đang đàm phán với Trung Quốc để “đạt được một thỏa thuận mậu dịch quy mô” và đôi bên đang có tiềm năng “rất cao” sắp đạt đến đích.
Đã chính thức lao vào cuộc tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, tổng thống Donald Trump đang cần ghi được những bàn thắng quan trọng với Trung Quốc trong cuộc đọ sức về thương mại đã kéo dài từ mùa xuân năm ngoái. Nguyên thủ Mỹ kỳ vọng nhiều vào thỏa thuận “sắp đạt được với Bắc Kinh” và ông thừa biết rằng, lên tiếng ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông gây trở ngại cho đối thoại với ông Tập Cận Bình. Đúng như vậy, Bắc Kinh hôm nay đã quy trách nhiệm cho Washington “đổ thêm dầu vào lửa” trên hồ sơ Hồng Kông.
Tuy nhiên, cũng vì mục tiêu tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump khó có thể dùng quyền phủ quyết bác bỏ đạo luật về Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông đã được Quốc Hội lưỡng viện mạnh mẽ ủng hộ và thông qua hồi tuần trước. Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật này với số phiếu gần như tuyệt đối. Kế tới, tại Hạ Viện văn bản này đã được 417 dân biểu ủng hộ.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc đảng Cộng Hòa, một trong những người có tiếng nói mạnh mẽ nhất trên hồ sơ này, cho rằng với đạo luật mới, tổng thống Trump có thêm “một công cụ” để bảo vệ các quyền tự do cho Hồng Kông. Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Nancy Pelosi, một kình định của ông Trump trên chính trường, cũng phải nhìn nhận rằng nước Mỹ “thực sự hãnh diện ủng hộ người dân Hồng Kông vì tự do và công lý”.
Những lời khen tặng này của chính giới Hoa Kỳ chắc chắn là con dao hai lưỡi đối với nguyên thủ Mỹ. Do vậy, để tránh làm phương hại đến tiến trình đàm phán thương mại với Bắc Kinh, Nhà Trắng trong thông cáo ngày 28/11/2019 ghi rõ : trước mắt Hoa Kỳ chưa “khởi động” luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông với hy vọng, lãnh đạo Trung Quốc, chính quyền đặc khu và phe phản kháng “có khả năng san bằng được những bất đồng nhằm đảm bảo hòa bình và thịnh vượng cho Hồng Kông một cách lâu dài”. Nói cách khác, Mỹ gián tiếp cho Trung Quốc biết là đang có thêm một phương tiện để gây áp lực với chính quyền Tập Cận Bình.
Giáo sư Evan S. Medeiros, trường Đại Học Georgetown, Hoa Kỳ, cho rằng quyết định của tổng thống Trump phê chuẩn luật về Hồng Kông có thể hiểu theo nhiều cách : hoặc đây là dấu hiệu báo trước thỏa thuận mậu dịch Mỹ – Trung giai đoạn 1 đã có nhiều tiến triển và đôi bên gần như “ván đã đóng thuyền”. Hoặc cũng có thể đây là đòn để cảnh báo Bắc Kinh rằng Mỹ có một công cụ lợi hại trong tay, có thể đánh vào điểm nhạy cảm của Trung Quốc là Hồng Kông.
Về phần giáo sư Jessica Chen Weiss, Đại Học Cornell New York, bà cũng chia sẻ quan điểm này, cho rằng : quyết định của tổng thống Trump chỉ mang tính biểu tượng : Trước mắt, thủ tục trừng phạt Hồng Kông sẽ không được khởi động, thứ hai ; đây là một thông điệp Nhà Trắng gửi đến Quốc Hội lưỡng viện, và nhất là để thể hiện đoàn kết với đảng Cộng Hòa về một đạo luật do đảng này chủ xướng.
Nói cách khác, luật mới của Mỹ về Hồng Kông trên thực tế là nhằm phục vụ các mục đích chính trị của chính quyền Donald Trump vào lúc nguyên thủ Mỹ đang bị đảng Dân Chủ chiếm đa số tại Hạ Viện tiến hành thủ tục luận tội truất phế ông. Có lẽ hiểu được điều này, một giáo sư Trung Quốc tại trường Khoa Học Xã Hội ở Bắc Kinh cho rằng, chính quyền của ông Tập Cận Bình không nên phản ứng quá đáng, bởi vì “đây là lá bài Washington chỉ tung ra được một lần duy nhất và phạt Hồng Kông sẽ càng làm phương hại đến nền kinh tế của đặc khu hành chính này”. Có lẽ đây là điều mà phía Hoa Kỳ không mong muốn.
Trong bối cảnh đó, không chắc việc phê chuẩn luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông sẽ gây bất lợi cho đàm phán thương mại Mỹ- Trung.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191128-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-tr%E1%BB%9F-ng%E1%BA%A1i-trong-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-c%E1%BB%A7a-trump-gi%E1%BA%A3i-quy%E1%BA%BFt-tranh-ch%E1%BA%A5p-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-m%E1%BB%B9-trung

Bầu cử Hồng Kông: Báo quốc tế đưa tin chi tiết,

báo TQ ‘lảng tránh’ kết quả

Trong khi truyền thông địa phương và truyền thông quốc tế đăng tin chi tiết về cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp cấp quận của Hồng Kông diễn ra vào hôm 24/11 cũng như chiến thắng áp đảo của phe dân chủ, thì các tờ báo của Trung Quốc lại “lảng tránh” không đề cập đến kết quả.
Tờ Hong Kong Free Press (HKFP) cho biết, cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp cấp quận của Hồng Kông đã diễn ra từ 7h30′ đến 22h30′ Chủ nhật (24/11). Số người đi bỏ phiếu đạt mức cao kỷ lục.
Cũng theo HKFP, các ứng cử viên dân chủ giành được 17 trên 18 hội đồng quận, phe ủng hộ Trung Quốc phải đối mặt với thất bại lớn, chỉ giành được hơn 10% trong 452 ghế. Kết quả bầu cử này được truyền thông Hồng Kông và quốc tế và quan tâm, một số tờ báo còn thể hiện sự ngạc nhiên.
Trên trang nhất của mình, Apple Daily đã đăng một bức ảnh về những người dân Hồng Kông xếp hàng dài bên ngoài các trạm bỏ phiếu vào 24/11. Tờ báo này cho biết, 2,94 triệu người đi bầu cử “đã cùng nhau làm nên lịch sử”.
Nhật báo Phương Đông – “Cuộc bầu cử hội đồng quận khó tin nhất trong lịch sử”
Nhật báo Phương Đông đã dành những lời lẽ gay gắt cho chính quyền Đặc khu trưởng Carrie Lam trên trang nhất của mình, cáo buộc sự thất bại lịch sử của phe thân Trung Quốc là do “chính phủ không đủ năng lực để ngăn chặn bạo lực”. Tờ báo cũng đăng tải hình ảnh những người xếp hàng để chờ bỏ phiếu, và nói thêm rằng, tỷ lệ bỏ phiếu cao đã làm nên cuộc bầu cử hội đồng quận “khó tin nhất trong lịch sử”.
Tinh Đảo Nhật báo – “Phe dân chủ thắng lớn trong bầu cử hội đồng quận”
Tinh Đảo Nhật báo đã đề cập đến nhà lập pháp thân Bắc Kinh Junius Ho trong tiêu đề của mình, nói rằng phe ủng hộ Trung Quốc gần như bị “thất thế hoàn toàn”.
Junius Ho là chính trị gia đầu tiên mất ghế hội đồng quận ở Tuen Mun, ngay sát biên giới Trung Quốc.
Ngoài những kênh truyền thông kể trên, vẫn còn nhiều tờ báo khác của Hồng Kông đăng tin chi tiết về cuộc bầu cử như Tạp chí kinh tế Hồng Kông, Minh Báo, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Truyền thông quốc tế
Kết quả bầu cử hội đồng quận cũng xuất hiện trên trang nhất các phương tiện truyền thông quốc tế như tờ Washington Post và Wall Street Journal. Tờ Washington Post chú thích ảnh “Những người ủng hộ dân chủ ăn mừng sau khi chính trị gia thân Bắc Kinh Junius Ho bị mất ghế…”. Còn tờ The Wall Street Journal đăng ảnh người dân Hồng Kông xếp hàng dài đi bầu cử hôm 24/11.
Các tờ báo phân tích ý nghĩa chiến thắng của phe dân chủ đối với chính quyền Đặc khu trưởng Carrie Lam.
Truyền thông Trung Quốc
Trái ngược với truyền thông Hồng Kông và quốc tế, các tờ báo của Trung Quốc lại không đưa tin chi tiết về sự kiện bầu cử này. Theo RTHK, truyền thông nhà nước ở đại lục hôm 25/11 thông báo, tất cả các phiếu trong cuộc bầu cử hội đồng quận của Hồng Kông đã được kiểm, nhưng không đề cập đến kết quả, cũng như sự thất bại lớn của phe thân Bắc Kinh.
Tân Hoa Xã không thông tin về kết quả tổng thể của cuộc bầu cử cũng như không đề cập đến ứng cử viên nào.
Tờ báo này đã đăng bài viết với tiêu đề: “Đặc khu hành chính Hồng Kông hoàn thành cuộc bầu cử hội đồng quận sáu nhiệm kỳ” và cáo buộc “một số kẻ bạo loạn đã quấy rối các ứng cử viên yêu nước” vào Chủ nhật nhưng lại không nêu ra bằng chứng.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV cũng không nhắc đến kết quả cuộc bầu cử hội đồng quận.
Trong khi đó, Nhân dân Nhật báo đưa tin gần 3 triệu người đã bỏ phiếu hôm 24/11, mở rộng thêm rằng, cuộc bầu cử ghi nhận một kết quả kỷ lục.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31737-bau-cu-hong-kong-bao-quoc-te-dua-tin-chi-tiet-bao-tq-lang-tranh-ket-qua.html

Hồng Kông: Cảnh sát dọn dẹp Đại Học Bách Khoa

Tú Anh
Theo yêu cầu của ban giám hiệu Đại Học Bách Khoa, cảnh sát và các chuyên gia chất nổ bắt đầu dọn dẹp khu cư xá từng là nơi cố thủ của gần 1000 sinh viên, học sinh chống chế độ thân Bắc Kinh trong gần hai tuần lễ.
Phóng viên AFP tháp tùng lực lượng cảnh sát cho biết không thấy bóng dáng một sinh viên tranh đấu nào trong cư xá, có lẽ họ đã rút đi hết. Theo lời phát ngôn viên cảnh sát, nhiệm vụ cúa họ không phải là bắt người, mà là để « thu gom vũ khí và chất nổ nguy hiểm ». Trong những ngày xung đột với cảnh sát, sinh viên Hồng Kông đã dùng cung tên và bom xăng chống trả lựu đạn cay.
Cung tên, bom xăng và chai lọ đựng hóa chất đã được cảnh sát chuyển đi hết trong ngày hôm nay. Bước kế tiếp là dọn dẹp tất cả dấu tích của 11 ngày xung đột, theo AFP.
Sau chiến thắng áp đảo của phong trào dân chủ trong cuộc bầu cử Hội Đồng Quận hôm chủ nhật, phong trào phản kháng dự kiến tổ chức những cuộc biểu tình « ăn mừng » và cám ơn những ân nhân ủng hộ.
Ban tổ chức chọn biểu tình hôm nay 28/11, đúng vào ngày Lễ Tạ Ơn, trùng hợp với sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành đạo luật ủng hộ Hồng Kông, bất chấp áp lực của Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191128-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-d%E1%BB%8Dn-d%E1%BA%B9p-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-b%C3%A1ch-khoa

TQ cảnh báo Mỹ

 vì Trump ký hai luật ủng hộ biểu tình Hong Kong

Bắc Kinh nói sẽ có biện pháp cứng rắn để phản ứng lại việc ông Trump ký hai luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong, theo Reuters.
Công nghiệp Trung Quốc giảm tiếp, khó khăn chồng chất
Trump ký luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong
Bầu cử Hong Kong: Truyền thông TQ ‘ỉm’ kết quả, Carrie Lam không nhượng bộ
Hong Kong: Khung cảnh ĐH Bách Khoa sau một tuần bị bao vây
Trung Quốc cũng nói các nỗ lực để can thiệp vào Hong Kong chắc chắn sẽ thất bại.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư 27/11 đã ký thành luật hai dự luật của Quốc hội ủng hộ người biểu tình Hong Kong, bất chấp sự phản đối giận giữ của Bắc Kinh, nơi ông đang tìm cách đạt được một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại.
Trong đó, luật Nhân quyền và Dân chủ quy định Bộ Ngoại giao phải xác nhận, ít nhất là hàng năm, rằng Hong Kong duy trì quyền tự chủ đủ để nhận được các điều khoản thương mại ưu tiên của Mỹ vốn giúp thành phố này trở thành trung tâm thương mại thế giới. Luật này cũng đe dọa trừng phạt đối với các hành vi vi phạm nhân quyền.
Luật thứ hai cấm xuất khẩu “đạn dược” khống chế đám đông cho cảnh sát ở Hong Kong – bao gồm hơi cay, đạn cao su và súng sốc điện.
Bắc Kinh cảnh báo Mỹ sẽ chịu hậu quả từ các biện pháp trả đũa của Trung Quốc nếu tiếp tục “các hành động tùy tiện” liên quan đến Hong Kong, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Chính quyền Hong Kong thân Bắc Kinh nói luật này đã gửi đi tín hiệu sai tới những người biểu tình, và đã “rõ ràng can thiệp” vào vấn đề nội bộ của thành phố.
Người biểu tình chống chính phủ tại Hong Kong đã xuống đường trong suốt sáu tháng qua, và có nhiều thời điểm đã khiến các trung tâm thương mại, văn phòng chính phủ, trường học, và thậm chí sân bay quốc tế, phải đóng cửa.
Trung tâm tài chính này đã tận hưởng một thời gian tạm lắng hiếm hoi vào cuối tuần qua, khi phe ủng hộ dân chủ thắng lẫy lừng trong kỳ bầu cử hội đồng quận.
Cảnh sát Hong Kong đã đổ bộ vào một khuôn viên trường đại học Bách khoa vào thứ năm khi kết thúc cuộc bao vây kéo dài gần hai tuần, nơi xảy ra một số vụ đụng độ tồi tệ nhất giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.
Một nhóm khoảng 100 người trong sắc phục cảnh sát đã vào Đại học Bách Khoa Hong Kong để thu thập bằng chứng, mang đi các vật dụng nguy hiểm bao gồm bom xăng vẫn đang nằm rải rác trong khuôn viên trường.
Không rõ còn người biểu tình nào ở trong trường không nhưng cảnh sát cho hay bất cứ ai được tìm thấy sẽ được chăm sóc y tế trước tiên.
Khoảng hơn 5.800 người đã bị bắt kể từ tháng Sáu, con số này tăng mạnh vào tháng 10 và tháng 11, khi bạo lực leo thang.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50582628

Video Tiktok dạy làm đẹp

gây sốt khi đề cập người Uighur bị TQ giam giữ

By Leo KelionBiên tập công nghệ
“Xin chào các bạn! Mình muốn chỉ các bạn cách làm lông mi dài. Điều đầu tiên bạn cần làm là kẹp mi. Rồi uốn cong lông mi, tất nhiên.
Sau đó, bạn cần đặt kẹp mi xuống và dùng chiếc điện thoại bạn đang dùng để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra ở Trung Quốc: cách họ xây dựng trại tập trung, đưa những người Hồi giáo vô tội vào trong đó, tách họ khỏi gia đình, bắt cóc họ, giết chết họ, cưỡng hiếp họ, ép họ phải ăn thịt heo, ép họ phải uống rượu, ép họ phải theo một tôn giáo khác – hoặc không thì họ sẽ bị giết…..
Những người trong đó không có ai sống sót. Đây là một nạn diệt chủng, mà không ai nói về nó.
Làm ơn hãy lan rộng thông điệp này. Vì vậy hãy cầm chiếc kẹp mi lên lần nữa…”
Feroza Aziz sau đó đã tweet rằng TikTok đã chặn không cho cô đăng thêm nội dung mới.
Lộ tài liệu TQ ‘tẩy não’ cả dân tộc ở Tân Cương
Vết cắt sâu vào sự thịnh vượng của Trung Quốc
Trung Quốc ‘tách trẻ Hồi giáo Tân Cương khỏi cha mẹ’
Cảnh sát Tân Cương ‘dùng app theo dõi dân’
TikTok đã phản bác điều này.
Tài liệu bị rò rỉ cho thấy Trung Quốc tẩy não người Uighurs ở Tân Cương
“TikTok không kiểm duyệt nội dung do nhạy cảm chính trị,” một phát ngôn viên nói với BBC News. Mặc dù, trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok, thì các bài đăng của Aziz không xuất hiện, chính là vì bị kiểm duyệt về mặt chính trị.
Douyin đã cấm vĩnh viễn một trong những tài khoản TikTok cũ của Aziz vào 15/11, nhưng vì đăng video khác không liên quan đến vấn đề Uighur, nhưng vi phạm các quy tắc về thông tin liên quan đến khủng bố, ông nói.
Như một biện pháp bổ sung, Tiktok sau đó chặn điện thoại thông minh của cô, vào 25/11, nhưng lý do cũng không liên quan đến các bài đăng của cô về Trung Quốc.
“Tài khoản mới của cô ấy và các video, bao gồm cả video lông mi, không bị ảnh hưởng và tiếp tục nhận được lượt xem,” người phát ngôn Tik Tok nói thêm.
BBC News đã liên lạc với Aziz và gia đình để xin bình luận.
Aziz đã đăng ba video về sự đối xử của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Uighur, vào Chủ nhật và Thứ Hai.
Video đầu tiên đã được xem hơn 1,4 triệu lần và “được yêu thích” gần 500.000 lần trên ứng dụng.
Một bản sao được tải lên Twitter bởi những người dùng TikTok khác đã thu hút thêm năm triệu lượt xem.
Và các bản sao khác đã được đăng lên YouTube và Instagram.
Một phần của sự hấp dẫn của các video này là chúng trông có vẻ như là một video dạy trang điểm, nhằm lách khỏi sự kiểm duyệt của Bytedance, được cho chủ sở hữu của TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh.
Cuối video, Aziz lại nói về cách làm lông mi trông dài hơn.
“Tôi nói vậy nên TikTok không gỡ video của tôi xuống,” cô giải thích trong một trong những bản ghi âm.
Mặc dù phiên bản TikTok được sử dụng ở Trung Quốc đại lục chịu sự kiểm duyệt chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, công ty nói rằng họ có động thái tương tự với các bài đăng của người dùng ở nước khác.
Tiktok lưu ý rằng các clip khác về việc ngược đãi người Uighur trong các trại Trung Quốc vẫn được phép tồn tại trên các nền tảng quốc tế, mặc dù những video này không nhận được sự quan tâm và chú ý như video của Aziz.
Các video của cô gái 17 tuổi này được đăng cùng tuần BBC Panorama đã tiết lộ các tài liệu bị rò rỉ chi tiết về một số biện pháp được sử dụng để tẩy não hàng trăm ngàn người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương.
Aziz tweet rằng TikTok đã đình chỉ cô một tháng và nói rằng “Trung Quốc đang khiếp sợ rằng các tin tức [về các trại] sẽ lan truyền”.
Một thành viên Viện chính sách chiến lược Úc đã khen ngợi video TikTok của cô Aziz là “sự lật đổ một cách sáng tạo”.
Phân tích
Bởi Kerry Allen, nhà phân tích truyền thông Trung Quốc
Bất kỳ ứng dụng nào hoạt động trong phạm vi Trung Quốc đại lục cần phải được Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin chấp thuận.
Các mạng xã hội nhận ra rằng họ không được phép hoạt động trừ khi họ tuân thủ các nguyên tắc địa phương và điều đó có nghĩa là đảm bảo bất kỳ nội dung nào trên nền tảng của họ đều phải có ý nghĩa tích cực về chính quyền.
TikTok, được biết đến ở Trung Quốc là Douyin, được sàng lọc rất nhiều.
Ví dụ, vào tháng 4/2018, nó đã kiểm duyệt tất cả các đề cập đến nhân vật hoạt hình Peppa Pig của Anh, lo ngại rằng chú heo này đang được sử dụng như một biểu tượng của sự nổi loạn.
Nhưng chính phủ Trung Quốc không quan tâm và có ít quyền kiểm soát, lọc nội dung trên phiên bản được cung cấp ở nước ngoài.
Vào tháng 10 năm nay, TikTok đã từ chối sàng lọc nội dung chống Trung Quốc trên ứng dụng quốc tế của mình, nói rằng tất cả dữ liệu người dùng ở Mỹ được lưu trữ tại Hoa Kỳ, với bản sao lưu tại Singapore.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50555532

Trung – Nga thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược

 đối phó với thách thức từ Mỹ

Bên lề Hội nghị BRICS, Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí tăng cường hợp tác quan hệ giữa hai nước hơn nữa, nhằm đối phó tốt đối với những khó khăn, thách thức hai nước đang gặp phải.
Theo thông tin trên, tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng trong thời đại mới “hai bên cần tiếp tục nỗ lực, không ngừng sáng tạo, đưa ra biện pháp mới căn cứ sự phát triển của mỗi nước và nhu cầu hợp tác của hai nước nhằm thúc đẩy quan hệ Trung – Nga để “duy trì đà phát triển tích cực và lành mạnh, mang lại lợi ích tốt hơn cho hai dân tộc, có lợi cho khu vực và thế giới”; cho rằng hai bên cần tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương; nhấn mạnh dự án đường ống khí đốt Trung – Nga tuyến phía Đông sắp được đưa vào hoạt động và dự kiến nhiều dự án hợp tác giữa hai nước mang tầm chiến lược trong lĩnh vực năng lượng sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện.
Tổng thống Putin khẳng định trong tình hình hiện tại, hai bên cần tiếp tục duy trì trao đổi chiến lược chặt chẽ và ủng hộ nhau trong bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền lợi phát triển. Phía Nga sẽ tăng thêm quy mô trao đổi thương mại song phương, đẩy nhanh kết nối, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, hàng không vũ trụ, hàng không, năng lượng, tài chính, giao lưu nhân dân… và sẽ tăng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc.
Liên quan quan hệ Trung – Nga, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (20/11) cho biết, Trung Quốc và Nga sẽ tăng cường ủng hộ lẫn nhau và tích cực triển khai hợp tác chống can thiệp. Ông Cảnh Sảng cho biết, “Trung Quốc và Nga có lợi ích và nhu cầu chung về mặt bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, giữ gìn ổn định và trật tự xã hội, phản đối sự can thiệp của nước ngoài, hai bên sẽ căn cứ nhận thức chung đạt được giữa Nguyên thủ hai nước, bất di bất dịch sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Nga trong thời đại mới, triển khai hơn nữa giao lưu học hỏi lẫn nhau, tăng cường ủng hộ lẫn nhau, tích cực triển khai hợp tác chống can thiệp, giữ gìn tốt lợi ích chung của hai nước và hoà bình, an ninh trong khu vực nói riêng, cũng như thế giới nói chung. Hiện nay, cá biệt nước một mực thi hành chủ nghĩa đơn phương, ráo riết thực thi hành động bắt nạn, không ngừng can thiệp
thô bạo vào công việc nội bộ của nước khác, mang lại nhiều nhân tố không ổn định và không xác định cho tình hình quốc tế”.
Trung Quốc và Nga đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2011. Việc Bắc Kinh và Moscow tìm đến nhau có thể được lý giải do sức ép ngày càng tăng từ Mỹ và phương Tây đối với cả hai. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã phải đối mặt với áp lực lớn hơn từ Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương do chính sách tái cân bằng của chính quyền cựu Tổng thống Obama và giờ đây là sức ép chiến tranh thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump. Việc Nga xoay trục sang châu Á đã khiến phương Tây và Mỹ lo ngại trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã khiến mâu thuẫn Nga và phương Tây càng trầm trọng. Chính các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau sự kiện nước này sát nhập bán đảo Crimea, giá dầu giảm, đồng rouble suy yếu, tình hình kinh tế ảm đạm đã khiến Nga tìm kiếm một đối tác kinh tế vững mạnh như Trung Quốc. Nhu cầu tìm kiếm đồng minh tự nhiên là có thể lý giải được khi đánh giá về các toan tính chiến lược của Bắc Kinh và Moscow.
Trên thực tế, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Nga được thúc đẩy phát triển ổn định. Trung Quốc đã duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong 8 năm liên tục. Năm 2018, kim ngạch thương mại Trung – Nga đạt 108,284 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ, chiếm 15,6% tổng kim ngạch ngoại thương của Nga. Xét từ kết cấu thương mại, do Trung Quốc và Nga tích cực mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực như tài chính, đầu tư, thương mại điện tử xuyên biên giới…, kết cấu thương mại song phương đã liên tục được cải thiện, chất lượng hợp tác kinh tế thương mại được cải thiện đáng kể. Tuyên bố chung về hợp tác kết nối xây dựng Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa trên biển và Liên minh kinh tế Á-Âu ký năm 2015 đã đưa hợp tác kinh tế thương mại Trung – Nga lên một tầm mức mới, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại chủ yếu của Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga giữ vai trò chủ đạo; năm 2018 kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu tăng 23% so với cùng kỳ, chiếm 16,76% trong kim ngạch ngoại thương của Liên minh kinh tế Á-Âu. Hợp tác chiến lược quốc tế giữa Bắc Kinh và Moscow cũng ngày càng chặt chẽ. Trong nhiều năm qua, trước những thay đổi to lớn của cục diện quốc tế và trật tự thế giới, Trung Quốc và Nga luôn duy trì sự liên lạc chặt chẽ và hợp tác xung quanh các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng, trong các cơ chế như Liên Hiệp Quốc, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Cơ chế hợp tác BRICS, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Về giao dịch khí tài quân sự, theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Nga, năm 2016, doanh thu của Nga là hơn 3 tỷ USD trong khi hiện nay, Trung Quốc đã chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga, tương đương khoảng 15 tỷ USD/năm trong một vài năm gần đây. Theo các thông tin chính thức, hiện có 3 hợp đồng lớn chuẩn bị triển khai là thương vụ mua hai trung đoàn hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) S-400, một trung đoàn máy bay chiến đấu Su-35 (gồm 24 chiếc) và một dự án phát triển tên lửa chống hạm có khả năng được sản xuất chung cùng hệ thống YJ-18 của Trung Quốc.
Đáng chú ý, hiện giới chức Trung Quốc đang nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng khi thảo luận về quan hệ song phương. Kể từ năm 2016, Nga đã thay thế Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Hợp tác năng lượng Trung – Nga cũng có vai trò quan trọng để Trung Quốc hội nhập sâu vào hệ thống năng lượng toàn cầu thông qua các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ BRI. Các tuyên bố mới nhất của lãnh đạo hai nước cho thấy ý muốn thực sự của hai bên trong việc nâng tầm quan hệ song phương trong tình hình cả hai đều đang phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, việc đi sâu vào các nội dung hợp tác cụ thể cần phải có thời gian cũng như ý định chiến lược thực sự của hai nước vẫn có những quan điểm tách biệt thậm chí đối kháng nhau trong các không gian địa chính trị. Mặt khác, dù có thể liên minh này chỉ mang tính tình thế trong một giai đoạn nhất định nhưng các ảnh hưởng của nó đến cục diện các khu vực tại châu Á và châu Âu cũng sẽ rất lớn bởi đây là hai cường quốc với sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị khó bị thách thức.
Về vấn đề Biển Đông, trong những năm gần đây, nhiều nước lớn trên thế giới tích cực thể hiện thái độ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và triển khai nhiều biện pháp thiết thực góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Nhưng Nga với tư cách là một nước lớn, có lợi ích ở Biển Đông lại hạn chế thể hiện quan điểm của mình liên quan vấn đề này. Có những đồn đoán cho rằng Nga đã bị Trung Quốc mua chuộc, thao túng, song nhìn một cách tổng quát Nga vẫn giữ vững lập trường và đang cân bằng lợi ích trong vấn đề Biển Đông. Lãnh đạo cấp cao của Nga nhiều lần đưa ra các tuyên bố khẳng định chủ trương, chính sách trung lập, không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông. Tổng thống Nga V.Putin khẳng định lập trường của Nga là cần giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời tuyên bố ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đàm phán, ký kết thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Trước đó, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga S.Naryshkin cũng cho biết lập trường của Nga là trước sau như một, kêu gọi các bên liên quan sử dụng biện pháp hòa bình, tôn thủ luật pháp quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov nhấn mánh Nga “chưa bao giờ là một bên trong các tranh chấp ở Biển Đông” và coi “việc không đứng về phía bất kỳ bên nào là một nguyên tắc rõ ràng”. Trước đó, Đại sứ Nga tại Việt Nam K.Vnukov cho rằng Nga quan tâm lợi ích trong việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, nhấn mạnh việc xảy ra xung đột hoặc quân sự hóa trong khu vực sẽ gây nguy hiểm cho lợi ích của các công ty dầu khí của Nga hoạt động trên thềm lục địa của Việt Nam (công ty Rosneft, Gazpron, liên doanh Vietsopetro).
Theo nhận định của giới chuyên gia, Nga không muốn can dự sâu vào tranh chấp Biển Đông là để cân bằng lợi ích và tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, thách thức từ trong nước. Thứ nhất, trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn, xung đột quyền lợi với phương Tây ngày càng sâu sắc và Nga đang bị chi phối, ảnh hưởng trong vấn đề Syria, Ucraina khiến tranh chấp Biển Đông không được ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Nga. Thứ hai, tranh chấp Biển Đông rất phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề (chủ quyền, kiểm soát thực tế, quân sự hóa, cải tạo đảo, đá, quản lý tài nguyên và tự do hàng hải) và liên quan đến nhiều đối tác của Nga ở trong khu vực, khiến nước này không thể công khai tất cả chủ trương, chính sách, quan điểm liên quan vấn đề Biển Đông, nhằm tránh bị các nước lôi kéo vào tranh chấp chủ quyền trong khu vực. Thứ ba, Nga cũng muốn lợi dụng tranh chấp Biển Đông để phát huy ưu thế của các doanh nghiệp quân sự, bán các trang thiết bị, khí tài quân sự cho các nước trong khu vực Biển Đông; đồng thời thông qua các hoạt động hợp tác, giao lưu quân sự để kiềm chế các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông. Thứ tư, Nga đang tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Nga không muốn vì vấn đề Biển Đông để ảnh hưởng đến quan hệ với các nước liên quan. Gần đây, quan hệ Nga và Việt Nam đang ngày càng được cải thiện; hai nước cũng đã nâng cấp quan hệ lên hàng “đối tác chiến lược toàn diện” để thúc đẩy quan hệ song phương, trong đơ hợp tác về quân sự vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Theo Asia Times, Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 của Nga trên toàn thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Từ 2011 đến 2015, 93% lượng vũ khí của Việt Nam là do Nga cung cấp. Kể từ 2011, Việt Nam mua 129 hệ thống tên lửa và 36 máy bay cũng như 8 tàu hải quân của Nga. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc hiện là đối tác chiến lược toàn diện; hai nước có nhiều thỏa thuận quan trọng về an ninh, quốc phòng, kinh tế. Ngoài ra, Nga và ASEAN cũng đang tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị.
Ngoài ra, quan hệ Nga – Trung Quốc đang ngày càng được thắt chặt và có tác động lớn đến quan điểm, lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đang trở thành nhà nhập khẩu quốc phòng lớn nhất của Nga. Hai bên cũng đã ký các hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá hàng tỷ USD. Mối liên hệ kinh tế quan trọng này tác động không nhỏ đến quan điểm của Nga về tranh chấp Biển Đông cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, Nga cũng mong muốn giữ mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, cả trên phương diện chính trị lẫn kinh tế. Việc châu Âu và Mỹ đóng cửa thị trường tài chính đối với Nga đã buộc phần lớn các công ty lớn của Nga phải tìm đến với Trung Quốc, thị trường duy nhất có khả năng tài chính ngang ngửa với phương Tây. Bên cạnh đó, trong số các nước phản đối Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông còn có cả các đối thủ của Nga trên trường đối ngoại. Theo giáo sư Carl Thayer, Nga cần thị trường để xuất khẩu năng lượng, đặc biệt là khí đốt. Trung Quốc đã ký các thỏa thuận lớn để nhập khẩu khí đốt Nga và Bắc Kinh cũng là thị trường lớn nhập khẩu vũ khí và công nghệ Nga. Tuy nhiên, căng thẳng ở Biển Đông có ảnh hưởng đến lập trường Nga. Đầu tiên, Nga nói không đứng về bên nào trong tranh chấp và ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và giải quyết hòa bình tranh chấp trực tiếp giữa các bên liên quan dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Nga đồng thời phản đối bên thứ ba ngoài khu vực can thiệp vào tranh chấp. Bởi theo Tổng thống Nga V. Putin, “điều này sẽ chỉ làm tổn thương cách giải quyết vấn đề… gây bất lợi và phản tác dụng”. Nhưng hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa đến tự do hàng hải, hàng không của các tàu thuyền và máy bay trong khu vực. Có thể hiểu là ông Putin ủng hộ tự do hàng hải đối với hải quân Nga nhưng không quan tâm nếu Trung Quốc gây khó dễ đối với Mỹ.
http://biendong.net/bien-dong/31791-trung-nga-that-chat-quan-he-doi-tac-chien-luoc-doi-pho-voi-thach-thuc-tu-my.html

Trung Quốc cài người

nắm các định chế điều hành thế giới

Trọng Nghĩa
Ngày càng có nhiều người Trung Quốc nắm vị trí đứng đầu các tổ chức quản lý lớn trên toàn cầu, mà gần đây nhất là trường hợp ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) được cử lên lãnh đạo Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO vào tháng 06/2019. Theo phân tích của chuyên gia Edouard Tetreau trên nhật báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 27/11/2019, sự kiện đó rõ ràng là kết quả của một kế hoạch được vạch ra từ lâu, thế nhưng chỉ gần đây thôi mới được Phương Tây chú ý. Đối với tác giả, phương Tây cần phản ứng nhanh chóng, vì nếu chậm trễ, tất cả các định chế điều hành thế giới sẽ bị Bắc Kinh thâu tóm.
Tác giả bài phân tích trước hết nêu bật vai trò của 4 định chế quốc tế đang có lãnh đạo là người Trung Quốc : từ FAO, ITU, cho đến ICAO và UNIDO. Đây là 4 trong tổng số 15 cơ quan, tổ chức Liên Hiệp Quốc, trong đó còn có các định chế nổi tiếng hơn như Ngân Hàng Thế Giới WB, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO.
ITU, FAO, ICAO, UNIDO: Các định chế có giá trị chiến lược
Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế ITU là tổ chức lâu đời nhất trong số các tổ chức này. Thành lập từ năm 1865, trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ, định chế này đã được sát nhập vào Liên Hợp Quốc vào năm 1947. Trong thế kỷ hai mươi mốt này, vai trò của ITU được cho là rất quan trọng, vì tổ chức này có trách nhiệm điều tiết và quy hoạch màng viễn thông trên thế giới. Thẩm quyền của Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế bao trùm hành tinh, từ việc quy định các chuẩn mực, phân bổ các tần số vô tuyến điện và các quỹ đạo vệ tinh trên không gian, cho đến những vấn đề liên quan đến truy cập Internet và Internet băng thông rộng, liên lạc hàng hải và hàng không…
Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, có trụ sở tại Roma (Ý), cũng có trách nhiệm quy định các tiêu chuẩn toàn cầu và ban hành các quy định quốc tế trong một lĩnh vực thậm chí còn rộng lớn hơn cả viễn thông: nông nghiệp và lương thực thực phẩm. Nguồn lực của định chế này rất đáng kể, với hơn 10.500 nhân viên có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển, điều hòa các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực dinh dưỡng, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản…
Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế ICAO cũng rất quan trọng vì là cơ chế tạo ra các chuẩn mực quốc tế thống nhất áp dụng cho mọi nước trong lĩnh vực hàng không dân sự. Đặt trụ sở tại Montreal, ICAO đảm trách việc tiêu chuẩn hóa ngành vận tải hàng không quốc tế, ấn định mã sân bay, mã công ty hàng không, cấp bằng cho các nhân viên hàng không, chia sẻ tần số vô tuyến… Nói tóm lại, ICAO có trách nhiệm giám sát trên khoảng 100.000 chuyến bay quốc tế hàng ngày.
Riêng Tổ Chức Phát Triển Công Nghiệp Liên Hiệp Quốc UNIDO, có trụ sở tại Vienna, là một định chế sinh sau đẻ muộn, chỉ mới được thành lập vào năm 1966. Tổ chức này có mục tiêu thúc đẩy nền công nghiệp của các nước đang phát triển.
Quan chức cao cấp của Bắc Kinh qua nắm các định chế LHQ
Chuyên gia Edouard Tétreau nhấn mạnh: Đó là bốn định chế quốc tế có tầm quan trọng chiến lược, với phạm vi hoạt động khác nhau, nhưng có một điểm chung: Lãnh đạo là người Trung Quốc, xuất thân từ chính quyền Bắc Kinh.
Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) là thứ trưởng bộ nông nghiệp Trung Quốc trước khi qua làm việc tại Tổ Chức Lương Thực và Nông Nghiệp Liên Hiệp Quốc FAO vào năm 2015. Chỉ vài năm sau, nhân vật này đã được bầu làm tổng giám đốc tổ chức này vào tháng 6 năm 2019, sau một trận chiến tranh giành ảnh hưởng gay gắt, chống lại các ứng cử viên từ châu Âu và Hoa Kỳ.
Triệu Hậu Lân (Houlin Zhao) đứng đầu Cục Tiêu Chuẩn Viễn Thông Trung Quốc trước khi gia nhập Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế ITU vào năm 2015, và đến năm 2018 là được lên làm lãnh đạo.
Tương tự như vậy, bà Liễu Phương (Fang Liu) nguyên là người đứng đầu ngành hàng không dân dụng Trung Quốc, đã được cử qua làm việc tại Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế ICAO vào năm 2007. Bà đã lên làm lãnh đạo tổ chức này vào năm 2015.
Còn ông Lí Dũng (Li Yong) là thứ trưởng tài chính của Trung Quốc trước khi qua lãnh đạo UNIDO từ năm 2013.
Kế hoạch tỉ mỉ, được chuẩn bị từ lâu
Theo ghi nhận của Edouard Tétreau, đà thăng tiến của các nhân vật Trung Quốc nói trên hoàn toàn không có gì là ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một kế hoach được vạch ra một cách tỉ mỉ.
Chiến lược của Trung Quốc là gửi các cán bộ chính trị và hành chính xứng đáng và năng nổ nhất của họ qua “nằm vùng” trong các cơ quan quản lý toàn cầu mà Bắc Kinh đánh giá là có giá trị chiến lược nhất cho họ, rồi chờ dịp là lên giành chức lãnh đạo. .
Ở New York, nơi đặt trụ sở Liên Hiệp Quốc, giới ngoại giao và chuyên gia ngày càng có thái độ quan ngại trước cách làm của Trung Quốc, vì lẽ Bắc Kinh hầu như đã dùng mọi phương cách để đạt được mục tiêu.
Thủ đoạn gây sức ép và hù dọa
Một chuyên gia phân tích thừa nhận: “Chúng tôi không đánh lại được Trung Quốc. Họ gửi hàng chục cộng tác viên qua làm việc miễn phí cho các tổ chức vốn bị ràng buộc chặt chẽ về ngân sách”.
Một số quan sát viên khác thì đề cập đến những thủ đoạn “gây áp lực”, “dọa nạt” nhắm vào các quốc gia được Trung Quốc trợ giúp tài chính, nhưng lại muốn thúc đẩy các ứng cử viên khác.
Những cách làm bị cho là “bất minh” này rất mới đối với một quốc gia được cho là luôn chú ý đến các quy tắc và thông lệ của ngoại giao thế giới, đã tạo nên những mối lo ngại chính đáng.
Loạt đơn kiện về tội vu khống được tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tung ra gần đây nhắm vào các nhà nghiên cứu nổi tiếng của Pháp là một phần trong số thủ đoạn dọa nạt đó.
Các hành động đó cho thấy rõ là Trung Quốc đặt lên hàng ưu tiên chiến lược việc kiểm soát của các tổ chức quản lý toàn cầu cũng như việc triển khai khắp thế giới đại tập đoàn viễn thông của họ vốn do một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, một đảng viên Cộng Sản thành lập.
Phương Tây nên thức tỉnh
Đối với tác giả bài phân tích, Trung Quốc đang cố sức giành quyền kiểm soát những lãnh vực sẽ nhào nặn tương lai của thế giới : từ các chuẩn mực, hệ thống phân phối, cho đến các hạ tầng cơ sở nông sản thực phẩm, công nghiêp kỹ thuật số, hàng không, vũ trụ và viễn thông. Trong khi đó thì phương Tây dường như chỉ chú ý đến vấn đề tiền bạc hay những thứ phù phiếm.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hiện do một người Bulgari lãnh đạo, Ngân Hàng Thế Giới thì trong tay một người Mỹ. Ngoài ra còn có một người Phần Lan nắm Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới, một người Gruzia phụ trách Tổ Chức Du Lịch Thế Giới, và một người Pháp nắm cơ quan văn hóa UNESCO.
Tác giả kết luận: Tình hình không bao giờ là quá muộn, và kết cục không phải lúc nào cũng tồi tệ. Thế nhưng, nếu phương Tây vẫn còn mất đoàn kết, vẫn tiếp tục đấu tranh vì quá khứ, mà từ bỏ các chủ đề của tương lai để chúng lọt vào tay Trung Quốc, thì quả đúng là tương lai của thế giới sẽ được viết bằng tiếng Hoa.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191128-trung-qu%E1%BB%91c-c%C3%A0i-ng%C6%B0%C6%A1%CC%80i-n%C4%83%CC%81m-ca%CC%81c-%C4%91i%CC%A3nh-ch%C3%AA%CC%81-%C4%91i%C3%AA%CC%80u-ha%CC%80nh-th%C3%AA%CC%81-gi%C6%A1%CC%81i-nh%C6%B0-th%C3%AA%CC%81-na%CC%80o-ok

Xung khắc Mỹ – TQ thêm găng vì Hồng Kông

Xung khắc thương mại Mỹ – Trung chưa kịp lắng xuống thì chuyện Hong Kong lại nổi lên. Những gì diễn ra tại Hong Kong tác động ra sao đến Trung Quốc và Mỹ trong cạnh tranh chiến lược? Phân tích của báo Thế giới & Việt Nam.
Chuyện liên quan đến Hong Kong đã trở thành khúc mắc mới trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Chỉ những biểu thị quan điểm thái độ thuần tuý của Mỹ về cách thức Trung Quốc xử lý những gì xảy ra mới rồi ở Hong Kong thôi cũng đã khiến Trung Quốc rất bực bội. Cho nên không có gì khó hiểu ở mức độ phản ứng của Trung Quốc về bộ luật mới được Quốc hội Mỹ thông qua về Hong Kong. Có thể thấy được là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chưa kịp ổn thì đã lại trở nên thêm căng thẳng và đối đầu.
Thách thức đối ngoại mới của Trung Quốc
Thiên hạ không thể phủ nhận một thực tế là những diễn biến trong thời gian qua ở Hong Kong khiến Trung Quốc gặp khó khăn và khó xử, phức tạp và không thể không đối phó. Chẳng gì thì thành công hay không thành công của mô hình giải pháp Một nhà nước, hai chế độ của Trung Quốc phụ thuộc vào tình hình trên mọi phương diện ở Hong Kong.
Triết lý và nội hàm của mô hình này rất đơn giản, chỉ có việc thực hiện trên thực tế ở Hong Kong là phức tạp. Nếu ở đây chỉ là chuyện mối quan hệ giữa Hong Kong và Trung Quốc lục địa thì chuyện đang xảy ra ở Hong Kong chỉ là thách thức về đối nội đối với Trung Quốc. Nhưng EU và một số thành viên cũng như đặc biệt Mỹ đã buộc Trung Quốc phải đối phó với cả thách thức mới về đối ngoại.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc lại đang không được êm đẹp. Cuộc xung khắc thương mại giữa hai bên vẫn dai dẳng và chưa biết đến khi nào mới có thể được dẹp bỏ. Mỹ và Trung Quốc còn bất đồng quan điểm sâu sắc và xung khắc lợi ích chiến lược rõ rệt trong hai vấn đề khác nữa là Đài Loan và hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Cả hai vấn đề này thời gian qua đều trở nên nghiêm trọng, phức tạp và nhạy cảm thêm đối với cả hai bên, nhưng đã dai dẳng từ lâu rồi và sẽ còn là chuyện dền dứ dài dài giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai. Chúng không mới như chuyện liên quan đến Hong Kong và tác động tới Trung Quốc rất khác so với tác động của chuyện liên quan đến Hong Kong hiện tại.
Trung Quốc có thể nhưng Mỹ chắc chắn không chủ ý tách bạch những khúc mắc giữa hai bên để xử lý riêng và cũng sẽ không xử lý riêng từng chuyện một với Trung Quốc mà sẽ gắn chuyện nọ vào việc kia. Với mọi đối tác và cả đồng minh nữa, Mỹ xưa nay luôn hành xử như vậy. Quốc hội Mỹ làm găng với Trung Quốc như thế thì Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể hành động ngược lại mà chỉ có thể điều tiết linh hoạt về mức độ và thời điểm.
Ứng xử của Trung Quốc và Mỹ
Quốc hội Mỹ trang bị cho ông Trump thêm một vũ khí rất công hiệu nữa để Mỹ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc nhưng ông Trump đồng thời cũng lại bị đẩy vào tình thế khó xử khi muốn và thấy cần phải giảng hoà và thoả hiệp với Trung Quốc. Ông Trump sẽ sử dụng nó trước hết vào việc xử lý cuộc xung khắc thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc trong quá trình đàm phán thương mại hiện tại với Mỹ chịu nhượng bộ Mỹ ở mức độ ông Trump có thể khai thác được từ đó tác động thuận lợi cho cuộc vận động tranh cử tổng thống thì ông Trump sẽ lần lữa và cầm chừng với việc thực hiện ý chỉ kia của Quốc hội Mỹ, nhưng nếu Trung Quốc không như vậy thì chắc chắn ông Trump sẽ sử dụng triệt để vũ khí mới này bởi biết rằng Trung Quốc đang khó khăn lớn, khó xử nhiều trong vấn đề Hong Kong và Hong Kong sẽ còn là vấn đề nan giải dai dẳng trên nhiều phương diện đối với Trung Quốc, tức là Tổng thống Mỹ có nhiều thời gian để chơi con bài này.
Sự can thiệp từ bên ngoài như bộ luật nói trên của Mỹ khiến Trung Quốc càng phải thêm thận trọng và linh hoạt trong việc giải quyết vấn đề Hong Kong, đồng thời buộc phải nhận thức rằng phải xử lý chuyện Hong Kong càng sớm càng tốt. Bên cạnh việc không để cho bên ngoài can thiệp vào chuyện Hong Kong, đến lúc này và sau những gì đã xảy ra ở Hong Kong, Trung Quốc chắc không thể không có những chỉnh sửa trong việc thực hiện mô hình nói trên ở Hong Kong.
Chắc chắn phía Trung Quốc cũng sẽ tìm cách phân hoá ông Trump với Quốc hội Mỹ mà một trong số những điều không thể không làm nếu muốn đạt được mục tiêu ấy là nhượng bộ cho Mỹ để tranh thủ ông Trump. Áp lực bị luận tội phế truất càng lớn đối với ông Trump ở Mỹ và cuộc vận động tranh cử tổng
thống càng bất lợi đối với người này thì cuộc chơi với Trung Quốc càng thêm quan trọng đối với ông Trump và càng được ông coi trọng.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31755-xung-khac-my-tq-them-gang-vi-hong-kong.html

Campuchia muốn nối lại tình bạn với Mỹ

Thủ tướng Campuchia Hun Sen viết thư ngỏ ý nối lại tình bạn với Mỹ, sau khi nhận được thư từ Trump.
Ông Hun Sen cảm ơn Tổng thống Mỹ vì đã gửi thư đảm bảo rằng Washington không theo đuổi việc thay đổi chế độ của Campuchia ngày 26/11. Đội ngũ ngoại giao cả hai nước nên làm việc với nhau để “khôi phục niềm tin, nối lại mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta và người dân”, ông Hun Sen viết trong thư.
Campuchia, một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở châu Á, đã đe dọa sẽ quay lưng lại với cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vì các nước này cáo buộc chính quyền Campuchia đàn áp chính trị.
Chưa đầy 4 tháng trước, một quan chức Campuchia nói các nhà ngoại giao Mỹ “nên gói ghém đồ đạc và rời đi”, sau khi đại sứ quán Mỹ ra tuyên bố rằng cuộc bầu cử năm 2018 của Campuchia không phản ánh mong muốn của người dân.
Đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen giành được tất cả 125 ghế quốc hội sau khi tòa án tối cao giải tán đảng đối lập chính. Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) bị cáo buộc âm mưu chiếm quyền với sự giúp đỡ của Mỹ. Thủ lĩnh của đảng này, Kem Sokha, bị bắt vì tội phản quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31757-campuchia-muon-noi-lai-tinh-ban-voi-my.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện