Những con số 7 trong đời tôi

11/26/2019

Đào Hiếu Thảo.Người đời có câu nói “3 chìm, 7 nổi, 9 lênh đênh”, như vậy theo suy nghĩ này của dân gian thì 7 là một con số tốt. Đến khi tuổi đời đã ngoài thất tuần, nhìn lại đoạn đường dài trôi nổi, thăng trầm, “lên voi xuống chó” “vào sinh ra tử” thời chinh chiến, lúc ngồi tù cộng sản, bị đày đi lao động khổ sai cũng như khi lăn lóc kiếm cơm trong cuộc sống trên đời thì quả thật, số 7 thường mang đến cho tôi lắm điều may mắn lạ kỳ, không thể nào giải thích được và cứ lập đi lập lại mãi cho đến hôm nay. Đôi khi số 7 cũng đến với tôi trong những hoàn cảnh kém may mắn, nhưng cuối cùng tôi vẫn vượt qua được.

Tôi chào đời năm 1947, đến năm 17 tuổi tôi quen người bạn gái đầu tiên cũng sinh năm 1947, ngày 5 tháng 2 (=7),  cô ở nhà số 77 đường Yên Đỗ, Saigon.
Được chấm đậu hồi tháng 12  năm 1966, sang tháng giêng năm 1967, lúc 19 tuổi tôi chính thức trúng tuyển và bắt đầu làm xướng ngôn viên tin tức, thời sự tại đài phát thanh Saigon với ông Xếp đầu tiên là nhạc sĩ Lê Dinh, Chủ sự Phòng Sản xuất/ Sở Chương trình do nhà văn Thái Thuỷ phụ trách. Một điều lạ nữa trong đời là ông Xếp cuối đời binh nghiệp của tôi cũng tên Dinh, chuẩn tướng Võ Dinh, Tham Mưu Trưởng Không Quân.
Năm 1968, Việt Cộng mở trận tổng công kích vào Tết Mậu Thân trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà, tiến quân vào Saigon gây bao cảnh tang tóc, hoang tàn, đổ nát, người chết oan thây nằm đầy đường, ngay cả trước Chợ Bến Thành. Đất nước nguy biến, đáp ứng lệnh tổng động viên của chánh phủ, tôi quyết định gia nhập Không Quân Việt Nam.
Qua kỳ thi tuyển văn hoá, khám sức khoẻ, tôi được xếp vào tài nguyên của khoá 7/68 Không Quân, gồm gần 300 khoá sinh phi hành và không phi hành. Lễ khai giảng khoá chúng tôi được tổ chức ngày 7 tháng 10 năm 1968, tại Trung Tâm Huấn Luyện Tân Binh ở Quang Trung/Hóc Môn. Chương trình huấn luyện kéo dài 10 tuần, ra trường với cấp bậc Binh Nhì.
Ngày đầu bước vào quân trường, khi đứng xếp hàng từ thấp lên cao để chia thành tiểu đội, trung đội, tôi được mang trên ngực bên phải bản danh số 133, cộng lại là 7. Thời gian huấn luyện quân sự tại Quang Trung và Trường Bộ Binh Thủ Đức kéo dài đúng 7 tháng, từ tháng 9 năm 1968 đến tháng 4 năm 1969. Theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp tôi được lưu lại tại Khối Quản Trị Nhân Lực/Bộ Tư Lệnh Không Quân, Tân Sơn Nhất thì trong tổng số trên 1800 Chuẩn uý tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức khoá 7/68, tôi được xếp hạng thứ 7.
Tính theo ngày chính thức khai giảng khoá 7/68 Không Quân, đúng hai năm sau, tôi thăng cấp Thiếu uý hiện dịch ngày 7 tháng 10 năm 1970, rồi Trung uý ngày 7 tháng 10 năm 1972. May mắn hơn nhiều bậc đàn anh trong Không Quân cũng như các quân binh chủng khác, có người mang cùng một cấp bậc suốt trên dưới 5 năm ròng rã, tôi chỉ mang Trung uý với thâm niên 21 tháng (= 3X7) là được thăng cấp Đại uý, đặc cách theo chức vụ Trưởng Ban Biêp Tập, Phát Thanh, Truyền Hình/Phòng Tâm Lý Chiến/Bộ Tư Lệnh Không Quân.
Lập gia đình vào tháng 7 năm 1971, cháu Khiêm, con trai đầu lòng chào đời ngày 17 tháng 11 năm 1973.
Sau 7 năm phục vụ Không Quân Việt Nam từ 1968 đến 1975, binh nghiệp của tôi chấm dứt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi bộ đội cộng sản tiến vào Saigon và thôn tính trọn Miền Nam. Năm đó tôi được 27,  qua sinh nhật 28 tuổi, ngày 11 tháng 11 năm 1975, tôi đã bị nhốt trong Thành Ông Năm, doanh trại cũ của Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo tại Hóc Môn được 5 tháng.
Tôi bị đày đi lao động khổ sai suốt 6 năm từ Nam ra Bắc (1975-1981) qua tất cả 7 trại tù, 2 trại ở Miền Nam (Hóc Môn & Long Giao) và 5 trại đến Đất Bắc (Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái, Nghệ An, Hà Tĩnh).
Đến sum họp gia đình, định cư, lập nghiệp tại Bruxelles, thủ đô vương quốc Bỉ năm 1982, tôi mua được căn nhà tháng 7 năm 1987, tại số 37 đường Jan Van Ruusbroeck, quận Evere. Năm đó tôi cũng được Quốc Vương Baudouin ký sắc lệnh cho phép nhập tịch, trở thành công dân Bỉ.
Năm 1987, Uỷ Ban Điều Hợp Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tại Âu Châu được thành lập, trụ sở trung ương đặt tại Bruxelles, đại hội Quân, Cán, Chính đề cử tôi giữ trách nhiệm Phó Tổng Thư Ký, phụ tá cho cựu Đại Tá Mai Viết Triết, hiện sinh sống tại Paris.
Đến tháng 3 năm 1997, từ Bruxelles tôi sang Hoa Kỳ tái hợp với người bạn gái sinh ngày 5 tháng 2, 1947 và làm việc cho Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do.
Tháng 7 năm 1999, Thuận và tôi mua được căn nhà hiện tại, ở số 8057 Alexandria, VA, điện thoại 4 số cuối là 0847, chỗ đậu xe 430 (cộng lại bằng 7), số hộp thơ 16 (= 7). Xe Lexus của tôi mang bảng số XZN 9134 (=17). Sau này đổi bản số mới số VJV 3068 (=17)
Năm 2007 tôi được nhập quốc tịch Mỹ, cùng năm ấy nhân chuyến công tác tại Thái Lan, tôi được RFA chấp thuận cho về Việt Nam một chuyến, thăm lại Saigon, Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, sau gần 26 năm xa quê hương (01/1982- 12/2007).
Cháu nội đích tôn của tôi là Đào Hiếu Minh, sinh tại Bruxelles ngày 7 tháng 2 năm 2009, cháu nội gái là Đào Hiếu Kim, chào đời ngày 22 tháng 12 năm 2010.  Ngày 22/12 cũng = 7.
Mới đây nhân dịp Quân Trường Mẹ ở Thủ Đức, Nam Định, Đồng Đế, Long Thành kỷ niệm 61 năm thành lập, tổ chức tại Virginia, khi biên soạn tài liệu về trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi mới nhớ lại là gia đình bên nội của tôi cũng có 7 sĩ quan xuất thân từ trường Võ Khoa này. Cha tôi, ông Đào Hữu Đức nhập ngũ vào khoá 2 Thủ Đức năm 1952, chú 7 Thông của tôi đi khoá 24 năm 1966,  chú 8 Kiên của tôi theo học khoá 13, năm 1962, tôi vào lính Không Quân, thụ huấn qua trường Bộ Binh Thủ Đức năm 1968. Ba người em con các cô 3 và cô 5, Trung úy Hiếu, Thiếu úy Ngọc, Chuẩn úy Kim cũng xuất thân từ quân trường Thủ Đức trong những năm 1970.
Trong số 7 sĩ quan trừ bị Thủ Đức thuộc giòng họ bên nội, có ba tôi, từ trần vì công vụ năm 1957, ông hưởng dương 35 tuổi, vậy là tôi và các em mồ côi cha cũng trong một năm với số cuối là 7. Sau Ba tôi là  Trung úy Phan Trọng Hiếu, con duy nhất của cô 3 tôi, tử trận tại một tiền đồn ở Trà Vinh năm 1973, khi một tiểu đoàn cộng sản tràn ngập, xoá bỏ cứ điểm và giết sạch binh lính cùng vợ con họ.
Hai chú của tôi  một người mất một chân trái ngoài mặt trận, còn người kia bể đầu gối bên phải khi giao tranh với các đơn vị cộng sản ở Miền Tây. Thiếu uý Điền Hữu Ngọc, con cô 5 tôi bị trọng thương tại mặt trận Ban Mê Thuột. Đến nay, chỉ duy nhất một mình tôi may mắn, tương đối được an lành, trong thời chiến cũng như những năm tù lao động khổ sai sau tháng tư đen 1975, dù không tránh được những căn bệnh ngặt nghèo tiềm ẩn, nguy hiểm đến tính mạng, có lẽ là nhờ Ơn Trên che chở và phước đức ông bà nội, ngoại để lại.
Cô Út của tôi, Đào Thị Quí, cũng sinh năm 1947,  đã bị công an rượt bắt khi chiếc tàu chở hai mẹ con cô và hàng trăm thuyền nhân khác vượt biên đang tiến ra hải phận quốc tế, ngoài khơi Châu Đốc. Cô bị trúng thương, mất nhiều máu,  không được cho băng bó, họ lôi vào bờ để nằm đó, chết dần chết mòn, trong cái thoi thóp đói lạnh, toàn thân bị ướt sũng, theo lời kể lại của các nhân chứng và y tá. Lúc đó là năm 1977, cô và tôi đều 30 tuổi, cô qua bên kia thế giới, còn tôi thì bị giam trong hoả ngục cộng sản tại miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, trong vùng Hoàng Liên Sơn sát biên giới Trung Cộng.
Người cậu duy nhất, em trai kế mẹ tôi, ông Đỗ Duy Giỏi, sinh năm 1927, thuyền trưởng tàu buôn, từ khi tôi biết cậu cho đến khi ông qua đời ở Houston, Texas, năm 1992, thì dường như trọn cuộc đời, ông không bao giờ được toại nguyện, thoải mái, mà phải chịu lắm nghịch cảnh và khổ đau triền miên cho tới lúc nhắm mắt lìa đời.
Năm 2014 tôi bắt đầu cộng tác với hệ thống truyền hình VIETV và cũng là năm ái nữ của tôi, cháu Thùy Trâm cho tôi đứa cháu ngoại duy nhất bé Anh Huy (2+0+1+4=7).
Hôm nay, tôi viết bài về số 7 cũng đúng vào ngày 27 tháng 8 năm 2019 không hề có sự suy tính hay sắp đặt nào từ trước, hoàn toàn do sự tình cờ thật khó hiểu.  Con số 7 này hầu như cứ đi theo tôi cả cuộc đời cho đến bây giờ,  nên vô hình chung đã trở thành một người bạn đời thân thiết, cứ nhìn thấy nó là tôi yên tâm và ấm lòng.
Xin cám ơn đời, xin cám ơn người, xin cám ơn quý bạn đọc và cầu chúc quý vị vạn sự như ý, toại nguyện, thành đạt trọn vẹn trong cuộc sống.
Đào Hiếu Thảo/Th2

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?