Tin Biển Đông – 29/11/2019

Tin Biển Đông – 29/11/2019

Chặn tham vọng TQ độc chiếm Biển Đông

Cộng đồng quốc tế, trước hết là các quốc gia trong khu vực và những quốc gia có lợi ích chiến lược gắn bó sống còn với Biển Đông, bằng cam kết cùng hành động thực tế mạnh mẽ của mình đang thể hiện quyết tâm chặn đứng tham vọng biến vùng biển chiến lược trọng yếu toàn cầu này thành “ao nhà” của Trung Quốc.
Trung Quốc trỗi dậy một cách không hòa bình
Trung Quốc càng hung hăng gây hấn để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông thì cộng đồng quốc tế lại càng tỏ ra quyết liệt và mạnh mẽ hơn nhằm chặn đứng tham vọng nguy hiểm đối với tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và toàn cầu này. Điều đó thể hiện qua những phát biểu đầy cứng rắn cũng như hành động mới đây của cộng đồng quốc tế.
Ngày 27-11 (theo giờ Việt Nam), cuộc hội thảo quốc tế liên quan đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã diễn ra tại Viện Nghiên cứu Hudson ở Thủ đô Washington D.C (Mỹ) với sự tham dự của giới chức, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông. Hội thảo là nơi để các học giả đến từ Đông Nam Á, châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ nêu ra những quan điểm, đánh giá hành động, chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhằm chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Hudson đã diễn ra nhiều hoạt động,  nơi mà giới chức lãnh đạo Mỹ tới dự để đưa ra các thông điệp mạnh mẽ về Trung Quốc đang trỗi dậy một cách không hòa bình. Năm 2018 và 2019, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lần lượt có các phát biểu chỉ trích Trung Quốc trong những sự kiện do Viện này tổ chức.
Trước cuộc hội thảo tại Mỹ, lên tiếng tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax (Canada) ngày 23-11, Đô đốc Hải quân Philip S. Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Mỹ) đã chỉ trích trực diện hành vi quân sự hóa trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông. Đồng thời, khẳng định cam kết tự do hàng hải của Washington tại khu vực này.
Đô đốc Davidson cảnh báo, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo, thực thể tại Biển Đông và tăng cường năng lực quân sự tại đây. Ngoài ra, Trung Quốc còn triển khai hải quân trên quy mô toàn cầu trong 30 tháng qua nhiều hơn so với 30 năm qua. Cùng với đó, họ còn phát triển, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh tối tân.
Trung Quốc với sự trỗi dậy mạnh mẽ và nhanh chóng của mình đang nuôi tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu, trong đó trước hết là độc chiếm Biển Đông theo yêu sách phi lý, phi pháp “đường lưỡi bò 9 đoạn”. Tham vọng này đang là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan, cũng như hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Phát biểu tại hội thảo quốc tế tổ chức ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ngày 18-11 vừa qua tại Washington (Mỹ) để trao đổi về “Tham vọng hàng hải của Trung Quốc trong chuỗi đảo đầu tiên và xa hơn thế”, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) Greg Poling đã cảnh báo sâu sắc về điều mà ông đánh giá là “những bước tiến dài trên thực địa về khả năng tác chiến của Trung Quốc ở Biển Đông”, khi những gì được bàn bạc ở Mỹ cũng như các nước Đông Nam Á đã “theo không kịp” các bước tiến của Trung Quốc.
Không được thay đổi hiện trạng Biển Đông
Ông Greg Poling cho rằng, Trung Quốc với sự ráo riết và hung hăng của mình đã “thay đổi hiện trạng Biển Đông một cách nhanh chóng”. Trên thực tế, Trung Quốc đã bồi đắp nhiều đảo đá, rạn san hô (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị nước này chiếm đóng trái phép) thành các đảo nổi nhân tạo có tổng diện diện hơn 13km2. Trong đó, đá Vành Khăn, Chữ Thập và Subi bị biến thành 3 đảo nổi, 3 căn cứ quân sự quy mô lớn với sân bay và cảng nước sâu.
Theo Giám đốc AMTI, Trung Quốc từ năm 2017 đã chuyển sang giai đoạn 2 là hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo để phục vụ mục đích quân sự, dân sự, bao gồm nhà để máy bay, nhà chứa tên lửa, kho chứa vũ khí, nhiên liệu, hải cảng, radar, thiết bị thu thập thông tin tình báo… Từ cuối năm 2017, Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn 3 về quân sự hóa Biển Đông với việc triển khai các trang thiết bị, vũ khí hiện đại ra các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp, bao gồm đưa máy bay quân sự ra đá Subi và Vành Khăn, hạ cánh lên đá Chữ Thập các máy bay vận tải và tuần tra biển, đưa tên lửa hành trình, thiết lập các thiết bị phá sóng… trên các đảo nổi nhân tạo.
Bên cạnh đó, ưu thế của Trung Quốc trên Biển Đông còn là đội ngũ các tàu hải giám, tàu dân quân biển “gia tăng như vũ bão” sau khi nước này thiết lập được các cứ điểm với đầy đủ cơ sở vật chất hậu cần kỹ thuật trên các đảo nổi nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện có tới trên 300 chiếc
tàu kiểu này thường xuyên hoạt động quấy nhiễu ở Biển Đông. Ông Greg Poling cho rằng, các đảo nổi nhân tạo là những bàn đạp để Trung Quốc có thể duy trì cường độ quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực bãi Tư Chính trong 4 tháng vừa qua.
Thông điệp mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế
Rõ ràng, cộng đồng quốc tế phải mạnh mẽ vạch trần toan tính nguy hiểm của Trung Quốc, đồng thời có trách nhiệm và hành động chung nhằm ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông trước khi quá muộn. Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi lên tiếng tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax đã khẳng định rằng, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ đảm bảo hỗ trợ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Theo Đô đốc Philip Davidson, cho tới nay, Canada, New Zealand, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ đều đã đưa tàu chiến qua Biển Đông tham gia vào các cuộc diễn tập quân sự  trong sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như duy trì hòa bình, an ninh và ổn định.
Đô đốc Philip Davidson khẳng định, Mỹ sẽ tăng cường hoạt động tại Biển Đông. Theo đó, một số cuộc diễn tập quân sự đã được thực hiện tại vùng biển trọng yếu này vào tháng 9 và tháng 10 vừa qua. Đáng chú ý, cuộc diễn tập hàng hải Mỹ – ASEAN hồi tháng 9 đã diễn ra với sự tham gia của 8 tàu chiến, 4 máy bay chiến đấu từ 7 quốc gia, cùng 1.250 quân nhân của tất cả 10 nước ASEAN. Bên cạnh đó, Mỹ đã thực hiện liên tiếp 2 cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông trong những ngày gần đây nhằm phát đi tín hiệu rõ ràng, cứng rắn với tham vọng của Trung Quốc.
Trong đó, ngày 20-11, tàu tác chiến cận bờ Gabrielle Giffords đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý sát đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Tiếp đó, ngày 21-11, tàu khu trục Wayne E. Meyer đã thực hiện chuyến đi tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Theo vị chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, việc thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông sẽ còn tiếp tục được tăng cường mạnh mẽ hơn khi Mỹ luân chuyển lực lượng tới Singapore, đồng thời triển khai sức mạnh không quân và hải quân từ các căn cứ tại Nhật Bản.
Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thể chấp nhận được với cộng đồng quốc tế. Những cam kết cùng hành động mạnh mẽ thời gian qua đã cho thấy rõ điều đó.

Lo sợ TQ,

Philippines điều thêm hai tàu tuần tra Biển Đông

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp, xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông, Lực lượng hải cảnh Philippines đã cho điều động thêm hai tàu tuần tra làm nhiệm vụ trên Biển Đông và biển Sulu.
Theo thông tin trên, Philippines (19/11) đã tổ chức lễ điều động hai tàu tuần tra BRP Cabra (4409) và BRP Sindangan (4407) lên đường làm nhiệm vụ ở biển Tây Philippines và biển Sulu. Các tàu tuần tra của Philippines có thể tiến hành hoạt động tuần tra hàng hải và trinh sát tại những khu vực đã nói ở trên nhằm đảm bảo an ninh và an toàn. Ngoài ra, tàu BRP Cabra (4409) và BRP Sindangan (4407) cũng sẽ được sử dụng để ngăn chặn hoạt động buôn bán ma túy, chống khủng bố và buôn người ở Philippines.
Được biết, hai tàu tuần tra này là mẫu tàu tuần tra do Nhật Bản sản xuất và bàn giao cho Philippines theo thỏa thuận hợp tác an ninh hàng hải chung giữa hai nước hồi năm 2017. Theo Lực lượng Bảo vệ bờ biển, các tàu này dài 44m, được trang bị camera nhìn xuyên đêm, thiết bị định hướng bằng tín hiệu vô tuyến… Các tàu tuần tra do Nhật Bản sản xuất thường có tốc độ trung bình 46km/h và tầm hoạt động 1.500 hải lý, vì vậy sẽ hỗ trợ đáng kể cho hạm đội bảo vệ bờ biển Philippines tuần tra ở các vùng lãnh hải quanh đảo quốc rộng lớn với hơn 7.000 hòn đảo này.
Hai tàu chiến mới là một phần của hợp đồng trị giá 7,37 tỉ peso (145 triệu USD) với công ty Hàng hải Nhật Bản để chế tạo 10 tàu như vậy. Dự án này được tài trợ thông qua một khoản cho vay hỗ trợ phát triển chính chức của Nhật Bản. Không những vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã chuyển giao cho Philippines 3 máy bay do thám TC90 đã qua sử dụng nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng hải quân, sẵn sàng ứng phó với các thách thức và mối đe dọa trên biển ngày một gia tăng, như nạn cướp biển, lực lượng nổi dậy có vũ trang ở vùng biển Sulu và nhiều loại tội phạm xuyên quốc gia khác như buôn bán ma túy, buôn lậu, khai thác trái phép nguồn thủy hải sản…
Việc Philippines quyết định điều thêm tàu tuần tra Biển Đông và biển Sulu diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đã điều tàu Hải cảnh 3305 ngăn chặn nhóm tàu tiếp vận dân sự của Manila khi đang di chuyển
đến bãi Cỏ Mây. Theo thông tin trên, sự việc xảy ra khi tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 3305 chặn đường nhóm tàu tiếp vận dân sự Philippines đang di chuyển tới bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Cardozo Luna cho biết Bắc Kinh thường duy trì một tàu hải cảnh gần bãi Cỏ Mây để giám sát hoạt động của tàu cá Philippines, cũng như nhiệm vụ tiếp tế cho BRP Sierra Madre. Được biết, quân đội Philippines sử dụng tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre mắc cạn ở bãi Cỏ Mây như một tiền đồn để duy trì sự hiện diện ở khu vực này từ năm 1999. Trên tàu có một đơn vị thủy quân lục chiến đồn trú và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền.

Đằng sau kế hoạch xây dựng các căn cứ quân sự mới

gần Biển Đông của Indonesia

Trong những năm gần đây, Indonesia liên tục công bố các thông tin về việc nước này xây dựng các căn cứ quân sự mới gần Biển Đông. Động thái được cho là nhằm đối phó với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.
Báo chí Indonesia cho biết Chính phủ Indonesia đang có kế hoạch xây dựng 3 căn cứ quân sự mới ở phía Đông và Bắc nước này, trong đó có một căn cứ ở tỉnh Riau để theo dõi các diễn biến ở Biển Đông.Chính quyền tỉnh Riau, bao gồm quần đảo Natuna nằm ở phía Nam Biển Đông, đã dành một khu đất rộng 40 ha để xây dựng căn cứ và công trình dự kiến bắt đầu từ năm 2020. Căn cứ này sẽ giúp quân đội Indonesia tăng cường hiện diện ở khu vực. Hồi tháng 6/2019, Cảnh sát Quốc gia Indonesia (INP) đã triển khai tàu tuần tra lớn nhất của lực lượng này là KP Yudistira, đến đóng trú tại đơn vị ở Riau để thực hiện các cuộc tuần tra ở khu vực. Đó là một trong những động thái mới của Indonesia nhằm tăng cường hiện diện và bảo vệ Natuna sau khi giới chức nước này nhiều lần ngăn chặn tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở khu vực gần Biển Đông.
Trong năm 2018, Indonesia mở một căn cứ quân sự trên đảo Natuna Besar thuộc Natuna, với hơn 1.000 quân nhân đóng trú và một nhà chứa cho đội máy bay không người lái. Các nhà phân tích cho rằng, việc Indonesia thành lập căn cứ quân sự tại quần đảm Natuna gần biển Đông là nhằm tăng cường khả năng bảo vệ biên giới lãnh thổ và đối phó với sự bất ổn trong khu vực.
Quân đội Indonesia tuyên bố rằng các hòn đảo nhỏ trên các vùng biển của nước này có thể hoạt động giống như những “tàu sân bay” cho phép Lực lượng vũ trang Indonesia nhanh chóng triển khai máy bay chiến đấu và binh sỹ tới các khu vực xung đột. Indonesia đang nỗ lực nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng lục quân, hải quân và không quân, nhằm giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc phòng, trong đó có chủ nghĩa khủng bố. Việc thành lập thêm 4 căn cứ mới trên các đảo tiền tiên nằm trong các nỗ lực tăng cường quân sự của Indonesia trong thời gian gần đây. Theo hãng thông tấn chính thức Antara, việc thành lập 3 bộ chỉ huy khu vực mới quy tụ các lực lượng hải quân, không quân và lục quân phân chia lãnh thổ Indonesia thành 3 quân khu nhằm tăng tính linh hoạt và cho phép quân đội Indonesia phản ứng nhanh hơn trước các mối đe dọa an ninh.
Trung Quốc công bố yêu sách đường lưỡi bò bao gồm cả vùng biển Natuna của Indonesia. Chính quyền Jakarta đã phản ứng mạnh mẽ bằng các tuyên bố và hành động trên thực địa. Indonesia thường xuyên lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc xâm nhập hải phận Indonesia. Indonesia đã công khai thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, khi Indonesia công khai đặt tên phần biển phía Bắc vùng Đặc quyền kinh tế của nước này trên Biển Đông, bất chấp các tuyên bố chủ quyền trước đó của Trung Quốc đối với khu vực này. Thái độ ngày càng cứng rắn của Indonesia đối với khu vực này bao gồm cả việc tăng cường quân sự ở quần đảo Natuna gần đó và kế hoạch điều tàu chiến hải quân đến đây trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ trong các tranh chấp Biển Đông. Tổng thống Indonesia Joko Widodo từng tuyên bố rằng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không dựa trên luật pháp quốc tế. Từ đó, tiếng nói phản đối Trung Quốc của Indonesia ngày càng mạnh mẽ hơn.

Việt Nam và Ấn Độ tăng cường hợp tác quốc phòng,

 đóng góp chung cho hoà bình,

ổn định hợp tác trong khu vực Biển Đông

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ (25/11) của Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hai bên đã trao đổi về nhiều vấn đề quốc phòng song phương, an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Trong cuộc hội đàm với Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Bipin Rawat, Chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng Ấn Độ, khẳng định chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa quân đội hai nước, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ mà lãnh đạo cấp cao hai nước xác định. Những năm gần đây, dựa trên nền tảng của sự tin cậy chính trị và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, hợp tác giữa hai quân đội không ngừng củng cố và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều mặt công tác, nhất là trong các lĩnh vực huấn luyện, đào tạo và gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc… Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng hiện nay, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tại châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra quyết liệt, tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường, với việc chạy đua vũ trang và nguy cơ xung đột quân sự. Vì vậy, việc một số đối tác ngoài Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mong muốn tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) cho thấy cơ chế hợp tác này đang ngày càng phát huy hiệu quả.
Về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Thượng tướng Phan Văn Giang, hợp tác trong ADMM/ADMM+ của các nước cần phải tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tự chủ của các nước ASEAN; tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN và đóng góp cho sự đoàn kết của hiệp hội; có trách nhiệm với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn chung trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình; nhất quán giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả. Trong giải quyết các vấn đề quốc tế, những vấn đề nào thuộc song phương thì giải quyết song phương, những vấn đề nào thuộc đa phương thì phải giải quyết giữa các bên có liên quan với nhau.
Việt Nam sẽ duy trì và thúc đẩy quan hệ với các nước có liên quan trên cơ sở vừa hợp tác vừa đấu tranh, tăng cường mặt lợi ích, tránh va chạm, xung đột để từng bước giải quyết các vấn đề tranh chấp. Đối với việc chống khủng bố, Việt Nam lên án, phản đối mạnh mẽ mọi hoạt động khủng bố, đồng thời ủng hộ sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm loại trừ khủng bố quốc tế. Nhất trí với những nhận định, đánh giá của Thượng tướng Phan Văn Giang, Đại tướng Bipin Rawat thể hiện sự đồng tình trong giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, đồng thời khẳng định Ấn Độ luôn tôn trọng, ủng hộ hòa bình, sự phát triển thịnh vượng cho tất cả các nước, không can dự vào nội bộ của bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Tất cả các chính sách sẽ dựa trên nền tảng đó và hành động thực thi để đạt được hiệu quả cho Ấn Độ cũng như cho các nước trong khu vực và trên thế giới.
Về hợp tác quốc phòng song phương, trong thời gian tới, hai bên thống nhất triển khai hiệu quả Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ giai đoạn 2015-2020 và các thỏa thuận giữa lãnh đạo hai Bộ Quốc phòng; tăng cường thúc đẩy hợp tác tổng thể giữa Lục quân hai nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, như: công nghiệp quốc phòng, đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu chiến lược và phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương…
Trong cuộc tiếp xã giao Thượng tướng Phan Văn Giang đã đến chào xã, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh cho rằng chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự tin cậy chính trị, củng cố và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Ấn Độ nói chung và hai quân đội nói riêng. Bộ trưởng Rajnath Singh nhấn mạnh những năm qua, Ấn Độ đang triển khai chính sách Hành động hướng Đông và Việt Nam là một đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách quan trọng này. Bộ trưởng Rajnath Singh mong rằng ngoài chuyến thăm của Thượng tướng Phan Văn Giang, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn ở tất cả các cấp, trên các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, xứng đáng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Thượng tướng Phan Văn Giang khẳng định Chính phủ, nhân dân và Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh giá cao những tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về vật chất và tinh thần của Chính phủ, nhân dân và Quân đội Ấn Độ trong thời gian qua. Đặc biệt, trong những lúc Việt Nam gặp khó khăn, Ấn Độ luôn bên cạnh và có những hành động thể hiện sự ủng hộ của mình đối với Việt Nam. Gần đây, Ấn Độ ủng hộ chủ trương của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế; ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021… chính là những minh chứng sinh động nhất. Trên cơ sở quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nhà nước, với sự tin cậy và ý chí cùng hợp tác, cùng phát triển, Việt Nam tin tưởng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia sẽ ngày càng phát triển vững chắc, đi vào chiều sâu, làm phong phú hơn nội hàm đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước mà quan hệ giữa hai quân đội sẽ là một trụ cột sinh động và vững chắc, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.
Thông tin với Bộ trưởng Rajnath Singh về cuộc hội đàm rất thành công với ngài Chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng, Thượng tướng Phan Văn Giang mong rằng trong thời gian tới, trên cương vị của mình, Bộ trưởng Rajnath Singh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của Ấn Độ phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam để hiện thực hóa các chủ trương, chính sách, kế hoạch hợp tác mà hai bên đã xác định.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?