Đọc báo Pháp – 29/06/2020

Đọc báo Pháp – 29/06/2020

Vì sao Trung Quốc sẽ thủ lợi nếu Donald Trump tái đắc cử? – Thụy My

Les Echos hôm nay 29/06/2020 có bài viết lý giải «Vì sao Bắc Kinh bầu cho ông Trump». Theo thông tín viên của tờ báo, nếu tổng thống Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới, Trung Quốc không mấy buồn lòng vì sẽ lợi dụng được việc Mỹ co cụm để dấn tới trên trường quốc tế, trong khi Joe Biden có thể liên kết được các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ.
Cộng Hòa và Dân Chủ Mỹ đều muốn đối đầu với Trung Quốc
Ông Trump trong bốn năm qua đã liên tục đối địch với Trung Quốc, tố cáo thâm hụt thương mại lớn lao, chỉ trích việc xử lý đại dịch « virus Trung Quốc », cáo buộc Hoa Vi (Huawei) đe dọa an ninh quốc gia. Nhiều lần Donald Trump tuyên bố « Không ai cứng rắn với Trung Quốc như tôi », nói rằng Trung Quốc sẽ làm mọi cách khiến ông thất cử và mô tả đối thủ Joe Biden là một người nhu nhược trước Bắc Kinh. Tuy nhiên cuốn sách gây bão của cựu cố vấn an ninh John Bolton vẽ lên một chân dung ngược lại: một ông Trump muốn Trung Quốc mua nông sản Mỹ để ông có thể tái đắc cử, và làm ngơ trước các trại cải tạo Tân Cương.
Vương Nghĩa Nguy (Wang Yiwei), viện trưởng Viện quan hệ quốc tế của trường đại học Nhân Dân Trung Quốc, cũng cho rằng « đó là ứng cử viên đỡ tệ hại nhất cho Trung Quốc». Đối với các chuyên gia, rõ ràng là quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục xuống cấp, cho dù ông chủ sắp tới của Nhà Trắng là ai đi nữa. Tín Cường (Xin Qiang), phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ của trường đại học Phục Đán ở Thượng Hải, giải thích: «Có một sự đồng thuận chiến lược giữa Cộng Hòa và Dân Chủ về việc Trung Quốc là một địch thủ cần phải kìm hãm lại».
Trong những tháng gần đây, Quốc Hội Mỹ đã vượt qua những bất đồng nội bộ để gần như là đồng thuận trong việc tố cáo việc Bắc Kinh siết lại tự do của Hồng Kông, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Đại dịch do virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra chỉ làm cho quan điểm của phía Mỹ thêm cứng rắn.
Trump tái đắc cử: Đồng minh chia rẽ, Bắc Kinh thủ lợi
Với một Donald Trump bất định, đành rằng chế độ Bắc Kinh phải tiếp tục chịu áp lực về thương mại và những tuyên bố bốc đồng, nhưng có thể lợi dụng chủ trương cô lập của Mỹ để gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế và các định chế đa quốc gia. Coi đây là «cơ hội cho Trung Quốc», ông Tín Cường cũng cho rằng « một doanh nhân thực dụng như ông Trump không thực sự có quan điểm về ý thức hệ, và không quan tâm lắm đến nhân quyền».
Ngược lại, phe Dân Chủ được cho là thiên về bảo vệ các giá trị dân chủ. Tuy Joe Biden có thể cố gắng nối lại đối thoại với Trung Quốc về khí hậu, khủng bố hay nguyên tử Iran, Bắc Kinh lo rằng ông Biden tìm cách liên kết các quốc gia, đặc biệt là châu Á và châu Âu, vốn đang quan ngại trước sự hung hăng của Trung Quốc.
Les Echos kết luận, vào lúc đại dịch corona làm tăng sự nghi ngại của phương Tây trước Bắc Kinh, một tổng thống Mỹ đoàn kết được nhiều nước trong một mặt trận chung là trở ngại cho Trung Quốc, còn việc ông Donald Trump tái đắc cử sẽ mở ra một đại lộ cho Bắc Kinh tung hoành.
Phe sinh thái Pháp đứng trước thử thách quyền lực
Cuộc bầu cử địa phương lần hai tại Pháp là tựa trang nhất của nhiều báo Paris hôm nay 29/06/2020. Libération chơi chữ « Phe sinh thái tiến bước » : đảng Xanh liên minh với cánh tả giành được nhiều ghế thị trưởng, nắm lấy ngọn cờ đổi mới từ tay đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Emmanuel Macron. La Croix chạy tựa trang nhất « Sự đột phá của đảng Xanh », Le Figaro nhận định « Làn sóng sinh thái giúp cánh tả hồi sinh ». Le Monde ra từ ngày hôm trước, chú trọng vào « Bài biện hộ cho châu Âu của bà Angela Merkel ». Les Echos quan tâm đến « Việc cho ngưng hoạt động nhà máy điện Fessenheim gây tranh cãi » : lò nguyên tử « cao niên » nhất nước Pháp sẽ đóng cửa vào ngày mai, do chính phủ hứa giảm tỉ lệ điện nguyên tử từ 70% xuống còn 50%.
Trong bài xã luận mang tên « Trước thử thách quyền lực », La Croix ví von : một sa mạc và một làn sóng. Trước hết là sa mạc : có đến 6/10 cử tri không đến phòng phiếu để bầu ra thị trưởng của mình. Và một làn sóng xanh đã dâng lên : nhiều người Pháp tại các thành phố lớn như Lyon, Bordeaux, Strasbourg, Marseille… đã ngả sang sinh thái.
Các thành phố này trong sáu năm tới sẽ được một thị trưởng Sinh thái-Xanh lãnh đạo. Về chính trị, đây là một làn sóng ngoạn mục, vì đảng này hồi bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 còn không thể giới thiệu nổi một ứng cử viên, nay lại đang đứng trước cánh cửa quyền lực. Ở cấp quốc gia, thách thức quyền lực lại thường trở thành ảo tưởng, như trường hợp của ông Nicolas Hulot.
Kết quả bầu cử lần này còn là một thách thức cho tổng thống Emmanuel Macron. Đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) của ông đã thất bại khi muốn cắm rễ tại địa phương. Nhân vật duy nhất trong đảng chiến thắng oanh liệt là thủ tướng Édouard Philippe, tái đắc cử ở Havre, người mà ông Macron ngần ngại chưa dám chia tay.
Cánh tả hồi sinh, Macron chật vật
Bài xã luận dài « Phía sau làn sóng xanh » của Le Figaro nhận định, đó là một kết quả đáng buồn cho đảng cực hữu vốn đang hy vọng thủ lợi từ tâm trạng bất ổn, đáng thất vọng cho đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (RN) vì làn sóng này lấn lướt những kết quả khích lệ tại các thành phố nhỏ và trung bình. Nhưng thất bại càng nặng nề hơn đối với đảng của tổng thống Macron vì phải từ bỏ giấc mộng bắt rễ trong trái tim đất nước. Trong giai đoạn sắp tới, ông sẽ phải thích ứng với một cuộc khủng hoảng dịch tễ luôn sẵn sàng tái phát, một trận sóng thần kinh tế xã hội và nhiều khó khăn khác nhau về chính trị.
Theo tác giả, sai lầm thứ nhất là nghĩ rằng hiện tượng này chỉ là nhất thời. Vấn đề môi trường nay là lương tâm chính trị tại các nước phát triển. Ban đầu từ giới trẻ và trung lưu đô thị, nay mọi giai cấp trong xã hội và mọi thế hệ đều ý thức được.
Sai lầm thứ hai là cho rằng đây chỉ là những lá phiếu để bày tỏ sự không hài lòng với hệ thống chính trị truyền thống. Đó là sự tái sinh của khối cánh tả từ xã hội đến cực tả, đảng xanh, đảng cộng sản, mà cột trụ nay không còn là đảng xã hội mà là phe sinh thái. Trước một cánh tả hồi sinh từ đống tro tàn, ông Macron không còn chọn lựa nào khác ngoài việc liên kết cánh trung và cánh hữu, với một lượng cử tri đủ rộng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 mà ông có một ít hy vọng chiến thắng.
Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim bị bức tử
Bước sang lãnh vực năng lượng, Le Figaro tỏ ra nuối tiếc khi « Fessenheim tắt lịm », Les Echos chạy tựa trang nhất « Việc cho ngưng hoạt động nhà máy điện Fessenheim gây tranh cãi ». Lò nguyên tử « cao niên » nhất nước Pháp sẽ đóng cửa vào ngày mai, do chính phủ hứa giảm tỉ lệ điện nguyên tử từ 70% xuống còn 50%.
Vào lúc nửa đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba 30/06, lò phản ứng số 2 của nhà máy điện nguyên tử ở vùng Haut-Rhin sản xuất ra những megawatt điện cuối cùng trong lịch sử của mình, bốn tháng sau khi lò số 1 bị cho ngưng hoạt động. Le Figaro cho biết điều mỉa mai là lò số 2 đã tự động ngưng khi bị giông gió mạnh hôm thứ Sáu, rồi cuối ngày thứ Bảy lại phải phục vụ thêm vài tiếng đồng hồ cuối cùng.
Việc đóng cửa Fessenheim đã được hai tổng thống liên tiếp hứa hẹn là François Hollande và Emmanuel Macron. Ngoài lời hứa do ông Hollande đưa ra nhằm kiếm phiếu của phe sinh thái năm 2012 nay phải thực hiện, chính quyền Macron hiện nay còn cho rằng nhà máy đã già cỗi, và cũng muốn giảm tỉ lệ điện nguyên tử xuống còn 50%. Tuy nhiên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) nhấn mạnh vai trò của nguyên tử trong việc giảm thải carbonic.
Les Echos trong bài xã luận « Nguyên tử : Cuộc tranh luận bị cấm đoán » nhận định nước Pháp đã dần dà ngả sang một dạng tư duy độc tài sinh thái. Dư luận cho rằng nguyên tử là nguy hiểm, để lại rác thải phóng xạ cho thế hệ tương lai, nên tập trung cho năng lượng tái tạo. Bảo vệ cho uranium trở thành cấm kỵ, và như vậy tương lai của điện nguyên tử được dựa trên cảm tính chứ không phải lý tính, trong khi vấn đề này cần phải được tranh luận đến nơi đến chốn.
Xe hơi, xe đạp chạy điện ngày càng phổ biến, như vậy phải sạc pin nhiều hơn, và nguyên tử lực bổ sung được cho những hạn chế của điện mặt trời và điện gió. Tất nhiên không phải hoàn hảo, nhưng khi không dám nêu ra những ưu điểm của nó trước dư luận, các nhà lãnh đạo chính trị đã tự bắn vào chân của một nước Pháp lẽ ra phải coi nguyên tử là một trong những ưu thế của mình. Chính nhờ điện nguyên tử mà Pháp là một trong những nước góp phần nhiều nhất vào việc chống hâm nóng khí hậu.
Nga : Phòng phiếu « trăm hoa đua nở » để phục vụ cho Putin
Tại Nga, một cuộc bỏ phiếu diễn ra từ thứ Năm tuần trước 25/06 để giúp tổng thống Vladimir Putin tiếp tục tại vị.
Libération mô tả vô số phòng phiếu đủ kiểu được dựng lên khắp nơi với cớ tránh tập trung đông người trong mùa dịch, nhưng thực chất nhằm khoác cái vỏ trưng cầu dân ý một cách dân chủ, để ông Putin cai trị thêm 12 năm nữa.
Thành phố Matxcơva còn tổ chức xổ số trúng thưởng để thu hút người đi bỏ phiếu, công nhân viên bị thúc giục đi bầu, có người dù từ chối bỏ phiếu trên internet nhưng vẫn nhận được tin nhắn xác nhận đã đăng ký. Dojd, một tờ báo độc lập phát hiện có những thẻ SIM và số an sinh xã hội được phân phát. Mỗi tài khoản tạo ra để bỏ phiếu trên mạng được tặng 75 rúp (gần bằng 1 euro), mỗi lá phiếu được thưởng thêm 50 rúp.
Leyen, Lagarde, Merkel : Ba phụ nữ sẽ cứu vãn châu Âu
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos vinh danh « Ba người phụ nữ sẽ cứu vãn châu Âu ». Đó là Ursula von der Leyen, Christine Lagarde và Angela Merkel, ba phụ nữ ở độ tuổi 60 đã đánh thức Liên Hiệp Châu Âu (EU) để đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tệ hại nhất. Cả ba đã biết đưa ra quyết định đúng đắn kịp thời, tuy họ chưa hề được chờ đợi trong vai trò này.
Angela Merkel được cho là đang ở vào buổi hoàng hôn chính trị, sau 13 năm cầm quyền. Gần như không còn ai trông cậy vào bà để thúc đẩy EU. Ursula von der Leyen, bộ trưởng Quốc Phòng Đức, vừa làm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu có vài tháng. Christine Lagarde được lên làm chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) một phần nhờ là phụ nữ, vì bà chưa bao giờ lãnh đạo một ngân hàng quốc gia, thậm chí còn không phải là nhà kinh tế.
Ngày 18/03, bà Lagarde loan báo một kế hoạch đại quy mô để hỗ trợ nền kinh tế : BCE cam kết mua lại trong vòng vài tháng 1.000 tỉ euro trái phiếu nợ của các nhà nước thành viên và doanh nghiệp, một chiến lược còn tham vọng hơn cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Một ít thời gian sau, bà Merkel mới hành động, nhưng bà đã ý thức được rằng giảm phát sẽ làm các nước Nam Âu suy sụp, tạo nguy cơ cho thị trường chung. Nữ thủ tướng thận trọng và lý tính chấp nhận đề nghị của tổng thống Pháp : EU vay 500 tỉ euro và phân phối cho những nước dễ tổn thương nhất. Khi trả lời phỏng vấn của Le Monde, bà Merkel nhấn mạnh « Cần phải có lời đáp đặc biệt trong tình huống đặc biệt ».
Nhờ sự đổi hướng của bà Merkel, bà Leyen đã tiến hành các chương trình mua chung và dự trữ thiết bị bảo hộ y tế cho EU, đưa ra kế hoạch tái thúc đẩy 750 tỉ euro. Bà cũng đặt nền tảng cho một liên minh y tế, bảo vệ các ngành kỹ nghệ chiến lược của châu Âu trước Trung Quốc, lập quỹ nghiên cứu vac-xin chung.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200629-v%C3%AC-sao-trung-qu%E1%BB%91c-s%E1%BA%BD-th%E1%BB%A7-l%E1%BB%A3i-n%E1%BA%BFu-donald-trump-t%C3%A1i-%C4%91%E1%BA%AFc-c%E1%BB%AD

Tin tổng hợp
(AFP) – Cựu thủ tướng Pháp lãnh án tù. 
Cựu thủ tướng François Fillon hôm nay, 29/06/2020, đã bị tuyên án 5 năm tù, trong đó có 2 năm tù giam, vì tội biển thủ công  quỹ. Toà tiểu hình Paris đã chính thức cáo buộc cựu tổng thống Fillon về tội biển thủ công quỹ trong vụ tuyển dụng vợ ông là bà Pénélope Fillon làm trợ tá trong thời gian ông làm đại biểu Quốc Hội. Đây chỉ là một việc làm có trên giấy tờ. Chính xì căng đan này đã dẫn tới thất bại ê chề của ứng cử viên tổng thống Fillon trong cuộc bầu cử tại Pháp hồi năm 2017. Bản thân bà Fillon bị kết án 3 năm tù treo và bị phạt tiền 375 000 euro do bi cáo buộc “đồng lõa” trong vụ này. Cựu thủ tướng Pháp và phu nhân cho biết sẽ kháng án.
(Reuters) – Boeing tiến hành bay thử nghiệm máy bay 737 MAX. 
Đợt bay thử này sẽ được thực hiện trong vòng ba ngày, kể từ 29/06/2020 và có ý nghĩa rất quan trọng cho Boeing. Nhà sản xuất máy bay Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử sau hai vụ máy bay 737 MAX bị rơi vào năm 2018 và 2019 ở Ethiopia và Indonesia, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Khó khăn về kinh tế của hãng trầm trọng thêm vì dịch virus corona.
(ONU/AFP) – Miến Điện : Liên Hiệp Quốc quan ngại về gia tăng xung đột ở bang Rakhine. T
rong thông cáo ngày 28/06/2020, Liên Hiệp Quốc kêu gọi « những biện pháp khẩn cấp để bảo vệ thường dân », sau khi được thông báo về tình trạng gia tăng các cuộc đụng độ ở Rathedaung, phía tây bắc bang Rakhine. Theo một số nguồn tin địa phương của Liên Hiệp Quốc, hơn 10.000 người ở khu vực trên phải chạy lánh nạn hoặc bị kẹt giữa hai làn đạn giữa quân đội Miến Điện và lực lượng Quân đội Arakan.
(AFP) – Pháp: Đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cũ nhất. 
Sau 43 năm hoạt động, nhà may điện hạt nhân Fessenheim ở vùng phía Đông nước Pháp sẽ đóng cửa vĩnh viễn kể từ đêm nay, trong khi chờ tháo gỡ. Lò số một của nhà máy đã ngưng hoạt động từ ngày 22/02/2020. Bốn tháng sau, đến phiên lò số hai, bắt đầu vào 23 giờ 45 đêm nay. Fessenheim là nhà máy hạt nhân đầu tiên của Pháp, tọa lạc bên bờ sông Rhein, giữa  biên giới ba nước Pháp, Đức và Thụy Sĩ. Quyết định ngưng hoạt động vì thiếu an toàn là một chiến thắng  của phong trào chống điện hạt nhân, nhưng cũng là niềm đau của dân cư địa phương và hàng trăm nhân viên của cơ sở.
(AFP) – Thông tin xuyên tạc của Nga và Trung Quốc về virus corona có sức thu hút lớn. 
Theo báo cáo được Viện nghiên cứu về Internet của đại học Oxford, Anh công bố ngày 29/06/2020, trên các mạng xã hội, bài viết của truyền thông Nga và Trung Quốc được độc giả quan tâm nhiều hơn so với những bài viết của các tờ báo có uy tín của Anh, Pháp hay Đức. Các phương tiện truyền thông Nga và Trung Quốc viết bài bằng tiếng Anh, Pháp, Đức hay tiếng Tây Ban Nha để đến được gần với nhiều độc giả nhất.
(Bloomberg) - GDP của Việt Nam chỉ tăng 0,36 % trong quý 2/2020. 
Đây là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam kể từ ba thập niên qua, nhưng tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam không bị tụt giảm do tác động Covid-19 gây nên. Theo báo cáo hồi tháng 4/2020 của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Đông Nam Á đạt tỷ lệ tăng trưởng cho toàn năm là 2,7 %, tỷ lệ cao nhất tại châu Á.
(AFP) - Tổng thống Mỹ khẳng định không hay biết về khả năng Nga chi tiền cho quân Taliban sát hại lính Mỹ và NATO tại Afghanistan. 
Donald Trump hôm 28/06/2020 đã bác bỏ tin được báo New York Times tiết lộ cách nay ba hôm. Phó tổng thống Pence cũng như phía Nga và Taliban hoàn toàn bác bỏ tin trên.
(AFP) - Tai nạn trên biển, 14 thuyền viên Philippines mất tích.
Manila ngày 29/06/2020 thông báo huy động không quân và hải quân tìm kiếm 14 người mất tích trong một tai nạn giữa tàu cá Philippines Liberty 5 với tàu chở hàng Vienna Wood mang cờ của Hồng Kông. Vụ đụng tàu xảy ra hôm Chủ Nhật, ở ngoài khơi tỉnh Tây Mondoro. Vài giờ sau sự cố, thuyền trưởng chiếc tàu chở hàng đã bắn tín hiệu kêu cứu và được hải cảnh Philippines hộ tống vào bờ. Trước mắt, không biết rõ số phận của 12 thủy thủ đoàn và 2 hành khách trên chiếc Liberty 5.
(AFP) - Trưng cầu dân ý tại Nga : Phe ủng hộ cải tổ Hiến Pháp thắng thế. 
Bốn ngày trước khi kết thúc, kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Nga đã được biết trước. Viện thăm dò Vtsiom ngày 29/06/2020 cho biết có khoảng 76 % số người được hỏi ủng hộ việc tăng quyền cho tổng thống Vladimir Putin. Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 25-28/06/2020.
(AFP) – Tại Iceland, tổng thống mãn nhiệm tái đắc cử vẻ vang. 
Theo kết quả chính thức, ngày 28/06/2020 đã cơ hơn 92 % cử tri Iceland đã bỏ phiếu tín nhiệm Gudni Johannesson thêm một nhiệm kỳ bốn năm. Đây là tỷ lệ đắc cử hiếm thấy tại các nền dân chủ. Johannesson, 52 tuổi, là vị tổng thống trẻ tuổi nhất tại quốc gia trong vùng Bắc Băng Dương này. Bốn năm trước ông đã loại được 8 ứng cử viên và đã đắc cử với hơn 39 % số phiếu.
(AFP) – Tổng thống Macron hội kiến thủ tướng Đức trước khi Berlin giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. 
Trong cuộc họp trực tiếp đầu tiên từ đầu mùa dịch Covid-19 tại Berlin chiều ngày 29/06/2020, thủ tướng Merkel và tổng thống Macron tập trung vào nhiều hô sơ chính từ kế hoạch bảo vệ môi trường chung châu Âu đến vấn đề nhập cư và nhất là quan hệ giữa Liên Âu với Trung Quốc và với Hoa Kỳ. Đức giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu kể từ ngày 01/07/2020.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200629-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 29/6:

Va chạm tàu ngoài khơi Philippines,

nhiều người mất tích

Lục Du
Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên. Sáng nay, thứ Hai (29/6), bản tin của chúng tôi có những tin sau:
Va chạm tàu ngoài khơi Philippines, nhiều người mất tích
Ít nhất 12 ngư dân Philippines mất tích vào sáng sớm hôm thứ Hai, sau vụ va chạm giữa tàu đánh cá của họ với một tàu chở hàng nước ngoài, The Straits Times dẫn tin từ truyền thông tại Philippines cho biết.
Vụ va chạm xảy ra vào Chủ nhật ở vị trí ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của tỉnh Occidental Mindoro, Philippines, hai trang tin Inquirer và Rappler dẫn nguồn từ cảnh sát cho biết.
Theo Rappler, tàu chở hàng trong vụ va chạm là tàu Trung Quốc, trong khi đó trang Inquirer cho biết con tàu này cắm cờ Hồng Kông.
Vào ngày 9/6, một tàu đánh cá Trung Quốc đã tấn công và đánh chìm một chiếc thuyền của Philippines ở vị trí cách xa hơn 300km về phía tây nam bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa. Ngư dân Việt Nam đã giải cứu 22 người Philippines. Sau vụ va chạm đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phải đối mặt với làn sóng chỉ trích rằng ông đã mềm yếu trước Bắc Kinh.
Ông Pompeo đang thúc đẩy liên minh chống chính quyền Trung Quốc
News Week cho hay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đang hối thúc việc thành lập một liên minh quốc tế chống chính quyền Trung Quốc thông qua hàng loạt chỉ trích nhắm vào chính quyền này.
Vào Chủ nhật, ông Pompeo viết trên Twitter: “Mỹ và các quốc gia châu Âu đã thức tỉnh trước các thực tế về Trung Quốc khi một chế độ độc tài đang nổi lên, và những hệ lụy mà nó gây ra cho xã hội tự do của chúng ta. Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc che đậy đại dịch từ Vũ Hán, khiến hàng ngàn người tử vong, đã đẩy nhanh sự thức tỉnh của chúng ta”.
Cùng ngày, ông Pompeo đăng một tweet khác với nội dung mà ông từng phát biểu tại một diễn đàn vào tuần trước: “Hoa Kỳ và các đối tác châu Âu phải hợp tác để tiếp tục thức tỉnh về chướng ngại Trung Quốc, vì lợi ích duy trì xã hội tự do, thịnh vượng và tương lai của chúng ta”.
Covid-19 bùng phát, Trung Quốc phong tỏa thêm nửa triệu người
Giới chức Trung Quốc hôm 28/6 thông báo áp lệnh phong tỏa đối với gần nửa triệu người ở gần Bắc Kinh để ngăn chặn đợt bùng phát tiếp theo của dịch viêm phổi Vũ Hán, theo AFP.
Các quan chức y tế cho biết, huyện An Tân thuộc thành phố Bảo Định, cách Bắc Kinh khoảng 150 km, sẽ được “bao vây và kiểm soát hoàn toàn”, giống như cách mà chính quyền Trung Quốc đã áp dụng cho thành phố Vũ Hán vào đầu năm nay.
Quyết định này được chính quyền Trung Quốc đưa ra sau khi có thêm 14 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán ở Bắc Kinh được báo cáo vào hôm Chủ nhật, nâng tổng số bệnh nhân tại khu vực này lên 311, tính từ giữa tháng Sáu.
Hồng Kông: Nhiều người biểu tình bị bắt vì phản đối luật an ninh
Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ ít nhất 53 người vào Chủ nhật với cáo buộc tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hòa để phản đối việc Bắc Kinh đang triển khai kế hoạch áp luật an ninh quốc gia đối với họ, theo Reuters.
Hàng trăm người đã tập trung ở Jordan để tuần hành tới Mong Kok, nhưng ngay sau đó đoàn người biểu tình phải đối mặt với lực lượng cảnh sát có vũ trang.
Nói về lý do tham gia cuộc biểu tình, anh Roy Chan, 44 tuổi cho biết: “Chúng tôi phải đứng dậy và đánh bại những kẻ đang tước đoạt quyền tự do của Hồng Kông”.
Trung Quốc phát hiện giếng nước ngọt trên đảo nhân tạo
Trung Quốc đã phát hiện một giếng nước ngọt trên một đảo nhân tạo mà họ tự ý bồi đắp thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, SCMP đưa tin vào tối Chủ nhật.
Giếng nước ngọt được phát hiện tại đảo Đá Chữ Thập, được cho là đang lan rộng ra khoảng 1 mét mỗi năm, gấp hơn hai lần tốc độ phát triển quan sát được tại các giếng nước ngọt ở những hòn đảo tự nhiên.
Nó có thể “phục vụ như một nguồn nước quan trọng cho người và hệ sinh thái trên đảo”, nhóm nghiên cứu do nhà địa chất biển Xu Hehua đứng đầu viết trong một báo cáo đăng trên Tạp chí Thủy văn vào tháng trước.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-29-6-va-cham-tau-ngoai-khoi-philippines-nhieu-nguoi-mat-tich.html

Điểm tin thế giới tối 29/6:

Ấn Độ chuẩn bị cho ‘trận đánh tổng lực’ với Trung Quốc

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (29/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ấn Độ chuẩn bị cho ‘trận đánh tổng lực’ với Trung Quốc
Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ các căn cứ không quân của Trung Quốc ở Tây Tạng và Tân Cương, nơi đang dự trữ nhiều máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay không người lái và các thiết bị quân sự khác khi căng thẳng biên giới leo thang ở khu vực, nhưng Ấn Độ không quá lo lắng về khả năng của lực lượng chiến đấu trên không dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC), với việc Không quân Ấn Độ (IAF) đã tập hợp một lực lượng đủ mạnh, theo Indian Defense News.
Theo các nguồn tin quốc phòng Ấn Độ, chưa có động tĩnh “mới hoặc lớn” ở khu vực của Quân đội Trung Quốc tại Hotan và Kashgar ở Tân Cương, cũng như Gargunsa, Lhasa-Gonggar và căn cứ không quân Shigatse. Quân đội Ấn Độ và IAF đã triển khai cho “khả năng trận đánh tổng lực” dọc theo 3.488 km LAC sau các cuộc giao tranh biên giới ở Ladakh. Ấn Độ đã chuyển tới khu vực tên lửa đất đối không và các hệ thống tương tự nhằm ứng phó những mối đe dọa trên không.
Máy bay ném bom Trung Quốc bay qua eo biển Miyako, tiếp cận Đài Loan từ phía Đông
Hai máy bay ném bom của Trung Quốc đã bay qua eo biển Miyako vào Chủ nhật (28/6) và tiếp cận Đài Loan từ phía Đông, trước khi quay trở lại và ra khỏi khu vực theo cùng lộ trình, theo Taiwan News.
Theo thông cáo báo chí từ Ban tham mưu Bộ Quốc Phòng Nhật Bản, hai máy bay ném bom chiến lược của Quân đội Trung Quốc là Xi’an H-6 đã bay từ biển Hoa Đông và qua eo biển Miyako giữa các đảo Okinawa và Miyakojima của Nhật Bản. Trong một hành động đáp lại, Lực lượng phòng vệ không quân Nhật Bản đã phóng máy bay chiến đấu để theo dõi máy bay ném bom Trung Quốc. Hai chiếc H-6 sau đó đã bay về phía tây nam và tiếp cận không phận Đài Loan từ phía đông, theo bản đồ đường bay do phía Nhật Bản công bố.
Ít nhất 4 trinh sát cơ Mỹ bay đến Đài Loan và Biển Đông
Hai kênh theo dõi lộ trình hàng không Callsign: CANUK7 và Golf9 đã phát hiện có ít nhất 4 máy bay do thám Mỹ và một máy bay tiếp nhiên liệu bay đến phía nam và tây nam Đài Loan vào hôm nay (29/6), trong khoảng thời gian từ 8:53 đến 11:27 sáng, theo Taiwan News.
Kênh Callsign: CANUK78 cho biết: Lockheed EP-3E ARIES II, một máy bay trinh sát và chiến đấu bay qua kênh Ba Sĩ ngay ngoài khơi bờ biển phía nam Đài Loan hướng về Biển Đông và Nga Loan Tị (Eluanbi); một máy bay tuần tra hàng hải Boeing P-8A Poseidon bay qua kênh Ba Sĩ trên hành trình của nó đến Biển Đông.
Kênh Golf9 báo cáo: một máy bay tiếp nhiên liệu Boeing KC-135R Stratotanker bay qua Biển Đông, ngay phía tây nam Đài Loan; một máy bay trinh sát Boeing RC-135U cất cánh từ căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản và bay qua kênh Ba Sĩ cũng trên đường đến Biển Đông.
‘Gã khổng lồ’ luyện kim Nga thừa nhận làm ô nhiễm vùng đài nguyên Bắc Cực
Norilsk Nickel, công ty khai thác và luyện kim niken của Nga đứng phía sau một vụ tràn nhiên liệu khổng lồ ở Bắc Cực hồi tháng trước, theo Aljazeera.
Trong một bản báo cáo hôm 28/6, Norilsk Nickel đã đưa ra các lý do cho việc “vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc vận hành” đồng thời tuyên bố họ đã đình chỉ các nhân viên chịu trách nhiệm xả nước thải từ một hồ chứa bị tràn ngập vào khu vực có động vật hoang dã.
Sau một tháng kể từ vụ rò rỉ nhiên liệu chưa từng có khiến Tổng thống Vladimir Putin phải ban bố tình trạng khẩn cấp, công ty này mới cho biết, vụ tràn dầu đã xảy ra tại nhà máy làm giàu Talnakh, gần Norilsk, thành phố nằm phía trên Vòng Bắc Cực.
Vào tháng trước, hơn 21 tấn dầu diesel bị rò rỉ từ bể chứa nhiên liệu tại một trong những nhà máy của công ty nằm gần Norilsk. Nhiên liệu thấm vào đất và nhuộm màu nước gần đó biến nó thành màu đỏ tươi.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-29-6-an-do-chuan-bi-cho-tran-danh-tong-luc-voi-trung-quoc.html

Tạp chí văn hóa

Nấm Truffe, hương liệu đắt tiền hiếm như đá quý

Tuấn Thảo
Trên đời này, ít có món ăn nào kỳ lạ, tuyệt vời như nấm Tuber Magnatum. Kỳ lạ bởi vì nó mọc ở dưới đất, không có gốc mà cũng chẳng có rễ. Không ai biết nó tích tụ từ đâu và sinh sống nhờ cách nào … Với một chút may mắn, người ta tìm thấy nó, chứ không ai có thể gieo trồng. Chính cũng vì vậy mà củ nấm hiếm như bạc, quý như vàng.
Lúc sinh tiền, học giả người La Mã Pline L’Ancien (tiếng Anh là Pliny the Elder, còn trong tiếng La Tinh là Gaius Plinius Secundus) đã mô tả nấm truffe bằng những dòng chữ như trên. Trong bộ Tự điển Bách khoa Tự nhiên Naturalis Historia bao gồm tổng cộng là 37 quyển, ông đã dành nguyên một chương sách trong tập số XIX để nói về nấm truffe.
Theo ghi chép của ông, loại nấm này có mùi vị lạ thường và hương vị tinh tế, nó chỉ mọc sâu ở dưới lòng đất, gần những gốc cây to, kích cỡ của củ nấm nhỏ như trái lê vùng Cydonia của Hy Lạp, to nhất thì bằng trái mộc qua. Một khi đào bới lên, nấm truffe không thể giữ được lâu, càng để lâu ở ngoài trời ở chỗ khô ráo, củ nấm càng sơ cứng lại, màu sắc hình dáng trông như một khúc gỗ mục.Theo học giả Pline L’Ancien, người Hy Lạp và người Ba Tư đã từ lâu tìm cách cấy trồng nấm truffe, nhưng không thành.
Nhờ vào sự lưu truyền của bộ Tự điển Bách khoa Tự nhiên có từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, mà con người thời nay mới biết rằng nấm truffe đã được xem như là của ngon vật lạ từ thời Cổ đại Hy La. Những gì học giả Pline L’Ancien chưa giải thích nổi, đều được các nhà khoa học chứng minh sau này : dù không có rễ, nhưng nấm truffe vẫn mọc dưới đất nhờ phát triển cộng sinh với một số loài cây cổ thụ như cây sồi, cây phỉ hay hạt dẻ.
Nhưng không phải dưới gốc cây sồi nào, người ta cũng có thể đào được nấm truffe, vì sự phát triển của loài nấm này còn lệ thuộc vào khí hậu, phong thổ. Nấm truffe chủ yếu mọc ở các vùng ôn đới, chứ ít khi nào được tìm thấy ở những nơi có thời tiết quá lạnh, quá khô hay quá ẩm. Tại châu Âu, vùng Piemonte của Ý nổi tiếng trên thế giới nhờ sản xuất loài nấm truffe màu trắng ngà (vùng Alba), còn ở Pháp, vùng Périgord thì chuyên sản xuất lọai nấm truffe màu nâu đen.
Theo lời kể của nhà đầu bếp người Ý Enrico Crippa, chủ nhà hàng nổi tiếng Piazza Duomo Alba, gia đình anh có truyền thống nấu các món nấm truffe từ bốn đời nay. Thời còn nhỏ, Enrico thường thấy ông nội anh ăn nấm truffe một cách rất đơn giản : ông cụ lấy một miếng bánh mì, rồi trét với loại bơ có pha một chút muối, nấm truffe cắt thành những khoanh thật mỏng, rải đều trên mặt bánh. Ông cụ dùng nấm truffe như một món khai vị, đến sau này Enrico Crippa nổi tiếng nhờ món mì sợi linguini rắc nấm truffe cũng duy trì truyền thống gia đình.
Nhà đầu bếp Enrico Crippa tự tay làm mì sợi linguini thật tươi, bỏ vào nước sôi nấu cho vừa tới (al dente), tức là sợi mì khi cắn vẫn còn thấy dòn. Mì sợi vừa chín được trộn với một chút bơ pha muối rồi rắc trên mặt một chút nấm truffe bào mỏng. Bí quyết ăn tiền của Enrico có lẽ nằm ở trong độ nóng của món ăn dọn trên bàn. Đĩa ăn đút trước vào lò nướng cho thật nóng, mì sợi còn nóng hổi vớt ra rồi cho vào đĩa trộn nấm rồi dọn ngay. Hơi nóng của chiếc đĩa giữ cho mì sợi linguini không nguội nhanh, sức nóng đó khi bốc lên giúp cho mùi hương của nấm tươi lan tỏa. Theo Enrico Crippa, nấm truffe nhất là lọai nấm trắng đễ bị mất mùi khi xào nấu quá lâu, tốt nhất là nên ăn tươi và tuyệt đối tránh dùng rau thơm và gia vị vì nấm sẽ bị át mùi.
Thời ông nội của Enrico Crippa, nước Ý thu hoạch mỗi năm hơn 1.000 tấn nấm. Từ năm này qua năm khác, nấm truffe Alba ngày càng khan hiếm, nay khối lượng chỉ còn có một nửa. So với hai năm trước, giá của một kí lô đã tăng gấp đôi, từ 1.200 euro lên đến 2.500 euro một kí lô. Giá trung bình của nấm truffe dao động trên thị trường tùy theo chất lượng cũng như số lượng thu hoạch từng năm. So với nấm trắng vùng Alba (Tuber Magnatum), thì lọai nấm truffe đen của vùng Périgord (Tuber Mélanosporum) rẻ hơn một chút, nhưng hiện giờ lên đến 800 hay 900 euro một kí. Doanh thu của ngành này hiện xấp xỉ 400 triệu euro mỗi năm.
Trước sự khan hiếm của nấm truffe, giới sản xuất bắt đầu nhắc đến một cuộc khủng hoảng chuyên ngành. Cung thì ít mà cầu thì nhiều, nên giá cả tăng vọt và nhất là dễ dẫn đến hiện tượng khai thác quá
trớn và giả mạo nấm truffe, chẳng hạn như là bán nấm của Trung Quốc mà lại gắn nhãn mác của Pháp. Theo lời giải thích của ông René Tardieu, một nhà sản xuất ở vùng Périgord, thì năm nay công việc thu hoạch không được mùa cho lắm. Ông René Tardieu sinh trưởng trong một gia đình trufficulteur từ nhiều đời qua, gọi là trufficulteur nhưng thật ra ông không trồng nấm mà lại là trồng cây để sinh ra nấm.
Ông René Tardieu giải thích là gia đình chuyên trồng hai lọai cây sồi trắng và xanh. Cây sồi trắng thường rụng lá vào mùa đông, còn sồi xanh thì có lá màu lục thẩm quanh năm suốt tháng. Gia đình có một mãnh vườn khá rộng có thể trồng đến một ngàn gốc cây như vậy. Gốc cây nào sinh nhiều nấm thì giữ hạt để làm giống, cây nào không sinh nấm sau nhiều năm thì bứng đi trồng cây khác.
Một khi trồng cây sồi thì phải đợi đến 10 năm thì mới hy vọng tìm được nấm truffe, nhưng sản lượng thì chỉ khoảng từ 5 đến 10%, tức là trên một ngàn gốc cây sồi chỉ có khoảng từ 50 đến 100 cây mới sinh ra nấm. Mùa thu họach nấm truffe ở vùng Périgord kéo dài trong ba tháng, từ giữa tháng 11 trở đi. Theo kinh nghiệm gia truyền của ông René Tardieu, thì nấm truffe dễ phát triển khi mùa hè khô ráo, có nhiều nắng, nhưng phải có vài ngày mưa giông vào hạ tuần tháng 8, thì đát cát mới có đủ độ ẩm để cho nấm mọc. Năm nay, thời tiết quá đỗi thất thường nên không được mùa, củ nấm cũng không to bằng những năm trước.
Tại Pháp, không phải chỉ có vùng Périgord, mà nhiều vùng khác cũng sản xuất nấm truffe. Hai miền Provence hay Bourgogne đều có mùa thu họach các loại nấm truffe nhưng sớm hơn từ tháng 5 đến tháng 8 cho lọai Tuber Aestivum, từ tháng 9 đến tháng 12 cho lọai Tuber Uncinatum. Nấm truffe của mỗi vùng miền do khác biệt thổ nhưỡng nên có mùi hương không giống nhau, có lúc nồng như hạt tiêu, hạt cải cay hay tỏi non, khi thì thoảng thỏang mùi hạt dẻ pha mật ong.
Các nhà đầu bếp Pháp dùng nấm truffe như một hương liệu, một gia vị. Họ thiên về nấm đen của vùng Périgord do nó dễ nấu nướng, dễ kết hợp hơn trong các món ăn. Đặc điểm của nấm truffe là mùi hương của nó dễ thấm vào các thức ăn khác cho nên trước khi nấu, các nhà đầu bếp thường ủ nấm với các thành phần khác. Nếu nấu món risotto thì nấm được ủ với gạo, nếu làm các món bánh mặn, thì nên ủ nấm với bơ và trứng, nấm cũng có thể ngâm vào sửa tươi có một chút bột, hay trộn với crème fleurette (ít béo hơn là crème fraiche) để làm các loại nước sốt, nấm truffe cũng được bào mỏng, trộn với nhân cho món thịt bê nhồi. Do mùi hương nấm truffe rất thanh, nên ít khi được nấu với cá hay hải sản, ngoại trừ món sò điệp áp chảo.
Khác với người Việt, người Pháp khi dùng các món hải sản ít ăn gạch cua hay đầu tôm. Sò điệp cũng vậy, họ chủ yếu ăn phần trắng, dùng phần màu cam nấu chín xây nhuyễn để làm nước sốt san hô (sauce corail). Sò điệp một khi mua về đem rửa sạch với nước pha với một chút rượu nho trắng để giữ nguyên độ tươi. Nếu con sò quá lớn thì nên cắt ra thành những khoanh vừa cỡ, để dễ áp chảo. Khi đưa vào chảo thật nóng thì mỗi mặt chỉ nướng độ một phút, một phút rưỡi. Nướng quá lâu, sò điệp sẽ bị dai.
Nếu áp chảo với bơ thì bơ nên cắt thành từng miếng nhỏ, khi nướng thì từ từ thảy từng khoanh vào, bơ sẽ sủi bọt lên và bằng cách này bơ giữ được cùng một nhiệt độ, cho nên không bị khét mùi. Sò điệp thương được ăn kèm với poireaux (tỏi tây), nhưng khi kết hợp với nấm truffe dù là nấm tươi hay nấm ngâm trong lọ chai, thì poireaux lại hơi nặng mùi, cho nên thay thế bằng măng tây (asperge) hoặc là rau spinach.
Để trình bày đẹp mắt, thì bạn nên luộc trước măng tây cho vừa chín, rồi dùng hành lá cột lại thành từng bó trông như bó củi. Đặt bên cạnh sò điệp, măng tây màu xanh non hoà quyện với nước sốt san hô, màu nâu đen của nấm truffe làm nổi bật sắc ngà của sò điệp. Nếu bạn nấu được món này thì bạn có thể khoe với gia đình đây là món ăn gợi hứng theo phong cách Terre et Mer. Nấm truffe là mỹ vị của Đất, sò điệp là cao lương của Biển.
Mùa Noel đã gần kề và năm nay nấm truffe cũng như nhiều món ngon khác, sẽ xuất hiện trên bàn tiệc. Theo cô Aurélie Garreau, chuyên phụ trách trang ẩm thực trên tạp chí thời trang Elle, người ta giờ đây có thể đặt mua qua mạng internet các giỏ đặc sản của vùng Périgord, từ các món khai vị như papitou, một loại paté làm với gan vịt ướp nấm truffe hay nấm cèpe trộn với hạt dẻ hay hạt phỉ, cho tới các món thịt bò pha nước xốt Périgeux, tức là nước xốt nấu với chút hành hương, nấm truffe và rượu trắng.
Một số nhà đầu bếp dùng rượu madère (madeira trong tiếng Bồ Đào Nha), nhưng loại rượu này hơi ngọt. Nếu trong bữa ăn có dùng rượu Monbazillac cũng là một đặc sản của vùng Périgord, gần phía nam vùng Bergerac, tả ngạn vùng Dordogne, thì lại càng nên tránh nấu với rượu madère, vì vị ngọt của rượu sẽ át mùi nấm truffe. Vào thời của học giả La Mã Pline L’Ancien, nấm truffe đã quý như bạc vàng.
Thời nay, nấm truffe được các nhà xem như là bảo vật khan hiếm, loại Alba của Ý được gọi là kim cương trắng, còn lọai Périgord của Pháp được mệnh danh là kim cương đen. Khi thời tiết bên Pháp bắt đầu trở lạnh, mùa săn lùng đá quý chuẩn bị mở màn. Các nhà đầu bếp trứ danh háo hức chờ đón, vắt óc
sáng tạo để đưa món nấm truffe thật tươi vào trong thực đơn của họ. Nhưng suy tính là một chuyện, có thành hay không là một chuyện khác.
Thị trường kinh doanh bị ngự trị bởi đồng tiền, nhưng nấm truffe chỉ tuân theo quy luật của thiên nhiên. Giai thoại kể rằng nấm truffe xuất hiện lần đầu tiên trên bàn tiệc của nhà vua François Đệ Nhất, có một lần tình nhân của nhà vua là Diane de Poitiers đòi ăn nấm truffe dù chưa đến mùa. Nhà vua nói với người yêu rằng : cho dù ta có đánh đổi cả ngai vàng thì cũng không thể tìm đâu ra để mua được cho nàng. Điều đó có nghĩa là một nhà vua có đầy uy quyền nhưng không phải lúc nào có tiền thì mua tiên cũng được.
http://www.rfi.fr/vi/v%C4%83n-h%C3%B3a/20200629-n%E1%BA%A5m-truffe-h%C6%B0%C6%A1ng-li%E1%BB%87u-%C4%91%E1%BA%AFt-ti%E1%BB%81n-hi%E1%BA%BFm-nh%C6%B0-%C4%91%C3%A1-qu%C3%BD

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện