Tin khắp nơi – 26/06/2020

Tin khắp nơi – 26/06/2020

Hoa Kỳ sử dụng hỏa tiễn lưỡi kiếm để tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda ở Syria

Tin từ Wahington, DC – Tháng 6 này, các lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ đã sử dụng một hỏa tiễn bí mật được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt một thủ lĩnh Al-Qaeda ở Syria. Việc kết hợp vũ khí có sự tàn bạo thời trung cổ cùng công nghệ tiên tiến này đã giáng một đòn nặng nề vào nhóm khủng bố.
Hôm thứ tư (24/6), các viên chức Hoa Kỳ và al-Qaeda cho biết, Khaled al-Aruri, thủ lĩnh một nhánh của Al-Qaeda đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái hôm 14/6. Loại vũ khí đã được sử dụng là hỏa tiễn Hellfire mang theo đầu đạn trơ. Thay vì phát nổ, nó đã phóng ra khoảng 45kg kim loại qua đầu xe của al-Aruri. Nếu lực của tốc độ hỏa tiễn không tiêu diệt được tên thủ lĩnh, thì sáu lưỡi kiếm dài được nhét bên trong được phóng ra trước khi va chạm sẽ làm điều đó.
Các viên chức Hoa Kỳ cho biết, loại hỏa tiễn trên đã được sử dụng gấp rưỡi trong những năm gần đây, điển hình là trong các trường hợp một thủ lĩnh khủng bố cao cấp đã được xác định. Trong khi đó các loại vũ khí khác sẽ thể khiến các thường dân gần khu vực đó bị thiệt mạng lây.
Những bức ảnh về chiếc xe của al-Masri cho thấy chiếc xe không chịu thiệt hại lớn do bị nổ, nhưng một quả đạn rõ ràng đã đâm thẳng vào nóc xe. Điều này cho thấy quân đội đã cố tình sử dụng đầu đạn trơ, bung ra 6 lưỡi kiếm để tiêu diệt mục tiêu bằng cách chém ở tốc độ cao.
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-su-dung-hoa-tien-luoi-kiem-de-tieu-diet-thu-linh-al-qaeda-o-syria/

Mỹ điều một phần lực lượng từ châu Âu qua châu Á

để “ngăn chặn” Trung Quốc

Trọng Thành
Đối phó với quân đội Trung Quốc là lý do khiến Washington phải rút bớt một phần lớn lực lượng quân đội Mỹ tại Đức. Ấn Độ và Biển Đông là hai địa bàn chủ yếu mà Washington sẽ tập trung quân đội, để sẵn sàng ngăn chặn các hoạt động gây hấn của Trung Quốc.
Theo báo chí Ấn Độ, hôm qua, 25/06/2020, phát biểu tại Diễn đàn Bruxelles 2020, một đối thoại quan trọng thường niên giữa Hoa Kỳ và Liên Âu, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định: mối đe dọa Trung Quốc đối với Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á là một trong các lý do chính đã khiến Hoa Kỳ quyết định giảm bớt sự hiện diện quân sự tại châu Âu.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh các hành động của chính quyền đảng Cộng Sản Trung Quốc hiện nay đang đe dọa “Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines”, Trung Quốc là một thách thức đối với sự ổn định của khu vực Biển Đông. Ông Pompeo nói rõ: “Chúng tôi phải bảo đảm là quân đội Mỹ có mặt ở đúng vị trí, để có thể hóa giải các thách thức”.
Phát biểu của lãnh đạo ngoại giao Mỹ được đưa ra đúng vào lúc ASEAN chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 33 của khối. Trước thềm thượng đỉnh, ngày thứ Tư 24/06, ASEAN tổ chức hội nghị Cộng đồng Chính trị – An ninh của khối, với sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN, dưới sự chủ trì của ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, đại diện quốc gia chủ nhà. Căng thẳng gia tăng tại Biển Đông đã được nêu bật tại hội nghị. Đây là điều mà nhiều lãnh đạo ngoại giao ASEAN coi là thách thức an ninh hàng đầu của khối.
Philippines lên án ý đồ lập vùng ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông
Hôm qua, thứ Năm, 25/06, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines ra thông cáo lên án dự định lập vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc (ADIZ) tại Biển Đông là “bất hợp pháp”. Theo báo chí Philippinnes, bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana nhấn mạnh dự án lập vùng nhận dạng phòng không của Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của các quốc gia ven bờ, vi phạm chính Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc là một bên tham gia.
Nhật Bản không phải là thành viên ASEAN, nhưng tình hình căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, và một số khu vực khác tại châu Á, cũng khiến Tokyo rất quan ngại. Hôm qua, 25/06, trong một cuộc tiếp xúc với báo giới tại Câu lạc bộ các nhà báo nước ngoài ở Nhật Bản, ngoại trưởng Tara Kono khẳng định “Trung Quốc đang cố gắng đơn phương thay đổi nguyên trạng tại biển Hoa Đông, Biển Đông, cũng như tại vùng biên giới với Ấn Độ, và Hồng Kông”.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200626-m%E1%BB%B9-%C4%91i%E1%BB%81u-m%E1%BB%99t-ph%E1%BA%A7n-l%C6%B0%CC%A3c-l%C6%B0%C6%A1%CC%A3ng-t%E1%BB%AB-ch%C3%A2u-%C3%A2u-qua-ch%C3%A2u-%C3%A1-%C4%91%E1%BB%83-ng%C4%83n-ch%E1%BA%B7n-trung-qu%E1%BB%91c

NT Pompeo kêu gọi EU

hãy cùng Mỹ đương đầu với Trung Quốc

Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu cần có hiểu biết chung về Trung Quốc để chống lại nước này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết hôm 25/6. Ông mô tả Bắc Kinh là một mối đe dọa, và cáo buộc người Trung Quốc đánh cắp công nghệ và sự hiểu biết của châu Âu để phát triển kinh tế.
Ông Pompeo cho biết ông đã chấp nhận đề nghị của người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, để tạo ra một diễn đàn đối thoại chính thức giữa Hoa Kỳ và EU về Trung Quốc, và sẽ sớm sang châu Âu để chủ trì phiên họp đầu tiên.
Phát biểu qua liên kết video với một tổ chức tư vấn chính sách, Ngoại trưởng Pompeo nói:
“Giữa hai bên bờ Đại Tây Dương có một sự thức tỉnh chung về những gì đang xảy ra. Đây không phải là Hoa Kỳ đương đầu với Trung Quốc, mà là là thế giới đương đầu với Trung Quốc.”
Ông Borrell gợi ý về một cuộc đối thoại Mỹ-EU hồi đầu tháng này vào lúc kết thúc hội nghị qua liên kết video giữa ông Pompeo với các bộ trưởng ngoại giao EU.
Mặc dù chưa có nhiều chi tiết, ông Pompeo nói cuộc đối thoại sẽ do các quan chức cấp cao điều hành và sẽ linh động.
Hai nhà ngoại giao EU nói cuộc đối thoại có thể là một diễn đàn để giải quyết các vấn đề như làm thế nào để chống lại điều mà các nước phương Tây cho là chiến dịch tung thông tin sai của Trung Quốc, thay vì xây dựng một chính sách thương mại chung.
Trong khi EU chia sẻ nhiều lo ngại của Washington về các hoạt động thương mại của Trung Quốc nhắm mục đích thống trị các ngành công nghiệp chiến lược, thì Brussels muốn làm trung gian giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
EU, khối thương mại lớn nhất thế giới, đã mở hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc hôm thứ Hai và coi Bắc Kinh là một đối tác kinh tế.
Ông Pompeo nói EU cần hành động chống lại Trung Quốc, ông cáo buộc TQ là đánh cắp tài sản trí tuệ ở châu Âu và lạm dụng hệ thống thương mại dựa trên luật lệ của khối này. Ông nói EU cần hành động để bảo vệ các nền kinh tế EU, chứ không phải vì các lợi ích của Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/pompeo-keu-goi-eu-hay-cung-my-duong-dau-voi-tq/5478867.html

Mỹ cảnh báo Anh

về dự án làm chip 1 tỷ bảng của Huawei

Mỹ vừa đưa ra lời cảnh báo về những nguy cơ an ninh mà Huawei có thể gây, ra sau khi công ty này của Trung Quốc được Anh bật đèn xanh cho việc xây dựng một cơ sở nghiên cứu và sản xuất chip mới trị giá 1 tỷ bảng Anh.
Phía Mỹ nói quyết định của Anh làm lung lay niềm tin của Mỹ đối với Anh.
Các quan chức Hoa Kỳ đã trực tiếp vận động hành lang với các chính trị gia Anh để chống lại dự án nhà máy chip của Huawei. Nhưng một ủy ban gồm các ủy viên hội đồng cấp quận của South Cambridgeshire đã bỏ phiếu hôm thứ Năm 25/6 với tỷ lệ 9:1 ủng hộ dự án của Huawei.
Chưa đầy 24 giờ sau khi Anh bật đèn xanh, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc lại tuyên bố của họ rằng Huawei đặt ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Họ tuyên bố công ty này có liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là các đồng minh và đối tác như Vương quốc Anh, hãy đánh giá cẩn thận tác động lâu dài của việc cho phép các công ty không đáng tin cậy như Huawei được tiếp cận thông tin nhạy cảm”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói trong một tuyên bố.
Bộ này từng khẳng định rằng ĐCSTQ lấy được công nghệ và tài sản trí tuệ thông qua “các cách thức hợp pháp và bất hợp pháp, thông qua hợp tác và thông qua lừa gạt, và bằng cách đầu tư, nghiên cứu chung, cũng như bằng cách ngang nhiên trộm cắp”.
Với thực tế là Huawei phải nghe lời một chính phủ chuyên chế, điều đó có nghĩa là lòng tin “không thể tồn tại”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Huawei cho biết họ sẽ chi 1 tỷ bảng Anh trong 5 năm tới để thành lập cơ sở mới gần Cambridge, ở miền đông nước Anh.
Cơ sở mới ở Cambridgeshire sẽ được sử dụng để phát triển và sản xuất công nghệ bán dẫn nhằm tăng tốc độ truyền dữ liệu qua các mạng cáp quang băng thông rộng.
Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh, cho rằng Anh quốc rốt cuộc sẽ phải sát cánh cùng Hoa Kỳ trong vấn đề Huawei.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi cần ra quyết định và tôi nghĩ rằng cuối cùng thì quyết định đó phải ủng hộ cho Hoa Kỳ”, ông Blair nói khi được hỏi về Huawei trong một chương trình của Reuters Newsmaker.
“Khó có chuyện chúng tôi không sát cánh với Hoa Kỳ về bất cứ chuyện gì đụng chạm đến an ninh của Hoa Kỳ”, theo lời ông Blair.
(Financial Times, CNBC)
https://www.voatiengviet.com/a/my-canh-bao-anh-ve-du-an-lam-chip-1-ty-bang-cua-huawei/5478776.html

Ngoại trưởng Mỹ lên án

Trung Quốc ‘đe dọa Việt Nam’ và thế giới

Minh Hòa
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Năm (25/6) cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh, trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ đặt ra nguy hại đối với Hoa Kỳ, mà còn đối với cả Việt Nam và các quốc gia châu Á khác.
Trong một bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Brussels Forum 2020 được công bố trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 25/6, ông Pompeo cho biết ông có thể làm rõ một số hành động mà Hoa Kỳ sẵn sàng thực hiện nhằm chống lại “các thách thức từ ĐCSTQ”.
“Tôi cũng nghĩ Trung Quốc đã hiểu ra rằng không chỉ Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc, mà cả thế giới đang đối đầu với Trung Quốc”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
Ông Pompeo cho biết một số người có thể tưởng rằng Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc chỉ vì luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt cho đặc khu Hồng Kông. Ông nói: “Không phải thế. Mà còn có những thách thức ở Biển Đông – vấn đề này không phải chỉ liên quan đến Hoa Kỳ. Nó còn liên quan đến hơn chục quốc gia Đông Nam Á và các quốc gia châu Á mà am hiểu về mối đe dọa này”.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông đã lên tiếng nhiều về “các hành động quân sự khiêu khích” của quân đội Trung Quốc. “Chúng bao gồm sự bành trướng liên tục của họ ở Biển Đông, các cuộc đối đầu biên giới chết người ở Ấn Độ, chương trình hạt nhân mờ ám và các mối đe dọa chống lại các nước láng giềng ôn hòa của họ”.
Ông Pompeo phát biểu: “Tôi đã nói về việc ĐCSTQ đã phá vỡ nhiều cam kết quốc tế, bao gồm cả những cam kết với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên Hợp Quốc và
đối với người dân Hồng Kông. Tôi cũng đã nói về các hoạt động kinh tế săn mồi của ĐCSTQ, như cố gắng ép buộc các quốc gia phải làm ăn với Huawei, một cánh tay thuộc hệ thống giám sát của ĐCSTQ”.
Ngoại trưởng Pompeo cho rằng ĐCSTQ không chỉ đặt ra các mối đe dọa với Mỹ, mà hiện còn có “các mối đe dọa đối với Ấn Độ, các mối đe dọa đối với Việt Nam, các mối đe dọa đối với Malaysia, Indonesia, những thách thức ở Biển Đông, và với Philippines”.
Nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ cho rằng các nước châu Âu cũng đã nhận ra sự nguy hại mà ĐCSTQ đặt ra đối với các nền dân chủ phương Tây.
Ông Pompeo kêu gọi: “Một khi chúng ta tự tin rằng chúng ta có sự hiểu biết chung về mối đe dọa do ĐCSTQ đặt ra, thì chúng ta có thể bắt đầu hành động”.
Bài phát biểu hôm 25/6 của Ngoại trưởng Pompeo là một trong nhiều tuyên bố của chính quyền Trump nhằm phơi bày các vấn đề mà ĐCSTQ đặt ra đối với thế giới. Dự kiến sẽ có nhiều bài phát biểu tương tự nhắm vào Bắc Kinh trong những tuần tới, theo tiết lộ của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien.
https://www.dkn.tv/the-gioi/ngoai-truong-my-len-an-trung-quoc-de-doa-viet-nam-va-the-gioi.html

Thượng nghị sĩ Mỹ: Trung Quốc đã lợi dụng đại dịch

 để ‘tác quái trên nhiều mặt’

Quý Khải
Một thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ đã chỉ trích Bắc Kinh lợi dụng đại dịch COVID-19 để tác quái ở nhiều mặt, theo PTI News.
“Trung Quốc đặc biệt đã sử dụng đại dịch để tác quái ở nhiều mặt. Họ đã đối kháng và quấy rối các tàu cá Đài Loan, Malaysia, Việt Nam và Indonesia ở Biển Đông, và sử dụng mọi biện pháp trong khả năng để buộc Úc im lặng về [việc xử lý] dịch COVID -19 [yếu kém của họ]”, Thượng nghị sĩ Jim Inhofe, chủ tịch Ủy ban Vũ trang Thượng viện, phát biểu ủng hộ Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ năm 2021 tại Thượng viện hôm thứ Năm (25/6).
“Và bây giờ có 20 binh sĩ Ấn Độ đã hy sinh – một số tử vong sau khi bị tấn công bởi ‘gậy sắt hàn đinh’ của lính Trung Quốc – khi Bắc Kinh tiếp tục cuộc tấn công quân sự được lên kế hoạch dọc biên giới với Ấn Độ”, ông Inhofe nói.
Theo ông Inhofe, trái với một quốc gia dân chủ toàn vẹn như Mỹ, Trung Quốc và Nga là hai thể chế độc tài cực quyền, nơi dân chủ không thực sự tồn tại. Theo chiến lược an ninh quốc phòng, Trung Quốc và Nga là hai mối đe dọa lớn nhất của Mỹ. Ông Inhofe cho biết, hai nước này đang xây dựng quân đội và mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu.
Ông cho hay, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ năm 2021 là một thông điệp gửi tới Trung Quốc và Nga.
Thông điệp này là, “Không có cách nào để các vị có thể đánh bại chúng tôi đâu – do đó đừng có cố đạt được điều này”, ông Inhofe cho hay.
“Chúng ta biết rằng cách để chúng ta gìn giữ hòa bình là thông qua việc thể hiện sức mạnh của mình. Chúng ta có quân đội tốt nhất trên thế giới – và kẻ thù của chúng ta cần phải biết điều đó. Nhưng chúng ta không thể ngủ quên trên vòng nguyệt quế của mình. Chúng ta cần phải thực hiện Chiến lược Phòng thủ Quốc gia vì lợi thế quân sự tương quan của chúng ta đang đối diện với nguy cơ và thách thức ngay lúc này. Trung Quốc và Nga đang bắt kịp chúng ta – một cách rất nhanh chóng”, ông Inhofe nói.
Trung Quốc và Nga đã đầu tư rất mạnh tay vào quân đội của họ, ông nói thêm, và rằng cả hai đã cố tình lừa phỉnh trên nhiều phương diện – bao gồm cả quy mô thực tế của ngân sách quốc phòng của họ.
“Ngân sách quốc phòng của Nga lớn gần gấp ba lần so với hầu hết mọi người nghĩ. Nhờ những khoản đầu tư này, Trung Quốc và Nga đã phát triển không chỉ về quy mô quân sự mà còn cả thực lực của họ.
“Tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đã trình diễn một vũ khí siêu âm mới trong lễ duyệt binh. Đây là một công nghệ mà chúng ta chưa từng có”, ông nói thêm.
“Các khoản đầu tư của họ không bị giới hạn bởi yếu tố địa lý và biên giới. Tôi đã nhìn thấy sự tích lũy của họ trên toàn cầu. Một ví dụ điển hình: Trung Quốc vừa xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên – ở Djibouti (Châu Âu), ngay trên một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới”, vị thượng nghị sĩ phụ trách quốc phòng cho hay.
“Tôi đã tận mắt nhìn thấy: Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát hơn 40 cảng biển ở vùng châu Phi cận Sahara. Bây giờ, chúng ta đang thấy Trung Quốc và Nga ngày càng trở nên hung hăng và đối địch”, vị thượng nghị sĩ hàng đầu nước Mỹ nói.
“Nhằm vào Trung Quốc, dự luật quốc phòng có điều khoản thiết lập Sáng kiến ​​Răn đe Thái Bình Dương. Dự án này sẽ tập trung nguồn lực vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương – giải quyết các lỗ hổng năng lực quân sự quan trọng, trấn an các đồng minh và đối tác, và củng cố uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế”, ông Inhofe nói.
“Dự luật sẽ đảm bảo chúng ta sẽ ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Chúng ta sẽ đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc và Nga trong việc mở rộng sức ảnh hưởng của họ bằng cách xây dựng các liên minh và đối tác mới cùng lúc củng cố các mối quan hệ hiện có”, ông nói.
“Chúng ta cần bảo vệ chống lại sự xâm nhập từ Trung Quốc và Nga – trong không gian, không gian mạng và hơn thế nữa. Chúng ta cần bảo vệ các công nghệ độc quyền và sở hữu trí tuệ không bị xâm nhập bởi chính phủ Trung Quốc. Chúng ta cũng cần giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia hải ngoại như Trung Quốc như một nguồn cung các loại vật liệu và công nghệ của chúng ta, bao gồm nhưng không giới hạn ở vi điện tử và các khoáng chất đất hiếm – mà còn cả các thiết bị y tế và dược phẩm”, vị thượng nghị sĩ nói.
“Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta cần tăng tốc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ sẽ giúp chúng ta cạnh tranh với Trung Quốc và Nga [ở một số lĩnh vực như]: vũ khí siêu âm, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử. Chúng ta sẽ đảm bảo chúng ta có thể triển khai được những thiết bị và vũ khí mới nhất và tối tân nhất – máy bay thế hệ thứ năm và tàu chiến. Chúng ta cũng sẽ hiện đại hóa và duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình – vốn đóng vai trò răn đe mạnh mẽ đối với kẻ thù của chúng ta”, ông Inhofe nói.
https://www.dkn.tv/the-gioi/thuong-nghi-si-my-trung-quoc-da-loi-dung-dai-dich-de-tac-quai-tren-nhieu-mat.html

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt

cá nhân và doanh nghiệp TQ làm suy yếu Hong Kong

Thượng viện Mỹ vừa thông qua một cặp dự luật hôm 25/6 về việc trừng phạt cá cá nhân và công ty giúp chính phủ Trung Quốc hạn chế quyền tự trị của Hong Kong.
Theo Reuters, dự luật này cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt các ngân hàng làm ăn với bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào bị phát hiện đã ủng hộ chính phủ Trung Quốc đàn áp quyền tự trị của Hong Kong, có khả năng cắt đứt quan hệ của các ngân hàng này với ngân hàng Mỹ và hạn chế các giao dịch bằng đô la Mỹ.
Luật an ninh mới của Trung Quốc ‘có thể kết liễu Hong Kong’
Trịnh Tư Luật: ‘Trung Quốc không cải tổ, Hong Kong không hy vọng’
TQ thông qua luật an ninh, Mỹ nói ‘Hong Kong không còn quyền tự trị’
TQ đe dọa trả đũa nếu bị Mỹ trừng phạt vì luật an ninh Hong Kong
Dự luật có tên Đạo luật tự trị Hong Kong, được Thượng viện Mỹ thông qua với sự nhất trí tuyệt đối.
Dự luật này do thượng nghị sỹ Pat Toomey của Pennsylvania và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen của Maryland soạn thảo.
“Những gì chính phủ Trung Quốc đang làm ở Hong Kong là không thể chấp nhận được”, ông Van Hollen phát biểu. “Họ đang lấy đi quyền của người dân ở Hong Kong. Họ đang dập tắt các quyền tự do hiện tồn tại ở đó.”
Dự luật thứ hai do Thượng nghị sĩ Cộng hòa, bang Missouri, Josh Hawley đề xuất, là một nghị quyết lên án Trung Quốc vi phạm thỏa thuận năm 1984 nhằm đảm bảo quyền tự trị cho Hong Kong, theo CNN.
Ông Hawley nói rằng luật an ninh quốc gia mới được Trung Quốc thông qua sẽ “giáng một đòn chí tử vào các quyền tự do mà người Hong Kong đã được hưởng trong nhiều thập kỷ nay. Đó là một sự phá vỡ vĩnh viễn nguyên tắc một quốc gia, hai thể chế đã chi phối thành phố này kể từ năm 1997.”
Các dự luật, được kết hợp thành một dự luật trước khi thông qua, vẫn cần được Hạ viện thông qua trước khi đến bàn của Tổng thống Donald Trump.
Van Hollen cho biết ông hy vọng ông Trump sẽ ký dự luật, nhưng cũng gây lo ngại rằng Nhà Trắng có thể đã áp đặt các biện pháp trừng phạt theo luật hiện hành và rằng “mặc dù có một số tuyên bố từ ngoại trưởng, chính quyền này vẫn không có hành động nào” để phản đối Trung Quốc về vấn đề Hong Kong.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen nói rằng dự luật này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng họ sẽ lãnh hậu quả nếu phá hoại quyền tự trị của Hong Kong.
Dự luật này gần như đã được thông qua vào tuần trước, Van Hollen nói, nhưng đã bị Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin Cramer chặn lại theo yêu cầu của chính quyền Trump, với những yêu cầu muộn màng về sửa chữa kỹ thuật.
Sự chậm trễ này nhấn mạnh sự phức tạp của việc thông qua dự luật chống lại Trung Quốc, khi chính quyền Mỹ theo đuổi việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và hai cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng quốc tế, đồng thời xung đột trong vấn đề nhân quyền, theo Reuters.
Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc đã xấu đi kể từ khi đại dịch virus corana bùng phát, khởi phát ở Trung Quốc, sau đó lan sang Hoa Kỳ.
Luật an ninh của Trung Quốc đã khiến ông Trump bắt đầu một quá trình loại bỏ các ưu đãi kinh tế đặc biệt cho phép Hong Kong duy trì vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu.
Các chính trị gia diều hâu trong Quốc hội Mỹ đã thúc giục Hoa Kỳ phải có các hành động mạnh mẽ đối với bất kỳ cuộc đàn áp nào ở Hong Kong.
“Đây có thể là cơ hội cuối cùng của chúng ta để kiềm chế Bắc Kinh trước khi họ phá hủy những tự do còn lại trong thành phố,” Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Josh Hawley nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53188931

Sau nhiều tuần biểu tình bạo lực ở Mỹ,

một số người kêu gọi lật đổ tượng Chúa Jesus

Hương Thảo
Khi bức tượng các danh nhân lịch sử nước Mỹ, bao gồm cả các cựu tổng thống Mỹ, đang bị tấn công phá hoại trên toàn quốc, các nhà hoạt động của Người da đen đáng được sống (Black Lives Matter – BLM) hiện đang bắt đầu nhắm vào Kitô giáo. Các nhà thờ lịch sử đang bị hủy hoại khi một số kẻ kêu gọi phá hủy các bức tượng của Chúa Giê-su.
“Đúng, tôi nghĩ rằng những bức tượng của một người châu Âu da trắng mà họ tuyên bố là Chúa Giê-su cũng nên bị dỡ xuống. Chúng là một biểu tượng cho thứ quyền lực da trắng thượng đẳng”, Shaun King, một nhà hoạt động chính trị công khai ủng hộ phong trào Black Lives Matter, viết trên Twitter.
“Trong Kinh thánh, khi gia đình Giê-su chạy trốn, đoán xem họ đã đi đâu? Ai Cập! Chứ không phải Đan Mạch”, King tiếp tục nói trong một bài đăng trên Twitter ngày 22/6. “Kéo đổ chúng [những bức tượng] xuống”.
Thời Ai Cập cổ đại, tình trạng buôn bán nô lệ là rất phổ biến. Thành phần nô lệ chủ yếu là người da đen.
Tại Washington, những kẻ phá hoại đã phỉ báng Nhà thờ Tân giáo St. John lịch sử nằm không xa Nhà Trắng. Các chữ cái BHAZ (Black House Autonomous Zone – Khu tự trị Nhà Người da Đen) được viết nguệch ngoạc trên những cây cột trước nhà thờ (ảnh dưới). Khu vực này đã bị cảnh sát  giải tán.
Trong khi đó, một số người đã công khai ủng hộ những bình luận của King.
“Shaun King nói đúng về Chúa Giê-su da trắng và quyền lực thượng đẳng da trắng”, nhà hoạt động và nhà kinh tế học Boyce Watkins đã viết trên Twitter. “Nếu Chúa Jesus xuất hiện bằng thân xác chân thật nhất của ông, bọn họ sẽ treo cổ ông ta trên cây”.
Tory Russell, giám đốc sứ mệnh của Liên minh Tự do Người da Đen Quốc tế, đã viết trên Twitter rằng “Shaun King đã cố gắng phi thực dân hóa nước Mỹ ở mức độ lớn hơn so với những người ủng hộ phong trào [Black Lives Mattter] này”.
Trong một bài đăng nối tiếp trên Twitter, King kêu gọi tất cả các công trình mô tả về một Chúa Giê-su da trắng phải bị phá bỏ, dán nhãn chúng là “các tuyên truyền phân biệt chủng tộc”.
“Tất cả các bức tranh treo tường và kính cửa sổ khắc họa hình tượng Chúa Giê-su da trắng, và người mẹ châu Âu của ông ta, và những bạn bè da trắng của ông ta cũng phải bị dỡ xuống”, King nói. “Nó là một dạng thức rõ ràng của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Được tạo ra như một thứ công cụ áp bức, nhằm tuyên truyền hình thái ý thức phân biệt chủng tộc. Tất cả chúng phải bị dỡ xuống”.
Các sự việc nối tiếp nhau, từ vụ biểu tình trên quy mô toàn nước Mỹ sau cái chết của người đàn da màu George Floyd bị ngộ sát khi bị một cảnh sát da trắng bắt giữ, cho đến việc tấn công các bức tượng của các tướng lĩnh chính phủ Liên minh Miền Nam thời Nội chiến Mỹ – vốn ủng hộ việc duy trì thể chế nô lệ tại Mỹ thời kỳ đầu, rồi đến nạn nhân tiếp theo là các bức tượng cựu tổng thống Mỹ cho đến mục tiêu liên luỵ mới nhất là các bức tượng Chúa Giê-su.
Tổng chưởng lý William Barr gần đây nói rằng Bộ Tư pháp có bằng chứng cho thấy Antifa – nhóm hoạt động theo chủ nghĩa cộng sản-vô chính phủ – và các nhóm tương tự khác đã “thao túng” các cuộc biểu tình ôn hòa ban đầu, leo thang bạo lực dẫn đến tình trạng bất ổn như hiện nay. Cuối tháng 5 tổng thống Trump đã quyết định dán nhãn Antifa là một “tổ chức khủng bố”.
Chính quyền tổng thống Trump đang gia tăng các nỗ lực trấn áp những kẻ phá hoại. Ngày 23/6, ông Trump tuyên bố cấp quyền cho chính phủ liên bang bắt giữ bất cứ ai bôi bẩn hoặc hủy hoại bất kỳ công trình tưởng niệm nào, lệnh hành pháp “có hiệu lực ngay lập tức”.
“Tôi đã ủy quyền cho Chính phủ Liên bang bắt giữ bất cứ kẻ nào hủy hoại bất kỳ công trình tượng niệm, tượng đài hoặc tài sản Liên bang nào khác ở Hoa Kỳ với mức án tối đa 10 năm tù, theo Đạo luật Bảo tồn Tưởng niệm Cựu binh”, ông nói trên Twitter.
“Chỉ thị này có hiệu lực ngay lập tức, nhưng cũng có thể được sử dụng để hồi tố việc phá hoại và hủy hoại đã gây ra trước đó”, Tổng thống Trump nói tiếp. “Sẽ không có trường hợp ngoại lệ!”
Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell đã ví làn sóng lật đổ tượng với cuộc “Cách mạng Văn hóa” ở Trung Quốc.
“Cơn giận dữ từ phía cánh tả này lại đang phớt lờ một số anh hùng của riêng họ”, ông nói vào ngày 23/6. “Tôi biết rằng ở Seattle, một bức tượng lớn của Vladimir Lenin không hề bị đụng đến”.
Lật đổ tượng đài những nhân vật lịch sử
Người biểu tình ở California đã lật đổ bức tượng của Junipero Serra, một linh mục Công giáo La Mã người Tây Ban Nha, người sáng lập các Sứ vụ tôn giáo bang California. Trước tình hình này, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Washington đã đăng một loạt bài trên Twitter nói rằng họ “cảm thấy rất đáng tiếc về việc bức tượng bị phá hủy… và muốn đưa ra lời nhắc nhở về những nỗ lực tuyệt vời của linh mục Serra trong việc hỗ trợ các cộng đồng người bản địa Mỹ”.
Tượng các nhân vật lịch sử khác nhau đã bị phá hủy tại nhiều bang. Trong một sự vụ ở California, một nhóm những kẻ phá hoại mặc đồ đen đã rất phấn khích khi họ dùng dây để kéo đổ bức tượng của Francis Scott Key, người viết quốc ca Mỹ (video dưới).
Trong tình trạng bất ổn, các bức tượng của những người sáng lập nước Mỹ cũng đã trở thành mục tiêu phá hoại; lấy ví dụ, các tượng đài của George Washington và Thomas Jefferson bị phá hủy. Một trong những mục tiêu mới nhất là bức tượng của tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ, Theodore Roosevelt, nằm ở lối vào Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ tại Thành phố New York.
Bức tượng Theodore Roosevelt nằm phía trước Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ tại thành phố New York ngày 23/6/2020 (ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times).
Bức tượng Theodore Roosevelt, chụp ngày 23/6/2020 (ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times).
Trong khi bức tượng Tổng thống Roosevelt vẫn chưa bị lật đổ bởi những kẻ phá hoại, Ellen Futter, chủ tịch bảo tàng, đã yêu cầu Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio di dời bức tượng, và nhận được sự chấp thuận.
Ông Futter nói trong một bức thư rằng bức tượng này có thể gây tranh cãi do “cấu trúc thứ bậc khi đặt một nhân vật ngồi trên lưng ngựa (một người da trắng) trong khi những người khác đi cạnh bên (người da màu và bản địa), và nhiều người trong chúng ta có thể cảm thấy vị trí của hai nhân vật người Mỹ bản địa và người da màu gốc Phi mang tính phân biệt chủng tộc”.
Chuyên gia và tác giả về chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt trên phương diện ý thức hệ cộng sản thâm nhập xã hội tự do phương Tây, ông Trevor Loudon đã gọi tình trạng phá hoại các bức tượng xảy ra trên toàn quốc là một “chiến thuật mang phong cách chủ nghĩa Mao nhằm xóa bỏ một dạng thức văn hóa dân tộc”.
“Chủ nghĩa Mao đề cập đến việc xây dựng một con người mới, một xã hội mới”,  ông Loudon nói với The Epoch Times. “Chủ nghĩa này tuyên bố rằng cần phải tiêu diệt tất cả tàn dư của xã hội cũ. Họ muốn phá hủy các tượng đài và nền văn hóa cũ để có thể xây dựng một xã hội mới”.
Theo ông Loudon, các tổ chức Mác-xít ở Mỹ như Đường Giải phóng (Liberation Road) và Đảng Công nhân Thế giới (Workers World Party) đều có dính líu đến các cuộc leo thang bạo lực gần đây.
“Họ đang đi theo con đường của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc”, ông nói. “Cách mạng Văn hóa đã xóa sạch tinh hoa văn hóa truyền thống của Trung Quốc; họ lật đổ những bức tượng và phá hủy các công trình tưởng niệm”.
Một người đồng sáng lập phong trào “Black Lives Matter” cũng từng nói rằng những sáng lập viên của nó đều là “những người theo chủ nghĩa Mác”. Họ được đào tạo và “khá thành thạo về các lý thuyết xoay quanh ý thức hệ”.
Yang Jianli, một nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc và là con trai của một cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản nước này, người hiện đang đứng đầu tổ chức Sáng kiến Trao trả ​​Quyền lực Công dân cho Trung Quốc, một tổ chức phi chính phủ ủng hộ dân chủ ở Hoa Kỳ, cũng cho rằng việc lật đổ các bức tượng gợi tưởng đến cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc trong thập niên 60-70.
“Hành vi của những người biểu tình khiến tôi hồi tưởng lại rất nhiều về cuộc cách mạng văn hóa khi đó”, ông Yang nói với The Epoch Times.
“Nó giống nhau về tính bạo lực, phản luật pháp và cổ xúy tính chính trị”, ông nói. “Black Live Matters đã vượt quá ranh giới khi phá hủy hoặc lật đổ các bức tượng của những người cha sáng lập nước Mỹ như Washington và Jefferson”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/sau-nhieu-tuan-bieu-tinh-bao-luc-o-my-mot-so-nguoi-keu-goi-lat-do-tuong-chua-jesus.html

Covid-19: Hoa Kỳ có số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục

Hoa Kỳ ghi nhận số ca nhiễm virus corona cao mức kỷ lục hôm thứ Năm, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (JHU).
Số ca nhiễm và ca nhập viện tăng vọt khiến một số tiểu bang và thành phố tạm ngưng kế hoạch mở cửa trở lại.
Trước đó, số ca kỷ lục mà JHU ghi nhận là 36,400 vào ngày 24 tháng Tư, khi có ít xét nghiệm hơn được thực hiện
Hoa Kỳ hiện có 2,4 triệu ca nhiễm được xác nhận và 122.370 ca tử vong – cao nhất thế giới.
Mặc dù số ca hàng ngày tăng một phần là do xét nghiệm nhiều hơn, tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở một số vùng cũng đang tăng lên.
Các quan chức y tế Mỹ ước tính số ca thực tế nhiều khả năng cao gấp 10 lần so với con số ghi nhận.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) cho biết có tới 20 triệu người Mỹ có thể đã nhiễm virus corona. Con số ước tính này dựa trên các mẫu máu được lấy trên toàn quốc để xét nghiệm về kháng thể với virus này.
Số ca tăng mạnh chủ yếu là vì có nhiều người trẻ xét nghiệm dương tính, đặc biệt là ở vùng Nam và Tây nước Mỹ, theo TS Robert Redfield, người đứng đầu CDC.
Chuyện gì đang xảy ra ở Texas?
Tiểu bang Texas, nơi có nhiều động thái để chấm dứt các biện pháp phong tỏa, đã có thêm hàng ngàn ca mới, khiến ông Greg Abbott, Thống đốc theo Đảng Cộng hòa phải kêu gọi tạm ngưng tái mở cửa.
“Việc tạm ngưng này sẽ giúp tiểu bang của chúng ta ngăn chặn sự lây lan cho đến khi chúng ta có thể bước sang giai đoạn tiếp theo là mở cửa hoạt động trở lại,” ông nói.
Texas ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục ở mức 5996 hôm thứ Năm
Có thêm 47 ca tử vong trong ngày, con số cao nhất trong tháng qua
Tiểu bang này cũng có số người cần nhập viện cao nhất trong 13 ngày liên tục
Các ca phẫu thuật bị hoãn ở khu vực Houston, Dallas, Austin và San Antonio để tăng công suất giường bệnh
Hơn 10% số ca xét nghiệm trong tuần qua có kết quả dương tính
Tất cả 254 hạt ở tiểu bang, trừ 12 hạt, xác nhận có ca nhiễm.
Các tiểu bang khác, gồm Alabama, Arizona, California, Florida, Idaho, Mississippi, Missouri, Nevada, Oklahoma, South Carolina và Wyoming, đều có số ca nhiễm trong ngày tăng ở mức kỷ lục trong tuần này,
Đại học Washington dự đoán Hoa Kỳ sẽ có 180,000 ca tử vong vào tháng Mười – hay 146,000 nếu 95% người dân Mỹ đeo khẩu trang.
Liên hiệp Châu Âu được cho là đang xem xét việc cấm công dân Mỹ vào khối này, trong bối cảnh EU đang tính chuyện mở cửa biên giới với các nước bên ngoài ra sao.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53191786

COVID tăng mạnh tại Mỹ,

Texas ngưng kế hoạch tái mở cửa

Thống đốc Texas, Greg Abbott, ngày 25/6 tuyên bố ngưng kế hoạch tái mở cửa tiểu bang để đáp ứng với số ca nhiễm và nhập viện vì COVID tăng mạnh, giữa lúc số ca nhiễm mới hàng ngày tại Mỹ lên đến mức gần kỷ lục.
Texas, ở tuyến đầu trong nỗ lực của các tiểu bang tái mở cửa sau khi phong toả để ngăn virus corona lây lan, có số ca nhiễm mới tăng vọt. Tiểu bang này báo cáo trên 6.000 ca mới chỉ trong ngày 22/6.
“Việc ngưng tạm thời này sẽ giúp tiểu bang chúng ta khoanh vùng sự lây lan cho tới khi chúng ta có thể an toàn bước vào giai đoạn kế tiếp mở cửa tiểu bang để làm ăn buôn bán,” ông Abbott nói trong một tuyên bố.
Texas cũng đã lập kỷ lục nhập viện trong 13 ngày liên tiếp. Trước đó, ông Abbott đình chỉ các ca giải phẫu không khẩn cấp tại Houston, Dallas, Austin và San Antonio để có đủ giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19.
Tình trạng ở Texas là một phần trong sự gia tăng trên toàn quốc tập trung vào các tiểu bang vốn không bị ảnh hưởng mạnh ban đầu hay các tiểu bang sớm dỡ bỏ các hạn chế nhằm ngăn chặn virus lây lan.
Ngày 24/6 hơn 36.000 ca nhiễm COVID được ghi nhận trên toàn quốc, gần bằng kỷ lục 36.426 ca của hôm 24/4.
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar nói các đợt tăng này mang tính ‘địa phương.’
“Chúng tôi đang tích cực làm việc với các lãnh đạo tiểu bang và địa phương trong tình hình này nhưng quan trọng là người Mỹ cần biết rằng đây là tình hình địa phương, các quận ở điểm nóng chỉ chiếm 3% tổng số các quận ở Mỹ,” ông Azar nói với Fox News.
Tâm dịch đã chuyển tới miền Tây và Nam nước Mỹ, bao gồm những vùng quê dân cư thưa thớt, từ điểm nóng trước đây là New York, nơi có hơn 31.000 người chết, tức trên một phần tư tổng số tử vong của toàn quốc.
Để đối phó, Oregon và Utah cũng ngưng hay làm chậm lại việc dỡ bỏ những hạn chế làm thiệt hại nền kinh tế địa phương. Thống đốc California Gavin Newsom ngày 26/6 tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngân sách vì dịch bệnh.
Ngày 24/6 New York, New Jersey và Connecticut ra lệnh cho cư dân từ 8 tiểu bang khác cũng như cư dân của chính 3 tiểu bang này từ bên ngoài trở về phải tự cách ly 2 tuần.
Ngày 25/6, Thống đốc Andrew Cuoma nói rằng New York, áp dụng một số những biện pháp đóng cửa khắt khe nhất, đạt một cột mốc mới vào lúc con số những người nhập viện vì COVID giảm còn 996, lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm nay số này dưới mức 1.000.
“Cùng nhau chúng ta bẻ thẳng đường cong,” ông nói trên Twitter.
Texas nằm trong số 12 tiểu bang báo cáo số ca nhiễm tăng kỷ lục trong tuần này, bao gồm cả Alabama, Arizona, California, Florida, Idaho, Mississippi, Missouri, Nevada, Oklahoma, South Carolina và Wyoming.
Dù số ca nhiễm ghi nhận tăng có thể do việc xét nghiệm nhiều hơn, nhưng con số phần trăm kết quả xét nghiệm dương tính cũng tăng.
Công ty Apple ngày 25/6 cho biết sẽ đóng cửa 14 tiệm tại Florida vì COVID, tiếp sau một vòng tái đóng cửa trước đó tại Texas, Florida, Arizona, North Carolina và South Carolina.
Cổ phần của công ty Walt Disney giảm 2% vào ngày 25/6 sau khi công ty hoãn tái mở cửa các khu giải trí và những khách sạn nghỉ mát tại California cho đến khi được các giới chức tiểu bang chấp thuận.
Công ty cũng chịu áp lực hoãn tái mở cửa Walt Disney World ở Florida vào ngày 11/7.
https://www.voatiengviet.com/a/covid-t%C4%83ng-m%E1%BA%A1nh-t%E1%BA%A1i-m%E1%BB%B9-texas-ng%C6%B0ng-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-t%C3%A1i-m%E1%BB%9F-c%E1%BB%ADa/5477858.html

Chính phủ Hoa Kỳ gởi $1.4 tỷ Mỹ kim chi phiếu

hỗ trợ kinh tế đến những người đã quá vãng

Theo bản tin của AP, cơ quan giám sát của chính phủ đưa tin hôm thứ Năm cho biết gần 1.1 triệu chi phiếu tiền hỗ trợ kinh tế với tổng số 1.4 tỷ Mỹ Kim đã đến tay người đã quá vãng. Hơn 130 triệu chi phiếu đã được gửi đến người thọ thuế như là một phần của gói cứu trợ coronavirus trị giá 2.4 nghìn tỷ Mỹ Kim được ban hành vào tháng 3.
Trong bán báo cáo về các chương trình của chính phủ, Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ, chi nhánh kiểm toán của Quốc hội đã trích dẫn dẫn số lượng thanh toán sai lầm cho người nộp thuế đã quá vãng. Mặc dù chính phủ đã yêu cầu thân nhân những người đã chết trả lại tiền, nhưng điều đó không rõ là họ có phải trả lại hay không.
Ngoài ra đây cũng là một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị, nếu Bộ Tài chính tìm cách lấy lại số tiền này, nhất là từ một số người nhận có thể đã chết trong những tháng đầu năm nay vì COVID-19. Lỗi lầm này xảy ra chủ yếu là do việc chậm trễ trong báo cáo dữ kiện về người đã qua đời. Đó là một sai sót mà các chuyên gia thuế nói là gần như không thể tránh khỏi.
Hồi đầu tháng 5, IRS đã yêu cầu thân nhân của người quá vãng trả lại tiền. Một số chuyên gia pháp lý đã nói rằng chính phủ có thể không có thẩm quyền pháp lý để yêu cầu thân nhân của họ trả lại, vì tiền của người chết có thể sẽ được ký vào các quỹ tài sản thừa kế của gia đình họ, và người chết đã có nộp bản thuế nên mới nhận được tiền. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/chinh-phu-hoa-ky-goi-1-4-ty-my-kim-chi-phieu-ho-tro-kinh-te-den-nhung-nguoi-da-qua-vang/

Tối Cao Pháp Viện tạo điều kiện dễ dàng hơn

 cho việc trục xuất người tầm trú

Tin Washington DC – Theo bản tin từ Wall Street Journal, Tối Cao Pháp Viện vào thứ Năm, 25 tháng 6, đã bác bỏ tuyên bố cho rằng việc trục xuất nhanh các di dân lậu bị bắt tại biên giới là vi phạm hiến pháp.
Theo luật pháp hiện hành, chính phủ có thể trục xuất nhanh các di dân lậu, nếu những người này bị bắt trong vòng 2 tuần sau khi vào Hoa Kỳ và được tìm thấy trong phạm vi dưới 100 dặm tính từ biên giới. Tuy nhiên, theo Hiệp ước chống tra tấn, Hoa Kỳ không thể trả các di dân về đất nước nơi họ có khả năng bị tra tấn. Những di dân lậu nào tuyên bố họ từng bị tra tấn có quyền được phỏng vấn với viên chức xét duyệt tị nạn, và nếu bị từ chối không cho tị nạn, hồ sơ của di dân này sẽ được xem xét lại bởi quan tòa di trú.
Vào năm ngoái, Tòa kháng án địa hạt 9 tại San Francisco phán quyết rằng, các di dân lậu bị trục xuất nhanh có thể xin tòa liên bang xem xét lại hồ sơ của họ, theo quyền hiến pháp chống việc giam giữ trái phép. Vụ kiện liên quan đến ông Vijayakumar Thuraissigiam, người Sri Lanka. Ông Thuraissigiam nói ông rời bỏ quốc gia vì từng bị bắt cóc và bị đánh đập.
Vào năm 2017, ông Thuraissigiam bị bắt gần San Ysidro, California, gần biên giới Mexico và Hoa Kỳ. Viên chức xét duyệt tị nạn cho rằng ông Thuraissigiam không có bằng chứng đáng tin cậy về nguy cơ bị đàn áp, và quan tòa di trú đồng ý với quyết định này.
Phán quyết hôm thứ Năm của Tối Cao Pháp Viện, với tỷ lệ bỏ phiếu 7-2, sẽ có nghĩa là chính phủ có quyền trục xuất một số người xin tị nạn mà không cần phải cho phép những người này đưa trường hợp của họ ra tòa liên bang. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/toi-cao-phap-vien-tao-dieu-kien-de-dang-hon-cho-viec-truc-xuat-nguoi-tam-tru/

Hoa Kỳ nỗ lực giải cứu tôm hùm Hoa Kỳ

trong đại dịch coronavirus,

đe dọa sẽ áp đặt rào cản thuế đối với Trung Cộng

Tin từ Washington, D.C. – Vào hôm thứ tư (ngày 24 tháng 6), một cố vấn Tòa Bạch ốc cho biết Tổng thống thống  Trump đã ký một bản ghi nhớ để bảo vệ ngư dân đánh bắt tôm hùm Hoa Kỳ vì thị trường xuất cảng của họ đang cạn dần.
Ông Peter Navarro, cố vấn Tòa Bạch Ốc được mệnh danh là “vua tôm hùm”, cho biết thêm rằng Trung Cộng có thể sẽ đối mặt với rào cản thuế quan mới. Theo ông Navarro, nếu cam kết mua hàng trị giá 150 triệu mỹ kim mà Hoa Kỳ đã ký kết với Bắc Kinh trong Thỏa Thuận Thương Mại Giại Đoạn 1 không được đáp ứng, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ sẽ áp đặt rào cản thuế quan trả đũa với ngành thủy sản của Trung Cộng.
Trong bản ghi nhớ, Tổng thống Trump cũng ra lệnh Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cung cấp cho ngư dân tôm hùm cùng loại hỗ trợ mà các ngành nghề khác trong ngành nông nghiệp đang nhận được để bảo hộ họ khỏi các tác động thương mại có hại.
Thượng nghị sĩ Angus King hoan nghênh quyết định này và nhận định nó sẽ giúp đỡ rất nhiều cho các ngư dân tôm hùm của Maine, những người đã phải chịu tác động từ rào cản thuế quan mà Trung Cộng áp đặt từ năm 2018 và việc các nhà hàng kinh doanh tôm hùng phải đóng cửa trong đại dịch.
Các nhà lập pháp Maine đã nhiều lần kêu gọi chính phủ viện trợ cho ngành tôm hùm của tiểu bang, vốn là sinh kế của 4,500 ngư dân tôm hùm được cấp phép cùng 10,000 người khác, đóng góp 1.5 tỷ mỹ kim cho nền kinh tế mỗi năm. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-no-luc-giai-cuu-tom-hum-hoa-ky-trong-dai-dich-coronavirus-de-doa-se-ap-dat-rao-can-thue-doi-voi-trung-cong/

Tổng thống Trump nói đảng Dân chủ ‘mất trí’

khó đối phó hơn Trung Quốc, Triều Tiên

Tâm Tuệ
Tổng thống Trump chỉ trích phe Dân chủ là đối thủ khó đối phó hơn cả Trung Quốc, Tiều Tiên, Nga… khi phát biểu trước các công nhân đóng tàu tại Wisconsin hôm 25/6 vừa qua.
Hãng tin The Sun đưa tin, Tổng thống Trump hôm thứ Năm (25/6) nói rằng đối thủ khó khăn nhất mà ông phải đối phó không phải là Nga, Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên, mà là “Đảng Dân chủ mất trí và vụng trộm vô lý”.
Phát biểu trước các công nhân đóng tàu Fincantieri Marinette Marine ở bang Wisconsin hôm 25/6, Tổng thống Trump nói: “Một người bạn rất thông minh, rất thành công từng hỏi tôi rằng quốc gia nào khó đối phó nhất. Đó có phải Trung Quốc, hay Nga? Hay có thể là Triều Tiên? Tôi nói rằng ‘không, quốc gia khó đối phó nhất là phe Dân chủ tại Mỹ”.
“Đó là sự thật. Phe Dân chủ khó đối phó hơn bất kỳ lãnh đạo quốc gia nào chúng ta từng gặp”, ông Trump khẳng định và nói thêm rằng “công việc của các bạn dễ chịu hơn tôi nhiều, các bạn không thể biết được tôi đã phải trải qua những gì với họ”.
Nhiều người vỗ tay thể hiện ủng hộ phát biểu của ông chủ Nhà Trắng. Một công nhân còn hét lên “4 năm nữa”, ám chỉ khả năng ông Trump sẽ tái cử.
Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng đảng Cộng hòa “bảo vệ đất nước của chúng ta như chưa ai đã từng… chúng tôi bảo vệ lá cờ của chúng ta”. Ông cũng khẳng định nền kinh tế đang quay trở lại ở mức độ mà không ai có thể tưởng tượng được, trong khi tại Lancaster, Pennsylvania, Joe Biden cảnh báo rằng “không có phép màu nào sẽ đến”.
Đây là chuyến đi đầu tiên của Tổng thống Mỹ từ sau cuộc vận động tranh cử ở thành phố Tulsa, bang Oklahoma, hồi tuần trước. Ông Trump đang tới thăm các bang chiến địa gồm Arizona, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin trước cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay.
Nhiều chuyên gia Mỹ nhận định rằng Tổng thống Trump sẽ khó bị đánh bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-noi-dang-dan-chu-mat-tri-kho-doi-pho-hon-trung-quoctrieu-tien.html

Bầu cử tổng thống Mỹ 2020:

Đại hội đảng Dân Chủ được tổ chức qua video

Thụy My
Đảng Dân Chủ Mỹ ngày 25/06/2020 đã quyết định là đại hội để chỉ định ông Joe Biden làm ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng sẽ diễn ra qua video, không có cuộc tập hợp quy mô nào, do tình hình đại dịch. Ngược lại, đảng Cộng Hòa đã thay đổi địa điểm tổ chức đại hội, để có thể tiếp đón tối đa số người ủng hộ.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường trình :
« Đó là hai quan điểm hoàn toàn trái ngược với nhau. Đảng Dân Chủ lo ngại sự lây lan của virus corona sẽ làm giảm hẳn số người tham dự, trong khi đảng Cộng Hòa muốn duy trì một cuộc tập họp quy mô.
Ông Joe Biden sẽ tham dự tại Milwaukee, nhưng từ chối tổ chức tại một sân vận động 17.000 chỗ theo dự kiến. Đại hội chủ yếu được tiến hành qua video và đảng Dân Chủ kêu gọi các đại biểu nên ngồi nhà. Tất cả những sự kiện bên lề đều bị hủy bỏ.
Ngược lại, đảng Cộng Hòa không muốn tổ chức đại hội cho ông Donald Trump ở Charlotte, để tránh né các quy định về dịch tễ do thống đốc North Carolina áp đặt. Đại hội sẽ diễn ra tại Jacksonville ở Florida, và tổng thống Mỹ luôn muốn có một cuộc tập họp thật đông đảo, thật tưng bừng.
Tuy nhiên, các trường hợp lây nhiễm đang tăng lên tại bang này có nguy cơ kìm hãm sự nhiệt thành của những người ủng hộ ông Donald Trump. Và để tránh hình ảnh tệ hại của cuộc mít-tinh ở Tulsa với sân vận động trống phân nửa, đảng Cộng Hòa có thể buộc lòng phải xem lại kế hoạch. Chẳng hạn như tổ chức đại hội ở ngoài trời nhằm hạn chế những rủi ro ».
Theo các cuộc thăm dò ở quy mô toàn quốc, hiện thời ông Joe Biden vượt ông Donald Trump 10 điểm, và cũng có tỉ lệ cao hơn tại sáu bang quan trọng. Tuy nhiên con đường hãy còn dài đối với cựu phó tổng thống Mỹ, vốn thường có những vấp váp.
Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật cải cách cảnh sát
Đúng một tháng sau cái chết của George Floyd đã gây ra phong trào chống phân biệt chủng tộc rộng lớn chưa từng thấy, Hạ Viện Hoa Kỳ do đảng Dân Chủ kiểm soát ngày 25/06 đã thông qua dự luật cải tổ ngành cảnh sát. Được đặt theo tên công dân da đen bị chết vì một cảnh sát da trắng tại Minneapolis hôm 25/05, dự luật này khó có thể qua được Thượng Viện, nơi Cộng Hòa chiếm đa số. Cho dù hai đảng đều tỏ ý muốn cải cách, nhưng chủ trương của đôi bên quá cách biệt, không thể đạt được đồng thuận trước khi Quốc Hội nghỉ hè ngày 03/07.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200626-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-2020-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BA%A3ng-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-qua-video

Cựu Phó Tổng Thống Joe Biden sẽ nhận đề cử

vào vị trí ứng cử viên Tổng Thống của đảng Dân Chủ

 tại một hội nghị ở Milwaukee

Vào hôm thứ tư (ngày 24 tháng 6), Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) tuyên bố Cựu phó tổng thống Joe Biden sẽ nhận đề cử vào vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ tại một hội nghị trực tuyến ở Milwaukee vào tháng 8 này. Mặc dù hội nghị vẫn cho phép các đại biểu đến xem trực tiếp, nhưng họ được yêu cầu hãy ở nhà do các lo ngại về coronavirus.
Thống đốc tiểu bang Wisconsin Tony Evers, đã dự đoán trước đó vào tháng 5 rằng đảng này có thể sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến do đại dịch coronavirus để “không gây căng thẳng cho hệ thống y tế công cộng, cũng như tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe của các đại biểu. Sự kiện này cũng trái ngược
hoàn toàn với hội nghị của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa cũng sẽ diễn ra vào tháng 8 tại Jacksonville, Florida.
Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ tiến hành đo thân nhiệt, thực hiện khoảng cách xã hội và thành lập các trạm vệ sinh cho người tham dự, đồng thời Tổng thốngTrump sẽ trực tiếp nhận đề cử của đảng này. DNC ban đầu dự định sẽ tổ chức hội nghị đề cử vào tháng 7 tại Milwaukee nhưng sau đó hoãn lại cho đến tháng 8 do COVID-19 để cho ban tổ chức có thêm thời gian để xác định cách tốt nhất để tổ chức sự kiện này.
Trong một tuyên bố, Ủy ban cho biết Milwaukee sẽ là nơi tổ chức bốn sự kiện khác trong tuần của hội nghị, dự kiến sẽ kéo dài từ ngày 17 đến 20 tháng 8. Wisconsin là một tiểu bang quan trọng trong cuộc bầu cử năm 2020. Tổng thống Trump đã giành chiến thắng khít khao tại đây vào năm 2016.
DNC cho biết đại hội đảng của ông Biden sẽ bị thu nhỏ đáng kể, chuyển địa điểm từ Fiserv Forum với 17,000 chỗ ngồi đến Wisconsin Center, nơi có một nhà hát 4,500 chỗ ngồi và một hội trường 12,000 chỗ ngồi. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cuu-pho-tong-thong-joe-biden-se-nhan-de-cu-vao-vi-tri-ung-cu-vien-tong-thong-cua-dang-dan-chu-tai-mot-hoi-nghi-o-milwaukee/

Vụ án Mạnh Vãn Châu sẽ kết án vào tháng 5/2021,

Thủ tướng Canada nói:

‘Sẽ không trao đổi tù nhân với Trung Quốc’

Bình luậnĐông Phương
Cuối tháng trước, Vụ án Mạnh Vãn Châu được Tòa án tối cao British Columbia xác định là phù hợp với tiêu chuẩn “phạm tội kép” và sẽ tiếp tục tiến hành thủ tục dẫn độ về Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vụ án lại có tiến triển mới nên ngày 17/8 tới sẽ mở phiên xét xử tiếp theo. Ngoài ra, một số phương tiện truyền thông nước ngoài cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể sẽ gây áp lực hơn nữa cho chính phủ Canada và yêu cầu phóng thích bà Mạnh Vãn Châu. Tuy vậy, Thủ tướng Canada Trudeau nói rằng ông sẽ không “trao đổi tù nhân” với ĐCSTQ.
Theo Tromatic News đưa tin ngày 23/6, Tòa án tối cao British Columbia ở Canada và công tố viên cùng luật sư biện hộ đã đạt được sự đồng thuận về thời điểm xét xử vụ án dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu. Hai bên đã đồng ý tiếp tục phiên xử dẫn độ vào ngày 17/8. Còn cuộc tranh luận về việc lạm dụng quy trình (abuse-of-process) sẽ bắt đầu vào ngày 16/2 năm sau.
Tuần trước, đội ngũ luật sư của bà Mạnh Vãn Châu đã đệ trình bản ghi nhớ lên Tòa án Tối cao British Columbia, để yêu cầu chấm dứt việc dẫn độ của Mạnh Vãn Châu, với lý do lạm dụng quy trình và không đủ bằng chứng…
Về vấn đề này, bà Heather Holmes, Chánh án của Tòa án tối cao British Columbia, nói rằng bà hy vọng sẽ thảo luận về việc lạm dụng quy trình trước khi thảo luận về chứng cứ; hoặc kết hợp thảo luận những chứng cứ hợp pháp với phần có liên quan đến việc lạm dụng quy trình.
Theo thời gian biểu do bà Holmes yêu cầu soạn ra, ước tính vụ án sẽ được hoàn thành vào tháng 5 năm 2021.
Ngay từ ngày 27/5, Tòa án tối cao British Columbia đã đưa ra phán quyết về vụ án dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu và xác định rằng vụ án này đáp ứng tiêu chuẩn “phạm tội kép”, vì vậy sẽ tiếp tục tiến hành thủ tục dẫn độ. Chánh án Heather Holmes đã đưa ra phán quyết dài 23 trang về vụ án này, nói rằng hành vi phạm tội của bà Mạnh Vãn Châu đã cấu thành tội lừa đảo.
Đối với sự tiến triển liên tục của vụ án, truyền thông nước ngoài cho rằng ĐCSTQ có thể sẽ trả đũa chính phủ Canada. Trước đó, nhà cựu ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor đã bị bắt tại Trung Quốc vào ngày 10/12/2018 và bị buộc tội gián điệp. Đến hôm 19/6 vừa rồi, Viện kiểm sát tối cao Trung Quốc mới tiến hành khởi tố hai công dân người Canada này.
Viện kiểm sát Bắc Kinh số 2 đã truy tố Michael Kovrig với tội danh “tội tình báo và gián điệp về bí mật nhà nước ở nước ngoài”; còn Viện kiểm sát thành phố Đan Đông tỉnh Liêu Ninh đã truy tố Michael Spavor tội “gián điệp, cung cấp trái phép bí mật nhà nước ở nước ngoài”. Hiện tại, thời gian cụ thể của phiên tòa xét xử hai người này vẫn chưa được công bố.
Do đó, có nhiều báo cáo cho rằng việc Trung Quốc mở phiên tòa xét xử hai công dân người Canada tại thời điểm này được nhận định là hành động “ngoại giao con tin”, mục đích là để gây áp lực buộc chính phủ Canada trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu.
Mặc dù Trung Quốc phủ nhận rằng việc bắt giữ hai người dân Canada có liên quan đến Mạnh Vạn Châu, Thủ tướng Canada Trudeau nói hôm 22/6 rằng chính Trung Quốc (ĐCSTQ) là bên đã liên kết hai vụ án này với nhau.
Ông Trudeau nói rằng ĐCSTQ đang chơi một trò chơi chính trị, nhưng chính phủ Canada sẽ không “trao đổi tù nhân” với chính quyền ĐCSTQ.
Đông Phương
Theo NTDTV
https://www.ntdvn.com/trung-quoc/vu-an-manh-van-chau-se-ket-an-vao-thang-5-nam-sau-thu-tuong-canada-noi-se-khong-trao-doi-tu-nhan-voi-trung-quoc-48371.html

Venezuela chỉ trích “hành động khiêu khích”

của Hoa Kỳ sau hoạt động của hải quân

Tin từ CARACAS, Venezuela – Vào hôm thứ Tư (24/6), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino gọi một sự việc trong tuần này, trong đó một tàu Hải quân Hoa Kỳ di chuyển gần bờ biển của quốc gia Nam Mỹ, là một “hành động khiêu khích”.
Vào hôm thứ ba (23/6), Bộ chỉ huy miền Nam của quân đội Hoa Kỳ cho biết tàu khu trục hỏa tiễn Nitze thực hiện một hoạt động “tự do hàng hải” ngoài khơi bờ biển Venezuela. Bộ Tư lệnh miền Nam cho biết chiếc tàu này di chuyển trong một khu vực bên ngoài lãnh hải của Venezuela – phạm vi 12 hải lý cách bờ biển nước này – nhưng trong một khu vực mà chính phủ Venezuela tuyên bố chủ quyền sai.
Ông Padrino tuyên bố rằng Venezuela “không cảm thấy bị xúc phạm” bởi hành động của kẻ thù lâu năm. Hoa Kỳ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của quốc gia OPEC như một phần trong nỗ lực lật đổ Tổng thống xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro, người chịu trách nhiệm cho một cuộc sụp đổ kinh tế và bị Washington buộc tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của Quân đội Hoa Kỳ kiêm Đại tá Bộ Tư lệnh miền Nam Amanda Azubuike cho biết các hoạt động tự do hàng hải của Hải quân là nhằm mục đích duy trì các quyền di chuyển và truy cập hàng hải trên toàn thế giới.
Chiến dịch trừng phạt và áp lực ngoại giao của Washington không thành công trong việc lật đổ ông Maduro. Dù tổng thống Trump tuyên bố rằng “tất cả các phương án đều khả thi” để loại bỏ ông Maduro, nhưng các viên chức Hoa Kỳ nêu rõ rằng họ không muốn sử dụng vũ lực quân sự. (BBT)
https://www.sbtn.tv/venezuela-chi-trich-hanh-dong-khieu-khich-cua-hoa-ky-sau-hoat-dong-cua-hai-quan/

Nguy cơ dịch virus corona tái phát tại Mỹ và châu Âu

Thụy My
Sau một thời gian tạm ổn định, dịch virus corona lại tăng cao tại Hoa Kỳ và châu Mỹ Latinh. Còn tại châu Âu, tình hình ít trầm trọng hơn, nhưng có những thành phố bị phong tỏa trở lại do xuất hiện các ổ dịch mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/06/2020 cảnh báo châu Âu về một đợt dịch thứ hai.
Tại bang Texas của Hoa Kỳ, một trong những bang dỡ bỏ phong tỏa sớm nhất kể từ ngày 01/05, thống đốc Greg Abbott ngày 25/06/2020 đã quyết định không chuyển sang giai đoạn hai, vì trong ngày đã có thêm gần 6.000 bệnh nhân nhập viện, một kỷ lục mới.
Ông khuyến cáo người dân tôn trọng giãn cách xã hội và mang khẩu trang, tuy việc này không bắt buộc, đồng thời hoãn lại các cuộc giải phẫu không khẩn cấp kể từ hôm nay, để dành chỗ cho bệnh nhân Covid-19.
Tại California, các ca nhiễm mới tăng lên 69% vào đầu tuần. Tình hình cũng rất đáng ngại tại Arizona và Florida. Tổng cộng tại Hoa Kỳ đã có thêm 38.000 người bị lây nhiễm chỉ trong vòng một ngày thứ Tư 24/06. Khoảng 5 đến 8% dân Mỹ bị nhiễm virus corona chủng mới, theo ước tính hôm qua của Trung tâm phòng chống dịch bệnh (CDC).
Còn tại châu Mỹ Latinh, đã có trên 25.000 người chết và 200.000 bị nhiễm virus corona ở Mêhicô, theo bộ Y Tế nước này.
Cũng hôm qua, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh báo đã bắt đầu xảy ra đợt dịch Covid-19 thứ hai ở châu Âu, virus corona đã tái phát tại 30 nước như Đức, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Trong số này, có 11 nước tốc độ lây nhiễm rất nhanh, nếu không hành động gì thì hệ thống y tế có thể sẽ lại bị quá tải như trong cao điểm dịch trước đây.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200626-nguy-c%C6%A1-d%E1%BB%8Bch-virus-corona-t%C3%A1i-ph%C3%A1t-t%E1%BA%A1i-m%E1%BB%B9-v%C3%A0-ch%C3%A2u-%C3%A2u

Covid-19: Trước khi trách người,

Tây phương hãy xét lỗi mình

Tú Anh
Trong một quyển sách xuất bản tại Anh Quốc, Richard Horton, tổng biên tập tạp chí y học “The Lancet”, đưa ra một bản luận tội tố cáo giới chính trị Tây phương bất tài, bất lực trước mối de dọa của đại dịch Covid-19, cho dù đã được báo trước cả tháng. Thiếu sót bổn phận nghiêm trọng nhất là biết mà không hành động, nhưng trách nhiêm sau cùng là lỗi chung của nhân loại: vì hám lợi mà quên hậu quả.
Đại dịch Covid-19 tiếp tục tăng tốc lây lan
Từ khi Trung Quốc nhìn nhận ca đầu tiên, siêu vi SARS-CoV-2 đã giết chết gần nửa triệu người trên thế giới. Theo báo động của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, từ nay đến cuối tháng, đại dịch Covid-19 sẽ lây nhiễm cho 10 triệu người. Trên khắp các châu lục, mỗi ngày đều có ổ dịch mới bùng phát.
Cụ thể tại Pháp, 272 ổ dịch được phát hiện trong ngày 24/06. Tại Đức, hai địa phương bị tái phong tỏa vì hàng ngàn công nhân trong hai lò thịt dương tính với siêu vi. WHO/OMS cũng lo ngại trước chiều hướng số ca lây nhiễm tăng trở lại tại Châu Âu. Ở Châu Mỹ Latinh, số nạn nhân vượt ngưỡng 100.000, theo tổng kết đầu tuần. Tại Hoa Kỳ, thống đốc bang Texas, Greg Abbott, lo ngại “tình hình vượt tầm kiểm soát” nếu trong hai tuần nữa không chận được siêu vi corona.
Thiệt hại kinh tế cũng khủng khiếp: 12.000 tỷ đô la, theo ước định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Suy thoái kinh tế toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ còn 1% trong năm 2020 trong khi Bắc Kinh cần tối thiểu 8% mới có thể duy trì ổn định xã hội, chưa kể đến làn sóng thất nghiệp….
Trách nhiệm về ai ?
Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nhất là tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus bị quy kết đầu tiên. Bắc Kinh bị tố cáo che giấu thông tin, trấn áp những bác sĩ, nhà báo, blogger lên tiếng báo động.
Nhưng qua quyển sách “The COVID-19 Catastrophe : What’s Gone Wrong and How to Stop It Happening Again” xuất bản tại Luân Đôn, (tạm dịch: Thảm họa Covid-19 /Đâu là những sai lầm và làm cách nào để chận tái phát), tác giả Richard Horton đưa một quan điểm bao quát hơn. Tổng biên tập tạp chí y học kinh điển thế giới The Lancet tố cáo sự bất tài của chính quyền nhiều nước, nhất là Tây Phương trước nguy cơ đã được báo trước.
Từ tháng 01/2020, The Lancet đã công bố 5 bài nghiên cứu, mà theo báo Pháp Le Monde, cho phép tiên đoán chuyện gì sắp xảy đến cho Trái đất nếu không nhanh chóng chận đà lây lan của siêu vi SARS-CoV-2, tên khoa học của siêu vi corona mới xuất phát từ Vũ Hán. Gần đây, The Lancet cũng công bố một bài “nghiên cứu khẳng định thuốc trị sốt rét và viêm Hydroxychloroquine không có hiệu nghiệm chống SARS-CoV-2 . Bài này bị rút xuống vì số liệu do một công ty phân tích thống kê y tế của Mỹ Surgisphere cung cấp thiếu nghiêm túc và The Lancet đã phải xin lỗi độc giả.
Trở lại nội dung chính của quyển sách, Le Monde trong số báo ngày 23/06/2020 đặt một số câu hỏi với tác giả. Bài phỏng vấn khá dài, xin tóm lược một số ý chính.
Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới có đáng bị trách trong vụ Covid 19 hay không ?
Richard Horton: Sáu tuần sau khi The Lancet phổ biến các bài báo động (về Vũ Hán), trong đó có lời cảnh báo của giáo sư Gabriel Luang của đại học Hồng Kông, cách lây nhiễm của virus cho thấy nguy cơ biến thành đại dịch lan khắp địa cầu có xác suất rất cao.
Tại sao các tổng thống Pháp, Mỹ, thủ tướng Anh, Ý không có hành động gì cả? Họ không biết chuyện gì xảy ra ở Trung Quốc, họ không tin vào chính quyền Trung Quốc? Thế thì tại sao không yêu cầu sứ quán ở Bắc Kinh điều tra? Chứng cớ siêu vi nguy hiểm như thế nào đã được biết rõ từ tháng 01/2020.
Không nên phê phán Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Giới chính trị Tây Phương phải xét trách nhiệm của mình trước đã. Trách nhiệm để siêu vi biến thành đại dịch là của chúng ta.
Chính phủ Pháp sai sót điểm nào?
Richard Horton: Tại Pháp cũng như tại Anh, hệ thống chính trị đối phó với thảm họa bị tê liệt. Khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới báo động tình trạng khẩn cấp toàn cầu (nấc cuối cùng trước khi công bố đại dịch), vào ngày 31/01/2020, bà Agnès Buzyn, bộ trưởng Y tế Pháp lúc đó, không phản ứng ngay. Lẽ ra bà phải khẩn cấp yêu cầu sứ quán Pháp tại Bắc Kinh giúp tìm hiểu chuyện gì xảy ra tại Vũ Hán? Siêu vi nguy hiểm ra sao? Đáng sợ ở mức độ nào? Có đúng như The Lancet báo động hay không?
Nếu sứ quán Pháp làm việc nghiêm túc thì chỉ trong vòng 48 giờ, với tài liệu của văn phòng Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Ủy Ban Y tế Trung Quốc, sẽ có báo cáo đầy đủ gửi về Paris, về Điện Elysée và bộ Y Tế. Như thế, ngay trong tuần đầu của tháng Hai, chính quyền Pháp có đủ thông tin để thấy rõ nguy cơ đại dịch.
Chính vì thiếu sót này của chính phủ Pháp cũng như của Anh mà gần 30.000 dân Pháp, 40.000 dân Anh tử vong. Lẽ ra họ còn sống nếu Paris và Luân Đôn không bất tài.
Có thể so sánh Covid-19 với Biến đổi khí hậu? Một thảm họa xuất hiện bất ngờ, một thảm họa đến chậm chúng ta biết nhưng đều không hành động?
Richard Horton: Đừng nói chúng ta thiếu chuẩn bị đối phó với SARS-CoV-2. Bởi vì vào năm 2002-2003, chúng ta đã đụng với SARS-CoV-1, siêu vi viêm phổi cấp tính, đó là siêu vi mẫu của SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 hiện nay.
Chúng ta cũng biết từ 20, 30 năm trở lại đây, nhịp độ bệnh truyền nhiễm từ thú vật sang người tăng rất nhiều. Nguyên nhân không có gì bí ẩn: tình trạng đô thị hóa ồ ạt, những khu nhà ổ chuột lan tràn, chợ bán thú sống nằm cạnh khu gia cư, vệ sinh công cộng xuống cấp. Không phải ngẫu nhiên mà siêu vi corona chủng mới xuất hiện tại Trung Quốc. Trung Quốc là nơi mà hiện tượng đô thị hóa và công nghệ hóa tăng nhanh nhất địa cầu. Chúng ta đang tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng ủ bệnh, nhưng không biết khi nào dịch truyền nhiễm bùng ra. Chính ở điểm này mà các chính phủ liên hệ có tội phản bội nhân dân, vì không chuẩn bị để sẵn sàng đối phó.
Anh và Pháp đều xem cúm mùa đông là mối nguy số một đe dọa quốc gia.
Tại Anh Quốc, năm 2016, có một cuộc diễn tập chống cúm mang tên Cygnus. Kết quả cho thấy là Anh Quốc chưa đủ chuẩn bị đối phó với đại dịch. Chúng ta biết có nhược điểm mà vẫn không khắc phục. Giờ đây, chúng ta gặp phải đại dịch và vẫn thiếu chuẩn bị. Đây cũng là một thiếu sót trách nhiệm của chính phủ.
Pháp cũng có kế hoạch chống đại dịch, nhưng dường như kẹt trong tủ. Anh và Pháp may mắn có một cộng đồng khoa học gia lỗi lạc nhất nhì thế giới. Viện Pasteur có cả một mạng lưới cơ sở khắp địa cầu. Thế mà từ tháng Hai đến nay, không thấy Viện Pasteur đưa ra kế hoạch cố vấn cho chính phủ Pháp.
Cộng đồng khoa học gia phải giải thích vì sao không có ý kiến chỉ đạo? Phải chăng do lòng tự kiêu mà những chuyên gia hàng đầu trong y học mải lo tranh cãi?
Trách nhiệm đâu phải chỉ có chính phủ. Hy vọng là qua khủng hoảng này, giới khoa học gia xét lại khế ước và trách nhiệm tinh thần đối với mong chờ của xã hội.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200626-covid-19-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-khi-tr%C3%A1ch-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-t%C3%A2y-ph%C6%B0%C6%A1ng-h%C3%A3y-x%C3%A9t-l%E1%BB%97i-m%C3%ACnh

EU gây sức ép

với Trung Quốc về thương mại và nhân quyền

Bình luậnDu Miên
Thứ hai (22/6), Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện lời hứa mở cửa nền kinh tế Trung Quốc, thúc ép Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và cảnh báo về “những hậu quả rất tiêu cực” nếu Bắc Kinh vẫn tiến hành áp đặt luật an ninh quốc gia mới tại Hong Kong. Động thái này của Bắc Kinh khiến nhiều người lo ngại sẽ làm suy yếu quyền tự trị của thành phố.
Vào ngày 22/6, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu là ông Charles Michel, và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu là bà Ursula von der Leyen, cùng với Đại diện cấp cao EU là ông Josep Borrell đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, sau đó là trao đổi với Tổng Bí thư và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là ông Tập Cận Bình.
EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, ông von der Leyen nói. Nhưng mặc dù cả hai có kim ngạch giao dịch thương mại khoảng một tỷ euro (1,13 tỷ đô-la Mỹ) mỗi ngày, mối quan hệ thương mại và đầu tư đã không cân bằng, Michel nói tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh.
“Để các mối quan hệ của chúng ta phát triển hơn nữa, họ phải ngày càng dựa trên nền tảng pháp luật và có đi có lại, để đạt được một sân chơi bình đẳng thực sự”, bà von der Leyen nói.
“Chúng tôi cần giải quyết các vấn đề cụ thể như tiếp cận thị trường, trợ cấp, các vấn đề pháp lý, mua sắm công, chuyển giao công nghệ bắt buộc, sân chơi bình đẳng và cải cách WTO [Tổ chức Thương mại Thế giới]”, ông Michel cho biết.
Ông cũng bổ sung thêm rằng: “Cam kết và hợp tác với Trung Quốc vừa là cơ hội vừa là cần thiết. Nhưng, chúng ta phải hiểu rằng [Trung Quốc và EU] không chia sẻ các giá trị chung, [như] hệ thống chính trị hoặc cách tiếp cận chủ nghĩa đa phương. Chúng ta sẽ tham gia một cách rõ ràng và tự tin, bảo vệ mạnh mẽ các lợi ích của EU và bảo vệ vững chắc các giá trị của chúng ta”.
Nhìn nhận Trung Quốc vừa là đối tác vừa là đối thủ, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu von der Leyen nói rằng Bắc Kinh đã không tuân theo thỏa thuận song phương 2019 với yêu cầu cho phép các công ty châu Âu tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc; Trung Quốc cũng không bỏ quy định yêu cầu các nhà đầu tư chia sẻ bí quyết của họ khi  tham gia liên doanh với Trung Quốc .
Liên minh EU rất hoan nghênh khi Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện các thỏa thuận trong Giai đoạn 1 của hiệp định thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, trong khi tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của WTO và không phân biệt đối xử với các nhà xuất khẩu châu Âu.
Một hội nghị thượng đỉnh Trung – Mỹ trước đó được lên kế hoạch vào tháng Ba đã bị hoãn lại do đại dịch virus Corona Vũ Hán, và một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU với ông Tập vào tháng Chín đã bị hoãn vì lý do tương tự.
EU đã đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc để giải quyết các thách thức đến từ ĐCSTQ cầm quyền kể từ mùa xuân năm 2019. Trong phân tích của mình về các chính sách Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại Đức cho biết, đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã làm trầm trọng thêm các  thách thức này.
Ngày 17/6, Ủy ban EU đã thông qua Sách trắng hướng dẫn việc ngăn chặn các công ty EU bị các công ty do chính phủ nước ngoài tài trợ tiếp quản, “để tránh làm giảm khả năng cạnh tranh và sân chơi bình đẳng ở thị trường EU”.
Các công ty EU bị suy yếu do đại dịch COVID-19 có thể đặc biệt dễ bị tác động bởi những hành vi không công bằng như vậy.
Vào ngày 3/6, Đảng Cộng hòa Nhân dân Châu Âu (EPP) thuộc khối liên minh EU đã kêu gọi bà Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch Ủy ban EU gửi thư để thực hiện hành động “ngăn chặn các công ty nước ngoài tiếp quản những công ty châu Âu đang yếu thế và phải vật lộn để vượt qua khủng hoảng”.
Trong một tuyên bố, bà Vestager, cũng là một ủy viên về vấn đề cạnh tranh, cho biết: “Nền kinh tế của Châu Âu vốn cởi mở và có liên kết chặt chẽ với phần còn lại của thế giới. Chúng tôi cần các công cụ phù hợp để đảm bảo rằng các khoản trợ cấp nước ngoài không làm méo mó thị trường của chúng tôi, giống như chúng tôi làm với các khoản trợ cấp quốc gia”.
Bà cũng nói thêm rằng: “Thị trường đơn lẻ là chìa khóa cho sự thịnh vượng của Châu Âu và nó chỉ hoạt động tốt nếu có một sân chơi bình đẳng”.
Ủy viên Thương mại EU là ông Phil Hogan cho biết trong một tuyên bố, “sự cởi mở của [EU] đang ngày càng bị thách thức thông qua các hoạt động thương mại nước ngoài, bao gồm các khoản trợ cấp làm biến dạng sân chơi bình đẳng dành cho các công ty thuộc khối EU”.
EU kêu gọi ĐCSTQ tôn trọng nhân quyền, tự do
Người biểu tình tuần hành trên một con đường trong một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ chống lại một luật an ninh quốc gia mới được đề xuất tại Hong Kong vào ngày 24/5/2020. (Anthony Wallace / AFP qua Getty Images)
Người biểu tình tuần hành trên một con đường trong một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ chống lại một luật an ninh quốc gia mới được đề xuất tại Hong Kong vào ngày 24/5/2020. (Anthony Wallace / AFP qua Getty Images)
Các nhà lãnh đạo EU cũng bày tỏ mối lo ngại của họ về vấn nạn đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là cách đối xử hà khắc của nhà cầm quyền với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng, với những người đấu tranh vì nhân quyền và việc ĐCSTQ hạn chế các quyền tự do cơ bản của người dân tại quốc gia này.
EU đã đề cập với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về từng trường hợp các nạn nhân bị vi phạm nhân quyền, ví dụ như sự mất tích của những công dân can đảm lên tiếng cảnh báo hoặc đưa tin về sự lây lan của virus Corona Vũ Hán.
Bà von der Leyen khẳng định: “Đối với Liên minh châu Âu, quyền con người và các quyền tự do cơ bản là không thể thương lượng”.
EU cũng nhắc đến các cuộc tấn công mạng vào các bệnh viện và trung tâm điện toán, cũng như sự gia tăng của tình trạng bóp méo thông tin trực tuyến, và cảnh báo các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng “điều này không thể dung thứ được”, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu nói.
Ông Michel và bà von der Leyen cho biết họ đã trao đổi với ông Lý và ông Tập về những lo ngại của họ về luật an ninh quốc gia mà ĐCSTQ áp đặt đối với Hong Kong. Các nhà hoạt động dân chủ, nhà ngoại giao và một số doanh nghiệp cho biết điều luật này sẽ gây nguy hiểm cho chính quyền Hong Kong.
Quốc hội Trung Quốc đã có phản ứng gay gắt hôm thứ Bảy (20/6) trước một nghị quyết của hội nghị EU nhằm phản đối luật an ninh quốc gia này.
Ông Michel nhấn mạnh, các chủ tịch EU bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc của họ về luật an ninh quốc gia cho  Hong Kong”, đồng thời kêu gọi Trung Quốc thực hiện lời hứa với người dân Hong Kong và cộng đồng quốc tế về “quyền tự trị cao và quyền tự do được bảo đảm của Hong Kong”.
Quyền tự trị này là điều đã giúp Hong Kong phát triển và thành công, bà von der Leyen nói. Bà cũng cảnh báo thêm rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với “những hậu quả rất tiêu cực”, nếu “vẫn thực hiện việc áp dụng luật này”.
Mặc dù phía Trung Quốc có quan điểm khác về vấn đề này, nhưng các nhà lãnh đạo EU cùng với các đối tác G7 khác vẫn giữ vững lập trường rằng ĐCSTQ nên xem xét lại việc áp dụng luật an ninh đối với Hong Kong.
Du Miên
Theo The Epoch Times
https://www.ntdvn.com/trung-quoc/eu-gay-suc-ep-voi-trung-quoc-ve-thuong-mai-va-nhan-quyen-48370.html

Huawei sắp bị chính phủ Anh miễn cưỡng ép ra đi?

Chính phủ Anh đang sắp ra quyết định về vai trò của tập đoàn Trung Quốc Huawei trong hệ thống 5G và mạng internet băng thông rộng tại Anh.
Nghị sĩ Anh: ‘Đến VN còn không muốn Huawei’
TNS Hoa Kỳ nói Huawei đặt lính Mỹ vào thế rủi ro
Huawei: Anh ra giải pháp ‘dung hòa sức ép Mỹ – Trung Quốc’
Trung tâm an ninh mạng quốc gia NCSC, thuộc ngành tình báo Anh, đã hoàn tất thu thập dữ kiện để báo cáo chính phủ.
Bộ Truyền thông, Kỹ thuật số thì đang xem xét hậu quả tài chính nếu áp đặt lệnh cấm hoặc hạn chế với Huawei.
Mới hồi tháng Giêng, chính phủ Anh tuyên bố Huawei vẫn được tiếp tục cung cấp thiết bị, chuyên môn cho các mạng Anh, tuy có hạn chế về thị phần của hãng.
Washington tiếp tục nói Huawei là rủi ro an ninh quốc gia, điều mà công ty phủ nhận.
Các trừng phạt mới nhất của Mỹ với Huawei, loan báo hồi tháng Năm, có vẻ đã tác động tới Anh quốc.
Trừng phạt mới nhất của Mỹ đe dọa khiến Huawei không thể cung cấp thiết bị truyền dữ liệu, và ảnh hưởng việc làm điện thoại và các mặt hàng dân dụng khác.
Năm ngoái, khi Huawei khoe chip di động mới Kirin 990 5G, họ nói chip này có hơn 10 tỷ bóng bán dẫn, hứa hẹn một hiệu suất vượt trội và ngốn ít điện năng hơn.
Nguyên do các sản phẩm phức tạp này có thể ra đời là vì ngành công nghiệp bán dẫn nay sử dụng các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA).
Vấn đề của Huawei là ba nhà thiết kế EDA hàng đầu đều có quan hệ với Hoa Kỳ.
Trừng phạt của Washington cấm Huawei và các bên thứ ba làm chip được dùng “công nghệ và phần mềm Mỹ”.
Synopsys và Cadence đều đặt ở California.
Siemens của Đức đã mua Mentor Graphics nhưng công ty này có trụ sở ở Wilsonville, Oregon.
Trừng phạt cũng cấm các nhà sản xuất dùng thiết bị bán dẫn dựa vào công nghệ Mỹ.
Ngay cả nếu Huawei chuyển sang dùng công ty SMIC đặt ở Thượng Hải, công ty này cũng phải tuân thủ lệnh của Mỹ hoặc đối diện trừng phạt.
Anh quốc có thể sẽ cho rằng quá rủi ro nếu chỉ dựa vào Huawei khi mà công ty Trung Quốc có thể không thể làm ra các linh kiện.
Hoa Kỳ vẫn còn thời gian để đảo ngược lệnh cấm trước khi chúng có hiệu lực vào tháng Chín.
Nhưng dẫu vậy, nếu chính phủ Anh muốn tìm cớ để xem lại quyết định hồi tháng Giêng, rủi ro về các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử có thể là cơ hội.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-53193317

Pháp : Xã trưởng, chức vụ không mấy ai «mặn mà»

Thùy Dương
Cứ 6 năm 1 lần, nước Pháp tổ chức bầu cử cấp xã và thành phố. Năm nay, sau bầu cử vòng 1 vào ngày 15/03, vòng 2 dự kiến được tổ chức vào ngày Chủ Nhật 22/03/2020. Thế nhưng, do dịch bệnh Covid-19 nước Pháp bị phong tỏa nên bầu cử bị hoãn lại. Mới đây, chính quyền quyết định cho tổ chức bầu cử vòng 2 vào ngày Chủ Nhật 28/06/2020.
Trong khi tại một số thành phố lớn, nhất là thủ đô Paris, chiến dịch tranh cử diễn ra sôi nổi, cạnh tranh gay gắt, với nhiều ứng viên từng là các nhân vật có tiếng trong giới lãnh đạo Pháp, thì tại một số nơi, nhất là những xã nhỏ, ở vùng sâu, vùng xa, hoặc dân cư thưa thớt, chính quyền tìm « mỏi mắt » cũng không có ứng viên tranh chức xã trưởng. Nói cách khác, xã trưởng không phải là ghế nhiều người muốn có, cho dù được mời gọi nhiệt tình.
Chức vụ chẳng mấy ai ham
Tại Pháp, có khoảng 36.000 xã. Về phân cấp quản lý hành chính, các thành phố lớn, như Lyon, Marseilles … kể cả thủ đô Paris với hơn 2,2 triệu dân cũng là « commune » - xã, đương nhiên là với quy chế đặc biệt hơn. Trong kỳ bầu cử xã trưởng năm nay, theo số liệu của bộ Nội Vụ Pháp, có tổng cộng 106 xã không có ứng viên tranh cử, trong số đó có 4 xã dưới 1.000 nhân khẩu. Con số 106 xã nói trên cao gần gấp đôi so với kỳ bầu cử năm 2014 (64 xã), nhưng một là do có một số xã đã bị sáp nhập. Ngày 27/02 là hết hạn nộp hồ sơ ứng cử, nhưng cho đến ngày 21/02, ở xã Montpensier, tỉnh Puy-de-Dome, với 450 nhân khẩu, vẫn không có một ai muốn trở thành xã trưởng.
Trên đài France 2, ngày 21/02, Bà Gisèle Boissier, 70 tuổi, người đứng đầu xã Montpensier, giải thích tại sao bà không muốn tái tranh cử : « Tuổi tác, vâng đó là do tuổi tác và tôi thì cũng đã được bầu lên từ 19 năm nay rồi. Vậy đấy ! Tôi cũng phải dành thời gian cho gia đình nữa. Đối với những người trẻ hơn và những ai còn chần chừ ngại ra ứng cử, thì tôi nói với họ : Thôi làm đi nào, công việc rất thú vị đấy ! »
Trong khi đó, tại Berbiguères, tỉnh Dordogne, xã trưởng José Chassériaud, 65 tuổi, hy vọng có thể « rút lui » để « an nhàn tuổi già », nhưng thực tế không đơn giản như ông nghĩ. Sau 25 năm quản lý cấp xã, 2 nhiệm kỳ làm phó xã trưởng thứ nhất và 2 nhiệm kỳ làm xã trưởng, José Chassériaud đành ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 3 vì ông không « đành lòng » đẩy xã với 186 người dân vào cảnh « không người chèo lái ». Ông không thể thuyết phục được ai « kế nhiệm » mình, kể cả ông Michel Scanff, phó xã trưởng. Ông Scanff giải thích trên đài France 2 : « Tôi không biết liệu mình có thể duy trì sức khỏe tốt suốt 6 năm tới nữa hay không. Việc ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ xã trưởng không được phù hợp cho lắm trong khi tôi không biết chắc là tôi có trụ được không ! »
Cách xã Berbiguères 4 km là xã Cladèche, với 103 nhân khẩu. Xã trưởng Jean-Pierre André cũng lâm vào tình cảnh tương tự đồng nhiệm Chassériaud : « Tôi đã không tính tới việc làm tiếp. Trước tiên, đó là vì tôi đã 74 tuổi rồi. Nếu tiếp tục, đến hết nhiệm kỳ tới thì tôi 80 tuổi mất rồi. Ngoài ra, dù sao thì vị trí này cũng có rất nhiều ràng buộc ». Để có thể yên tâm « về hưu » sau 6 năm nữa, ngay từ trước khi diễn ra kỳ bầu cử năm 2020, cả hai xã trưởng José Chassériaud và Jean-Pierre André đều đã bắt tay vào việc tìm người muốn ra tranh cử cho kỳ bầu cử … 2026. Đối với nhiều xã trưởng, khi lần đầu tiên ra tranh cử, họ như đã « tự mình rơi vào bẫy do chính mình giăng ra ».
Hậu quả ?
Điều khiến cho xã trưởng của những xã không có ứng viên đau lòng nhất là nguy cơ xã buộc bị sáp nhập vào xã khác. Đó cũng là nỗi lo của ông Victor Coulin, sau 2 nhiệm kỳ lãnh đạo xã Châtenois với 130 cư dân. Phát biểu trên đài France 24 ngày 12/03/2020, chỉ 3 ngày trước khi diễn ra vòng 1 bầu cử, ông
Coulin giải thích : « Tôi đã 73 tuổi. Tôi là xã trưởng xã Châtenois từ năm 2008. Suốt hơn 1 năm nay tôi nói là chắc chắn tôi sẽ rút lui, do tuổi tôi đã cao và cũng là để nhường chỗ cho giới trẻ. Từ hơn một năm nay tôi đã nói như vậy rồi, nhưng đến hôm nay vẫn không có ai ra tranh cử.
Ngày 22/03 (ngày dự kiến tổ chức vòng 2 trước khi nước Pháp bị phong tỏa vì dịch Covid-19), phòng phiếu sẽ đóng cửa vì không có ứng viên nào cả. Kể từ lúc đó, Nhà nước sẽ cho chúng tôi 3 tháng để tổ chức lại bầu cử. Nhưng nếu mà vẫn không bầu được ê-kíp mới lãnh đạo xã, thì chắc chắn là chúng tôi sẽ bị sáp nhập vào một xã khác. Đó là điều mà tôi, người từng là xã trưởng, không mong muốn chút nào ! Tôi không muốn xã mình bị ép phải sáp nhập vào một xã khác (…) Nhìn xã Châtenois biến mất, thành thật mà nói, tôi thấy rất đau lòng ».
Lý do ?
Ông Coulin hy vọng giới trẻ sẽ quan tâm hơn đến vị trí xã trưởng và tạo ra những thay đổi. Vậy điều gì khiến chẳng mấy cư dân các làng xã mặn mà với chức xã trưởng ? Trên đài France 2, một số người dân xã Montpensier giải thích :
« Cần một người có thời gian, có quan hệ tốt với mọi người và biết nhiều điều. Đây là điều khó nhất đối với một xã nhỏ. Vậy đấy ! Còn tôi thì không, không, tôi không có thời gian, không đâu ! » ; « Hơi mất thời gian, đúng đấy. Cần tham gia các cuộc họp. Không đơn giản chút nào » ; « Tôi nghĩ rằng xã trưởng thời bây giờ có rất nhiều việc phải làm. Dân chúng thì kêu ca than phiền nhiều lắm. Mọi người có thể làm phiền xã trưởng bất kể giờ giấc » ; « Tiếng gà gáy làm họ khó chịu. Tiếng chuông nhà thờ đổ cũng làm họ thấy phiền toái. Chó hàng xóm sủa họ cũng thấy phiền phức. Vì thế, công việc của xã trưởng đòi hỏi nhiều thời gian và lấy đi rất nhiều sức lực » ; « Cần một ai đó có sức khỏe dẻo dai và có cá tính để đủ sức đối phó với những người suốt ngày kêu ca, than phiền ! »
Còn ông Victor Coulin, xã trưởng Châtenois, cho biết về khó khăn mà xã trưởng như ông đang phải đương đầu : « Ngày nay, vị trí xã trưởng không phải một chức vụ mọi người thèm muốn. Lúc nào chúng tôi cũng gặp chuyện, nhỏ thôi, nhưng tình hình ngày càng phức tạp. Bây giờ, xã hội chúng ta nhìn chung đã thay đổi, thay đổi rất nhiều : người dân có quyền nhưng không có nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ, vì thế phần nào dẫn đến nhiều vụ kiện cáo. Khi có một cành cây, một bông hoa, một khóm cây mọc chờm ra, thế là họ sẽ nói : “Sao người ta lại không tỉa chúng đi? Sao người ta lại để thế mà không can thiệp? »
Tại những làng như của chúng tôi, đôi khi những chuyện như vậy dẫn đến căng thẳng. Mọi người nói, chỉ trích, nhưng lại không dám nói thẳng với những người liên quan. Tôi rất lấy làm tiếc về chuyện này. Bởi vì khi để xảy ra những chuyện căng thẳng thì cuộc sống ở làng không còn thoải mái nữa. Như thế, tốt nhất họ nên chuyển ra thành phố mà sống, nơi họ đi đâu xong thì về nhà, đóng sập cửa lại, và thế là xong.
Ở những ngôi làng như chỗ chúng tôi, dân số ngày càng già, mặc dù có giới trẻ, có thêm người đến xây nhà cửa, thêm người đến sinh sống. Thông qua một hiệp hội, chúng tôi đang cố gắng cải thiện cuộc sống ở làng. Chúng tôi đã tạo một khu vui chơi cho trẻ nhỏ và mọi người rất thích. Mặc dù ngân sách eo hẹp, nhưng với nỗ lực, chúng tôi đã thử, đã cố để cuộc sống ở làng được tốt hơn. Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản. Quý vị biết đấy, chúng tôi không có bộ phận kỹ thuật. Chúng tôi bắt buộc phải tự quản lý hết.
Tại một xã như Châtenois, thay vì trả cho một đơn vị phụ trách, tôi không biết chính xác là bao nhiêu nữa, nhưng khoảng 7-10% (ngân sách), chúng tôi tự lo hết mọi việc. Hệ thống nước, chúng tôi cũng tự quản lý. Chúng tôi quản lý theo cấp xã, đồng hồ nước cũng là do chúng tôi ghi số, chúng tôi cũng tự đi kiểm tra tháp nước. Đúng là sau 12 năm, tôi cũng thấy mệt mỏi một chút. Và ở tuổi 73, tôi cũng muốn chuyển giao công việc cho người khác ».
Dường như những thay đổi trong cuộc sống của cư dân làng mạc đã khiến quan hệ hàng xóng láng giềng xấu dần, công việc của xã trưởng vì thế cũng phức tạp hơn. Dân Pháp hẳn chưa quên vụ án gà trống … Đó là chưa kể đến ngân sách ngày càng hạn hẹp, các xã ngày càng phụ thuộc vào Nhà nước, với nhiều thay đổi về các cấp quản lý …
Chính vì những khó khăn đó, chức xã trưởng không còn là vinh dự nhiều người muốn nhận. Ngày 05/03, đài France Info trích dẫn nhà nghiên cứu khoa học chính trị Martial Foucault, theo đó « tại những xã nhỏ, việc xã trưởng tái tranh cử vô số lần có liên quan đến việc vì thiếu ứng viên thay thế, nên xã trưởng không muốn để xã thiếu người đại diện cho nền dân chủ ». Cá biệt, tại một số xã nhỏ, có những người làm xã trưởng tới hàng chục nhiệm kỳ, từ khi còn là thanh niên cho tới khi đã 80-90 tuổi. Điển hình là trường hợp của ông Paul Girod, xã trưởng Droizy, một ngôi làng chỉ có 75 cư dân, ở tỉnh Aisne. Lần đầu nhận chức xã trưởng vào năm … 1958, Paul Girod khi đó mới là một thanh niên 26 tuổi, nay ông đã 88 tuổi và ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 12, sau 62 năm liên tục làm xã trưởng.
Còn ông François Dupuis, được dân Saint-Germain-sous-Cailly, tỉnh Seine-Maritime, bầu làm xã trưởng vào năm 1971 khi ông mới 25 tuổi. Ông phát biểu trên France Info : «Tôi làm xã trưởng suốt 49 năm. Nếu tôi có tiếp tục, thì đó cũng chỉ là để quản lý xã của tôi, nơi tôi rất gắn bó ». Ông lấy làm tiếc là dù ông đã cố thuyết phục, nhưng những trợ lý trong ê-kíp lãnh đạo của ông không ai muốn thay ông. Nếu ông từ bỏ, họ cũng ra đi : «Tôi có một vài người trẻ trong ê-kíp, nhưng không có sự thay đổi thực sự nào. Chức xã trưởng đòi hỏi phải dồn hết thời gian vào. Tại những xã ở nông thôn, xã trưởng chỉ có một thư ký. Chỉ thế thôi và ông ấy sẽ phải quản lý hết. Xã trưởng sẽ không thể đồng thời theo đuổi sự nghiệp riêng, mà cũng không thể sống với khoản tiền phụ cấp 500 euro/tháng ».
Trách nhiệm nặng nề mà phụ cấp ít ỏi, ngân sách nhà nước cấp cho xã hạn hẹp có lẽ là những lý do khiến thời buổi này không mấy ai còn « mặn mà » với chức xã trưởng, trừ ở những thành phố lớn, được cấp nhiều ngân sách Nhà nước, với nhiều nguồn đầu tư. Ở những nơi này, quyền lực thị trưởng là niềm mơ ước của biết bao người, chiếc ghế thị trưởng vẫn là điều mà nhiều chính khách lão làng, kể cả các cựu thủ tướng, bộ trưởng, cũng phải dồn nhiều công sức vận động tích cực đến phút cuối mới mong có được ! Đúng là nơi thì bao người « đấu đá », nơi thì ai cũng dửng dưng, chẳng mảy may ngó ngàng !
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200626-ph%C3%A1p-x%C3%A3-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-ch%E1%BB%A9c-v%E1%BB%A5-kh%C3%B4ng-m%E1%BA%A5y-ai-m%E1%BA%B7n-m%C3%A0

Covid-19: Dịch bệnh

vẫn là mối đe dọa đối với Pháp và Châu Âu

Trọng Nghĩa
Vòng 2 cuộc bầu cử thành phố và thị xã ngày Chủ Nhật tới đây là đề tài số một trên báo chí Pháp ra hôm nay Thứ Sáu 26/06/2020, được Le Monde và La Croix đưa lên làm chủ đề chính trang nhất. Libération và Le Figaro cũng chú ý đến đề tài này, nhưng ở các trang trong, còn trang nhất thì được dành cho tình hình dịch bệnh Covid 19.
Như nói ở trên, cả Libération lẫn Le Figaro đều dành hồ sơ chính cho chủ đề Covid-19, và điểm trùng hợp lý thú là cả hai tờ báo đều nhấn mạnh đến nhu cầu cẩn trọng vào lúc dịch bệnh đang có dấu hiệu lui bước.
Libération: “Đừng nóng vội!”
Trong hàng tựa lớn chiếm trọn trang nhất, Libération kêu gọi: “Đừng nóng vội” khi còn trong giai đoạn dỡ bỏ phong tỏa. Trong một hồ sơ dài 4 trang, tờ báo Pháp công nhận là trong bối cảnh các số liệu thống kê hiện nay cho thấy là dịch bệnh đang lùi bước tại Pháp, mong muốn “lật qua trang mới” ngày càng mạnh mẽ, và thái độ coi thường các biện pháp an toàn ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, nhật báo thiên tả Pháp cảnh cáo: “Sự trỗi dậy trở lại của dịch Covid-19 vào tháng 9 tới đây là một giả thuyết nghiêm túc, trong lúc virus corona vẫn tiếp tục đà lây lan trên các lục địa khác”.
Trong bài viết “Tình hình dịch bệnh Covid-19 phải chăng đang trong tầm kiểm soát”, Libération cho rằng quả đúng là khi nước Pháp chuẩn bị bước vào tuần lễ thứ tám của giai đoạn hậu phong tỏa, mọi sự có dấu hiện tiến triển tốt, với số ca nhiễm mới được duy trì ở mức thấp, chỉ vài trăm trường hợp mỗi ngày, so với hàng chục ngàn ca lúc dịch chạm đỉnh…
Đà thuyên giảm đang chững lại
Có điều, theo tờ báo, đà thuyên giảm của dịch bệnh có dấu hiệu chững lại từ một vài ngày qua, tựa như đã chạm phải một cái sàn, không tiếp tục đi xuống được nữa. Thậm chí, trong một thông cáo vào hôm qua, 25/06, Tổ Chức Y Tế Thế Giới còn lo ngại về đà vươn lên trở lại của số ca nhiễm tại khoảng ba chục nước châu Âu từ hai tuần lễ nay.
Trong tình hình đó, Libération đã lưu ý rằng mọi người vẫn cần phải cẩn trọng, dịch bệnh có thể giảm cường độ lây lan vào mùa hè, nhưng không dứt hẳn và trong những điều kiện thời tiết lạnh và khô sau đó, virus có thể tác oai tác quái trở lại.
Đối với tờ báo, các biện pháp bảo đảm an toàn về mặt y tế do đó vẫn hết sức cần thiết, mà đầu tiên hết là việc phải đeo khẩu trang, đặc biệt là trong những không gian khép kín, như nơi làm việc chẳng hạn.
Bên cạnh đó, chính quyền cần phải gia tăng việc xét nghiệm, để kịp thời phát hiện người mang virus, cách ly họ để phá vỡ dây chuyền truyền nhiễm. Các ổ dịch và chùm lây nhiễm cần phải được giám sát chặt chẽ.
Le Figaro: Châu Âu vẫn phải đề cao cảnh giác
Nhật báo Le Figaro cũng dành tựa lớn trang nhất và một hồ sơ dài 5 trang cho diễn biến của dịch Covid-19, nhưng nhấn mạnh đến tình hình châu Âu
Dưới hàng tít “Covid-19: Châu Âu đề cao cảnh giác để tránh nguy cơ tái bùng phát”, tờ báo thiên hữu Pháp nêu bật lời cảnh báo vào hôm qua 25/06 của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đối với các nước Châu Âu, lưu ý về nguy cơ dịch bệnh “bùng phát” trở lại.
Nhắc lại tuyên bố trong một cuộc họp báo của bác sĩ Hans Kluge, quan chức của WHO đặc trách khu vực Châu Âu, theo đó “số ca nhiễm đã tăng lên ở Châu Âu vào tuần trước, lần đầu tiên từ nhiều tháng nay”, Le Figaro đã giải thích rằng đà tăng lên trở lại đó một phần bắt nguồn từ các chiến dịch xét nghiệm tích cực đã được tiến hành từ mùa đông vừa qua, khi lục địa bị virus corona làm cho điêu đứng.
Tuy nhiên, đối với tờ báo, hiện tượng dịch bệnh trỗi dậy đó cũng là một lời cảnh tỉnh đối với nhiều người dân đang có xu hướng buông thả, lơ là hẳn các cử chỉ “an toàn” hay đeo khẩu trang từ lúc các biện phong tỏa được dỡ bỏ.
Không nên cho là virus đã bị triệt tiêu
Trong bài: “Người Pháp đang quên các cử chỉ an toàn vào lúc sắp đến hè”, Le Figaro ghi nhận thái độ quan ngại của các công chứng viên, thợ hớt tóc, những chủ hiệu bán thuốc lá, nhân viên các cửa hàng hay nhà hàng… trước tình trạng rất nhiều khách hàng xử sự như là virus corona đã hoàn toàn bị triệt tiêu tại Pháp.
Một trong vô số ví dụ được một chủ tiệm hớt tóc tại Paris nêu bật: “Một số khách hàng đã tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi được yêu cầu đeo khẩu trang. Người khác thì chẳng quan tâm gì đến việc giữ khoảng cách an toàn (1 mét) khi bước vào tiệm”.
Theo Le Figaro, tình hình đáng lo ngại nhất là tại các nước khác, đặc biệt ở phía đông châu Âu. Tại Đức, số ca nhiễm tăng lại, nhưng chính quyền đã kiểm soát được tình hình, tại Bồ Đào Nha thì một số biện pháp hạn chế tụ tập và đi lại đã được tái lập ở một số nơi.
Riêng tại vùng Balkan, từ Serbia, Croatia cho đến Montenegro, Bắc Macedonia, số ca nhiễm đã tăng lên trở lại, sau khi chính quyền nhiều nơi bãi bỏ các lệnh giới nghiêm hay hạn chế đi lại và tụ tập.
Một trường hợp điển hình được Le Figaro nêu bật là tay vợt tennis số một thế giới Novak Djokovic và nhiều người khác đã nhiễm Covid-19 sau giải quần vợt Adria Tour tổ chức ở Serbia.
Le Monde: 150 đơn vị cần theo dõi nhân vòng 2 cuộc bầu cử cấp thành phố – thị xã
Về cuộc bầu cử địa phương ngày Chủ Nhật 28/06 sắp tới tại Pháp, Le Monde chạy trên 5 cột trang nhất hàng tựa lớn: “150 thành phố cần theo dõi nhân vòng 2”.
Le Monde đã điểm qua một số nơi mà lá phiếu của từng cử tri sẽ mang tính quyết định, cho phép các đảng đối lập ở địa phương giành thắng lợi, hay các đa số mãn nhiệm duy trì được quyền hành.
Vào lúc mà mọi người đều dự đoán là đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM của tổng thống Pháp Macron sẽ thảm bại trong cuộc bầu cử, tờ báo thuộc hạng có uy tín nhất nước Pháp đã đặt ra một câu hỏi rất khiêu khích: Liệu có khả năng là đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa LR lại chính là bên thua cuộc nặng nề nhất?
Đối với Le Monde, cho dù đã có kết quả tốt trong vòng 1 ngày 15/03 vừa qua, đảng LR nhân vòng hai này có nguy cơ bị những tổn thất rất nghiêm trọng, đặc biệt là bị mất hai thành phố lớn Marseille và Toulouse vào tay một liên minh cánh tả. Khả năng mất luôn cả Argenteuil, ngoại ô bắc Paris và Aix-en-Provence, gần Marseille cũng rất cao.
Vì sao đảng LR sẽ bị thua thiệt nhiều nhất?
Theo tờ báo, có hai nguyên nhân gần như là cơ học giải thích thảm bại đó của đảng chủ chốt trong cánh hữu Pháp.
Nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ cuộc bầu cử lần trước vào năm 2014. Khi ấy, cánh hữu đã bất ngờ đại thắng, giành được hơn 140 thành phố với hơn 10.000 dân từ tay cánh tả, tranh thủ được nỗi bất bình của người Pháp lúc đó đối với chính quyền của tổng thống Francois Hollande, thuộc đảng Xã Hội. Lần này thì những thị xã vốn có cơ cấu xã hội thiên về cánh tả đó sẽ bầu trở lại theo xu hướng cố hữu của mình.
Nguyên nhân thứ hai là nhân vòng 1 vừa qua, cánh hữu đã đoàn kết được hầu như mọi thành tố của mình, kể cả những ủng hộ viên của các nhóm trung hữu, trong lúc cánh tả lại hết sức chia rẽ. Bước qua vòng hai này, cánh hữu kể như không còn phiếu dự trữ, trong lúc ở rất nhiều nơi, các nhóm cánh tả lại đoàn kết được với nhau để ủng hộ một liên danh duy nhất.
Đó là chưa kể đến việc là kể từ năm 2017, hàng ngũ của đảng LR đã bị phân tán, với một số thành viên đi theo đảng cầm quyền của ông Macron, trong lúc một số người khác thì xa rời đảng trong thời ông Laurent Wauquiez làm chủ tịch.
Nếu đảng LR cánh hữu có nguy cơ bị tổn thất nặng nề, thì phong trào sinh thái EELV được cho là sẽ khẳng định được sự đột phá được ghi nhận nhân cuộc bầu cử nghị viên châu Âu vừa qua. Ngoài thành phố Grenoble chắc chắn sẽ tiếp tục ở trong tay phe sinh thái, EELV có khả năng thắng lợi tại Lyon, Besançon, Tours, hay ở Strasbourg, Toulouse.
Đảng Xã Hội dù bị suy yếu ở cấp quốc gia, nhưng vẫn bám trụ được ở nhiều địa phương như đặc biệt là ở các thành phố miền Tây như Rennes, Brest, Rouen hay Nantes.
Riêng đảng Cộng Sản thì tiếp tục bị mất các lãnh địa vào tay đảng Xã Hội hay đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia RN.
Về đảng RN, kết quả cần theo dõi là Perpignan ở miền đông nam nước Pháp, nơi liên danh của của đảng này lại cố xóa nhòa gốc tích cực hữu của mình để tranh thủ cử tri.
La Croix: Hồi kết của một câu chuyện dài kỷ lục
Cũng về vòng 2 cuộc bầu cử hội đồng thành phố và thị xã sắp diễn ra, nhật báo Công Giáo La Croix như đã thở phào nhẹ nhõm, chạy trên trang nhất tựa lớn “Hồi kết rốt cuộc đã đến”.
Theo tờ báo, vòng 2 cuộc bầu cử Chủ Nhật tới đây sẽ đánh dấu sự kết thúc của khoảng cách giữa hai vòng dài nhất trong lịch sử chính trị Pháp. Sau một chiến dịch tranh cử dài vô tận và một tỷ lệ người không đi bầu cao kỷ lục ở vòng một, các ứng cử viên hy vọng rằng lần này, công dân sẽ hăng hái hơn.
Vấn đề lại là các dự báo cho đến giờ không mấy lạc quan về tỷ lệ người đi bầu. Nếu ở vòng một, cử tri bị phân tâm vì phong trào biểu tình chống cải cách hưu bổng và ngay sau đó là cuộc khủng hoảng Covid-19, thì ở vòng 2 này, người dân Pháp tiếp tục phải bận tâm vì những vấn đề hậu phong tỏa, khủng hoảng kinh tế đang đón chờ và kỳ nghỉ hè sắp đến.
Đối với La Croix, tình thế kể trên quả là một nghịch lý, vì cuộc khủng hoảng y tế mà người Pháp vừa trải qua đã chứng tỏ tính chất tối quan trọng của các chính quyền địa phương.
Dẫu sao thì cuộc bầu cử kết thúc sẽ cho phép đời sống chính trị Pháp tiếp tục tiến bước, lập được danh sách đại cử tri cho cuộc bầu Thượng Viện vào tháng 9 tới đây, và cuộc bầu cử các Hội Đồng Vùng dự trù vào tháng Ba năm tới.
Le Monde: Donald Trump tận dụng tâm lý bài Trung Quốc
Về thời sự thế giới, đáng chú ý có lẽ là bài viết trên báo Le Monde về việc tổng thống Mỹ “Donald Trump khai thác tinh thần bài Trung Quốc của một thành phần cử tri Mỹ
Tờ báo nhắc lại sự kiện là Nhà Trắng mới đây đã lập một danh sách đen gồm 20 công ty Trung Quốc thân cận với quân đội Trung Quốc, được xem là một “công cụ bổ ích” cho các doanh nghiệp Mỹ trước khi ký kết hợp tác với những đơn vị này. Trong danh sách này dĩ nhiên có Hoa Vi.
Theo Le Monde, thông tin đã được rò rỉ rất đúng lúc cho hãng Reuters, hôm 24/06, trong lúc cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ-Trung vẫn gay gắt. Danh sách của Nhà Trắng được thành lập trong khuôn khổ một đạo luật năm 1999 (Defense Authorization Act), bảo vệ quyền lợi chiến lược của Mỹ, và cho phép tổng thống Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các đối tượng được nêu tên.
Le Monde thắc mắc: Donald Trump sẽ làm gì đây? Ông có quyền quyết định đưa ra những trừng phạt mới, nhưng chưa bao giờ một chính quyền Mỹ đi xa đến thế trong việc sử dụng văn kiện luật trên.
Tuy nhiên, điều rõ ràng là chỉ còn không đầy 5 tháng nữa trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và ông Trump, mà “sức khỏe” chính trị không ở đỉnh cao, đang chơi lá bài “bài Trung Quốc”, một tâm lý rất sâu đậm trong một thành phần rộng lớn của cử tri Mỹ.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200626-covid-19-di%CC%A3ch-b%C3%AA%CC%A3nh-v%C3%A2%CC%83n-la%CC%80-m%C3%B4%CC%81i-%C4%91e-do%CC%A3a-%C4%91%C3%B4%CC%81i-v%C6%A1%CC%81i-pha%CC%81p-va%CC%80-ch%C3%A2u-%C3%A2u

Nhóm nhân quyền ASEAN:

Việt Nam ‘đàn áp gấp đôi’ tiếng nói bất đồng

Hôm 26/6, nhóm hoạt động nhân quyền ASEAN nói rằng Việt Nam dù ứng phó tốt với đại dịch Covid-19, nhưng lại “gia tăng đàn áp gấp đôi” đối với các nhà hoạt động. Ngoài ra, nhóm này còn gửi thư cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi phải tôn trọng nhân quyền.
Nhóm Nghị sĩ khối ASEAN về Nhân quyền (APHR) viết trên Twitter hôm 26/6: “Việt Nam ứng phó tốt với đại dịch Covid-19, nhưng đồng thời lại gia tăng đàn áp gấp đôi đối với các nhà hoạt động và những tiếng nói bất đồng chính kiến”.
Phát biểu trực tuyến trên Diễn đàn châu Á do APHR đồng tổ chức hôm 26/6, ông Phil Robertson, Giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói:
“Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ một cơ hội nào trong việc truy bắt những người dám lên tiếng yêu cầu chính phủ tôn trọng nhân quyền, những người bênh vực cho nạn nhân các vụ cưỡng chế đất đai. Gần đây họ khởi tố hàng chục người dân trong vụ đụng độ Đồng Tâm và mới hôm qua đây, họ lại dùng Điều 117 của Bộ Luật Hình sự về ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ để tống giam 6 người”.
Ông Robertson nói thêm rằng Việt Nam sử dụng điều luật an ninh quốc gia này “một cách có hệ thống” để bịt miệng những chỉ trích nhằm vào chính phủ.
“Rõ ràng, vấn đề không nằm ở chỗ dịch Covid-19, mà là điều cùng đi song hành với dịch Covid-19. Việt Nam đã lợi dụng cách ứng phó dịch Covid-19 của mình để đàn áp gấp đôi các tiếng nói bất đồng, trong khi các quốc gia khác trên thế giới như ở châu Âu, Bắc Mỹ… đang phải chú tâm chống dịch”.
XEM THÊM:
Việt Nam bắt giam 6 người vì ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ trong cùng một ngày
Nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo tự do Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội, nêu nhận định với VOA về việc chính quyền bắt giữ các nhà hoạt động vì quyền đất đai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu, và Nguyễn Thị Tâm hôm 24/6:
“Những việc mà những người nông dân này đã làm là hoàn toàn theo Hiến pháp của Việt Nam, không xâm phạm đến bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.
“Việc bắt giữ này không chỉ tấn công vào cá nhân bốn người đó mà còn nhằm mục đích nhằm khủng bố dư luận”.
Cũng với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”, hôm 24/6, chính quyền Việt Nam bắt giam ông Vũ Tiến Chi ở Lâm Đồng và bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy ở Khánh Hòa.
Ông Charles Santiago, nghị sĩ Quốc hội Malaysia, Chủ tịch APHR, hôm 26/6 nhấn mạnh rằng cần thiết phải lên tiếng với giới lãnh đạo Việt Nam để chính phủ nước này, trên cương vị chủ tịch ASEAN, phải đảm bảo các yêu cầu bảo vệ quyền con người.
Trước đó, hôm 25/6, Nghị sĩ Santiago đã gửi thư ngỏ cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN, và đồng thời kêu gọi lãnh đạo các quốc gia trong khối gồm 10 thành viên hãy “đặt nhân quyền làm trọng tâm” trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19.
Bức thư viết: “Việc nhóm họp của các nhà lãnh đạo khu vực dưới sự chủ trì của ông trong tuần này mang đến cơ hội chứng minh rằng ASEAN có thể học hỏi và phát triển vươn lên từ thời điểm khó khăn này, bằng cách đảm bảo rằng từ thời điểm này, các chính sách của khu vực chúng ta bao gồm nhiều mặt nhưng phải đảm bảo thúc đẩy một xã hội công bằng, bền vững và bình đẳng hơn”.
Bức thư của APHR gửi đi một ngày trước khi ông Nguyễn Xuân Phúc trủ chì Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 trực tuyến hôm 26/6 tại Hà Nội.
https://www.voatiengviet.com/a/5478553.html

Nhật nghi ngờ Kim Jung Un không khỏe,

Covid-19 lan khắp Triều Tiên

Hải Lam
Chính phủ Nhật Bản hôm 25/6 hoài nghi về sức khỏe của Kim Jung Un cũng như tình hình dịch Covid-19 ở nước Triều Tiên, theo NK News, trang chuyên đưa tin về Bắc Hàn.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Kono Taro cho rằng việc Bình Nhưỡng có hàng loạt động thái leo thang căng thẳng với Hàn Quốc trong những ngày gần đây có thể là nhằm mục đích “đánh lạc sự chú ý của người dân Triều Tiên khỏi tình hình sức khỏe của Kim Jung Un, hoặc vụ mùa thất bát hay nền kinh tế yếu kém của nước này”.
“Đầu tiên, chúng tôi nghi ngờ Covid-19 đang lan rộng khắp Triều Tiên và Kim Jung Un đang cố gắng để không bị nhiễm bệnh”, ông Taro nói. “Vì vậy, thỉnh thoảng ông ấy không xuất hiện ở nơi công cộng”.
“Thứ hai, chúng tôi có một vài hoài nghi về sức khỏe của ông ấy”, Bộ trưởng Taro tiếp tục.
“Thứ ba, vụ thu hoạch năm ngoái ở Triều Tiên không được tốt, mà thực tế là thất bát … Tình hình kinh tế Triều Tiên hiện không tốt”.
Tuy nhiên, ông Taro đã không trả lời trực tiếp khi được hỏi về sức khỏe của Kim, vì ông “không được phép thảo luận về các vấn đề tình báo, kể cả đây có phải là vấn đề tình báo hay không”.
Về vấn đề dịch viêm phổi Vũ Hán, ông Taro nói thêm: “Tư lệnh của lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc cũng đề cập đến điều đó, ông tin rằng Covid-19 đã xuất hiện ở Triều Tiên”. Bộ trưởng Taro cho biết: “Cá nhân tôi có cùng quan điểm. Chúng ta chỉ cần ước tính mức độ lan rộng của nó”.
Những phát biểu trên của Bộ trưởng Quốc phòng Kono Taro được đưa ra sau vài tuần căng thẳng leo thang giữa Hàn Quốc – Triều Tiên, đỉnh điểm là vụ Bình Nhưỡng cho nổ sập văn phòng liên lạc chung vào ngày 16/6. Sau đó, Bình Nhưỡng bất ngờ ra quyết định đình chỉ kế hoạch quân sự chống lại Hàn Quốc vào ngày 24/6, sau khi Kim Jung Un chủ trì cuộc họp trực tuyến với Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên một ngày trước đó.
Tuy nhiên, giới truyền thông nhà nước Triều Tiên không đăng tải hình ảnh nào về cuộc họp đó cũng như lãnh đạo Kim Jong Un. Vì vậy, lần cuối cùng Kim xuất hiện trong trạng thái khỏe mạnh là vào 6/7, theo NK News.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nhat-nghi-ngo-kim-jung-un-khong-khoe-covid-19-lan-khap-trieu-tien.html

Vì sao Triều Tiên đột ngột dừng đe dọa Hàn Quốc?

Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm nay đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un chỉ thị dừng các hoạt động quân sự chống Hàn Quốc.
Tuyên bố quan hệ hai miền đã đứt gãy hoàn toàn, tuần trước Triều Tiên cho nổ tung tòa nhà dùng làm văn phòng liên lạc chung giữa hai miền và dọa sẽ có những hành động quân sự với Hàn Quốc vì tình trạng không có tiến triển trong hợp tác song phương và Seoul không ngăn chặn những người đào tẩu thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới.
Nhưng đến ngày 23/6, hãng thông tấn Triều Tiên KNCA đưa tin trong cuộc họp của Quân ủy trung ương, ông Kim chỉ đạo dừng các kế hoạch hành động quân sự với miền nam.
KCNA không nói vì sao ông Kim đưa ra quyết định này. KCNA cũng nói cuộc họp của Quân ủy đã bàn về vấn đề tăng cường “năng lực răn đe chiến tranh” của Triều Tiên.
Sau vài tuần chủ ý gia tăng căng thẳng, có thể Triều Tiên đang dừng lại để tạo dư địa cho Hàn Quốc nhượng bộ, các nhà phân tích nhận định.
Giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể đang muốn Hàn Quốc chấp nhận nhượng bộ đáng kể nào đó, có thể là đồng ý khôi phục hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong hoặc khởi động lại các tour du lịch từ Hàn Quốc đến khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Kim Cương của Triều Tiên. Tuy nhiên, Seoul có thể không làm những điều đó vì vướng các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng.
Chính phủ Hàn Quốc chưa phản hồi về việc Triều Tiên dừng hành động quân sự.
Gương mặt đại diện cho chiến dịch gia tăng sức ép của Triều Tiên gần đây là cô Kim Yo Jong, em gái ông Kim và là quan chức phụ trách các vấn đề liên Triều. Đưa ra những tuyên bố gay gắt trên báo chí nhà nước, cô Kim tuyên bố rằng việc phá hủy văn phòng liên lạc sẽ chỉ là bước đi đầu tiên trong hàng loạt hành động đáp trả đối với “kẻ thù” miền nam và cô sẽ để quân đội có những hành động tiếp theo.
Bộ tổng tham mưu quân đội Triều Tiên tuyên bố sẽ đưa quân đến khu vực hợp tác chung của hai miền ở Keasong và đỉnh núi Kim Cương, đồng thời khởi động lại các cuộc tập trận quân sự ở khu vực tiền phương. Những hành động đó đi người các thỏa thuận mà lãnh đạo hai miền đạt được trong hàng loạt hoạt động ngoại giao thân thiện hồi năm 2008.
Gần đây có lo ngại rằng Triều Tiên có thể đưa tàu vượt qua đường phân định trên biển ở phía tây, khu vực từng xảy ra nhiều đụng độ đẫm máu trước đây.
Chỉ trích Hàn Quốc để người đào tẩu thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới, hôm 22/6, Triều Tiên nói sẽ in 12 triệu tờ truyền đơn để thả xuống miền nam.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên thường tăng sức ép lên Hàn Quốc mỗi khi không nhận được điều họ muốn từ Mỹ. Những bước đi gần đây của Bình Nhưỡng được thực hiện sau vài tháng giận dữ với việc Seoul không sẵn sàng gạt sang một bên các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn dắt và tái khởi động những dự án kinh tế liên Triều để hỗ trợ nền kinh tế của Triều Tiên.
Đàm  phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington dừng lại sau cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội đầu năm 2019.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/35461-vi-sao-trieu-tien-dot-ngot-dung-de-doa-han-quoc.html

Bán đảo Triều Tiên ‘căng như dây đàn’,

Mỹ điều 2 tàu sân bay diễn tập

Hai tàu sân bay Mỹ đã được triển khai đến khu vực hoạt động của Hạm đội 7 để thực hiện các chiến dịch phối hợp, đúng lúc căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, và Bình Nhưỡng liên tục đe dọa sẽ có động thái quân sự chống lại Hàn Quốc.
Theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Mỹ, hai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CNV71) và USS Nimitz (CVN 68) đã thực hiện các hoạt động hỗn hợp ở vùng biển Philippines, bắt đầu từ Chủ nhật (21/6).
Chiến dịch này kết thúc vào đầu ngày 23/6.
Đáng chú ý, khu vực hoạt động của Hạm đội 7 bao gồm cả bán đảo Triều Tiên.
“Các tàu và máy bay buộc hai nhóm tàu sân bay nói trên đã bắt đầu phối hợp hoạt động ở vùng biển quốc tế để thể hiện khả năng đặc biệt của Mỹ trong việc vận hành nhiều nhóm tấn công tàu sân bay trong phạm vi gần”, Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ trước đó cho biết.
Việc triển khai này dường như nhằm gây sức ép với Trung Quốc, nhưng giới quan sát cho biết động thái này còn có thể liên quan đến những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên.
Tuần trước, Triều Tiên đã cho nổ tung một văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn biên giới Kaesong, đồng thời đe dọa sẽ có hành động quân sự nhằm đáp trả việc Seoul không ngăn chặn những người đào thoát gửi truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới.
Hồi tháng 11/2017, hai tàu sân bay trên cùng tàu USS Ronald Reagan đã tiến vào khu vực hoạt động quân sự của Hàn Quốc trong bốn ngày để diễn tập nhằm “dằn mặt” Triều Tiên. Hoạt động này cũng đánh dấu lần đầu tiên Hải quân Hàn Quốc tiến hành huấn luyện kết hợp với ba tàu sân bay Mỹ.
http://biendong.net/bi-n-nong/35462-ban-dao-trieu-tien-cang-nhu-day-dan-my-dieu-2-tau-san-bay-dien-tap.html

Triều Tiên bất ngờ khen ngợi truyện Harry Potter

Hải Lam
Một tờ báo của nhà nước Triều Tiên đưa tin, sự quan tâm của người dân nước này với tác phẩm Harry Potter của tác giả người Anh J.K. Rowling đang tăng lên.
Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap News, Báo Văn học của Triều Tiên hôm 20/6 đăng tin rằng thành công của “Harry Potter” là do tác phẩm này được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới và được cả người lớn và trẻ em yêu thích.
Báo Văn học cho biết, tác phẩm Harry Potter chỉ cho trẻ em cách “phát triển tương lai thông qua việc bộc lộ sức mạnh và kỹ năng cá nhân”, khi xem những hình ảnh về phép thuật diễn ra trong một thế giới giả tưởng.
Tờ báo đã tóm tắt nội dung bộ truyện và nói thêm rằng tác phẩm đã nâng thể loại văn học giả tưởng nước ngoài lên một “tầm cao mới”.
Theo tờ Business Insider, mặc dù chính quyền Bình Nhưỡng chính thức cấm các hình thức giải trí từ nước ngoài như phim, nhạc, nhưng nhiều người vẫn có thể xem bằng nhiều cách khác nhau.
USB có chứa phim thường được nhập lậu vào Triều Tiên qua Trung Quốc. Một cuộc khảo sát với 350 người đào thoát, người tị nạn và khách du lịch Triều Tiên cho biết hơn 90% đã xem phương tiện truyền thông nước ngoài trên đầu DVD.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trieu-tien-bat-ngo-khen-ngoi-truyen-harry-potter.html

Hoàng Chi Phong nói anh sẽ là ‘mục tiêu chính’

 của luật an ninh Hồng Kông

Hải Lam | ĐKN 8 giờ trước 464 lượt xem
Nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông nổi tiếng Hoàng Chi Phong cho rằng anh sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu bị luật an ninh quốc gia Hồng Kông nhắm đến, theo bản tin ngày 26/6 của Reuters.
“Có lẽ tôi sẽ là mục tiêu chính của luật mới. Nhưng điều khiến tôi lo lắng không phải là tôi có nguy cơ bị giam giữ, mà là sự thật không lạc quan rằng luật mới sẽ đe dọa tương lai của thành phố, chứ không chỉ là cuộc sống của cá nhân của tôi”, Phong nói với Reuters.
“Tôi đã kêu gọi thế giới sát cánh với Hồng Kông và thúc giục Trung Quốc rút lại điều luật tà ác này”, thủ lĩnh phong trào Ô dù cho biết thêm.
Nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong phát biểu tại Nghị viện Mỹ hồi năm 2019 (ảnh: Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ).
Trong suốt phong trào dân chủ của người dân Hồng Kông, Hoàng Chi Phong đã nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, gặp gỡ các chính trị gia của Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác. Điều này khiến Bắc Kinh tức giận và cáo buộc Phong là “bàn tay đen” của các thế lực nước ngoài.
Hôm 21/6, tờ Tân Hoa Xã đưa tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc sẽ có phiên họp từ ngày 28-30/6 tại Bắc Kinh, làm dấy lên đồn đoán về khả năng đây là thời điểm chính quyền đại lục ban hành luật an ninh quốc gia gây tranh cãi đối với Hồng Kông. Luật này cấm các hoạt động ly khai, khủng bố, lật đổ nhà nước, cấu kết với các lực lượng bên ngoài đe dọa đến an ninh quốc gia.
Theo Reuters, các nhà báo, các nhà hoạt động nhân quyền, tổ chức phi chính phủ và người nước ngoài có thể trở thành mục tiêu của luật an ninh Hồng Kông vì ở bên Trung Quốc đại lục, các tiếng nói bất đồng có thể bị buộc tội “kích động lật đổ nhà nước”.
Nhiều lãnh đạo trên thế giới chỉ trích luật an ninh mà Bắc Kinh muốn áp cho Hồng Kông, cho rằng động thái này sẽ bọp nghẹt các quyền tự do của thành phố.
Hôm 22/6, EU cảnh báo Trung Quốc sẽ gánh chịu “hậu quả tiêu cực” nếu thông qua luật an ninh Hồng Kông.
Phản ứng trước kế hoạch của Bắc Kinh, Thượng viện Mỹ hôm thứ Năm (25/6) đã phê chuẩn một dự luật cho phép chính quyền Mỹ tăng cường xử phạt các cá nhân xâm phạm nền tự trị và dân chủ của đặc khu Hồng Kông.
https://www.dkn.tv/the-gioi/hoang-chi-phong-noi-anh-se-la-muc-tieu-chinh-cua-luat-an-ninh-hong-kong.html

Luật sư Hong Kong lo lắng về việc thiếu phiên tòa

công bằng theo Luật an ninh quốc gia

Bình luậnDu Miên
Một hiệp hội nghề nghiệp của luật sư ở Hong Kong cảnh báo rằng quyền được xét xử công bằng có thể bị đe dọa trong tương lai, vì Trưởng đặc khu của Hong Kong (CE) sẽ có thể chọn thẩm phán cho một số vụ án hình sự theo luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt.
Trong một tuyên bố ngày 24/6, Hiệp hội Luật gia Hong Kong cho biết: “Chúng tôi quan ngại rằng, quá trình bổ nhiệm thẩm phán như vậy sẽ trao cho CE quyền giám sát và can thiệp vào Tư pháp”. Hiệp hội cũng nói thêm rằng điều này “làm ảnh hưởng đến sự độc lập tư pháp” của thành phố.
Bản tuyên bố nhấn mạnh rằng: “Sự độc lập tư pháp là nền tảng của hệ thống tư pháp của chúng ta, nằm trong phạm vi quyền tài phán chung, và không thể bị xâm phạm”.
Sau khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (NPC) thông qua quyết định ban hành luật an ninh quốc gia tại Hong Kong trong một cuộc bỏ phiếu theo thủ tục vào ngày 28/5, Ủy ban Thường vụ của NPC đã công bố thêm các chi tiết bổ sung đối với dự luật này vào ngày 20/6. Phiên bản bổ sung này quy định rằng Hong Kong sẽ có quyền tài phán đối với hầu hết các vụ án ngoại trừ  “các trường hợp đặc biệt”, khi đó chính quyền đại lục sẽ có quyền can thiệp. Trưởng đặc khu Hong Kong, hiện là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) vốn thân Bắc Kinh, sẽ có quyền chỉ định các thẩm phán xét xử các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia.
Điều luật này sẽ hợp pháp hóa việc truy tố hình sự những người tham gia vào các hoạt động liên quan đến âm mưu “lật đổ [chính quyền], ly khai, khủng bố và can thiệp từ nước ngoài” chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hội Luật gia nhấn mạnh mối quan ngại về thẩm quyền của chính quyền Trung Quốc với các vụ án nhất định.
Hiệp hội này  đưa ra   khả năng rằng “các cá nhân ở Hong Kong có thể phải trải qua quá trình xét xử khác với những gì do tòa án HKSAR quy định”.
Tòa án Trung Quốc do ĐCSTQ kiểm soát vốn “khét tiếng” vì vi phạm nguyên tắc pháp trị trong các vụ kiện liên quan đến các cá nhân hay tổ chức bất đồng chính kiến với chính quyền Trung Quốc.
“Các câu hỏi được đặt ra là liệu các quyền cơ bản của con người, bao gồm quyền được xét xử công bằng, có thể được bảo vệ một cách hiệu quả hay không”, Hội Luật gia cho biết.
Vào ngày 25/6, khoảng một chục thành viên của Đảng Dân chủ Hong Kong (tên chính thức là Liên minh Dân chủ Xã hội) đã tổ chức một cuộc mít tinh bên ngoài Văn phòng Liên lạc Hong Kong, là đại diện của Bắc Kinh tại thành phố.
Họ đã mang theo một bản kiến nghị với hơn 20.000 chữ ký thu thập để phản đối luật an ninh quốc gia do ĐCSTQ áp đặt. Một số giấy tờ kiến ​​nghị được buộc vào hàng rào thép bên ngoài văn phòng liên lạc.
Họ cũng giơ cao những tấm áp phích mô tả hình ảnh những người ở Trung Quốc đại lục bị buộc tội “lật đổ chính quyền nhà nước” – một tội danh để bắt giữ mà Bắc Kinh thường áp dụng để đối phó với tất cả những người bất đồng chính kiến với ĐCSTQ.
Những tấm áp phích này có ảnh của Xu Zhiyong, Zhang Haitao và luật sư nhân quyền Trung Quốc Yu Wensheng.
Du Miên
Theo The Epoch Times
https://www.ntdvn.com/trung-quoc/luat-su-hong-kong-lo-lang-ve-viec-thieu-phien-toa-cong-bang-theo-luat-an-ninh-quoc-gia-48522.html

Trung Quốc,

quốc gia mỗi năm có thêm một ‘London mới’

Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng mặt, Trung Quốc là nơi chiếm đến phân nửa các công trình xây dựng mới trên thế giới.
Mỗi năm, nước này lại xây cất ra một diện tích mặt sàn với kích thước lớn hơn tổng diện tích London.
Những không gian ngoài trời tuyệt đẹp cho thời Covid-19
Những văn phòng bí mật trốn đại dịch Covid-19
Ngôi nhà đẹp nhất thế giới
Vậy họ nên xây dựng thế nào để đạt hiệu quả hơn, chống gây ô nhiễm môi trường?
Ở khu vực phía bắc của thủ đô Bắc Kinh, không xa sân vận động quốc gia Tổ Chim (Bird Nest) là mấy, một tòa nhà bốn tầng màu cam lặng lẽ.
Nó trông không quá khác biệt so với các tòa nhà khác trong khuôn viên của Học viện Nghiên cứu Xây dựng Trung Quốc hay hàng triệu tòa nhà mọc lên mỗi năm ở nước này.
Tuy nhiên, nó chỉ tiêu tốn một phần năm năng lượng so với các tòa nhà tương tự ở thành phố thủ đô.
Tòa nhà này là một phần của trào lưu xây dựng hướng tới bảo vệ môi trường bền vững của Trung Quốc.
Tốc độ xây dựng đáng gờm
Theo một số ước tính, gần một nửa công trình xây dựng của thế giới sẽ diễn ra tại Trung Quốc trong thập niên tới.
Nước này hiện xây dựng mới hai tỷ mét vuông mặt sàn mỗi năm – nếu được bố trí thành dạng nhà một tầng trên một mặt phẳng thì diện tích này sẽ lớn hơn diện tích bề mặt London 1,3 lần.
Đây là một con số phi thường, nhất là khi ta biết rằng trên thế giới, các tòa nhà và ngành xây dựng xả ra khoảng 39% khí thải dioxide carbon từ lượng tiêu thụ nhiên liệu mà chúng dùng đến.
Trong những năm qua, mức tăng trưởng kinh tế vũ bão của Trung Quốc đã khiến việc tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà tăng lên đáng kể và nó đã tạo ra một thách thức to lớn cho môi trường.
Từ 2001 đến 2016, nhu cầu tiêu thụ năng lượng căn bản trong lĩnh vực xây dựng của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, đạt mức tương đương với gần một tỷ tấn than.
Việc xây dựng các tòa nhà, gồm từ việc dùng nguyên liệu thô và nhiên liệu trong cả quá trình cung ứng, xây cất, xả ra khoảng một phần năm tổng lượng khí thải carbon của Trung Quốc
“Điều Trung Quốc cần làm là đảm bảo cải thiện chất lượng cuộc sống con người, nhưng không phải bằng cách tăng thật nhanh mức tiêu thụ năng lượng ở các tòa nhà,” nhà nghiên cứu Zhu Yingxin từ Đại học Thanh Hoa, người đã phát triển các tiêu chuẩn kiến trúc xanh ở Trung Quốc, cho biết.
Làm thế nào để Trung Quốc có thể làm được nhiệm vụ nặng nề này?
Giải pháp cây xanh
Một trong những cách trực quan nhất để kiến trúc trở nên xanh hơn ở Trung Quốc đó là cách dễ làm nhất – chỉ việc trồng nhiều cây cối trong các tòa nhà.
Kiến trúc sư người Ý, Stefano Boeri, là người tiên phong của phong cách trồng rừng theo chiều thẳng đứng.
Kể từ khi ra mắt Bosco Verticale, gồm hai tòa nhà chung cư cao cấp xanh tươi ở Milan, Boeri và các đồng nghiệp để ý tới Trung Quốc như nơi để xây dựng khu rừng theo chiều thẳng đứng tiếp theo tại Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô ở miền Đông Trung Quốc.
Trồng cây trong các thành phố cực kỳ hữu ích để đối phó với lượng khí thải CO2 ngày càng tăng cao, cũng như giảm ô nhiễm không khí đô thị.
Nhưng, tại các khu vực đô thị có mật độ xây dựng dày đặc của Trung Quốc, nơi tấc đất tấc vàng, thì việc tạo ra các khu vườn vươn lên trên chứ không phải vươn rộng ra về mặt không gian đang trở thành một lựa chọn ngày càng hấp dẫn.
Hai tòa tháp xanh ở Nam Kinh lẽ ra sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2020, nhưng dự án đã bị chậm tiến độ bởi đại dịch Covid-19.
Làm mát ngôi nhà mà không cần máy điều hòa?
Người Ba Tư cổ sáng tạo ra ‘máy lạnh’ giữa sa mạc
Lợi hại từ công trình xây dựng lấn biển
Tòa tháp đôi này sẽ có 2.500 bụi cây và hơn 1.000 cây thân gỗ được trồng trên khắp các bề mặt.
Hiện có khoảng 600 loài cây từ các địa phương, chẳng hạn như photinia Trung Quốc, cây anh đào và bạch quả, đang được trồng sẵn trong một vườn ươm ngoại ô, dành cho các mặt đứng của hai tòa nhà. Chúng sẽ được nuôi lớn đến độ cao từ sáu đến chín mét rồi đem đến trồng ở đây.
Yibo Xu, thành viên của Công ty thiết kế Stefano Boeri Architetti, phụ trách văn phòng Thượng Hải, giải thích rằng các cây này sẽ được thử nghiệm trong hầm gió để kiểm tra sức bền của chúng trước khi được đưa lên trồng trên sân thượng và ban công của tòa tháp đôi, nhằm mục đích cải thiện khí hậu và đa dạng sinh học.
Các thử nghiệm mô phỏng gió mà cây cối có thể phải đối mặt ở các độ cao khác nhau của tòa nhà là nhằm đảm bảo cây được trồng tại cao độ an toàn với kích thước của chúng, giảm nguy cơ gãy đổ trong mùa bão.
Nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã đưa ra các chính sách khuyến khích làm cho cây xanh trở thành một phần không thể thiếu của nhà cao tầng.
Chẳng hạn, tại tỉnh Chiết Giang, một tòa nhà có sân vườn trên ban công có thể được miễn các không gian xanh này khỏi tổng diện tích sàn khi tính tỷ lệ lô đất.
Tỷ lệ này được tính trên tổng diện tích sàn của tòa nhà (bao gồm tất cả các tầng) so với diện tích mặt bằng lô đất mà tòa nhà tọa lạc.
Tỷ lệ này thấp có nghĩa là môi trường sống tốt hơn, và vì vậy tài sản có thể được bán với giá cao hơn. Điều này thực sự khuyến khích, ông Xu nói.
Nhưng để có được hiệu quả cao, bạn không thể đơn giản chỉ thêm thảm thực vật vào chỗ này hay chỗ kia trong một tòa nhà, Ken Yeang, kiến trúc sư sinh thái người Malaysia lưu ý.
Thay vào đó, phủ xanh một tòa nhà đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận để đảm bảo rằng cây cối được kết nối tốt với các loài khác của chúng ở gần xung quanh, môi trường sống liên hoàn có lợi cho động vật, chim và côn trùng.
Mặc dù các tòa nhà xanh như thế này đòi hỏi kế hoạch tỉ mỉ, nhưng theo các kiến trúc sư, điều này là xứng đáng.
“Ngày nay, chúng ta có nhiều công cụ nếu muốn giảm phát thải CO2,” Boeri nói. “Song chúng ta chỉ có một cách để hấp thụ trở lại CO2 đã thải ra mà thôi.” Đó là hút trở lại lượng khí carbon trong khí quyển và lưu giữ nó ở dạng khác, mà cơ chế hiệu quả nhất chính là dựa vào cây xanh.
Điều này thật là tuyệt diệu; song các khu vườn theo chiều thẳng đứng ở Nam Kinh được trông đợi sẽ chỉ hấp thụ được 25 tấn CO2 mỗi năm – tương đương với lượng phát thải của 10 chuyến bay khứ hồi từ Bắc Kinh đến London.
Cải thiện vật liệu xây dựng
Ngay cả khi các khu vườn kiểu đó trở nên phổ biến thì vẫn cần phải làm nhiều hơn mới có thể ít nhiều tác động tới mức độ phát thải của ngành công nghiệp xây dựng Trung Quốc.
Trồng thảm thực vật trở thành một phần của những tòa nhà cao tầng thông thường là một cách rất dễ làm “xanh” các cao ốc, nhưng việc cải tiến vật liệu xây dựng và kỹ thuật xây dựng có thể có tác động lớn hơn nhiều về mặt phát thải carbon.
Chỉ riêng xi măng thôi đã thải 8% lượng khí thải carbon toàn cầu của thế giới mỗi năm.
Theo một ước tính, năm 2015 ở Trung Quốc, lượng phát thải carbon từ vật liệu xây dựng – bao gồm thép, xi măng, sắt và nhôm – cùng với lượng phát thải từ hoạt động xây dựng tương đương với việc đốt một tỷ tấn than (để dễ so sánh, thì trong 2018, Trung Quốc đã đốt 3,83 tỷ tấn than).
Một cách để giảm con số phát thải carbon khổng lồ này là sử dụng vật liệu xây dựng tái chế.
Nằm cách sông Dương Tử khoảng 170 dặm (270km), đoạn chảy từ Nam Kinh đến Thượng Hải, có một công ty tên là WinSun đã biến vật liệu tái chế thành cụm các tòa nhà được dựng theo công nghệ in 3D. WinSun nói họ là công ty lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ in 3D dùng trong xây dựng.
SunWin là đứa con tinh thần của Ma Yihe, một kỹ sư cơ khí chuyển sang làm doanh nhân.
Với công nghệ in 3D của Ma, chỉ cần chín công nhân để làm các việc cho bảy tòa nhà trong cụm đó – một công việc theo truyền thống sẽ cần đội ngũ 200 người.
Số lượng các tấm gỗ sử dụng cũng được giảm bớt, bởi máy in 3D vận hành không cần giàn giáo.
Tâm điểm của cụm các tòa nhà này là “mực in” công nghệ 3D có tính bền vững mà WinSun sử dụng.
Được cung cấp từ những nơi như nhà máy thép, nhà máy than và công trường xây dựng đô thị, các chất thải rắn khác nhau được phân loại, cô hạt và xử lý thành nguyên liệu đầu vào – “mực” cho máy in 3D.
Chất liệu này không phải toàn bộ đều đã qua sử dụng, vì nó cũng đòi hỏi một lượng cát nhất định giống như bê tông thông thường.
Chất thải của nhà máy thép là dễ xử lý nhất, ông Mã nói, và có thể được sử dụng tới 60% trong nguyên liệu cho máy in 3D ngành xây dựng.
Từ tái chế đến tái sử dụng
Một cách khác còn tốt hơn việc nghiền nát các chất phế thải thành nguyên liệu để tạo ra một tòa nhà mới là tái sử dụng một tòa nhà đã hiện hữu tồn tại.
Tại khu đô thị mới Hùng An (Xiong’an), khoảng 60 dặm (100km) về phía tây nam Bắc Kinh, một nhà máy may bỏ hoang đã được chuyển đổi công năng thành tòa nhà văn phòng.
Liu Heng, giám đốc Viện Nghiên cứu và Thiết kế Kiến trúc Xanh, là kiến trúc sư đứng sau dự án này.
Ông giữ lại các cấu trúc chính của nhà máy cũ, tạo ra các bề mặt sàn mới và sử dụng những khối xi măng cũ từ tòa nhà để xây tường bao ở ngoài sân.
Cải tiến quan trọng nhất là việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả; ví dụ, ông Liu lắp đặt một “bức tường rèm” để tạo thành hành lang lưu thông không khí, giúp giảm bớt mức trao đổi nhiệt giữa môi trường bên ngoài và khu văn phòng chính.
Một nhân viên làm việc tại khu trung tâm từng nói với phóng viên truyền hình rằng vào mùa đông, tòa nhà có nhiệt độ khoảng 18C mà không cần máy sưởi. Trong khi tháng lạnh nhất ở Bắc Kinh nhiệt độ trung bình là -3C.
Ông Liu đồng ý với ông Ma rằng công nghệ in 3D mở ra một tương lai tốt hơn cho kiến trúc, vì tốc độ xây dựng nhanh, cần ít lao động hơn và tiềm năng giảm thiểu chất thải xây dựng.
“Sẽ càng tốt hơn nữa nếu như họ sử dụng một số vật liệu nhất định để tăng cường tính cách nhiệt của nhà xây bằng công nghệ in 3D,” ông Liu nói thêm.
Tìm cách tận dụng cấu trúc và thiết kế của một tòa nhà để làm ấm hoặc mát mà không cần đến phương tiện máy móc – được gọi là thiết kế thụ động – là điều mà kiến trúc sư Dong Mei ở Bắc Kinh nghiên cứu khám phá trong gần 20 năm qua.
Một trong những dự án lớn của bà là thiết kế một tòa nhà giảng dạy cho Đại học Bắc Kinh vào 2005 – năm mà Trung Quốc ban hành hướng dẫn đầu tiên về phát triển các tòa nhà công tiết kiệm năng lượng.
Tòa nhà có một hành lang trung tâm hoạt động như một giếng thu ánh sáng trên tầng 5 để giảm nhu cầu chiếu sáng nhân tạo.
Nó cũng giúp giảm sử dụng điện, giữ ấm vào mùa đông và là nguồn thông gió vào mùa hè.
Hành lang sử dụng hệ thống tự động bật và tắt đèn trong các phòng học của tòa nhà dựa trên cảm biến chuyển động của học sinh.
Bà Dong cũng có các kế hoạch lắp đặt hệ thống mái che có thể mở ra xếp vào ở phần tường tòa nhà để kiểm soát lượng ánh sáng mặt trời làm ấm tòa nhà.
Đó là một dự án đầy tham vọng, và những nỗ lực cuối cùng của bà Dong Mei đã không được thông qua vì trường đại học cho việc xây lắp mái che mở ra xếp vào được là quá phức tạp.
Đến nay, bà Dong vẫn tiếc nuối vì đã không làm được hệ thống mái che đó. “Theo tính toán của chúng tôi thì việc đó sẽ giúp giảm bớt thời gian phải sử dụng máy lạnh xuống thấp hơn hơn một tháng mỗi năm,” bà nói.
Những cản trở như vậy là điều mà nhiều người gặp phải khi muốn thực hiện các giải pháp xanh, sạch của mình. “Từ chối thử nghiệm điều khác biệt” là một thử thách cam go mà ông Yeang – kiến trúc sư Malaysia – nêu ra khi được hỏi về kinh nghiệm làm việc ở Trung Quốc.
Doanh nhân công nghệ in 3D Ma Yihe cho biết ông cũng gặp phải vấn đề tương tự khi đàm phán với các công ty kiến trúc truyền thống.
Khác biệt Đông – Tây
Sự chấp nhận cái mới một cách dè dặt tạo ra một thách thức, nhưng cũng là một lợi thế.
Tiêu thụ năng lượng Trung Quốc trên mỗi đơn vị xây dựng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước ở phương Tây, Zhu Yingxin từ Đại học Thanh Hoa nói.
Sự khác biệt là do không đồng điệu về thói quen, văn hóa, bà nói, chẳng hạn như sở thích thông gió tự nhiên và xu hướng sử dụng mát mẻ vừa phải thay vì dùng máy điều hòa nhiệt độ tạo mức lạnh rất nhân tạo.
Do vậy, nếu như những người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở Trung Quốc chỉ đơn giản mà sao chép các kinh nghiệm tiết kiệm năng lượng của phương Tây – điều này thường có nghĩa là kiểm soát môi trường trong nhà chặt chẽ bằng các máy móc thiết bị – thì điều đó sẽ dẫn đến việc tăng tiêu thụ năng lượng không cần thiết, bà Zhu nói.
Để triển khai kiến trúc xanh ở Trung Quốc, các công nghệ cần được thiết kế phù hợp nhất với điều kiện địa phương, bà bổ sung thêm, từ khí hậu đến văn hóa.
Nhiều thiết kế thụ động thực sự, vốn không sử dụng nhiên liệu để sưởi ấm hoặc làm mát, đã tồn tại từ lâu trong các kiểu xây cất nhà truyền thống của Trung Quốc.
Có những ngôi nhà được xây với những bức tường dày khoét vào núi (kiểu nhà Diêu động) ở Cao nguyên Hoàng Thổ ở miền bắc Trung Quốc, hay với kiểu sân Huệ Châu cổ ở phía nam. Nhờ những khoảng sân này mà nhiệt độ được điều hòa do phần khí nóng bốc lên cao còn phần khí mát được hút xuống dưới.
Giới kiến trúc sư có thể dùng công nghệ hiện đại để cải thiện thêm nữa các thiết kế như vậy, bà Zhu nói, chẳng hạn như làm thêm tum phía trên giếng trời để giữ nhiệt vào mùa đông – theo nguyên tắc tương tự mà bà Dong đã dùng trong thiết kế hành lang có trần bằng kính của mình. Đôi khi, các thiết kế cổ đã chứa đựng mọi ưu thế của công nghệ và kiến trúc hiện đại.
Bà Zhu lạc quan về tương lai của mảng kiến trúc phát triển bền vững nơi đô thị ở Trung Quốc, điều mà bà cho là một trong những lĩnh vực quan trọng đang được chính phủ và ngành công nghiệp xây dựng cổ súy.
Tính đến cuối 2018, Trung Quốc đã có hơn 10.000 dự án được chứng nhận kiến trúc xanh.
Hệ thống xếp hạng với mức đánh giá tối đa là ba sao sử dụng danh mục các tiêu chí để tính điểm cho các tòa nhà dựa trên việc có tiết kiệm đất, năng lượng, nước hay không, tính bảo vệ môi trường của vật liệu xây dựng, cũng như chất lượng môi trường bên trong của tòa nhà, bên cạnh các tính năng khác.
Đây chưa phải là một hệ thống hoàn hảo, bà Zhu lưu ý, vì hầu hết các chứng chỉ này chỉ dựa trên thiết kế tòa nhà chứ không phải là cách tòa nhà đã xây dựng và thực sự hoạt động – nhưng có thể coi là chỉ dấu cho thấy xu hướng sắp tới.
Hồi 2017, Trung Quốc đặt mục tiêu đến cuối 2020, nước này sẽ có 50% tổng số các tòa nhà mới ở đô thị được chứng nhận có thiết kế xanh.
Tốc độ phát triển đô thị ở Trung Quốc quả là nhanh, mà tốc độ thay đổi cũng nhanh không kém.
Nếu một nửa hoạt động xây dựng trên thế giới thực sự xảy ra tại nơi đây trong thập niên này, thì việc nâng tiêu chuẩn về tính bền vững có thể sẽ tạo tác động lớn hơn đối với lượng khí thải từ hoạt động xây dựng trên toàn cầu..
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-53186504

Chiến lược A2/AD có phải là cứu cánh cho Trung Quốc?

Trung Quốc đang ráo riết thực hiện Chiến lược chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập (A2/AD) tại Biển Đông, biển Hoa Đông và khu vực xung quanh eo biển Đài Loan. Mục tiêu mà nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm tới là, phá hoại quyền tự do hàng hải của Hải quân Mỹ và các nước đồng minh khác. Họ còn muốn gây nên những rủi ro chocác tàu chiến của Mỹ và đồng minh hoạt động tại các vùng biển này.
Chiến lược A2/AD của Trung Quốc cũng nhằm làm cho các đồng minh Thái Bình Dương của Mỹ nghi ngờ về khả năng của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (USPACOM) trong việc đối phó với các quan ngại an ninh. Trong thập niên vừa qua Trung Quốc đã mở rộng phạm vi hoạt động trên Biển Đông. Họ đãthiết lập một loạt cơ sở hạ tầng quân sự mới dưới dạng các đảo nhân tạo được trang bị đường băng, hầm chứa tàu ngầm và các cơ sở neo đậu. Các cơ sở hạ tầng quân sự này nhằm hỗ trợ hậu cần cho các đội tàu.
Mô hình cơ sở hạ tầng A2/AD được phát triển trên các đảo ở Biển Đông là bằng chứng cho thấy Trung Quốc nhận chuyển giao công nghệ từ Nga. Các nhà khoa học quân sự Bắc Kinh đã sao chép “chiến lược pháo đài” vốn được Moskva sử dụng tại các vùng biển của mình.
Một trong những yếu tố chính đảm bảo hiệu quả của chiến lược A2/AD là việc sở hữu một hệ thống phòng không tầm xa hiện đại nhằm hỗ trợ thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của Quân độiTrung Quốc cùng máy bay chiến đấu chống ngầm và trinh sát điện tử Y-9 dường như sẽ đóng vai trò chính trong việc cung cấp thông tin cảnh báo sớm, được coi là chìa khóa đảm bảo thành công tại Biển Đông.
Quân đội Trung Quốc còn được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21/DF-26 cho các đảo, nhằm chống lại mối đe dọa từ các tàu mặt nước của Mỹ, trong đó có các tàu sân bay Nimitz và Ford. Sắp tới Trung Quốc cũng sẽ đưa vào sử dụng tàu khu trục Type 055. Phiên bản mới nhất này được phương Tây xếp loại là tàu tuần dương do kích thước và hệ thống vũ khí hiện đại của nó.
Tàu ngầm có khả năng trở thành nhân tố chính trong chiến lược A2/AD của Bắc Kinh tại Biển Đông. Các căn cứ hải quân của quân đội Trung Quốc tại Đại lục có thể che giấu ngầm hạt nhân. Việc triển khai tàu ngầm đến các đảo trên Biển Đông sẽ mang lại lợi thế lớn cho Trung Quốc, bởi các đảo này giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển, tạo điều kiện triển khai nhanh dựa trên các kịch bản chiến thuật.
Nằm gần lục địa Trung Quốc và là địa điểm đặt căn cứ hải quân Ngọc Lâm, đảo Hải Nam sẽ là một tài sản trên biển quan trọng trong việc triển khai chiến lược A2/AD. Căn cứ có thể che giấu nhiều tàu ngầm hạt nhân chiến lược và sở hữu một bến cảng lớn có thể cùng lúc neo đậu hai nhóm tác chiến tàu sân bay hoặc tàu tấn công đổ bộ.
Một căn cứ tàu ngầm khác đặt tại Long Ba, ở phía Đông Nam đảo Hải Nam. Đây là một cảng nước sâu với các cầu tàu dành cho tàu ngầm và một cơ sở ngầm với các lối vào đường hầm. Long Ba cũng có các cầu tàu dành cho các tàu chiến mặt nước, biến nơi đây trở thành một căn cứ đa năng quan trọng của Hải quân Trung Quốc. Các cơ sở tàu ngầm và tàu chiến mặt nước tại đảo Hải Nam cho thấy hòn đảo này sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến lược A2/AD của Trung Quốc.
Trên biển Đông, các đảo tiền đồn như Hải Nam, Phú Lâm mang lại cho Trung Quốc ưu thế quyết định trước mọi thách thức trên Biển Đông. Không chỉ phục vụ việc triển khai nhiệm vụ quân sự, các đảo này còn có nhiệm vụ tích hợp thông tin tình báo thu thập được vào hệ thống chỉ huy đầu não của quân đội ở cấp độ chiến lược.
Việcxây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo khẳng định tầm nhìn chiến lược là phát triển các không gian biển thành “sân sau” của quân đội Trung Quốc. Còn các cơ sở thông tin liên lạc trên các đảo này bao gồm các tuyến cáp quang dưới biển, hệ thống liên lạc vệ tinh đa băng tần, dải cao tần băng thông rộng, và các ra-đa vi sóng vượt đường chân trời.
Trung Quốc huênh hoang tuyên bố: Họ có đủ khả năng ngăn chặn lực lượng thù địch tiếp cận thông tin, đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin tình báo của chính quân đội nước này theo thời gian thực tại Biển Đông. Không dừng ở đó, các tiền đồn quân sự có thể chỉ huy và kiểm soát lực lượng dân quân biển của Trung Quốc.
Chiến lược A2/AD tuyphù hợp với đặc điểm địa lý của Biển Đông nhưng cũng có những rủi ro lớn trongquá trình thực thi. Khả năng của Trung Quốc và các loại vũ khí của quân đội chưa được chứng minh trong thực tếchiến đấu. Sĩ quan và binh lính trong quân đội Trung Quốc lại ít kinh nghiệm chiến đấu, ngoài việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, chưa sẵn sàng đối mặt với một đối tượng tác chiến có kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến như Mỹ.
Biển Đông ngày càng căng thẳng. Các tranh chấp trên biển đã khiến các nước trong khu vực không còn chút niền tin nào đối với Trung Quốc. Bắc Kinh cần biết, mục tiêu chi phối khu vực mà không cần can dự ngoại giao với các nước sẽ không đạt được những kết quả mà họ mong muốn. Chiến lược A2/AD không thể thay thế cho một chính sách ngoại giao khu vực hiệu quả.
Cho dù Trung Quốc thực hiện thành công chiến lược A2/AD cũng không làm nhụt chí của các quốc gia láng giềng trong việc kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải.Trong trường hợp xảy ra đối đầu trực tiếp, các quốc gia trong khu vực có thể nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ và đồng minh. Khi đó, Trung Quốc có nguy cơ bị cô lập và bị coi là kẻ xâm lược.
Bắc Kinh chỉ có một con đường: Dừng lại ngay những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, bắt nạt các nước yếu thế hơn, gây căng thẳng trên biển Đông; kiên trì xây dựng lòng tin chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời thiết lập các liên minh mạnh mẽ trong khu vực. Có như vậy chiến lược A2/AD mới có thể hỗ trợ, tăng cường sức mạnh của Trung Quốc.
http://biendong.net/dam-luan/35504-chien-luoc-a2-ad-co-phai-la-cuu-canh-cho-trung-quoc.html

Trung Quốc: Hàng nghìn hộ dân

đụng độ cảnh sát, phản đối cướp đất

Vũ Dương
Ngày 22/6, hàng nghìn dân làng của xã Đông Thạch Kiểu, huyện Thanh Uyển, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã đụng độ với hàng trăm cảnh sát đặc nhiệm. Do chính quyền địa phương bồi thường không thỏa đáng trong việc phá bỏ di dời, dân làng đã tiến hành bảo vệ quyền lợi nhưng đến nay vẫn không có kết quả.
Vào lúc 5 giờ chiều ngày 22/6, chính quyền địa phương đã điều động 400 – 500 cảnh sát đặc nhiệm, quan chức các cấp, cùng xe cảnh sát, xe buýt… chuẩn bị xông vào thôn làng, nhưng bị dân làng chặn lại ở chốt kiểm soát phòng dịch. Một người phụ nữ họ Lý sống ở đây tiết lộ với phóng viên Thời báo Epochtimes rằng rất nhiều người bên phía chính quyền đột nhiên kéo đến, dân làng đứng chặn ở cổng làng không cho họ vào. Sau đó, người dân khác hay tin cũng vội vã đến hiện trường, có trên cả nghìn người.
Cô Lý nói rằng đầu tiên cảnh sát đã xịt nước ớt vào người dân và bắt đầu đánh người, có người già bị đánh gục xuống đất. Người dân trong làng đều tay không tấc sắt, chỉ có thể chống trả bằng gạch đá.
Xung đột giữa hai bên tiếp diễn cho đến khoảng 0 giờ sáng hôm sau (23/6). Phía dân làng có 13 người bị bắt, 5 hoặc 6 người bị thương, 2 người phải nhập viện.
Ngày 23/6, dân làng vì ngăn cảnh sát quay lại, đã chuẩn bị sẵn cục đá và chai rượu ngay tại cổng làng. Cô Lý nói rằng lần này nếu họ còn đến nữa, dân làng sẽ liều cả mạng này. Hiện tại, người dân trong làng đang luân phiên thay nhau trực tại lối vào cổng làng liên tục 24 giờ trong một ngày.
Ông Lưu, người dân trong làng tiết lộ với phóng viên rằng vụ việc bắt nguồn từ ngày 18/3, khi kế hoạch phá bỏ di dời do chủ tịch xã tự ý quy định truyền từ nội bộ ra, “Mỗi hộ gia đình dựa theo diện tích nhà ở cá nhân, phải tự bỏ tiền túi chi trả thêm từ 100.000 đến 200.000 Nhân dân tệ (khoảng 320 – 640 triệu VNĐ) mới có thể sở hữu căn hộ bàn giao thô, hơn nữa căn hộ thô này phải sau nhiều năm mới được cấp. Sau đó, địa điểm tái định cư được chọn lại cách xa ruộng vườn và thôn làng của chúng tôi đến 20 km, dân làng không sao chấp nhận được”.
Dân làng bắt đầu khiếu nại lên chính quyền các cấp để bảo vệ quyền lợi của mình. Ông Lưu nói rằng chủ tịch xã này đã tại nhiệm hơn 30 năm, bên trong chính quyền huyện và chính quyền thị trấn đều là người của ông ta, bởi vậy quan chức chính phủ đối với khiếu nại của dân làng chỉ là đùn đẩy trách nhiệm, trì hoãn hết lần này đến lần khác.
Ngày 21/3, gần một nghìn dân trong làng đã diễu hành đến Ủy ban huyện để kháng nghị. Ngày 23/3, hơn nghìn người dân đã tham gia diễu hành đến Ủy ban thành phố. Cô Lý nói rằng vào lúc 7 giờ sáng hôm đó, có khoảng 3.000 dân làng đã xuất phát từ thôn làng, sau đó đi bộ 15 km, mãi đến 10:00 sáng mới đến Ủy ban thành phố.
Cô Lý cũng tiết lộ rằng lần đó chính quyền địa phương đã huy động một lượng lớn lực lượng cảnh sát, còn có cảnh sát chống bạo động, dọc đường tiến hành ngăn chặn, có dân làng bị đánh trọng thương, nhiều người bị bắt giải lên xe buýt đưa đến trường học giam lại, đến đêm mới được thả ra. Cuối cùng, chỉ có hơn 300 người dân đến được cổng của Ủy ban thành phố, bảo vệ quyền lợi vẫn không có kết quả gì.
Dân làng cho hay, chủ tịch xã có tồn tại vấn đề tham nhũng, chuyển nhượng đất tập thể của dân làng cho người thân bạn bè của mình với giá thấp, sau đó bán ra với giá cao. Nhà tái định cư cũng dùng thủ đoạn bất hợp pháp làm thành nhà thương mại bán cho người dân hòng nhét đầy túi tham.
Người dân trong quá trình bảo vệ quyền lợi, hơn 1.300 dân làng đã cùng nhau ký tên bãi miễn chủ tịch xã. Tuy đã có một chủ tịch xã mới đến thay thế, nhưng ông ta vẫn là người của chủ tịch xã ban đầu. Ông Lưu nói: “Người này đến này vẫn chưa được thông báo chính thức, qua các kênh thông tin khác nhau, dân làng đoán rằng chủ tịch xã ban đầu trước tiên xoa dịu dân làng xong rồi, sau đó vẫn sẽ tiếp tục nắm quyền trở lại”.
Được biết, thôn làng này kể từ tháng 7 năm 2019 lấy danh nghĩa cải tạo đường sông tiến hành phá bỏ di dời đối với nhà dân, mãi đến tháng 3 năm nay mới đưa ra thông báo cho người dân, và dân làng bị buộc phải di dời trước cuối tháng 6 mà không công khai phương án phó bỏ di dời. Sau khi nói chuyện, chính quyền xã hứa sẽ không di dời, nhưng cuối cùng phát triển thành một cuộc xung đột giữa cảnh sát với người dân như đã nói ở trên.

Theo Fao Jing, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-hang-nghin-ho-dan-dung-do-canh-sat-phan-doi-cuop-dat.html

Bắc Kinh xuất hiện

‘mưa đá – virus corona’ dịp Tết Đoan Ngọ

Vũ Dương
Tết Đoan Ngọ ngày 25/6, Cục Khí tượng Bắc Kinh đã đưa ra cảnh báo màu vàng liên tiếp xuất hiện giông bão và mưa đá, dự báo rằng có nơi sẽ xuất hiện mưa lớn và gió mạnh cấp 7 trong thời gian ngắn. Sau 3 giờ chiều, người dân địa phương ồ ạt chia sẻ trên Weibo những bức ảnh về trận mưa đá mà họ chụp được, nói rằng viên đá to như quả trứng gà, nhất là hình dạng bên ngoài của nó trông giống hệt virus corona chủng mới, còn gọi là virus viêm phổi Vũ Hán.
Đúng ngày Tết Đoan Ngọ hôm qua (ngày 25/6), thời tiết ở Bắc Kinh rất bất thường, hầu hết các khu vực đều xuất hiện mưa đá, kích thước như quả bóng bàn hoặc quả trứng gà, hơn nữa có không ít viên đá bên ngoài có gai nhọn nhô ra, trông hệt như virus corona chủng mới.
Vừa khéo hiện nay dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Bắc Kinh đang bùng phát mạnh, vì vậy có cư dân mạng đã nói đùa rằng đây là “mưa đá virus corona”, “Ngay cả mưa đá cũng mang hình dáng của virus”. Cũng có cư dân mạng nói: “Trên trời thành dạng, dưới đất thành xuống”, “Nếu không phải lịch âm năm nay có đến 2 đợt tháng Tư, thì đã là ‘tuyết rơi tháng Sáu’ đúng nghĩa rồi”.
Thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc cũng xuất hiện mưa đá, có cư dân mạng địa phương nói rằng Bảo Định cũng xuất hiện trận mưa đá lớn mà họ chưa từng nhìn thấy trong đời, có cư dân mạng chia sẻ ảnh chụp những viên đá to như quả trứng gà, có người dân cửa kính xe ô tô bị đập vỡ.
Có cư dân mạng nói, “trước đó khi mà Hồ Bắc đang trong giai đoạn dịch bệnh nghiêm trọng, trời đã giáng mưa đá. Thời gian gần đây, dịch bệnh Bắc Kinh trở nên nghiêm trọng, trời lại giáng mưa đá nữa. Có phải sắp có chuyện lớn rồi? Bắt đầu từ Tết âm lịch, nếu không phải là tỉnh này mưa to gió lớn kèm theo mưa đá, thì lại là tỉnh khác. Đây là chuyện gì vậy? Đáng sợ quá!”.
Một video khác cho thấy một khu vực nào đó ở Bắc Kinh, mặc dù đang phải hứng chịu mưa to gió lớn kèm theo mưa đá, nhưng người dân thành phố vẫn cầm ô đứng xếp hàng dài trên đường để chờ làm xét nghiệm axit nucleic.
Video không khỏi khiến cư dân mạng bức xúc bởi cách làm cực đoan của chính quyền không màng đến sức khỏe người dân.
Theo Ming Xuan, NTDTV.com
Vũ Dương biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-kinh-xuat-hien-mua-da-virus-corona-dip-tet-doan-ngo.html

Thông tin về lũ lụt thượng nguồn

sông Trường Giang trở nên ‘nhạy cảm’,

bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát

Bình luận Đông Phương
Liên tiếp những ngày vừa qua, nhiều nơi ở Trung Quốc trong đó có Trùng Khánh đã bị lũ lụt nghiêm trọng. Các kênh truyền thông của chính phủ Trung Quốc đã đưa tin về tình hình lũ lụt một cách “kín đáo”, và để kiểm soát dư luận trên mạng, cảnh sát Trùng Khánh thậm chí đã đưa ra thông báo khẩn cấp, đe dọa bất cứ ai dám tiết lộ thông tin “vô trách nhiệm” về lũ lụt, một khi điều tra ra sẽ bị bắt ngay lập tức. Một số học giả có kiến thức pháp lý chỉ trích chính quyền Trung Quốc luôn dùng thủ đoạn phong tỏa thông tin để che đậy sự bất tài và tội lỗi của mình.
Những ngày gần đây, mưa lớn vẫn tiếp diễn ở phía tây nam Trung Quốc, bao gồm tỉnh Quý Châu, thành phố Trùng Khánh và sông Trường Giang. Sông Kỳ Giang, một nhánh của thượng nguồn sông Trường Giang và khu vực thượng nguồn của đập Tam Hiệp đã trải qua trận lũ lụt lớn nhất kể từ năm 1951. Các khu vực trong thành phố Trùng Khánh như quận Kỳ Giang, Giang Tân, Nam Xuyên, Bành Thuỷ… bị lũ lụt ở các mức độ khác nhau, nhiều khu vực bị nước nhấn chìm, đường xá lún sập, đường sắt biến dạng, nhà cửa và xe hơi ngâm trong bùn nước, có nơi thậm chí ngập đến tầng 2, tầng 3, và một số nơi khác nước lũ đổ từ trên cao xuống như thác nước.
Những đoạn video ngắn được người dân địa phương quay lại và tải lên mạng cho thấy, khi nước lũ sông Kỳ Giang đổ về đến đoạn Trùng Khánh, toàn bộ một ngôi nhà ba tầng đã bị đổ sập xuống dòng sông.
Tuy nhiên, các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã cố tình xử lý các thông tin liên quan đến lũ lụt theo “cách quen thuộc”, chẳng hạn như cố tình đặt các bản tin về tình hình lũ lụt của Trùng Khánh ở vị trí không dễ thấy trên trang web.
Cư dân mạng tiết lộ rằng, để kiểm soát thông tin trực tuyến, cơ quan công an thành phố Trùng Khánh đã đưa ra một thông báo khẩn cấp, tuyên bố rằng nếu phát hiện có ai đăng thông tin “vô trách nhiệm” về tình hình lũ lụt lên Internet hoặc ở nơi công cộng, họ sẽ bị bắt ngay lập tức sau khi được xác minh, “quyết không nhân nhượng”.
Một phụ nữ họ Chu nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng: “Trong những ngày mưa lớn, nhiều thành phố và làng mạc như nằm trong một đại dương bao la. Một số cư dân mạng đã đăng tải những sự thật này lên Internet, nhưng lại bị chính quyền Trùng Khánh đàn áp và che giấu. Chính quyền cho rằng những người tiết lộ sự thật là có tội, tôi thấy thật là quá đáng”.
Bà Chu cho rằng không cần phải che giấu thiên tai, chính phủ càng sớm đưa ra thông báo thiên tai cho dân chúng, thì có thể tránh được càng nhiều tổn thất. Chính quyền Trùng Khánh lại cố tình áp chế phong tỏa các thông tin liên quan, cách làm này đúng là “rất ngu ngốc”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, ông Tống Kiến Sinh (Song Jiansheng), một học giả pháp lý ở Trùng Khánh, đã chỉ ra rằng mục đích mà ĐCSTQ che giấu lũ lụt và các mối nguy hiểm về sự an toàn của đập Tam Hiệp giống hệt như việc che giấu dịch bệnh [viêm phổi Vũ Hán], khiến người dân phải hứng chịu hiểm hoạ.
Ông Tống nói: “Chính quyền chặn những thông tin này khiến người dân không biết làm sao để tự bảo vệ, vì vậy, họ sẽ rơi vào tình huống bị động và không kịp tìm lối thoát thân. Mỗi một lần xảy ra thảm họa lớn, người ta đều bảo là “thiên tai”, nhưng nói là “nhân hoạ” có vẻ đúng hơn. Vậy nên mới nói trong loại tình huống này, chính quyền không có khả năng làm tốt công tác cứu trợ”.
Ông Tống Kiến Sinh nói rằng khi một thiên tai lớn xảy ra, cần kết hợp các biện pháp cứu trợ thích hợp của chính phủ với việc chủ động tự bảo vệ bản thân của người dân thì mới đạt được hiệu quả cứu trợ tốt nhất. Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ luôn có thói quen che giấu các thảm họa và ngăn chặn thông tin, chủ yếu là để che đậy sự bất tài của chính phủ và đạt được mục đích duy trì sự ổn định của chế độ.
Đông Phương
Theo NTDTV
https://www.ntdvn.com/trung-quoc/thong-tin-ve-lu-lut-thuong-nguon-song-truong-giang-tro-nen-nhay-cam-bi-chinh-quyen-trung-quoc-kiem-soat-48422.html

Trung Quốc muốn thống trị nguồn nước

để rồi ‘gậy ông đập lưng ông’

Thủy Nguyệt
Giấc mơ sở hữu và khai phá tài nguyên nước nhằm dẫn đầu thế giới về công nghiệp điện năng của Trung Quốc có thể bị rơi vào tình thế ‘‘gậy ông đập lưng ông’’.
Thống trị Tây Tạng là thống trị tài nguyên nước
Cao nguyên Tây Tạng là khởi đầu của nguồn tài nguyên nước ngọt trải khắp châu Á, là nơi bắt nguồn của 10 hệ thống sông lớn chảy vào 10 quốc gia: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh, Nepal, Bhutan và Pakistan.
Sáu con sông lớn như Dương Tử, Hoàng Hà, Sông Ấn, Mê Kông, Brahmaputra, Sông Hằng cũng khởi nguồn từ Tây Tạng.
Trung Quốc nhìn thấy được tiềm năng lớn mạnh của việc khai phá nguồn nước từ những con sông bắt nguồn từ Tây Tạng. Điều này giúp hiện thực hoá giấc mơ khai mở kỷ nguyên mới về điện năng của Trung Quốc. Do vậy, Tây Tạng được nhìn nhận là quân át chủ bài trong bàn cờ chính trị của Trung Quốc: Thống trị được Tây Tạng sẽ thống trị nguồn nước và gây sức ép về kinh tế, chính trị lên các nước ở vùng hạ lưu thuộc châu Á.
Quân đội Trung Quốc đã tấn công xâm lược Tây Tạng vào năm 1950 và gọi đây là cuộc “Giải phóng Hòa bình Tây Tạng”. Sau khi hợp nhất Tây Tạng, cấu trúc hội đồng cai trị Kashag và xã hội Tây Tạng được duy trì. Đến khi xảy ra biến động vào năm 1959, hội đồng cai trị Kashag Tây Tạng bị chính quyền trung ương giải tán, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng phải đi lưu vong tại Ấn Độ.
Khi Trung Quốc kiểm soát được Tây Tạng, Trung Quốc đã hoàn toàn kiểm soát khu vực ven sông trên tất cả các con sông lớn chảy ra khỏi cao nguyên Tây Tạng. Khi đó Tây Tạng vẫn là một lãnh thổ còn nguyên vẹn với ít hơn 0,6% tài nguyên thủy điện được sử dụng cho mục đích phát triển. Các công ty thủy điện và năng lượng của Trung Quốc đã vận động chính phủ cho phép xây dựng nhiều dự án thủy điện trên những con sông bắt nguồn từ Tây Tạng.
Hệ thống đập thuỷ điện khổng lồ của Trung Quốc
Trong bảy thập niên qua, Trung Quốc đã xây dựng hơn 98.000 con đập tạo ra 352,26 GW năng lượng, nhiều hơn cả công suất của Brazil, Hoa Kỳ và Canada cộng lại.
Trong Kế hoạch năng lượng của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) và Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Bắc Kinh đã phê duyệt các dự án nhằm đẩy mạnh sản xuất thủy điện trên cao nguyên Tây Tạng. Do đó, ngày càng có nhiều các con sông xuyên biên giới bị phá huỷ để đạt được các mục tiêu thủy điện.
Trung Quốc đã xây dựng ba đập thủy điện (Dagu, Jiexu và Jiacha) trên khu vực giữa của sông Brahmaputra. Các đập Dagu (660 MW) và Jiexu (560 MW) đang được xây dựng ở thượng nguồn của sông Tàng Mộc và đập Jiacha (320 MW) ở hạ lưu con sông này – tất cả đều chỉ cách nhau vài km.
Việc xây dựng các thủy điện đó mới chỉ là khởi đầu. Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 11 trạm thủy điện trên dòng chính Brahmaputra và một số trên các nhánh của nó. Huaneng, Huadian, Guodian và Datang – bốn nhóm phát điện lớn – đã cắm rễ ở Tây Tạng. Trong số đó, Huaneng là công trình thủy điện lớn nhất ở Khu tự trị Tây Tạng (TAR).
Hệ thống thuỷ điện này đã huỷ hoại môi trường của cao nguyên Tây Tạng và đẩy khoảng 1,3 tỷ người sống ở các lưu vực sông ở hạ lưu châu Á khốn đốn.
Vỡ mộng thuỷ điện, gậy ông đập lưng ông
Kể từ đầu tháng 6 đến nay, miền nam Trung Quốc đã liên tiếp phải hứng chịu những trận mưa lớn, gây ra tai hoạ cho 8,52 triệu người dân của 24 tỉnh. Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc mới đây đã tổ chức một cuộc họp báo thông báo rằng năm nay họ sẽ tập trung vào “ba rủi ro lớn” là mực nước lũ vượt mức, sự cố hồ chứa và lũ quét.
Lũ lụt ở lưu vực sông Trường Giang (hay còn gọi là sông Dương Tử) cộng với những trận mưa không ngớt ở khu vực trung và hạ lưu con sông này vào tháng 6, khiến đập Tam Hiệp chịu sức ép lớn. Hiện nay, đập Tam Hiệp đang có nguy cơ trở thành bom nổ chậm đe doạ tới 500 triệu dân Trung Quốc.
Quan chức Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc cũng thừa nhận tại một cuộc họp báo vào ngày 11/6 rằng một số đập chứa nước của Trung Quốc đang gặp nguy hiểm ở các mức độ khác nhau.
Tiến sĩ Vương Duy Lạc, một chuyên gia nổi tiếng về vấn đề đập Tam Hiệp, nói rằng nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp vẫn luôn tồn tại. Những người sống ở khu vực từ thành phố Nghi Xương đến thành phố
Thượng Hải đều nên di chuyển nơi ở, nhưng họ biết đi đâu? Ngay cả khi họ đã có visa nước ngoài, có hộ chiếu nước ngoài thì họ cũng không thể xuất ngoại được nữa vì đại dịch virus Vũ Hán.
Ông Vương nói: “Trung Quốc có khoảng 100.000 đập chứa nước, nhưng ít nhất hơn 40% trong số đó là không an toàn”. Ông cho rằng việc xả lũ có thể gây hiệu ứng vỡ đập, trong đó một nguy cơ lớn là đập Tam Hiệp.
Tiến sĩ Vương Duy Lạc nói rằng người dân Trung Quốc đang ở trong tình cảnh nguy hiểm, trong khi chính quyền không quan tâm đến sự an toàn của người dân, còn những dư luận viên “50 xu” và “20 xu” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sống từ khu vực Nghi Xương trở xuống, liệu họ có tháo chạy không?
Ông Vương Duy Lạc bình luận, trong 70 năm kể từ khi ĐCSTQ giành được chính quyền, họ muốn kiểm soát điều gì thì đều kiểm soát rất tàn bạo, nhưng duy chỉ có nước là không thể khống chế được, việc trị thuỷ của họ là một vấn đề tệ hại do lòng tham dẫn đến. Ông cho rằng đây đều là kết quả do chính sách của họ gây ra.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-muon-thong-tri-tai-nguyen-nuoc-de-roi-gay-ong-dap-lung-ong.html

Đã tới lúc Ấn Độ ‘chia tay’ Trung Quốc?

Triệu Hằng
Khả năng đã tới lúc Ấn Độ và Trung Quốc nói lời chia tay sau cuộc đụng độ biên giới chết người cùng những hoạt động leo thang căng thẳng khác đang diễn ra trên dãy Himalaya.
Hãng Reuters hôm 25/6 công bố các bức ảnh vệ tinh chụp ngày 22/6 được công ty vũ trụ Maxar Technologies (Mỹ) cung cấp, cho thấy Trung Quốc đang xây dựng nhiều công trình tại thung lũng Galwan thuộc dãy Himalaya. Đây cũng là nơi xảy ra vụ đụng độ giữa quân đội Trung – Ấn hôm 15/6. Các công trình mới được xây dựng gồm các cấu trúc dựa vào vách đá và một cấu trúc được cho là trại mới đang được xây dựng gần đó với tường hoặc rào chắn, cùng lều bạt ngụy trang. Giới chuyên gia nhận định hoạt động xây dựng này cho thấy hai bên ít khả năng xuống thang căng thẳng.
Trong nhiều năm, chính phủ Ấn Độ do Thủ tướng Modi dẫn dắt đã cố gắng tránh chọn phe trong bối cảnh sự đối kháng giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng tiến nhanh. Ông Modi duy trì lập trường mềm mỏng với Trung Quốc, nước về bản chất là một kẻ thù mà Ấn Độ phải học cách sống chung.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, ông Modi đã gặp ông Tập nhiều lần và ông đã có năm chuyến thăm Trung Quốc. Tháng 10/2019, hai nhà lãnh đạo Trung – Ấn đã có một hội nghị thượng đỉnh hữu nghị, sau đó ông Modi đã lên tiếng ca ngợi về “một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai quốc gia chúng ta”.
Nhưng nay tâm trạng của New Delhi đã rất khác. Bất cứ điều gì xảy ra trên dãy Himalaya, Ấn Độ đều cảm thấy như bị Trung Quốc nhục mạ. Đáng chú ý là ông Modi đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp với các nhà lãnh đạo phe đối lập ở Ấn Độ. Hiện tại, trong giới tinh hoa hoạch định chính sách của Ấn Độ đã gần như đồng thuận rằng, Trung Quốc là một thế lực thù địch và phản ứng khả thi đối với Ấn Độ lúc này là tiến gần hơn tới Mỹ và các nền dân chủ khác như Nhật Bản, Úc.
Bất chấp những nỗ lực của ông Modi để xây dựng mối quan hệ thân thiết với ông Tập, sự lo lắng của người Ấn Độ về sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đã gia tăng. Ấn Độ còn lo lắng về việc Trung Quốc xây dựng mối quan hệ đặc biệt với Pakistan, một kẻ thù mà Ấn Độ có nhiều giao tranh. Sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc gia láng giềng như Sri Lanka, Myanmar, Bangladesh và Nepal cũng khiến quan hệ Bắc Kinh – New Delhi đi xuống. Ấn Độ báo hiệu sự bất mãn của mình bằng cách từ chối gửi phái đoàn của mình tới diễn đàn Vành đai và Con đường của Trung Quốc năm 2017 và 2019.
Là một quốc gia với gần 1,4 tỷ người, không kém Trung Quốc về mặt dân số, Ấn Độ có thể đi theo con đường riêng và duy trì quyền tự chủ chiến lược. Cũng có những viện dẫn về lý do kinh tế để Ấn Độ duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc vốn là đối tác thương mại thứ hai của Ấn Độ.
Mặc dù Ấn Độ giữ lập trường “không liên kết” (non-alignment) nhằm cân bằng các mối quan hệ với các cường quốc nhưng trên thực tế, Ấn Độ gần gũi với Moscow hơn là với Washington.
Nhưng với suy nghĩ về việc cố gắng duy trì mối quan hệ ngang bằng giữa Mỹ – Trung, giờ đây khả năng Ấn Độ sẽ từ bỏ suy nghĩ đó. Đã có gợi ý rằng Ấn Độ có thể xem xét một liên minh chính thức với Mỹ. Một trí thức Ấn Độ thân cận với chính quyền Modi cách đây ít tuần đã chỉ ra, một lý do khiến Trung Quốc có thể tùy tiện giết lính Ấn Độ, chứ không phải lính Nhật Bản hay lính Đài Loan, là vì Nhật Bản và Đài Loan đều đang trú ẩn an toàn dưới chiếc ô an ninh của Mỹ.
Trong những năm gần đây, Mỹ công khai hơn trong việc xem Ấn Độ là một đối trọng với Trung Quốc. Năm 2018, quân đội Hoa Kỳ đã đổi tên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương, thể hiện sự gắn bó chặt chẽ và được phản ánh trong việc mua vũ khí, thăm cảng và tập trận chung. Ấn Độ có khả năng tăng cường hợp tác như vậy với Nhật Bản và Úc. Và họ có thể thách thức Trung Quốc trên các mặt trận khác bằng cách hợp tác với các đồng minh ở Ấn Độ Dương và Biển Đông. Ấn Độ cũng có thể thực hiện nhiều động thái phối hợp hơn để giảm phụ thuộc nền kinh tế của mình vào Trung Quốc.
Cơ hội của công ty viễn thông Trung Quốc Huawei được trao hợp đồng xây dựng mạng 5G ở Ấn Độ giờ đây là rất nhỏ. Nhưng tư thế đối đầu của Bắc Kinh cho thấy họ không quan tâm đến điều đó. Trung Quốc biết rằng nền kinh tế của họ lớn gấp 5 lần Ấn Độ và quân đội của họ có nhiều vũ khí hỏa lực hơn. Trung Quốc thậm chí còn đánh giá rằng đây là thời điểm tốt để đưa Ấn Độ vào đúng vị trí trong khi Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi virus corona và Mỹ cũng bị phân tâm bởi dịch bệnh. Sau hậu quả của cuộc đụng độ biên giới tuần trước, tờ Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo thuộc sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc trong một bài xã luận còn loan rằng Ấn Độ nên học hỏi từ sự cố này và không thể dựa vào Washington để được hỗ trợ và chống đối Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc nên lo lắng. Bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới, được xếp hạng theo sức mua là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Cả bốn nước đều quan tâm đến sự cân bằng quyền lực ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Xung đột trên dãy Himalaya sẽ khiến Trung Quốc đẩy Ấn Độ vào cánh tay của Mỹ.
https://www.dkn.tv/the-gioi/da-toi-luc-an-do-chia-tay-trung-quoc.html

Ấn Độ phát hiện hơn 40.000 cuộc tấn công mạng

đến từ Trung Quốc sau vụ ẩu đả tại biên giới

Băng Thanh
Cảnh sát Ấn Độ hôm 23/6 cho biết, chỉ trong bốn đến năm ngày đã có ít nhất 40.300 cuộc tấn công mạng đến từ Trung Quốc nhắm đến cơ sở hạ tầng và ngân hàng của nước này, theo tờ Breitbart.
Yashasvi Yadav, một trong những quan chức hàng đầu trong ngành cảnh sát ở bang Maharashtra của Ấn Độ cho biết, sau cuộc ẩu đả giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ hôm 15/6 tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, các cuộc tấn công mạng nhắm vào Ấn Độ đến từ Trung Quốc đã tăng mạnh.
Yadav cho biết hầu hết các cuộc tấn công có nguồn gốc từ khu vực Thành Đô của Trung Quốc, nơi từ lâu được biết đến như một điểm nóng của hoạt động tin tặc.
Các cuộc tấn công sẽ khiến người dùng không thể truy cập vào các trang web, lộ mật khẩu hoặc đánh cắp địa chỉ Internet….
Các quan chức mạng ở bang Maharashtra cảnh báo rằng các tin tặc có thể đang sở hữu một cơ sở dữ liệu chứa khoảng hai triệu địa chỉ email của Ấn Độ để tấn công lừa đảo, và các email lừa đảo có thể trông giống như các địa chỉ email của chính phủ hoặc công đoàn.
Tờ The Times of India cho biết, trước khi các cuộc tấn công mạng đến từ Trung Quốc gia tăng, Ấn Độ là đối tượng thứ sáu của tin tặc Trung Quốc, sau Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đức và Nhật Bản. Các chiến dịch không gian mạng trước đây được dàn dựng khá rõ ràng bởi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nhưng trong những năm gần đây, tin tặc cẩn thận hơn trong việc che dấu vết và sử dụng rộng rãi phần mềm độc hại có sẵn thay vì vũ khí mạng khiến dễ lộ tung tích như trước đây.
https://www.dkn.tv/the-gioi/an-do-phat-hien-hon-40-000-cuoc-tan-cong-mang-den-tu-trung-quoc-sau-vu-au-da-tai-bien-gioi.html

Ấn Độ và Trung Quốc ồ ạt đưa quân lên biên giới

Thụy My
New Delhi lần đầu tiên hôm 25/06/2020 nhìn nhận lực lượng quân sự của Ấn Độ đã tương đương với Trung Quốc tại vùng biên giới Ấn-Trung ở Himalaya, sau vụ đụng độ đẫm máu gần đây.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ấn Độ Anurag Srivastava tuyên bố : « Đôi bên triển khai quân với số lượng lớn trong khu vực, trong khi vẫn tiếp tục duy trì liên lạc về quân sự và ngoại giao ». Ông
Srivastava cũng tố cáo Trung Quốc đã gây ra căng thẳng, và là phía đầu tiên đã đưa đông đảo binh lính lên vùng biên giới, nên Ấn Độ cũng phải triển khai quân.
Hôm 15/06, lính Ấn Độ và Trung Quốc đã xáp chiến tại Ladakh (bắc Ấn Độ) bằng gậy gộc, gạch đá, các cú đấm… làm 20 quân nhân Ấn thiệt mạng. Thiệt hại về phía Trung Quốc không được công bố, Bắc Kinh có thể giấu kín được nhờ kiểm soát internet và nơi giao chiến là địa điểm hẻo lánh. Đây là vụ đụng độ đầu tiên giữa đôi bên kể từ 45 năm qua. Hai nước láng giềng đổ lỗi cho nhau.
Ấn Độ khẳng định nguyên nhân là hành động của Trung Quốc tại ranh giới tranh chấp vi phạm thỏa thuận giữa đôi bên năm 1962. Từ đầu tháng Năm, Bắc Kinh đã huy động rất đông binh lính và vũ khí dọc theo đường biên giới. Quân Trung Quốc dựng các lều và xây nhiều công trình kiên cố ở thung lũng Galwan, lấn vào lãnh thổ Ấn khoảng 40-50 kilomet vuông. Lính Ấn Độ, sau khi yêu cầu tháo dỡ không được, đã dỡ các lều này và bị quân Trung Quốc tấn công bằng gậy sắt, chày quấn kẽm gai…
Sau vụ đụng độ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nhấn mạnh : « Chủ quyền thung lũng Galwan luôn thuộc về Trung Quốc ». Tuy nhiên giáo sư Taylor Fravel chuyên về biên giới, được Hindu Times trích dẫn, bác bỏ khẳng định này, vì chính bản đồ Trung Quốc cho thấy sau cuộc chiến 1962, phía Ấn Độ sở hữu nhiều kilômét lãnh thổ sát thung lũng, nơi xảy ra đụng độ.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200626-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-v%C3%A0-trung-qu%E1%BB%91c-%E1%BB%93-%E1%BA%A1t-%C4%91%C6%B0a-qu%C3%A2n-l%C3%AAn-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi

Úc: Nghị sĩ bang New South Wales

 ’bị khám nhà’ vì nghi có liên hệ với TQ

Chính trị gia ở tiểu bang New South Wales, ông Shaoquett Moselmane, vừa bị khám nhà và văn phòng hôm thứ Sáu và sẽ bị treo tư cách đảng viên của đảng Lao động Úc, theo các báo khu vực.
Úc: Bê bối chính trị bang Victoria và chuyện ‘Vành đai & Con đường’
Cảnh sát và tình báo Úc nói họ đang “điều tra” về ông Moselmane nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Lãnh đạo đảng Lao động, Jodi McKay, nói rằng vụ nhà ông Moselmane bị khám trong cuộc điều tra về nghi vấn chính phủ Trung Quốc “can thiệp vào hoạt động văn phòng của ông”, là “tin tức hết sức đáng lo ngại”.
Bà McKay xác nhận với báo chí hôm thứ Sáu rằng trong khi cuộc điều tra đang xảy ra thì ông Moselmane “không còn ngồi trong chi bộ của chúng tôi nữa”.
Thủ tướng Úc Scott Morrison nói ông không thể tiết lộ gì từ cuộc điều tra mà ông nói là “sẽ còn kéo dài” .
Chính phủ Úc, “quyết tâm tuyệt đối để không có bất cứ ai can thiệp vào hoạt động của nước Úc”, ông nói.
“Chúng tôi chấp nhận thách thức và sẽ có hành động, nhưng việc xảy ra hôm nay các bạn đã thấy,” ông Morrison nói về vụ khám xét liên quan đến dân biểu Moselmane.
Ông Moselmane sinh ra ở Lebanon, sang Úc cùng cha mẹ từ nhỏ.
Ông ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình “xử lý dịch Covid-19 tuyệt vời”, khiến đảng Lao động Úc phải lên tiếng nhắc nhở ông là không được bình luận như vậy.
Quan hệ Canberra và Bắc Kinh trở nên khó khăn sau khi Úc kêu gọi điều tra nguồn gốc virus corona. Trung Quốc những tuần qua đã áp dụng trừng phạt kinh tế với Úc, một bạn hàng lớn của họ ở vùng Thái Bình Dương.
Tranh cãi về chuyện có hay không “sự can thiệp của Trung Quốc” để tác động đến chính trị Úc đã kéo dài nhiều năm nhưng Bắc Kinh luôn bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc, cho đó là “cơn điên” (histeria).
Ở một bang khác của Úc là Victoria năm qua có chuyện chính phủ tiểu bang tự ký kết các biên bản nghi nhớ và hợp đồng riêng tham gia dự án “Vành đai và Con đường” với Bắc Kinh, và đang bị chính phủ Liên bang đặt câu hỏi.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53195598

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện