Iraq 'không lập chính phủ thống nhất'

Ông Nouri Maliki

Ông Nouri Maliki bị chỉ trích là có chính sách bè phái
 
Theo BBC
Cập nhật: 15:15 GMT - thứ tư, 25 tháng 6, 2014
Thủ tướng Iraq Nouri Maliki đã từ chối lời kêu gọi thành lập chính phủ ‘dân tộc cứu quốc’ để chống lại các cuộc tấn công của phiến quân nổi dậy dòng Sunni.
Lời kêu gọi này biểu hiện cho “một cuộc đảo chính đi ngược hiến pháp và là nỗ lực để chấm dứt dân chủ,” ông Maliki cảnh báo.
 
Hoa Kỳ đã kêu gọi lãnh đạo Iraq vượt lên trên chia rẽ bè phái và dân tộc.
Lực lượng chính phủ đã không thể giành lại phần lãnh thổ bị phe nổi dậy chiếm trong tháng này.
Gần một nửa trong số 300 cố vấn quân sự Mỹ được điều tới để giúp lực lượng an ninh Iraq đã đến và bắt đầu làm việc vào thứ Tư.
Trong khi đó, khủng hoảng ở Iraq đang được thảo luận bởi các lãnh đạo Nato ở Brussels. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người vừa trở về sau chuyến thăm hai ngày đến Baghdad và Irbil, cũng tham gia cuộc họp.

‘Mục đích nguy hiểm’

Trong bài phát biểu truyền hình hàng tuần, ông Maliki đã kêu gọi “tất cả các lực lượng chính trị hòa giải” để đối mặt với một “cuộc tấn công khủng bố dữ dội”.
Nhưng thủ tướng Shia đã không có lời hứa nào cho việc tăng đại diện của cộng đồng thiểu số Sunni trong chính phủ, những người tức giận trước cái họ cho là chính sách độc đoán và bè phái của ông.
Ông Maliki nói rằng việc thành lập một chính quyền khẩn cấp đại diện cho tất cả nhóm thiểu số và tôn giáo sẽ đi ngược lại kết quả bầu cử nghị viện hồi tháng Tư, khi liên minh Nhà nước Pháp luật của ông giành thắng lợi.
“Những mục đích nguy hiểm của việc thành lập một chính phủ dân tộc cứu quốc là rõ ràng,” ông nói. “Đó là nỗ lực của những kẻ chống lại hiến pháp để loại trừ tiến trình dân chủ non trẻ và ăn cắp phiếu cầu của cử tri.”
Ông Maliki cam kết sẽ thành lập chính phủ liên minh vào ngày 1/7.
Nói với BBC ở Dubai, bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond chỉ trích chính quyền Iraq đương nhiệm là “thiếu tính đại diện”.

Chiến sự đang ác liệt tại Iraq
Trong chuyến thăm Iraq đầu tuần, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo rằng đất nước này hiện đang ở “thời khắc quyết định” trong lịch sử. Ông Kerry hứa trợ giúp của Mỹ sẽ “mạnh mẽ và kéo dài, và nếu lãnh đạo Iraq tiến hành những bước đi cần thiết để đoàn kết đất nước, nó sẽ hiệu quả.”

Không kích

Lực lượng cố vấn quân sự gồm 130 người của Mỹ hiện đang xây dựng một phòng tác chiến quân sự chung với quân đội Iraq ở Baghdad và một nơi khác ở phía bắc.
Mỹ khẳng định đây không phải là cuộc “vội vàng ứng cứu”, dù cố vấn Mỹ có thể đề nghị không kích quân nổi dậy nếu cho rằng điều đó là cần thiết.
Phóng viên BBC Jim Muir ở Irbil, Iraq cho biết nhiệm vụ chủ yếu của họ là đánh giá năng lực của quân chính phủ Iraq và đưa ra khuyến nghị.
Lực lượng tình báo Mỹ đánh giá rằng quân nổi dậy Sunni, mũi nhọn là Isis, có đủ khả năng giữ những vùng lãnh thổ mà họ chiếm được.
Lực lượng Iraq đã ngầm nhận ra điều này, phóng viên BBC nói thêm. Họ không đủ khả năng có những đòn phản công chiến lược.
Họ hiện đang tập trung vào hai điều: quấy nhiễu quân nổi dậy từ trên không, chủ yếu bằng máy bay trực thăng tấn công, và dàn quân để bảo vệ Baghdad, nơi quân số đã được nhân đôi.
Trưởng phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Iraq, tướng Qassim Atta, nói tại một buổi họp báo vào thứ Tư rằng quân đội đang “kiểm soát hoàn toàn” nhà máy lọc dầu lớn nhất nước ở Baiji.
Truyền hình nhà nước chiếu các hình ảnh tăng cường quân số bằng trực thăng tới nhà máy lọc dầu, cách Baghdad khoảng 200km về phía bắc, nơi cung cấp nguồn nhiên liệu chính cho thị trường nội địa.
Máy bay của quân đội Iraq cũng tấn công Baiji. Truyền hình nhà nước nói 19 “khủng bố” bị giết, nhưng nhân chứng nói họ là dân thường.
Lực lượng an ninh và bộ lạc đồng minh đánh bật được một cuộc tấn công ở thị trấn phía tây Haditha, gần đập thủy điện cung cấp năng lượng cho Baghdad.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?