Ý đồ của Bắc Kinh qua chuyến thăm Seoul của Tập Cận Bình

Lần đầu tiên, ông Tập Cận Bình công du Hàn Quốc trong hai ngày 03 và 04/07/2014 - REUTERS /How Hwee Young


 
Lần đầu tiên, ông Tập Cận Bình công du Hàn Quốc trong hai ngày 03 và 04/07/2014 - REUTERS /How Hwee Young

Theo RFI
Đức Tâm
Thứ hai 30/6/2014         
Thông báo của Bắc Kinh về chuyến thăm Hàn Quốc trong hai ngày, 03 và 04/07/2014 của Chủ tịch Tập Cận Bình đã gây ngạc nhiên và nhiều phân tích về ý đồ của Trung Quốc.

Về mặt chính thức, lãnh đạo Trung Quốc tới Hàn Quốc là nhằm đáp lại chuyến công du Bắc Kinh của Tổng thống Park Geun Hye cách nay gần một năm. Việc cải thiện quan hệ Bắc Kinh – Seoul tạo hy vọng làm dịu tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nơi mà hai miền Nam – Bắc Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng có chiến tranh, kể từ sau Hiệp định đình chiến 1953.
Mặt khác, qua chuyến đi này, Bắc Kinh thể hiện rõ tính toán thực dụng, đặc biệt là trong quan hệ kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc và Seoul là đối tác đứng hàng thứ tư của Bắc Kinh, (hoặc thứ năm nếu tính Liên Hiệp Châu Âu là một đối tác). Khối lượng trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc và Hàn Quốc cao gấp 40 lần so với quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Thế nhưng, theo giới quan sát, ngoài lĩnh vực kinh tế, chuyến đi của ông Tập Cận Bình còn nhắm tới nhiều mục đích chính trị và ngoại giao.
Trước tiên, đây là một lời cảnh cáo đối với Bắc Triều Tiên, đồng minh chính thức duy nhất của Trung Quốc. Mặc dù phụ thuộc nặng nề vào Bắc Kinh về kinh tế, thương mại, năng lượng, nhưng chế độ Bình Nhưỡng, dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un, dường như « khó bảo », gây nhiều phiền toái, khó xử cho Trung Quốc, như các vụ bắn thử tên lửa và thử hạt nhân, thái độ hung hăng với Hàn Quốc.
Đương nhiên, Trung Quốc cần Bắc Triều Tiên như một vùng đệm bảo đảm an ninh và sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng có nguy cơ gây thảm họa tỵ nạn cho Trung Quốc, nhưng rõ ràng, Bắc Kinh không hài lòng về Bình Nhưỡng.
Từ khi lên thay cha để lãnh đạo Bắc Triều Tiên, hồi tháng 12 năm 2011, Kim Jong Un chưa được Trung Quốc bật đèn xanh công du Bắc Kinh. Từ khi thâu tóm toàn bộ quyền lực, tháng 03/2013, đến nay, ông Tập Cận Bình chưa lần nào chụp ảnh chung với Kim Jong Un.
Lãnh đạo Trung Quốc tới Hàn Quốc vào lúc quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đang ở mức thấp nhất. Trung Quốc muốn tìm kiếm hậu thuẫn của Hàn Quốc để đối đầu với Nhật Bản. Quá khứ tội ác của quân đội Nhật Hoàng tại Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là những chủ đề nhạy cảm, dễ kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Bên cạnh đó, Bắc Kinh và Seoul đều có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Tokyo.
Theo nhận định của báo Financial Time, bản thân chính quyền Hàn Quốc cũng có ý đồ tạo dựng một liên minh không chính thức với Trung Quốc để chống Nhật Bản.
Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai đồng minh quan trọng, đóng vai trò chủ chốt trong kế hoạch tái triển khai lực lượng của Mỹ, trong khuôn khổ chính sách « xoay trục » sang Châu Á của chính quyền Obama. Mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Trung Quốc là cản phá, hạn chế tối đa sự hiện diện của Hoa Kỳ trong vùng. Chiến lược này của Trung Quốc sẽ thu được kết quả nếu như Bắc Kinh thành công trong việc đào sâu hố bất đồng giữa hai đồng minh Đông Bắc Á của Washington và lôi kéo được Seoul vào quỹ đạo của mình.
Các quan chức Hàn Quốc nói với hãng tin Kyodo là chính quyền Mỹ bày tỏ lo ngại và không muốn Seoul tham gia dự án Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á – AIIB. Dự án này do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái, nhằm cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á mà theo Bắc Kinh là do phương Tây và Nhật Bản thao túng.
Còn Hoa Kỳ cho rằng, Trung Quốc muốn sử dụng ngân hàng này vào mục đích chính trị và nếu Hàn Quốc tham gia, thì lòng tin của Mỹ đối với Hàn Quốc, với tư cách là một đồng minh, sẽ bị tổn hại.
Giới phân tích nhấn mạnh, Hàn Quốc mắc sai lầm nếu làm suy yếu quan hệ với Mỹ. Chính Hoa Kỳ, chứ không phải Trung Quốc, đang bảo vệ Hàn Quốc để chống lại nguy cơ xâm lăng của Bắc Triều Tiên.
Nếu như các tranh cãi về quá khứ tội ác của quân đội Nhật Hoàng là điều có thể hiểu được, thì thách thức chiến lược về lâu dài đối với Hàn Quốc là tránh trở thành "vệ tinh" của một quốc gia như Trung Quốc đang ngày càng củng cố sức mạnh để thực hiện tham vọng bá chủ trong vùng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện