Tất cả hãy dũng cảm đập nát oán thù

27-4-2018

Ảnh: Reuter

Thật khó có thể biết điều gì xảy ra tiếp theo sau những hình ảnh lịch sử có thể nói “đẹp” nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh này, khi hai nguyên thủ Nam-Bắc Triều Tiên gặp gỡ nhau trong không khí cởi mở và thân thiện, mang lại thông điệp nhiều ý nghĩa cho một khả năng dẫn đến một tiến trình hòa bình thật sự sau nhiều thập niên triền miên căng thẳng. Những bức ảnh này gợi đến lịch sử cuộc xung đột hai miền Nam Bắc Việt Nam.
Thật là một bi kịch lịch sử của dân tộc nói chung, khi ý muốn bắt tay với Bắc Việt của hai ông Diệm-Nhu nhằm tìm con đường thoát khỏi chiến tranh, đã không thành hiện thực. Bộ máy lãnh đạo cộng sản Bắc Việt, thời Lê Duẩn, cũng chẳng muốn “đổi ý thức hệ” để “lấy hòa bình”. Hà Nội sẵn sàng tắm máu đồng bào để “giải phóng” miền Nam hơn là chịu cùng bước qua vĩ tuyến 17 để bắt tay Sài Gòn, bằng tình đồng bào, trong một đất nước đau thương tan nát bởi khói lửa binh đao.
Điều đáng nói là sau khi đạn bom ngưng nổ, “cuộc chiến Việt Nam” vẫn tiếp tục dày xéo dân tộc, vẫn tạo ra những xung đột dạng này hay dạng khác giữa người dân bên này và bên kia vĩ tuyến 17 dù trong thực tế “vĩ tuyến chiến tranh” không còn tồn tại. Sau chiến tranh, hận thù vẫn không nguôi và Bắc Việt thậm chí trút sự thù hận dai dẳng và nhỏ nhen lên trên đầu cả những người đã chết. Thật là bi thảm và nghiệt ngã cho dân tộc. Sau ngần ấy năm chiến tranh, dân tộc lại oằn oại hàng chục năm, cho đến nay, trong nghi kỵ và căm ghét hẹp hòi.
Trong chiến tranh, cơ hội để tìm kiếm hòa bình là rất mong manh và rất hiếm hoi nhưng trong thời bình mà không biết khai thác vô số cơ hội để hàn gắn vết thương chiến tranh là một nghịch lý khủng khiếp đến mức tàn bạo. Tôi chán phải nói đến những điều này. Không ít người cũng mệt mỏi khi nghĩ đến điều này.
Bây giờ, tôi chỉ mong, chỉ mơ một điều, rằng, tất cả hãy dũng cảm đập nát oán thù, còn bao nhiêu đạn dược trong đầu hãy bắn nát vào những oán thù, hãy đứng lên rũ bỏ oán thù và cùng với nhau tiến đến việc xây dựng đất nước, hơn là tiếp tục ưỡn ngực phô bày những tấm huy chương nhuộm máu đồng loại. Sau hơn 40 năm, điều đó còn chưa làm được thì bao giờ đất nước này mới thôi cảnh trầm luân!
Bình Luận từ Facebook
https://baotiengdan.com/2018/04/27/tat-ca-hay-dung-cam-dap-nat-oan-thu/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện