Tin Việt Nam – 27/04/2018

Tin Việt Nam – 27/04/2018

Formosa không bị thanh tra về môi trường

Công ty gang thép Formosa không nằm trong danh sách các doanh nghiệp sẽ bị thanh tra về môi trường trong năm nay.
Thông tin này được báo mạng Dân Trí loan tải vào hôm 27/4 dựa trên một danh sách hơn 200 doanh nghiệp sẽ bị Bộ Tài nguyên & Môi trường thanh tra trong năm nay.
Công ty Formosa đóng trên địa bàn Tỉnh Hà Tĩnh, thuộc khu công nghiệp Vũng Áng. Vào tháng tư năm 2016 nhà máy của công ty này đã xả chất thải độc hại ra biển làm cá chết hàng loạt ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của hàng chục ngàn ngư dân cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Thảm họa môi trường Vũng Áng Formosa còn gây ra hàng chục cuộc biểu tình, có khi lên đến 10 ngàn người tại khu vực các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Công ty Formosa, do người Đài Loan làm chủ, đã nhận trách nhiệm và bồi thường cho Chính phủ Việt Nam một số tiền trị giá 500 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên việc đền bù cho những người bị thiệt hại cũng chưa làm chấm dứt được những vụ đi khiếu kiện cũng như nhiều người than phiền là không được đền bù thỏa đáng.
Gần đây, tháng tư 2018 lại có tin nói rằng nuôi tại khu vực Hà Tĩnh bị chết hàng loạt mà chưa rõ nguyên nhân.
Trong danh sách các doanh nghiệp bị thanh tra có một số những cái tên gây chú ý vì là những doanh nghiệp lớn hoặc đã có những vấn đề về môi trường tại đia phương trước kia như công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội, công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Hà Nội, công ty Cổ phần Him Lam, công ty Cổ phần thép Dana Úc.
Theo báo Dân Trí, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng sẽ làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của Ủy ban nhân dân một số tỉnh và thành phố, đó là Nam Định, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Bộ Tài Nguyên Môi trường cho biết bộ này cũng sẽ thanh tra, giải quyết đơn thư, khiếu nại và tranh chấp, tố cáo của người dân, doanh nghiệp tại các địa phương.
Bên cạnh đó các đoàn thanh ta sẽ xem xét đến những vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và các doanh nghiệp, việc quản lý đất đai tại các khu công nghiệp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/formosa-not-be-investigated-04272018092949.html

Miền Trung Việt Nam có thể

chịu nhiều bão trong năm nay

Miền trung Việt Nam có khả năng bị ảnh hưởng nhiều bởi bão và áp thấp nhiệt đới trong năm 2018.
Báo Tuổi Trẻ Online cho biết thông tin vừa nêu vào ngày 27 tháng 4, dẫn nguồn từ thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Theo dự báo của cơ quan này, vào những tháng cuối năm 2018, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ xuất hiện nhiều ở khu vực phía Bắc Biển Đông và dịch chuyển dần về phí Nam Biển Đông, gây ảnh hưởng mạnh đến khu vực Trung Bộ của Việt Nam.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia còn dự báo mùa lũ ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có thể sẽ xuất hiện sớm. Còn khu vực sống Mekong thì đỉnh lũ ở đầu nguồn có khả năng ở mức báo động 2 hoặc 3.
Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai trong năm nay, trước những thông dự báo trên.
Trong năm 2017, Việt Nam được ghi nhận bị ảnh hưởng bởi 14 cơn bão khiến gần 400 người chết và mất tích, với tổng thiệt hại lên đến 60 ngàn tỷ đồng. Trong đó, riêng cơn bão số 12, có tên quốc tế là Damrey gây ra hậu quả nặng nề tại khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ, tổng thiệt hại ước tính trên gần 23 ngàn tỷ đồng và có ít nhất 123 người chết và mất tích.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/central-vietnam-is-forecasted-to-be-heavily-affected-by-typhoons-2018-04272018110714.html

Đà Nẵng nói công an không điều tra ông Lê Văn Tam

Giám đốc Công an TP Đà Nẵng Lê Văn Tam đã gửi lãnh đạo thành phố giải trình về nghi vấn được ông Vũ “nhôm” tặng biệt thự tại làng Châu Âu, Đà Nẵng.
Theo báo Tuổi Trẻ, thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Quang, trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho biết trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Sơn Trà sáng ngày 27/4.
Tuy nhiên, ông Quang nhấn mạnh rằng việc giải trình của ông Lê Văn Tam là do lãnh đạo thành phố yêu cầu chứ không có chuyện Bộ Công an vào cuộc điều tra.
Không chỉ riêng vấn đề về biệt thự của ông Lê Văn Tam, nhiều cử tri còn yêu cầu các đại biểu Quốc hội làm rõ những quan chức liên quan đến Vũ “nhôm”, một cựu cán bộ an ninh đang bị điều tra vì tội làm lộ bí mật nhà nước, trốn thuế, và lợi dụng chức vụ quyền hạn. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Quang cho biết vụ việc đang được Bộ Công an điều tra và khuyến cáo người dân nên tỉnh táo với những thông tin chưa rõ ràng.
Những ngày vừa qua, mạng xã hội và báo trong nước loan tin và hình ảnh về một căn nhà được nói là có giá một trăm tỷ đồng được cho là do Vũ “nhôm’ tặng.
Ông Lê Văn Tam đã bác bỏ những thông tin này.
Cử tri Quảng Ngãi thắc mắc việc rời đồn biên phòng để xây khu du lịch
Trong một diễn tiến khác, tại buổi tiếp xúc cử tri ở Bình Châu, Bình Phú, Bình Hoà vào sáng 27/4, nhiều câu chất vấn gay gắt được đưa ra cho đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến siêu dự án của Tập đoàn FLC tại Quảng Ngãi.
Tin trong nước cho biết Đại tá Bùi Minh Hải, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi đặt câu hỏi về quyết định hoả tốc của UBND tỉnh Quảng Ngãi đối với Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu – Lý Sơn.
Chỉ có 2 cuộc họp từ tháng 3/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định cho Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC triển khai dự án.
Theo ông Hải, công trình của FLC sẽ mang lại những quyền lợi gì cho người dân cũng như tính khoa học và tính khả thi trong việc di dời khu dân cư.
Đại diện cho UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ, Bí thư tỉnh uỷ khẳng định khi dự án vào cuộc thì phải có những cuộc họp, đối thoại để tranh luận. Ông nói thêm là ngày khởi công 19/5 chỉ là dự kiến, những tác động về kinh tế xã hội sẽ được lắng nghe trước khi tỉnh quyết định đầu tư.
Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu Lý Sơn với tổng diện tích giai đoạn 1 là 1.243 ha thuộc các xã Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Châu và đảo Bé thuộc huyện Lý Sơn. Dự án xây dựng bao gồm sân golf 18 lỗ, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế với 1500 chỗ ngồi, trung tâm thương mại, khu nghĩ dưỡng và các khu vui chơi giải trí…
Tuần trước, Quảng Ngãi đề nghị dời đồn biên phòng tại huyện Bình Sơn sang vị trí khác để xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Police-has-yet-investigated-danang-police-chief-04272018084506.html

Công an Thanh Hóa

khám xét trụ sở Hội thánh Đức Chúa Trời

Công an tỉnh Thanh Hóa đã khám xét một căn nhà được cho là trụ sở của Hội Thánh Đức Chúa Trời vào chiều ngày 27 tháng 4.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, căn nhà được cho là Hội Thánh Đức Chúa Trời thuê để tuyền đạo trái phép tọa lạc tại số 744 đường Quang Trung 3, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa.
Hôm 25/4, Ban Tôn giáo chính phủ cho biết đang quan sát thêm về Hội Thánh Đức Chúa Trời. Đồng thời cũng đã gửi công văn đến các tỉnh thành yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường việc tuyên truyền cho người dân, và xử phạt theo pháp luật những ai vi phạm quyền về tự do tín ngưỡng, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Truyền thông trong nước gần đây thường xuyên đưa bài về những tiêu cực của Hội Thánh Đức Chúa Trời như việc người dân đủ mọi lứa tuổi bỏ gia đình và việc làm để tham gia hội này, hay việc những tín đồ hội bị cho uống nước có ma túy hoặc chất hướng thần khiến họ mất kiểm soát…
Tuy nhiên, đại diện của Hội Thánh Đức Chúa Trời hiện vẫn chưa trả lời gì về những thông tin này. Theo báo trong nước, kể cả khi bị công an chất vấn trong thời gian rất lâu, những người tham gia hội này vẫn kiên quyết không ra khỏi nhà.
Hội thánh Đức Chúa Trời có nguồn gốc từ tỉnh Kyunggi của Hàn Quốc do ông Ahn Sahng-hong sáng lập từ năm 1964. Đến năm 1985 thì được lan truyền rộng rãi với tên World Mission Society Church of God. Theo thông tin trên website chính thức của hội, đến nay, Hội Thánh Đức Chúa Trời đã xuất hiện tại 175 quốc gia, với khoảng hơn 2 triệu tín đồ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/police-of-thanh-hoa-province-examine-headquarters-of-wmscog-04272018085114.html

Tin về Hội Thánh Đức Chúa Trời

‘cần được kiểm chứng’

Thông tin từ truyền thông Việt Nam chủ yếu phản bác tổ chức này, cho rằng họ “dùng chiêu trò” để “dụ dỗ người tham gia bỏ vợ bỏ chồng, bỏ học, bỏ thờ cúng tổ tiên” và phải đóng lệ phí thành viên trị giá 10% thu nhập.
Cũng có tin cho rằng đây là các nhóm thuộc tổ chức tôn giáo cùng tên có nguồn gốc Nam Hàn.
Hội Thánh Đức Chúa Trời hoạt động ra sao?
Thông tin trên website chính của Hội Thánh Đức Chúa Trời (tên tiếng Anh là World Mission Society Church of God) cho hay hội này do ông An Xang Hồng (Ahn Sahng-hong) người Hàn Quốc sáng lập năm 1964.
Hội tuyên bố có khoảng 7000 ngàn hội thánh thành viên quy tụ gần ba triệu tín đồ từ 175 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nay Hội do ông Tổng Hội trưởng Mục sư Kim Joo Cheol và bà Jang Gil-ja – được gọi là ‘Mẹ’ – lãnh đạo.
Hoạt động của HTĐCT gồm cứu hộ cứu nạn, bảo vệ môi trường, chăm sóc trẻ em nghèo và người khuyết tật, hiến máu, cùng các chương trình hòa nhạc.
Hội sở hữu nhiều tu viện tráng lệ ở khắp Hàn Quốc, bảo tàng và dàn nhạc giao hưởng đồ sộ. Các thành viên của HTĐCT đều có mã số riêng.
Hội này cũng tự tuyên bố từng nhận giải thưởng Phụng sự Tình nguyện (Award for Voluntary Service) của Nữ hoàng Anh vào năm 2016, cùng nhiều giải thưởng và tuyên dương khác của chính quyền Hàn Quốc cho các hoạt động ứng cứu động đất, làm sạch thành phố.
Đảng CSVN đang ‘mềm dẻo hơn’ với đạo?
Báo QĐND nói về ‘lợi dụng tôn giáo kích động’
Nghệ An: Hội phụ nữ ‘phản đối linh mục Nam’
Báo cáo của Mỹ về tôn giáo VN ‘bị sai lệch’
Ở Việt Nam, một số nhóm tôn giáo mang tên HTĐCT được cấp phép hoạt động từ lâu. Nhưng hiện chưa rõ nhóm nào thuộc giáo hội có nguồn gốc Nam Hàn, nhóm nào không.
Trao đổi với BBC qua điện thoại ngày 25/4, Mục sư Trần Nguyễn Duy Thắng của Hội Thánh Đức Chúa Trời ở Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, nói dù cùng tên nhưng giáo hội của ông, được cấp phép cách đây 20 năm, ‘không có liên quan gì’ đến ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ mà báo chí nhắc tới gần đây.
“Tôi không có liên hệ gì với họ, cũng không bình luận, đánh giá hoạt động của họ. Tuy nhiên với những việc báo chí phản ánh như ép buộc thành viên từ bỏ cha mẹ, vợ chồng, đóng tiền phí tham gia thì tôi cho rằng điều này không đúng với những gì mà người công giáo chúng tôi thực hiện, không đúng những gì được dạy trong Kinh Thánh là phải yêu thương, tha thứ, nâng đỡ…”
Báo chí Việt Nam đồng loạt đưa ‘tin xấu’
Trong khi đó, các nhóm Hội Thánh Đức Chúa Trời mà nhiều báo Việt Nam cho rằng thuộc giáo hội cùng tên ở Hàn Quốc, được cho đã ‘vươn vòi ra nhiều tỉnh thành’ như Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Long.
Hoạt động của những nhóm này được mô tả chủ yếu là tiêu cực, như “ép đóng tiền, khuyến khích phá thai” (Zing.vn), “thuyết giảng như kẻ điên loạn” (VTC News), “tan cửa nát nhà vì theo HTĐCT” (Thanh Niên).
Một bài trên báo Tuổi Trẻ còn hướng dẫn học sinh, sinh viên rằng “gặp những trường hợp bị các hạng người của tổ chức ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ lôi kéo, tốt hơn là cứ từ chối hoặc phớt lờ…”
Bộ Giáo dục Đào tạo và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng có lời ‘cảnh báo sinh viên tranh bị lôi kéo vào ĐTĐCT’, theo truyền thông Việt Nam.
Một bình luận từ tài khoản Facebook Nguyễn Minh Khoa, đưa các thông tin chi tiết về lịch sử HTĐCT với người sáng lập là ông An Xang Hồng, thường có hoạt động truyền bá nhắm vào đối tượng sinh viên, phụ nữ trẻ, và những người cô đơn.
Chính quyền lo ngại?
Cụm từ ‘tà giáo’, ‘tà đạo’ được nhiều tờ báo Việt Nam đề cập trong các bài viết về Hội Thánh Đức Chúa Trời.
“Giáo lý của tổ chức này có một số nội dung mang tính chất tà giáo, không đúng với Kinh Thánh”, theo bài báo trên Lao Động ngày 24/4.
Giáo lý của tổ chức này có một số nội dung mang tính chất tà giáo, không đúng với Kinh ThánhLao Động
“Các giáo lý, giảng đạo của “Hội thánh Đức Chúa Trời” mang tính chất tà đạo, có biểu hiện mê tín dị đoan”, theo Sài Gòn Giải Phóng ngày 26/4.
“Công an xác minh nhóm tà giáo ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời” là nhan đề bài báo của Dân Việt ngày 24/4.
Bình luận về sự việc này, Mục sư Lê Minh Đạt, từ TP Hồ Chí Minh nói với BBC ngày 25/4:
“Các tôn giáo cũng cần có môi trường tự do cạnh tranh để tôn giáo tốt thì tồn tại, tôn giáo không tốt sẽ tự tàn lụi.”
Nói với BBC, mục sư Lê Minh Đạt nói trước hết cần xem Hội Thánh Đức Chúa Trời như những tôn giáo, tín ngưỡng bình thường khác và người dân có quyền tự do lựa chọn đức tin theo quy định của pháp luật.
Sau đó, để có thể đánh giá đây có là ‘tà giáo’ hay ‘cuồng tín’ hay không, cần tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu Kinh Thánh chứ không thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước, chừng nào cơ sở tôn giáo đó không phạm pháp.
“Tà giáo” là một khái niệm thần học, và thường được sử dụng trong nội bộ Cơ đốc giáo để nói về những niềm tin sai trật so với Kinh Thánh, thang đo đúng sai là Kinh Thánh. Một giáo hội có phải tà giáo hay không, do đó, không phải vấn đề pháp lý và không thuộc sự điều chỉnh của pháp luật.”
Phản ứng từ giới chức
Trong khi đó, nhu cầu được đánh giá một cách rõ ràng về HTĐCT, ít nhất là ở thời điểm này chưa được trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan quản lý Việt Nam.
Phản ứng chính thức của Ban Tôn giáo Chính phủ đăng trên website ngày 25/4, dẫn lời Trưởng ban Vũ Chiến Thắng, nói có cấp phép một số nhóm tôn giáo cùng tên.
Nhưng để khẳng định các nhóm Hội Thánh Đức Chúa Trời ‘tiêu cực’ như báo chí phản ánh có liên quan đến các nhóm được cấp phép không thì cần phải có thời gian kiểm chứng, theo ông Thắng.
Trước đó, báo Vietnamnet dẫn lời bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói ở góc độ quản lý văn hoá, việc khẳng định mê tín dị đoan hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố do ranh giới ‘rất khó trên thực tế’.
Bà nói nếu việc này mang lại hậu quả xấu cho xã hội như phản ánh của báo chí thì “có các quy phạm pháp luật khác để điều chỉnh”.
BBC đã liên lạc với Hội Thánh Đức Chúa Trờitại Hàn Quốc qua điện thoại và được đề nghị gửi câu hỏi qua email. Chúng tôi sẽ đăng tải nội dung sau khi nhận được hồi đáp.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43890229

Phát hiện 3,8 tấn vảy tê tê nhập vào Việt Nam

Lực lượng chức năng Việt Nam vào ngày 27 tháng 4 đã phát hiện gần 3,8 tấn vảy tê tê được cất giấu kỹ trong 2 container gỗ tại cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Đây được coi là vụ nhập lậu vảy tê tê có số lượng lớn nhất từ trước đến nay, ước tính giá hàng chục tỉ đồng, tại Cục Hải quan TP.HCM.
Báo Tuổi Trẻ loan tin cho biết Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã chủ trì với Đội kiểm soát Hải quan, Cục điều tra chống buôn lậu, PC46 và Bộ đội biên phòng khám xét và thực hiện vụ bắt giữ.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM nói qua thu thập thông tin, cơ quan này đã rà soát và phát hiện 2 container gỗ nói trên được nhập khẩu từ Congo và trung chuyển qua cảng ở Singapore.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Phước Đức tại tỉnh Bình Phước khai báo nhận lô hàng và khai báo hàng hóa là gỗ.
Chuyên gia của cơ quan bảo tồn các loài nói tê tê là loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng vì bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới. Vảy tê tê nằm trong danh mục hàng hóa cấm buôn bán.
Tại Châu Á, thịt của tê tê được tin là có thể dùng như một loại thuốc trị bệnh, nhất là ở Trung Quốc và Việt Nam.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 2017 xếp Việt Nam vào danh sách những nước cần chú ý về buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Việt Nam còn bị cho là một điểm trung chuyển lớn và cũng là nơi tiêu thụ ngà voi và sừng tê giác lậu.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/3-point-8-tons-of-pangolin-skin-imported-into-vietnam-04272018110515.html

Dân biểu Hoa Kỳ gặp Đại sứ Kritenbrink

bàn việc di cư Việt bị trục xuất

Các dân biểu liên bang Hoa Kỳ trong tuần vừa có cuộc gặp với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có việc Hoa Kỳ trục xuất người di cư phạm tội về Việt Nam.
Trong một thông báo hôm 25/4, Dân biểu Alan Lowenthal cho biết ông cùng với nữ dân Biểu Zoe Lofgren và Dân biểu Lou Correa vừa có cuộc gặp với Đại sứ Kritenbrink tại thủ đô Washington để bàn về một số vấn đề liên quan tới Việt Nam như những vụ vi phạm nhân quyền, vấn đề tù nhân lương tâm, vấn đề cấp thị thực y tế khẩn cấp, thương mai, vụ Formosa gây thảm họa môi trường, và đặc biệt là vấn đề Hoa Kỳ trục xuất di cư Việt phạm tội ở Mỹ về nước.
Dân biểu Lowenthal, đại diện cho quận 47 bang California, nói: “Tôi an tâm khi ông đại sứ tỏ thiện chí sẵng sàng làm việc với văn phòng của tôi về các vấn đề này.”
Trong một thông cáo báo chí ngày 25/4, Dân Biểu Correa, đại diện cho quận 46 bang California, nói ông rất vinh dự có cơ hội gặp gỡ Đại Sứ Kritenbrink, cùng với hai đồng viện cùng là thành viên của nhóm các nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ quan tâm tới tình hình Việt Nam, (tức Nhóm Caucus on Vietnam), trao đổi những vấn đề mà cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ quan tâm.
Dân Biểu Correa nhận định rằng, để bảo đảm mối quan hệ lâu dài giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, các dân biểu và nghị sĩ Mỹ phải tiếp tục lên tiếng về nhân quyền, và phải đề cao giá trị nhân phẩm của con người và tự do tôn giáo.
Dân Biểu Correa cũng đề cập đến kế hoạch của chính phủ Tổng thống Trump trục xuất hơn 8,000 người tị nạn Việt Nam về nước. Dân Biểu Correa nhấn mạnh “…Đối với phần lớn cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, Hoa Kỳ không chỉ là quê hương, mà còn là nơi bảo vệ họ khỏi sự đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam…”.
Vào tháng 11 năm ngoái, hai dân biểu Correa và Lowenthal cùng với dân biểu đại diện cho các cộng đồng cử tri gốc Á khác đã viết thư yêu cầu Cơ quan Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) trả tự do cho những người di dân từ Việt Nam và Campuchia và đừng trục xuất họ về nước.
https://www.voatiengviet.com/a/dan-bieu-hoa-ky-gap-dai-su-kritenbrink-ban-viec-di-cu-viet-bi-truc-xuat/4367412.html

Thay đổi nhân sự lớn tại Hội nghị Trung ương 7?

Hoài Hương-VOA
Những nghi vấn về tương lai chính trị của Chủ tịch nước Việt Nam lại rộ lên trên các trang mạng xã hội sau lần vắng mặt kéo dài thứ nhì của ông trong trên dưới 9 tháng. Trong khi sự vắng mặt của ông Trần Đại Quang không được giải thích đầy đủ và minh bạch, có tin ông đang ở Nhật Bản để chữa bệnh. Nhiều bài báo trên các trang mạng xã hội thậm chí nói rằng sự nghiệp chính trị của Chủ tịch Trần Đại Quang coi như đã được định đoạt, và việc ông sang Nhật chữa bệnh chỉ là một sự ‘dàn xếp’ trước những thay đổi nhân sự sẽ được công bố tại Hội nghị Trung ương 7 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm 2018. Lần này, một số nhà quan sát nhận định những đồn đoán rằng ông Quang có thể bị loại, hoặc rút lui khỏi chính trường là ‘có cơ sở’ và bình luận về một số nhân vật có tiềm năng thay thế ông, trong số đó có ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị và hiện là Bí thư Thành ủy thành phố HCM, ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Một kịch bản khác là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm luôn chức Chủ tịch nước. Từ Paris, nhà báo độc lập Bùi Tín trao đổi với VOA-Việt ngữ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang không xuất hiện trước công chúng từ ngày 4/4 năm nay, khiến các trang mạng xã hội nóng lên với những tin đồn về sự vắng mặt ‘bất thường’ của ông. Dư luận chú ý tới sự vắng mặt của ông tại các hoạt động và nghi lễ ngoại giao thường có mặt của Chủ tịch nước. Họ lưu ý rằng ngay cả hình ảnh của ông cũng không thấy xuất hiện trên báo chí hay các phương tiện truyền thông khác.
Nhiều dấu hỏi đã được nêu lên về tình trạng sức khỏe và thậm chí, tương lai chính trị của ông. Đây không phải là lần đầu ông Trần Đại Quang trở thành tâm điểm của sự chú ý vì đã vắng bóng trên chính trường một cách bất thường. Hồi năm ngoái, sự vắng mặt ‘bí ẩn’ của ông trong một tháng – từ tháng 7 năm 2017- dẫn đến những tin đồn về một cuộc đấu đá nội bộ trong hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, gây sự chú ý của báo chí quốc tế. Một nguồn tin từ Nhật bản lúc đó cho biết ông Trần Đại Quang được điều trị y tế tại nước này. Lần này những thông tin tương tự cũng lan truyền trên các trang mạng xã hội khi người ta không thấy ông Quang tới dự một số sự kiện quan trọng, chẳng hạn như không gặp bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Chính phủ và là nhà lãnh đạo ‘trên thực tế’ của Myanmar, tới thăm chính thức Hà nội trong 2 ngày 19-20/4, khi bà gặp tất cả các lãnh đạo cao cấp nhất, ngoại trừ Chủ tịch nước.
Nhà báo Bùi Tín từ Paris nói về những tin đồn liên quan tới Chủ tịch Trần Đại Quang:
“Người ta đồn đoán vì có thể là ông Nguyễn Phú Trọng muốn thay đổi người ở cái chức vụ Chủ tịch nước, hạ ông Quang xuống thay người khác.”
Trong bài viết tải lên trang mạng nghiencuuquocte.org về khả năng thay đổi nhân sự đáng kể tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm 2018, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) Yusof Ishak ở Singapore, nói có nhiều khả năng vị trí của ông Quang sẽ được thay thế “do vấn đề sức khỏe”.
Ông Bùi Tín nói ông cũng có được nghe tin đồn rằng ông Trần Đại Quang đang ốm nặng:
“Ba tháng nay ông ấy ốm, có tin nói ông ấy ốm nặng và phải sang Nhật Bản để điều trị, nghe nói là bị bệnh ung thư. Nhưng mà có thể đây là một cách sắp xếp bố trí của ông Nguyễn Phú Trọng để đưa dần, dưa dần ông Quang ra, và có thể còn thay 3, 4 ủy viên Bộ Chính trị nữa.”
Ba ủy viên mới là để thay thế các ủy viên đang đối mặt với vấn đề sức khỏe hoặc pháp lý khiến họ không thể hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm, trong đó ngoài Chủ tịch Trần Đại Quang, có ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, nhân vật số 5 của chế độ bị ngừng công tác vì sức khỏe kém, và ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, bị loại khỏi Bộ Chính trị vào tháng 5/2017 do các cáo buộc về tham nhũng và sai phạm trong quản lý kinh tế.
Như Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nhà báo Bùi Tín tin rằng ông Nguyễn Thiện Nhân là nhân vật có thể được chọn để thay thế ông Trần Đại Quang trong vai trò chủ tịch nước. Ông Bùi Tín nêu lý do vì sao dưới con mắt ông Nguyễn Phú Trọng, ông Thiện Nhân là ứng viên sáng giá cho chức vụ này:
“Ông Nguyễn Phú Trọng chọn ông Nguyễn Thiện Nhân là vì ông Nhân nổi tiếng là con người rất là ‘hiền lành, có thể nói là mềm yếu, người ít có ý kiến độc lập, chuyên môn nghe theo lãnh đạo.”
Hai ứng viên khác được nhắc đến như những ứng viên có tiềm năng là ông Nguyễn Văn Bình, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước- hiện là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, và bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch nước.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng tin rằng sẽ có 3 thành viên mới được đưa vào Bộ Chính trị. Trong số 5 ứng viên mà ông cho là có triển vọng nhất, có ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, và ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính.
Nhà báo Bùi Tín nói ông không tin là cựu Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ được chọn bởi vì ông Bình có liên can trong một số vụ tai tiếng trong ngành ngân hàng, trong khi bà Ngọc Thịnh, theo ông, chưa có đủ mức tín nhiệm cần thiết.
“Người ta đồn về ông Nguyễn Văn Bình là vì ông Bình mới đây đã được cử sang Bắc Kinh, đây là một vị trí hiếm hoi, nhưng đây chỉ là giả thuyết thôi. Về bà Ngọc Thịnh thì tôi nghĩ là chưa đến đủ mức tín nhiệm về chuyên môn để có thể tham gia Bộ Chính trị.”
Nhà báo Bùi Tín nói loại trừ Chủ tịch nước Trần Đại Quang đi song song với chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng, mà mục đích, theo nhà báo, là để trừ khử ‘một cách chọn lọc’ các đối thủ chính trị và phe cánh của họ.
“Vâng ý muốn của ông Trọng là đốt lò lên, không phải là để trừ khử mọi sâu bọ đâu, mà đây chỉ là cái cớ để mà diệt, nhưng mà diệt ‘có chọn lọc’ những đối thủ của ông. Chống tham nhũng chỉ là cái cớ để đấu tranh trong nội bộ để giành lấy quyền lợi và vị trí cho phe phái riêng của mình.”
Hầu như đã rõ ràng ông Trần Đại Quang là một đối thủ sắp bị loại. Lần gần đây nhất mà các báo nhà nước đưa tin về ông là ngày 2 Tháng Tư, khi ông Quang tiếp đón Thư ký Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mông Cổ Amarjargal Gansukh tại Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội.
Nhiều người bày tỏ lo ngại rằng chiến dịch đốt lò “có chọn lọc” của ông Nguyễn Phú Trọng, hiện đang nhắm vào hai thành phố lớn là Đà Nẵng và thành phố HCM, đang gây nhiều hoang mang trong nội bộ và có nguy cơ tác động tới tinh thần đảng viên. Một loạt vụ bắt giữ và truy tố những nhân vật từng làm mưa làm gió trên chính trường và thương trường Việt Nam, chưa kể tới nhiều tướng công an từng được vinh danh “anh hùng lực lượng vũ trang”, hé lộ một bức tranh u ám về cuộc đấu đá quyền lực vẫn đang tiếp diễn, kịch liệt, đàng sau chiến dịch đốt lò.
Theo nhà báo Bùi Tín và các tác giả của nhiều bài viết dồn dập tải lên các trang mạng xã hội trong vài ngày qua, thì chiến dịch đốt lò sẽ tiếp tục và sẽ còn nhiều màn ngoạn mục trong việc sắp xếp nhân sự trong thời gian dẫn tới Hội nghị Trung ương 7.
https://www.voatiengviet.com/a/4367769.html

Việt Nam ủng hộ

phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Lập trường của Việt Nam đối với tình hình bán đảo Triều Tiên là ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo này, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam nói với người đứng đầu Chính phủ Hàn Quốc trước thềm cuộc hội nghị thượng đỉnh Liên Triều sắp diễn ra.
Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân là một trong những yêu cầu then chốt mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được cho là sẽ đề nghị với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào sáng thứ Sáu ngày 27/4. Đây cũng là yêu cầu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ nêu lên với ông Kim vào cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước, được lên lịch vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu này.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, được báo Quân đội Nhân dân dẫn lời nói với Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon hôm 24/4 rằng: “Chúng tôi ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ủng hộ những hành động, biện pháp tích cực, có tính xây dựng nhằm thúc đẩy đối thoại, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.”
Đại tướng Lịch đưa ra phát biểu này trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đến Hàn Quốc theo lời mời của người đồng cấp phía Hàn Quốc Song Young-moo.
Trước đó, trong cuộc hội đàm giữa bộ trưởng Quốc phòng hai nước, ông Lịch cũng được dẫn lời nói rằng việc “giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên” là “thiết yếu với hòa bình, thịnh vượng của không chỉ bán đảo Triều Tiên mà còn của cộng đồng quốc tế.”
“Chúng tôi hy vọng, với thiện chí và quyết tâm của các bên, các cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều và Triều Tiên – Hoa Kỳ tới đây sẽ là cơ sở để có bước đột phá mới cho việc giải quyết hòa bình những căng thẳng hiện nay,” ông được tờ Quân đội nhân dân dẫn lời nói.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã hoan nghênh cuộc họp thượng đỉnh Liên Triều lần này “nhằm thúc đẩy đối thoại, duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao hôm 19/4.
Chính quyền Hà Nội có quan hệ tốt đẹp với cả hai miền Triều Tiên. Hàn Quốc là một trong những nước có đầu tư và trao đổi thương mại nhiều nhất với Việt Nam. Trong khi đó, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Triều Tiên cũng đã thăm viếng lẫn nhau, trong đó có chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh vào năm 2007 và chuyến thăm Hà Nội của ông Kim Yong-nam, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, hồi năm 2012.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhiều lần lên tiếng phản đối việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân và kêu gọi Bình Nhưỡng tiến hành phi hạt nhân hóa.
https://www.voatiengviet.com/a/hat-nhan-ban-dao-trieu-tien-quoc-phong-han/4366471.html

‘Trường ma’ của Mỹ liên kết đào tạo

với 14 tỉnh thành ở Việt Nam

Hơn 10 trường học ở Việt Nam phải dừng liên kết với trường George Washington International School (GWIS) sau nghi vấn cho rằng đây là ‘trường ma’ ở Mỹ.
Báo VNExpress cho biết vào chiều 19/4, đại diện các trường học từ các tỉnh Đồng Tháp, Phú Yên, Đăk Lăk…tập trung ở Hà Nội tìm cách xử lý ‘khủng hoảng’ sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu dừng hợp tác với trường GWIS.
Một thông cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 18/4 nói: “GWIS không phải là trường phổ thông có giáo viên, học sinh và được kiểm định chất lượng tại Mỹ.”
Trong tuần qua, VOA đã liên lạc với trường GWIS ở thành phố Ontario, bang California, nhưng chưa được phản hồi; số điện thoại nêu trên trang web của trường đã ngưng hoạt động.
Trước đó, ông Pope Thrower, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, khẳng định tòa Đại sứ Mỹ không tìm thấy tên trường GWIS trên bất kỳ danh sách nào của Cục An ninh Nội địa Mỹ, bang Florida hay bang California, hai tiểu bang mà trường khai rằng họ có đặt trụ sở.
Đài truyền hình Việt Nam VTV đã cử phóng viên đến địa chỉ đăng ký hoạt động của trường GWIS tại thành phố Ontario, bang California, nhưng “không có bất kỳ một tấm biển hiệu nào liên quan đến nhà trường cũng như là có những hoạt động gì cho thấy sự tồn tại của một trường học tại đây.”
Trường GWIS được biết có hợp tác đào tạo với các trường phổ thông ở 14 tỉnh thành Việt Nam.
Báo Zing trích lời ông Đinh Công Bằng, một chuyên gia giáo dục tại Mỹ, nhận định các “trường ma” của Mỹ thường hoạt động ở những nước châu Á vì nhiều yếu tố, trong đó có tâm lý hướng ngoại của phụ huynh và học sinh.
https://www.voatiengviet.com/a/truong-ma-cua-my-lien-ket-dao-tao-voi-14-tinh-thanh-o-vietnam/4357802.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?