Tin khắp nơi – 29/04/2018

Tin khắp nơi – 29/04/2018

Bãi thử hạt nhân Bắc Hàn ‘đóng cửa vào tháng 5′

Bãi thử hạt nhân của Bắc Hàn sẽ đóng cửa vào tháng 5/2018, văn phòng Tổng thống Nam Hàn công bố.
Phát ngôn viên văn phòng Tổng thống Nam Hàn cho biết việc đóng cửa sẽ được tiến hành công khai và các chuyên gia Nam Hàn và Mỹ sẽ được mời đến chứng kiến sự kiện này.
Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn diễn ra ‘ba, bốn tuần tới’
Thượng đỉnh Mỹ – Triều: Trump không ‘tham khảo’ ngoại trưởng?
Bắc Hàn ‘ngưng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân’
Hôm 27/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in nhất trí hợp tác loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi bán đảo này.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra sau nhiều tháng khẩu chiến từ miền Bắc.
Kỷ nguyên hòa bình cho bán đảo Triều Tiên?
Nam Hàn đề xuất hội đàm cấp cao với Bắc Hàn
Mỹ và Nam Hàn ‘duy trì áp lực với Bắc Hàn’
“Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Kim cho biết ông sẽ tiến hành đóng cửa bãi thử hạt nhân vào tháng 5/2018,” phát ngôn viên của ông Moon nói với phóng viên, AFP tường thuật.
Vài giờ trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ có cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Bắc Hàn “trong ba hoặc bốn tuần tới”, về việc phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên.
Văn phòng Tổng thống Nam Hàn cũng cho biết Bắc Hàn sẽ thay đổi múi giờ của nước này – hiện tại là chênh lệch nửa giờ – để cùng múi giờ với miền Nam.
‘Bị sập’
Nằm ở vùng đồi núi phía đông bắc, bãi thử được cho là cơ sở hạt nhân chính của miền Bắc.
Các vụ thử hạt nhân diễn ra trong hệ thống đường hầm đào dưới núi Mantap, gần khu Punggye-ri.
Sáu vụ thử hạt nhân được tiến hành ở đó từ năm 2006.
Sau lần gần nhất, vào tháng 9/2017, một loạt cơn dư chấn xảy ra khiến các nhà nhà nghiên cứu địa chấn tin rằng một phần bên trong ngọn núi đã bị sập.
Tin này được đưa ra căn cứ vào những ảnh vệ tinh thu thập được và theo dõi việc di chuyển thiết bị tại địa điểm này.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43939423

Trump lại chê

trụ sở mới của sứ quán Mỹ ở London ‘tệ hại’

Tổng thống Mỹ Donald Trump lại chỉ trích quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tại London tới Nine Elms, nói địa điểm này “tệ hại” và “khủng khiếp”.
Tổng thống Hoa Kỳ, người sẽ đến thăm Anh vào tháng 7/2018, hồi tháng Một nói việc bán tòa nhà đặt sứ quán cũ ở Grosvenor Square là một “thỏa thuận tồi”.
Quyết định dời sứ quán được đưa ra trong nhiệm kỳ tổng thống George W Bush, dù Tổng thống Trump trước đây đổ lỗi cho người tiền nhiệm Barack Obama.
Ông Trump huỷ thăm London vào tháng 2
Tổng thống Trump sẽ thăm Anh vào tháng 7
Quốc hội Anh tranh luận cách đón tiếp ông Trump
Nga: ‘Trump mời Putin thăm Tòa Bạch Ốc’
Đại sứ quán mới, trị giá 1 tỷ đôla Mỹ, có 800 nhân viên.
Ông Trump nói ông nghĩ giới chức bán tòa nhà đặt sứ quán cũ với giá 250 triệu đôla (nhưng con số này cần phải kiểm tra lại).
Phát biểu tại Michigan, tổng thống nói: “Ở London, chúng tôi đã có địa điểm đắc địa nhất.”
“Vậy mà một số người nói: “Chúng ta sẽ bán trụ sở này lấy tiền và xây dựng đại sứ quán mới.”
“Nghe có vẻ ổn, nhưng lẽ ra khi làm điều đó thì phải còn dư tiền chứ?”
Trump sẽ ‘không được chào đón’ tại Quốc hội Anh
Trump thăm ngoại quốc khi ‘lùm xùm’ ở Mỹ tăng
Bà Akie Abe tránh nói tiếng Anh với ông Trump?
Ông Trump ‘không gặp’ bà Thái Anh Văn
Ông nói thêm: “Nhân tiện, họ muốn tôi đến cắt băng khánh thành đại sứ quán [hồi tháng 1/2018] nhưng tôi nói: “Tôi sẽ không đi. Tôi không muốn làm điều đó.”
Tòa nhà sứ quán chưa bao giờ thuộc sở hữu hoàn toàn của Hoa Kỳ. Họ có một hợp đồng thuê địa điểm này 999 năm, nhưng quyền sở hữu thuộc về Grosvenor Estates.
James Landale, phóng viên phụ trách mảng ngoại giao của BBC cho biết Đại sứ quán Mỹ được chuyển khỏi khu Mayfair bởi vì trụ sở này quá nhỏ để lắp đặt thiết bị an ninh hiện đại.
Đại sứ quán mới của Mỹ tại Nine Elms được khai trương ngày 16/1/2018.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43939424

Trump: Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn

diễn ra ‘trong ba, bốn tuần tới’

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói cuộc hội đàm với Bắc Hàn có thể diễn ra “trong ba, bốn tuần tới.”
“Đó sẽ là cuộc họp rất quan trọng, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên,” ông nói.
Trong khi đó, tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông đã có một “cuộc trò chuyện tốt đẹp” với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng gần đây.
Năm địa điểm hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim có thể diễn ra
Thượng đỉnh Mỹ – Triều: Trump không ‘tham khảo’ ngoại trưởng?
Bắc Hàn ‘ngưng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân’
Tổng thống Nam Hàn sẽ thăm Bắc Kinh
Hôm 27/4u, ông Kim và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in nhất trí hợp tác để loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi bán đảo này.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở biên giới diễn ra chỉ vài tháng sau những lời khẩu chiến từ miền Bắc.
Ông Kim trở thành nhà lãnh đạo Bắc Hàn đầu tiên đặt chân đến Nam Hàn từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.
Trong nhiều năm, Bình Nhưỡng quả quyết rằng họ sẽ không bao giờ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân mà họ tuyên bố để tự bảo vệ chống lại Mỹ xâm lăng.
Tổng thống Trump nói gì?
Phát biểu tại cuộc tập hợp ở Washington, ông Trump nói: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có cuộc hội đàm trong ba hoặc bốn tuần tới.”
Ông nói mình hy vọng các cuộc đàm phán thành công về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Nhưng tổng thống nói thêm rằng ông đã sẵn sàng bỏ đi nếu các cuộc đàm phán không tiến triển.
Hội đàm liên Triều: Cuộc gặp Kim-Moon đem lại gì?
Seoul sẽ ‘mê hoặc’ Kim Jong-un bằng món ăn Thụy Sỹ?
Bình Nhưỡng sẵn sàng ‘thảo luận phi hạt nhân hóa’
Kỷ nguyên hòa bình cho bán đảo Triều Tiên?
Bắc Hàn chưa phản hồi về phát ngôn mới nhất của ông Trump.
Trước đó, ngày 28/4, ông Trump viết trên Twitter rằng “mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp” và việc chuẩn bị đang được tiến hành cho hội nghị thượng đỉnh với ông Kim.
Trong một diễn biến khác, ông Pompeo nói với ABC News rằng ông Kim đã “sẵn sàng … vạch ra lộ trình” về quá trình phi hạt nhân hóa.
Ông Pompeo mô tả lãnh đạo Bắc Hàn “chuẩn bị chu đáo” cho các cuộc đàm phán ở Bình Nhưỡng.
Giới chức Mỹ vẫn đang cân nhắc nơi tổ chức cuộc đàm phán giữa Tổng thống Trump và ông Kim. Mông Cổ và Singapore được cho là hai nước trong danh sách được sàng lọc cuối cùng.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43939422

Ông Trump dọa đóng cửa chính phủ liên bang

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 28/4 đe dọa đóng cửa chính phủ liên bang vào tháng Chín tới nếu quốc hội nước này không quyết định cung cấp thêm ngân sách để xây dựng bức tường trên biên giới với Mexico.
“Bức tường đó đã khởi công, chúng tôi có 1,6 tỷ đôla”, ông Trump nói trong một cuộc vận động ở Washington, Michigan, theo Reuters.
“Chúng tôi sẽ nêu lên chuyện này vào ngày 28/9, và nếu chúng tôi không có an ninh trên biên giới, chúng tôi không có lựa chọn nào khác là đóng cửa đất nước vì chúng tôi cần an ninh trên biên giới”.
Theo Reuters, ông Trump từng có lời đe dọa tương tự hồi tháng Ba nhằm thúc đẩy các thay đổi đối với dự luật về di dân mà ông nói sẽ ngăn chặn những kẻ tội phạm xâm nhập vào Hoa Kỳ.
Chính phủ liên bang Mỹ hồi đầu năm nay từng đóng cửa trong thời gian ngắn vì tranh cãi về vấn đề di dân.
Dự luật về chi tiêu 1,3 nghìn tỷ đôla, vốn được ông Trump ký vào hồi tháng trước, sẽ giúp chính quyền liên bang đủ ngân sách hoạt động cho tới tháng Chín tới.
Theo Reuters, việc đóng cửa chính phủ trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 nhiều khả năng sẽ không được các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa, vốn muốn duy trì quyền kiểm soát quốc hội, ủng hộ.
Ông Trump nêu lên chuyện hàng trăm di dân từ Trung Mỹ mới đi xe buýt tới Hoa Kỳ là một trong các lý do phải củng cố an ninh trên biên giới.
“Đó là một chuyến đi kinh khủng, đầy hiểm nguy đối với họ và họ ra đi vì biết rằng một khi tới đây, họ có thể đi ngay vào đất nước chúng ta”, ông Trump nói.
Các di dân, bao gồm phụ nữ và trẻ em, cho biết rằng họ phải rời bỏ nhà cửa ở Guatemala, El Salvador và Honduras vì bị các băng đảng tội phạm đe dọa mạng sống, vì người thân bị giết và bị trừng phạt về chính trị.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-lai-doa-dong-cua-chinh-phu-lien-bang/4369664.html

Thẩm phán đồng ý hoãn

vụ kiện  của Stormy Daniels nhắm vào Trump

Một thẩm phán hôm thứ Sáu đã hoãn một vụ kiện dân sự do nữ diễn viên khiêu dâm Stormy Daniels đệ trình nhắm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump và luật sư cá nhân của ông, Michael Cohen, dẫn ra một cuộc điều tra hình sự mà luật sư này đang phải đối mặt.
Thẩm phán Khu vực tư pháp liên bang S. James Otero đã đồng ý hoãn vụ kiện trong ba tháng và ấn định một phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 27 tháng 7.
Ông Cohen yêu cầu hoãn vụ kiện này sau vụ FBI đột kích nhà và văn phòng của ông hồi đầu tháng này. FBI đang tìm kiếm những hồ sơ về một thỏa thuận cấm tiết lộ thông tin mà cô Daniels đã ký vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Cô Daniels, tên thật là Stephanie Clifford, nói rằng cô từng dan díu với ông Trump vào năm 2006 và đã kiện để được bãi bỏ thỏa thuận giữ bí mật này vốn ngăn cô nói về chuyện đó. Cô cũng kiện ông Cohen, cáo buộc ông ta phỉ báng.
Luật sư của ông Cohen nói tại tòa án vào tuần trước rằng bởi vì cuộc điều tra hình sự chồng chéo với các vấn đề trong vụ kiện, quyền không phải khép tội chính mình của thân chủ của ông có thể bị ảnh hưởng tiêu cực vì ông sẽ không thể trả lời và tự biện hộ.
Ông Otero đồng ý, phán quyết rằng “có một sự chồng chéo dữ kiện tiềm năng lớn giữa thủ tục tố tụng dân sự và hình sự mà sẽ ảnh hưởng nặng đến quyền Tu chính án thứ năm của ông Cohen.”
Luật sư của cô Daniels, Michael Avenatti, viết trên Twitter rằng ông có phần chắc sẽ đệ trình kháng nghị ngay lập tức về phán quyết của ông Otero lên Tòa án Phúc thẩm liên bang Khu vực 9.
“Chúng tôi không đồng ý với phán quyết,” ông Avenatti viết. “Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối.”
Dù ông Otero đồng ý với ông Avenatti rằng lập luận của ông Cohen xin trì hoãn trở nên yếu đi nếu không có một bản cáo trạng được đưa ra đối với ông, song “tầm quan trọng của cuộc đột kích của FBI không thể bị hạ giảm.”
“Đây không phải là một cuộc điều tra hình sự đơn giản,” ông Otero viết. “Đây là một cuộc điều tra nhắm vào luật sư riêng của một tổng thống đương nhiệm liên quan đến các tài liệu mà có thể nằm trong đặc quyền luật sư-thân chủ.”
Ông nói tiếp rằng “dù bản cáo trạng có sắp được đưa ra hay không, và tòa án này nghĩ rằng có phần chắc nói sẽ được đưa ra chỉ dựa trên những dữ kiện này thôi, những trường hợp đặc biệt như thế này cho thấy nên trì hoãn.”
https://www.voatiengviet.com/a/tham-phan-dong-y-hoan-vu-kien-cua-stormy-daniels-nham-vao-trump/4369147.html

Thêm thành viên từ chức,

Viện Hàn lâm Thụy Điển chìm trong khủng hoảng

Viện Hàn lâm Thụy Điển hôm thứ Bảy cho biết một thành viên nữa sẽ từ chức. Thông báo này làm trầm trọng thêm một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từng xảy ra với tổ chức chuyên chọn những người thắng giải Nobel Văn chương.
Viện hàn lâm danh giá này đang vướng phải những cáo buộc về hành vi tình dục sai trái của chồng của một trong những thành viên của viện, và đang choáng váng về lời thừa nhận là tên của một số người đoạt giải – một chủ đề khơi lên vô số đồn đoán và được nhiều người đặt cược – đã bị rò rỉ trước giờ loan báo.
“Viện hàn lâm Thụy Điển muốn thông báo rằng Sara Stridsberg đã thông báo với viện vào ngày 27 tháng 4 rằng bà ấy muốn rời khỏi nhiệm vụ của bà trong tư cách thành viên,” ủy ban nói trong một thông cáo mà không đưa ra thêm chi tiết.
Đầu tháng này, Thư ký thường trực Viện hàn lâm Sara Danius đã từ chức và bốn thành viên khác cũng thông báo rút lui khỏi hội đồng quản trị sau vụ tai tiếng.
18 thành viên của Viện hàn lâm vẫn không thể từ chức được về mặt nguyên tắc vì những quy định cổ hủ khiến họ tại nhiệm suốt đời. Nhưng Quốc vương Thụy Điển Carl XVI Gustaf tuần trước nói rằng ông sẽ thay đổi các quy định này để các thành viên mới có thể vào.
Cuộc khủng hoảng bao trùm cơ quan trao giải Nobel Văn chương đã khơi lên những đồn đoán trong giới truyền thông rằng giải thưởng này có thể bị hủy bỏ trong năm nay. Những lựa chọn của ủy ban gợi hứng thú và thường gây khó hiểu cho những người yêu thích văn chương khắp thế giới.
Giải thưởng năm 2016 thuộc về ca nhạc sĩ nhạc dân gian người Mỹ Bob Dylan. Lựa chọn này đã chia rẽ ý kiến về việc liệu một ca nhạc sĩ nổi tiếng có nên được trao giải thưởng mà lâu nay vẫn là lĩnh vực của các tiểu thuyết gia và nhà soạn kịch hay không.
Đơn vị tội phạm tài chính của cảnh sát Thụy Điển hôm thứ Sáu cho biết họ đã khởi động một cuộc điều tra nhắm vào Viện hàn lâm Thụy Điển, nhưng không đưa ra thêm thông tin nào.
https://www.voatiengviet.com/a/them-thanh-vien-tu-chuc-vien-han-lam-thuy-dien-chim-trong-khung-hoang/4369142.html

Hàn Quốc điều máy bay

chặn máy bay trinh sát Trung Quốc

Hàn Quốc hôm thứ Bảy cho biết họ đã điều các máy bay quân sự để chặn một máy bay của Trung Quốc xâm nhập vùng phòng không của Hàn Quốc, chưa đầy hai tháng sau khi Seoul chính thức phản đối về một vụ xâm phạm khác.
Máy bay của Trung Quốc được cho là một máy bay trinh sát quân sự và đã bay gần bốn tiếng đồng hồ trong Vùng Nhận dạng Phòng không của Hàn Quốc, Hội đồng Tham mưu trưởng Hàn Quốc cho biết trong một thông cáo.
Đây ít nhất là vụ thứ ba như vậy trong năm nay. Hàn Quốc đã triệu tập đại sứ Trung Quốc vào tháng 2 để chính thức phản đối.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận ngay tức thì vào ngày thứ Bảy, lúc bắt đầu một đợt nghỉ lễ dài cuối tuần.
Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh nói hồi tháng 2 rằng các chuyến bay này hoàn toàn phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế và rằng “các vùng nhận dạng phòng không không phải là lãnh không.”
Không quân Trung Quốc đang ngày càng hoạt động xa bờ biển hơn, bao gồm các chuyến bay vào Tây Thái Bình Dương thường băng qua một chuỗi đảo phía nam của Nhật Bản và xung quanh đảo Đài Loan tự trị, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Trung Quốc thường nói rằng họ không có ý định thù địch.
Nhưng chính phủ Trung Quốc đã nói rằng các cuộc diễn tập gần Đài Loan nhằm gửi đi thông điệp rằng hòn đảo dân chủ này sẽ gánh chịu hậu quả nếu tìm cách thúc đẩy độc lập chính thức.
https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-dieu-may-bay-chan-may-bay-trinh-sat-trung-quoc/4369134.html

Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ

tỏ ra thống nhất về hồ sơ Syria

Hôm qua, 28/04/2018, lãnh đạo ngoại giao Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã họp tại Matxcơva để bàn về tương lai của Syria. Theo AFP, cả ba nước đã cố thể hiện sự đoàn kết cho dù có những lợi ích trái ngược trong hồ sơ Syria.
Từ thủ đô Nga, thông tín viên Etienne Bouche cho biết thêm thông tin:
Ngoại trưởng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã thông qua một thông cáo chung sau cuộc thảo luận được tiến hành ở Matxcơva ngày 28/04. Mục đích cuộc họp được nêu ra là tái lập hòa bình ở Syria, đồng thời bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov, đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu cùng ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình Astana, vòng thương lượng ngoại giao bao gồm ba cường quốc hiện đóng vai trò tất yếu trong việc giải quyết cuộc xung đột Syria.
Tuy nhiên, Matxcơva, Ankara và Teheran lại có những lợi ích khác nhau. Vấn đề tương lai của Bachar Al Assad không có được sự đồng thuận chung và trở thành một trở ngại trong việc giải quyết cuộc xung đột.
Các vụ tấn công do Washington, Paris và Luân Đông tiến hành vừa qua, đã làm lộ rõ những lập trường trái ngược nhau. Khác với Nga và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ lại tán đồng hành động của này của phương Tây nhằm trả đũa vụ tấn công bằng vũ khí hóa học được cho là do chính quyền Damas thực hiện.
Về chủ đề này, cả ba nước bày tỏ lập trường chung, cùng lên án việc sử dụng vũ khí hóa học và đồng thời nhắc lại vai trò quan trọng hàng đầu của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (OIAC).
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180429-nga-iran-va-tho-nhi-ky-hop-tai-matxcova-ban-ve-tuong-lai-cua-syria

Tổng thống Mỹ lại tẩy chay dạ tiệc với báo chí

Theo thông lệ từ 40 năm qua, bữa ăn tối truyền thống với các nhà báo được tổ chức tại Nhà Trắng tối 28/04/2018. Tuy nhiên, năm nay cũng như năm ngoái, tổng thống Mỹ Donald Trump lại « thất hẹn » với cuộc hội ngộ đề cao tự do ngôn luận này để đi dự mít ting ở bang Michigan.
Thông tín viên RFI Grégroire Pourtier tường trình từ New York :
« Trước tiên là Washington Townships, ở bang Michigan, rồi ở Washington DC, thủ đô Liên Bang… Trước tiên được phát trên Fox News, kênh truyền hình ưa thích của tổng thống Donald Trump, rồi trên CNN và MSNBC, những đài mà ông coi là chuyên đưa tin giả.
Chương trình truyền hình tối hôm qua được chia thành hai phần, với các màn trình diễn, quang cảnh công chúng, và với các bầu không khí khác biệt.
Mở màn vũ điệu, tổng thống Mỹ phát biểu tại một trong những cuộc mít tinh giúp ông lấy lại khí thế . Ông say sưa chuyển từ chủ đề thời sự này sang chủ đề khác, và ở mỗi chủ đề, ông thích thú nói đến những kết quả mà ông cho rằng là tốt hơn so với tất cả những người tiền nhiệm.
Có một điểm mới trong cuộc mít tinh tối qua : đám đông hô vang « Nobel, Nobel », đòi trao tặng giải thưởng Nobel Hòa Bình cho nhà vô địch của mình do có những đóng góp cho các tiến bộ vừa đạt được trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Hiển nhiên, Donald Trump tổ chức mít tinh tại nơi ông có được sự ủng hộ của cử tri, ngược lại, bầu không khí tại bữa ăn tối của các phóng viên báo chí dường như không thuận lợi cho ông lắm. Một số thành viên trong chính quyền Trump có mặt tại dạ tiệc, nhưng không hề muốn cười, thậm chí không gượng cười trước các câu nói bông đùa chế diễu của Michelle Wolf. Tuy ít được công chúng biết đến, nghệ sĩ hài không buông tha Nhà Trắng. Bà nói : Chúng ta đang ở năm 2018. Tôi là một phụ nữ và do vậy, các vị không thể bắt tôi im lặng. Trừ phi Michael Cohen chuyển cho tôi 130 ngàn đô la. Hàm ý nói việc luật sư của Donald Trump đã thương lượng với nữ diễn viên phim khiêu dâm một thỏa thuận tôn trọng giữ bí mật. Michelle Wolf nói tất cả, không có gì kiêng kỵ.
Thậm chí, bà còn nói trước là bà rất muốn trực diện với vị tổng thống và cho rằng ông đã hèn khi không tới dự dạ tiệc ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180429-tong-thong-my-lai-tay-chay-da-tiec-voi-bao-chi

Ngoại trưởng Mỹ

vận động Trung Đông đoàn kết đối phó với Iran

Thu Hằng
Trong hai ngày cuối tuần 28-29/04/2018, tân ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp lãnh đạo các nước Ả Rập Xê Út và Israel để thông báo về những dự định của tổng thống Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ông Mike Pompeo đã đến Riyad ngày 28/04, mở đầu vòng công du ba nước đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Tại đây, ngoại trưởng Mỹ đã cho biết đường lối cứng rắn của tổng thống Donald Trump đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo Reuters, phát biểu với báo giới tại Riyad, sau khi tiếp kiến quốc vương Ả Rập Xê Út ngày 29/04, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến « tầm quan trọng bảo đảm mối liên kết giữa các nước vùng Vịnh », hiện bị chia rẽ vì khủng hoảng với Qatar, để đối phó với thách thức Iran.
Theo lịch trình, sau hai ngày thăm Ả Rập Xê Út, ngoại trưởng Mỹ đến Israel và Jordani. Ông Mike Pompeo trở về Mỹ vào thứ Ba 01/05 và hứa sẽ vực dậy bộ máy ngoại giao để tìm lại « vị thế » của bộ. Tổng thống Trump từng đánh giá tân ngoại trưởng là một « lá bài đặc biệt » đối với Hoa Kỳ trong « thời điểm gay go » này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180429-ngoai-truong-my-van-dong-trung-dong-doan-ket-truoc-iran

Châu Âu

tăng gần 20 tỉ euro ngân sách hợp tác Quốc phòng

Thu Hằng
Ngân sách quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu có thể sẽ được tăng thêm đáng kể, gần 20 tỉ euro, cho giai đoạn 2021-2027. Dự thảo ngân sách đang được Ủy Ban Châu Âu nghiên cứu.
Theo tài liệu mà hãng tin AFP tra cứu được, trong gói thứ nhất của tổng số tiền gần 20 tỉ euro, sẽ có 7 tỉ dành cho ngành công nghiệp quốc phòng, một khoản khác 3,5 tỉ euro dành cho nghiên cứu và phát triển hỗn hợp công nghệ và trang thiết bị.
Gói thứ hai gồm 6,5 tỉ euro được dành cho việc di chuyển quân sự tại châu Âu nhằm tăng cường năng lực hậu cần thông qua cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt để vận chuyển các đơn vị và trang thiết bị từ Ý sang Ba Lan, từ Pháp sang Estonia.
Lĩnh vực không gian cũng được chú ý với khoản ngân sách dự trù 13 tỉ euro dành cho hệ thống vệ tinh định vị Galileo và EGNOS.
Theo AFP, Liên Hiệp Châu Âu tăng ngân sách quốc phòng nhằm củng cố sức mạnh với tư cách là một tác nhân chủ chốt trên thế giới và cũng để chuẩn bị với việc Mỹ có thể rút bớt lực lượng khỏi khu vực.
Dự án trên cũng giúp các nước thành viên tiết kiệm đáng kể chi phí, vì theo chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Junker, « khi mua chung trang thiết bị, châu Âu có thể sẽ tiết kiệm được gần 1/3 cho khoản chi phí hiện nay dành cho quốc phòng ». Ông giải thích thêm, « châu Âu có đến 178 hệ thống vũ khí khác nhau, trong khi Hoa Kỳ chỉ có 30 hệ thống ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180429-chau-au-tang-gan-20-ti-euro-ngan-sach-hop-tac-quoc-phong

Hội Đồng Bảo An đến thị sát

trại tị nạn Rohingya tại Bangladesh

Minh Anh
Sau nhiều lần bị trì hoãn, phái đoàn của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm nay 29/04/2018 đến thăm các trại tị nạn của người Rohingya nằm dọc theo biên giới Bangladesh và Miến Điện, nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng người Rohingya.
Phái đoàn do đại sứ Koweit tại Liên Hiệp Quốc dẫn đầu gồm 26 nhà ngoại giao đến từ 15 quốc gia. Trong vòng 4 ngày, đại diện của Hội Đồng Bảo An lần lượt đến thăm các trại tị nạn người Rohingya, gặp thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina, gặp lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi và sau cùng là đến thực địa tại bang Rakhine.
Theo giải thích của đại sứ Koweit, mục đích chuyến đi này không nhằm « bôi xấu Miến Điện » mà là chứng tỏ thiện chí giải quyết cuộc khủng hoảng này, chủ yếu liên quan đến việc hồi hương người tị nạn Rohingya.
Ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành tổ chức Human Rights Watch cho rằng phái đoàn Hội Đồng Bảo An nên hối thúc Miến Điện thừa nhận tội ác của quân đội. Đồng thời, ông cũng chỉ trích thái độ thụ động của Liên Hiệp Quốc trong hồ sơ này.
«Hội Đồng Bảo An phải nhìn nhận là người Rohingya sẽ không cảm thấy an toàn chừng nào chính phủ (Miến Điện) vẫn phủ nhận tội lỗi. Hội Đồng Bảo An phải thúc đẩy nước này hợp tác với các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc và mở cửa khu vực cho các nhà quan sát độc lập. (…)
Hơn nữa, chúng ta chưa bao giờ thử xem liệu Trung Quốc có thật sự sẽ bỏ phiếu phủ quyết hay không. Việc thiếu vắng một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An đã cho Miến Điện thấy rõ là họ vẫn có thể gây tội ác mà không bị trừng phạt ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180429-hoi-dong-bao-an-den-thi-sat-trai-ti-nan-rohingya-tai-bangladesh

Châu Âu bất đồng về việc đánh thuế GAFA

Hôm qua, 28/04/2018, trong cuộc họp tại Sofia, Bulgari, lần đầu tiên, các bộ trưởng Tài Chính các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã thảo luận đề xuất của Ủy Ban Châu Âu đánh thuế các tập đoàn tin học lớn, như Google, Apple, Facebook, Amazon (GAFA)…
Theo AFP, thái độ dè dặt của một số thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã làm cho bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno le Maire bực bội.
Từ Bruxelles, thông tín viên Laxmi Lota, gửi về bài tường trình :
« Liệu châu Âu có khả năng tỏ rõ là một khối cứng rắn mạnh mẽ hay không ? Bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno le Maire, người cuối cùng phát biểu trong cuộc họp bàn tròn, đã lạnh lùng nêu ra nêu câu hỏi thể hiện sự bực bội này. Ông nói tiếp : Từ nay cho đến khi có bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào năm tới, nếu các vị chỉ có thông điệp : chúng tôi đã nói và thảo luận rất nhiều nhưng không đưa ra quyết định nào cả, thì tôi xin chúc các vị may mắn.
Không có gì ngạc nhiên. Các nước nhỏ có chế độ ưu đãi thuế khóa, như Malta, Ireland, Luxembourg đã tuyên bố chống lại việc đánh thuế, cũng như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan… Thế nhưng Anh Quốc trước đây đã tuyên bố là ủng hộ thì nay lại thay đổi lập trường. Bộ trưởng le Maire nhấn mạnh : tôi thực sự không hiểu vì sao Anh Quốc lại thay đổi ý kiến. Chúng ta cần phải đưa ra một quyết định. Cùng với tổng thống Emmanuel Macron, chúng tôi rất quyết tâm đạt được một thỏa thuận ở cấp độ châu Âu, từ nay đến cuối năm.
Thế nhưng, Đức cũng giữ khoảng cách. Cuộc thảo luận sẽ còn kéo dài bởi vì mọi cải cách về thuế khóa đòi hỏi phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên Liên Hiệp Châu Âu ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180429-chau-au-bat-dong-trong-viec-danh-thue-gafa

Bình Nhưỡng mời chuyên gia chứng kiến

việc đóng cửa cơ sở thử hạt nhân

Chính quyền Hàn Quốc, hôm nay, 29/04/2018, thông báo, Bắc Triều Tiên sẽ đóng cửa cơ sở ngầm thử nguyên tử Punggye Ri ngay trong tháng Năm và sẽ mời các chuyên gia, nhà báo Hàn Quốc, Hoa Kỳ đến tận nơi chứng kiến.
Theo phủ tổng thống Hàn Quốc, được AFP trích dẫn, Kim Jong Un đã đưa ra lời hứa này trong cuộc gặp tổng thống Moon Jae In, hôm thứ Sáu, 27/04.
Từ Seoul, thông tín viên Frederic Ojardias tường trình :
« Kim Jong Un muốn dỡ bỏ cơ sở ngầm thử nghiệm hạt nhân Puuggye Ri ngay trong tháng Năm. Chính quyền Hàn Quốc đã cho biết như vậy và thông tin thêm rằng Bình Nhưỡng sẽ mời các chuyên gia và nhà báo Hàn Quốc, Hoa Kỳ đến tận nơi chứng kiến.
Vẫn theo Seoul, trong cuộc gặp với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, hôm thứ Sáu, Kim Jong Un cũng đã bác bỏ những luận điệu cho rằng cơ sở ngầm thử hạt nhân nói trên thực ra không còn sử dụng được nữa. Thậm chí lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn tiết lộ là có hai hầm ngầm thử hạt nhân khác.
Để chứng minh cho sự thành thực của mình, Kim Jong Un dường như đã nói rằng nếu Hoa Kỳ hứa chấm dứt chiến tranh và không tấn công Bình Nhưỡng thì tại sao Bắc Triều Tiên phải giữ vũ khí nguyên tử hiện đang gây khó khăn cho nước này. Cuối cùng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên thông báo sẽ chỉnh lại múi giờ, tăng thêm 30 phút, để Bình Nhưỡng có cùng giờ với Seoul. Đây là một thông báo bất ngờ. Dường như Kim Jong Un quyết tâm chứng tỏ thiện chí trong lúc chỉ còn một tháng nữa là sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về hạt nhân với tổng thống Mỹ Donald Trump ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180429-binh-nhuong-moi-chuyen-gia-chung-kien-viec-dong-cua-co-so-thu-hat-nhan

Ngoại trưởng Hoa Kỳ gặp quốc vương Saudi Arabia

và thủ tướng Israel về biện pháp cấm vận Iran

Riyadh, Saudi Arabia. (Reuters)- Hôm nay 29/04, tân ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gặp quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz và con trai của ông là hoàng tử Khalid Bin Salman.
Sự kiện này diễn ra nhằm mục đích hậu thuẫn kế hoạch cấm vận của Hoa Kỳ đối với Iran. Chuyến công du của ông Pompeo tại Riyadh diễn ra vài ngày sau khi ông tuyên thệ nhậm chức, cùng lúc tổng thống Donald Trump xem xét việc rút khỏi hiệp ước vũ khí hạch tâm đã ký kết với Iran năm 2015. Thoả ước này được sự ủng hộ của các siêu cường Tây phương và cựu tổng thống Obama. Trong khi tổng thống Trump gọi đây là hiệp ước tồi tệ chưa từng có, và doạ sẽ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran nếu Anh, Pháp và Đức không sửa đổi một số điều khoản. Việc phục hồi lệnh cấm vận coi như là quyết định của Hoa Kỳ xé bỏ hiệp ước hạn chế vũ khí hạch tâm đã ký kết với Iran.
Cũng trong ngày hôm nay, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho hay ông sẵn sàng đón tiếp ngoại trưởng Mike Pompeo. Hiệp ước vũ khí hạch tâm cũng như tình hình Iran là vấn đề hàng đầu trong nghị trình thảo luận giữa hai ông. Ông Netanyahu tuyên bố vài tiếng đồng hồ trước khi ông Pompeo từ Saudi Arabia bay sang Israel trong chuyến công du Trung Đông. (Song Châu)
https://www.sbtn.tv/ngoai-truong-hoa-ky-gap-quoc-vuong-saudi-arabia-va-thu-tuong-israel-ve-bien-phap-cam-van-iran/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?