Tin Việt Nam – 29/04/2018

Tin Việt Nam – 29/04/2018

Cờ Vàng lại tung bay trên thành phố Toronto sau 12 năm

Vào ngày Thứ Bảy 28/04, lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của Người Việt Tự Do trên khắp thế giới lại tung bay trên kỳ đài trước tòa thị chính Toronto, Canada sau 12 năm gián đoạn, cho dịp Tưởng Niệm Quốc Hận 30 Tháng 4 năm nay.
Theo báo mạng Thời Mới, đây là kết quả nhiều năm kiên trì vận động của các hội đoàn và cá nhân trong cộng đồng Việt Nam tại Toronto, đặc biệt là sự vận động của Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, Thị trưởng John Tory và Nghị viên Chin Lee. Được biết yêu cầu treo Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ được đưa ra trước hội đồng thành phố Toronto vào ngày 27 tháng 3 vừa qua. Yêu cầu này đã được đồng thuận thông qua với tỷ lệ biểu quyết 37 trên 37. Theo báo Thời Mới, trước giờ họp của hội đồng thành phố, các đại diện hội đoàn và nhiều bà con trong cộng đồng đã kéo về tòa thị chính Toronto để tham dự và hỗ trợ cuộc vận động của Thị trưởng Tory. Được 20 tổ chức tôn giáo và cộng đồng chuẩn bị và thực hiện, lễ thượng kỳ hôm Thứ Bảy bắt đầu lúc 10 giờ sáng với sự tham dự của đại diện thuộc 7 hội đoàn, các giới chức chính quyền liên bang, tỉnh bang và thành phố. Ngoài ra còn có sự tham dự đặc biệt của Linh mục Phêro Nguyễn Văn Khải từ Rome và Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải từ Thượng Viện Canada.
Một chương trình văn nghệ đấu tranh hào hùng diễn ra sau đó, với các ca nhạc sĩ Trúc Hồ, Nguyên Khang, Mai Thanh Sơn đến từ Hoa Kỳ, các ca sĩ địa phương cùng với ban nhạc Liberty.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/co-vang-lai-tung-bay-tren-thanh-pho-toronto-sau-12-nam/

Những ngày cuối cùng của VNCH

Nam Nguyên, RFA
Bốn mươi năm trước, vào ngày 30/4/1975, cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 2 thập niên đã kết thúc. Cuộc chiến quốc-cộng đã làm 2 triệu người Việt Nam ở cả hai miền Nam-Bắc bỏ mạng cùng sự hy sinh của hơn 58 ngàn người thuộc lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh.
Nam Việt Nam lúc đó đã kết thúc sứ mệnh “tiền đồn của thế giới tự do” một cách nhanh chóng và cay đắng. Những ngày cuối cùng của VNCH đã diễn ra như thế nào?
Vỡ trận
Tháng 3/1975 trước thực tế tiềm lực quân sự suy yếu, đạn dược chỉ còn đủ dùng trong 30 ngày, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu quyết định tái phối trí lực lượng. Tuy vậy quyết định triệt thoái khỏi cao nguyên Trung phần tức Quân khu II và cách thức mà các tư lệnh chiến trường thực hiện nó là một sai lầm lịch sử. Sự hỗn loạn dẫn tới việc mất luôn cả khu vực Quân khu I ở phía Bắc Việt Nam Cộng Hòa, Huế rồi Đà Nẵng thất thủ và sự sụp đổ dây chuyền kéo dài tới quê hương của Tổng thống Thiệu là Phan Rang.
Trước áp lực từ nhiều phía, ngày 21/4/1975 Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu quyết định từ chức và rời khỏi Việt Nam hai ngày sau đó.
“Thưa đồng bào, anh chị em chiến sĩ cán bộ các cấp, tôi tuyên bố từ chức tổng thống và theo Hiến pháp, Phó Tổng thống Trần Văn Hương sẽ đảm nhận chức Tổng thống…”
Khi nhà giáo Trần Văn Hương trở thành vị Tổng thống thứ ba của chế độ VNCH, thì cũng là lúc mặt trận Xuân Lộc tuyến phòng thủ cuối cùng của Saigon đã vỡ, các lực lượng của VNCH can trường chịu thiệt hại nặng và giữ vững được 12 ngày đêm.
Bàn giao – Diễn văn lịch sử
Giữ chức Tổng thống VNCH được 5 ngày và bất lực trước tình hình sụp đổ nhanh chóng, ngày 26/4/1975 Tổng thống Trần Văn Hương yêu cầu Quốc hội tìm người thay thế mình, một người mà theo ông có đủ khả năng tìm giải pháp vãn hồi hòa bình hòa giải dân tộc. Quốc hội VNCH ra nghị quyết chỉ định Đại tướng Dương Văn Minh vào chức vụ Tổng thống. Trên thực tế Hiến pháp VNCH đã không còn được thi hành từ thời điểm này.
Chiều 28/4/1975 lễ bàn giao giữa hai ông Trần Văn Hương và Dương Văn Minh được tổ chức tại Dinh Độc Lập. Nam Nguyên của ban Việt ngữ RFA lúc đó là Đặc phái viên của Hệ thống Truyền thanh Quốc gia đã thực hiện cuộc Trực tiếp Truyền thanh cuối cùng của mình từ Dinh Độc Lập. Đoạn ghi âm lịch sử mà quí thính giả sắp nghe là những lời của Tổng thống Trần Văn Hương đan xen với tường thuật của Phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến thuộc Hệ thống Truyền thanh Việt Nam:
Tổng thống Trần Văn Hương: “…Làm thế nào cho dân được sống yên…làm thế nào cho máu đừng đổ thịt đừng rơi thì công của Đại tướng đối với hậu thế sẽ lưu lại đời đời, dầu thế nào tôi thiết nghĩ đất nước này không bao giờ quên công lao đó của đại tướng…(vỗ tay)
Phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến : “…Sau khi nguyên Tổng thống Trần Văn Hương đọc xong bài diễn văn trao nhiệm, chúng tôi nhận thấy một sĩ quan đã gỡ huy hiệu Tổng thống hai con rồng bay xuống…và thay thế bằng một huy hiệu Tổng thống mới với hình một hoa mai năm cánh…Đây là Phóng viên Hệ thống Truyền thanh Việt Nam, quí thính giả đang theo dõi Trực tiếp Truyền thanh lễ trao nhiệm chức Tổng thống VNCH giữa ông Trần Văn Hương và cựu Đại tướng Dương Văn Minh…Thưa quí thính giả vào lúc này bên ngoài dinh Độc lập chúng tôi nhận thấy trời đã bắt đầu mưa nhỏ và Saigon đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước…”
Một trong hàng triệu thính giả đã nghe cuộc trực tiếp truyền thanh lịch sử ngày 28/4/1975 là ông Nguyễn Quốc Thái, một nhà báo thuộc nhóm tạp chí Hành Trình, Đất Nước và Trình Bầy. Ba tờ báo này do một nhóm trí thức công giáo được cho là thiên tả chủ trương và có khuynh hướng đối lập với chính phủ. 40 năm sau cuộc bàn giao lịch sử giữa hai vị Tổng thống Trần Văn Hương và Dương Văn Minh, từ Saigon ông Nguyễn Quốc Thái cho biết cảm nhận của ông vào thời điểm chiều 28/4/1975:
“Lúc đó tôi biết mọi chuyện đã xong rồi; có một hiển hiện rõ ràng là tất cả những người có thể giữ lại miền Nam thì đã rời khỏi miền Nam. Đây là một cuộc bàn giao theo sắp xếp, nhưng có người hoang tưởng rằng việc đảm nhận chức vụ đó có thể trao đổi thỏa thuận với phía bên kia là Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam… Nếu nhìn lại cuộc bàn giao đó thì thấy rằng đây là một cái gạch nối quá ngắn, mà chỉ làm một cái việc đã được sắp xếp, đã được hứa hẹn trong hoang tưởng của người nhận trách nhiệm lúc đó.”
Khí tiết Việt Nam: tướng chết theo thành
4 thập niên sau ngày sụp đổ của Miền Nam Tự do dưới danh xưng Việt Nam Cộng Hòa, nhiều tài liệu lịch sử đã được bạch hóa cho thấy Hoa Kỳ chỉ mong muốn việc rút quân của họ được an toàn trong một khoảng thời gian nhất định và thích hợp; tương lai của VNCH hầu như đã được quyết định trong Hiệp định Paris 27/1/1973. Nam Việt Nam rơi vào số phận nghiệt ngã vì bị đồng minh bỏ rơi, những mật ước của Tổng thống Nixon với TT Thiệu đã đi vào quên lãng. Hoa Kỳ đã không can thiệp quân sự khi phía Cộng sản vi phạm Hiệp định Paris lấn chiếm lãnh thổ với những cuộc tấn công qui mô.
Vào những ngày cuối cùng của Nam Việt Nam, Đại tướng Dương Văn Minh được xem là người thích hợp nhất để nhận trách nhiệm ra lệnh đầu hàng; mặc dầu bản thân ông Minh và bộ tham mưu của ông có thể có những người vẫn còn tin vào giải pháp chính phủ liên hiệp như Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Nhậm chức chưa đầy 48 giờ, Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, tuyên bố của ông được phát đi trên hệ thống Truyền Thanh Quốc gia vào buổi trưa ngày 30/4/1975.
“Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam…Vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng, vì chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận Lễ bàn giao Chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào…”
Sau khi Đài Phát Thanh Saigon lập đi lập lại lệnh buông súng của Tổng thống Dương Văn Minh, cũng như nhật lệnh tương tự của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hạnh, người được bổ nhiệm làm phụ tá cho Trung tướng Vĩnh Lộc vị Tổng Tham mưu trưởng sau cùng, quân đội đã thi hành lệnh giao nạp vũ khí cho những người chủ mới của đất nước. Nhiều vị tướng lãnh, sĩ quan cao cấp đã tuẫn tiết sau lệnh đầu hàng như Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn tướng Trần Văn Hai…
Xe tăng Cộng sản Bắc Việt tiến vào khuôn viên Dinh Độc Lập, bộ đội xe tăng treo lá cờ của Mặt trận Giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11g 30 trưa ngày 30/4/1975, đánh dấu sự cáo chung của chế độ VNCH. Miền Nam tự do hay VNCH là một chế độ được xây dựng bởi những người không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản và được Hoa Kỳ hỗ trợ. Chế độ ấy trải qua hai nền cộng hòa và tồn tại được 21 năm. Cuộc chiến Quốc – Cộng giữa những người cùng chung giòng máu nhưng khác ý thức hệ đã làm thiệt mạng hơn hai triệu người Việt Nam ở cả hai miền Nam-Bắc. Phía đồng minh của VNCH, 58.000 quân nhân Mỹ tử trận cùng hàng ngàn binh sĩ khác của các nước đồng minh như Nam Hàn, Thái Lan, Úc và Tân Tây Lan.
Tiếp thu dinh Độc Lập
Thưa quí thính giả, cũng là một sự tình cờ lịch sử, khi cờ của Mặt trận Giải phóng đã tung bay trên Dinh Độc Lập, thì các đại diện chính trị của bên Cộng sản chưa vào tới Saigon để tiếp nhận Chính quyền. Do vậy ông Bùi Tín lúc đó là Trung tá trong vai trò một nhà báo Cộng sản Bắc Việt, cũng là người có cấp bậc cao nhất và được bộ đội xe tăng ủy quyền vào Dinh gặp Chính quyền Dương Văn Minh. Ông Bùi Tín hiện nay tỵ nạn chính trị ở Pháp. Năm 2005 từ Paris ông Bùi Tín kể lại giây phút lịch sử khi ông giáp mặt ông Dương Văn Minh và toàn thể nội các Vũ Văn Mẫu:
SB: “ Tôi là người đầu tiên tiếp xúc, ông Dương Văn Minh và tất cả đứng dậy…ông Minh nói là chúng tôi chờ quí vị tới từ sáng nay, đặng chuyển giao chính quyền….Tôi có trả lời là, tất cả chính quyền các ông không còn nữa qua cuộc tấn công của chúng tôi…cho nên không thể bàn giao cái gì đã không còn nữa…”
Do sự kiện cựu Đại tá Bùi Tín, Phó Tổng biên tập báo Nhân dân đã tỵ nạn chính trị khi sang Pháp dự Hội Báo L’humanité năm 1990, kể từ đó báo chí Hà Nội tường thuật những câu chuyện hoàn toàn khác với lời kể của ông Bùi Tín.
Vào những thời khắc sau cùng của chế độ VNCH, chuyện gì xảy ra ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ? Câu hỏi này đã được chúng tôi đặt ra với ông Robert Funsett, người vào thời điểm đó đang là Người Phát Ngôn cho Bộ Ngoại Giao Mỹ. Năm 2005 ông Funsett kể lại với Ban Việt Ngữ chúng tôi như sau:
“Ðúng giờ này, vào chiều ngày 29 tháng Tư năm 1975, giờ Washington tức rạng sáng 30/4 theo giờ Việt Nam, Sài Gòn bắt đầu sụp đổ. Từ Trung Tâm Ðiều Hành ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Phụ Tá Ngoại Trưởng Phillip Habib và tôi nói chuyện lần cuối cùng với ông Ðại Sứ Graham Martin.
Ðại Sứ Martin chưa muốn rời Việt Nam, vì ông ta muốn kéo dài thì giờ để có thể cứu thêm những người khác. Cuối cùng, chúng tôi phải chỉ thị  ông đại sứ phải rời nhiệm sở. Ông đại sứ Martin nói chuyện với chúng tôi và tôi còn nhớ là ông ta bảo là sẽ lên sân thượng của Tòa Ðại Sứ, dùng trực thăng để ra hạm đội. Không đầy một giờ đồng hồ sau đó, đại sứ Martin gọi điện lại báo đã ra tới hạm đội bình yên.”
Đồng minh bội ước
Sau 4 thập niên từ khi chấm dứt chiến tranh các tài liệu hồ sơ của Tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã được bạch hóa. Số phận của Việt Nam Cộng Hòa đã được định đoạt và Nam Việt Nam sẽ chỉ tồn tại cho đủ thời gian để Hoa Kỳ rút chân khỏi cuộc chiến một cách an toàn. Đây là một thực tế phũ phàng của lịch sử. Việt Nam Cộng Hòa có cái giá phải trả khi hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ của Hoa Kỳ.
Bị Washington cắt viện trợ quân sự và kinh tế, VNCH đơn độc trong cuộc chiến chống cộng. Vào năm 1975 không có nhiều người ở miền Nam tự do thấy trước là số phận của mình đã được các siêu cường sắp đặt. Khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và ra đi, quân dân VNCH chịu nhiều nỗi thống khổ với muôn vàn oán hận ông. 15 năm sau sự sụp đổ của VNCH, xuất hiện tại California Hoa Kỳ năm 1990, cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đăng đàn trả lời chất vấn của cộng đồng người Việt. Sau đây là một trích đoạn những biện giải của ông Nguyễn Văn Thiệu:
“ Tổng Thống Nixon có nói nếu như không có vụ Watergate thì tình trạng Việt Nam không đến nỗi như vậy. Chúng ta tin hay không tin là quyền của chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ làm việc trên sự kiện người ta cúp viện trợ quân sự, cúp viện trợ kinh tế, ngoại giao thì áp lực và không có phản ứng mãnh liệt. Trong lúc đó Nga Xô và Trung Cộng thì tăng cường viện trợ cho cộng sản và họ thừa thắng xông lên để xâm chiếm miền Nam đặt thế giới và Hoa Kỳ trước một việc đã rồi. Cho nên tôi phải từ chức, cái hành động mà tôi từ chức ngay lúc đó chính tôi cũng đã thấy khó chịu rồi. Nhưng mà tôi không có một sự lựa chọn nào khác, nếu như tôi còn ngồi thì tôi mang tội với nhân dân, là vì ông còn ngồi mà Mỹ không viện trợ bởi vì ai nấy cũng được cho hiểu như vậy, vì ông còn ngồi mà Việt Cộng không thương thuyết, phải có Dương Văn Minh lên mới được thương thuyết vì ông còn ngồi mà chiến tranh còn triền miên chết chóc. Tôi thấy lịch sử sẽ chứng minh cái đó trúng hay trật, cái đó để cho lịch sử và nhân dân, nhưng bổn phận của tôi là một Tổng thống lúc đó tôi phải ra đi.”
Lịch sử đã sang trang từ 40 năm qua, những người chịu trách nhiệm hay là chứng nhân một giai đoạn lịch sử của VNCH đều đã khuất bóng. Việt Nam đã thống nhất từ năm 1976 nhưng 40 năm qua những người cộng sản chiến thắng đã tự ru ngủ mình, theo cách nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
4 thập niên sau chiến tranh, vào tháng 3/ 2015 Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận Việt Nam phát triển quá chậm, kém xa 6 nước sáng lập ASEAN, hiện nay có nhiều lãnh vực còn thua kém cả Lào và Campuchia.
Nước Việt Nam thống nhất đã 40 năm nhưng vẫn còn quá nhiều câu hỏi được đặt ra về sự tụt hậu cũng như vấn đề dân chủ, dân quyền và nhân quyền.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-republic-of-vietnam-s-last-days-04202015155428.html

Chuyện kể tháng Tư

Tuấn Khanh
Năm 1992, khi những hình ảnh của Việt Nam thiên sử truyền hình (Vietnam: A Television History) đột nhiên được cho phép phát trên truyền hình nhà nước, những ngày đón coi bộ phim tài liệu đó đã trở thành những cơn sốc lặng lẽ cho tuổi thiếu niên tôi, ngày tháng ấy.
Là một đứa trẻ vào lớp một sau năm 1975, trang vở đầu tiên đã ướt đẫm nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, đó lần đầu tôi được nhìn thấy cuộc chiến tranh trên quê hương mình từ phía sau các tấm bảng tuyên truyền. Cảm giác thật lạ lùng. Khi màn hình đã tắt, mọi người đã ngủ say, tôi vẫn nằm nhìn lên trần nhà trong đêm tối, trằn trọc vẩn vơ nghĩ thật nhiều điều. Cuộc chiến đầy những mảng màu rực rỡ trên sách giáo khoa, rồi trên loa phóng thanh ở các ngã tư mỗi sáng sớm, bỗng chợt hiện ra trong tôi lõi trắng đen trần trụi, và để lại quá nhiều suy nghĩ.
Dẫu đã bị cắt đi những điều bất lợi cho phe miền Bắc, nhưng chí ít, ngôn ngữ dẫn dắt bình thản của Will Lyman trong phim đã để lại rất nhiều thông điệp cho tôi để chiêm nghiệm. Thật ngạc nhiên, trong trí óc bé nhỏ đầy những câu chuyện về “bác Hồ” và anh “giải phóng quân” của mình, vốn bị khóa chặt trong các bài học giáo khoa từ năm 1976, có cái gì đó bật lên trong tôi một cảm giác mơ hồ khác lạ rằng tôi đang nghe những lời nói dối.
Quả là những ngày tháng mới mẻ trong suy nghĩ. Tôi bắt đầu kéo tấm rèm che, nhìn qua cửa sổ và nhìn thấy nhiều người miền Nam đang cố làm quen với một đời sống cộng sản ngột ngạt, và nhìn thấy không ít người miền Bắc đang tin rằng cuộc chiến mười ngàn ngày ấy, là một cuộc giải phóng vĩ đại.
Trong phim, tôi nhớ hoài những chiếc trực thăng trên hàng không mẫu hạm Mỹ ở ngoài khơi Thái Bình Dương bị đẩy xuống biển để nhường chỗ cho những tốp người tỵ nạn cập vào. Hình ảnh đó sao cứ loay hoay, chưa bao giờ dứt trong trí nhớ, suốt nhiều năm dài.
Như những con chim sắt kiêu hãnh bay lượn trên bầu trời, chúng đáp xuống và mở bụng ra trên boong tàu, đẩy những con người chấp chới và yếu đuối chạy ra. Đó là những người Việt không quen biết. Tôi còn nhớ ánh mắt họ mệt mỏi, vô định. Nhiều năm sau, tôi vẫn tự hỏi những thanh niên, cô gái, cụ già ấy… năm xưa ấy nay đang ở đâu?
Non nửa thế kỷ, vào lúc rất nhiều người miền Nam không ngại nói ra trên các trang mạng xã hội rằng họ không thích cộng sản, cũng như rất nhiều người miền Bắc nói rằng ngày 30 tháng 4 chẳng có gì đẹp để nhà cầm quyền ăn mừng, ngẫu nhiên tôi gặp được một trong những người luôn nằm trong ký ức của mình. Một người đã lái chiếc trực thăng UH1 đáp xuống hàng không mẫu hạm US Midwway, thuộc Hạm đội 7 Hoa Kỳ.
Thiếu úy Lê Văn Chiếu, thuộc Không đoàn chiến thuật 84 Cần Thơ, người đang lái chiếc UH1 vào buổi trưa ngày 30-4-1975 ở Sài Gòn thì nghe trên vô tuyến điện lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh. Ông hoang mang nhưng không muốn dừng lại, mà bay thẳng ra Côn Đảo, một căn cứ tiếp liệu của không quân ở đó. Chỉ có một mình, mang trong bầu máu nóng của tuổi 20, ông chỉ muốn lấy đầy xăng và bay ra đi hướng Hạm đội 7 chứ không chịu quay về nơi đã chấp nhận buông súng.
Ông Chiếu kể lại, khi ông leo lên trực thăng để chuẩn bị bay, thì nhìn thấy trong đó đã đầy người di tản chạy lên ngồi sẳn trong đó từ lúc nào. Mọi người không ai muốn ở lại, chỉ muốn ra đi, bất chấp chuyện chiếc trực thăng đang quá tải. Sau vài lần thuyết phục không xong, ông Chiến đành dỡ hết tất cả phi đạn và quân cụ trên máy bay bỏ lại, năn nỉ mọi người bỏ bớt thêm hành lý để trực thăng có thể cất lên.
Đó chỉ là phần khởi đầu của một chuyến đi phó thác cho số mạng. Chiếc trực thăng ì ạch rà lết gần hết đường băng, mới có thể bay lên vào phút chót. Những con người căng thẳng, nín thở chờ và khi thấy cuối cùng đã có thể bay lên, òa lên mừng rỡ, vỗ tay như xem nhạc hội.
Chiếc trực thăng đó mang một kỳ tích là chở 23 người Việt Nam (khả năng cho phép là 14 người), nhắm hướng Hạm đội 7 Hoa Kỳ đi thẳng. Không ai nói với ai điều gì. Chỉ có tiếng cánh quạt sầm sập quay đều và tín hiệu gọi cầu cứu lặp đi lặp lại đan xen nhau không ngừng. Hướng ra biển chiều 30-4 ấy bỗng sầm sập mưa bão, đầy mây đen. Đã bay gần một tiếng đồng hồ mà không nhận được tín hiệu đáp lại nào từ radio, cũng không biết là đang đi về đâu, đã có lúc ông Chiếu nghĩ đến chuyện hết nhiên liệu và rơi xuống biển.
Cứ bay mơ hồ như vậy không ngừng, giữa cơn mưa và bầu trời tối đen, cuối cùng đột nhiên trên radio vang lên lời đáp của một giọng người Mỹ. Ông Chiến kể rằng khi ấy, ông mừng đến quýnh quáng, trả lời và nói rằng không biết mình ở đang đâu. Chỉ đến khi mã nhận dạng và tìm địa điểm squawk (*) kết nối được, ông Chiếu mới thở phào nhẹ nhõm vì chỉ còn hơn chục phút nữa là chiếc trực thăng sẽ hết nhiên liệu. Giọng nói trên radio vang lên “chào mừng anh đến với USS Midway của Hạm đội 7”.
Đường bay đến boong tàu hàng không mẫu hạm hôm ấy, bầu trời đầy những chiếc trực thăng không còn đồng đội, không còn nơi chốn để quay về. Chiếc trực thăng của thiếu úy Lê Văn Chiếu chỉ là một trong hàng trăm chiếc đang lao ra biển, mở đầu cho những ngày tháng bi đát sau đó, của hàng trăm ngàn người Việt ở miền Nam Việt Nam muốn được sống một đời sống không cộng sản.
Ông Chiếu kể lại, khi ông đáp xuống, một tiểu đội Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trang bị vũ khí nghiêm ngặt khám xét từng người và chia ra. Khi thấy dòng người Việt không ngừng tuôn ra từ chiếc trực thăng nhỏ của ông Chiếu, ai nấy đều kinh ngạc. Cất cánh và đáp được trên biển với số người ấy, chỉ có thể là phép lạ.
Ngay sau khi ông Chiếu được ra vào bên trong tàu USS Midway, cũng là lúc ông nhìn thấy chiếc trực thăng đó bị đẩy xuống biển. Ông lướt đi qua nhiều người với nỗi vui buồn lẫn lộn. Một trong những người ông bước nhanh qua là Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, đang thọc tay vào túi quần, nhìn về đất liền.
Năm 1985, sau khi học và làm nhiều nghề, ông Chiếu ghi danh trở lại làm phi công trực thăng cho National Guard Hoa Kỳ cho đến khi ông về hưu. Hiện nay ông đang là người hướng dẫn âm nhạc cho Giáo đoàn các Thánh tử đạo Việt Nam ở Lancaster, Pensylvania.
Tôi ngồi nghe câu chuyện của ông Chiếu, cùng người bạn của ông, Vũ Hoàng, cũng là một cựu phi công trực thăng chiến đấu. Họ kể lại rất nhiều chuyện của thời trai trẻ, nhưng nói rất nhẹ nhàng và thoáng qua về những cuộc chiến mà họ tham gia. Ông Hoàng nói rằng những gì gọi là chiến tích của mình, ông cũng không muốn nhắc lại, vì dẫu có vinh quang, đó cũng là nỗi buồn của một dân tộc phải lưỡng bại câu thương trong một cuộc chiến vô nghĩa.
Câu nói đó khiến mọi người chùng xuống trong cuộc trò chuyện tháng Tư. Quả là có những ký ức cần phải được ngủ yên, thì từng con người mới có thể thanh thản đi hết cuộc đời, bao gồm cả những ký ức được gióng trống hô vang tên gọi “giải phóng”, và gọi tên nhau là kẻ thù. Cuộc xâm lăng của miền Bắc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào quốc gia miền Nam Việt Nam Cộng Hòa có thể đem lại một định mệnh khác của dân tộc là thống nhất, nhưng nếu ký ức không được trả lại sự thật, thì tương lai của thống nhất ấy cũng sẽ mãi bấp bênh. Tương lai cả đất nước chỉ duy nhất là một tháng Tư hỗn loạn và thương đau được trình chiếu mãi mãi với từng thế hệ.
Tôi vẫn không sao dừng được việc hỏi câu cuối cùng với thiếu úy Lê Văn Chiếu, là vì sao ông lại chọn bay thẳng ra biển mà không quay về sống một đời thường dân trong Việt Nam. Ông Chiếu trả lời bằng nụ cười hiền lành, nhỏ nhẹ nhưng rành mạch “Nước có thể mất, nhưng người lính thì không thể đầu hàng, em à”.
———————————–
(*) Đài không lưu cấp cho mỗi máy bay trong vùng kiểm soát của mình một mã nhận dạng, gọi là squawk. Phi công nhập con số này vào transponder. Từ lúc đó, mỗi khi sân bay gửi tín hiệu, thiết bị sẽ tự động gửi mã squawk về sân bay và do đó đài điều khiển không lưu ATC biết được máy bay nào đang ở vị trí nào.
Phi công cũng có thể tự chọn một mã squawk và thông báo cho đài điều khiển không lưu ATC biết mã squawk đó.
Mã squawk gồm 4 chữ số, từ 0000 đến 7777, trong đó có 3 mã được quy định là phi công chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt: 7500 thông báo đang có không tặc trên máy bay, 7600 thông báo mất liên lạc COMM, 7700 thông báo tình trạng khẩn cấp.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/april-tale-04282018205500.html

Xứ “Thiên đường” và “cuộc giải phóng”

J.B Nguyễn Hữu Vinh
Ngày 27/4/2018, hai nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) đã bắt tay nhau, hứa hẹn một hiệp ước chấm dứt chiến tranh trong năm nay.
Hai kẻ thù địch đã từng không ngại ngần dành cho nhau những ngôn từ thù địch, gọi nhau bằng những hỗn danh không mấy đẹp đẽ và thể hiện cho thiên hạ biết họ có thể nhai tươi xé xác nhau nếu có thể.
Họ cũng đã từng nã súng vào nhau và đe dọa biến một nửa đất nước thành tro bụi, chi biết bao nhiêu sức dân, tiền của để diễu võ dương oai đe dọa lẫn nhau dù người dân Bắc Hàn đang chết đói.
Nay đã tươi cười bắt tay nhau hứa hẹn một sự hòa bình.
Sự kiện này trùng vào những ngày Việt Nam đang hô hào kỷ niệm “Chiến thắng 30/4, giải phóng Miền Nam” gợi lại cho người ta nhiều suy nghĩ.
Thiên đường và địa ngục
Khi thế giới chia phe, hệ thống cộng sản đang trên đà phát triển làm mưa, làm gió gây bao tại họa trên thê giới, nhiều đất nước đã là nạn nhân của nó.
Trừ những đất nước hứng trọn những cuộc chiến tranh, những đất nước đã hoàn toàn nằm trong cơn bão cộng sản, rồi thoát ra và từ bỏ nó sau khi đã thấm đòn đại họa ấy, thì vẫn có những đất nước bị chia cắt bằng những cuộc chiến tranh hoặc phân chia ranh giới, giới tuyến. Thế rồi những người đồng chủng, đồng huyết trở lại trở thành kẻ thù của nhau, và xương máu lại cứ vậy mà đổ theo năm tháng.
Những đất nước bị họa cộng sản chia cắt có thể kể đến như Đức, Triều Tiên, Việt Nam và Trung Cộng.
Sở dĩ chúng ta nói rằng việc chia cắt là do đại họa cộng sản, dù ở đó có đủ cả hai bên. Chỉ vì những sự chia cắt đó,có nguyên nhân là sự tồn tại của cộng sản. Bởi sau đó, khi người dân đã hiểu ra thế nào là cộng sản, thế nào là dân chủ, thì họ sẵn sàng vứt bỏ và bằng mọi cách để trốn khỏi “Thiên đường Cộng sản”.
Cộng sản bằng hệ thống tuyên giáo hùng hậu thường xuyên tuyên truyền về chế độ và đất nước Cộng sản như một “thiên đường nơi trần thế” với những chiếc bánh vẽ mang tên “Ngày mai”. Thế rồi họ lại đánh tráo khái niệm tạo nhầm lẫn giữa cái “Ngày mai” và cái hiện tại, để ca ngợi cuộc sống khốn khó ở các vùng cộng sản như là khuôn mẫu và là mơ ước của loài người.
Ngược lại, cũng qua hệ thống tuyên truyền cộng sản, thì tại các lãnh thổ khác không cộng sản, chỉ có nghèo đói, lạc hậu, man rợ và… không đáng sống.
Thế nhưng, thực tế được sáng tỏ hơn sau khi bức màn sắt vây kín những vùng cộng sản cách biệt thế giới bên ngoài được gỡ bỏ.
Khi đó, cả đất nước, cả dân tộc giật mình.
Điều có thể nhìn thấy trước mắt không thể chối cãi, là cùng một dân tộc, cùng một màu da, cùng điều kiện thiên nhiên, địa lý và con người. Nhưng hễ vùng nào theo cộng sản, thì ở đó hiện diện sự nghèo đói, khốn khổ, lạc hậu và con người không còn nhân phẩm bởi quyền con người không được hiện diện.
Cùng là người Hán, nhưng thử nhìn xem vùng đại lục của Trung Cộng và Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao là những nơi mà “bọn tư bản giãy chết” đã “cai trị nhân dân lao động” thì cuộc sống kinh tế, xã hội cũng như đời sống người dân hai bên ra sao.
Thử nhìn xem, cuộc sống của người dân Đông Đức và Tây Đức như thế nào khi một bên theo Chủ nghĩa Cộng sản.
Và hãy nhìn xem, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, hai miền của một đất nước, cùng một dân tộc, cùng màu da và điều kiện địa lý thì ở đâu mới là địa ngục và ở đâu thật sự là thiên đường.
Và ước mơ của những vùng đó, khu vực đó của người dân là mong rằng sớm có ngày để được có cuộc sống như những người dân đồng chủng, đồng tộc của mình bên kia giới tuyến.
Tôi đã đến Thâm Quyến, một thành phố đặc khu mới xây dựng và phát triển bên cạnh HongKong, Con sông Thâm Quyến ngăn chia giữa hai khu vực chưa đủ, giữa sông có cả một bức tường bê tông rất cao và trên đó là hệ thống dây điện trần.
Người dân ở đây cho chúng tôi biết rằng: Khi đất nước Trung Quốc dưới thời Cộng sản sắt máu nhất lính Trung Quốc lập đồn dọc theo bờ sông, sẵn sàng xả đạn bất cứ ai vượt qua ranh giới.
Thế nhưng, hàng năm vẫn có hàng đoàn người từ các làng trong nội địa đại lục, di chuyển ra bờ sông và đổ bộ vượt sông bất chấp mọi nguy hiểm bởi sông sâu, bởi lính xả đạn, bởi điện cao thế. Họ công kênh nhau qua hàng rào để vượt sang “địa ngục” dù cho trăm người chỉ có một ít người thoát.
Cũng bức tường Berlin là nơi đã chứng kiến những người liều mình vượt qua cõi chết để chạy trốn khỏi “thiên đường cộng sản”.
Điều đó, hầu như ai cũng biết, kể cả hệ thống tuyên giáo.
Thế nhưng, cái thói dối trá thành bản năng, sự lỳ lợm cố hữu và tính kiêu ngạo cộng sản đã không để cho họ nhìn nhận lại, lấy lợi ích của người dân, của dân tộc và đất nước làm trọng. Họ chỉ giữ chắc cái “chính quyền” mà họ đã cướp được từ tay người dân bằng mọi giá.
Và họ càng không thể từ bỏ cái ngai vàng cướp được để lo cho đời sống xã hội và đất nước.
Và vì thế, họ đày đọa cả dân tộc, cả đất nước chìm vào sự khốn khó, cái chết, sự nhục nhã và tối tăm.
Mặt khác, những người cộng sản luôn mồm kêu gào sẽ tiến hành “giải phóng” người dân ở bên kia giới tuyến. Mới đây thôi, Bắc Triều Tiên còn hô hào toàn dân chuẩn bị “Giái phóng” miền Nam.
Những cuộc “Giải Phóng”
Thế rồi các vùng lãnh thổ, đất nước cũng dần dần được thống nhất, hòa nhập với nhau. Điển hình là giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Dân chủ Đức.
Hai nước Đức đã sáp nhập ngoạn mục mà không cần tiêu hao một viên súng đạn. Có điều, bên “địa ngục” CHLB Đức đã phải oằn mình để chấp nhận cưu mang và gánh đỡ cho bên “thiên đường” CHDC Đức vốn nghèo đói, lạc hậu và chậm phát triển hơn nhiều lần. Mấy chục năm đã qua, gánh nặng đó vẫn chưa được thanh toán hết.
Các vùng lãnh thổ như HongKong và Macao cũng dần dần được trả về cho Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc buộc phải chấp nhận để các vùng lãnh thổ đó một chế độ hành chính khác biệt bởi người dân ở đó không chấp nhận sự thống trị của hệ thống Cộng sản.
Và dù nhiều lầ tuyên bố, dụ dỗ, mua chuộc, đe dọa… nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc cũng không thể thuyết phục được Đài Loan “trở về” để thống nhất với đại lục. Chỉ bởi mọi người dân nơi đây sợ hãi chế độ “thiên đường cộng sản”.
Và giờ đây, Bắc và Nam Triều Tiên cũng bước đầu có những cái bắt tay hữu nghị để nói đến vấn đề hòa bình.
Tuy nhiên, để sáp nhập hay thống nhất làm một, thì chắc chắn bên “địa ngục” Nam Triều Tiên còn phải xem lại nhiều điều. Bởi những hệ lụy khi phải gánh cả một cái “thiên đường” mà ở đó, hàng triệu người dân chết đói thê thảm chỉ để cho cha con họ Kim đua nhau xây lâu đài tráng lệ và ăn chơi xa hoa rồi đổ tiền chế bom dọa cả thế giới cho xứng với danh hiệu “Côn đồ quốc tế” là vô cùng to lớn.
Thế mới hiểu là dù Bắc Triều Tiên có mời sang “xâm lược”, thì Nam Triều Tiên đâu dễ đồng ý.
Cho nên, những ngôn từ quen thuộc để tuyên truyền của hệ thống cộng sản như “Đế quốc Mỹ xâm lược” hay chế độ ngụy quyền, giải phóng… đã dần dần bị thực tế bác bỏ thẳng thừng.
Còn ở Việt Nam, sau khi “Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” mới ký ráo mực được 2 năm, thì miền bên “thiên đường miền Bắc” đã mở cuộc tấn công bằng đại bác, bom đạn, súng và xương máu người dân để… “giải phóng” một vùng lãnh thổ giàu có, văn minh và hiện đại hơn mình rất nhiều lần.
Và ngày 30/4/1975, đánh dấu một “chiến thắng” của bên “thiên đường” trong cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử dân tộc mà mục đích là bảo vệ cho hai hệ thống tư tưởng khác nhau và đối tượng cũng chính là nạn nhân, là người dân Việt Nam cả hai miền đã phải bỏ mạng hàng chục triệu người.
Qua hệ thống tuyên truyền cộng sản, người dân cứ tưởng rằng, khi họ được “giải phóng” thì người dân sẽ được hưởng cuộc sống “độc lập – tự do – hạnh phúc” như người cộng sản rêu rao.
Nhưng, đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày được “giải phóng” người dân không chỉ miền Nam, mà cả đất nước đang đứng trước một tương lai mù mịt về số phận người dân.
Tài nguyên đất nước cạn kiệt bởi dưới sự lãnh đạo “thống nhất, tuyệt đối của đảng” cả hệ thống đua nhau đào lên bán, đua nhau tranh cướp tham nhũng và phá hoại.
Nợ nước ngoài chồng chất, hầu như công việc nhà nước có thể làm, là nghĩ ra đủ các loại thuế, phí, và cướp của dân bằng mọi cách để đổ cho đầy túi đám quan tham chỉ biết ăn tàn, phá hại.
Mỗi người dân được đảng và nhà nước chia đều và để lại cho món nợ nước ngoài hàng chục triệu đồng, tha hồ để làm hồi môn cho các thế hệ sau.
Con người bị tha hóa về mọi mặt, xã hội được “lãnh đạo” bởi hệ thống các “cháu ngoan của Bác” và là “con người mới XHCN” đưa đất nước sang lệ thuộc Bắc Kinh, lãnh thổ dần dần mất vào tay giặc, dân tộc lầm than và bị khinh miệt.
Môi trường sống về vật chất, chính trị, không khí cho đến văn hóa, tư tưởng và tâm hồn luôn bị đầu độc bằng mọi cách. Sự suy đồi được coi là chuyện bình thường, đạo đức xã hội chỉ là một khái niệm.
Đã gần nửa thế kỷ qua đi, nhưng, những thế lực “thắng cuộc” vẫn chưa hả hết cơn thù địch và tàn ác của mình với chính đồng bào ruột thịt chứ chưa nói đến cái bắt tay hoặc câu chào đối với bên “thua cuộc”.
Đó là tai họa của dân tộc này, khi sự thù địch vẫn được nuôi dưỡng hằng ngày một cách cực đoan thì đất nước, xã hội không thể tiến bộ.
Và tương lai đất nước, dân tộc mù mịt người dân lại tìm cách thực hiện “Cuộc bỏ phiếu bằng chân” lần thứ 3 với Chủ nghĩa Cộng sản – Chạy ra nước ngoài dù phải làm nô lệ.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/paradise-and-liberation-04282018203436.html

Việt Nam: Nhịn và giới hạn chịu đựng

Nguyễn Hà Hùng Gửi tới BBC từ Hà Nội
Di chuyển tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn trên đất nước xinh đẹp này, nhiều người nhịn thở vì mùi hôi thối. Nhịn là một phản xạ tự nhiên, khi sợ, khi không thể làm khác.
Sống nhịn là một phương châm cản trở sự phát triển xã hội Việt Nam. Thật nguy hiểm khi cả cộng đồng mặc kệ rác rưởi ung dung phát tán mầm bệnh đến giống nòi và kiên trì tô điểm bộ mặt dân tộc. “Một điều nhịn, chín điều lành” là một triết lý khiếm khuyết. Rất dễ nhận thấy điều đó, khi xét đến yếu tố nghĩa vụ công dân, hay chỉ số hữu ích cho cộng đồng. Càng áp dụng nó rộng rãi, càng nhiều người thực hành, càng tồn tại lâu, càng bộc lộ hư hỏng.
Giám đốc Nhật và cây xăng ‘đong đủ’
Việt Nam: Thượng Đế nơi đây rất dễ tính?
Khám phá xe buýt nhanh Hà Nội
Nhà chùa nói về vụ phóng sinh cá
Lãnh đạo Hà Nội đề nghị ‘bỏ loa phường’
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TPHCM ‘báo động’
‘Càng nhịn càng tốt’
Điểm yếu cơ bản của triết lý nêu trên là nhấn mạnh lợi ích bản thân và gia đình. Nó không đề cập, không khuyến khích trách nhiệm, bổn phận cá nhân đối với cộng đồng, ứng xử theo luật pháp. “Chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”, tục ngữ Việt Nam. Đọc Khúc ca trăm chữ nhẫn, (Bách nhẫn ngâm, một kinh điển nhường nhịn, xuất bản tại Việt Nam từ thế kỷ 19 bằng chữ nôm), đối tượng hưởng lợi từ thái độ và hành vi nhẫn nhịn cũng là cá nhân, gia đình người thực hành, rộng nhất chỉ là bạn bè của họ. Vì được cổ xúy, nhiều người tin càng nhịn càng tốt.
Một xã hội nhịn, mọi người sống theo phương châm bưng mắt (nhẫn mục), bịt tai (nhẫn nhĩ), không lên tiếng (nhẫn khẩu), đấu tranh với ngang trái thì bất công tồn tại công khai. Nó không bị đe dọa, không đối mặt nguy cơ bị loại bỏ. Không lên tiếng thì không biết khi nào không gian sống của chúng ta sạch sẽ, tránh sao được “Việt Nam có số lượng bệnh nhân ung thư nhiều nhất thế giới“. Nếu không có điều kiện trải nghiệm phố phường Hà Nội, xin đọc bài “Sáng nay, nhiều tuyến đường ở Hà Nội bỗng dưng bốc mùi thối khủng khiếp khiến người đi đường kinh hãi” đăng trên trang điện tử thuộc Thế giới di sản, hay bài “Rác thối xộc vào mũi, nín thở đi trên đường Hà Nội” trên Vietnamnet và nhiều bài khác.
Người Việt đã nhịn rất lâu. Từ thời bao cấp, nhịn đói, nhịn khát đã đành, ở nhà nhịn ỉa, đi học nhịn đái, yêu cũng nhịn. Vì không có chỗ, không chịu nổi chuồng xí xú uế. Nhịn lâu quá, kiên định “không chịu phát triển”. Bo bo lo giữ mình và gia đình, bỏ mặc cộng đồng. Người Việt chỉ quét nhà mình, vứt rác dọc đường, nên phố bốc mùi thành chuyện nhỏ, chuyện của người khác. “Khi nào họ đổ rác vào nhà mình hẵng hay”. Vì con người thờ ơ, quan niệm và lối sống vị kỷ, những điều vô lý nghiễm nhiên tồn tại, thu phí bò ăn cỏ, vịt ra đồng. Đường ống nước sạch (nước ăn) vỡ đến hơn 20 lần cũng ngó lơ, chừng nào vỡ ống nhà mình hãy nói. Đánh thuế nhà có giá trị từ 700 triệu đồng ư? Mới chỉ là dự thảo thôi. Cứ từ từ.
Hà Nội có trung tâm tầm soát ung thư giá rẻ
Tranh cãi về việc trùng tu hai di tích
Tưởng niệm 14/3 nhanh chóng bị giải tán
Cho rằng, “nếu không nhịn, làm sao giữ được hòa khí?”, ý kiến này đặt không khí bình lặng, ổn định lên trên, không kể đúng – sai. Theo lẽ đó, người chăn vịt cứ nhẹ nhàng nộp phí, cán bộ cứ nhẹ nhàng thu tiền của dân, người chứng kiến cứ nhẹ nhàng “hết sức bình tĩnh”, bố mẹ cứ nhẹ nhàng mất ngủ, hàng xóm cứ nhẹ nhàng “chuyện nhỏ”, người đọc cứ nhẹ nhàng lướt sang tin khác, vợ cứ nhẹ nhàng thức đêm kiếm việc làm thêm, con cái cứ nhẹ nhàng “học tăng cường” năm này qua năm khác. Cái sai cứ nhẹ nhàng sống khỏe, sống lâu, rút kinh nghiệm sâu sắc.
“Nếu không nhịn, để cảm xúc chi phối làm đầu óc tăm tối, không phân biệt được phải – trái, phạm sai lầm”. Quan điểm này cũng không đầy đủ. Thay vì nêu ý kiến của mình đứng về phía nào, bảo vệ lẽ phải hoặc lên án cái xấu, nó vẫn chú trọng quản lý cảm xúc bản thân, làm họ thiếu tự tin, trở nên yếu đuối, thậm chí nhu nhược. Nó làm cho người thực hành tin rằng, việc khống chế cảm xúc của mình là quan trọng nhất, thậm chí là nhiệm vụ duy nhất. Nó biến cái sai của người thành cái sai của mình. Khi ống nước ăn vỡ, ngay từ lần đầu, phải bày tỏ ngay lập tức, ngăn chặn tái diễn, chứ không chờ vỡ hết lần này đến lần khác.
Chúng ta đã sống gần hết thập niên thứ hai thế kỷ 21, đang nhiệt liệt biểu dương tinh thần cách mạng công nghệ 4.0, nhiều thành phố lớn là đầu tàu cả nước, chúng ta không thể để tình trạng nhà nhà trồng rau, người người nuôi lợn, tự cung tự cấp cho mình do thực phẩm nhiễm độc tràn lan. Nhẫn nhịn bỏ qua mọi thứ biến con người trở nên vô cảm, “nhẫn tâm” để cái bất hợp lý, cái ác trong xã hội thành chuyện đương nhiên. “Một nhịn, chín lành” chỉ phù hợp phần nào trong không gian hẹp, cách sống này không tạo xung lực để xã hội phát triển. Người trưởng thành là người có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường sống. Xã hội văn minh là nơi con người sống theo luật và đặt luật pháp trên tất cả.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-43936201

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?