Đồn đoán Trần Đại Quang : Ai lên cũng vậy, ai xuống cũng thế...

Đồn đoán Chủ tịch nước sẽ thực sự trở nên cần thiết và quan trọng hơn, khi mà chức vụ này mở đường cho việc gộp làm một với Tổng Bí thư. Vì khi đó, tính thực quyền sẽ thực sự gia tăng, và vai vế trong đời sống chính trị - tính gây ảnh hưởng sẽ tạo điểm nhấn quan trọng cho việc ai lên, và lên sẽ làm gì.

Đồn đoán nhân sự Việt nam có xu hướng đúng, nhưng liệu điều đó có quan trọng?
Những lời đồn đoán về số phận của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có nghĩa gì?
Tác dụng của đồn đoán
Câu chuyện ‘đồn đoán’ trước các sự kiện của ĐCSVN luôn là một đề tài nóng của giới bàn luận chính trị, bởi thông qua đó người ta có thể phân tích được quan hệ của cá nhân này trong nhóm nào, tại sao lại được vươn lên chức vụ đó, cũng như nguyên nhân thoái lui của một vài quan chức.
Giá trị của đồn đoán là suy luận, suy luận cũng cho thấy tính dự cảm chính trị trong thời gian tới, rằng với tính cách và tiền đồ như thế, thì nền chính trị của Việt nam sẽ biến thiên theo hướng ‘dân chủ hóa’ hay là vẫn ‘bảo thủ hóa’.
Những đồn đoán cũng cho thấy sức hút ngày càng lớn của chính trị Việt nam trong đời sống xã hội. Và dường như, càng có những sự kiện liên quan chống tham nhũng, tranh giành quyền lực hay trừng trị phe phái bao nhiêu, thì tính nhân sự và đồn đoán nhân sự càng lớn bấy nhiêu. Dù sao, ở mức độ nào đó, sự gia tăng quan tâm về chính trị này là rất tốt, ít nhất là trong môi trường thể chế với nguyên tắc ‘đã có Đảng và Nhà nước lo’.
Bên cạnh đó, đồn đoán còn có một tác dụng khác là tạo ra một cái nhìn dư luận toàn cảnh về nhân vật. Đúng hơn là một bản phác thảo về nhân vật chính khách và cho phép đội ngũ làm nhân sự trong Đảng có thể nắm lấy nó để tiến hành những định giá về tính uy tín, cũng như có thể là cơ sở quy hoạch/ thương lượng để chia chác ghế ngồi trong nhiệm kỳ sau. Thậm chí ở một mức độ nào đó, đồn đoán cũng tạo ra một cái ‘giật dây’ (được tung ra bởi các thế lực chính trị trong nước) nhằm quyết định số phận chính trị gia đó.
Đồn đoán có gì quan trọng?
Đồn đoán có tác dụng như vậy, nhưng có lẽ sẽ cần nhiều hơn thế. Bởi nói như nhà giáo Trần Hữu Dũng thì: Có thể có, có thể không. Toàn là tin đồn! Rồi sự thật thế nào cũng chẳng ai biết. Và thật sự là chẳng quan trọng gì cả!!.
Quan điểm này có lẽ là sự kỳ vọng lớn hơn cả về tin nhân sự đồn đoán, người ta kỳ vọng cái sẽ thay đổi khi một nhân vật nào đó lên. Nhưng bằng cách nào?
Đến nay, Việt nam vẫn duy trì một hệ thống bầu cử hình thức, những quan chức cấp cao nhất được tiến hành theo nguyên tắc ‘đảng cử dân bầu’ trong ngày hội toàn dân. Các bước liên quan đến thể thức bầu cử dân chủ như đề ra cương lĩnh tranh cử, vận động tranh cử, hay tuyên thệ nhậm chức đều bị cấm hoặc hạn chế tối đa. Thành ra, người dân hoàn toàn không rõ nhân vật A là ai, và tôn chỉ - mục đích hoạt động chính trị của ông/ bà ấy trong nhiệm kỳ 4 năm sẽ là gì? Và khi không nắm được thông tin đó, thì kỳ vọng cho sự thay đổi trở nên mơ hồ.
Cách đây không lâu, Việt nam râm ran nghi thức tuyên thệ trước Hiến pháp, mặc dù nghi thức này được tiến hành trở lại lần đầu tiên sau 70 năm tồn tại Nhà nước, nhưng tính hình thức của nó vẫn diễn ra, bởi tuyên thệ chỉ là cam kết tính trung thành, nó không bao hàm tính trách nhiệm và đường hướng sẽ diễn ra trong thời gian thực hành vai trò chính trị.
Chính vì vậy mà, ‘sự thực là chẳng quan trọng gì cả’, bởi nhân sự đưa lên là dàn xép giữa các phe phái, nơi mà sự phân định ‘cải cách’ hay ‘bảo thủ’ lu mờ, thay vào đó là xu hướng ‘cuốn theo chiều gió’.
Hãy xem Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, hay Bí thư Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân sau thời gian râm ran đồn đoán và được ngồi vào ghế Bí thư thành ủy họ như thế nào? Hoàn toàn lu mờ, không có bất kỳ dấu ấn nào về mặt phong cách chỉ đạo, thậm chí tại hai đầu cầu này – chức vụ Chủ tịch UBND thành phố lại có phần nổi trội hơn. Không ai biết chức vụ quyền lực ấy đã và đang làm gì, không ai biết họ sẽ đưa ra định hướng, chỉ đạo nào ngoài những sự kiện hoặc dịp lễ cần họ lên phát biểu. Như vậy, đồn đoán (dù đúng) lúc này không còn tác dụng khiến chính khách tạo dấu ấn trong chính trường hay nỗ lực thực thi chính sách trong quá trình lãnh đạo.
Trở lại với sự đồn đoán chức vụ Chủ tịch nước, nhìn vào thực tế đời sống chính trị Việt nam thì chức vụ này mang tính làm cảnh, và bởi làm cảnh nên tác động của chức vụ này chỉ ở mức ‘ân xá’ trong sự kiện lớn hay ký thông qua các đạo luật. Và khi tính hình thức hiện diện thì tính thực tế chính trị (quan trọng) trở nên giảm suốt. Ngược lại, đồn đoán Chủ tịch nước sẽ thực sự trở nên cần thiết và quan trọng hơn, khi mà chức vụ này mở đường cho việc gộp làm một với Tổng Bí thư. Vì khi đó, tính thực quyền sẽ thực sự gia tăng, và vai vế trong đời sống chính trị - tính gây ảnh hưởng sẽ tạo điểm nhấn quan trọng cho việc ai lên, và lên sẽ làm gì.
Dù sao thì, ai lên cũng vậy, ai xuống cũng thế, hoàn toàn không còn quan trọng, khi mà quyền tự do bầu cử - ứng cử còn chưa được đảm bảo. Và nhiều người quan tâm đến chính trị mong muốn một thể chế bớt đi sự đồn đoán, thay vào đó là sự minh bạch và tự do vận động (cam kết) trong hoạt động chính trị. Và khi đó, xã hội đó sẽ phát triển một cách thực sự bền vững hơn.
Ánh Liên
(VNTB)
http://www.tintuchangngayonline.com/2018/04/on-oan-tran-ai-quang-ai-len-cung-vay-ai.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?