Tin Biển Đông – 27/04/2018

  • Tin Biển Đông – 27/04/2018

    Hoa Kỳ điều B52 ra Biển Đông

    thách thức Trung Quốc

    Không quân Hoa Kỳ vừa cho máy bay ném bom B 52 thực hiện tập luyện ở khu vực gần khu vực Biển Đông và phía Nam đảo Okinawa của Nhật Bản hôm 24/4. Reuters trích nguồn tin từ Không quân Hoa Kỳ cho biết như vậy hôm 27/4.
    Không quân Hoa Kỳ cho biết các máy bay này cất cánh từ căn cứ Không quân Andersen ở Guam và đi qua vùng phụ cận của Biển Đông. Các máy bay B-52H thực hiện huấn luyện và sau đó đi qua vùng phụ cận của Okinawa để huấn luyện với các tiêm kích F – 15 C Strike Eagle trước khi quay trở lại Guam.
    Người phát ngôn của Không quân Hoa Kỳ cho biết đây là hoạt động thường kỳ nhằm duy trì sự sẵn sàng của quân đội Mỹ. Các nhiệm vụ này đã được thực hiện từ hồi năm 2004 trở lại đây, và hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế.
    Cuộc diễn tập lần này của Không quân Mỹ được truyền thông Đài Loan đưa tin trong tuần này làm dấy lên những đồn đoán cho rằng Hoa Kỳ đãn gửi cảnh báo đến Trung Quốc sau khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự gần đảo Đài Loan.
    Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 26/4 khi được hỏi về cuộc diễn tập của Mỹ đã không đưa ra câu trả lời trực tiếp mà chỉ nói quân đội nước này đã sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
    Trong khi đó, một giới chức Quốc phòng Mỹ được tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng hôm 27/4 trích lời nói rằng mặc dù các hoạt động quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan được coi là những dấu hiệu đe dọa nhưng Lầu Năm Góc sẽ không mắc bẫy và đáp trả.
    Quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách vấn đền chiến lược của Mỹ, Thomas Harvey III nói rằng mặc dù Mỹ nhận thấy thông điệp rõ ràng từ các hoạt động quân sự của Trung Quốc gần Đài Loan nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ phải thận trọng với vấn đề này và khả năng leo thang căng thẳng. Vì vậy Mỹ sẽ không cắn câu Trung Quốc và có phản ứng.
    Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 25/4 thừa nhận nước này đã thực hiện vòng luyện tập không quân thứ hai quanh Đài Loan và điều này đánh dấu một bước chuyển lịch sử.
    Một trang blog của một giới chức không quân Trung Quốc cho biết nước này đã tiến hành nhiều đợt diễn tập từ các căn cứ khác nhau, sử dụng các các chiến đấu cơ, máy bay cảnh báo sớm và máy bay ném bom H – 6K tầm xa.

    Vì sao Thượng viện Canada thông qua khuyến nghị

    chỉ trích Trung Quốc về Biển Đông?

    Diễm Thi, RFA
    Thượng viện Canada hôm 24 tháng 4 năm 2018 thông qua bản khuyến nghị của các Nghị sĩ đảng Bảo thủ chỉ trích Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông, một tuyến đường huyết mạnh của các hoạt động giao thương quốc tế. Nhân dịp này, Diễm Thi phỏng vấn Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải thuộc Đảng Bảo thủ Canada về kiến nghị này.
    Diễm Thi: Xin ông cho biết lý do vì sao lúc này thượng viện Canada lại thông qua kiến nghị phản đối Trung Quốc?
    TNS. Ngô Thanh Hải: Khuyến nghị này đã đưa ra từ 2016, cách đây hai năm nhưng bên chính phủ và Thượng nghị sĩ bận rộn nên để cho đến ngày hôm nay.
    Mình thấy cái gì đúng thì mình làm. Đây là một cảnh báo để các quốc gia trên thế giới thấy rõ âm mưu của Trung Quốc. Đó là điều Canada muốn nêu lên, rằng Biển Đông không phải là một vấn đề tầm thường. Đó là một vấn đề hàng hải rất quan trọng.
    Diễm Thi: Canada đã lên tiếng ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về đường lưỡi bò của TQ ở biển Đông hồi năm 2016, xin ông cho biết tự do hàng hải, hàng không tại biển Đông có ý nghĩa thế nào đối với Canada?
    TNS. Ngô Thanh Hải: Vấn đề hàng hải ở Biển Đông thì khối lượng hàng hải qua Biển Đông lên đến hơn 5.000 tỷ USD một năm. Đó là điều rất quan trọng. Nếu sự tranh chấp giữa các bên đưa đến bế tắc trên con đường hàng hải đó thì sự thiệt hại về kinh tế rất lớn. Vì lý do đó khi Philippines đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế La Hay, và tòa án ra quyết định Trung Cộng không có tư cách để chiếm đoạt các bãi đá nhưng  Trung Quốc không công nhận phán quyết của tòa.
    Nếu Trung Quốc tiếp tục kiểm soát vùng Biển Đông thì sẽ tệ hại cho tất cả vùng Đông Nam Á.
    Canada cũng là một quốc gia buôn bán với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương, và cũng là một thành viên của TPP (Hiệp Định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương).
    Diễm Thi: Hiện nay Canada đang tìm cách đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Thượng viện Canada lại thông qua bản kiến nghị vào thời điểm này. Liệu điều này gây ảnh hưởng thế nào đến quan hệ song phương?
    TNS. Ngô Thanh Hải: Tôi nghĩ không ảnh hưởng gì cả bởi đây là quan hệ song phương buôn bán với nhau. Việc đàm phán thương mại song phương giữa Canada-Trung Quốc và kiến nghị về vấn đề Biển Đông là hai vấn đề khác nhau, không liên quan gì đến thảo luận thương mại.
    Khi bang giao kinh tế giữa quốc gia với quốc gia thì đôi bên cùng có lợi chứ không chỉ một bên là Canada hay Trung Quốc. Mà khi bang giao với Canada thì Trung Cộng hưởng lợi nhiều hơn Canada.
    Diễm Thi: Bất chấp dư luận quốc tế, Trung Quốc đã gần như hoàn tất việc xây dựng các thực thể nhân tạo và quân sự hóa khu vực biển Đông. Vậy theo ông, kiến nghị trên sẽ mang lại kết quả gì?
    TNS Ngô Thanh Hải: Bản kiến nghị yêu cầu chính phủ Canada phải đóng vai trò thúc giục các quốc gia tranh chấp trong vùng công nhận luật pháp quốc tế. Chấm dứt mọi hành động tranh chấp bằng vũ lực để bảo vệ an ninh trong vùng.
    Các quốc gia nhỏ như Indonesia, Philippines, Việt Nam có tranh chấp với Trung Quốc và bị Trung Quốc lấn lướt.
    Canada là một quốc gia tôn trọng tự do dân chủ và luật pháp quốc tế nên Canada không thể là ngơ trước thực tế ở Biển Đông. Do đó Canada phải có tiếng nói cùng với các đồng minh ngoại giao của mình ở khu vực Đông Nam Á. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Canada cũng đã lên tiếng lo ngại sự căng thẳng trong khu vực liên quan tranh chấp Biển Đông.
    Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao cũng kêu gọi các quốc gia trong khu vực kiềm chế, tránh các hành động dẫn đến leo thang căng thẳng của các quốc gia trong vùng.
    Diễm Thi: Theo ông Canada có thể có vai trò cụ thể gì trong việc gây sức ép lên Trung Quốc ở Biển Đông
    TNS Ngô Thanh Hải: Có thể lúc này các quốc gia trên thế giới không để ý tới vấn đề Biển Đông. Chính phủ Úc châu cho biết Trung Cộng đã chiếm gần 90% Biển Đông thành ra tôi nghĩ đây là một cơ hội cho các quốc gia trong tranh chấp Biển Đông có cơ hội, lập trường dứt khoát với nhau lên tiếng kêu gọi Trung Quốc phải ngồi xuống và thảo luận để sự tranh chấp không ảnh hưởng đến khu vực.
    Đồng thời kêu gọi các quốc gia siêu cường như Hoa Kỳ, hay Liên hiệp Âu châu, Úc Châu thấy rõ hàng hải trong khu vực lên tới 5.000 tỷ đô la sẽ bị thua thiệt nếu chúng ta không dể ý tới.
    Theo tôi nghĩ thì Canada sẽ đóng vai trò ngoại giao nhiều hơn. Canada có ảnh hưởng với các quốc gia bạn trong vùng. Dù Canada không phải là một siêu cường như Hoa Kỳ, tuy nhiên Canada có ảnh hưởng về ngoại giao nên Canada có thể dùng tiếng nói của mình để cùng thảo luận với các quốc gia khác. Nếu các quốc gia cùng đồng ý thì kêu gọi yêu cầu Trung Quốc ngồi xuống thảo luận về Biển Đông. Đó là một giải pháp chúng ta cần phải làm.
    Trung Quốc luôn dùng sức mạnh của mình để lấn át và cưỡng chiếm. Khi cùng thảo luận với sự quan tâm của quốc tế thì tôi nghĩ Trung Quốc sẽ e dè, sẽ dừng chân…nhưng mình cũng không thể đoán Trung Quốc sẽ làm gì. Tuy nhiên mình đã nêu lên như thế thì các cường quốc, nhất là Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu Châu có thể áp lực Trung Quốc.
    Diễm Thi: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho chúng tôi.

    Thượng đỉnh ASEAN: Khủng hoảng chồng chất

    dễ che lấp hồ sơ Biển Đông

    Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32, khởi sự ngày 25/04, sẽ kết thúc ngày 28/04/2018. Đây là thượng đỉnh đầu tiên của khối các nước Đông Nam Á trong nhiệm kỳ Singapore làm chủ tịch luân phiên. Hồ sơ Rohingya, nhưng đặc biệt là căng thẳng Mỹ – Trung trong thương mại có nguy cơ « che lấp » vấn đề Biển Đông, nơi căng thẳng có khuynh hướng gia tăng, với các tham vọng chủ quyền « không có điểm dừng » của Trung Quốc, như ghi nhận của chuyên gia địa chính trị châu Á Bill Hayton, Viện Chatham House, Luân Đôn.
    Hồ sơ chia rẽ sâu sắc ASEAN
    « Khả năng kháng cự cao » và « cách tân » là hai chủ đề chính thức của thượng đỉnh ASEAN. Trả lời phỏng vấn RFI Pháp ngữ (1), nhà địa chính trị học Bill Hayton nhấn mạnh đến thách thức hàng đầu tại hội nghị lần này :
    « Do nhiều khủng hoảng bên trong và bên ngoài nghiêm trọng mà khu vực đang phải đối mặt từ nhiều tháng nay, phần cơ bản của các việc trong thượng đỉnh này sẽ là nhằm chứng tỏ khả năng các quốc gia thành viên trực tiếp gánh vác các vấn đề chung, cùng lúc không xa rời khỏi nguyên tắc truyền thống không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
    Rõ ràng là cuộc đàn áp của quân đội Miến Điện chống lại thiểu số người Rohingya theo đạo Hồi và việc gần 700.000 người Rohingya phải chạy trốn sang Bangladesh là một trong các khủng hoảng nhân quyền lớn nhất mà khối các nước Đông Nam Á gặp phải, kể từ khi ra đời năm 1967.
    Hồ sơ này chia rẽ sâu sắc ASEAN, với ba quốc gia thành viên có cư dân chủ yếu theo đạo Hồi, cụ thể là Brunei, Malaysia và Indonesia. Đây chính là các nước đã trực tiếp phê phán Miến Điện trong các thượng đỉnh trước. Chắc chắn, do lo ngại một lần nữa bị lên án dữ dội mà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi đã không tham dự thượng đỉnh tại Singapore. Về phần mình, chính quyền Miến Điện cũng rất không hài lòng và nhấn mạnh rằng Miến Điện là một quốc gia có chủ quyền, ASEAN không có sứ mạng gì để can thiệp vào công việc hoàn toàn nội bộ này ».
    Kinh tế ASEAN có nguy cơ vạ lây
    Trả lời câu hỏi về Bộ Quy Tắc Ứng Xử mà ASEAN đang xúc tiến để ngăn chặn Trung Quốc thống trị Biển Đông (gọi tắt là COC), nhà nghiên cứu Bill Hayton nhận xét :
    « Theo các nguồn tin của chúng tôi, việc biên soạn Bộ Quy Tắc Ứng Xử này đang đi đúng đường, nhưng chưa thể đúc kết được do các vấn đề được thảo luận rất phức tạp. Tương lai nào cho các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng tại Biển Đông, để dùng làm căn cứ hải quân, là trở ngại chính đối với các thương lượng đang diễn ra.
    Bên cạnh đó, tại Singapore, tôi cảm thấy các lo ngại do chiến tranh thương mại Trung – Mỹ gia tăng có nguy cơ che lấp các đòi hỏi về vấn đề Biển Đông. Các cạnh tranh thương mại giữa hai quốc gia này có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với khu vực, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại chủ yếu của nhiều nền kinh tế Đông Nam Á. Một số quốc gia cung cấp nguyên liệu cho Trung Quốc, còn một số khác lắp ráp các sản phẩm do Trung Quốc xuất khẩu…. Nền công nghiệp điện tử có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề, nếu chính quyền Trump áp dụng thuế nhập khẩu đối với 100 tỉ hàng hóa bổ sung từ Trung Quốc ».
    Đàm phán COC không diễn ra như dự kiến
    Về hồ sơ Biển Đông, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền thông Đức Deutsche Welle mới đây (2), nhà nghiên cứu Bill Hayton lưu ý là các đàm phán về COC, dự kiến vào tháng 3/2018, như kế hoạch đề ra từ thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31, đã không diễn ra. Tháng 03/2018 cũng là tháng mà các đe dọa trả đũa thương mại Mỹ – Trung bắt đầu lên đến đỉnh điểm, mở đầu với việc tổng thống Mỹ đe dọa áp thuế với 60 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.
    Theo ông Bill Hayton, lo ngại lớn của nhiều nước Đông Nam Á là Bắc Kinh không chấp nhận tình thế « nguyên trạng » hiện nay, mà tìm mọi cách dần dần mở rộng phạm vi ảnh hưởng, quá trình bành trướng diễn ra không có điểm dừng, với mục tiêu cuối cùng là độc chiếm việc khai thác các tài nguyên ở Biển Đông. ASEAN chủ trương lập ra một bộ quy tắc COC với mục tiêu ngăn chặn các hành động bành trướng tiếp theo của Trung Quốc, đồng thời khẳng định hiệu lực của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) trên toàn bộ Biển Đông, theo đó các nước ven Biển Đông có toàn quyền khai thác các nguồn lợi dầu khí và hải sản ven bờ nước mình. Tuy nhiên, « bất hạnh thay là Trung Quốc không chấp nhận cả hai điều này ». Đàm phán COC – được khởi động ngay từ năm 1995 – không biết đến khi nào có thể kết thúc.
    Một điểm son : Cộng đồng kinh tế ASEAN vận hành đến 90%
    Về triển vọng tương lai của khối ASEAN, vốn được coi là một tổ chức liên quốc gia lỏng lẻo, không có một chính sách đối ngoại thống nhất (ban thư ký của hiệp hội các nước Đông Nam Á rất ít thẩm quyền, khác hẳn với các định chế như Liên Hiệp Châu Âu), trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI, nhà địa chính trị Bill Hayton lưu ý mức độ hội nhập kém về chính trị không cản trở 10 quốc gia này tiến nhanh trên con đường hội nhập kinh tế :
    « ASEAN hiện nay đang nỗ lực cho sự ra đời của một cộng đồng kinh tế gắn bó kể từ 2025, với ‘‘một thị trường duy nhất và một nền tảng sản xuất mang tính hội nhập’’. Mà trên thực tế, trong hiện tại, cộng đồng này đã vận hành được đến 90% ». Điểm hạn chế hiện nay, theo Bill Hayton, là « các hàng rào mậu dịch phi thuế quan hay việc lưu thông dịch vụ và lao động tay nghề cao bị trở ngại ».
    Vai trò Singapore với hồ sơ Biển Đông?
    Nhà địa chính trị Bill Hayton khẳng định tin tưởng vào Singapore chủ tịch luân phiên của ASEAN, chủ nhà của thượng đỉnh lần thứ 32, là quốc gia « từng trải về ngoại giao », đi đầu trong phát triển kinh tế, giáo dục, hội nhập thương mại, đã thành công trong việc thúc đẩy định chế khu vực ASEAN đóng vai trò cân bằng giữa các đối tác nước ngoài, đặc biệt là Washington và Bắc Kinh, « duy trì được các quan hệ kinh tế vững chắc với Hoa Kỳ, mà không xa lánh Trung Quốc ».
    Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trong hồ sơ Biển Đông phức tạp nói trên, Singapore có thể đóng vai trò tích cực nào ? Theo nguồn tin từ giới chuyên gia, các điều khoản liên quan đến Biển Đông trong dự thảo bản thông cáo chung của thượng đỉnh ASEAN, dự kiến công bố vào ngày mai 278/04, đang gây mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ ASEAN. Một số quốc gia như Cam Bốt – nổi tiếng với quan điểm thân Trung Quốc – không chấp nhận đưa vấn đề « quân sự hóa » và « bồi đắp đảo nhân tạo » vào văn bản chính thức của khối.
    —-
    (2) Bài mang tựa đề «Các nước ASEAN muốn kiểm soát ứng xử của Trung Quốc», Deutsche Welle, 30/03/2018.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện