Vụ bắt cóc đã được lên kế hoạch từ lâu: gài bẫy tình bẫy Trịnh Xuân Thanh

Một người đàn ông đang phải hầu tòa ở Berlin, người được cho là đã tham gia vào việc bắt cóc một viên chức Việt Nam. Ngày càng có nhiều thông tin chi tiết được đưa ra ánh sáng - nhưng còn nhiều câu hỏi vẫn chưa sáng tỏ.


Hình minh họa

Bị cáo có dáng vẻ kín đáo ở đằng sau tấm kính bảo vệ an ninh trong sảnh đường của Tòa án tối cao Berlin. Nguyễn Hải Long mặc một chiếc áo sơ mi màu đen, quần đen, tóc được chải kỹ gọn gàng. Bị cáo người Việt theo dõi phiên tòa xét xử vào hôm thứ Tư này với đôi vai ủ rũ, nét mặt không biểu lộ cảm xúc.


Các công tố viên liên bang cáo buộc Nguyễn Hải Long, 47 tuổi, tội "cướp đoạt tự do thân thể" và "hoạt động tình báo". Ông được cho là đã tham gia trợ giúp trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đầy kịch tính từ Berlin vào mùa hè năm ngoái. Long là bị cáo đầu tiên trong một vụ án mà ở bối cảnh xảy ra tựa như được lấy ra từ một bộ phim gián điệp trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh: Vào ngày 23 Tháng 7 năm 2017 nhiều người đã lôi kéo Trịnh Xuân Thanh tống vào một chiếc xe bán tải ở công viên Tiergarten - Berlin, cùng với cô tình nhân người Việt, người đã đến thăm ông ở thủ đô Berlin. Một vài ngày sau, Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên đài truyền hình Việt Nam, ở đó ông tuyên bố rằng ông đã "tự nguyện" về nước và ra đầu thú trước các nhà chức trách. Họ đã cáo buộc ông về một số tội phạm về kinh tế. Trịnh Xuân Thanh sau đó bị kết án hai lần tù chung thân trong hai phiên tòa xét xử.

Chiếc xe BMW X5 thuê ở Praha


Sự xuất hiện của bị cáo Long trong phòng xử án ứng khớp với vai trò mà anh ta đảm nhận trong vụ bắt cóc: một tên lính quèn. Long chỉ là một tên tay sai, kẻ đã nhận lệnh và thực hiện mệnh lệnh. Công tố viên hoàn toàn tin rằng người đàn ông Việt này đã thuê một chiếc xe hơi ở Praha, được mật vụ Việt Nam sử dụng vào việc theo dõi Trịnh Xuân Thanh và người tình của mình trong những ngày trước khi vụ bắt cóc sảy ra. Ngay sau khi Long lo việc thuê xe bán tải và đích thân lái xe đến Berlin, sau đó nó được sử dụng vào việc bắt cóc các nạn nhân. Trên thực tế, Long chỉ đóng một vai trò phụ trong một âm mưu khác nhau, trải dài từ tình báo Việt Nam đến Đại sứ quán nước này ở Berlin. Các tập hồ sơ điều tra mà báo F.A.Z. xem xét đã thể hiện điều đó.


Theo đó, vụ bắt cóc được lên kế hoạch từ lâu. Việc chuẩn bị cho vụ bắt cóc này có thể đã bắt đầu ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh chạy trốn. Bởi vì hai tháng sau, một số công chức Việt Nam đã có cuộc hành trình đến Đức, có lẽ là để xác định nơi Trịnh Xuân Thanh đang trú ngụ. Vào ngày 4 tháng 11 năm 2016, các quan chức chính phủ Việt Nam đã thông báo với sĩ quan liên lạc của Cảnh sát Liên bang Đức tại Việt Nam rằng Trịnh Xuân Thanh đang ở Đức. Vào cuối tháng đó, chính quyền Đức đã nhận thêm thông tin từ Việt Nam, ví dụ như biển số xe của Trịnh Xuân Thanh. Họ cũng biết được rằng Trịnh Xuân Thanh đang có kế hoạch gặp gỡ với một tình nhân từ Hà Nội. Và từ đó, Việt Nam đã biết về cuộc gặp gỡ với tình nhân.


Chiến dịch đã được khởi động một vài ngày trước khi vụ bắt cóc xảy ra. Vào ngày 18 tháng 7 năm 2017, bị cáo Long thuê một chiếc BMW X5 ở Praha. Long đã sinh sống ở Cộng hòa Séc gần hai mươi năm, ở đó ông ta điều hành một văn phòng dịch vụ chuyển/đổi tiền. Chiếc xe được thuê đó Long trao cho một đồng hương, người đảm nhận nhiệm vụ lái xe trong suốt quá trình thực hiện điệp vụ. Anh ta lái chiếc xe đi ngay trong ngày hôm đó đến Berlin, nơi người ta sử dụng để theo dõi nạn nhân.

Đặt Phòng khách sạn với đầy đủ tên tuổi qua mạng internet


Ngày hôm sau, một số cán bộ cấp cao Việt Nam đã gặp nhau tại sân bay Tegel - Berlin, trong số đó có trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh của Việt Nam và đại tá Nguyễn Đức Thoa, khi đó là đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức. Cũng vào ngày đó, người tình của Trịnh Xuân Thanh cũng đã đến Berlin qua ngả Paris. Các nghi phạm của vụ bắt cóc đã phải chờ ở sân bay trong nhiều giờ đồng hồ. Do đó, các nhà điều tra cho rằng họ không biết chính xác khi nào người tình của Thanh sẽ hạ cánh. Một số người đã đến khu vực dành cho hành khách hạ cánh và kiểm tra hành khách có lịch trình đến từ Paris. Cô gái đến Berlin vào buổi trưa và đi taxi thẳng đến khách sạn Sheraton. Các nghi phạm bám theo sau cô trong chiếc BMW X5. Các nhà điều tra đã có thể tìm ra đường đi của chiếc xe sau đó bằng cách thẩm tra dữ liệu định vị GPS, sau đó họ so sánh nó với dữ liệu của hệ thống định vị của các số điện thoại di động của các nghi phạm, từ đó cho ra một biểu đồ di chuyển dày đặc của nghi phạm.


Các nhân viên tình báo đã theo dõi cặp tình nhân vào ngày hôm sau khi họ ghé thăm một hiệu kính ở Berlin và vào buổi tối khi họ ăn ở tiệm Ý. Họ theo dõi Trịnh Xuân Thanh và tình nhân không rời mắt. Cơ hội đặc biệt thuận lợi để tấn công có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong thời điểm đó. Cả hai nạn nhân đã ở tại khách sạn Sheraton gần công viên Tiergarten và đi du lịch rất nhiều trong thành phố. Thông thường Trịnh Xuân Thanh vốn thận trọng nhiều hơn thế. Ông ta sống với vợ và cô con gái nuôi trong một ngôi nhà nhỏ ở quận Spandau chứ không phải là trong căn hộ được vốn được đăng ký tại sở lưu trú. Thanh cũng liên tục nhận được cảnh báo của bạn bè ở Việt Nam rằng anh ta có thể gặp nguy hiểm. Do đó, anh ta sống khá khép kín.


Nhưng vụ áp phe tình ái đã cho các tay mật vụ một cơ hội duy nhất để chộp lấy. Họ đã dọn đến nhiều phòng khách sạn ở Berlin, tất cả đều nằm gần khách sạn Sheraton - cách tiếp cận táo bạo của họ cũng được thể hiện trong thực tế là họ đặt phòng với tên họ đầy đủ qua một cổng trên mạng Internet. Tại khách sạn, các quan chức tình báo lên kế hoạch tỉ mỉ cho hành động của họ. Điều này là kết quả điều tra lấy từ dữ liệu kết nói các số điện thoại của các nghi phạm. Những người Việt này thường xuyên gọi điện thoại cho nhau - Tướng Đường Minh Hưng chẳng hạn, hầu như không rời khỏi phòng trong khách sạn trong hai ngày và nói chuyện điện thoại không ngừng nghỉ. Các nhà điều tra coi ông ta là kẻ cầm đầu của chiến dịch bắt cóc. Đến một lúc nào đó ông ta sẽ bị bắt? đó vẫn là một câu hỏi: Ông ta đã rời nước Đức ngay sau khi vụ bắt cóc diễn ra và sau ít lâu bay về Việt Nam.

Hậu quả của một cuộc đấu đá tranh giành quyền lực?


Vào ngày xảy ra vụ bắt cóc, Trịnh Xuân Thanh và người tình rời Sheraton qua lối đi chính. Ngay sau đó, chiếc xe bán tải bắt đầu lảng vảng ở gần đó - có lẽ một trong những kẻ theo dõi đã thông báo cho đồng bọn của anh ta rằng đã đến lúc chuẩn bị hành động. Trong công viên Tiergarten, nhiều người đã túm lấy Thanh và người tình của anh ta và lôi họ tống vào chiếc xe bán tải. Các nhân chứng đã theo dõi được hành động bắt cóc này. Từ những lời khai của họ cho thấy, cả hai nạn nhân đã phản ứng, chống trả lại dữ dội. Một trong những nhân chứng tin rằng tình nhân của Trịnh Xuân Thanh bị lên cơn động kinh, và cô ấy đã đấm đá lung tung một cách dữ dội. Một người khác cho biết hôm thứ tư tại tòa án rằng, đầu tiên ông nghĩ rằng nhóm này là một vài người còn sót lại sót lại từ những người tham dự lễ hội Christopher Street Day (Lễ hội của người đồng tính -DL). Nhưng rồi người phụ nữ hét lên, và rồi anh nhận ra rằng cô ta đã không hề tự nguyện đi vào chiếc xe vào tải.


Những kẻ bắt cóc sau đó phóng qua Đài Chiến Thắng, bẻ lái hướng về phía Cổng Brandenburg và lái xe chạy đến tòa Đại sứ quán Việt Nam nằm ở phía đông thành phố. Tất cả những hành động trong những giờ phút ngay sau vụ bắt cóc đã cho thấy kế hoạch bắt cóc được dựng nên tỉ mỉ như thế nào: Những kẻ tiếp tay hủy bỏ việc đặt các phòng trong các khách sạn, nơi những kẻ chủ mưu của chiến dịch bắt cóc đã lưu trú. Họ trả bằng tiền mặt. Tại thời điểm đó, đại sứ quán đã tích cực trợ giúp để bao che tội phạm. Ví dụ, một nhân viên của đại sứ quán Việt Nam đã đặt vé một chiều bay về Hà Nội qua ngả Bắc Kinh và Seoul cho người tình của Trịnh Xuân Thanh. Hai người hộ tống cô ta trên chuyến bay, một trong số đó được cho là nhân viên hành chính của đại sứ quán. Địa điểm lần cuối cùng được biết đến của cô ta là ở một bệnh viện ở Hà Nội, nơi cô được điều trị vì một cánh tay bị gãy. Có thể cô ấy đã bị chấn thương trong vụ bắt cóc đầy bạo lực. Kể từ đó cô ta ở đâu và tình trạng sức khỏa như thế nào, đến nay các nhà điều tra vẫn chưa được biết.


Các nhà quan sát chính trị tin rằng vụ bắt cóc của Trịnh Xuân Thanh là kết quả của một cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên thực tế, Thanh đã có một hoạn lộ lên như diều gặp gió ở quê nhà. Ông từng là quan chức cao cấp của đảng và là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Thanh được coi là một người thân tín của cựu Thủ tướng và nhà cải cách Nguyễn Tấn Dũng và thậm chí còn đang được nhắm vào chiếc ghế Thứ trưởng Bộ Công Thương. Nhưng tại Đại hội 12 của Đảng Cộng sản vào tháng giêng năm 2016, phe cải cách thân phương Tây đã thua trong cuộc đấu đá tranh giành quyền lực với cánh bảo thủ của đảng – Trịnh Xuân Thanh bị thất sủng. Cảnh sát Việt Nam từ đó tiến hành điều tra vì một số tội phạm kinh tế đối với cựu quan chức này. Thanh chạy trốn qua Lào và Thái Lan rồi đến Thổ Nhĩ Kỳ và đến Đức vào tháng 8 năm 2016 với hộ chiếu ngoại giao. Và Ông đặt đơn xin tị nạn ở đây.


Nhưng cảnh sát Việt Nam đã không bỏ cuộc. Nhiều lần họ kêu gọi chính quyền Đức chuyển giao Thanh cho họ. Thậm chí chính trị gia cao cấp Việt Nam còn đề cập đến chủ đề này bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg. Cuối cùng tiếp theo là vụ bắt cóc đầy kịch tính vào mùa hè.

Vai trò của Slovakia


Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đóng một vai trò đặc biệt ở đây. Theo các nhà điều tra, một nhân viên cao cấp của Sứ quán đã giúp xóa đi các dấu vết của vụ bắt cóc. Anh ta đã gọi ngay sau khi vụ bắt cóc diễn ra một người bạn sống ở Berlin. Viên nhân viên đại sứ quán hỏi anh ta để nhờ anh ta giúp lấy hành lý của một phụ nữ Việt Nam từ một khách sạn vì người phụ nữ này bị tai nạn. Người quen đã nhận lời giúp đỡ; ngay sau đó, ông xuất hiện với tờ giấy ủy quyền tại quầy tiếp tân của khách sạn Sheraton. Tờ giấy ủy quyền có chữ ký của người tình Trịnh Xuân Thanh, cùng với dấu xác nhận của đại sứ quán. Do đó, ông ta, dường như không hề biết gì về vụ bắt cóc kia, đã có thể dọn phòng.


Và thậm chí những biến cố vụ bắt cóc các mật vụ Việt Nam còn trải dài tới tận Slovakia. Ba ngày sau khi vụ bắt cóc xảy ra, vào ngày 26 tháng 7 năm 2017 nhiều nghi phạm đã lái một chiếc xe thuê từ Praha đến thủ đô Bratislava. Chiếc xe đã đỗ trong bãi đậu xe của khách sạn Borik - đó là những gì dữ liệu của hệ thống định vị GPS hiển thị. Khách sạn này nằm dưới sự quản lý của chính phủ Slovakia, và vào ngày mà các nghi phạm đã đậu xe ở đó, đã diễn ra một cuộc họp làm việc giữa những nhà chính trị gia cấp cao của Việt Nam và Slovakia được tổ chức tại khách sạn Borik. Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm đã tham dự cuộc họp, cùng với trung tướng Đường Minh Hưng - nghi phạm chính và là kẻ bị cáo buộc đứng đầu của vụ bắt cóc. Tướng Hưng thậm chí còn đặc biệt bay từ Việt Nam tới tham dự cuộc họp, mặc dù ông ta vừa mới rời khỏi Châu Âu sau vụ bắt cóc. Về phía Slovakia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Robert Kalinák và Phó Thủ tướng đã tham gia các cuộc đàm phán.


Các nhà điều tra cho rằng, khả năng nạn nhân vụ bắt cóc là Trịnh Xuân Thanh vẫn còn ở châu Âu vào thời điểm đó. Tại sao trong cuộc họp làm việc lại có nhiều nghi phạm chính của vụ bắt cóc đến tham gia? Việt Nam và Slovakia có thảo luận tìm cách đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi châu Âu không? Trong một điều kiện nào đó, Slovakia đã có thể nhận lời giúp đỡ? Theo các phương tiện truyền thông Slovakia đưa tin, các cuộc đàm phán nhằm mục đích tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh công cộng. Bộ trưởng Nội vụ Kalinák cũng bày tỏ ý kiến ​​này. Một vài ngày sau, Trịnh Xuân Thành xuất hiện trên truyền hình Việt Nam lần đầu tiên.

Morten Freidel

Biên tập viên Chính trị báo FAZ

Nguồn: Nhật báo FAZ

Dân Luận chuyển ngữ

(Dân Luận)
http://www.tintuchangngayonline.com/2018/04/vu-bat-coc-uoc-len-ke-hoach-tu-lau-gai.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?