Tin Biển Đông – 28/04/2018

Tin Biển Đông – 28/04/2018

Không quân Mỹ huấn luyện gần Biển Đông

Các máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã tiến hành tập huấn ở khu vực gần Biển Đông và đảo Okinawa phía nam Nhật Bản, không quân Hoa Kỳ cho biết hôm 27/4. Báo chí Trung Quốc cho rằng động thái này có liên quan đến các cuộc tập trận của Trung Quốc ở gần Đài Loan.
Hãng tin Reuters trích dẫn nguồn tin từ Không quân Mỹ cho biết nhiều máy bay B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam ở Thái Bình Dương, đã “bay ngang qua khu vực gần Biển Đông” hôm thứ Ba 24/4.
“Máy bay B-52H đã tiến hành tập huấn và sau đó bay tới khu vực gần Okinawa để huấn luyện với máy bay tiêm kích F-15C Strike Eagles, trước khi trở về căn cứ trên đảo Guam”, không quân Mỹ cho biết.
“Các hoạt động ‘Hiện diện liên tục của máy bay ném bom (CBP)’ là nhằm duy trì khả năng sẵn sàng tác chiến của các lực lượng Hoa Kỳ. Sứ mệnh CBP, thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đã được thi hành thường xuyên từ tháng 3 năm 2004”.
Một phát ngôn viên của Không quân Mỹ nói đây là một “hoạt động thường lệ”.
Cuộc tập huấn đã được truyền thông Đài Loan tường thuật vào tuần này, cho rằng đây có thể là một cảnh báo từ Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự xung quanh Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh luôn tuyên bố là thuộc về Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo ngày 26/4, khi được hỏi về các máy bay ném bom của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm chỉ nói rằng các lực lượng vũ trang Trung Quốc đang kiểm soát được tình hình, và sẽ luôn bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Trung Quốc đưa ra những cảnh báo ngày càng gay gắt hơn với Đài Loan, khuyến cáo Đài Bắc hãy ngoan ngoãn tuân thủ, đồng thời điều bay máy bay quân sự bay quanh hòn đảo trong các hoạt động mà Bắc Kinh gọi là “tuần tra bao vây”.
Bắc Kinh lo ngại Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân tiến, muốn thúc đẩy độc lập chính thức cho Đài Loan. Bà Thái Anh Văn nói bà muốn duy trì hiện trạng và hòa bình với Trung Quốc.
Trong một bài xã luận hôm 27/4, tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc nói nếu máy bay ném bom của Mỹ có ý gửi một thông điệp tới Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan, thì thông điệp đó chẳng có ích lợi gì.
“Mỹ không thể ngăn cản đại lục gây áp lực quân sự đối với Đài Loan”, tờ báo nói.
“Máy bay quân sự của đại lục sẽ bay ngày càng gần Đài Loan hơn và cuối cùng sẽ bay ngay bên trên hòn đảo này”.
Bài báo đe dọa:
“Nếu chính quyền Đài Loan công khai thúc đẩy chính sách ‘độc lập cho Đài Loan’ và cắt đứt tất cả các liên hệ chính thức với đại lục, thì đại lục sẽ xem Đài Loan như một chế độ thù địch và có phương tiện vô tận để đối phó”.
Đài Loan và Biển Đông là hai vấn đề gây bất đồng chính giữa Washington và Bắc Kinh.
Các cuộc tuần tra nhằm thể hiện quyền “tự do hàng hải” của Mỹ ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã bồi đắp để xây dựng các căn cứ quân sự, và sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho Đài Loan dân chủ đã khiến Trung Quốc nổi giận.
Một tàu sân bay mới của Trung Quốc có thể sớm được hạ thủy và chạy thử là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, dựa trên những hình ảnh đăng tải trên truyền thông Trung Quốc trong tuần này khi chiếc tàu rời bến ở thành phố Đại Liên ở miền Bắc.
Hôm thứ Sáu, chính quyền Trung Quốc cảnh báo các tàu vận tải hãy tránh xa khu vực ngoài khơi Đại Liên trong một tuần vì những “hoạt động quân sự”, nhưng không giải thích thêm chi tiết.

Campuchia chất vấn tuyên bố về Biển Đông

trước thượng đỉnh Asean

Campuchia là nước chất vấn nhiều nhất những điểm liên quan tới Biển Đông trong Dự thảo Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Asean sắp diễn ra, cho dù nước này không có tranh chấp hay lợi ích trực tiếp ở vùng biển này, theo phân tích của GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia.
Theo bài viết của Giáo sư Thayer trên tạp chí The Diplomat, bản dự thảo Tuyên bố của Chủ tịch hội nghị đã bị rò rỉ trước thềm Thượng đỉnh Asean lần thứ 32 dự kiến được triệu tập vào ngày thứ Bảy 28/4 ở Singapore, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên Asean.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2012 ở Phnom Penh, Campuchia, nước nắm chức Chủ tịch luân phiên, đã ngăn cản Asean ra Tuyên bố chung phản đối nội dung đề cập về Biển Đông. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử của hiệp hội, Asean không ra được một tuyên bố chung.
Lần này, Campuchia là nước dẫn đầu với bảy trong tổng số 44 chất vấn văn kiện này, theo sau là Philippines với ba chất vấn. Malaysia và Việt Nam mỗi nước đưa ra hai chất vấn, còn Indonesia và Singapore mỗi nước chỉ có một chất vấn. Brunei, Lào, Myanmar và Thái Lan không có ý kiến gì.
Những chất vấn này được ghi lại trong phần chú giải của bản dự thảo bị rò rỉ. Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ đưa ra sự ủng hộ, phản đối hay ý kiến khác về ngôn từ của dự thảo tuyên bố. Mười bảy chú giải trong số này liên quan đến các điểm về Biển Đông.
Trong số bảy điểm liên quan đến Biển Đông, có ba điểm là điểm 14, 19 và điểm 20 không hề gặp bất cứ ý kiến gì.
Điểm 15 đề cập đến ‘thảo luận chân thành’ về Biển Đông và bày tỏ quan ngại sâu sắc ‘trước những diễn biến gần đây và đang diễn ra, bao gồm bồi đắp đảo và quân sự hóa ở quy mô lớn. Cả Campuchia và Malaysia đều yêu cầu bỏ cụm từ ‘bồi đắp đảo và quân sự hóa ở quy mô lớn’.
Điểm 15 viết: “Chúng tôi lưu ý những quan ngại của một số bộ trưởng về việc bồi đắp đảo và việc leo thang các hoạt động trong khu vực, xây đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn và triển khai khí tài quân sự trong vùng tranh chấp…” Philippines yêu cầu phải nhấn mạnh là ‘quan ngại sâu sắc’ và ‘xây đảo nhân tạo ồ ạt’. Trong khi đó, Campuchia yêu cầu giữ lại câu từ gốc. Nói cách khác, Phnom Penh tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của những lời lẽ trong văn kiện.
Điểm 16 tái khẳng định “tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông và các chuyến bay trên bầu trời Biển Đông”. Campuchia đặt dấu hỏi về từ ‘an toàn’ và cho biết họ sẽ quay trở lại điểm này.
Kế đó, điểm 16 kêu gọi ‘tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý’. Campuchia kêu gọi gạch bỏ câu này trong khi các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Việt Nam đòi giữ lại. Đây là điểm thể hiện sự thay đổi trong lập trường của Asean – gắn kết các tranh chấp trên Biển Đông với phán quyết của Tòa án quốc tế, mặc dù chỉ gián tiếp.
Điểm 17 ghi là “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế trong cách tiến hành các hoạt động, bao gồm việc bồi đắp đảo vốn có thể làm phức tạp thêm tình hình và tranh chấp và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.” Lập trường của Campuchia là Asean không có tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông và tranh chấp nên được giải quyết song phương giữa các bên.
Tiếp đó, điểm 17 ghi là: “Chúng tôi khẳng định cam kết của Asean đối với việc thực thi đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.” Philippines và Việt Nam yêu cầu phải thêm vào câu sau đây: “Về vấn đề này, chúng tôi hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập dựa trên Phụ lục VII của UNCLOS.” Lập trường này của Manila là đáng ghi nhận vì Tổng thống Duterte của nước này đã từng tuyên bố ông sẽ không gây áp lực Trung Quốc thực thi phán quyết.
Cuối cùng, Campuchia chất vấn toàn bộ điểm 18 và nói rằng họ sẽ quay trở lại điểm này. Điểm 18 ghi là: “Chúng tôi nhấn mạnh sự khẩn cấp phải tăng cường các nỗ lực để đạt thêm bước tiến thực chất trong việc thực thi DOC [Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông], nhất là Điều 4 và Điều 5 trong Tuyên bố này, cũng như là các cuộc đàm phán thực chất để sớm hoàn thành COC bao gồm phác thảo và lịch trình của COC.”
Điều 4 được nhắc đến ở trên kêu gọi giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình mà không phải đe dọa sử dụng vũ lực thông qua tham vấn và đàm phán của các bên liên quan trực tiếp trên cơ sở của luật pháp quốc tế và Công ước Quốc tế về Luật biển UNCLOS.
Điều 5 được nhắc đến ở trên kêu gọi các bên thực hiện kiềm chế trong các hoạt động “có thể làm phức tạp hay leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.”
Điểm 19 và điểm 20 trong Dự thảo Tuyên bố không bị chất vấn. Điểm 19 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin và các biện pháp phòng ngừa trong quá trình thực thi DOC “một cách đầy đủ” và “sớm thông qua một bộ COC có hiệu lực”. Điểm 20 nhắc lại yêu cầu cần thiết lập đường dây nóng giữa ngoại trưởng các nước để xử lý các trường hợp khẩn cấp trên biển và hoan nghênh việc thông qua thông cáo chung về việc tuân thủ CUES (Quy tắc ứng xử trong trường hợp Chạm trán không định trước trên Biển).

Nghị sĩ Canada hy vọng

kiến nghị Biển Đông sẽ khiến Việt Nam hành động

Sau khi Thượng viện Canada thông qua kiến nghị chỉ trích ‘cách ứng xử leo thang thù nghịch’ của Trung Quốc trên biển Đông, Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải nói với VOA rằng ông hy vọng bản kiến nghị sẽ khiến Việt Nam thức tỉnh và hành động.
Bản kiến nghị do thượng nghị sỹ gốc Việt thuộc đảng bảo thủ bảo trợ đã được Thượng viện Canada thông qua hôm 24/4 với tỷ lệ 43/29 phiếu.
Kiến nghị được đưa ra từ năm 2016 tuy nhiên chỉ mới được thông qua sau 2 năm tranh luận ở Thượng viện, theo nghị sỹ có nhiều hoạt động trong cộng đồng người Việt tại thành phố Ottawa.
“Trong kiến nghị của tôi, tôi muốn Canada đóng một vai trò chủ đạo trong vấn đề thúc giục các quốc gia tranh chấp trong vùng (biển Đông) phải công nhận luật pháp quốc tế và chấm dứt mọi hành động làm leo thang tranh chấp để bảo vệ nền an ninh trong vùng biển Đông.”
Một ngày sau khi bản kiến nghị được thông qua, Trung Quốc lên tiếng phản pháo, nói rằng kiến nghị không có tính ràng buộc của Thượng viện Canada, kêu gọi chấm dứt các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là “vô trách nhiệm và sẽ “khuấy động rắc rối.”
Trong một thông cáo, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa nói nghị sĩ Ngô Thanh Hải đang tìm cách “khuấy động rắc rối” một tình hình đang yên ổn.
Giải thích lý do ông đứng ra bảo trợ kiến nghị này, Thượng nghị sĩ đại diện cho tỉnh bang Ontario cho biết ông muốn thông qua kiến nghị để “yêu cầu chính phủ Canada phải chủ động ủng hộ các quốc gia đồng minh ngoại giao của mình tại vùng Đông Nam Á” vì “chính phủ Canada không thể làm ngơ trước thực tế đang phát sinh từ các cuộc tranh chấp trên biển Đông.”
“Trong những năm qua từ khi TQ tăng cường lấn chiếm biển Đông bằng cách xây dựng các cơ sở quân sự trên biển Đông, không có quốc gia nào đứng ra tiếp tục lên án TQ,” theo nghị sỹ Canada. “Họ im lìm để cho các quốc gia có liên quan tại vùng Đông Nam Á phải đương đầu trực tiếp với TQ.”
Đô đốc Mỹ Philip Davidson hôm 17/4 nói Trung Quốc đã “bắt đầu” phát triển các tiền đồn quân sự trên Biển Đông từ tháng 12/2013, và từ đó tới nay đã “bồi đắp xây đảo nhân tạo”, “xây hanga chứa máy bay” và các hệ thống phòng thủ.” Trung Quốc phủ nhận các hoạt động này.
Phillipines từng đưa Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye và tòa án này bác bỏ đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trong đó nước này muốn mưu chiếm hầu như toàn bộ biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc không công nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đưa ra vào đầu tháng 7/2016.
“Trung Cộng không bao giời chấp nhận phán quyết của tòa án quốc tế La Haye do đó tời giờ phút này vấn đề đó vẫn chưa giải quyết được,” Nghị sỹ Canada nhận định với VOA. “Với hành động đó chúng ta thấy rằng Trung Cộng có thể dùng biển Đông để áp lực tất cả các quốc gia trên thế giới. Trung Cộng muốn làm bá chủ vùng châu Á Thái Bình Dương.”
Hy vọng (Đảng) Cộng sản Việt Nam sẽ nhận thấy rõ vai trò của mình đối với nhân dân Việt Nam là không thể nào để mất được Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngô Thanh Hải, Nghị sỹ Canada
Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, từng phục vụ trong vai trò Thẩm phán Di trú và Quốc tịch tại Ottawa, nói “Nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề biển Đông cứ để TQ xâm chiếm và không ai lên án thì TQ sẽ làm tới, chiếm đóng và mặc hồi phân giải.”
Việt Nam, trong chưa đầy 1 năm qua, đã phải 2 lần dừng dự án thăm dò dầu khí trên biển Đông vì áp lực của Bắc Kinh. Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng chính thức về động thái này nhưng tập đoàn dầu khí nhà nước PetroVietnam trong 1 lần hiếm hoi đã lên tiếng thừa nhận rằng tình hình căng thẳng trên biển Đông sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động dầu khí của tập đoàn trong năm nay.
Gần đây nhất, Trung Quốc lắp đặt các thiết bị tác chiến điện tử mới gây nhiễu sóng trên Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn. Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 24/4 đã liên tiếng phản đối các động thái này nhưng một số chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nhận định với VOA rằng những lời “phản đối” lập đi lập lại của Việt Nam trước những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông tạo ra một vòng “luẩn quẩn”.
Tiến sỹ Nguyễn Nhã, một nhà sử học nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông, nói với VOA rằng nếu không phản đối, theo luật pháp quốc tế, kể như Việt Nam công nhận những gì Trung Quốc làm là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, cho nên đó là một việc làm đương nhiên”.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, động thái “phản đối” của Việt Nam “ sẽ không đủ vì Trung Quốc hung hăng lắm. Họ cứ thế mà làm thôi. Việt Nam cứ phản đối, còn họ cứ làm.”
Về kiến nghị vừa được thông qua, Thượng nghị sĩ Canada Ngô Thanh Hải hy vọng “(Đảng) Cộng sản Việt Nam sẽ nhận thấy rõ vai trò của mình đối với nhân dân Việt Nam là không thể nào để mất được Hoàng Sa và Trường Sa” trên Biển Đông.

TT Philippines khẳng định

không hề từ bỏ phán quyết quốc tế về Biển Đông

Bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN tại Singapore, chiều hôm qua, 27/04/2018, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp xúc song phương với tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ngoài các vấn đề song phương, hồ sơ Biển Đông đã được hai bên đề cập đến.
Báo chí tại Philippines đã đặc biệt chú ý đến sự kiện hai lãnh đạo Việt Nam và Philippines đã đề cập đến phán quyết Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Đây là văn kiện quốc tế, phủ nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và có lợi cho Philippines, nhưng đã bị ông Duterte gác qua một bên để tạo điều kiện làm ăn với Bắc Kinh.
Theo phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, Harry Roque, chính phía Việt Nam đã gợi đến phán quyết đó trong cuộc họp, và tổng thống Duterte đã xác định với lãnh đạo Việt Nam rằng Manila công nhận giá trị của phán quyết, và sẽ viện đến văn kiện đó vào thời điểm thích hợp.
Phát biểu với các phóng viên ở Singapore, nơi đang diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN, ông Roque nhấn mạnh rằng đối với tổng thống Philippines, điều đó có nghĩa là ông Duterte không hề « từ bỏ, không đếm xỉa tới hoặc gác sang một bên » một phán quyết mang tính bước ngoặt.
Tuyên bố của phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines là nhằm phản bác những lời chỉ trích nhắm vào ông Duterte, cho là ông đã bỏ qua vấn đề chủ quyền của đất nước để mưu cầu các lợi ích kinh tế từ phía Trung Quốc.
Phát ngôn viên của ông Duterte cho rằng việc tổng thống Philippines khẳng định trước một lãnh đạo ngoại quốc là ông không từ bỏ phán quyết về Biển Đông, điều đó chứng tỏ rằng ông rất quan tâm đến phán quyết đó.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?