Khó ngăn chặn vụ tấn công Woolwich'

Cập nhật: 07:36 GMT - thứ sáu, 24 tháng 5, 2013


Tưởng niệm binh sỹ bị sát hại
Cựu trưởng bộ phận chống khủng bố của tình báo Anh MI6 nói ngăn chặn vụ sát hại quân nhân Lee Rigby tại Woolwich là việc "rất khó".
Đại diện tình báo Anh đang đối diện khả năng phải điều trần trước Quốc hội sau khi tin xác nhận rằng cơ quan MI5 (tình báo trong nước) đã biết tới hai nghi phạm bị bắt sau vụ tấn công và giết hại Lee Rigby suốt tám năm nay.

Hai người này là Michael Adebolajo và Michael Adebowale.
Cựu trưởng bộ phận chống khủng bố của MI6 (tình báo nước ngoài), Richard Barrett, nói các cuộc tấn công không cần chuẩn bị nhiều như ở trên rất khó có thể ngăn chặn được.
Cảnh báo của ông Barrett được đưa ra sau khi báo Anh Daily Mirror công bố một đoạn video quay lại giây phút cảnh sát bắn Adebolajo, 28 tuổi, người vùng Romford, Essex, và Adebowale, 22 tuổi, người ở Greenwich, đông nam London.
Video này cho thấy một trong hai nghi phạm xông tới xe cảnh sát nhưng bị bắn, tuột con dao đang cầm trong tay và ngã vật ra.

Bắt thêm người

Kẻ thứ hai trên video chĩa súng vào cảnh sát khi chạy về hướng khác. Người ta nghe thấy cảnh sát bắn tổng cộng tám phát vào hai người.
Ủy ban Độc lập về Khiếu nại Cảnh sát (IPCC) đã xem xét các băng CCTV thu được ở địa phương và cho hay hai cảnh sát viên đã nổ súng, trong khi một người khác sử dụng súng điện Taser.
Người đứng đầu IPCC Derrick Campbell nói vào thời điểm này tổ chức của ông không điều tra sai phạm gì đối với cảnh sát.
Cả hai nghi phạm hiện đang được điều trị vết thương tại hai bệnh viện riêng biệt và trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Ông Richard Barrett nói với chương trình Newsnight của BBC rằng hai nghi phạm "có lẽ vừa tính tới chuyện gây tội mới đây thôi".
"Tôi cho rằng hai người này thuộc về một tổ chức nhỏ, có thể không có liên hệ với nước ngoài hoặc với các tổ chức lớn hơn ở Anh, vốn bị cơ quan tình báo chú ý theo dõi hơn."
"Khi nào thì một cá nhân có quan điểm cực đoan, gia nhập một tổ chức cực đoan, trở nên một kẻ cực đoan sử dụng bạo lực? Để đoán biết được, dù có tín hiệu cảnh báo, là điều vô cùng khó khăn."
Michael Adebolajo
Michael Adebolajo từng tham gia biểu tình chống việc bắt giữ người Hồi giáo
BBC có trong tay một đoạn phim của chính hãng, trong đó Adebolajo được ghi hình đang tham gia một cuộc biểu tình của người Hồi giáo vào tháng 4/2007 để phản đối vụ bắt giữ một người đạo Hồi tại Luton. Trong phim Adebolajo cầm biểu ngữ có đề "thánh chiến chống lại người Hồi giáo".
Ông ta đứng bên cạnh người lúc đó là lãnh đạo của tổ chức al-Muhajiroun nay đã bị cấm, Anjem Choudary. Ông Choudary nói Adebolajo rời khỏi tổ chức này năm 2010.
Ngay sau khi giết hại binh sỹ Rigby hôm thứ Tư, Adebolajo bị một người qua đường quay phim nói lý do của cuộc tấn công là vì hàng ngày lính Anh đều giết hại người Hồi giáo.
Giáo sỹ Choudary nói trên chương trình Newsnight hôm thứ Năm 23/5 rằng Adebolajo đã đưa ra nhận định mà "ít người Hồi giáo phản bác".
Ông này không trả lời khi được hỏi liệu ông có "ghê tởm' những gì đã diễn ra hay không, mà chỉ nói ông bị sốc.
Giáo sỹ này nói: "Một người bị giết trên phố không thể nào so sánh được với hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu người đã bị sát hại vì chính sách ngoại giao của Anh và Mỹ".
Trong khi đó, hàng nghìn thành viên cộng đồng Hồi giáo Ahmadiyya chuẩn bị tụ họp tại London để cầu nguyện cho người lính bị sát hại và gia đình anh, đồng thời "bày tỏ lòng đoàn kết chống chủ nghĩa cực đoan".
Chủ tịch cộng đồng Rafiq Hayat nói: "Chúng tôi hy vọng những kẻ gây tội dựa trên tư tưởng điên rồ và méo mó sẽ bị mang ra trước công lý".

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện