Tiếng vang và tranh cãi vì 'Người kỳ diệu'

Cập nhật: 15:56 GMT - thứ sáu, 24 tháng 5, 2013


Người không tay không chân Nick Vujicic đến Việt Nam
'Người kỳ diệu' Nick Vujicic đến Việt Nam được theo dõi bởi 25.000 người trên sân vận động Mỹ Đình, hàng triệu khán giả truyền hình, nhiều người rơi nước mắt nhưng cũng có không ít ý kiến trái chiều.
Người không tay không chân Nick Vujicic đã vượt lên số phận không may để trở thành một diễn giả truyền bá Phúc âm nổi tiếng.
Anh được mời thuyết trình để truyền cảm hứng tới doanh nhân và người khuyết tật Việt Nam, theo thông cáo của nhà tổ chức, song đã gặp phải không ít chỉ trích, chủ yếu xoay quanh số tiền đầu tư và những lợi ích mà Hoa Sen Group thu được.
Theo truyền thông trong nước, Hoa Sen Group đầu tư hơn 30 tỷ đồng để tổ chức việc đưa Nick Vujicic sang Việt Nam thuyết trình trong bốn ngày.
Một số báo như Thanh Niên hay VnEconomy đưa tin giá cổ phiếu của tập đoàn Hoa Sen tăng “vùn vụt”, và tài sản của ông Lê Phước Vũ, chủ tịch tập đoàn, có lẽ tăng tới hơn 170 tỷ đồng tính theo vốn hóa thị trường chỉ sau 4 ngày.
Bình luận về sự kiện này dưới góc độ truyền thông, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch tập đoàn Le Group, nói nhà tổ chức đã đầu tư hiệu quả về mặt nhận biết thương hiệu.
“Rõ ràng là chương trình này mang lại lợi ích rất to lớn cho Tôn Hoa Sen, và chương trình này khá là nhân văn. Bản thân tôi đánh giá cao sáng kiến này,” CEO của tập đoàn chuyên về truyền thông, quảng cáo và quan hệ công chúng nói với BBC hôm 24/05.
Về vấn đề kinh phí, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, hơn 30 tỷ đồng là khoản tiền lớn trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam hiện nay, và gọi đây là sự đầu tư ‘mạnh bạo’.
Nick Vujicic và hiệu quả truyền thông
Một chuyên gia về truyền thông nói sự kiện Nick Vujicic thành công về thương hiệu, song tổ chức 'chưa thật sự khôn ngoan'.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

“Nhưng rõ ràng là họ đã đạt được mục đích là gây tiếng vang rất lớn. Gần như người dân Việt Nam nào cũng biết đến thương hiệu của họ, cho nên với một chiến dịch như vậy, 30 tỷ không phải là số tiền bỏ đi.”
Tuy nhiên, theo chủ tịch Le Group, việc tổ chức có thể kín kẽ hơn, chuẩn bị kỹ càng hơn thì sẽ ít gặp phải chỉ trích của truyền thông hơn.
“Tôi không nói ở đây có sự phân biệt đối xử, nhưng phong cách cư xử [của nhà tổ chức] tạo ra hố quá lớn giữa hai nhóm người khuyết tật này [Nick Vujicic và người khuyết tật Việt Nam] và tạo ra cho người ta cảm giác không hài lòng.”
Ông Vinh gợi ý, đưa cả hai nhóm vào một chiến dịch truyền thông như nhau thì vừa đỡ tốn kém lại vừa “xóa bỏ được những ý kiến trái chiều”.

Truyền thông hay truyền giáo

Trong khi truyền thông Việt Nam ca ngợi khả năng diễn thuyết của chàng trai không chân không tay, báo chí phương Tây tỏ ra ngạc nhiên khi thấy Việt Nam không kiểm duyệt khi Nick Vujicic nói về Thượng đế và Thiên Đường.
Hãng AP thuật lại buổi thuyết trình của Nick trước 25,000 người ở sân Mỹ Đình: “Em biết vì sao tôi yêu Chúa không?” Nick Vujicic hỏi một bé gái đứng trên sân khấu, cô bé cũng không tay không chân như anh.
"Nick Vujicic là người có khả năng diễn thuyết rất tài, anh ấy có thể gây được cảm hứng qua những lời nói."
Ông Lê Quốc Vinh
“Bởi vì thiên đường có thật. Và một ngày kia, khi chúng ta lên thiên đường, chúng ta sẽ có tay có chân. Và chúng ta sẽ được chạy, sẽ vui đùa, chúng ta sẽ chạy thi.”
Phóng viên của AP, Chris Brummit phân tích, phần lớn khán giả không phải là người theo Công giáo, nhưng bị cuốn hút bởi Nick như một ví dụ sống của một người vượt lên hoàn cảnh.
“Đối với Vujicic và 12 thành viên của “đội Nick”, trong đó chủ yếu là người California, tổ chức cho chuyến đi châu Á của anh, đây là một nước nữa được thêm vào bản danh sách dài mà anh đã truyền đến chân lý của Chúa.
“Tổ chức từ thiện của anh đã thu được hơn 1.6 triệu đôla Mỹ trong năm ngoái, video trên YouTube của anh cũng được xem tới hàng triệu lần và anh là tác giả của ba cuốn sách bán chạy.”
Đây cũng là yếu tố khiến Nick Vujicic trở thành lựa chọn rất “khôn ngoan” cho truyền thông của tập đoàn Hoa Sen, theo ông Lê Quốc Vinh nhận xét.
So với người khuyết tật Việt Nam, mặc dù ở Việt Nam cũng có những người khuyết tật có nghị lực, “nhưng Nick Vujicic là người có khả năng diễn thuyết rất tài, anh ấy có thể gây được cảm hứng qua những lời nói, bên cạnh đó lại có những sản phẩm truyền thông đi kèm như video và sách, là những thứ không thể thiếu trong những chiến dịch truyền thông như vậy,” ông Vinh nhận xét.
Trả lời câu hỏi của BBC về điều kiện cho người khuyết tật Việt Nam, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, họ chưa được quan tâm xứng đáng, ngoài việc còn đang thiếu vắng những cơ sở hạ tầng cơ bản cho người khuyết tật.
Song xã hội cũng có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đặc biệt là với những người làm truyền thông, thì “việc làm cho người khuyết tật có cảm hứng, có động lực sống trong xã hội bình thường là quan trọng hơn cả.”
“Không phải bằng cách tài trợ cho họ một khoản tiền mà cần những chương trình cụ thể, đào tạo cho họ, đưa họ vào cuộc sống, đưa họ vào cộng đồng, thì tự họ sẽ biết cách phát triển khả năng của họ như thế nào,” ông Lê Quốc Vinh nói thêm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện