Nga - Trung Quốc liên minh đối đầu Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự  hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) hội nghị thượng đỉnh tại Thượng Hải vào ngày 20 tháng năm 2014.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) hội nghị thượng đỉnh tại Thượng Hải vào ngày 20 tháng năm 2014.
AFP


Theo RFA
Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2014-05-22


Nghe bài này
Hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ đô la mà Nga vừa ký với Trung Quốc được giới quan sát quốc tế quan tâm dưới nhiều khía cạnh, trong đó nổi bật thế liên minh giữa hai cường quốc này như một đối trọng với sức mạnh lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ. Mặc Lâm phỏng vấn GS Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy bộ môn Bang giao quốc tế tại đại học George Mason để biết thêm một nhận định khác của các chuyên gia về vấn để này.
Mặc Lâm: Thưa GS, như ông đã biết cách đây hai ngày Trung Quốc và Nga đã ký một hợp đồng về khí đốt rất lớn trị giá đến 400 tỷ đô la. Qua thành công này, nếu so với hiện tình hiện nay, giáo sư có thấy đây là một bước tiến của cả 2 nước Trung Quốc và Nga sau hơn 10 năm thương thuyết, lần này nhằm cân bằng lực lượng so với Mỹ hay chỉ đơn thuần là lý do kinh tế?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay hai nước Nga và Trung Quốc họ muốn tìm cách cân bằng hình tượng của Mỹ trên toàn thế giới, thì đây là một trong những động tác để làm chuỵên đó. Chúng ta thấy họ đã điều đình cả 10 năm rồi và như vậy dĩ nhiên là vấn đề giá cả khó khăn chắc chắn là Nga đã nhượng bộ thế nào đó để có hợp đồng này.
Nga làm việc này để tránh thế cô lập và đồng thời chuyển nguồn cung cấp sang Trung Quốc và Á Châu. Còn Trung Quốc thì hưởng được dầu khí của Nga, bởi vì Trung Quốc cũng cần thiết dầu khí cho phương diện kinh tế hay chiến lược.
Mặc Lâm: Trước động thái có vẻ kết hợp sức mạnh này thì Mỹ họ có phản ứng như thế nào? Họ sẽ nghĩ tới việc thành lập một liên minh quân sự trong đó có cả Việt Nam nhằm ngăn ngừa sự lớn mạnh của Trung Quốc tại vùng biển Đông cũng như vùng biển Hoa Đông hay không, thưa giáo sư?
Hiện nay hai nước Nga và TQ họ muốn tìm cách cân bằng hình tượng của Mỹ trên toàn thế giới, thì đây là một trong những động tác để làm chuỵên đó. Chúng ta thấy họ đã điều đình cả 10 năm rồi và như vậy dĩ nhiên là vấn đề giá cả khó khăn chắc chắn là Nga đã nhượng bộ thế nào đó để có hợp đồng này
GS Nguyễn Mạnh Hùng
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Thật ra thì người Mỹ từng tuyên bố họ không ngăn chặn Trung Quốc. Họ muốn cả Trung Quốc và Mỹ xây dựng một quan hệ giữa các nước lớn, đặc biệt không xảy ra chiến tranh mà để cho một nước như Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình thì Mỹ vẫn đồng ý. Thế nhưng những động tác của Trung Quốc làm cho Mỹ phải nghi ngờ, cho nên họ bảo họ không ngăn chặn, nhưng họ phải đề phòng.
Đề phòng mà nhỡ chẳng may điều tốt đẹp nhất không xảy ra thì sao? Thì chuyện đó đã xảy ra rồi. Mỹ đã tìm cách có sự hiện diện ở đảo Darwin đầu tiên, và bây giờ là tăng sự hiện diện ở Phi Luật Tân nữa,
Trong chuyến đi của ông Obama sang Nhật cũng như Hàn Quốc đều tăng cường sự hợp tác và cam kết rõ rệt hơn nhiệm vụ phòng thủ chung của Mỹ với các nước đó. Đó là chuyện người ta đang làm rồi. Nói tóm lại, người ta tuyên bố là không có liên minh, nhưng trên thực tế họ tăng cường những liên minh sẵn có của mình để đối phó với những trường hợp không tốt đẹp nhất xảy ra.
Mặc Lâm: Dưới cái nhìn của giáo sư qua kinh nghiệm giảng dạy cũng như kinh nghiệm về giao tế với những chính trị gia của Mỹ, giáo sư thấy rằng người Mỹ đánh giá Việt Nam như thế nào trong toàn cảnh đang xảy ra tại khu vực?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trong toàn cảnh thì chúng tôi thấy Mỹ nói rằng sẽ tìm cách giúp đỡ các quốc gia nhỏ, tăng cường cả phòng thủ của họ, nếu họ cần thiết thì Mỹ có thể giúp. Tuy nhiên vì sự quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam chưa mạnh để Mỹ sẳn sàng bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Thành ra đối với Mỹ thì những nước liên minh sự cam kết sẽ mạnh mẽ hơn do đó trao đổi hay củng cố quan hệ quân sự nhiều hơn. Còn Việt Nam thì quan hệ dân sự đã tiến triển khá hơn, nhưng chưa đến mức độ như các nước khác.
Trước hết không ai nghĩ rằng chiến tranh xảy ra cả Việt Nam lẫn TQ đều nói chiến tranh sẽ không xảy ra. Trong trường hợp một cách giả thuyết, nếu chiến tranh có xảy ra thì tôi cũng không nghĩ là người Mỹ can thiệp bởi vì TQ sẽ không phát động chiến tranh lớn mà họ chỉ làm những cuộc tấn công nhỏ
GS Nguyễn Mạnh Hùng
Mặc Lâm: Hình như Mỹ đang mong chờ một tín hiệu từ Việt Nam để có những mối giao hảo mật thiết hơn. Theo giáo sư Việt Nam nên làm điều gì trong giai đoạn này để tranh thủ Hoa Kỳ, tuy rằng chưa là đồng minh hẳn, nhưng có thể nói là một nguồn lực đối trọng với sức mạnh với Trung Quốc.
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Thật ra nếu mà nói về việc ủng hộ Việt Nam bằng lời nói thì Mỹ đã ủng hộ khá nhiều. Lần này những lời tuyên bố không còn trung lập nữa, những lời tuyên bố đều có tính cách mạnh dần. Chẳng hạn như: hành động của Trung Quốc là hành động quá khích, hành động xâm lấn, hành động tìm cách thay đổi nguyên trạng thì việc đó cũng là có sự ủng hộ rồi.
Nhưng ủng hộ cụ thể, có lẽ hai bên còn chần chờ là bởi thứ nhất, Việt Nam không muốn làm mất lòng Trung Quốc. Việt Nam dĩ nhiên cần một sự cân bằng, chống lưng cho mình nhưng họ phải dè dặt với Trung Quốc. Việt Nam đang trong tình trạng chưa sẵn sàng để có một bước tiến mạnh như vậy. Đối với Mỹ, bởi Việt Nam chưa muốn cho nên việc quan hệ quốc phòng không được lớn. Chẳng hạn như người Mỹ gợi ý sẵn sàng mang tàu đến để thăm Việt Nam nhiều hơn một năm một lần thì vấn đề này vẫn chưa được phía Việt Nam chấp thuận. Thành ra nó còn ở trong tình trạng lằng nhằng thế thôi.
Mặc Lâm: Nếu chiến tranh ngắn hạn giữa Việt Nam và Trung Quốc xảy ra thì cục diện tại vùng biển Đông sẽ như thế nào đặc biệt so với vai trò của người Mỹ tại đó?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết không ai nghĩ rằng chiến tranh xảy ra cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều nói chiến tranh sẽ không xảy ra. Trong trường hợp một cách giả thuyết, nếu chiến tranh có xảy ra thì tôi cũng không nghĩ là người Mỹ can thiệp bởi vì Trung Quốc sẽ không phát động chiến tranh lớn mà họ chỉ làm những cuộc tấn công nhỏ thôi họ gọi là thử thách. Hành động sẽ không đủ lớn để bắt buộc người Mỹ can thiệp vì thế việc can thiệp của Mỹ tôi nghĩ nó sẽ không xảy ra ít nhất trong lúc này. Người Mỹ không có bổn phận đồng minh nào đối với Việt Nam như là họ đối với chính quyền Phi Luật Tân hay Nhật Bản.
Mặc Lâm: Cảm ơn Giáo sư.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?