Huy Đức: Người phu quét đường cho lộ trình “nhất thể hóa” của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng

Vũ Đông Hà (Danlambao) – Sau khi một số “người phu quét đường” vung chổi khai quang con đường “nhất thể hóa” cho Nguyễn Phú Trọng (1), “công tác” dọn đường được chuyển từ một cơ quan truyền thông “độc lập” của nước ngoài sang một trang “Facebook cá nhân độc lập”. Với nhan đề “Nhất thể hóa” (2), Huy Đức là người kế tiếp cầm chổi quét đường để góp phần làm thông thoáng lối đi cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bước lên ghế Chủ tịch Nước.
Điểm cần lưu ý là quyết định nhất thể hoá hoàn toàn nằm trong tay đảng độc tài, những người dân “làm chủ đất nước” không có một ảnh hưởng gì lên quyết định này. Do đó, đọc bài của Huy Đức cần phải “cảm nhận” từ vị trí của những đảng viên, cán bộ, uỷ viên TƯĐ – là những đối tượng mà Nguyễn Phú Trọng muốn thuyết phục – qua cái loa mang tên Huy Đức.
Mở đầu bài viết ngắn trên FB cá nhân, Huy Đức viết:
“Tôi không bình luận nhân sự cụ thể. Nhưng nếu quyết định để Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước lần này trở thành tiền lệ thì cũng rất có ý nghĩa. Ít nhất “biên chế” sẽ chỉ còn là Bộ Tam thay vì Bộ Tứ.”
Một câu ngắn nhưng có nhiều điều muốn thuyết phục các đối tượng nhắm đến:
- Không nói về nhân sự, không viết tên người nhưng mọi đảng viên đều biết đó là Nguyễn Phú Trọng;
- Làm “tinh gọn biên chế” cho đảng; và
- Việc nhất thể hoá không phải chỉ làm một lần “cho” cá nhân Nguyễn Phú Trọng mà là tạo tiền lệ “rất có ý nghĩa” cho đảng sau này.
Những điều trên không dễ thuyết phục người dân đứng ngoài đảng – vốn không phải là đối tượng mà Huy Đức nhắm đến. Tuy nhiên, với đảng viên, quan chức đắm mình trong “hệ suy nghĩ của đảng”  – “đảng hệ”, cho những ai “trung thành” với đảng, thì nó khá thuyết phục.
Huy Đức viết tiếp:
“Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam. Từ thay đổi tưởng chỉ “cấu thành hình thức” này, trong quá trình vận hành, chắc chắn sẽ làm xuất hiện nhiều tình huống, gợi ý cho Việt Nam cải cách. Cho dù vẫn một đảng, về mặt lý thuyết, VN sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hoà bán tổng thống.” 
Huy Đức muốn đảng viên, quan chức đừng tưởng rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ cần tính chính danh, đừng nghĩ rằng nó chỉ cho có hình thức, mà còn là để cải cách Việt Nam thành một “nền cộng hòa bán (!?) tổng thống”. Dĩ nhiên, Huy Đức không muốn tốn chỗ FB – vốn rất dư thừa – để viết thêm: một “nền cộng hoà bán tổng thống” do một đảng độc tài cai trị và mọi quyết định từ nhân sự lãnh đạo đến chính sách đều nằm trọn trong tay tổng bí thư kiêm chủ tịch nước.
Một cách ngắn gọn, điều mà Huy Đức muốn gửi gắm, thuyết phục là cần có một Tổng thống Nguyễn Phú Trọng cho một nước “Bán Cộng hoà” Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Và Huy Đức tiếp tục làm người rao hàng, tiếp thị cho tham vọng một mình một chợ, làm vua cả nước, quyền lực đối nội, đối ngoại thu về một mối của Nguyễn Phú Trọng:
“Chủ tịch – nên là chức danh duy nhất được coi là nguyên thủ – thống lĩnh lực lượng vũ trang và đại diện Nhà nước trong các hoạt động đối ngoại. Đây là cái ghế mà chỉ ai thực sự là một chính trị gia hàng đầu mới nên ngồi vào.” 
Chính trị gia hàng đầu? Ai là người chấm điểm, quyết định để một chính trị gia ngồi vào vị trí hàng đầu đó? Trong thể chế thật sự dân chủ, chính trị gia hàng đầu là người đứng “hàng đầu” trong một cuộc bầu cử thật sự công bằng, minh bạch. Nhưng đối với Huy Đức, viết như vậy thì các đối tượng đảng viên mà Huy Đức muốn thuyết phục đương nhiên sẽ hiểu, sẽ biết (vì đó là điều duy nhất họ có thể hiểu, có thể biết: “chính trị gia hàng đầu” đương nhiên là tổng bí thư, người đứng hàng đầu của đảng. “Logic” đó rất là… logic, và không thể khác hơn: Chiếc ghế nguyên thủ đó, ghế chủ tịch nước đó chỉ có tổng bí thư “mới nên ngồi vào”.
Có nâng thì phải có… hạ. Nâng “chính trị gia hàng đầu” (của đảng) lên làm nguyên thủ của một nước cộng sản “bán” cộng hoà thì phải hạ những ngôi vị khác trong hệ thống quyền lực xuống . Do đó Huy Đức hạ – và đây là phát súng cảnh cáo nhắm vào những kẻ – cụ thể là Nguyễn Xuân Phúc – có ý đồ tranh giành, phá thối mộng đế vương hay không thuần phục hoàng đế tương lai:
“Trong khi đó, Thủ tướng chỉ nên là một nhà kỹ trị. Vai trò của Thủ tướng là thiết lập được một nền hành chính công chuyên nghiệp và đưa ra được các công cụ hành pháp kịp thời để phát triển kinh tế – xã hội. Không nên làm Thủ tướng mất thời gian vào các cuộc họp bàn chuyện bắt bớ hay các buổi tiếp tân hình thức.” 
Nói một cách khác, trong triều đình đã có vua Trọng thì chỉ có tể tướng Phúc, phục vụ vua và chỉ cúi đầu chăm chú lo việc triều đình theo chiếu chỉ của vua. Tể tướng không có quyền quyết định bắt ai; người chủ lò muốn ai vào lò chỉ có thể là vua; và nhất là tể tướng không được qua mặt vua trong những lễ tiếp tân trong nước lẫn ngoài nước với các nguyên thủ quốc gia khác.
Cũng trong mối tương quan “vua” và “tể tướng”, Huy Đức đi từ “hạ” sang con đường “diệt” nếu tể tướng không được lòng vua:
“Tuy nhiên, nếu các chính sách của ông (thủ tướng) và nội các kinh tế có dấu hiệu phục vụ cho lợi ích nhóm thì ông và các thành viên mà ông chọn có thể phải đối diện với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay thậm chí bị bắt bớ. Vì, cơ quan điều tra có một vị trí độc lập hơn với “nội các”.” 
Trong cú quét trên, người phu quét đường đã quét người dân và đại biểu quốc hội của họ (dù đây là một cơ chế bù nhìn, tay sai của đảng) xuống cống. Mọi quyết định trừng phạt đối với “tể tướng” và nội các “các bộ” của triều đình phải nằm trong tay vua Nguyễn Phú Trọng. Bỏ phiếu hay bỏ vào lò là quyền của vua vốn là người nắm đầu nắm cổ “cơ quan điều tra có một vị trí độc lập hơn với nội các”. Xin lưu ý là chỉ “độc lập hơn…”  chứ không phải là độc lập tuyệt đối theo đúng nghĩa của nó.
Để thuyết phục quần chúng đảng viên, cán bộ quan chức mạnh hơn, Huy Đức lôi Võ Văn Kiệt – người được thành phần cộng sản miền Nam kính mến – cũng là thành phần có khuynh hướng chống “bắc kỳ có lý luận” Nguyễn Phú Trọng – để gián tiếp thuyết phục: Nguyễn Phú Trọng cũng giống như Võ Văn Kiệt. Huy Đức đã dùng lời nói của Võ Văn Kiệt – “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước” và lời của Phan Văn Khải “về bản lĩnh chính trị tôi không thể nào so sách với đồng chí Võ Văn Kiệt” để xếp đặt thứ tự tôn ti giữa một “chính trị gia hàng đầu” và một “nhà kỹ trị”, giữa một “nguyên thủ” và một “người đứng đầu “nội các kinh tế”, hay nói cho đúng nghĩa triều đình phong kiến – giữa một ông vua và một tể tướng.
Vì vậy, Huy Đức không ngần ngại viết: “Cho dù bị trì hãm trong cái kiềng “Tam Nhân”, ông Kiệt đã hành động như một nguyên thủ và ông Khải thực sự là người đứng đầu “nội các kinh tế”. Ông Khải là một nhà kỹ trị.” 
Ông Kiệt chính là ông Trọng và ông Khải chính là hình ảnh của ông Phúc mà Huy Đức muốn các đảng viên miền Nam liên tưởng đến.
Trong phần kết luận, Huy Đức gửi thông điệp… giùm cho Nguyễn Phú Trọng đến đảng viên:
“Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người. Nếu tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến pháp thì không ai có thể lạm quyền dù họ là nguyên thủ. Nước cũng chỉ nên có một “vua”. Ai cũng muốn đứng đầu. Ai cũng làm chính trị mà thiếu một người kỹ trị thì chính trường rất dễ thành đất “quần ngư tranh thực”; thị trường chỉ là chợ đen; hành chính rối ren và xã hội không thể nào ổn định.” 
Đó là lời hiệu triệu của người phu quét đường: Đừng sợ các đồng chí! Tam quyền phân lập đã được ghi trong hiến pháp của đảng! Đừng sợ tập trung, đừng sợ lạm quyền! Nước phải có một vua. Nước không thể để ai muốn đứng đầu là đòi đứng đầu! Vua phải là… hoàng thượng, tể tướng phải là tôi trung, triều đình không thể là một cái chợ đen mà cần một người – một mình một chợ đỏ.
Và kết thúc là là lời kêu gọi, lời chào hàng cho cửa tiệm “Bán cộng hoà xã hội chủ nghĩa” của chủ tiệm Nguyễn Phú Trọng:
“Con đường để một quốc gia đi đến thịnh vượng còn rất dài. Nhưng với những gì vừa diễn ra chiều nay, nếu không phải để tập trung quyền lực mà nhằm mở ra một hướng đi thì thời gian không lúc nào là quá trễ để bàn một lộ trình đáng hy vọng hơn cho đất nước.”
Lộ trình Nhất Thể Hoá với ông vua Nguyễn Phú Trọng cưởi con ngựa Tàu chính là “lộ trình đáng hy vọng” của Huy Đức – hay viết đúng người đúng việc: “lộ trình đáng hy vọng” của Nguyễn Phú Trọng.
Sau Huy Đức, sẽ là đám quân “nguyên” tay cầm sổ hưu tay cầm chổi đại diện cho thành phần “lão thành cách mạng”, sẽ là các “cử tri” đại diện cho nguyện vọng người dân, lần lượt xuống vỉa hè làm phu cho con đường mang tên Nhất Thể Hoá. Ở cuối con đường đó đã để sẵn một ngai vàng nhập cảng từ Bắc Kinh với hàng chữ mạ vàng “Tổng Thái thú Nguyễn Phú Trọng”.
Đối với các đảng viên – đối tượng mà Huy Đức nhắm đến, những người mà Nguyễn Phú Trọng muốn tranh thủ sự ủng hộ cho giấc mộng Lê Chiêu Thống của ông ta, đây là lúc mà họ cần đặt câu hỏi: Liệu họ có thể tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình qua sự trung thành với đảng nếu đảng CSVN rơi vào tay của một kẻ sẵn sàng phục vụ, làm nô lệ, tiếp tay cho thiên triều phương bắc để biến Việt Nam thành một tỉnh lỵ của Tàu? Quyền lợi của họ sẽ còn gì khi đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là một chi bộ của đảng Cộng sản Tàu và dù là người mang thẻ đảng, họ cũng chỉ là một công dân hạng hai trong nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa?
*
Chú thích:
30.09.2018

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?