Tin Biển Đông – 30/09/2018

Tin Biển Đông – 30/09/2018

Tàu chiến Mỹ lại đi qua Trường Sa

thách thức Trung Quốc

Tàu khu trục Decatur của Hải quân Hoa Kỳ vừa đi vào vùng 12 hải lý gần Đá Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông hôm Chủ Nhật, ngày 30/9. Hãng tin Reuters trích lời một giới chức Hoa Kỳ giấu tên cho biết như vậy vào cùng ngày.
Đây là hoạt động gần đây nhất của Hoa Kỳ nằm trong chương trình tự do hàng hải của Mỹ nhằm thách thức những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong tuần qua, Mỹ cũng hai lần cho máy bay B-52 bay qua Biển Đông làm Trung Quốc tức giận.
Giới chức Hoa Kỳ được Reuters trích lời cho biết Hoa Kỳ đang thực hiện các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên như đã làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai.
Hiện Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về động thái mới này của Mỹ.
Theo luật quốc tế, các tàu nước ngoài được đi qua vùng lãnh hải của một nước mà không cần phải xin phép nếu không cố ý. Hải quân Trung Quốc thời gian qua cũng đã tập trận gần Alaska của Mỹ và một số vùng nước khác trên thế giới.
Tuy nhiên, Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn yêu cầu các tàu bè nước ngoài phải xin phép khi đi qua vùng biển nước này kiểm soát.
Gần đây nhất là trường hợp tàu chiến của Nam Hàn khi đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa để tránh bão đã bị phía Trung Quốc phản đối vì không xin phép.

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông

Trung Quốc đã cho máy bay ném bom tập trận bắng đạn thật ở khu vực Biển Đông trong tuần qua chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ điều máy bay B-52 bay qua vùng nước tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á khác trong đó có Việt Nam.
Theo các hình ảnh được truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) cung cấp, máy bay chiến đấu thuộc bộ tư lệnh miền Nam của lực lượng không quân quân đội Trung Quốc đã diễn tập bắn đạn thật ở khoảng cách biển ngay tại vùng Biển Đông.
Trang tin Japan Times dẫn tin từ CCTV cho biết hàng chục máy bay ném bom và phản lực cơ của Trung Quốc đã thực hiện cuộc diễn tập để thử khả năng tấn công, xâm nhập, và bắn trúng ngoài biển.
Trước đó, vào các ngày 23 và 25 tháng 9, Hoa Kỳ đã điều máy bay B-52 Stratofortress bay qua vùng Biển Đông và gọi hoạt động này là sự hiện diện thường xuyên của các máy bay ném bom Mỹ trong khu vực.
Hôm 26/9, máy bay ném bom B-52H của Mỹ từ đảo Guam đã bay qua vùng Biển Hoa Đông cùng với máy bay chiến đấu của Nhật Bản. Đây là vùng nước đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Hồi tháng tám vừa qua. Hoa Kỳ cũng đã 4 lần điều máy bay B-52 đến vùng Biển Đông và Hoa Đông.
Trung Quốc là nước đòi hỏi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Toà Trọng tài Quốc tế vào năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này.
Trung Quốc trong các năm qua cũng gia tăng các hoạt động xây lấp cải tạo đảo, quân sự hoá khu vực Biển Đông, gây lo ngại cho các nước trong khu vực.
Hôm 27/9, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên tiếng phản đối Hoa Kỳ, gọi hoạt động của máy bay B-52 ở vùng nước tranh chấp là gây hấn. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói nước này sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích của nước này.

Mỹ tung đòn cảnh cáo TQ

ở Biển Đông và biển Hoa Đông

Lực lượng Không quân Mỹ tuần này đã tiến hành hàng loạt chuyến bay của máy bay ném bom B-52 ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Đây là động thái khiến Trung Quốc rất tức giận và lo ngại.
Những ngày vừa qua, người ta chứng kiến hàng loạt máy bay ném bom của Mỹ liên tiếp bay qua vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Cụ thể, 4 chiếc máy bay B-52 đã bay qua Biển Đông hôm thứ Hai đầu tuần (24/9) và vụ việc tương tự diễn ra ở biển Hoa Đông hôm thứ Ba (25/9).
Trung tá Dave Eastburn hôm qua (26/9) cho biết, các máy bay ném bom đang tham gia vào “chiến dịch hỗn hợp định kỳ” và đây là một phần của “những hoạt động định kỳ nhằm tăng cường sự sẵn sàng và tính tương tác với các đối tác cũng như đồng minh của chúng tôi trong khu vực.”
“Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi tàu qua vùng biển và hoạt động ở bất kỳ nơi đâu luật quốc tế cho phép vào những thời điểm và khu vực do chúng tôi lựa chọn”, ông Eastburn nói thêm.
Các máy bay ném bom của Mỹ hôm 25/9 đã được hộ tống bởi các chiến đấu của Nhật Bản bay qua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Quần đảo này đang là nơi tranh chấp kịch liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Khi được hỏi về chuyến bay này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm qua (26/9) đã nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc rằng, những chuyến bay của máy bay B-52 “chẳng có gì là bất thường”.
Diễn biến mới nhất nói trên diễn ra sau khi giới chức Trung Quốc không cho tàu tấn công đổ bộ USS Wasp của Mỹ đến cảng ở Hồng Kông. Hành động của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh Mỹ vừa trừng phạt quân đội Trung Quốc vì mua vũ khí của Nga.
B-52 là loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu. B-52 có khả năng mang lượng vũ khí có trọng tải lên tới 18 – 30 tấn bom. Loại máy bay này được trang bị tên lửa hành trình loại AGM-86B để tiến công từ xa với cự ly 2.500 km. Ngoài ra, B-52 còn có thể mang 12-20 tên lửa hành trình ALCM hoặc 8 tên lửa hành trình ACM (tàng hình), 4 pháo 20 mm hoặc một pháo 20 mm 6 nòng. Máy bay ném bom B-52 được
mệnh danh là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ gồm tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược.
Việc Mỹ thường xuyên đưa máy bay ném bom B-52 vào Biển Đông và biển Hoa Đông là một trong những đòn răn đe nhằm vào Trung Quốc.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông – một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.
Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc mới đây đã cho triển khai các tên lửa đất đối không, đất đối hạm và hệ thống làm nhiễu điện tử đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc ngay lập tức bị phản ứng.
Trong khi đó, ở biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật Bản đều đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo đang quản lý quần đảo này và Bắc Kinh đang tìm mọi cách để thay đổi thế nguyên trạng ở đây.

Tàu chiến của đồng minh Mỹ

liên tiếp cập cảng Việt Nam

Một loạt chiến hạm của các nước đồng minh với Mỹ tới thăm Việt Nam, tham gia nhiều hoạt động hải quân chung, trong đó có cả tập trận trên biển, trong bối cảnh Trung Quốc củng cố chủ quyền ở Biển Đông.
Sau Nhật, Hàn Quốc, Anh, New Zealand, chiến hạm Canada HMCS Calgary cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài 4 ngày từ 26 tới 30/9.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Canada dẫn lời chỉ huy tàu, ông Blair Saltel, nói rằng “Việt Nam là cơ hội cho Calgary làm việc với cộng đồng địa phương và thể hiện cam kết rằng chúng tôi là một đối tác quan trọng”.
Ông Saltel nói thêm rằng “điểm nổi bật trong chuyến cập cảng này là việc chúng tôi sẽ diễn tập trên biển với Hải quân Việt Nam nhằm mở rộng và cải thiện mạng lưới đối tác quốc phòng trong khu vực”.
Trong khi đó, đại biện lâm thời Robert Bissett của Đại sứ quán Canada ở Việt Nam cũng được trích lời nói rằng chuyến thăm của HMCS Calgary cũng góp phần kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Canada và Việt Nam đồng thời “củng cố sự giao tiếp” giữa hai nước.
Tàu chiến Canada thăm Việt Nam trong hành trình tới nhiều nước đồng minh quân sự khác của Mỹ như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đảo của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương nhằm “thúc đẩy sự hiện diện hải quân ở khu vực và hỗ trợ các cuộc thao dượt hải quân quốc tế với các nước đối tác”.
“Việc triển khai nhằm củng cố các đối tác quốc phòng hiện có và thiết lập quan hệ đa quốc gia mới nhằm đạt được khả năng tương tác cao hơn và khả năng phòng thủ tăng cường cho các hoạt động trong tương lai”, thông cáo của Bộ Quốc phòng Canada nói về chuyến thăm của tàu HMCS Calgary.
Tàu chiến với khoảng 230 thủy thủ và sĩ quan trên khoang gần đây đã tham dự cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới có tên gọi “Vành đai Thái Bình Dương” ở Hawaii.
Hoa Kỳ hồi tháng Năm đã mời Việt Nam lần đầu tiên tham dự cuộc thao dượt với hơn 20 quốc gia khác, nhưng loại Trung Quốc vì các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Một ngày trước khi HMCS Calgary cập cảng Đà Nẵng, hôm 25/9, tàu hải quân New Zealand Te Mana F77 với thủy thủ đoàn gồm 178 người cập Cảng Sài Gòn, bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 4 ngày tại TP HCM.
Trước đó không lâu, một tàu khu trục của hải quân Hàn Quốc với hơn 300 sĩ quan và thủy thủy đã cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm TP Đà Nẵng trong 4 ngày.
Sau đó, một đồng minh quân sự của Mỹ là Nhật Bản đã lần đầu tiên triển khai tàu ngầm Kuroshio tới tập trận ở Biển Đông trước khi tới Việt Nam và cập cảng Cam Ranh ở Khánh Hòa.
Cũng trong tháng Chín, tàu tấn công đổ bộ HMS Albion của Hải quân Hoàng gia Anh hôm 3/9 đã cập cảng ở TP HCM nhằm “đóng vai trò tích cực về an ninh khu vực, tự do hàng hải và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam”. Tin cho hay, chiến hạm này trước khi tới Sài Gòn đã tiến gần tới một quần đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Về động thái này, hôm 20/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng “Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”.
Trong một diễn biến liên quan, theo báo chí trong nước, hôm 15/9, tàu hộ vệ tên lửa của Việt Nam là Gepard 015 – Trần Hưng Đạo đã “bắt đầu thực hiện chuyến đi biển xa nhất với hành trình hơn 5 nghìn hải lý”.
Theo kế hoạch, tàu chiến này “thăm và giao lưu với Hải quân Nhật Bản; tham dự Duyệt binh tàu quốc tế tại Căn cứ Hải quân Jeju Hàn Quốc và Diễn tập hàng hải ASEAN – Trung Quốc tại Trạm Giang, Trung Quốc”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện