Tin khấp nơi – 29/09/2018

Tin khấp nơi – 29/09/2018

Brett Kavanaugh: Trump yêu cầu FBI điều tra

Ông Brett Kavanaugh và người tố cáo ông, Tiến sĩ Christine Blasey Ford đều công bố lời khai hôm Thứ Năm
Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh yêu cầu một cuộc điều tra FBI về những cáo buộc xâm hại tình dục đối với ứng cử viên Thẩm phán Tối cao Brett Kavanaugh cho chính ông đề cử.
Ông Brett Kavanaugh là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa vào vị trí Thẩm phấn Tối cao, nhưng đang bị ít nhất ba người phụ nữ cáo buộc ông đã xâm hại tình dục họ.
Ủy ban Tư pháp Thượng viện trước đó đã bỏ phiếu phê chuẩn ông Kavanaugh vào vị trí Thẩm phán Tối cao.
Tuy nhiên, một thành viên Đảng Cộng hòa tuyên bố chỉ ủng hộ việc phê chuẩn nếu như cuộc điều tra được diễn ra.
Điều trần Kavanaugh – thời khắc quan trọng cho phụ nữ Mỹ
Trump đề cử Kavanaugh cho Thẩm phán tối cao
Mỹ: Ứng viên Tối cao Pháp viện bị tố ‘tấn công tình dục’
Vì vậy, sự phê chuẩn của ông Kavanaugh đã bị trì hoãn tối đa một tuần.
Hôm thứ Năm, ủy ban Thượng viện đã nghe lời khai của Tiến sĩ Christine Blasey Ford, một giáo sư tâm lý học ở California, người cáo buộc ông Kavanaugh đã tấn công tình dục bà khi họ còn là thanh thiếu niên trong những thập niên 1980.
Ông Kavanaugh cũng làm chứng và giận dữ bác bỏ cáo buộc ông đã từng tấn công bà hay bất cứ ai khác. Ông cáo buộc đảng Dân chủ đã chính trị hóa vụ việc và làm tổn hại đến danh tiếng và gia đình của ông.
Cuộc điều tra sẽ diễn ra như thế nào?
“Tôi đã ra lệnh cho FBI tiến hành một cuộc điều tra bổ sung để cập nhật hồ sơ của Thẩm phán Kavanaugh. Như Thượng viện đã yêu cầu, cuộc điều tra bổ sung này phải hạn chế về phạm vi và phải hoàn thành trong vòng ít hơn một tuần.”
Cuộc điều tra sẽ bao gồm FBI tiến hành kiểm tra lại hồ sơ lý lịch tiền án tiền sự của Thẩm phán Kavanaugh. Điều này có thể có nghĩa sẽ thẩm vấn những nhân chứng cũ – hoặc với những nhân chứng mới.
Luật sư của Tiến sĩ Ford, Debra Katz, nói bà Ford hoan nghênh động thái này nhưng lo ngại về khoảng thời gian điều tra.
“Một cuộc điều tra toàn diện của FBI là rất quan trọng để tìm ra tất cả các sự kiện liên quan … Không áp đặt bất kì giới hạn nào về thời gian hoặc phạm vi cho cuộc điều tra này”.
Tại sao vị trí Thẩm phán Tối cao quan trọng đến vậy?
Tòa án Tối cao đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của Hoa Kỳ. Được nắm giữ vị trí này trọn đời, chín thành viên Thẩm phán Tối cao có tiếng nói cuối cùng về luật pháp Hoa Kỳ.
Điều này bao gồm các vấn đề xã hội có tính tranh cãi, phân rẽ cao như quyền được phá thai.
Việc bổ nhiệm Thẩm phán Kavanaugh có thể làm gia tăng ảnh hưởng của phe bảo thủ trong nhiều năm tới.
Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện bởi một đa số 51-49. Giả định tất cả các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bỏ phiếu chống lại việc bổ nhiệm Thẩm phán Kavanaugh, thì điều đó vẫn xảy ra.
Còn những ai đang tố cáo ông Kavanaugh?
Ngoài Tiến sĩ Ford, còn có:
Deborah Ramirez, cựu sinh viên Đại học Yale nói Brett Kavanaugh đã khoe ‘của quý’ trước bà tại một bữa tiệc ký túc xá trong những năm 1980.
Julie Swetnick. Một người dân ở Washington DC. Trong bản khai tuyên thệ, bà cáo buộc Brett Kavanaugh đã tham gia vụ chuốc thuốc và tấn công tình dục các cô gái tại các bữa tiệc vào những năm 1980. Bà nói bà là nạn nhân của một vụ vụ hãm hiếp tập thể tại một bữa tiệc năm 1982 mà ông Kavanaugh cũng có mặt.
Một người phụ nữ vô danh gửi một bức thư cho một thượng nghị sĩ Colorado cáo buộc con gái bà đã chứng kiến Thẩm phán Kavanaugh đẩy một người phụ nữ ông đang hẹn hò “rất hung hăng” vào một bức tường vào 1998.
Thẩm phán Kavanaugh phủ nhận những lời cáo buộc này và nói lời cáo buộc của bà Swetnick là “một trò đùa”, “một trò hề”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45690601

Chiến thắng tại Ủy ban Tư pháp, Kavanaugh đối mặt

điều tra trước cuộc biểu quyết Thượng viện

Ủy ban Tư pháp Thượng viện do Đảng Cộng hòa chi phối đã phê chuẩn đề cử của Tổng thống Donald Trump, thẩm phán Brett Kavanaugh, vào ghế trống ở Tối cao Pháp viện nhưng ứng viên này đang phải đối mặt trước một cuộc điều tra của FBI liên quan đến tố cáo ông có hành vi tình dục sai trái trước khi toàn thể Thượng viện có thể bỏ phiếu chuẩn thuận ông.
Ngay trước khi cuộc bỏ phiếu đến lúc phải diễn ra tại Ủy ban Tư pháp, Thượng nghị sỹ Cộng hòa có quan điểm trung dung Jeff Flake Flake đã rời khỏi phòng họp để nói chuyện với một số người thuộc phe Dân chủ, khiến cho mọi việc càng trở nên gay cấn. Trong thời gian trì hoãn đó, các thượng nghị sỹ và trợ lý còn lại trong phòng trao đổi thầm thì với nhau.
Đảng Cộng hòa đã hội đủ số phiếu để phê chuẩn ông Kavanaugh trong Ủy ban Tư pháp vốn bị chia rẽ trầm trọng sau khi Thượng nghị sỹ Flake tuyên bố ủng hộ Kavanaugh.
Khi ủy ban bỏ phiếu, một số Thượng nghị sỹ Dân chủ đã rời khỏi phòng họp để phản đối. Ủy ban Tư pháp Thượng viện có 11 thành viên Cộng hòa và 10 thành viên Dân chủ.
“Thật là ép người,” Thượng nghị sỹ Dân chủ Mazie Hirono nói.
Chưa rõ liệu phe Cộng hòa, với thế đa số khít khao 51-49, có hội đủ số phiếu tại cuộc biểu quyết chung cuộc ở Thượng viện để thông qua đề cử ông Kavanaugh hay không. Điều này khiến cho lá phiếu của hai Thượng nghị sỹ Cộng hòa có quan điểm trung dung hiện chưa đưa ra quyết định là Lisa Murkowski và Susan Collins có vai trò quyết định.
Chủ tịch Ủy ban, ông Chuck Grassley của Đảng Cộng hòa nói rằng ông nhận thấy phần trình bày của cả người cáo buộc là Tiến sỹ Christine Blasey Ford và ông Kavanaugh là ‘đáng tin’, nhưng nói thêm rằng: “Không có lý do gì để không cho Thẩm phán Kavanaugh ngồi vào chiếc ghế ở Tối cao Pháp viện dựa trên những bằng chứng được đưa ra cho chúng ta.”
Cuộc biểu quyết của Ủy ban Tư pháp Thượng viện diễn ra 1 ngày ngay sau cuộc điều trần của ông Kavanaugh và bà Ford, cũng có nghĩa là các thành viên của Ủy ban không có nhiều thời gian để xem xét những gì đã diễn ra tại phiên điều trần hôm trước. Ông Kavanaugh đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc và buộc tội Đảng Dân chủ là tiến hành ‘tấn công chính trị có tính toán và dàn dựng’.
Thượng nghị sỹ Dianne Feinstein, thành viên cao cấp của Đảng Dân chủ trong Ủy ban, gọi lời phát biểu của ông Kavanaugh là ‘không phù hợp’ đối với một người được đề cử cho vị trí tư pháp.
“Đây là một người hung hăng và hiếu chiến. Tôi chưa từng thấy ai muốn được vào tòa án cao nhất của đất nước lại cư xử như vậy,” bà Feinstein nói.
Một thành viên Dân chủ khác, bà Amy Klobuchar, lưu ý rằng Chủ tịch Grassley đã cám ơn Ford về sự can đảm của bà nhưng lại không đồng ý mở cuộc điều tra.
“Sự can đảm ở đâu trong căn phòng này?” bà Klobuchar đặt vấn đề.
Thượng nghị sỹ Flake, người trước đó đã nêu lên quan ngại về những cáo buộc đối với Kavanaugh, nói rằng bà Ford đã đưa ra lời khai ‘rất lay động’ nhưng ông Kavanaugh cũng có câu trả lời thuyết phục.
Chẳng lâu sau khi ông Flake đưa ra tuyên bố này, ông đã bị hai người phụ nữ chất vấn trong thang máy khi ông đang trên đường quay trở lại phòng họp. Hai người phụ nữ này nói rằng họ là nạn nhân bị tấn công tình dục.
“Đó là điều mà ông muốn nói với tất cả phụ nữ ở Mỹ – rằng họ chẳng quan trọng gì hết, họ nên giữ kín việc đó trong lòng,” một trong hai người phụ nữ này mắng vào mặt ông Flake trong đoạn trao đổi được CNN ghi hình và phát sóng.
Nếu được chuẩn thuận, Kavanaugh sẽ củng cố sự kiểm soát của phe bảo thủ đối với Tối cao Pháp viện và có thể thúc đẩy nỗ lực của ông Trump và Đảng Cộng hòa muốn đưa Tư pháp Mỹ về phía hữu.
Phe Dân chủ nói rằng nếu đề cử Kavanaugh được xác nhận thì đó sẽ là vết nhơ của Tối cao Pháp viện vốn tự hào là vượt lên trên những tranh chấp chính trị.
“Bỏ phiếu đưa ra toàn thể Thượng viện và cuối cùng chuẩn thuận Thẩm phán Kavanaugh trong khi ông ấy bị đám mây đen ngờ vực bao phủ sẽ thay đổi vĩnh viễn Thượng viện và Tòa án Tối cao của chúng ta. Nó sẽ chính trị hóa Tối cao Pháp viện Mỹ,” Thượng nghị sỹ Dân chủ Patrick Leahy nói.
Đảng Dân chủ đã kêu gọi hoãn bỏ phiếu phê chuẩn ông Kavanaugh để có thời gian cho FBI điều tra. Hiệp hội Luật sư Mỹ, vốn trước đó ủng hộ ông Kavanaugh, và Hiệu trưởng Trường Luật Đại học Yale, nơi ông Kavanaugh theo học, cũng kêu gọi FBI điều tra – chỉ dấu đầu tiên cho thấy giới luật pháp ở Mỹ đang quay lưng lại với ông Kavanaugh.
Các thành viên Cộng hòa trong Ủy ban cũng bỏ phiếu bác bỏ yêu cầu của phe Dân chủ muốn đòi Mark Judge, một người bạn của Kavanaugh mà bà Ford nói rằng đã chứng kiến hành vi tấn công bà, ra khai chứng. Trước đó, ông Judge đã gửi một tuyên bố bằng văn bản đến Ủy ban nói rằng ông không nhớ có xảy ra chuyện như vậy.
Thượng nghị sỹ Joe Donnelly, một thành viên Dân chủ trung dung hồi năm ngoái đã bỏ phiếu ủng hộ đề cử của ông Trump đưa ông Neil Gorsuch vào Tòa án Tối cao, tuyên bố ông sẽ bỏ phiếu chống Kavanaugh. Hai lá phiếu quan trọng khác của Đảng Dân chủ vốn cũng từng bỏ phiếu cho Gorsuch là Heidi Heitkamp và Joe Manchin chưa công bố ý định bỏ phiếu của họ.
Tin mới nhất cho hay Tổng thống Donald Trump cùng ngày đã ra lệnh cho FBI mở lại cuộc điều tra về các cáo buộc tấn công tình dục chống lại ông Kavanaugh và yêu cầu mọi việc phải hoàn tất dưới 1 tuần.
Ông Trump nói “Tôi đã ra lệnh cho FBI tiến hành cuộc điều tra bổ sung để cập nhật hồ sơ của Thẩm phán Kavanaugh. Như yêu cầu của Thượng viện, cuộc điều tra cập nhật này có phạm vi giới hạn và phải hoàn tất dưới 1 tuần lễ.”
Tiến sỹ Christine Blasey Ford, người đầu tiên tố cáo ông Kavanaugh, hoan nghênh việc mở điều tra nhưng kêu gọi chớ nên có các giới hạn ‘tự tạo’ nào về thời gian hay phạm vi, theo luật sư Debra Katz, người bảo vệ cho bà Ford.
Bản thân Thẩm phán Brett Kavanaugh, trong một thông cáo do Tòa Bạch Ốc phổ biến, tuyên bố sẽ hợp tác với yêu cầu của các Thượng nghị sỹ, liên quan đến cuộc điều tra.
Nếu vào được Tối cao Pháp viện, ông Kavanaugh sẽ là lá phiếu quyết định trong những vấn đề pháp lý gây tranh cãi như phá thai, nhập cư, quyền của người đồng tính, quyền bầu cử và quyền tham gia quân đội của người chuyển giới vốn sẽ sớm được đưa ra quyết định.
https://www.voatiengviet.com/a/%E1%BB%A7y-ban-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-vi%C3%AAn-ph%C3%AA-chu%E1%BA%A9n-kavanaugh-nh%C6%B0ng-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-%C4%91i%E1%BB%81u-tra/4591988.html

Tổng thống Trump đồng ý để FBI điều tra

vụ thẩm phán Brett Kavanaugh

Washington, DC – Hôm thứ Sáu (ngày 28 tháng 9), dưới áp lực từ phe ôn hòa trong đảng Cộng Hòa, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu FBI điều tra cáo buộc tấn công tình dục nhằm vào ông Brett Kavanaugh theo đề nghị của các thượng nghị sĩ Cộng Hòa.
Quyết định này sẽ làm quá trình bỏ phiếu bị hoãn thêm một tuần nữa. Bước ngoặt của sự kiện này đến từ Thượng nghị sĩ Jeff Flake, người nắm giữ lá phiếu quyết định để phê chuẩn ông Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện. Sau khi tham vấn các đồng nghiệp, ông Flake tuyên bố ông chỉ bỏ phiếu thuận nếu Thượng viện đề nghị chính quyền Tổng thống Trump cho phép cơ quan FBI điều tra cáo buộc của tiến sĩ Christine Ford trong vòng một tuần. Quyết định của ông Flake cũng nhận được sự ủng hộ của hai nữ thượng nghị sĩ Cộng Hòa Lisa Murkowski và Susan Collins.
Ông Flake ra tuyên bố sau khi hai người biểu tình tiếp cận ông trong thang máy, tự nhận họ là nạn nhân bị tấn công tình dục và chỉ trích ông Flake vì bỏ phiếu ủng hộ ông Kavanaugh. Đảng Cộng Hòa chỉ chiếm đa số với tỷ lệ ít ỏi 51-49 ở Thượng viện, do đó lá phiếu của bà Murkowski và Collins rất quan trọng.
Tổng thống Trump chỉ được mất 1 lá phiếu nếu toàn bộ đảng Dân Chủ đều bỏ phiếu chống phê chuẩn ông Kavanaugh và phó Tổng thống Mike Pence sẽ là người ra quyết định trong trường hợp kết quả bỏ phiểu hòa nhau. Do đó, Tổng thống Trump buộc phải đồng ý mở “cuộc điều tra bổ sung” với “quy mô giới hạn và kéo dài trong vòng một tuần”.
Ngoài ra bên phía đảng Dân Chủ, thượng nghị sĩ Joe Manchin và Heidi Heitkamp vẫn chưa quyết định bỏ phiếu chống hay phiếu thuận, nhưng họ đều ủng hộ ông Flake. Trong tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, ông Kavanaugh cam kết sẽ hợp tác với cuộc điều tra của FBI.
Nếu được phê chuẩn, thẩm phán Kavanaugh sẽ củng cố sự kiểm soát của phe bảo thủ tại Tối cao Pháp viện, đồng thời tiếp sức cho nỗ lực chuyển nền tư pháp Hoa Kỳ nghiêng về cánh phải của Tổng thống Trump. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-dong-y-de-fbi-dieu-tra-vu-tham-phan-brett-kavanaugh/

Mỹ: Chiến cơ tàng hình F-35 rớt lần đầu tiên

Quân đội Mỹ vừa cho biết đã xảy ra vụ rơi máy bay chiến đấu F-35, loại máy bay được chế tạo hết sức tốn kém, lần đầu tiên.
Một chiếc F-35B vừa rớt xuống tiểu bang Nam Carolina, lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ cho biết. Phi công đã nhảy dù khỏi máy bay an toàn và không có thương tích nào.
Lực lượng Thủy quân Lục chiến nói trong một thông cáo rằng cuộc điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn đã bắt đầu.
F-35 là chương trình vũ khí lớn nhất và đắt tiền nhất trong các máy bay cùng loại trên thế giới.
‘Bom Mẹ’ của Mỹ ‘giết hàng chục’ tay súng IS
Mỹ: khôi phục Hạm đội Hai để đối trọng với Nga
Hạm đội Nam Hải ‘cực kỳ nguy hiểm’ cho VN
Số lượng F-35 bán ra trên toàn cầu dự tính vào khoảng 3.000 chiếc, và chương trình này được cho là sẽ kéo dài 30 tới 40 năm.
Nhưng loại máy bay này cũng bị chỉ trích về chi phí sản xuất và hiệu quả tác chiến.
Chiếc F-35 gặp nạn được cho là có giá khoảng 100 triệu đô la. Hôm thứ Sáu 28/9, Lầu Năm Góc vừa tuyên bố một hợp đồng mới đặt 141 chiếc F-35, và vì số lượng lớn nên đơn giá của mỗi chiếc chỉ còn 89,2 triệu USD, theo hãng tin Anh Reuters.
Model của chiếc máy bay gặp nạn là một trong ba mẫu của series F-35 đang hoạt động.
Hôm thứ Năm 27/9, Mỹ tiến hành chiến dịch đầu tiên dùng máy bay F-35B tấn công các mục tiêu ở Afghanistan, bốn tháng sau khi quân đội Israel tuyên bố họ đã dùng một chiếc F-35A để thực hiện hai cuộc không kích.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần ca ngợi chiếc F-35, ông nói kẻ thù “không thể nhìn thấy” nó. Mặc dù chiếc chiến cơ này không phải là vô hình, nhà sản xuất chính Lockheed Martin nói “khả năng tàng hình tối tân” giúp nó tránh tầm radar.
F-35: Vì sao nhà sản xuất nói chiến cơ này tối tân?
Cất cánh lần đầu năm 2006, chiếc F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế như một máy bay đa dạng có thể được sử dụng bởi Quân lực, Thủy quân Lục chiến và Hải quân Hoa Kỳ
Nó có ba loại: cất cánh và hạ cánh theo kiểu truyền thống (A); cất cánh ngắn và hạn cánh thẳng đứng (B) và phóng từ hàng không mẫu hạm (C)
Khả năng tàng hình là một yếu tố chủ chốt, khung và nguyên liệu thiết kế máy bay cho phép phi công thâm nhập vào các khu vực mà không bị radar phát hiện
Tính năng này cho phép máy bay có khả năng bắn máy bay địch trước khi bị phát hiện. Một hệ thống màn hình gắn trên mũ phi công có nghĩa chiếc F-35 không cần nhắm vào mục tiêu mà vẫn bắn được.
Các bộ cảm biến, hệ thống viễn thông và hàng không điện tử mới là điểm vượt trội của F-35. Dữ liệu được chia sẻ tức thời với các chỉ huy trưởng chiến dịch, và phi công có thể bám theo kẻ thù, làm nhiễu hệ thống radar và ngăn chặn các cuộc tấn công.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45693675

Mỹ và Philippines

tăng cường các hoạt động quân sự chung

Thanh Hà
Quân đội Philippines ngày 28/09/2018 thông báo tăng cường các hoạt động chung về an ninh và quốc phòng với Hoa Kỳ, gia tăng các cuộc tập trận thường niên vào năm 2019. Theo hãng tin Mỹ AP, quyết định này thể hiện quan hệ vững chắc giữa Manila và Washington.
Trong bối cảnh Trung Quốc mạnh mẽ phản đối mọi hoạt động quân sự tại Biển Đông, các quan chức trong quân đội Hoa Kỳ và Philippines đã đồng ý là vào năm tới, đôi bên cùng tham gia 281 hoạt động chung – thay vì 261 đợt như trong năm 2018. Theo phát ngôn viên quân đội Philippines, đại tá Noel Detoyato, chương trình dự trù các bài tập chống khủng bố, an ninh hàng hải và các hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Quyết định đẩy mạnh hợp tác quân sự song phương đã được đưa ra sau cuộc họp hôm 27/09/2018 tại thủ đô Manila giữa tham mưu trưởng quân đội Philippines, tướng Carlito Galvez, và chỉ huy trưởng bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Philip Davidson.
Năm 2016 khi tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền, Manila đòi ngừng các cuộc tập trận với Mỹ và nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên Manila và Washington vẫn duy trì một số các hoạt động quân sự chung và Hoa Kỳ vẫn hỗ trợ Philippines để đối phó với quân khủng bố Hồi Giáo thánh chiến tại miền nam quốc gia Đông Nam Á này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180929-my-va-philippines-tang-cuong-cac-hoat-dong-quan-su

Hoa kỳ ra lệnh di tản tòa lãnh sự

tại thành phố Basra, Iraq

Washington, DC – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố, tòa lãnh sự của nước này tại thành phố Basra, thuộc phía nam Iraq, đang được di tản, sau khi xảy ra các cuộc tấn công được cho là do lực lượng phiến quân do Iran hậu thuẫn thực hiện.
Bộ Ngoại Giao cho biết, các dịch vụ lãnh sự cho Basra và khu vực xung quanh sẽ do Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Baghdad đảm nhiệm. Quyết định trên được phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert công bố vào hôm Thứ Sáu (28/9). Trước đó, vào hôm Thứ Ba tuần này, trong một đọan nhắn trên trang Twitter, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết, trong thời gian gần đây, quân nổi dậy được Iran hậu thuẫn đã phóng hỏa tiễn vào tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Baghdad và tòa lãnh sự của nước này ở Basra.
Việc di tản Basra diễn ra trong bối cảnh, chính quyền tổng thống Donald Trump đang gia tăng áp lực đối với Iran, trước khi các lệnh trừng phạt Tehran có hiệu lực vào tháng 11 sắp tới. Basra là hải cảng chính của Iraq và là một trong những thành phố lớn nhất nước này.
Hồi đầu tháng 9, ba hỏa tiễn Katyusha được bắn vào phi trường của thành phố Barsa, sau khi cuộc biểu tình đầy hỗn loạn và bạo lực diễn ra đêm hôm trước, khi mà hàng trăm người đốt cháy lốp xe trên các con đường, và thậm chí còn khiến cả tòa lãnh sự Iran bốc cháy. Những người biểu tình kêu gọi chấm dứt nạn tham nhũng, nạn thất nghiệp và tình trạng nghèo nàn cùa các dịch vụ công cộng, đồng thời đổ lỗi rằng chính sự ảnh hưởng của Iran trong các vấn đề chính trị của Iraq là nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn, thiếu thốn của họ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-ra-lenh-di-tan-toa-lanh-su-tai-thanh-pho-basra-iraq/

Tòa án Mỹ cho các nghị sĩ Quốc hội

kiện Trump về thù lao nước ngoài

Một tòa án liên bang hôm thứ Sáu đã từ chối bác bỏ ngay lập tức một vụ kiện cáo buộc Tổng thống Donald Trump vi phạm điều khoản chống tham nhũng trong Hiến pháp bằng việc nhận những khoản tiền của nước ngoài thông qua các khách sạn và cơ sở kinh doanh của ông mà không được Quốc hội Hoa Kỳ cho phép.
Thẩm phán Khu vực liên bang Emmet Sullivan ở Washington nói trong một phán quyết dài 58 trang rằng các nhà lập pháp đệ đơn kiện này có tư cách pháp lí để khởi kiện tổng thống về cáo buộc ông vi phạm điều khoản “thù lao” của Hiến pháp Hoa Kỳ, ngăn cấm công chức liên bang nhận quà và những phúc lợi khác từ các chính phủ nước ngoài mà không có sự “đồng ý” của Quốc hội.
Vụ kiện, đệ trình vào tháng 6 năm 2017, là thách thức thứ ba liên quan tới Hiến pháp nhắm vào những lợi ích kinh doanh của ông Trump trong khi ông tại nhiệm, nhưng vụ kiện này đáng chú ý vì các nguyên đơn chính là các thành viên Quốc hội.
198 nghị sĩ Quốc hội đứng tên đều theo Đảng Dân chủ nhưng cũng bao gồm Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một nhà lập pháp độc lập từng tranh đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ vào năm 2016.
Thẩm phán Khu vực liên bang Peter Messitte ở Greenbelt, bang Maryland, đã cho phép một vụ kiện tương tự được xúc tiến, nhưng vào tháng 12 năm 2017 một thẩm phán ở Manhattan (New York) đã bác bỏ một vụ kiện khác, hiện đang trong giai đoạn phúc thẩm.
Điều khoản này trong Hiến pháp được thiết kế để ngăn chặn sự tham nhũng và ảnh hưởng của nước ngoài. Thẩm phán Sullivan nói trong phán quyết của ông rằng điều khoản này cho mỗi thành viên Quốc hội quyền biểu quyết trước khi tổng thống nhận một khoản thù lao bị cấm từ nước ngoài.
Ông Trump, một nhà phát triển địa ốc giàu có và thường xuyên ghé vào các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và câu lạc bộ golf của ông, vẫn duy trì quyền sở hữu các doanh nghiệp của ông nhưng đã nhượng quyền kiểm soát hoạt động hàng ngày cho hai người con trai. Những người chỉ trích nói rằng biện pháp đó chưa phải là sự bảo vệ đầy đủ.
Mặc dù ông Sullivan phán quyết các nhà lập pháp có quyền khởi kiện, ông vẫn chưa phán quyết liệu lợi nhuận mà ông Trump kiếm được từ các chính phủ nước ngoài có thực sự bị cấm hay không. Các luật sư của ông Trump nói rằng tổng thống không cần sự chấp thuận cho việc quan chức nước ngoài làm khách tại các cơ sở kinh doanh tư nhân của ông, trong khi các nhà lập pháp lập luận rằng điều khoản thù lao áp dụng cho mọi khoản chi trả của nước ngoài, bao gồm các dịch vụ cung cấp trong tư cách tư nhân.
https://www.voatiengviet.com/a/toa-an-my-cho-phep-cac-nghi-si-quoc-hoi-kien-trump-ve-thu-lao-nuoc-ngoai/4592697.html

Tổng thống Trump ký ban hành luật chi tiêu

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/9 ký ban hành luật chi tiêu, cấp hàng trăm tỷ đô la cho Bộ Quốc phòng và đẩy lùi nguy cơ đóng cửa chính phủ tới ít nhất cuối năm nay.
Luật Tổng thống vừa ký bao gồm 675 tỷ đô la tài trợ cho Ngũ Giác Đài chấm dứt vào ngày 30/9/2019 và các ngân khoản bổ sung cho chiến tranh ở Afghanistan và những nơi khác cùng 180 tỷ đô la cho Bộ Giáo dục và Bộ Lao động, Sức khỏe, các Dịch vụ Nhân sinh.
Luật này cũng là một biện pháp giữ cho chính phủ hoạt động ít nhất cho tới ngày 7/12 dù Quốc hội chưa thông qua các dự luật phân bổ ngân sách cho từng Bộ.
Tổng thống Trump từng dọa sẽ để cho chính phủ rơi vào tình trạng đóng cửa vào ngày 1/10 nếu Quốc hội không chuẩn thuận ngân khoản mà ông Trump muốn có để xây tường biên giới với Mexico.
Tuy nhiên, sau khi dự luật chi tiêu được thông qua tại Hạ và Thượng viện, ông Trump hứa sẽ ký ban hành luật.
Vấn đề tường biên giới sẽ được đặt ra lần nữa trước tháng 12 vì ngân khoản cho Bộ Anh ninh Nội địa chưa được chung quyết cho năm tài khóa 2019.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-ky-ban-hanh-luat-chi-tieu-/4592089.html

Lỗ hổng Facebook ảnh hưởng 50 triệu người dùng

Facebook cho biết gần 50 triệu người dùng đã bị ảnh hưởng bởi một lổ hổng an ninh.
Công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn hai tỷ người dùng cho biết những kẻ tấn công đã có thể khai thác lỗ hổng trong tính năng “Xem dưới dạng” (View As) để giành quyền kiểm soát tài khoản của người dùng.
Vụ tấn công đã được phát hiện vào thứ Ba, Facebook cho biết, và đã thông báo cho cảnh sát.
Người dùng có thể bị ảnh hưởng đã được nhắc đăng nhập lại vào thứ Sáu.
Vì sao nhiều Facebook bất đồng chính kiến bị xóa?
Facebook ‘đồng ý hợp tác với VN’
Tranh cãi việc blogger Việt bỏ Facebook chọn Minds
Phó chủ tịch phụ trách quản lý sản phẩm Guy Rosen cho biết lỗ hổng an ninh đã được sửa chữa.
Và ngoài tất cả các tài khoản bị ảnh hưởng, 40 triệu tài khoản khác cũng được khởi động lại “như một biện pháp phòng ngừa”.
Cổ phiếu của Facebook đã giảm hơn 3% vào thứ Sáu.
Công ty này cũng xác nhận các tin tặc có thể đã lợi dụng lỗ hổng để truy cập vào các tài khoản sử dụng hệ thống của Facebook như AirBnB và Tinder.
Ai đã bị ảnh hưởng?
Facebook không tiết lộ 50 triệu người dùng bị ảnh hưởng nằm ở khu vực nào trên thế giớ, tuy nhiên công ty này đã thông báo cho các nhà quản lý dữ liệu Ireland, chi nhánh châu Âu của Facebook đặt trụ sở.
Công ty cũng cho biết những người dùng phải đăng nhập lại hôm thứ Sáu không phải thay đổi mật khẩu.
“Chúng tôi mới chỉ bắt đầu điều tra, chúng tôi vẫn chưa xác định được liệu các tài khoản này có bị lạm dụng hay bất kỳ thông tin nào được truy cập hay không. Chúng tôi cũng không biết ai là người đứng đằng sau các cuộc tấn công này hoặc họ đến từ đâu.”
“Quyền riêng tư và bảo mật của mọi người là vô cùng quan trọng và chúng tôi xin lỗi điều này đã xảy ra,” Rosen nói.
Ngay cả nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và giám đốc điều hành của nó là Sheryl Sandberg nằm trong số 50 triệu tài khoản bị ảnh hưởng.
‘Xem dưới dạng’ là gì?
Chức năng “Xem dưới dạng” của Facebook là tính năng bảo mật cho phép mọi người xem trang Facebook của họ trông như thế nào đối với người dùng khác, thông tin nào hiển thị cho bạn bè, bạn của bạn bè, hoặc người lạ.
Những kẻ tấn công tìm thấy nhiều lỗi trong tính năng này và “cho phép họ ăn cắp mã thông báo truy cập Facebook, sau đó sử dụng lỗ hổng này để chiếm đoạt tài khoản của người dùng,” ông Rosen giải thích.
“Mã thông báo truy cập tương đương với các khóa kỹ thuật số giúp mọi người đăng nhập vào Facebook mà không cần phải nhập lại mật khẩu mỗi khi sử dụng ứng dụng,” ông nói thêm.
Điều này có ý nghĩa gì đối với Facebook?
Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh công ty đang tìm cách thuyết phục các nhà lập pháp ở Mỹ và các quốc gia khác rằng công ty có khả năng bảo vệ dữ liệu người dùng.
Mark Zuckerberg nói trong một cuộc hội thảo hôm thứ Sáu rằng công ty này rất coi trọng vấn đề về an ninh.
Tuy nhiên Jeff Pollard, phó chủ tịch và là chuyên gia phân tích chính tại Forrester, cho rằng việc Facebook nắm giữ quá nhiều data cũng đã là một chỉ dấu rõ ràng là công ty này nên chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các cuộc tấn công.
Khi được hỏi bởi BBC, Facebook đã không nói liệu cuộc điều tra nội bộ có xem xét tại sao các lỗ hổng này bị bỏ qua, hay nếu có bất cứ ai tại công ty sẽ chịu trách nhiệm về vụ việc này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45690603

Nhiều cuộc họp bên lề Đại Hội Đồng LHQ

bàn về hồ sơ Syria

Vài ngày sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận tránh một cuộc tấn công quân sự của chế độ Damas vào tỉnh Idlib, phía bắc Syria, ngày 28/09/2018, nhiều cuộc họp song phương và đa phương đã được tổ chức bên lề Đại Hội Đồng LHQ để bàn về hồ sơ Syria.
Từ trụ sở LHQ ở New York, thông tín viên Nicolas Falez cho biết thêm về nội dung thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ :
« Thỏa thuận về Idleb nói tới việc thành lập một khu vực phi quân sự, nằm giữa vùng lãnh thổ do chế độ của Bachar Al Assad kiểm soát và ốc đảo – cứ địa của phe nổi dậy. Nội dung này do Matxcơva và Ankara cùng đề ra. Và ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov cho rằng giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải lựa chọn, phân loại các nhóm vũ trang ở trong vùng Idlib. Ông nói : Chúng tôi thành thật hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phân tách được giữa một bên là các nhóm thuộc phe đối lập Syria và bên kia các quân thánh chiến nằm trong một chi nhánh trước đây của tổ chức khủng bố Al Qaida. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh là cần diệt trừ hoặc đem ra xét xử những kẻ khủng bố.
Hoa Kỳ và Pháp hoan nghênh thỏa thuận về Idlib, ký kết đúng vào lúc một cuộc tấn công quân sự trên quy mô lớn đang được chuẩn bị.
Theo nguồn tin Pháp, một cơ hội ngoại giao được mở ra và Nga, với tư cách thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, liệu có muốn Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết, trong đó có nội dung thỏa thuận về Idleb hay không ?
Tại New York tuần này, các nước phương Tây và Ả Rập lập ra một « nhóm nhỏ » bàn về hồ sơ Syria, nhắc lại sự cần thiết phải có một tiến trình chính trị để sửa đổi Hiến Pháp Syria trước khi có các cuộc bầu cử trong tương lai. »
Nga kêu gọi tái thiết Syria
Cũng tại New York, trong một cuộc họp báo vào ngày 28/09, ngoại trưởng Nga Lavov đã đề nghị Liên Hiệp Quốc giúp đỡ quá trình tái thiết Syria. Tuy nhiên, các nước phương Tây, nhất là Hoa Kỳ, Pháp, Đức đều từ chối chừng nào chưa thấy rõ một giải pháp chính trị cho Syria.
Mặt khác, ngoại trưởng Nga cũng cho biết Matxcơva bắt đầu giao cho chế độ Damas loại tên lửa đất đối không S-300. Đầu tuần, bộ trưởng Quốc Phòng Nga đã thông báo việc chuyển giao này, bất chấp sự phản đối của Israel và Hoa Kỳ.
Quyết định giao tên lửa S-300 cho chế độ Damas được đưa ra sau khi lực lượng phòng không Syria bắn nhầm vào một chiếc máy bay trinh sát Nga, làm toàn bộ 15 phi hành đoàn thiệt mạng. Matxcơva đã tố cáo không quân Israel là nguyên nhân gây ra sự cố này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180929-nhieu-cuoc-hop-ben-le-dai-hoi-dong-lhq-ban-ve-ho-so-syria

Luật sư Amal Clooney kêu gọi bà Aung San Suu Kyi

trả tự do cho 2 phóng viên Reuters

Liên Hiệp Quốc – Trong một buổi họp về tự do báo chí tại Liên Hiệp Quốc vào hôm Thứ Sáu (28/9), luật sư nhân quyền Amal Clooney kêu gọi lãnh đạo dân sự Myanmar Aung San Suu Kyi trao trả tự do cho 2 ký giả Reuters đang bị giam giữ.
Luật sư Clooney là thành viên của nhóm pháp lý đại diện cho các nhà báo Reuters, gồm phóng viên Wa Lone, 32 tuổi, và phóng viên Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, bị kết án vào ngày 3 tháng 9 năm nay theo Đạo luật bí mật từ thời thuộc địa, và phải nhận mức án bảy năm tù giam. Luật sư cho biết, cách đây 1 tuần, những người vợ của 2 phóng viên đã viết “một bức thư chân thành” cho chính phủ để cầu xin sự tha thứ.  Bà Clooney cho biết, Tổng thống Myanmar Win Myint sẽ ra quyết định về việc ban hành lệnh ân xá trong buổi tham vấn với bà Suu Kyi.
Trong một thông điệp gửi đến bà Suu Kyi, luật sư Clooney lập luận rằng, bà Suu Kyi đã chiến đấu trong nhiều năm để được phóng thích khỏi cùng một nhà tù mà hai nhà báo đang bị giam, và bây giờ bà Suu Kyi hoàn toàn có khả năng khắc phục sự bất công này ngay lập tức nếu bà muốn.
Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Myanmar Zaw Htay cho biết, tòa án là độc lập và hành động theo đúng thủ tục tố tụng trong vụ án. Các phóng viên bị bắt vì tìm hiểu về vụ giết hại 10 nam giới người Rohingya Hồi giáo, được thực hiện bởi lực lượng an ninh chính phủ và Phật tử địa phương ở tiểu bang Rakhine của Myanmar.
Cho đến hiện tại, 2 phóng viên vẫn kiên quyết không nhận tội. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/luat-su-amal-clooney-keu-goi-ba-aung-san-suu-kyi-tra-tu-do-cho-2-phong-vien-reuters/

Chilê: Giáo hoàng huyền chức

một tu sĩ xâm hại tình dục trẻ em

Thanh Hà
Ngày 28/09/2018 đức giáo hoàng quyết định trục xuất tu sĩ người Chilê, Fernando Karadima, khỏi chức tư tế, bãi bỏ tất cả các nghĩa vụ thuộc hàng giáo sĩ.
Là một nhân vật có uy tín, Karadima, 88 tuổi, bị tố cáo xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian 1980-1990. Tai tiếng này đã khiến Vatican khó xử trong suốt chuyến tông du Chilê hồi tháng Giêng 2018 của giáo hoàng.
Theo lời giám đốc cơ quan báo chí của tòa thánh Vatican, Greg Burke, quyết định của giáo hoàng Phanxicô là “hình phạt tối đa” trước một tội danh vô cùng nghiêm trọng đã “dẫn tới những hậu quả tai hại chưa từng thấy“.
Thông tín viên đài RFI từ Santiago, Justine Fontaine cho biết các nạn nhân của tu sĩ Karadima vui mừng đón nhận quyết định của Vatican :
« Ông ấy đã hủy hoại cuộc đời của quá nhiều người. Tôi hy vọng giờ đây, các nạn nhân sẽ được phần nào nguôi ngoai’. Một trong những nạn nhân của tu sĩ Fernando Karadima đã thổ lộ như trên quan mạng xã hội. Người này viết tiếp: Tôi không nghĩ là một ngày nào đó sẽ được chứng kiến quyết định của tòa thánh.
Ngay từ năm 2010 nhiều nạn nhân của Karadima đã quyết định phơi bày vụ việc ra ánh sáng, tố cáo nhà tu này xâm hại tình dục trẻ em. Do các vụ việc đã diễn ra cách nay quá lâu, nên hết thời hiệu khởi tố. Karadima sẽ không bao giờ bị tư pháp xét xử. Nhưng tai tiếng các vụ này quá lớn, nên giáo hội Công Giáo cuối cùng đã mở một phiên tòa xét xử nội bộ tu sĩ Karadima hồi năm 2011.  Và phải đợi thêm 7 năm nữa, tòa thánh Vatican mới ban hành lệnh trừng phạt tối cao đối với một người trong hàng giáo hội.
Kể từ chuyến tông du Chilê hồi tháng Giêng vừa qua, đức giáo hoàng Phanxicô liên tục lên tiếng về các vụ xâm hại tình dục trẻ em tại quốc gia này. Ngài đã chấp nhận đơn xin từ chức của 7 vị giám mục Chilê, khai trừ một tu sĩ Chilê cách nay hai tuần.
Tổng cộng tại Chilê hiên đang có 119 vụ điều tra tư pháp về xâm hại tình dục liên quan đến giáo hội Công Giáo. Tổng giám mục Santiago cũng bị nghi ngờ đã bao che có nhiều tu sĩ lạm dụng tình dục trẻ em ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180929-chile-giao-hoang-huyen-chuc-mot-tu-si-xam-hai-tinh-duc-tre-em

Bất chấp giá lạnh, người Nga xếp hàng nhiều ngày

chờ mua iPhone mới

Hàng trăm người Nga đã bất chấp cái lạnh và mưa để xếp hàng nhiều ngày bên ngoài một cửa hàng điện thoại ở Moscow trước khi chiếc iPhone mới của Apple ra mắt vào thứ Sáu (28/9), nhưng điều kỳ lạ là sau khi cánh cửa mở ra, không một ai bước vào để mua hàng, theo tường thuật của Reuters.
Thay vào đó, họ cố gắng trong vô vọng để bán chỗ xếp hàng của mình cho những người thực sự mê sản phẩm của Apple bên ngoài cửa hàng đầu tiên của Nga bán iPhone mới XS và XS Max ngay trung tâm Moscow.
Cơn sốt điện thoại dẫn đến xếp hàng nhiều ngày để chờ mua còn diễn ra bên ngoài các cửa hàng ở Singapore, Sydney và nhiều nơi khác.
Những người xếp hàng ra giá cho chỗ đứng đầu tiên là 450.000 rúp (khoảng 7.000 đôla).
Giá tiền này sẽ giảm dần theo thứ tự xếp hàng, nhưng cuối cùng, tất cả đều không bán được vì người mua hàng sẵn lòng chờ cơ hội mua iPhone XS với giá 87.000 rúp (1.300 đôla) hoặc XS Max với giá 96.000 rúp (1.500 đôla).
Reuters cho biết người quản lý cửa hàng đã gọi theo số vé để mời những người đầu tiên vào mua, nhưng không ai trả lời.
Cuối cùng, người giữ vé số 247 đến cửa và nhiếp ảnh gia người Nga Anatoly Doroshchenko, người đã đến vào sáng hôm đó và không trả tiền thuê xếp hàng, trở thành người đầu tiên ở Nga mua một trong những chiếc điện thoại mới.
Đối với nhóm người được nhảy thứ tự xếp hàng, một số người đã xé số thứ tự và rao bán chỗ chờ, tránh lãng phí thời gian.
“Trời lạnh. Chúng tôi không đói, nhưng ướt át và gió”, một người tên Vladimir nói với Reuters.
“Sự kiện này liên kết mọi người với nhau. Chúng tôi có những cuộc trò chuyện thú vị với mọi người. Tất nhiên chúng tôi không kiếm được tiền, nhưng thực sự rất vui”, anh này nói.
https://www.voatiengviet.com/a/bat-chap-gia-lanh-nguoi-nga-xep-hang-nhieu-ngay-cho-mua-iphone/4591745.html

Nhân quyền cản trở Đức-Thổ xích lại gần nhau

Thu Hằng
Ngày 29/09/2018, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kết thúc chuyến công du Đức hai ngày nhằm cải thiện quan hệ song phương. Tuy nhiên, tình hình nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỹ tiếp tục tác động đến mối bang giao giữa hai nước.
Nhiều cuộc biểu tình chống Erdogan đã diễn ra vào ngày 28/09 từ thủ đô Berlin đến thành phố Kohl, nơi tổng thống Erdogan khánh thành một đền thờ Hồi Giáo, do chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ, trong ngày 29/09.
Thông tín viên RFI Pascal Thibaut tường thuật cuộc biểu tình ở Berlin :
« Kẻ khủng bố, tên độc tài, hãy cút đi. Đó là những tiếng hô vang trong cuộc biểu tình với khẩu hiệu chính : Không chào đón Erdogan. Nhiều nhóm cánh tả, nhất là các tổ chức của người Kurdistan, đã kêu gọi biểu tình phản đối chuyến thăm Berlin của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Có khoảng vài nghìn người tập trung ở trung tâm Berlin vào cuối buổi chiều thứ Sáu (28/09).
Một phụ nữ tham gia biểu tình nhận xét: Với chuyến thăm này, cùng với thảm đỏ và duyệt đội quân danh dự, nước Đức chấp nhận mọi điều khủng khiếp mà chế độ Thổ Nhĩ Kỳ gây ra.
Người Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có nhiều người Kurdistan, chiếm phần lớn trong cuộc biểu tình. Thế nhưng, cuộc biểu tình này không đông đảo lắm, cho dù người dân bài ông Recep Tayip Erdogan.
Trái với chính phủ Đức, người biểu tình không tin rằng việc đón tiếp và thảo luận với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp rút ngắn khoảng cách về quan điểm của hai bên và làm Ankara thay đổi lập trường.
Một người biểu tình khác nói: Erdogan thiết lập chế độ độc tài tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đức đã mời ông ấy đến thăm và tôi không chấp nhận được điều này. Ông Erdogan đang tiến hành một cuộc chiến chống lại chính dân tộc của mình và những người như ông ấy không có chỗ trong một nền dân chủ như ở Đức.
Một chiếc xe tăng làm bằng bọt xốp đi đầu đoàn tuần hành. Trên đó, người ta thấy nhiều nạn nhân đẫm máu và có hàng chữ Chế tạo tại Đức, ám chỉ việc Đức bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180929-nhan-quyen-can-tro-duc-tho-xich-lai-gan-nhau

Palestine kiện Mỹ ra Tòa Công lý Quốc tế

Tòa án Công lý Quốc tế ngày 28/9 loan báo nhận được khiếu nại từ ‘Nhà nước Palestine’ chống lại Mỹ, lập luận rằng việc Washington đặt sứ quán Hoa Kỳ tại Israel ở Jerusalem vi phạm một hiệp định quốc tế và phải dời đi.
Theo Tòa án Công lý Quốc tế, Palestine nói rằng Công ước Vienna 1961 về Quan Hệ Ngoại Giao yêu cầu các nước đặt đại sứ quán trên lãnh thổ của nước chủ nhà. Dù Israel kiểm soát Jerusalem về mặt quân sự, nhưng quyền sở hữu khu vực này là một vấn đề tranh cãi.
Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh dời đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, và sứ quán mới mở cửa hồi tháng 5 năm nay.
Phía Palestine yêu cầu Tòa án Công lý Quốc ra lệnh cho Hoa Kỳ rút phái bộ ngoại giao ra khỏi thánh địa Jerusalem.
Tòa án Công lý Quốc tế là một kênh của Liên hiệp quốc để giải quyết tranh chấp giữa các nước.
https://www.voatiengviet.com/a/palestine-kien-my-ra-toa-cong-ly-quoc-te-/4592088.html

Trung Quốc yêu cầu

không quốc tế hóa vấn đề Rohingya

Vấn đề Rohingya không nên bị phức tạp hóa, mở rộng hay ‘quốc tế hóa’, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nói trong lúc Liên Hiệp Quốc chuẩn bị thành lập một cơ quan thu thập bằng chứng về các vi phạm nhân quyền ở Myanmar.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 27/9 đã bỏ phiếu thành lập cơ quan này vốn cũng có nhiệm vụ tìm hiểu về khả năng diệt chủng tại bang Rakhine ở miền tây Myanmar.
Trung Quốc, Philippines và Burundi là ba nước bỏ phiếu chống động thái này trong khi có hơn 100 nước ủng hộ.
Trong vòng một năm qua, hơn 700.000 người Rohingya đã bỏ chạy khỏi Myanmar đến nước láng giềng Bangladesh sau khi quân đội Myanmar mở chiến dịch trả đũa những cuộc tấn công của quân nổi dậy Rohingya vào các đồn an ninh.
Liên Hiệp Quốc đã gọi hành động của Myanmar là ‘thanh lọc sắc tộc’ – một cáo buộc mà Myanmar bác bỏ và ngược lại cáo buộc ‘những kẻ khủng bố’ Rohingya gây ra phần lớn các tội ác.
Phát biểu với Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hasan Mahmood Ali và Bộ trưởng Văn phòng Cố vấn Nhà nước Myanmar Kyaw Tint Swe ở New York hôm 27/9, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị nói rằng vấn đề Rakhine là một vấn đề phức tạp do lịch sử để lại.
“Vấn đề ở bang Rakhine về bản chất là vấn đề giữa Myanmar và Bangladesh. Trung Quốc không tán thành phức tạp hóa, mở rộng hay quốc tế hóa,” ông Vương nói, theo thông cáo Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra hôm 28/9.
Trung Quốc có quan hệ gần gũi với Myanmar và ủng hộ điều mà giới chức Myanmar gọi là chiến dịch chính đáng chống nổi dậy ở Rakhine. Bắc Kinh đã chặn một nghị quyết về cuộc khủng hoảng này tại Hội đồng Bảo an.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi Chính phủ Myanmar có những bước đi cụ thể để điều tra các vi phạm nhân quyền đối với người Rohingya và quy trách nhiệm một số thành viên của lực lượng an ninh của họ trong những vi phạm nhân quyền này.
Ông Pompeo đã có lời kêu gọi này trong cuộc gặp với Bộ trưởng Kyaw Tint Swe hôm 27/9 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-kh%C3%B4ng-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-h%C3%B3a-v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-rohingya/4592107.html

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc muốn soán ngôi Hoa Kỳ

Thanh Hà
Phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 28/09/2018, ngoại trưởng Vương Nghị bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ cho rằng Trung Quốc muốn soán ngôi Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Không nêu đích danh đối thủ, nhưng ngoại trưởng Trung Quốc đáp trả từng điểm một những cáo buộc của Hoa Kỳ qua các phát biểu của tổng thống Donald Trump tại New York trong tuần.
Trên hồ sơ thương mại, đại diện của Trung Quốc báo trước : “Bắc Kinh sẽ không chấp nhận để bị bắt chẹt và sẽ không chịu áp lực” từ bất cứ phía nào. Ông Vương Nghị nhắc lại lập trường chống bảo hộ mậu dịch và nhắc lại chủ trương ủng hộ “mô hình đa phương“.
Trong lúc Donald Trump đả kích các định chế quốc tế, thì ngược lại ngoại trưởng Vương Nghị trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng “Trung Quốc luôn bảo vệ trật tự thế giới và tôn trọng các quyết định của cộng đồng quốc tế“. Trái ngược với Washginton, Bắc Kinh tin tưởng vào thảo thuận hạt nhân Iran và kêu gọi quốc tế giảm nhẹ cấm vận Bắc Triều Tiên.
Theo giới quan sát, qua những tuyên bố này, hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đang “trực tiếp đối đầu” nhau. Dù vậy ngoại trưởng Vương Nghị trong bài diễn văn tại New York đã lưu ý cử tọa rằng, lo ngại Bắc Kinh muốn qua mặt Hoa Kỳ trên sân khấu quốc tế là “không có cơ sở”, là một “dự phóng sai lầm có nguy cơ làm phương hại nghiêm trọng đến quyền lợi và tương lai của nước Mỹ”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180929-trung-quoc-bac-bo-cao-buoc-muon-soan-ngoi-hoa-ky

Nhật Bản tăng cường hợp tác

với năm nước vùng Mêkông

Thu Hằng
Lãnh đạo của Nhật Bản và năm nước Đông Nam Á dọc dòng sông Mêkông sẽ họp tại Tokyo vào tháng 10/2018 nhằm thảo luận và thông qua một chiến lược hợp tác mới, phù hợp hơn với tình hình trong khu vực và toàn cầu.
Trang Mainichi của Nhật ngày 29/09/2018, trích nhiều nguồn tin ngoại giao, cho biết, lãnh đạo sáu nước, Nhật Bản, Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Miến Điện và Thái Lan sẽ thảo luận và thông qua kế hoạch mới mang tên « Chiến lược Tokyo 2018 vì Hợp tác Mêkông-Nhật Bản  / Tokyo Strategy 2018 for Mekong-Japan Cooperation ». Kế hoạch này chú trọng đến ba điểm hợp tác chính : kết nối, con người và môi trường.
Vẫn theo báo Mainichi, để đảm bảo khả năng kết nối năng động và hiệu quả, lãnh đạo năm nước Đông Nam Á và Nhật Bản sẽ xúc tiến phát triển « cơ sở hạ tầng có chất lượng » thông qua việc tăng cường « kết nối hạ tầng cứng, kết nối hạ tầng mềm và kết nối ngành » trong vùng Mêkông và ra ngoài khu vực.
Yếu tố con người được chú trọng, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ, phát triển du lịch trong vùng theo tiêu chuẩn « chất lượng Nhật Bản », hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục và Nhà nước pháp quyền, đối phó với thách thức biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước và giảm thiểu các nguy cơ thiên tai.
Nhật Bản hiện triển khai « Chiến Lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở », đồng thời tiếp tục tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180929-nhat-ban-tang-cuong-hop-tac-voi-nam-nuoc-vung-mekong

Binh sĩ Hàn Quốc ưa chuộng kem dưỡng da

Đàn ông Hàn Quốc là khách hàng tiêu thụ mỹ phẩm nhiều nhất trên thế giới một cách đáng kinh ngạc. Chính trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự, họ khám phá ra những mỹ vị và lợi thế của các loại kem dành cho da, các loại mặt nạ giữ ẩm và nhiều loại « BB creams » khác.
Thông tín viên Frederic Ojardias tại Seoul giải thích:
« Đối với thanh niên Hàn Quốc, hai năm đi nghĩa vụ quân sự là cách tốt nhất để khám phá và học cách sử dụng rất nhiều các mỹ phẩm chăm sóc da. Đó là những sản phẩm như nước rửa mặt có chất trà xanh để dưỡng da, mặt nạ dưa chuột hay kem ốc sên theo như tiết lộ một điều tra được đăng trên tờ Wall Street Journal. Một sĩ quan Hàn Quốc thừa nhận với nhật báo Mỹ : « Khi các binh sĩ của tôi trở về trại sau giờ gác, ngay lập tức họ đi rửa mặt và đắp mặt nạ dưỡng da. ».
Một lính nghĩa vụ khác kể lại anh học cách sử dụng nhiều loại sản phẩm khác nhau mỗi ngày như thế nào – nhất là phải chăm chỉ đọc các tạp chí về sắc đẹp – khi anh làm nhiệm vụ ở vùng biên giới cực kỳ quân sự hóa với Bắc Triều Tiên. Hiện tượng này không phải là mới : các hãng mỹ phẩm lớn của Hàn Quốc từ nhiều năm nay đã bán các loại kem « ngụy trang » đủ mầu cần thiết – kaki, đen và nâu – nhưng không làm da mẩn ngứa.
Thị trường mỹ phẩm dành cho nam ở Hàn Quốc năng động nhất thế giới, chiếm đến 20% thị trường ngành công nghiệp mỹ phẩm cho cánh mày râu trên toàn cầu. Theo một nghiên cứu, đàn ông Hàn Quốc sử dụng trung bình mỗi tháng 14 loại sản phẩm khác nhau !
Các ngôi sao nhạc K-pop luôn phô trương khuôn mặt có nước da trắng ngà và thậm trí được trang điểm, góp phần quảng cáo cách sử dụng các loại sản phẩm này, trong khi đó, trên Youtube, các kênh hướng dẫn trang điểm và chăm sóc da cho nam giới nở rộ. Hệ quả của sự hâm mộ này là các hãng mỹ phẩm lớn Hàn Quốc trở nên rất sáng tạo, luôn đổi mới và nổi tiếng trên toàn thế giới. Hơn nữa, hiệu Memebox, một công ty khởi nghiệp là do một thanh niên trẻ thành lập, anh đã khám phá các sản phẩm này trong lúc đi nghĩa vụ quân sự.
Thay đổi về chuẩn sắc đẹp
Do vậy, các tiêu chí về vẻ đẹp nam giới tại Hàn Quốc đã thay đổi hoàn toàn. Tại một số khu phố nổi tiếng là chạy theo mốt ở Seoul, một số người đàn ông không ngần ngại dùng kem nền và quệt nhẹ môi son kín đáo. Tại khu phố Gangna, người ta tìm thấy nhiều tiệm trang điểm cho nam giới. Kiểu đẹp này này đôi khi có chút gì lưỡng tính, chịu ảnh hưởng nhiều của các ngôi sao K-pop, được mệnh danh là « kkotminam », tạm dịch là « những người đàn ông đẹp như hoa ». Nhưng họ không hoàn toàn bị xem là ủy mị.
Ví dụ điển hình là nam diễn viên Song Joon-ki : Trong bộ phim truyền hình nhiều tập rất thành công « Hậu thế Mặt trời », anh đóng một vai một nhân vật cứng rắn, đại úy trong lực lượng đặc nhiệm, nhưng điều đó không ngăn cản anh có một làn da sáng ngời.
Bộ phim này đặc biệt gây được tiếng vang ngoạn mục khắp châu Á. Điều đó góp phần « xuất khẩu » các tiêu chí về sắc đẹp nam giới theo kiểu Hàn Quốc và đương nhiên là cả các dòng mỹ phẩm « Made in Korea ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180929-linh-kieng-han-quoc-ua-chuong-kem-duong-da

Động đất gây sóng thần ập vào Sulawesi

Động đất 7,5 độ Richter gây ra sóng thần cao hai mét tràn tới Palu ở đảo Sulawesi của Indonesia, gây chết người và đổ nhà.
Video trên mạng xã hội cho thấy cảnh người dân hoảng loạn bỏ chạy khỏi nhà và hình một giáo đường đạo Islam bị hư hại.
Nhà chức trách nói có 5 người chết nhưng không rõ có phải vì sóng thần hay chết vì lý do khác.
Báo động núi lửa ở Bali lên mức cao nhất
Động đất Lombok: 91 người chết, hàng ngàn sơ tán
Đài Loan: Động đất làm đổ nhà ở Hoa Liên
Mới tháng trước, vào trăm người trên đảo Lombok của Indonesia bị chết vì một loạt trận động đất.
Chỉ một cơn địa chấn mạng hôm 05/08 giết chết hơn 460 người.
Trận động đất vừa xảy ra nằm ở độ sâu 10 km dưới mặt biển, ngoài khơi đảo Sulawesi.
Sự việc xảy ra trước 11:00 giờ GMT.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45686185

Động đất Indonesia:

Hàng trăm người chết ở thành phố Palu

Video cho thấy cảnh nhà cửa bị phá hủy
Hơn 380 người được xác nhận là đã thiệt mạng do sóng thần gây ra bởi cơn động đất mạnh 7,5 độ Richter tại một thành phố ở Indonesia hôm thứ Sáu.
Các con sóng cao tới 3 mét đổ ập xuống thành phố Palu, đảo Sulawesi.
Các video trên mạng xã hội cho thấy hình ảnh người dân hoảng loạn bỏ chạy và một đền thờ Hồi giáo cùng nhiều nhà cửa bị phá hủy.
Dư chấn mạnh tiếp tục gây chấn động thành phố này. Hàng ngàn ngôi nhà, cùng bệnh viện, khách sạn và trung tâm mua sắm đã bị sập.
Nỗ lực cứu trợ hiện đang diễn ra, nhưng bị cản trở vì tình trạng mất điện kéo dài. Đường quốc lộ chính ở Palu bị chắn do lở đất, và một cây cầu lớn bị sập.
‘Nhiều thi thể nằm dọc bãi biển’
Cơ quan xử lý thiên tai của Indonesia cho biết ít nhất 384 người đã thiệt mạng, nhưng con số này sẽ tiếp tục tăng.
Ít nhất 540 người bị thương.
“Nhiều cơ thể được tìm thấy dọc bờ biển do sóng thần, nhưng con số hiện vẫn chưa rõ,” ông Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của cơ quan này nói với hãng tin Reuters của Anh.
“Khi có nguy cơ sóng thần sắp xảy ra hôm qua, nhiều người vẫn có các hoạt động trên bãi biển và không chạy ngay lập tức và họ trở thành nạn nhân,” ông nói trong một buổi họp báo.
Một số người thoát nạn bằng cách trèo lên các cây cao sáu mét để tránh các cơn sóng khổng lồ, người phát ngôn này nói thêm.
Một trận động đất nhẹ hơn hôm thứ Sáu làm ít nhất một người chết và 10 người bị thương tại thị trấn đánh cá Donggala.
Ở Palu, hàng trăm người đang chuẩn bị cho một lễ hội bãi biển, dự kiến bắt đầu vào tối thứ Sáu.
Bệnh viện chính của thành phố bị phá hủy trong trận động đất, và các hình ảnh trên TV cho thấy hàng trăm người bị thương đang được chữa trị bên ngoài trong một lán y tế dựng tạm.
Palu và Donggala có hơn 600.000 người dân cư trú. Tổng thống Joko Widodo cho biết hôm thứ Bảy rằng quân đội đang trên đường đến khu vực này để hỗ trợ cho các đội cứu trợ và giúp tìm thi thể người chết.
Sân bay chính ở Palu đóng cửa từ khi xảy ra sóng thần. Một bộ trưởng cho biết đường băng bị hư hại nhưng có hy vọng máy bay trực thăng vẫn có thể hạ cánh được.
Quân đội Indonesia sẽ điều động máy bay chở đồ cứu trợ từ thủ đô Jakarata.
Cơn động đất xảy ra ở trung tâm Sulawesi tại độ sâu 10km trước 18.00 giờ địa phương.
Cảnh báo sóng thần đã được phát, nhưng rồi lại gỡ bỏ chỉ trong một giờ. Cơ quan khí tượng Indonesia bị chỉ trích vì phản ứng của họ, nhưng giới chức nói sóng thần ập xuống trong lúc cảnh báo vẫn đang có hiệu lực.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45691632

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện