Tin Biển Đông – 28/09/2018

Tin Biển Đông – 28/09/2018

Tàu chiến Anh tập trận với Nhật

trước khi đến biển Đông

Chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản, tàu sân bay trực thăng Kaga, đã tập trận chung với chiến hạm HMS Argyll của Anh ở Ấn Độ Dương vào hôm 26-9.
Theo Reuters, sau cuộc tập trận này, chiến hạm HMS Argyll sẽ hướng về biển Đông và khu vực Đông Á.
“Chúng tôi có các mối quan hệ truyền thống với hải quân Anh. Nhật Bản và Anh đều là đồng minh thân cận với Mỹ. Những cuộc tập trận này là cơ hội để chúng tôi củng cố hợp tác” – ông Kenji Sakaguchi, chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) của nhóm tác chiến tàu Kaga, chia sẻ.
Ông Kenji nói thêm rằng sự hiện diện thường xuyên hơn của Hải quân Hoàng gia Anh trong khu vực là cơ hội để hải quân hai nước tập trận thường xuyên hơn trong tương lai.
Chiến hạm HMS Argyll, tàu sân bay trực thăng Kaga và tàu khu trục Inazuma đã luyện tập triển khai đội hình ở Ấn Độ Dương gần các làn đường biển thương mại.
Ba trực thăng của tàu Kaga bay phía trên, giám sát cuộc tập trận.
Chiến hạm HMS Argyll được triển khai đến khu vực sau khi tàu tấn công đổ bộ HMS Albion của Anh tháng trước thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP), thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông.
Tàu sân bay trực thăng Kaga (trước), tàu khu trục Inazuma (giữa) và chiến hạm HMS Argyll tập trận hôm 26-9. Ảnh: Reuters
Trong một động thái phản ứng, Trung Quốc đã triển khai một chiến hạm và một số trực thăng để đối phó.
Sau đó, Bắc Kinh còn đe dọa rằng những động thái tương tự của Anh có thể làm tổn hại đến quá trình đàm phán thương mại của hai nước sau khi Anh rời khối Liên minh châu Âu (Brexit).
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần 90% biển Đông, xây đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hóa vùng lãnh hải này bất chấp bị cộng đồng quốc tế chỉ trích kịch liệt.
Mỹ và các đồng minh phương Tây thường xuyên thực hiện FONOP để thách thức Trung Quốc.
Sau khi băng qua biển Đông, chiến hạm HMS Argyll sẽ hoạt động trong vùng lãnh hải xung quanh Nhật Bản. HMS Argyll là chiến hạm thứ ba của Hải quân Hoàng gia Anh đến châu Á trong năm nay.

Mỹ điều phi đội máy bay ném bom tới Biển Đông

giữa lúc căng thẳng với TQ

Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết quân đội nước này vừa điều một phi đội máy bay ném bom B-52 tới Biển Đông trong một hoạt động thường kỳ được lên kế hoạch từ trước.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Dave Eastburn cho biết, phi đội B-52 cất cánh từ đảo Guam đã bay qua Biển Đông. Đây là một phần “hoạt động thường kỳ nhằm nâng cao năng lực tương tác với các đối tác và đồng minh trong khu vực. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng không, hàng hải và hoạt động ở bất cứ đâu vào bất cứ thời gian nào luật pháp quốc tế cho phép”, Reuters dẫn lời ông Eastburn.
Reuters cũng cho biết, các máy bay B-52 của Mỹ cũng bay vào khu vực mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông. Ở khu vực này, các máy bay B-52 được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu của Nhật Bản.
Việc Trung Quốc thời gian qua liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông gây ra căng thẳng trong khu vực.
Mỹ và nhiều nước như Anh, Pháp, Nhật Bản tăng cường sự hiện diện trong vùng không phận và hải phận quốc tế trên Biển Đông nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh và nhấn mạnh Trung Quốc cần tôn trọng quyền tự do hàng không, hàng hải trong khu vực theo luật pháp quốc tế.
Mỹ điều phi đội B-52 tới tuần tra trên Biển Đông, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung thời gian gần đây đang leo thang căng thẳng liên quan tới cuộc chiến thương mại và mới đây nhất là tuyên bố chấp thuận hợp đồng bán nhiều linh kiện và hệ thống vũ khí cho Đài Loan trị giá 330 triệu USD của Washington.
Bắc Kinh mới đây cũng từ chối cho tàu sân bay USS Wasp của Mỹ thăm Hồng Kông.
Trong một tuyên bố đưa ra tại bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 26/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc can thiệp cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới đây.
Cuối tuần trước, Trung Quốc triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh và tạm ngừng các cuộc đàm phán quân sự cấp cao để phản đối quyết định áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ với cơ quan quân sự Trung Quốc vì mua máy bay và hệ thống phòng không Nga.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định ông không nghĩ rằng có một sự thay đổi căn bản nào trong quan hệ giữa 2 nước và Washington vẫn đang tìm cách thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quân sự với Bắc Kinh.

TQ phản đối Mỹ đưa máy bay ném bom B-52

tới gần Biển Đông

Hôm 27/9, Trung Quốc chỉ trích Hoa Kỳ về việc điều máy bay ném bom B-52 bay gần khu vực Biển Đông, và yêu cầu Mỹ phải cải thiện các quan hệ quân sự trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai nước.
Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Nhậm Quốc Cường, phát biểu tại một cuộc họp báo hàng tháng, nói rằng Bắc Kinh kiên quyết phản đối các hành động quân sự có tính khiêu khích của Mỹ ở Biển Đông.
Trong một tin khác liên quan tới quan hệ Mỹ-Trung, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng phủ nhận cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 11 sắp tới.
Ông Cảnh Sảng nói: “Chúng tôi khuyên Hoa Kỳ nên ngừng những lời chỉ trích và vu khống đối với Trung Quốc.”
Ông Cảnh Sảng nói thêm: “Chớ dùng những lời lẽ và hành vi sai trái gây tổn hại đến quan hệ song phương và các lợi ích cơ bản của cả hai nước.”
Vẫn theo Reuters, hôm 25/9, quân đội Mỹ đã điều máy bay ném bom B-52 tới gần Biển Đông.
Trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, xác nhận máy bay ném bom B-52 đã bay ngang Biển Đông như một phần trong “các hoạt động được lên lịch thường xuyên và được thiết kế để nâng cao khả năng vận hành qua lại với các đối tác và đồng minh của chúng tôi trong khu vực.”
Các chuyến bay mà phía Mỹ cho là hoạt động tuần tra thường xuyên, đã làm Bắc Kinh khó chịu. Vào tháng 6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố không có tàu quân sự hay máy bay chiến đấu nào có thể làm Trung Quốc chùn bước trong quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của mình sau khi nhiều máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay gần các hòn đảo đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông.
Mỹ và Trung Quốc thường xuyên tranh cãi về vấn đề quân sự hóa Biển Đông, nơi Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines đều có những tuyên bố chủ quyền.

Tàu chiến Hàn Quốc đến gần đảo tranh chấp Biển Đông,

Trung Quốc tức giận

Một tàu chiến của Hàn Quốc đã di chuyển gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông trong tháng này, xâm nhập vào khu vực mà Bắc Kinh xem là lãnh hải của mình và không cho ai đi vào nếu không được phép của Bắc Kinh, Wall Street Journal tường thuật và cho biết động thái này đã khiến các quan chức Trung Quốc phẫn nộ.
Tờ báo dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết tàu khu trục hải quân Hàn Quốc Munmu Đại đế đang đi tránh bão và không tiến hành hoạt động “tự do hàng hải” thách thức yêu sách chủ quyền. Vừa trở về từ các hoạt động chống cướp biển ở ngoài khơi Somalia nên con tàu không có thời gian để xin phép, theo lời quan chức Hàn Quốc, nhưng họ từ chối bình luận với Wall Street Journal về việc liệu Seoul có xem đây là khu vực thuộc về Trung Quốc hay không.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng con tàu đã vi phạm luật pháp Trung Quốc khi đi vào vùng lãnh hải rộng 12 hải lý của nước này quanh quần đảo Hoàng Sa mà không xin phép trước, nhưng Bắc Kinh đã chấp nhận lời giải thích của Hàn Quốc.
Mặc dù vậy, sự việc diễn ra vào khoảng ngày 16/9 cũng gây quan ngại trong chính phủ và quân đội Trung Quốc giữa lúc các đồng minh của Hoa Kỳ gia tăng hoạt động ở Biển Đông, WSJ dẫn lời những người am tường sự việc cho biết.
Một tàu chiến Anh đã thực hiện cuộc tuần tra tự do hàng hải hồi tháng Tám gần Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng lại đang nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc. Các tàu hải quân Pháp cũng đã tiến hành một cuộc tuần tra vào tháng 5 gần quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc và nhiều nước láng giềng tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau.
Những năm gần đây, các giới chức Mỹ và các nước đồng minh ngày càng lo ngại về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của mình trên hầu hết Biển Đông, trong đó có việc xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa và mở rộng các tiền đồn quân sự trong quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, Hàn Quốc hầu như tránh đụng đến vấn đề Biển Đông, mặc dù nước này có tranh chấp lãnh thổ riêng với Bắc Kinh ở Hoàng Hải về quyền lợi kinh tế và quyền sở hữu đá ngầm Socotra.
Việc tàu Hàn Quốc đi quanh quần đảo Hoàng Sa diễn ra vào thời điểm bão Mangkhut đang tấn công Biển Đông vào khoảng ngày 15/9.
“Chúng tôi đã làm việc với phía Hàn Quốc”, WSJ dẫn lời Đại tá Nhậm Quốc Cường, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết.
Ông nói con tàu của Hàn Quốc đã đi khoảng 10 phút trong vùng lãnh hải của Trung Quốc trong lúc tránh bão và không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào khác.
“Từ quan điểm nhân đạo, chúng tôi có thể chấp nhận lời giải thích của họ”, Đại tá Nhậm nói.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng con tàu đã vi phạm luật pháp Trung Quốc khi “đi vào lãnh hải mà không được sự cho phép của chính phủ Trung Quốc”.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã gặp các đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc để trao đổi về vấn đề này, WSJ dẫn nguồn tin từ một người am hiểu vụ việc cho biết. Cả bộ ngoại giao của Trung Quốc lẫn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận của WSJ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?