Tin khắp nơi – 28/09/2018

Tin khắp nơi – 28/09/2018

UB Thượng viện Mỹ bỏ phiếu hôm 28/9

về đề cử ông Kavanaugh vào tòa tối cao

Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ dự kiến bỏ phiếu vào sáng 28/9 về việc đề cử ông Brett Kavanaugh vào Tòa án Tối cao, sau một ngày diễn ra các cuộc điều trần đầy kịch tính của vị thẩm phán tòa phúc thẩm và bà Christine Blasey Ford, người phụ nữ đã cáo buộc ông Kavanaugh về tấn công tình dục.
11 người của đảng Cộng hòa và 10 người của đảng Dân chủ trong ủy ban sẽ quyết định liệu có tiến cử ông Kavanaugh để toàn bộ Thượng viện chuẩn thuận hay không. Thượng viện dự kiến sẽ bắt đầu cuộc bỏ phiếu theo thủ tục vào ngày 29/9.
Hiệp hội Luật sư Mỹ (ABA) vào tối 28/9 đã kêu gọi Ủy ban Tư pháp và toàn bộ Thượng viện hoãn cuộc bỏ phiếu cho đến khi FBI có thời gian để kiểm tra đầy đủ về những cáo buộc của bà Ford và các phụ nữ khác.
“Chúng tôi đưa ra yêu cầu này bởi vì ABA tôn trọng pháp quyền và các thủ tục pháp lý đúng quy trình”, lá thư của ABA gửi đến các lãnh đạo ủy ban viết. “Bất cứ sự bổ nhiệm nào vào tòa án tối cao của quốc gia chúng ta (cũng như tất cả cơ quan khác) đều vô cùng quan trọng, không thể vội vàng bỏ phiếu”, một đoạn khác trong thư viết.
Không rõ liệu đảng Cộng hòa sẽ có đủ số phiếu bầu cho ứng cử viên của họ hay không, sau buổi điều trần gây xúc động hôm 28/9, trong đó ông Kavanaugh giận dữ phủ nhận cáo buộc của bà Ford về tấn công tình dục tại một bữa tiệc vào năm 1982 khi họ còn là thanh niên. Cả hai đã điều trần riêng rẽ với Ủy ban Tư pháp Thượng viện trong gần 9 tiếng.
Tối 28/9, Thượng nghị sĩ Bob Corker của bang Tennessee tuyên bố ông sẽ bỏ phiếu để chuẩn thuận Kavanaugh vào Tòa án Tối cao. Ông nói rằng tuy bà Ford thật can đảm khi ra điều trần, song không có bằng chứng để khẳng định về các cáo buộc của bà.
Thượng nghị sĩ Jeff Flake của bang Arizona cho biết ông vẫn đang cân nhắc về phiếu bầu của mình sau khi nghe bà Ford và ông Kavanaugh điều trần.
Thượng nghị sĩ Heidi Heitkamp, một đảng viên đảng Dân chủ ở North Dakota, cũng cho biết bà cần thời gian để quyết định sẽ bỏ phiếu như thế nào. Bà đang tranh cử để được tái bầu ở một bang có đa số người bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump.
Thượng nghị sĩ Doug Jones, đảng viên Dân chủ đang làm nhiệm kỳ đầu tiên ở Alabama, nói rằng ông không bỏ phiếu tiến cử ông Kavanaugh vào Tòa án Tối cao. “Quá trình đề cử ông Kavanaugh đã có khiếm khuyết ngay từ đầu”, ông nói, và bổ sung rằng bà Ford thật đáng tin cậy và can đảm.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley đã bảo vệ ông Kavanaugh và đổ lỗi cho đảng Dân chủ về việc không tiết lộ những cáo buộc trước đây.
“Là một phần của việc đề cử Thẩm phán Kavanaugh vào Tòa án Tối cao, FBI đã tiến hành điều tra lý lịch toàn diện ở địa phương lần thứ sáu đối với Thẩm phán Kavanaugh, quay ngược về tận năm 1993, tức là 25 năm trước. Không đâu trong sáu bản báo cáo của FBI cho thấy có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến hành vi tình dục không phù hợp”.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ không bị thuyết phục về lời mô tả bản thân của ông Kavanaugh rằng ông là một cậu bé ngoan hiền. Thượng nghị sĩ Patrick Leahy dẫn ra trang về ông Kavanaugh trong kỷ yếu trung học và những chuyện đùa trong đó về nhậu nhẹt và quan hệ tình dục.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsay Graham đã nổi nóng khi đến lượt đặt câu hỏi cho ông Kavanaugh. Ông cáo buộc đảng Dân chủ về “dựng chuyện phi đạo đức” và cảnh báo với những người đảng Cộng hòa rằng nếu họ bỏ phiếu không chuẩn thuận ông Kavanaugh, đồng nghĩa là họ sẽ hợp pháp hóa “điều đáng khinh bỉ nhất mà tôi từng thấy trong thời gian tôi làm chính trị”.
Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter rằng lời điều trần của ông Kavanaugh thực sự “mạnh mẽ, trung thực và chắc như đinh đóng cột”. Ông viết: “Chiến lược tìm và diệt của đảng Dân chủ thật đáng hổ thẹn và quá trình này là một trò dựng chuyện và là nỗ lực để trì hoãn, cản trở và chống đối. Thượng viện phải bỏ phiếu!” Bài viết trên Twitter của ông Trump không đề cập đến bà Ford.
Nếu ông Kavanaugh được chuẩn thuận, tòa tối cao sẽ có thế đa số 5-4 nghiêng hẳn về đường lối bảo thủ, điều này sẽ kéo dài cả một thế hệ hoặc lâu hơn.
https://www.voatiengviet.com/a/ub-thuong-vien-my-bo-phieu-hom-28-thang-9-ve-de-cu-ong-kavanaugh/4591129.html

Điều trần Kavanaugh –

thời khắc quan trọng cho phụ nữ Mỹ

Georgina RannardBBC News
Ngay cả trước khi Tiến sĩ Christine Blasey Ford tố cáo ứng cử viên Tối cao Pháp viện Brett Kavanaugh đã tấn công tình dục bà, việc ông Kavanaugh được đề cử đã liên quan đến phụ nữ.
Việc bổ nhiệm ông Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện sẽ nghiêng cán cân quyền lực về đảng Cộng Hòa. Điều này làm dấy lên nỗi sợ hãi thực sự trong giới phụ nữ cấp tiến, rằng luật hiện hành về quyền phá thai, đến từ lệ án Roe vs. Wade sẽ bị đảo ngược.
Trong năm 2016, triển vọng lần đầu có một Tối cao Pháp viện nghiêng hẳn về phía bảo thủ sau nhiều thập niên đã khiến các cử tri miễn cưỡng ủng hộ Trump kéo nhau đi bỏ phiếu.
Sau khi ông Kavanaugh phủ nhận cáo buộc của bà Ford, buổi điều trần hôm thứ Năm đã trở thành một đo lường về mức độ mà phong trào #Me Too đã làm Hoa Kỳ thay đổi.
BBC nói chuyện với phụ nữ trước và sau buổi điều trần quan trọng và đặc biệt này để xem đây có phải là vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ, và việc nghe lời khai của bà Christine Ford và ông Brett Kavanaugh liệu có thay đổi suy nghĩ về việc tin vào ai và tin vào điều gì của họ hay không.
Khoảnh khắc quan trọng
Sẵn đã nghi ngờ về giá trị xã hội của ông Kavanaugh, sự phản đối của giới phụ nữ cấp tiến leo thang khi cáo buộc tấn công tình dục xuất hiện.
Bà Julia Peters, 33 tuổi, đến tham dự biểu tuần tại Washington DC trong suốt một tuần lễ.
“Đây không phải là một người chúng tôi có thể dùng lá phiếu để cách chức, ông ta sẽ tại chức suốt đời,” bà nói tại Capitol Hill trước khi phiên điều trần bắt đầu.
“Điều này [lệ án Roe vs. Wade bị đảo ngược] sẽ có tác động tàn phá đặc biệt đối với phụ nữ nghèo, những người khó có điều kiện di chuyển” đến những tiểu bang khác cho phép phá thai, bà giải thích.
Grace Perrett, một sinh viên đại học, đến từ New Orleans, Louisiana, một trong bốn tiểu bang nơi việc phá thai sẽ tự động bị cấm nếu luật án Roe vs Wade bị đảo ngược.
Trong khi đó, Lời hứa “chúng tôi tin vào phụ nữ” là vấn đề cốt lõi cho Julia: “Chúng tôi đến đây để cho Christine Blasey Ford biết chúng tôi tin bà ấy”.
Trump đề cử Kavanaugh cho Thẩm phán tối cao
Brett Kavanaugh điều trần trước Thượng Viện
Mỹ: Ứng viên Tối cao Pháp viện bị tố ‘tấn công tình dục’
Nhiều người giận dữ trước việc lời khai của bà Ford bị nhanh chóng gạt qua một bên, và thấy thương cảm khi việc lên tiếng đã gây ra nỗi đau khổ lớn cho gia đình bà.
Grace Perrett nhận xét: “Nỗ lực của phe cánh hữu trong việc mô tả việc bà Ford lên tiếng như một chiến dịch được phối hợp để bôi nhọ ông Kavanaugh đã gây tổn hại vô cùng cho văn hóa chống hiếp dâm và nạn nhân bị tấn công tình dục ở khắp mọi nơi”.
Một gánh xiếc
Nhưng giới phụ nữ bảo thủ lo lắng về những gì họ đang chứng kiến.
Rachel Gill, 22 tuổi, đến Capitol Hill hôm thứ Năm để bày tỏ sự ủng hộ với ông Kavanaugh vì cô tin vào “nguyên tắc vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội”.
“Tôi hoàn toàn không ủng hộ những phụ nữ lên tiếng để nói về những kinh nghiệm này.”
“Tôi đến đây vì tôi muốn nghe sự thật, và xem có bất kỳ sự thật nào trong những cáo buộc này không,” cô giải thích.
Bàn tán về một chiến dịch bôi nhọ để chống ông Kavanaugh khá phổ biến trước bối cảnh một số phụ nữ bảo thủ lo ngại rằng cáo buộc tấn công tình dục đang bị đảng Dân Chủ tận dụng để ngăn không cho ông Kavanaugh được làm thẩm phán Tối cao Pháp viện.
Nancy Wilson, bà ngoại của đứa cháu 11 tuổi, đến Washington từ Quận Fairfax, Virginia, với hai người bạn. Mặc áo có hàng chữ “Tôi đứng với Brett”, họ giải thích rằng họ tin là phụ nữ đang bị lạm dụng. Họ muốn ông Kavanaugh tại tòa vì ông là “thẩm phán ủng hộ hiến pháp”.
“Tiến trình đề cử và bỏ phiếu này đang bị lạm dụng. Nó trở thành một gánh xiếc. Tình dục không nên được cho chen vào chính trị như thế. Một người nào đó xuất hiện vào giờ thứ 11 với một cáo buộc về điều gì đó đã xảy ra cách đây 35 năm,” bà Nancy giải thích.
Tinh khiết và rõ ràng
Hôm thứ Năm, thế giới cuối cùng cũng được nghe chính từ bà Ford và ông Kavanaugh, trong những lời khai đầy nước mắt, nhưng cách bày tỏ và giọng điệu rất khác nhau.
Cụm từ #KavanaughHearings xuất hiện cả ngày trên phương tiện truyền thông xã hội, khiến biết bao người từng là nạn nhân của tấn công tình dục, trong đó có một phụ nữ 76 tuổi, gọi phôn cho mạng truyền hình C-Span để nói về kinh nghiệm bị hãm hiếp của mình.
Sau cuộc biểu tình bên ngoài Thượng viện, bà Lucy Melchor, sinh ra ở Chicago, 36 tuổi, chăm chú theo dõi phiên điều trần.
“Tôi nghĩ rằng lời khai của bà Ford rất đau lòng và rất thuyết phục. Lời khai khiến tôi củng cố niềm tin vào bà ấy “, bà Lucy nói.
“Khi được hỏi ai đã tấn công mình, bà ấy trả lời ngay không do dự.” Và tôi nghĩ, bà ấy đã thề trả lời thật trước tòa, và với cuộc sống gia đình đang bị tan nát, bà đạt được điều gì từ việc này? Động cơ của bà dường như trong sáng và rõ ràng. “
Ngược lại, bà thấy lời khai của ông Kavanaugh kéo người nghe ra khỏi lời người phụ nữ cáo buộc ông tấn công tình dục, và chuyển qua sự tức giận của ông về quá trình chính trị.
“Tôi đã thực sự thấy buồn bực bởi mức độ ông ta tầm thường hoá sự việc, và chuyển câu chuyện thành một vấn đề hoàn toàn chính trị. Điều đó rất khó cho tôi chứng kiến,” bà nói.
Niềm tin được củng cố
Nhưng trong khi phụ nữ cấp tiến thấy bà Ford hoàn toàn đáng tin cậy, thì phụ nữ bảo thủ cũng cảm thấy hệt như vậy về ông Kavanaugh.
“Tôi nghĩ rằng bà Ford có lẽ đã bị tấn công tình dục thật, nhưng không phải bởi ông Kavanaugh. Trái tim tôi thực sự cảm thương cho bà Ford “, Rachel Gill giải thích.
Kay Lucien, một trong những người đã có cháu, đến tham gia các cuộc biểu tình trên Đồi Capitol, nói bình luận của ông Kavanaugh nghe “hấp dẫn” và “mãnh liệt”. Giống như thẩm phán Kavanaugh, bà Lucien có một niềm tin tôn giáo mạnh mẽ.
“Tôi thấy thật cảm động khi nghe con của ông Kavanaugh đã tình nguyện cầu nguyện cho một người phụ nữ đã mang đến nhiều đau đớn cho gia đình mình”, bà giải thích sau buổi điều trần.
Trong khi bà cảm thấy thông cảm với Tiến sĩ Ford, bà nói niềm tin của bà về sự phù hợp của ông Kavanaugh trong vai thẩm phán Tối cao Pháp viện tăng lên.
“Tôi sẽ hài lòng nếu cán cân của Tối cao Pháp viện nghiêng về phe của người bảo thủ – chúng tôi thấy đất nước Mỹ của chúng tôi đang bị trượt theo một hướng khác, và muốn kéo nó lại một chút.”
“Tôi sẽ ít lo lắng hơn về việc mất đi một số quyền, như quyền tôn giáo và quyền có súng, và nhiều thứ dường như đang bị tấn công trong những năm gần đây”, bà nói thêm.
Các phiên điều trần cũng là một thời khắc để xét đến quyền phụ nữ ở Mỹ.
Bà Melchor, thuộc đảng Dân Chủ nhận định:”Phong trào #Me Too được gần một năm rồi, và nếu các lá bài rơi vào phía không tin câu chuyện Tiến sĩ Ford kể lại, thì đó là điều thực sự bất lợi cho những nạn nhân từng bị tấn công tình dục và sẽ bị tấn công tình dục trong tương lai. Điều ấy tạo ra cho họ nỗi sợ rằng trong tương lai, nếu là nạn nhân, những điều họ nói cũng sẽ không được ai tin, và đó là điều khiến giới cấp tiến và bảo vệ nữ quyền khó chịu nhất.”
Bước kế tiếp là gì?
Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ phải bỏ phiếu về việc ông Brett Kavanaugh được đề cử. Phiếu bầu có thể đưa đến kết quả việc đề cử được xác nhận hoặc từ chối. Điều này dự kiến sẽ xảy ra vào thứ Sáu.
Sau khi Uỷ ban Tư pháp bỏ phiếu, sẽ có cuộc tranh luận về việc đề cử tại Thượng Viện với sự có mặt của tất cả mọi thượng nghị sĩ, và rồi cả Thượng viện sẽ bỏ phiếu. Điều này có thể xảy ra vào giữa tuần tới.
Đảng Cộng Hòa muốn người được đề cử của họ nhậm chức trước cuộc bầu cử giữa kỳ tháng sau, khi họ có thể mất quyền kiểm soát 51-49 hiện giờ của Thượng viện. Chỉ cần đa số đơn giản của những người có mặt để xác nhận việc đề cử. Nếu số phiếu ngang nhau, phó tổng thống, người chủ trì Thượng viện, sẽ bỏ lá phiếu quyết định.
Một số thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa hiện còn lưỡng lự chưa quyết định, trong đó có Susan Collins, Lisa Murkowski và Jeff Flake, và một thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ, Joe Manchin.
Tuy nhiên, trong một bức thư sau phiên điều trần hôm thứ Năm, Robert Carlson, người đứng đầu Hiệp hội Luật sư Mỹ, yêu cầu Thượng viện nên hoãn cuộc bỏ phiếu để cho cơ quan FBI có thời gian điều tra cáo buộc về ông Kavanaugh.
Trước đó Hiệp hội Luật sư Mỹ từng ủng hộ việc ông Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện.
Tiến sĩ Ford cũng từng kêu gọi FBI phải có cuộc điều tra. Dưới sự thẩm vấn gay gắt của các thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ hôm thứ năm, ông Kavanaugh nói ông không thấy cần phải điều tra như vậy.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45675449

Trump: Điều Trần Của Ford Có Vẻ ‘Đáng Tin’;

Giáo Sư Ford Khai: 100% Người Đó Là Kavanaugh

WASHINGTON   -   Tin Fox News dưới dòng tựa “Ngày Phán Xét” là diễn biến bất ngờ trước dự định của ủy ban pháp chế Thượng Viện cho 2 nhân vật chính điều trần tố giác ứng viên TCPV Kavanaugh tấn công tình dục nữ sinh cùng trường 36 năm trước nay là giáo sư Christine Balsey Ford làm việc tại Univeristy of Paolo Alto.
1 thông cáo cho hay: các nghị sĩ CH tiết lộ đã phỏng vấn hôm Thứ Hai 1 người đàn ông (không là Kavanaugh) nói “người đối đầu bà Ford không là Kavanaugh”. Qua hôm sau, họ đã phỏng vấn người này 1 lần nữa. Các nhà điều tra cũng nói chuyện điện thoại với 1 người đàn ông khác với thông tin tương tự.
Bà Ford từng nói “không thể nhầm với người khác”.
Trong khi đó, 1 phụ tá lập pháp của nghị sĩ DC lên tiếng phản đối, vì không bao giờ được thông báo những xác quyết ấy, là phạm nội quy Thượng Viện. Viên phụ tá này hô hào FBI điều tra.
Tố cáo của bà Ford được chuyển tới nghị sĩ Diane Feinstein từ Tháng 7, nhưng không được công bố cho đến gần ngày biểu quyết của Thượng Viện để phê duyệt để cử của TT Trump. Văn phòng của bà Feinstein bị tố cáo dùng sự nặc danh của người tố cáo cho tới khi có thể khai thác lợi ích chính trị.
Nghị sĩ CH Orin Hatch cảnh báo qua twitter “Sẽ là khó tuởng tượng các thành viên DC tại ủy ban pháp chế có thể khiếu tố với bộ mặt thẳng thắn”.
Nhưng tình thế vẫn là khó khăn với ứng viên Kavanaugh.
Cuộc điều trần ngày Thứ Năm bắt đầu với tuyên bố khai mạc của nghị sĩ chủ tịch Chuck Grassley, và nghị sĩ Feinstein – sau đó là phần trình bày của GS Ford. Mỗi nghị sĩ thành viên có 5 phút để chất vấn.
Phe CH đã tuyển 1 luật sư bên ngoài, chuyên về tấn công tình dục để làm 1 phần chất vấn, với giải thích “tránh chính trị hóa”.
Ông Kavanaugh trình bày sau.
Bà Ford sẽ phải giải thích về 4 nam sinh có mặt trong cùng phòng mà bà bị tấn công – những người bà kể tên, là Kavanaugh,  Mark Judge, P.J. Smyth và 1 người không nhớ. Bà Ford có nhắc tên 1 người nữ, là Leland Ingham – bà này nói: không biết Kavanaugh, cũng không biết vụ ấy. Ngoài ra, tờ khai của bà Ford viết sau khi qua trắc nghiệm của máy khám phá nói dối ghi: có 4 trai và 2 gái trong phòng.
Cũng có những nghi vấn về sự khả tín của bà Ford và những người tố cáo khác (không xuất hiện trong chương trình điều trần ngày 27-9).
Fox News đưa tin: tuần này chứng kiến 5, 6 người tố cáo khác xuất hiện. hôm Thứ Ba, 1 cử tri thông báo văn phòng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (DC-Rhodes Island) rằng: 2 người say mèm là Kavanaugh và Mark tấn công tình dục 1 người bạn trên thuyền năm 1985. Danh tính của người này đang được giữ kín. 5, 6 cơ sở truyền thông tiếp tục đưa tin về các tố gíac trong 4 giờ sau.
Mặt khác, các nhà điều tra của Thượng Viện đã chất vấn ông Kavanaugh trong tuần này về cáo giác bằng thư gửi đến nghị sĩ Cory Gardner (CH-Colorado) của 1 người ẩn danh (có lẽ từ Denver) rằng Kavanaugh đã xô 1 người vào tường để tấn công và xâm phạm trước mặt 4 nhân chứng trong 1 sinh hoạt họp bạn năm 1998 – văn phòng nghị sĩ Gardner nhận được thư tố cáo hôm 22-9.
Bản thân ứng viên Kavanaugh khẳng định “Không bao giờ làm chuyện như thế” và các tố cáo là “total twilight zone – vùng nhá nhem”, là gây thương tổn Tối Cao Pháp Viện.
Ông Kavanaugh theo dõi điều trần của bà Ford tại văn phòng của PTT Mike Pence.
Tham vụ báo chí Sarah Sanders tuyên bố từ sáng: TT theo dõi sát cuộc điều trần, và xác nhận ông Trump chưa nói chuyện với ứng viên Kavanaugh trong ngày.
ABC đưa tin: luật sư bên ngoài là bà Rachel Mitchell bắt đầu chất vấn bà Ford từ 11 giờ 47 phút sau 15 phút nghỉ giải lao của các nghị sĩ trong ủy ban pháp chế.
Tin mới nhận ghi: nghị sĩ Dick Durbin gặng hỏi “Có thể tin đến mức nào người tấn công là Kavanaugh” thì bà Ford đáp là “100%”.
Khi tạm rời phòng họp, nghị sĩ Grassley được hỏi “có thấy GS Ford là đáng tin cậy?”, câu trả lời là “Tôi biết chúng ta cần xem xét nghiêm chỉnh giải trình của bà ấy”. Sau, ông lại nói “Sẽ cần ngủ yên trên toàn sự việc này”.
Có tin: hàng trăm sinh viên của Liberty University kéo đến Capitol Hill để hậu thuẫn ứng viên Kananaugh chống lại các tố giác, như loan báo sáng Thứ Tư của chủ tịch trường, là Jerry Falwell Jr. – Fox News xác nhận:  sinh viên trường Liberty ủng hộ ông Kavanaugh, không là sinh viên trường Yale về thủ đô để phản đối ứng viên của TT. Ông Falwell cho hay: trường chỉ cách thủ đô 3 giờ lái xe, trường muốn cho sinh viên có cơ hội dự phần chính sự. Tin báo USA Today cho biết: trường và Concerned Women for America cung cấp xe bus chở sinh viên đến thủ đô vào sáng Thứ Năm.
Trong khi một bản tin khác cho biết trong chương trình “New Day” của CNN sáng Thứ Năm, nghị sĩ DC Jeff Merkley, đại diện cử tri Oregon, nêu nhận xét: GS Ford bị ủy ban pháp chế Thượng Viện cư xử tệ hơn người tố cáo ứng viên TCPV Clarence Thomas tấn công tình dục năm 1991 – trong trường hợp của bà Anita Hill, TT tại chức tức khắc tuyên bố “Vấn đề mới, FBI điều tra tìm hiểu sự việc”. Điều này không xẩy ra với bà Ford. Ông Merkley nhắc lại: nhiều người điều trần để soi sáng vấn đề, và nay ủy ban pháp chế ngăn trở.
Ủy ban pháp chế định biểu quyết đề nghị bổ nhiệm ứng viên Kavanaugh của TT Trump vào ngày Thứ Sáu.
Một bản tin khác của báo Newsmax hôm Thứ Năm cho biết rằng Tổng Thống Donald Trump nói với nhiều người rằng cuộc điều trần của Christine Blasey Ford trước Ủy Ban Pháp Chế Thượng Viện hôm Thứ Năm “có vẻ đáng tin,” theo một nguồn tin nói với  Gabriel Sherman của  Vanity Fair.
“Người thân cận với Trump cho biết rằng Trump giận dữ vì điều này đem đến tồi tệ biết bao cho Cộng Hòa,” theo Sherman tường thuật.
https://vietbao.com/a285911/trump-dieu-tran-cua-ford-co-ve-dang-tin-giao-su-ford-khai-100-nguoi-do-la-kavanaugh

Kavanaugh: “Tôi chưa bao giờ tấn công tình dục ai’

Trong nỗ lực cứu vãn đề cử vào Tối cao Pháp viện, ông Brett Kavanaugh nói trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện rằng ông bác bỏ ‘hoàn toàn và rõ ràng’ cáo buộc của Tiến sĩ Christine Blasey Ford rằng ông đã có hành vi tấn công tình dục bà gần 40 năm trước.
Trong phiên điều trần cùng ngày trước đó, bà Ford nói rằng bà ‘chắc chắn 100%’ ông Kavanaugh đã tấn công tình dục bà và rằng bà ‘không hề nhầm lẫn ông với người khác’.
Hai phiên điều trần được tổ chức theo cách để cho ông Kavanaugh và bà Ford không bao giờ xuất hiện trong phòng cùng một lúc.
“Ngày hôm nay tôi thề rằng, dưới lời tuyên thệ, trước Thượng viện và trước cả nước, trước gia đình và trước Thượng đế, tôi vô tội trước cáo buộc này,” ông Kavanaugh nói và gọi mình là ‘nạn nhân của sự ám sát nhân cách hiển nhiên và lố bịch’.
Có lúc ông Kavanaugh phải nuốt nước mắt vào trong, nhất là khi ông kể lại con gái ông đã đề xuất gia đình ông cầu nguyện cho bà Ford, khi ông nói về thân phụ ông, và khi ông đề cập đến những người bạn nữ vốn tập hợp lại để ủng hộ ông.
Phiên điều trần quan trọng này sẽ quyết định liệu ông Kavanaugh có được Thượng viện chẩn thuận vào Tối cao Pháp viện hay không sau một cuộc chiến chính trị giữa phe Cộng hòa của Tổng thống Trump và phe Dân chủ vốn chống đối đề cử này.
Bà Ford, giáo sư tâm lý đại Đại học Palo Alto ở California, cho biết trong phiên điều trần kéo dài bốn tiếng rằng ông Kavanaugh khi đó đang say rượu đã tấn công bà và tìm cách cởi quần áo của bà tại một buổi tiệc ở bang Maryland, khi đó ông Kavanaugh mới 17 tuổi và bà Ford mới 15 tuổi vào năm 1982.
Ông Kavanaugh nói rằng ông muốn ra khai chứng ngay khi xuất hiện cáo buộc của bà Ford và không hề ngạc nhiên khi có những cáo buộc khác xuất hiện sau đó.
“Trong 10 ngày dài vừa qua, như dự đoán và cũng như tôi đã đoán trước, gia đình tôi và thanh danh tôi đã bị hủy hoại hoàn toàn và vĩnh viễn bởi những cáo buộc độc ác và sai lệch,” ông nói.
Việc trì hoãn sắp xếp một phiên điều trần ‘là điều kinh khủng đối với tôi, gia đình tôi, đối với Tối cao Pháp viện và đất nước,’ ông nói.
“Tôi sẽ không để mình bị bắt nạt để rút lui khỏi tiến trình này,” ông nói thêm.
Ông Kavanaugh đi cùng vợ khi ông bước vào phòng điều trần. Ông chỉ trích gay gắt các Thượng nghị sĩ Dân chủ – một động thái khác thường của một thẩm phán đang tại chức được đề cử vào Tối cao Pháp viện.
Ông nói rằng ông là ‘nạn nhân bị tấn công chính trị một cách có tính toán và dàn dựng’ sau khi có dấu hiệu cho thấy ông đang đến gần đến việc được Thượng viện phê chuẩn. Ông cáo buộc phe Dân chủ là ‘rình rập’ cáo buộc của bà Ford và chỉ công bố nó sau khi quá trình điều trần hoàn tất bước đầu.
Ông cẩn trọng không lên án bà Ford và nói rằng ông mong bà ‘không có ý định gì xấu xa’. Ông nói rằng ông không đặt nghi vấn liệu bà Ford có lẽ đã bị ai đó tấn công tình dục ở một nơi nào đó vào lúc nào đó, nhưng ông không bao giờ tấn công bà hay bất cứ ai.
Phần điều trần của bà Ford nhún nhường và trầm lắng chừng nào, thì ông Kavanaugh lại thể hiện sự phẫn nộ và quyết liệt chừng đó. Ông liên tục cắt ngang các câu hỏi của các Thượng nghị sĩ Dân chủ, trong đó câu hỏi liệu ông có ủng hộ nỗ lực của họ đưa ông Mark Judge, một người bạn mà bà Ford nói rằng đã cùng tham gia cùng với Kavanaugh tấn công bà, ra khai chứng hay không.
Khi Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Durbin hỏi dồn rằng ông có cần yêu cầu FBI điều tra hay không, Kavanaugh trả lời rằng ông sẽ làm bất cứ điều gì Ủy ban Thượng viện muốn và liên tục từ chối thay đổi lập trường đó. Tổng thống Trump và phe Cộng hòa đã từ chối để cho FBI vào cuộc.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng hòa, một trong những người bênh vực ông Kavanaugh mạnh mẽ nhất, đã chĩa mùi dùi vào các đồng nghiệp của ông bên Đảng Dân chủ.
“Những gì mà quý vị muốn làm là hủy hoại cuộc đời của người đàn ông này, giữ chiếc ghế của ông ta để trống và hy vọng rằng quý vị sẽ thắng vào năm 2020,” ông Graham nói với ngụ ý cuộc bầu cử Tổng thống kế tiếp.
Sau buổi điều trần của ông Kavanaugh, Tổng thống Trump một lần nữa bày tỏ ủng hộ ứng viên do ông đề cử vào Tối cao Pháp viện. Ông Trump nói phần điều trần của ông Kavanaugh hết sức thu hút, mạnh mẽ, và chân thật. Tổng thống Trump cũng kêu gọi Thượng viện hãy biểu quyết chuẩn thuận ông Kavanaugh.
https://www.voatiengviet.com/a/kavanaugh-t%C3%B4i-ch%C6%B0a-bao-gi%E1%BB%9D-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-t%C3%ACnh-d%E1%BB%A5c-ai-/4590456.html

Chiến tranh thương mại

gây phương hại cho ứng viên Cộng hòa

Các chính trị gia ở vùng Vành đai Công nghiệp của nước Mỹ đang chật vật tận dụng cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump để giành lợi thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới trong lúc một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy các cử tri ở khu vực này không hào hứng với tác động của chính sách thuế quan của ông Trump.
Một cuộc thăm dò do Reuters, Ipsos và Trung tâm Chính trị UVA, cho thấy đa số các cử tri ở các tiểu bang Indiana, Michigan, Ohio, Pennsylvania, và Wisconsin – các bang ở trung tâm công nghiệp của Mỹ vốn ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 – cho rằng thuế quan không tốt cho họ và gia đình của họ.
Sự ủng hộ thuế quan trong các cử tri tiềm năng – những người được cho là nhiều khả năng sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới – dao động từ mức 33% ở Pennsylvania cho đến 38% ở Michigan. Ở tất cả các tiểu bang này, nhiều cử tri hơn có thái độ tiêu cực với việc áp thuế, dao động từ 44% ở Indiana đến 50% ở Wisconsin.
“Thương mại và thuế quan không phải vấn đề hết sức tích cực cho Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa; nếu có tác động gì đó thì chúng được xem là phản tác dụng đối với những người dân và những địa phương đã bầu cho Trump,” ông John Austin, chuyên gia nghiên cứu cao cấp không thường trú của Viện Brookings, nhận định.
Thương mại và thuế quan đã trở thành một vấn đề gai góc cho các ứng viên ra tranh cử vào Quốc hội khi họ đang cố gắng giành phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm 2016, nhiều cử tri ở Vành đai Công nghiệp đã hoan nghênh sự phê phán của ông Trump đối với các thỏa thuận thương mại quốc tế là và gọi những thỏa thuận này là ‘xấu cho nước Mỹ’. Tuy nhiên, những thỏa thuận mới đã cho thấy là khó mà đạt được.
Thuế ông Trump đánh vào nhôm thép nhập khẩu đã giúp cho các nhà sản xuất trong nước tăng giá bán nhưng đồng thời cũng đẩy chi phí lên cao đối với các hãng sản xuất xe hơi và các mặt hàng khác. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu của Mỹ cũng bị Trung Quốc và các nước khác đánh thuế trả đũa.
Trong số các cử tri của Đảng Cộng hòa, chỉ hơn phân nửa một chút ở các bang Vành đai Công nghiệp cho rằng thuế quan tốt cho gia đình họ: tỷ lệ này là 53% ở Indiana, 51% ở Pennsylvania, 57% ở Ohio, 59% ở Michigan và 60% ở Wisconsin.
Một cuộc thăm dò khác hôm 26/9 cho thấy đa số cử tri ở các tiểu bang này không tán thành thành tích cầm quyền của ông Trump.
Ở Indiana, ứng viên Cộng hòa vào thượng viện, Mike Braun, được tờ Indianapolis Star hồi tháng Hai dẫn lời nói rằng thuế quan là ‘sai lầm’ vì chúng sẽ khiến các đối tác trả đũa. Đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ, Thượng nghị sỹ Joe Donnelly vốn trước đây từng ủng hộ các biện pháp bảo hộ thương mại, nói rằng ông quan ngại về hành động của tổng thống.
Những người được vấn ý có xu hướng nghĩ rằng giao thương quốc tế giúp tạo công ăn việc làm chứ không phải làm mất việc làm. Tuy nhiên, đa số mọi người ở từng tiểu bang cũng cho rằng thương mại quốc tế làm tổn thương người dân Mỹ bình thường do nó giữ lương ở mức thấp do giá lao động rẻ hơn ở nước ngoài.
Hai bang Michigan và Indiana đặc biệt có mức độ tham gia và thương mại quốc tế cao, theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s. Theo đó, thương mại quốc tế chiếm 38% GDP của Michigan trong khi Indiana là 24%.
https://www.voatiengviet.com/a/chi%E1%BA%BFn-tranh-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-g%C3%A2y-ph%C6%B0%C6%A1ng-h%E1%BA%A1i-cho-%E1%BB%A9ng-vi%C3%AAn-c%E1%BB%99ng-h%C3%B2a/4590455.html

Ông Trump nói không thích sa thải Rosenstein

Tổng thống Donald Trump nói ông “chắc chắn không thích” cách chức Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein.
“Tôi thích giữ ông Rosenstein ở lại,” ông Trump tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 26/9 tại New York. “Ông ấy cho biết ông không nói điều này,” Tổng thống Trump tuyên bố, nhắc tới việc ông Rosenstein phủ nhận đưa ra những nhận xét mà tờ New York Times loan tải rằng ông Rosenstein đã thảo luận việc bí mật ghi âm Tổng thống cũng như đề cập đến việc dùng Tu chính án 25 để truất phế ông Trump.
Ông Trump nói thêm “Tôi thích giữ ông ấy lại và để ông ấy làm việc.”
Tòa Bạch Ốc ngày 27/9 loan báo Tổng thống Trump đã trì hoãn cuộc gặp dự trù cùng ngày với Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein cho tới tuần sau.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders cho hay Tổng thống Trump đã trao đổi ngắn với ông Rosenstein và đôi bên đồng ý dời cuộc gặp tới tuần sau để tránh trùng với cuộc điều trần hôm 27/9 của thẩm phán Brett Kavanaugh, người được ông Trump đề cử vào Tối cao Pháp viện, và của Tiến sĩ Christine Ford, người tố cáo ông Kavanaugh có hành vi tấn công tình dục bà hơn 3 thập niên trước.
Ông Rosenstein giám sát cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và việc bãi chức ông có thể làm trở ngại cho cuộc điều tra này và gây nên một cơn bão chính trị.
https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-trump-n%C3%B3i-kh%C3%B4ng-th%C3%ADch-sa-th%E1%BA%A3i-rosenstein/4590446.html

Qua Hạ viện, luật chi tiêu quốc phòng

sắp được Tổng thống ban hành

“Hạ viện dễ dàng thông qua luật chi tiêu quốc phòng được thỏa hiệp vào ngày 26/9 và chuyển sang Tòa Bạch Ốc để Tổng thống Donald Trump ký,” theo Politico và Wall Street Journal.
“Với 361 phiếu thuận và 61 phiếu chống, luật chi tiêu quốc phòng trị giá 675 tỉ đô la được thông qua. Việc Hạ viện chấp thuận nhanh chóng luật này giúp quân đội lần đầu tiên trong thập niên qua được tài trợ đầy đủ đúng ngày khởi sự năm tài khóa mới, 1/10, khi Tổng thống Trump ký ban hành luật…”
Ngày 26/9, trước khi Hạ viện bỏ phiếu, ông Trump hứa sẽ ký ban hành.
“Chúng ta sẽ giữ cho chính phủ được mở cửa” ông Trump nói với các phóng viên sau cuộc họp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại New York, nơi hai nhà lãnh đạo đang tham dự phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Thông tín viên Jennifer Scholtes viết là sau hơn hai thập niên quốc hội mới thông qua các đạo luật chi tiêu đúng hạn.
(Nguồn Politico/Wall Street Journal)
https://www.voatiengviet.com/a/qua-h%E1%BA%A1-vi%E1%BB%87n-lu%E1%BA%ADt-chi-ti%C3%AAu-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-s%E1%BA%AFp-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-ban-h%C3%A0nh/4590403.html

Mỹ chỉ trích Nga, Trung về vấn đề Triều Tiên

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc là họ “phải làm gương” bằng cách thực thi các chế tài đối với Triều Tiên vào lúc Trung Quốc đề nghị Hội đồng nên giảm bớt các chế tài khắc nghiệt.
Trung Quốc, đồng minh của Triều Tiên, được Nga ủng hộ, nói Hội đồng Bảo an nên tưởng thưởng Bình Nhưỡng vì “những diễn biến tích cực” sau khi Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau vào tháng 6 năm nay và ông Kim hứa sẽ làm việc để tiến tới phi hạt nhân hóa.
Ông Pompeo chủ trì một cuộc họp 15 thành viên Hội đồng bên lề của hội nghị hàng năm các nhà lãnh đạo thế giới sau khi gặp người tương nhiệm Triều Tiên Ri Yong-ho ngày 26/9. Ông Pompeo dự trù đến Bình Nhưỡng tháng tới để gặp ông Kim.
Tuy nhiên cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, ông Pompeo nói “Thực thi các chế tài của Hội đồng Bảo an phải được tiếp tục một cách mạnh mẽ và thành công cho tới khi nào chúng ta thực hiện được việc phi hạt nhân hóa đầy đủ, cuối cùng và kiểm chứng được.”
Các nước thành viên hội đồng phải nêu gương trong nỗ lực này.” ông Pompeo nói sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley trước đây trong tháng cáo buộc Nga gian lận trong những chế tài của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an đã nhất trí gia tăng các chế tài kể từ năm 2006 trong nỗ lực bóp nghẹt việc tài trợ những chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung Quốc Vương Nghị nói có những điều khoản trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cho phép điều chỉnh các chế tài nếu Triều Tiên tuân thủ.
Ông nói “vì có những diễn biến tích cực” nên Trung Quốc tin là Hội đồng “cần cứu xét trong thời gian thích hợp điều khoản này để khuyến khích nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và các bên liên hệ tiến xa hơn nữa việc phi hạt nhân hóa.”
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-nga-trung-v%E1%BB%81-v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-/4590336.html

Đại sứ Mỹ tham gia biểu tình ở New York

chống chính quyền Venezuela

Trọng Thành
Có mặt trong cuộc biểu tình phản đối chính quyền Venezuela hôm qua, 27/09/2019, tại New York, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikkey Haley kêu gọi đòi tổng thống Maduro phải từ chức.
AFP cho hay đại sứ Nikki Haley dùng loa phóng thanh yêu cầu tổng thống Venezuela ra đi, bà hứa hẹn « chúng ta sẽ đấu tranh vì Venezuela và sẽ tiếp tục cho đến khi nào ông Maduro từ chức ! ». Bà nói thêm : « Chúng tôi cần đến sự ủng hộ của các bạn, và tôi cũng nói với các bạn rằng Hoa Kỳ sẽ rất cương quyết ! ».
Cuộc xuống đường của đại sứ Mỹ xảy ra, ngay sau hôm tổng thống Venezuela – tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc – đề nghị gặp tổng thống Mỹ Donald Trump để bàn về các bất đồng song phương. Bà Nikki Haley nhắc lại là bà đã thị sát vùng biên giới Colombia-Venezuela, nơi hơn một triệu người Venezuela đã vượt biên, để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế trầm trọng, với nạn lạm phát phi mã trong nước, trong lúc chính quyền Maduro không chấp nhận bầu cử tự do, và tìm mọi cách bám giữ quyền lực.
Hôm thứ Tư, trong một cuộc họp báo bên lề diễn đàn Liên Hiệp Quốc, tổng thống Donald Trump cho biết tất cả mọi biện pháp liên quan đến Venezuela « hiện đã ở trên bàn », bao gồm « các phương án mạnh nhất ». Tổng thống Mỹ cho rằng ông Maduro sẽ « bị lật đổ nhanh chóng », nếu « giới quân sự quyết định » hành động.
Hội Đồng Nhân Quyền yêu cầu Venezuela chấp nhận trợ giúp nhân đạo
Hôm qua, 27/09, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã thông qua một « nghị quyết lịch sử» yêu cầu chính quyền Venezuela « chấp nhận trợ giúp nhân đạo » quốc tế, cho phép khắc phục tình trạng lương thực và thuốc men chữa bệnh vô cùng khan hiếm hiện nay. Theo người phát ngôn của tổ chức này, đây là lần đầu tiên Hội Đồng Nhân Quyền ra một nghị quyết như vậy về Venezuela.
Nghị quyết do nhiều nước Mỹ Latinh, và Canada, đề nghị đã được 23 thành viên trên 47 thông qua. 17 nước vắng mặt và 7 nước chống, trong đó có Trung Quốc, Cuba và chính Venezuela.
Hội Đồng Nhân Quyền cũng hối thúc chính quyền Venezuela « hợp tác » với Cao Ủy Nhân Quyền, và đề nghị Cao Ủy trình lên Hội Đồng « một báo cáo đầy đủ » về tình hình Venezuela, cho khóa họp năm tới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180928-venezuela-dai-su-my-tai-lien-hiep-quoc-tham-gia-bieu-tinh-chong-maduro

Kinh tế Mỹ tăng 4,2% trong quý 2

Nền kinh tế Mỹ trong quý 2 tăng trưởng 4,2%, đạt kết quả tốt nhất trong gần 4 năm qua, theo hãng tin AP.
Hôm 27/9, chính phủ Mỹ công bố kết quả tổng sản phẩm quốc nội – gồm cả hàng hóa và dịch vụ (GDP) của Hoa Kỳ không thay đổi so với ước tính của Bộ Thương mại hồi tháng trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định rằng GDP tăng mạnh là bằng chứng cho thấy chương trình kinh tế của ông đang có hiệu quả.
Tổng thống Trump phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 26/9: “Chúng tôi làm tốt hơn nhiều so với sự tưởng tượng của bất cứ người nào.”
Các nhà kinh tế tin rằng tăng trưởng đã chậm lại trong quý hiện tại (quý 3), còn từ 3% đến 3,5%.
Ngoài ra, các nhà kinh tế tin rằng trong năm nay Hoa Kỳ có thể đạt mức tăng trưởng hàng năm khoảng 3%. Đây sẽ là mức tăng trưởng khả quan nhất kể từ năm 2005, ba năm trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự cố đã đẩy Hoa Kỳ vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất tính từ những năm 1930.
Tổng thống Trump thường lưu ý về những thành quả của ông so với khi ông vận động tranh cử tổng thống, ông đổ lỗi cho những yếu kém của Tổng thống Obama về các chính sách kinh tế.
https://www.voatiengviet.com/a/kinh-te-my-tang-trong-quy-2/4590171.html

Mỹ Đánh Quân Uỷ Trung Ương TC

Vi Anh
Chính quyền Mỹ ngày 20/9 đã công bố quyết định trừng phạt Cục Phát triển Thiết bị (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc do các thương vụ mua bán vũ khí của EDD với Nga đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington đối với Moscow. Cả EDD và Giám đốc EDD Li Shangfu đều bị liệt vào danh sách trừng phạt này của Mỹ.
Như vậy là Chính phủ Mỹ đã áp đặt trừng phạt lên đơn vị chủ chốt, quyền lực nhứt  của quân đội Trung Quốc  là Quân Uỷ Trung Ương TC và các đại  đơn vị trực thuộc vì mua máy bay chiến đấu và hoả tiễn đất đối không của Nga. Washington nói Cục phát triển thiết bị của Trung Quốc (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng nước này đã mua vũ khí của Nga là vi phạm lệnh Mỹ trừng phạt Nga có hiệu lực từ năm 2017.
Cả EDD và Giám đốc của cơ quan này Li Shangfu đều có tên trong lệnh trừng phạt đưa ra hôm 20-9 của Washington, với cáo buộc đã tham gia các giao dịch với công ty xuất cảng vũ khí chính của Nga là Rosoboroexport.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, những vụ mua bán như vậy làm cản trở các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh Tây phương áp đặt lên Moscow kể từ năm 2014. Các lệnh trừng phạt này được đưa ra dựa trên Mục 231 về chống lại các kẻ thù của Mỹ thông qua Đạo luật Trừng phạt năm 2017 (CAATSA) về “tham gia các giao dịch đáng kể với các nhân vật trong Danh sách cụ thể”.”Những giao dịch này liên quan tới việc Nga chuyển giao các máy bay chiến đấu Su-35 và các thiết bị liên quan tới hệ thống tên lửa đất đối không S-400″- thông cáo nêu rõ.
Cũng theo đó, Trung Quốc đã nhận 10 máy bay chiến đấu Su-35 năm 2017 và những đợt đầu tiên của thiết bị liên quan tới hệ thống tên lửa đất đối không S-400 trong năm nay.
Với lệnh trừng phạt mới được công bố, EDD của TC sẽ bị cấm đăng bộ xin giấy phép xuất cảng cũng như tham gia vào các giao dịch ngoại thương theo luật của Mỹ, hoặc sử dụng hệ thống tài chính Mỹ. Đồng thời tài sản và các lợi ích của đơn vị này trong tầm kiểm soát của Mỹ sẽ bị phong tỏa.
Lệnh trừng phạt áp đặt đối với ông Giám đốc EDD Li Shangfu của TC và  cũng sẽ cấm Ông này sử dụng hệ thống tài chính Mỹ và các giao dịch ngoại thương, phong tỏa bất cứ tài sản và lợi ích nào của ông ta. Ông còn bị cấm sở hữu visa Mỹ.
“Mục 231 của CAATSA và những hành động hôm nay không nhằm làm suy yếu năng lực quân sự hay sự sẵn sàng chiến đấu của bất cứ quốc gia nào, mà chỉ đưa ra cái giá phải trả của Nga trong việc can thiệp và quá trình bầu cử Mỹ, hành vi không thể chấp nhận được của nước này ở Ukraine và những hành động thâm hiểm khác” – tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
Đây là lần thứ hai trong vài tuần qua, Chính phủ Mỹ trừng phạt các thực thể liên quan tới Trung Quốc. Hôm 14-9, Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo trừng phạt chống lại các công ty phát triển ứng dụng và thiết kế web ở Trung Quốc do người Triều Tiên sở hữu và quản lý.
Lịnh trừng phạt công bố hôm 20-9 được đưa ra từ Ngoại trưởng Mike Pompeo, tham vấn Bộ trưởng Tài chính Stephen Mnuchin và theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mỹ cũng trừng phạt các giới chức của TC và Nga liên quan đến nội vụ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 21-9,  thêm vào danh sách trừng phạt 33 viên chức và tổ chức liên quan tới quân đội và tình báo Nga.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết động thái trừng phạt này nhằm đáp trả các động thái “xấu” của Nga, ngụ ý tới cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 cũng như can thiệp quân sự và đông Ukraine.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, các lệnh trừng phạt được đưa ra theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) năm 2017, trong đó cho phép trừng phạt bất kỳ đối tượng nào tiến hành giao dịch với những cá nhân hoặc tổ chức vốn nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Washington có thể trừng phạt các quốc gia thứ 3 có hợp tác với Moscow trong lĩnh vực quốc phòng.
“Các giao dịch này bao gồm việc chuyển giao các máy bay chiến đấu Su-35 và thiết bị có liên quan tới hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga cho Trung Quốc”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
Thông cáo cho biết Trung Quốc đã tiếp nhận 10 máy bay Su-35 hồi tháng 12/2017 và lô thiết bị có liên quan đến S-400 đầu tiên trong năm nay. Thông cáo chỉ rõ EDD đã đàm phán và thực hiện các giao dịch với công ty xuất khẩu vũ khí chính của Nga là Rosoboroexport.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ cấm EDD xin giấy phép xuất cảng cũng như tham gia vào các giao dịch nước ngoài theo luật của Mỹ hoặc sử dụng hệ thống tài chính của Mỹ. Giám đốc EDD cũng bị cấm sử dụng hệ thống tài chính Mỹ và thực hiện các giao dịch với nước ngoài, đồng thời không được cấp thị thực Mỹ.
EDD do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thành lập từ năm 2016 với nhiệm vụ giám sát và cải thiện công nghệ quân sự của Trung Quốc. EDD là đơn vị then chốt của Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Đây là lần thứ hai sau nhiều tuần Mỹ tiếp tục trừng phạt các cơ quan, tổ chức của Trung Quốc. Trước đó ngày 14/9, Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo các lệnh trừng phạt đối với các công ty phát triển công nghệ tại Trung Quốc do người Triều Tiên sở hữu và quản lý. Động thái trừng phạt mới nhất của Mỹ được dự đoán sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa dừng lại. Tuy nhiên, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng “mục tiêu cuối cùng” của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Trung Quốc là nhắm vào Nga để trả đũa Moscow.
Việc Mỹ trừng phạt đánh vào Quân Uỷ Trung Ương, cơ quan quyền thế nhứt của Đảng CS lãnh đạo chỉ huy quân đội TC, khiến TC rất giận dữ và phản ứng mạnh. Theo Nhân Dân nhật báo của TC, hôm 22/09/2018, Thứ trưởng Ngoại Giao Trịnh Trạch Quang (Zheng Zequang) đã triệu đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh lên bộ Ngoại Giao để chính thức phản đối lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Đối với bộ Quốc Phòng Trung Quốc, Hoa Kỳ không có quyền can thiệp vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga – hai nước có chủ quyền. Bắc Kinh dọa nếu không hủy bỏ các lệnh trừng phạt này, Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Mỹ không trả lời, trả vốn gì về những trừng phạt, coi đây là pháp luật của Mỹ và đồng minh của Mỹ phải thi hành, không có gì để bàn luận với TC./. (VA)
https://vietbao.com/p123a285922/my-danh-quan-uy-trung-uong-tc

Ông Musk không rời ghế chủ tịch

để giải quyết vụ kiện của SEC

Tổng Giám đốc của Tesla Inc, ông Elon Musk, đã từ chối nộp phạt trên danh nghĩa và từ bỏ vai trò chủ tịch trong hai năm như là một phần trong thỏa thuận với Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), CNBC đưa tin hôm 28/9.
Thỏa thuận giải quyết kiện tụng cũng yêu cầu Tesla bổ nhiệm hai giám đốc độc lập mới, tin cho hay.
Ông Musk đã từ chối ký vào thỏa thuận vì ông cảm thấy rằng nếu thực hiện cách giải quyết đó, ông sẽ không thành thật với chính mình, và ông không thể chấp nhận được suy nghĩ là ông đồng ý với một thỏa thuận có những nhược điểm đi kèm.
SEC hôm 27/9 đã đệ đơn kiện ông Musk, cáo buộc ông gian lận và tìm cách loại bỏ ông khỏi vai trò hiện nay. Họ nói rằng ông đã đăng một loạt bài ngắn lên Twitter có nội dung “sai trái và gây hiểu lầm” về việc có thể biến Tesla thành công ty tư nhân.
Cổ phiếu của Tesla đã giảm 11% hôm 28/9 vì phố Wall lo lắng rằng vụ kiện có thể buộc ông Musk phải từ chức và gây khó khăn cho hãng ô tô bị thua lỗ trong việc tăng vốn.
Một số người lo ngại rằng hành động của SEC mới chỉ là khởi đầu của một cuộc chiến pháp lý với các nhà chức trách, những người bán khống và các nhà đầu tư khác về các hành động của ông Musk, có thể khiến Tesla phải trả giá đắt.
“Vụ kiện dân sự của SEC có thể dẫn đến việc ông Musk rời khỏi Tesla (vĩnh viễn hoặc tạm thời) và khoản tiền chênh lệch của ông Musk trong các cổ phiếu đang tiêu tan”, nhà phân tích của Barclays, Brian Johnson, nói.
Ông Musk, 47 tuổi, là bộ mặt trước công chúng của hãng Tesla, và ông đã đưa hãng đến sát mức có thể sinh lời với việc chi nhiều tiền để đẩy mạnh sản xuất mẫu sedan Model 3 trong năm qua.
Tỷ phú vùng thung lũng Silicon trong vòng ba tuần đã đăng nhiều bài ngắn trên Twitter. Ông viết rằng đã từ bỏ kế hoạch rút Tesla khỏi thị trường chứng khoán. Sau một đêm, ông nói ông không làm gì sai và hội đồng quản trị của công ty đã nhắc lại rằng họ ủng hộ ông.
Gần đây nhất, cổ phiếu giảm 11,2% xuống còn 273 đô, làm bay mất khoảng 6 tỷ đô la khỏi giá trị vốn hóa thị trường của Tesla.
(Reuters)
https://www.voatiengviet.com/a/ong-musk-khong-roi-ghe-chu-tich-de-giai-quyet-vu-kien-cua-sec/4591416.html

LS của Nghia Hoang Pho:

‘ông không chủ ý phá hoại an ninh quốc gia’

Luật sư của ông Nghia Hoang Pho, một cựu nhân viên gốc Việt làm việc tại Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) vừa bị tuyên án 5 năm rưỡi tù giam vì tội lưu trữ trái phép tài liệu mật và để lộ thông tin, nói với VOA rằng thân chủ của ông không có chủ ý đe dọa hay phá hoại an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Từ bang Maryland, hôm 27/9, Luật sư Robert Bonsib cho VOA biết ông Nghia Hoang Pho là một người tốt bụng nhưng rủi thay ông đã có quyết định không đúng khi mang thông tin mật về nhà.
Ông ấy là một người tốt bụng nhưng rủi thay ông đã có những quyết định sai lầm.
Luật sư Robert Bonsib.
“Đó là một kết cuộc rất không may cho ông. Ông ấy là một người tốt bụng nhưng rủi thay ông đã có những quyết định sai lầm.”
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết, ông Nghia Hoang Pho, một cựu nhân viên người Mỹ gốc Việt làm kỹ sư phát triển phần mềm theo hợp đồng cho NSA bị kết án 5 năm rưỡi tù giam và 3 năm quản chế tại một tòa án liên bang ở thành phố Baltimore hôm 25/9, sau khi nhận tội đem thông tin được bảo mật ra khỏi cơ quan một cách bất hợp pháp và sau đó các tài liệu mật đã bị tin tặc Nga đánh cắp từ máy tính cá nhân của ông.
Ông Nghia Hoang Pho, 68 tuổi, ở thành phố Ellicott City, bang Maryland, đã đem ra khỏi cơ quan những tài liệu có chứa thông tin quốc phòng được bảo mật và giữ chúng tại nhà riêng của ông mà không được cho phép.
Luật sư Robert Bonsib, lập luận rằng ông Pho không có chủ ý đe dọa hay phá hoại an ninh quốc gia Hoa Kỳ:
“Ông ấy không có chủ ý làm điều gì để đe dọa an ninh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông ấy thú nhận đã có những suy xét sai lầm khi mang các thông tin mật về nhà và rồi nếu bị tin tặc xâm nhập sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.”
Ông ấy không có chủ ý làm điều gì để đe dọa an ninh của Hoa Kỳ.
Luật sư Robert Bonsib.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2010 tới tháng 3 năm 2015, ông Nghia từng làm việc trong đơn vị tin tặc tinh nhuệ của NSA và ông đã đem đi điều mà các công tố viên mô tả là “số lượng khổng lồ” những tài liệu chứa thông tin quốc phòng được phân loại là tối mật – mức độ thông tin bảo mật cao nhất được chính phủ Mỹ quy định, là những thông tin “không được phép tiết lộ vì có thể gây ra những hậu quả sống còn đối với nền an ninh quốc gia.”
Vào tháng 11/2017, ông Nghia đã nhận tội lưu trữ trái phép nhiều tài liệu mật, theo Cấp độ 1 (Count One) của Đạo Luật Liên bang Hoa Kỳ, với khung hình phạt lên đến 10 năm tù giam và đã bị Văn phòng Công tố viên Quận Maryland đề xuất mức án là 8 năm tù.
Luật sư Bonsib thuật lại lời ông Nghia, một người Việt Nam nhập cư và nhập quốc tịch Mỹ, phát biểu tại tòa:
“Ông ấy nói với thẩm phán rằng ông rất lấy làm tiếc về những sai phạm của ông. Ông ấy nói đã làm việc chăm chỉ cả đời cống hiến cho NSA và luôn cố gắng hỗ trợ cho NSA hoàn thành sứ mệnh.”
Tờ The New York Times thuật lại lời ông Nghia chọn phát biểu trước tòa: “Tôi không phản bội Hoa Kỳ. Tôi không gửi thông tin cho ai cả. Tôi không tư lợi.”
Ông Robert Hur, Công tố viên liên bang đặc trách khu vực Maryland, được tờ Washington Post trích lời nói: “Vì những hành động của mình, ông Pho đã làm lộ một số loại thông tin tình báo được bảo mật nhất của đất nước chúng nước ta, và buộc NSA phải từ bỏ những kế hoạch quan trọng để bảo vệ cơ quan này và các năng lực hoạt động của nó, gây tổn thất lớn về mặt kinh tế và hoạt động.”
Các công tố viên nói máy tính ở nhà ông sử dụng phần mềm chống virus được chế tạo bởi Kaspersky Lab, một công ty phần mềm hàng đầu của Nga, và các tin tặc Nga được cho là đã lợi dụng phần mềm này để đánh cắp các tài liệu.
Mỹ tuyên án một người gốc Việt về tội làm lộ thông tin mật
Theo IBTimes, ông Nghĩa đã lưu trữ cả bản giấy lẫn kỹ thuật số các tài liệu mật trên tại tư gia ở bang Maryland và các thông tin này được cho là đã bị tin tặc Nga đánh cắp thông qua phần mềm diệt virus Kaspersky Lab cài trên máy tính cá nhân của ông.
Gần đây, hãng bảo mật Kaspersky Labs đã phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc về các hoạt động khai thác thông tin, dữ liệu của người dùng tại Mỹ.
Ông Pho làm việc hợp đồng cho NSA từ năm 2006 đến cuối năm 2015, tham gia vào nhóm Tailored Access Operations (TAO) của NSA với tư cách là một kỹ sư lập trình. TAO được xem là bộ phận tấn công mạng của NSA, chỉ huy tác chiến mạng và thực hiện các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo bằng cách xây dựng và triển khai các công cụ tấn công mạng (hacking) có độ phức tạp cao, gồm cả công cụ nghe lén quốc tế.
Ông Nghia đã nhận được rất nhiều thông tin mật khác nhau trong suốt thời gian ông làm việc với NSA, đã tiếp cận vào nhiều thông tin quốc phòng tối mật của Hoa Kỳ. Theo biên bản tại tòa án, ông thường xuyên làm việc với “các dự án chuyên trách, tuyệt mật.”
https://www.voatiengviet.com/a/ls-cua-nghia-hoang-pho-ong-ay-khong-chu-y-pha-hoai-an-ninh-quoc-gia-hk/4591379.html

Mỹ cạnh tranh với TQ về đấu thầu internet

ở Papua New Guinea

Hoa Kỳ đang soạn bản chào thầu cạnh tranh để ngăn hãng viễn thông khổng lồ Huawei Technologies Co Ltd của Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng internet ở Papua New Guinea, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Australia cho biết hôm 28/9.
Nỗ lực này được thực hiện sau hai năm kể từ khi Huawei lần đầu đồng ý xây dựng một mạng lưới ở đó, và cùng lúc Hoa Kỳ và các đồng minh của mình tiến hành một chiến dịch mạnh mẽ để kiềm chế ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Động thái này cũng diễn ra tiếp sau việc Úc không cho Huawei tham gia các hợp đồng xây dựng một mạng điện thoại di động quốc gia, căn cứ vào lý do an ninh, và ngăn chặn hãng này lắp cáp viễn thông ngầm từ Sydney đến Papua New Guinea và quần đảo Solomon.
“Chúng tôi đang soạn bản chào thầu cạnh tranh”, Đại biện Mỹ James Caruso phát biểu trên đài phát thanh Australia Broadcasting Corp., khi được hỏi về tin tức nói rằng Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ đang tìm cách thắng dự án của Huawei ở Papua New Guinea.
Hoa Kỳ chưa có đại sứ ở Úc kể từ năm 2016, và ông Caruso hiện giữ vị trí là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở đó.
“Điều quan trọng ở đây là đưa ra những lựa chọn thay thế. Việc này không phải là để nói rằng ‘Đừng làm ăn với Trung Quốc’. Bản chào thầu của Trung Quốc đã được đưa ra; còn lại là tùy thuộc vào chúng ta phải cạnh tranh được”, ông nói, nhưng không đi vào chi tiết của bản chào thầu.
Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết ông không nắm rõ tình hình, nhưng Trung Quốc rất coi trọng quan hệ với Papua New Guinea và đã viện trợ cho đất nước này trong một thời gian dài mà không kèm theo bất kỳ điều kiện chính trị nào.
Trung Quốc đã nổi lên thành nhà tài trợ lớn thứ hai ở khu vực dân cư thưa thớt thuộc Thái Bình Dương. Cuộc chiến về ảnh hưởng ở nơi này có tầm quan trọng đáng kể vì mỗi đảo quốc đều có quyền bỏ phiếu tại các diễn đàn như Liên Hiệp Quốc và họ cũng kiểm soát các vùng biển giàu tài nguyên.
https://www.voatiengviet.com/a/my-canh-tranh-voi-tq-ve-dau-thau-internet-o-papua-new-guinea/4591214.html

Tại Liên Hiệp Quốc,

Mỹ nhường sân chơi cho Trung Quốc

Thanh Hà
Mỹ rút lui khỏi nhiều định chế đa quốc gia để nhường sân chơi lại cho Trung Quốc. Khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 liệu có tạo cho Bắc Kinh thêm một cơ hội nữa để áp đặt một mô hình thế giới đa cực mới ?
Vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã có những lời đả kích kịch liệt nhắm vào Iran, Trung Quốc và mô hình thế giới đa cực, thì ở hậu trường phái đoàn ngoại giao Trung Quốc không ngừng mở các cuộc đối thoại bên lề với các đối tác Ấn Độ, Nhật Bản, Úc hay Canada và châu Âu …. Tại Bắc Kinh, hãng thông tấn Tân Hoa Xã công bố bản đồ với những thông tin được cập nhật thường xuyên liên quan đến các định chế đa quốc gia mà Hoa Kỳ đã từng bước “rút lui” kể từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng.
Mỹ đã ra khỏi Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP (tháng 1/2017), từ bỏ thỏa thuận khí hậu Paris, rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chia tay tổ chức UNESCO hay quyết định hôm 19/06/2018 quay lưng lại với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc … Gần đây nhất là khả năng trừng phạt Tòa Án Hình Sự Quốc Tế đã được cố vấn an ninh của Nhà Trắng, John Bolton nêu lên.
Trong lúc nước Mỹ của Donald Trump liên tục để lại những chiếc ghế trống ấy, thì Bắc Kinh tận dụng thời cơ để chen chân vào bằng nhiều cách. Qua những tuyên bố ở mọi cấp các lãnh đạo, Bắc Kinh luôn tìm cách chứng minh rằng, Trung Quốc tôn trọng mô hình một thế giới mở và đa cực, là một đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, là một quốc gia có trách nhiệm với thế giới.
Một phương tiện thứ nhì cho phép Trung Quốc lấp vào chỗ trống mà Hoa Kỳ để lại là “sức mạnh của đồng tiền“. Một nhà báo Ấn Độ trực thuộc cơ quan nghiên cứu độc lập Observer Research Foundation nhận xét : khi Washington thông báo giảm đóng góp vào các chương trình “Gìn Giữ Hòa Bình“, thì lập tức Bắc Kinh tỏ ra hào phóng. Trung Quốc hứa rót 1 tỷ đô la trong 5 năm sắp tới để chung sức với Liên Hiệp Quốc gìn giữ hòa bình. Bắc Kinh chuẩn bị đào tạo 8.000 binh sĩ để tham gia lực lượng Lính Mũ Xanh.
Thái độ sốt sắng nói trên của Trung Quốc gây nhiều lo ngại.
Richard Gowan một chuyên gia về an ninh và quốc phòng, thuộc Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu (ECFR), được báo Le Figaro trích dẫn cho biết tại tổ chức quan trọng trực thuộc Liên Hiệp Quốc là UNESCO và Hội Đồng Nhân Quyền, các nhà ngoại giao Trung Quốc ngày càng áp đặt tiếng nói của mình. Sự bành trướng của Trung Quốc tại New York ngày càng rõ nét. Mùa hè vừa qua, Bắc Kinh đã mời rất nhiều các phái đoàn ngoại giao quốc tế đến trụ sở của văn phòng đại diện của Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc để bàn thảo về những “chuyện đại sự“, trình bày về tầm nhìn của Bắc Kinh chung quanh các dự án vĩ đại, từ Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 đến chiến lược “Made in China 2025” mà ở đó Bắc Kinh có tham vọng áp đặt những chuẩn mực của Trung Quốc với toàn thế giới.
Nói một cách khác, giới phân tích cho rằng, từ khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền với khẩu hiệu « nước Mỹ trước tiên », thì Bắc Kinh không còn e dè hay kín đáo tung những đòn ngoạn mục để củng cố sức mạnh của mình trên bàn cờ thế giới.
Thái độ này của Trung Quốc đã khiến nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế ngạc nhiên. Một chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu độc lập của Mỹ, Stimson Center, trụ sở tại Washington, thậm chí còn cho rằng, ông “Tập Cận Bình đã đi quá đà” và có một sự “ngạo mạn” trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Thái độ đó theo chuyên gia này, trái ngược hẳn với chiến lược của ông Đặng Tiểu Bình xưa kia, vốn chủ trương kiên nhẫn và từng bước bộc lộ sức mạnh thật sự của mình.
Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd bình luận : logic của họ Đặng không còn tính thời sự trong mắt giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Điều đó được thể hiện qua cách hành xử của Bắc Kinh với Liên Hiệp Quốc và ngay cả trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180928-tai-lien-hiep-quoc-my-nhuong-san-choi-cho-trung-quoc

Liên hiệp quốc điều tra

vi phạm nhân quyền tại Myanmar

Cơ quan nhân quyền cấp cao của Liên hiệp quốc đồng ý thành lập một đội thu thập chứng cứ về những tội phạm bị cáo buộc tại Myanmar kể từ năm 2011 mà một ngày nào đó có thể được dùng để xét xử những kẻ phạm tội tại Tòa án.
Ngày 27/9 Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên, với 35 phiếu thuận và 3 phiếu chống, thành lập một “cơ chế độc lập” nhằm bổ sung cho toán tìm hiểu sự thật mà Hội đồng đã cho phép thành lập trước đó để thu thập tài liệu về các cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Myanmar.
Trung Quốc, Burundi và Philippines chống lại biện pháp này. Bảy quốc gia bỏ phiếu trắng.
Công tác của cơ chế này sẽ là tường trình về một vụ đàn áp an ninh quy mô bắt đầu từ tháng 8/2017.
Tổ chức nhân quyền nói việc đàn áp này đã làm ít nhất 10.000 người thiệt mạng và khiến cho hàng trăm ngàn người Hồi Giáo Rohingya phải trốn sang Bangladesh.
https://www.voatiengviet.com/a/li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-vi-ph%E1%BA%A1m-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n-t%E1%BA%A1i-myanmar-/4590386.html

LHQ : Palestine kêu gọi Mỹ

hủy quyết định về Jerusalem

Trọng Thành
Tại diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 27/09/2018, tổng thống Palestine đã kêu gọi chính quyền Mỹ xét lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Trong bài diễn văn, lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh là sẽ không thể có được hòa bình tại Cận Đông, chừng nào chưa có một Nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem.
Tổng thống Palestine cáo buộc Israel phá hoại « giải pháp hai Nhà nước », và chỉ trích Hoa Kỳ đã không đảm nhiệm được vai trò người môi giới tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Palestine-Israel.
Thông tín viên Nicolas Falez tường trình từ New York :
« Thành phố Jerusalem không phải là thứ để đem bán. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khởi đầu bài diễn văn với tuyên bố như trên, vài tháng sau khi tổng thống Mỹ thừa nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Tổng thống Palestine kêu gọi ông Donald Trump xét lại các quyết định của ông, về Jerusalem, và các vùng lãnh thổ của Palestine bị Israel lấn chiếm và về người tị nạn và các quyết định này đi ngược lại với luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Không lâu sau đó, cũng tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu đã bày tỏ lòng biết ơn đối với tổng thống Mỹ, sau khi Washington quyết định rút khỏi nhiều định chế quốc tế bị Israel lên án, trong đó có UNESCO, Hội Đồng Nhân Quyền hay Unrwa, cơ quan Liên Hiệp Quốc trợ giúp người tị nạn Palestine.
Thủ tướng Israel nói : « Tổng thống Trump và đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikkei Haley đã ngừng cung cấp tài chính cho Unrwa, một tổ chức chưa bao giờ chấp nhận cải tổ. Tổ chức này thay vì giải quyết vấn đề người tị nạn Palestine, lại khiến cho vấn đề kéo dài. Chính quyền Mỹ đã liên tục chống lại những người chuyên vu cáo Israel tại Liên Hiệp Quốc ».
Tại New York, tổng thống Mỹ cam đoan là một kế hoạch mới cho hòa bình tại Cận Đông sẽ được công bố trong những tháng tới.
Cơ sở hạt nhân bí mật : Israel tố cáo Iran
Cũng trong phát biểu nói trên, thủ tướng Israel tố cáo Iran duy trì một cơ sở hạt nhân bí mật. Cách nay ít tháng, lãnh đạo Israel công bố một số tài liệu được cho là thông tin bí mật về chương trình hạt nhân Iran. Lần này, ông Benyamin Netanyahu nói đến một địa điểm được cho là Iran đang tìm cách tháo dỡ. Theo thủ tướng Israel, kho bí mật này có thể chứa đến 300 tấn phương tiện và vật liệu hạt nhân.
Hôm nay, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã lên án lời tố cáo của Israel là « một trò diễn », và khẳng định Tel Aviv mới chính là quốc gia có chương trình vũ khí hạt nhân bí mật, đồng thời kêu gọi Israel mở cửa các cơ sở hạt nhân của mình cho thanh tra quốc tế.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180928-lhq-palestine-my-quyet-dinh-jerusalem

Trừng phạt Bắc Triều Tiên:

Hội Đồng Bảo An bị chia rẽ

Thanh Hà
Trong phiên họp tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 27/09/2018 dưới sự chủ trì của ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, Washington chủ trương “duy trì áp lực tối đa đối với Bình Nhưỡng” nhằm đạt đến một thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.
Anh và Pháp ủng hộ lập trường của Mỹ. Ngược lại, Nga và Trung Quốc đồng thanh kêu gọi cộng đồng quốc tế giảm nhẹ lệnh trừng phạt nhắm vào chính quyền Kim Jong Un.
Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, thông tín viên đài RFI Marie Bourreau tường thuật :
“Một ngày sau Donald Trump, đến lượt Mike Pompeo ngồi vào chiếc ghế chủ tịch Hội Đồng Bảo An. Chủ đề được các bên thảo luận là Bắc Triều Tiên. Cho dù là Mỹ hài lòng trước những bước mở đầu cho tiến trình đàm phán diễn ra trong những tháng gần đây, nhưng ngoại trưởng Pompeo có một thông điệp nhắn gửi đến các đồng minh.
Ông nói : “Chúng ta không được quên rằng, sở dĩ mà chúng ta đã tiến xa được như vậy là nhờ chiến dịch vận động gây sức ép chưa từng có, những biện pháp trừng phạt đã được thông qua tại Hội Đồng Bảo An và đã được áp dụng. Chúng ta có trách nhiệm chung là phải thi hành tất cả các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An liên quan tới Bắc Triều Tiên cho đến khi nào tiến trình giải trừ hạt nhân hoàn tất và hoàn toàn được kiểm chứng”.
Ngoại trưởng Mỹ gián tiếp nhắm vào Trung Quốc và Nga, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, nhưng hai quốc gia này đang bị tố cáo lách lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên của cộng đồng quốc tế, cung cấp dầu hỏa bất hợp pháp cho Bình Nhưỡng và sử dụng lao động xuất khẩu Bắc Triều Tiên.
Matxcơva và Bắc Kinh không bình luận về các cáo buộc nói trên nhưng cả Trung Quốc lẫn Nga đều kêu gọi giảm nhẹ các lệnh cấm vận để khuyến khích những bước tiến tích cực có được trong những tháng gần đây.
Ngoài ra cũng trong cuộc họp hôm qua, ngoại trưởng Hoa Kỳ thông báo sẽ thực hiện chuyến công du thứ tư đến Bình Nhưỡng, trong tháng 10, và cuộc gặp lần thứ hai giữa Donald Trump và Kim Jong Un đang được chuẩn bị.”
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180928-hoi-dong-bao-an-trung-phat-bac-trieu-tien

Hạ viện Canada

tước danh hiệu công dân danh dự của bà Suu Kyi

Các nhà lập pháp Canada, trong một động thái biểu tượng, hôm 27/9 đồng lòng bỏ phiếu tước bỏ quyền công dân danh dự Canada của nhà lãnh đạo dân sự Myanmar, Aung San Suu Kyi, để phản ứng lại các tội ác nhắm vào cộng đồng Rohingya thiểu số.
Động thái này của Hạ viện Canada không có tác dụng gì bởi vì danh hiệu công dân danh dự được trao bởi một nghị quyết chung của cả Hạ viện và Thượng viện và các quan chức nói rằng cũng cần phải có một nghị quyết chung như thế mới bãi bỏ được. Bà Suu Kyi nhận được danh hiệu này hồi năm 2007.
Thủ tướng Justin Trudeau hôm 26/9 nói với các phóng viên rằng ông không phản đối việc tước danh dự này của bà Suu Kyi nhưng cũng nói rằng việc làm này không thể chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Myanmar, nơi hơn 700.000 người Rohingya đã bỏ chạy sự đàn áp của chính phủ.
Hồi tuần trước, Hạ viện Canada đã nhất trí bỏ phiếu gọi các vụ thảm sát người Rohingya là ‘diệt chủng’.
Điều tra của Chính phủ Mỹ hồi tháng trước phát hiện rằng quân đội Myanmar đã tiến hành một chiến dịch được lên kế hoạch và có sự phối hợp kỹ lưỡng để thảm sát hàng loạt, hãm hiếp tập thể cùng các tội ác khác đối với người Rohingya.
https://www.voatiengviet.com/a/h%E1%BA%A1-vi%E1%BB%87n-canada-t%C6%B0%E1%BB%9Bc-danh-hi%E1%BB%87u-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-danh-d%E1%BB%B1-c%E1%BB%A7a-b%C3%A0-suu-kyi/4590448.html

Hà Lan bắt 7 nghi can âm mưu khủng bố

Bảy người đàn ông bị bắt tại Hà Lan hôm 27/9 vì bị tình nghi mở một cuộc tấn công cực đoan quy mô lớn mà các công tố viên Hà Lan triệt phá được sau cuộc điều tra kéo dài một tháng.
Văn phòng công tố quốc gia trong một tuyên bố cho hay cảnh sát vũ trang bắt nhóm này tại thị trấn Arnhem, cách Amsterdam khoảng 100 km về phía nam, và tại Weert ở miền nam Hà Lan gần biên giới Đức và Bỉ.
Cuộc điều tra do cơ quan tình báo phát động cho thấy cầm đầu nhóm này là một người đàn ông 34 tuổi gốc Iraq muốn thực hiện một cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt tại một điểm sinh hoạt có đông người tham dự.
Các nghi can định dùng áo vét cài bom và súng trường tại điểm này và có kế hoạch cho nổ một xe bom tại một điểm khác, các công tố viên nói. Một cuộc điều tra về những mục tiêu có thể bị tấn công đang được tiếp tục.
Các công tố viên cho biết các nghi can tuổi từ 21 đến 34. Ba trong số đó, kể cả công dân Iraq 34 tuổi, trước đây đã bị kết án về tội âm mưu ra nước ngoài để tham gia các mạng lưới cực đoan.
Những người này âm mưu mua súng tấn công AK47, súng ngắn, áo vét cài bom, lựu đạn và các chất liệu chế bom và tìm cơ hội để được huấn luyện sử dụng các vũ khí này, theo tuyên bố.
Các công tố viên nói cuộc điều tra được thực hiện nhanh chóng trong tháng này vì các nghi can “tăng tốc chuẩn bị” gây án.
Bộ trưởng Tư pháp và An ninh Ferd Grapperhaus nói với đài phát thanh quốc gia NOS của Hà Lan là cảnh sát hành động kịp thời để ngăn ngừa tấn công.
Ngày 28/9, các nghi can sẽ bị đưa ra trước một thẩm phán điều tra trong một cuộc thẩm vấn kín.
Vụ bắt giữ xảy ra vài tuần sau khi một công dân Afghanistan 19 tuổi sống tại Đức bị cáo buộc đâm hai du khách Mỹ tại nhà ga chính ở Amsterdam. Vụ này, theo các công tố viên mô tả, là một cuộc tấn công với động cơ cực đoan.
Văn phòng điều hợp chống khủng bố của Hà Lan cho biết trên Twitter ngày 27/9 là âm mưu tấn công bất thành trùng khớp với những đe dọa tấn công mới đây tại Hà Lan hiện đang ở mức báo động 4 trên 5. Văn phòng không nâng mức báo động sau vụ bắt giữ này.
Văn phòng nói “mạng lưới thánh chiến đang hoạt động tại Hà Lan cũng nhằm âm mưu tấn công tại châu Âu. Vụ bắt giữ ngày hôm nay phải được xem như nằm trong các âm mưu này.”
https://www.voatiengviet.com/a/h%C3%A0-lan-b%E1%BA%AFt-7-nghi-can-%C3%A2m-m%C6%B0u-kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91-/4590416.html

Đức lên án chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ mậu dịch

Chủ nghĩa dân tộc và thái độ ‘ai thắng lấy hết’ đang làm tổn hại tính kết nối của châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu hôm 27/9, hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ chủ nghĩa toàn cầu và ca ngợi chính sách ‘Nước Mỹ Trước hết’ của ông trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Không đề cập đích danh ông Trump hay đường lối dân tộc chủ nghĩa và và bảo hộ mậu dịch của ông, bà Merkel nói với những người cùng đảng bảo thủ với bà tại một sự kiện ở Quỹ Konrad Adenauer ở Berlin rằng Liên minh châu Âu và Đức đang đối mặt với một thời khắc bước ngoặt.
Ông Trump đã đe dọa rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nếu điều này thành hiện thực, một trong những nền tảng của kinh tế thế giới thời hiện đại mà Washington đóng vai trò sáng lập chủ chốt và là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất, sẽ bị suy yếu.
Ông cũng nghi vấn về giá trị của khối đồng minh NATO vốn là hòn đá tảng trong hợp tác an ninh xuyên Đại Tây Dương trong gần 70 năm qua.
“Có lẽ diễn biến mang tính đe dọa lớn nhất đối với tôi là chủ nghĩa đa phương đang bị sức ép như thế,” bà Merkel nói. “Châu Âu đang bị tấn công từ bên trong lẫn bên ngoài.”
Bà Merkel, vốn trưởng thành dưới chế độ cộng sản ở Đông Đức, nói rằng bà chưa bao giờ nghĩ rằng thế giới một lần nữa lại đối mặt với sự xung đột giữa các trường phái tư tưởng.
“Tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có sự xung đột một lần nữa giữa các hệ thống như chúng ta xung đột với Trung Quốc hiện nay và chắc chắn là cũng xung đột với Hoa Kỳ,” bà Merkel nói.
Bài diễn văn của ông Trump trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25/9 là sự lặp lại các chính sách ‘Nước Mỹ Trước hết’ của ông. Ông đã làm đảo lộn trật tự thế giới với việc rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và thỏa thuận khí hậu Paris và dọa sẽ trừng phạt các nước đồng minh NATO nếu họ không móc hầu bao nhiều hơn cho việc phòng vệ chung của khối.
“Đó là thời điểm để ra quyết định khi mà những điều mặc định là hiển nhiên đòi hỏi phải có lập trường,” bà nói và cho biết kết quả cùng thắng sẽ khó lòng đạt được nếu ai đó tìm cách giải quyết bất đồng theo kiểu chỉ mình tôi được lợi.
“Khi sự nhượng bộ bị xem thường, nền dân chủ gặp họa,” bà Merkel nói và cho biết việc tìm ra điểm cân bằng giữa các lợi ích khác nhau là ‘kỷ luật tối cao của nền dân chủ’.
Đề cập đến việc một số chính trị gia sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều, bà Merkel cảnh báo về việc tạo ra ‘vòng xoáy phẫn nộ’. Bà cho rằng trao đổi về những quan điểm khác biệt là cần thiết cho nền dân chủ.
https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BB%A9c-l%C3%AAn-%C3%A1n-ch%E1%BB%A7-ngh%C4%A9a-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-v%C3%A0-b%E1%BA%A3o-h%E1%BB%99-m%E1%BA%ADu-d%E1%BB%8Bch/4590451.html

Làng trong phố Paris

Thu Hằng
 
Một con đường nhỏ lát đá, gồ ghề và láng bóng, uốn theo hai dãy nhà sơn đủ mầu sắc bên đường. Sắc tím của tử đằng, mầu cam của lan tiêu, điểm thêm vài chùm ti gôn, phủ đầy mặt tiền ngôi nhà, vươn sang cả hàng rào và chiếc cổng sắt chỉ nhỉnh hơn đầu người, mang tính trang trí hơn là chống trộm. Nhìn qua song sắt, người ta có thể nhìn thấy những chậu hoa rực rỡ, thêm chút tiểu cảnh hoặc một góc trồng rau xinh xắn của gia chủ.
Tản bộ theo những con phố nhỏ của làng Charonne, quận 20 Paris, người ta có cảm giác lạc vào vùng Nông thôn ở Paris (La Campagne à Paris), nơi thời gian chầm chậm trôi, bước chân vội vã được thay bằng dáng đi đủng đỉnh của những chú mèo thỉnh thoảng ngoái nhìn “người lạ”, tiếng ồn của xe cộ được thay bằng tiếng xào xạc của lá cây.
Làng công nhân
Hầu hết các “làng” còn lại hiện nay đều nằm ở các quận vành đai do quá trình mở rộng Paris, lấn thêm 11 làng và thị trấn xung quanh vào năm 1860 theo kế hoạch của nam tước Haussmann : Từ 12 quận, Paris chính thức có 20 quận.
Những khu vực mới được sáp nhập chủ yếu hoạt động nông nghiệp, trồng và sản xuất rượu nho hoặc khai thác mỏ. Ví dụ làng Vaugirard, quận 15, cho đến thời Phục Hưng vẫn trồng rau cung cấp cho nội đô và trồng nho. Đến thế kỷ XVIII thì xuất hiện nhà máy hóa chất đầu tiên và từ đó nhiều nhà máy khác xuất hiện dọc sông Seine trong khu vực.
Làng Charonne ở quận 20 từng là khu vực trồng nho và là nơi điền dã của giới quý tộc Paris tìm cảnh sắc nông thôn. Từ giữa những năm 1911 đến 1928, khu Nông thôn ở Paris được xây dựng trong khu vực này, gồm 92 ngôi nhà dành cho công nhân, công chức và nhân viên có thu nhập thấp. Chính vì lòng đất đầy hầm mỏ nên không thể xây những tòa nhà cao tầng, thay vào đó là những ngôi nhà nhỏ xinh, vẫn được gọi là “nhà đá cối” (meulière), theo tên gọi loại đá thường được đẽo thành cối xay và được sử dụng để xây nhà.
Tương tự, làng Butte-aux-Cailles (quận 13), còn nổi tiếng với tên gọi tiểu vùng Alsace (la Petite Alsace), gồm khoảng 40 ngôi nhà, thiết kế theo kiểu kèo gỗ đặc trưng của miền bắc nước Pháp. Từ khu Mouzaïa (quận 19), làng Charonne (quận 20) đến làng Peupliers (quận 13), tất cả có một điểm chung là được xây từ giữa thế kỷ XIX đến những năm 1930 nhằm cải thiện điều kiện sống và vệ sinh của công nhân, chủ yếu làm việc trong các mỏ thạch cao và đá vôi ở trong khu vực thời bấy giờ.
Làng Bercy, ở quận 12 cách đó không xa, với lợi thế nằm ngay cạnh sông Seine, trong suốt nhiều thế kỷ là chợ bán buôn rượu vang và đồ uống có cồn lớn nhất thế giới. Bị bỏ hoang vào cuối những năm 1970, những căn nhà nhỏ nối liền nhau của khu chợ đã được cải tạo thành các cửa tiệm, nhà hàng, bên cạnh là khu công viên Bercy nổi tiếng.
Một phóng sự nhỏ trong chương trình Bonsoir Paris miêu tả “hình ảnh bí ẩn” của quận 19 trong những năm 1960 : Biệt thự Faucheur nằm ở Belleville :
“Phía đầu khu vực Belleville, là con phố nhỏ nhất Paris tên là Allée des Faucheurs. Đây là “bộ mặt bí ẩn” của quận 19. Vì con phố đó mà có rất nhiều người yêu quận 19. Con phố khiến nhiều người gốc nông thôn ở Paris phải mơ mộng và mang người dân thủ đô vào một thế giới khác : nông thôn giữa lòng Paris. Thời gian như biến mất, các con phố được gọi là “đường”. Tên gọi không được đặt theo tên các vị tướng hay chiến tích mà là tên của những danh họa, thi sĩ, nhạc sĩ”.
Làng… của người nổi tiếng
Quận 16 ở phía tây Paris có hai làng Passy và Auteuil. Làng Passy, trước chỉ là những ruộng nho của nhà dòng, trở nên nổi tiếng nhờ giới quý tộc Paris muốn tìm không gian tĩnh lặng mà không cách quá xa trung tâm. Rất nhiều ngôi nhà có vườn riêng được xây từ thế kỷ XVIII dọc những con phố nhỏ được lát đá. Cách đó không xa là làng Auteuil với những khu biệt thự được thiết kế theo phong cách Nghệ thuật mới (Art Nouveau).
Khu biệt thự Montmorency trong làng Auteuil hoàn toàn khép kín là nơi ở của rất nhiều nhân vật nổi tiếng và chủ doanh nghiệp giầu có như Xavier Niels, tổng giám đốc nhà cung cấp mạng viễn thông Free hay Vincent Bolloré, tổng giám đốc tập đoàn cùng tên. Với khoảng 50 biệt thự, trong đó biệt thự nhỏ nhất, rộng chỉ có… 145 m2, khu Montmorency còn có nhiều biệt thự mang phong cách Anglo-Normand và một trang viên duy nhất tại Paris được xây theo phong cách tân gôtic, do kiến trúc sư Danjoy thiết kế.
Ngược lên phía bắc Paris là làng Butte Montmartre ở quận 18, cũng nổi tiếng trồng nho và vườn Belleville (quận 19) có khoảng 170 gốc nho được trồng từ năm 1993 tiếp tục được duy trì đến hiện nay. Trả lời đài truyền hình France 24, bà Pénélope Komitès, trợ lý về không gian xanh của thị chính Paris, cho biết :
“Đây chính là lời giải thích : Nho có thể mọc ở Paris, người ta có thể sản xuất rượu vang tại Paris. Nho mọc như thế nào ? Thu hoạch nho ra sao ? Lúc nào cũng có nhiều người tham gia thu hoạch. Người dân Paris rất quan tâm. Đây là cách công dân tham gia mà chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển theo quy mô tăng dần của các khu trồng nho tại các vườn ở Paris”.
Villa Léandre, cách biệt với khu du lịch ồn ào nhà thờ Montmartre, vài ruộng nho và cối xay gió là những dấu tích còn đọng lại của làng Montmartre. Vào đầu thế kỷ XX, đây là nơi dừng chân sáng tác của nhiều họa sĩ chưa thành danh như Renoir, Modigliani, Picasso, Dufy, Satie, Ernst, Valadon, Utrillo… Khác với vẻ bình yên trong làng, phía dưới chân đồi Montmartre là không khí hội hè với những tiệm rượu và cabaret, trong đó nổi tiếng nhất là quán Lapin Agile.
Làng giữa lòng Paris
Đảo Saint-Louis (quận 4) và khu Le Marais (quận 3) nằm giữa lòng Paris vẫn còn lưu lại được nhiều nét của một ngôi làng cổ. Những ngôi nhà ở Paris biến mất theo thiết kế quy hoạch đô thị của bá tước Haussman vào năm 1860, vừa nhằm phục vụ nhu cầu nhà ở, vừa để giải quyết tình trạng mất vệ sinh công cộng và thay đổi bộ mặt thủ đô.
Hình ảnh đại công trường Paris trước và trong quá trình thực hiện kế hoạch của nam tước Haussmann đã được nhiếp ảnh gia Charles Marville thời Napoléon III ghi lại trong vòng 5-6 năm thông qua 40 tấm ảnh được triển lãm năm 2009. Sử gia Patrice de Moncan giải thích với AFP :
“Họ đã phá 20.000 tòa nhà tồi tàn và xây mới 30.000. Họ đã mở 300 km đường phố, đào 600 km cống ngầm. Một công trình khổng lồ và chỉ được làm từ xẻng, cuốc… mà chẳng có công cụ nào khác hơn”.
Theo thống kê của Insee, được Le Figaro (04/09/2017) trích lại, Paris có 13.094 ngôi nhà. Những ngôi nhà trung cổ gần như không còn gì, chỉ còn lại một vài biệt thự tư nhân (hôtel particulier) được biến thành bảo tàng (bảo tàng Carnavalet) và một vài ngôi nhà kèo gỗ có đầu hồi hướng ra phố, bị cấm xây dựng ngay từ năm 1667 sau vụ cháy thảm khốc nhiều ngôi nhà như vậy ở Luân Đôn.
Những ngôi nhà mang giá trị đặc biệt được bảo vệ nhờ luật Malraux được thông qua năm 1962. Tuy nhiên, theo giới sử gia, cần phải có thêm những giải pháp hợp thời hơn trong bối cảnh Paris không ngừng mở rộng vì “đó là những thời điểm lịch sử mang cùng giá trị như các viện bảo tàng”.
http://vi.rfi.fr/phap/20180928-lang-trong-pho-paris

Trung Quốc – Hoa Kỳ :

Một cuộc chiến công nghệ gay gắt

Minh Anh
Phải chăng cuộc chiến thương mại mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đối đầu với các biện pháp áp thuế lẫn nhau chỉ là bề nổi ? Ẩn sau cuộc chiến này là một cuộc tấn công khác, hệ quả còn nặng nề hơn đang lặng lẽ diễn ra từ nhiều tháng qua.
Đó chính là « Tech war », một cuộc chiến công nghệ có khả năng làm đảo lộn địa chính trị thế giới cũng như bản chất sâu đậm của xã hội ngày mai. Về chủ đề này báo Le Figaro số ra ngày 24/09/2018 có bài viết đề tựa « Trung Quốc và Hoa Kỳ, một cuộc chiến công nghệ không chút nương tay ». RFI Tiếng Việt lược dịch.
Trung Quốc và Hoa Kỳ : Những thủ lĩnh công nghệ
Đó sẽ là một cuộc đối đầu dữ dội giữa hai cường quốc duy nhất có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ. Và các hãng công nghệ lớn là những con át chủ bài hàng đầu. Nếu so về tương quan lực lượng, Hoa Kỳ và Trung Quốc, « kẻ tám lạng người nửa cân ».
Bảng báo cáo Mary Meeker Internet Trends 2018 cho thấy trong số 20 doanh nghiệp Web có giá trị hàng đầu, có 11 hãng là của Mỹ và 9 hãng Trung Quốc. Châu Âu hầu như vắng mặt mặc dù khu vực này cũng có nhiều doanh nghiệp hiện diện trên sàn chứng khoán.
Bên cạnh các hãng lớn, những doanh nghiệp khởi nghiệp không niêm yết giá chứng khoán và có giá trị hơn một tỷ đô la cũng là những cánh tay đắc lực khác cho hai cường quốc công nghệ này. Trong số 260 doanh nghiệp loại này, gần phân nửa (125) là của Mỹ, 77 của Trung Quốc, còn châu Âu chỉ có khoảng 30.
Kết quả có được không phải ngẫu nhiên. Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng đầu của mình, nhất là trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo Artificial Intelligence – AI. Mức đầu tư cho AI của đôi bên xấp xỉ tương đương trong khoảng 165-170 tỷ đô la, kể cả trong khối tư nhân.
Theo Le Figaro, sở dĩ ngần ấy phương tiện được đầu tư vào lĩnh vực này là vì cả hai cường quốc đều xem AI như là một công cụ mới cho sức mạnh quân sự và chính trị. Ngay từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ đã hiểu được tầm quan trọng của AI, một công cụ gần như bí hiểm nhằm gia tăng ưu thế quân sự của Mỹ trên thế giới.
Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng hiểu được giá trị của công nghệ này trong xã hội loài người tương lai : Từ công tác tổ chức hành chính cho đến chẩn đoán bệnh tật, nhất là trong việc dự đoán kinh tế. Tóm lại, công nghệ AI có vai trò như là phương tiện gây ảnh hưởng, một công cụ của quyền lực mềm.
Về phần mình, Bắc Kinh tin rằng trí thông minh nhân tạo sẽ giúp cải thiện khả năng ra quyết định và hành động khi có chiến tranh. Trong sản xuất, máy móc tự chủ có thể thay thế con người thực hiện nhiều nhiệm vụ với hiệu quả cao và nhanh hơn. Đặc biệt là trong chính trị, AI bảo đảm sự trường tồn của mô hình siêu tập trung quyền lực, độc quyền lãnh đạo. Đó sẽ là một công cụ hữu ích giúp kiểm soát người dân và dự đoán các hiệu quả về chính sách của nhà nước.
Hơn nữa, trí thông minh nhân tạo được cho là có khả năng khôi phục tầm vĩ đại xưa kia cho đế chế Trung Hoa để có thể đi từ « Made in China » (Sản xuất tại Trung Quốc) sang « Created in China » (Sáng chế ở Trung Quốc).
« Tám chiến binh gác cổng »
Thách thức liên quan đến trí thông minh nhân tạo lớn đến mức mọi thủ đoạn đều được cho phép. Chính quyền Bắc Kinh áp dụng đủ mọi phương cách : Len lỏi tham gia vào các doanh nghiệp chiến lược, ồ ạt gởi sinh viên ra nước ngoài, hạn chế cổng vào thị trường của mình và thậm chí cả dọ thám.
Đầu tư gián tiếp của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ Mỹ cũng khá lớn. Số liệu của CB Insight cho thấy trong giai đoạn 2015-2017, đầu tư của Bắc Kinh tại Mỹ có lẽ đã lên đến 24 tỷ đô la.
Một công cụ khác không thể thiếu trong hành trình thâu tóm công nghệ : Giáo dục. Bộ Quốc Phòng Mỹ ước tính ¼ số sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học và công nghệ là người Trung Quốc.
Tệ hơn, một báo cáo của ủy ban tình báo Thượng Viện Mỹ năm 2013 khẳng định Trung Quốc là thủ phạm của 96% các vụ gián điệp mạng. Một điều tra khác của tờ Politico hồi tháng 3/2018 tiết lộ sự hiện diện đông đảo của nhiều điệp viên và người cung cấp thông tin Trung Quốc tại thung lũng Silicon Valley.
Trong khi mà trên lãnh thổ của mình, Trung Quốc áp đặt các doanh nghiệp nước ngoài làm việc với các hãng trong nước phải lưu trữ dữ liệu tại chỗ và nhượng quyền bằng sáng chế công nghệ, … bằng không những doanh nghiệp đó bị cấm cửa thâm nhập nền thị trường lớn thứ hai trên thế giới. Song song đó, chính quyền Bắc Kinh còn nghiêm cấm các công sở sử dụng một số sản phẩm của Microsoft, Apple và Intel !
Từ lâu vẫn kín tiếng, nay Hoa Kỳ bắt đầu gia tăng hành động đáp trả. Washington nắm trong tay nhiều lá chủ bài. Được mệnh danh là « tám chiến binh gác cổng », Apple, Cisco, Google, IBM, Intel, Microsoft, Oracle và Qualcomm bị truyền thông Trung Quốc tố cáo là « đã thâm nhập quá sâu trong cơ sở hạ tầng tin học của Trung Quốc ».
Hoa Kỳ còn đi xa hơn khi cấm bán các linh kiện điện tử cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE và cản trở các tập đoàn Trung Quốc thực hiện một số thương vụ mua lại các doanh nghiệp nhà nước (MoneyGram, Qualcomm).
Các quyết định áp thuế của tổng thống Mỹ cho thấy quyết tâm của ông xoay lưng lại với một trào lưu hướng đến mở cửa thị trường từ nhiều thập niên qua để rồi dựng lên các hàng rào bao quanh một pháo đài Mỹ. Thậm chí chấp nhận tự cô lập mình với các đồng minh.
Thắng lợi của AlphaGo năm 2016 : Một cú sốc mạnh thực sự tại Trung Quốc
Câu hỏi đặt ra, từ lúc nào trí thông minh nhân tạo trở thành vấn đề mấu chốt tại Trung Quốc ? Trả lời báo Le Figaro, ông Charles Thibout, nhà nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), chuyên gia về các thách thức địa chính trị của các nền công nghệ đang trỗi dậy trong đó có trí thông minh nhân tạo, cho rằng sự ganh đua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể dẫn đến một sự đối đầu giữa Trung Quốc và tập đoàn khổng lồ có thế lực như Nhà nước, GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft).
« Khi AlphaGo, chương trình tin học do công ty Google DeepMind phát triển, đánh bại nhà vô định cờ vây Hàn Quốc Lee Sedol vào tháng 03/2016, điều này tạo ra một cú sốc mạnh thực sự tại Trung Quốc, nơi mà cờ vây có âm hưởng văn hóa rất lớn. Cho đến lúc đó, các quan chức Trung Quốc đã quan tâm đến trí thông minh nhân tạo. Thế nhưng thắng lợi này của một tập đoàn Hoa Kỳ đã thúc đẩy nhanh chương trình về trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc, vì lo sợ bị tụt hậu về công nghệ. Thậm chí người ta coi đó như « thời điểm Spoutnik » tức là khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Spoutnik. »
Tại sao một công nghệ như trí thông minh nhân tạo lại hội tụ các căng thẳng chính trị với Hoa Kỳ ?
« Đối với nước Trung Quốc đương đại, trí thông minh nhân tạo là phương tiện trả lại cho chế độ vị thế được coi như là đương nhiên trên bàn cờ quốc tế. Đáp lại sự huyễn hoặc của Trung Quốc là « tư duy chuyên gia » Mỹ, như cách gọi của nhà phân tích chính trị Stanley Hoffmann, theo đó mọi vấn đề chính trị, hiểu theo nghĩa rộng của từ này, có thể được giải quyết thông qua kỹ thuật.
Hai siêu cường đều có những suy nghĩ huyễn hoặc về trí thông minh nhân tạo và mỗi bên đều chạy đua để có thể vượt lên trên những tiến bộ mà bên kia đạt được. Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc về trí thông minh nhân tạo, giống như trước kia Mỹ đối đầu với Liên Xô trong lĩnh vực chinh phục không gian. Do vậy, trí thông minh tạo là một vấn đề chính trị. »
Trong cuộc đối đầu này, bên nào giành thắng lợi ?
« Trung Quốc có một nền kinh tế được chỉ đạo và đó là một lợi thế để điều phối việc thực hiện một chiến lược quốc gia. Thế nhưng, Trung Quốc cũng cần đến những nhân tài Mỹ để phát triển các ngành công nghệ riêng của họ. Còn Hoa Kỳ thì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và các đầu tư Trung Quốc. Ngoài ra, chính sách kinh tế của Mỹ chỉ có vai trò khuyến khích. Mỹ mong muốn là các doanh nghiệp mũi nhọn trong lĩnh vực phát minh có thể trang bị cho quân đội các khả năng công nghệ thông qua các thị trường.
Thế nhưng hiện nay, các nhân viên của tập đoàn Google chống lại các dự án quân sự Mỹ, buộc tập đoàn này phải hủy các hợp đồng ký với quân đội. Do có khả năng chống lại Nhà nước, các tập đoàn công nghệ như Google có một vai trò ngoại giao thực sự. Đầu tư tư nhân trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo cao hơn rất nhiều so với đầu tư của các quốc gia và các doanh nghiệp có thế lực như những Nhà nước này sẽ có một tầm quan trọng chủ chốt khi đối mặt với Trung Quốc.»
Tiếc rằng trong cuộc đọ sức này, châu Âu bị đứng ngoài cuộc, đóng vai khán giả. Châu Âu bất lực nhìn dòng chất xám chảy qua nước Mỹ và chỉ biết nhìn việc chuyển giao công nghệ dồn sang Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180928-trung-quoc-%E2%80%93-hoa-ky-mot-cuoc-chien-cong-nghe-gay-gat-0

Đề phòng TQ tấn công bất ngờ, Đài Loan

quyết chi tiền tỷ xây 2 căn cứ quân sự mới

Căn cứ quân sự mới của Đài Loan theo dự kiến sẽ trở thành địa điểm huấn luyện của các loại máy bay trực thăng tấn công như Apache hay Super Cobra.
29 trực thăng tấn công Apache AH-64E do Mỹ sản xuất đã được quân đội Đài Loan đưa vào biên chế hồi tháng 7/2017. Ảnh minh họa
Sáng 26/9, tại buổi họp báo của Văn phòng sự vụ Đài Loan, Quốc vụ viện Trung Quốc người phát ngôn An Phong Sơn đã trả lời những thắc mắc của phóng viên về vấn đề eo biển hai bờ Đài Loan trong thời gian gần đây.
Trả lời câu hỏi: “Bắc Kinh nhận định ra sao khi có thông tin Đài Loan đã quyết định đầu tư 1,66 tỷ Đài tệ để xây dựng các căn cứ quân sự mới tại Đài Trung và Đài Đông nhằm ngăn chặn Đại lục tấn công bất ngờ”, ông này khẳng định:
“Sự phát triển hòa bình trong quan hệ hai bờ eo biển chính là đảm bảo cơ bản để duy trì hòa bình ổn định giữa hai bờ. Đây là đạo lý mà mọi người đều hiểu rõ. Bất kỳ hình thức đối đầu vũ trang nào đều không thể thực hiện được”.
Trước đó, truyền thông Đài Loan ngày 24/9 đưa tin, nhằm để ngăn chặn khả năng Đại lục tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ, quân đội đảo này sẽ đầu tư 1,66 tỷ Đài tệ để xây dựng các căn cứ mới ở Đài Trung và Đài Đông.
Theo dự kiến, căn cứ Phong Niên ở Đài Đông sẽ được rót 930 triệu Đài tệ để trở thành sân bay huấn luyện cho các loại hình máy bay trực thăng thuộc lực lượng Lục quân, trong khi khu căn cứ Thanh Tuyền Cương ở Đài Trung sẽ tốn khoảng 730 triệu Đài tệ, cả hai căn cứ dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2023.
Quan chức Đài Loan cho biết, sau khi căn cứ Phong Niên hoàn thiện, các loại máy bay trực thăng tấn công như Apache hay Super Cobra sẽ có cơ hội để tham gia các bài huấn luyện: đối phó tấn công bất ngờ, sơ tán khẩn cấp và duy trì sức mạnh chiến đấu.
Ngoài ra, những căn cứ này có thể được sử dụng như những trung tâm chỉ huy hỗ trợ cứu hộ cứu nạn.
http://biendong.net/doc-bao-viet/23873-de-phong-tq-tan-cong-bat-ngo-dai-loan-quyet-chi-tien-ty-xay-2-can-cu-quan-su-moi.html

Thái Lan có tân chỉ huy quân đội,

chuẩn bị cho chính phủ dân sự trở lại

Tân chỉ huy quân đội Thái Lan vừa lên nhận chức vụ hôm 28/9. Vị tướng trung thành với hoàng gia này sẽ chỉ huy cuộc thu quân về doanh trại để khôi phục lại chính phủ dân sự cho Thái Lan sau gần 5 năm quân đội đã cai trị đất nước này, theo Reuters.
Tướng Apirat Kongsompong, 58 tuổi, thuộc đơn vị cận vệ Hoàng gia Sư đoàn 1 bộ binh của Quân khu 1, đơn vị đóng ngay trung tâm căn cứ quân sự của hoàng gia.
Mối quan hệ giữa nền quân chủ, quân đội và các chính trị gia là yếu tố cơ bản quyết định sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này.
Tướng Apirat là con trai của Tướng Sunthorn Kongsompong, người đã dẫn đầu cuộc đảo chính năm 1991 dẫn đến phong trào phản kháng của tầng lớp trung lưu đang ngày càng tăng, đưa đến kết quả là quân đội thôi cầm quyền từ năm 1992, và kéo dài 22 năm, cho đến cuộc đảo chính quân sự gần đây nhất vào năm 2014.
Truyền thông của Bangkok miêu tả ông Apirat là một “phó tư lệnh đáng tín” của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, và là một chỉ huy quân sự muốn tách biệt với chính trị.
“Tôi sẽ làm hết sức mình cho đất nước và người dân”, Reuters dẫn lời ông Apirat nói trong một bài phát biểu trước khi lên nhậm chức.
Thủ tướng Prayuth cam kết sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 theo hiến pháp mới, mà các nhà phê bình dân sự nói là nhằm hạn chế vai trò của các đảng phái chính trị trong khi giữ ảnh hưởng của quân đội.
Ông Prayuth từ chối xác nhận kế hoạch của mình giữa bối cảnh những đồn đoán lan truyền trên truyền thông cho rằng ông sẽ tìm cách nắm giữ quyền lực trong tư cách là một thủ tướng không được bầu. Ông Prayuth từng tỏ ý rằng ông có thể sẽ đảm nhận một vai trò công chức sau cuộc bầu cử.
Theo Reuters, cuộc bầu cử sẽ là một thử nghiệm sát sao về sự nổi tiếng của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Nhà cựu tài phiệt này đã giành được sự ủng hộ rộng rãi ở nông thôn vì những chính sách ủng hộ người nghèo, nhưng lại là thù địch của giới cầm quyền có liên hệ với quân đội ở Bangkok. Điều này làm giảm đi khả năng thắng lợi của ông trong cuộc bầu cử thiếu minh bạch.
Quốc vương Maha Vajiralongkorn, người lên ngôi năm 2016 sau khi vua cha Bhumibol Adulyadej băng hà, có vẻ như có một mối quan hệ suôn sẻ với các tướng lĩnh điều hành đất nước.
Việc bổ nhiệm ông Apirat cho thấy sự củng cố cho mối quan hệ đó, ông Paul Chambers, một giảng viên tại Đại học Naresuan và là chuyên gia về quân đội Thái Lan nói.
“Nhiều khả năng quân đội sẽ gần gũi với chế độ quân chủ hơn”, ông Chambers nói với Reuters.
https://www.voatiengviet.com/a/thai-lan-co-tan-chi-huy-quan-doi-chuan-bi-cho-chinh-phu-dan-su-tro-lai/4591307.html

Máy bay của Air Niugini đâm xuống biển

 ở Micronesia, không ai chết

Nhiều thuyền nhỏ hôm 28/9 đã cứu toàn bộ 47 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay của hãng Air Niugini bị rơi xuống biển vì không tới được đường băng của sân bay ở quốc gia Micronesia nhỏ bé ở Nam Thái Bình Dương, giám đốc sân bay cho biết.
“Lẽ ra máy bay sẽ hạ cánh, nhưng thay vì hạ cánh, máy bay bị hụt gần 150 mét và đã rơi”, ông Jimmy Emilio, tổng giám đốc sân bay Chuuk tại Weno ở Micronesia, nói với Reuters qua điện thoại.
“Chúng tôi không biết chuyện gì đã thực sự xảy ra … hành khách đã được người đi thuyền cứu – 36 hành khách và 11 người của phi hành đoàn đã được cứu, chỉ có máy bay hiện đang bị chìm”, ông nói.
Chiếc máy bay Boeing 737-800 đã đâm xuống khu đầm bao quanh hòn đảo nhỏ vào khoảng 9h30 sáng, giờ địa phương (23:30 giờ GMT, ngày 27/9), ông Emilio nói.
Các hành khách và phi hành đoàn đã được đưa đến bệnh viện, 8 người vẫn còn ở lại đó, 4 người trong tình trạng nguy kịch vì bị gãy xương và các chấn thương khác, theo một phát ngôn viên của bệnh viện.
Trong một tuyên bố, hãng Air Niugini nói rằng “thời tiết rất xấu với mưa lớn và tầm nhìn giảm tại thời điểm xảy ra sự cố”.
Một phát ngôn viên của Ủy ban Điều tra Tai nạn Papua New Guinea cho biết các nhà điều tra sẽ bay đến hiện trường sớm nhất có thể được để ghép nối lại về vụ việc.
Vào năm 2013, máy bay chở 101 hành khách trên chuyến bay của Lion Air đã chạy quá đường băng tại Denpasar ở Indonesia và rơi xuống vùng nước nông. Toàn bộ hành khách cũng được giải cứu tương tự bằng thuyền và không ai bị thương vong.
https://www.voatiengviet.com/a/may-bay-cua-air-niugini-dam-xuong-bien-o-micronesia-khong-ai-chet/4591153.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?