Đọc báo Pháp – 27/09/2019

Đọc báo Pháp – 27/09/2019

Pháp : Vĩnh biệt mãnh sư Jacques Chirac

Cựu tổng thống Jacques Chirac vừa từ trần, thọ 86 tuổi. Tiễn đưa nhà chính trị, nhà lãnh đạo mà cuộc đời gắn liền với vận nước nổi trôi, báo chí Pháp hôm nay (27/09/2019) dành những lời trân trọng nhất, nhưng cũng không thiếu các phê phán khi nhắc lại công lao và thất bại trong 50 năm sự nghiệp của ông.
Về hồ sơ quốc tế, tai tiếng « Ukraina » đe dọa tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc khủng hoảng Hồng Kông làm chủ tịch Trung Quốc mất mặt là hai chủ đề chính.
Một trang sử Pháp
Hầu hết các tờ báo Pháp đều đưa chân dung cố tổng thống Jacques Chirac từ trần hôm 26/09/2019 lên trang nhất với tựa báo tang giản dị. Dưới di ảnh trắng đen của cố tổng thống Pháp nét mặt đăm chiêu, Le Figaro ghi hàng chữ nhỏ : « Vĩnh biệt Jacques Chirac ». Libération thân mật « Thiếu Chichi  ». Les Echos « Một đời chính trị ».
Toàn dân xúc động, một sư tử chính trị qua đời, cả một đoạn đời của tôi ra đi, Chirac là hiện thân của một nước Pháp thủy chung với giá trị phổ quát và vai trò lịch sử, Châu Âu chào từ biệt một nhà lãnh đạo đất nước và một người bạn.
Trên đây là những tựa chính của Le Figaro trích lời chia buồn của giới chính trị gia Pháp, của châu Âu, từ các cựu thủ tướng  François Fillon, Alain Jupé, cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, thủ tướng Đức Angela Merkel cho đến một số cây bút chính luận.
Tổng thống Emmanuel Macron, người mà nhật báo thiên hữu cho là « kế thừa » tổng thống Chirac, trong thông điệp báo tang đêm hôm qua kêu gọi toàn dân « ghi ơn » nhà lãnh đạo đã « đoàn kết » dân tộc lại với nhau.
Trong bài bình luận « người hiện thân của nước Pháp nhiều mặt », tác giả giải thích vì sao mà khi được bổ nhiệm làm thứ trưởng bộ Lao Động năm 1967 cho đến khi hết nhiệm kỳ tổng thống 2017, Jacques Chirac được tất cả dân Pháp, có thế lực hay vô danh, yêu mến.
Bởi vì con người ông cũng đa diện : vừa là chính trị gia địa phương gắn bó với miền quê Corrèze, vừa có hoài bão quốc tế. Ai là người vừa yêu quê hương vừa gắn bó với địa cầu.  Vừa từ chối tham gia chiến tranh Irak lần thứ hai vì không có đèn xanh của Liên Hiệp Quốc vừa báo động « ngôi nhà chúng ta đang cháy »? Ai từng bị cáo buộc là « phát-xít » nhưng trở thành một nhà chính trị nhân ái ?
Một người Pháp thuần túy
Bên cạnh những lời khen tặng, thương tiếc từ các cựu cộng sự cho đến giới chính trị tả hữu, các bài xã luận của báo chí tỏ ra rất công bình trong phần khen tặng và phê phán.
Nhật báo thiên tả Libération dành gần 20 trang để thuật lại con đường sự nghiệp, những tấm ảnh lúc thăng trầm, những giây phút hạnh phúc gia đình, sảng khoái bên ly bia trong ngày hội chợ nông nghiệp hàng năm, hay khi đến phi trường đón tiếp một đoàn thuyền nhân Việt Nam từ Malaysia mới sang vào năm 1979, trong đó có một cô gái tên Anh Đào mà vợ chồng tổng thống Chirac nhận làm con nuôi.
Libération không quên hình ảnh một Jacques Chirac được dân Ả Rập mến mộ. Từ Palestine cho đến Irak, Liban… Chirac là người hùng chống lại chiến tranh Irak lần thứ hai. Đối với châu Á, Chirac là  một « chuyên gia văn hóa lịch sử » Trung Hoa, Nhật Bản, một người đam mê môn đô vật Sumo của xứ Hoa Anh Đào.
Trên Le Figaro, bài xã luận « một định mệnh của nước Pháp » cũng đồng điệu : dứt khoát nói « Không » với cuộc chiến Irak là « chiến tích » lớn nhất của Jacques Chirac, nhưng ông cũng có một số yếu đuối đó là quá thận trọng không dám thực hiện một số lời hứa. Người dân Pháp không ngừng mến yêu Jacques Chirac, bởi vì dù tài giỏi hay yếu kém,ông luôn là một người Pháp thuần túy.
Yêu nước là yêu dân
Cùng quan điểm, nhật báo Công giáo La Croix, trong bài xã luận « Con đường sự nghiệp » phát họa lại những thăng trầm đầy ưu và khuyết điểm của một con người. Jacques Chirac không phải là siêu nhân, nhưng công lao của ông làm hậu thế  phải ghi ơn.
Một cách chi tiết, bài xã luận « sự nghiệp lâu dài » của La Croix mở đầu :  Trong những năm tuổi trẻ, Jacques Chirac gây nhiều lo ngại. Một số người còn xem ông ấy là một tay « phát-xít ».
Nhưng hôm nay, ông ra đi, để lại cho chúng ta hình ảnh một người cha của dân tộc. Niềm xúc động chân thành trước một nhân vật từng chia sẻ với chúng ta gần nửa thể kỷ vui buồn của đất nước, mà một nhà bình luận gọi là « hoàng đế si tình thần dân » và thần dân đã đáp lại tương xứng.
Nhưng ông cũng có lắm tiêu cực . Ông phản bội Giscard rồi sau đó ông bị Balladur phản bội. Ông bị tai tiếng là « ông vua lười », một lời cáo buộc oan ức. Trong giây phút chia lìa này, người ta chỉ nhớ đến công lao của ông : đồng minh của Mỹ nhưng không theo Washington đánh Irak, lãnh đạo phe hữu nhưng luôn luôn là thành trì, cột trụ chống cực hữu.
Chirac còn là một người đánh thức lương tâm con người trong lãnh vực môi trường với lời tuyên bố : « ngôi nhà chúng ta đang cháy mà chúng ta làm ngơ ». Ông còn là vị tổng thống thực hiện ba đại công trình « an toàn giao thông, trợ giúp người khuyết tật có chỗ đứng trong xã hội và bài trừ bệnh ung thư ». Những thành quả mang lại làm chúng ta phải nhớ ơn ông.

Hồng Kông : Tập Cận Bình mất mặt

Ở trang Thế giới, La Croix tập trung vào tình hình Hồng Kông. Cuộc khủng hoảng tại bán đảo có tên là Hương Cảng đã kéo dài 110 ngày. Những ngày sắp tới, từ nay cho đến 01 tháng 10, là thời gian đầy nguy hiểm.
Theo đặc phái viên của nhật báo Công giáo, tình hình khủng hoảng tại Hồng Kông đã làm cho hình ảnh của chủ tịch Trung Quốc trên trường quốc tế xấu đi. Đối phó bằng chiến thuật để cho phong trào phản kháng tự chết dần không hiệu quả càng, làm cho Tập Cận Bình bị chỉ trích ngay trong nội bộ đảng Cộng sản.
Các biện pháp trấn áp cũng không làm phong trào tranh đấu giảm đi. Chiến thuật « đối thoại » của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga với 150 người rút thăm đại diện đối lập chiều 26/09 chắc chắn không làm thay đổi tình thế. Ngày 01/10, đánh đấu 70 năm đảng Cộng sản chiến thắng tại Hoa lục, đến gần, mà lòng căm phẫn của Hồng Kông không tan. Tập Cận Bình đang bị mất mặt trong cách xử lý khủng hoảng Hồng Kông.
Guồng máy vận động ngoại giao của Bắc Kinh chạy hết tốc lực và rất căng thẳng, nhưng không còn ai bị Trung Quốc đánh lừa. Chuyên gia Jean – Pierre Cabestan, giáo sư Đại học Hồng Kông, cho rằng : Bắc Kinh cố chấn chỉnh hình ảnh, nhưng  Trung Quốc đã bị nhơ danh từ nhiều tháng nay. Trước đó là chuyện xây trại cải tạo khổng lồ nhốt 1 triệu người Hồi giáo ở Tân Cương. Người ta linh cảm chế độ Trung Quốc bắt đầu biết lo ngại trước áp lực của công luận quốc tế.
Thái độ hoảng hốt của Bắc Kinh thể hiện mối bất đồng trong nội bộ đảng Cộng sản. Khủng hoảng Hồng Kông châm thêm dầu vào ngọn lửa bất bình Tập Cận Bình từ khi ông sửa Hiến pháp để cầm quyền mãn đời.

Tai tiếng « Ukraina » : Donald Trump yếu thế

Le Monde, phát hành sớm nên không kịp đưa tin cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac qua đời. Trái lại, tình trạng lúng túng của tổng thống Mỹ Donald Trump là chủ đề số một.
Nhật báo độc lập lưu ý đến hai chi tiết cho phép suy đoán tổng thống Donald Trump mất thế chủ động. Đúng là phe Cộng hòa vẫn kiểm soát Thượng viện, tiến trình truất phế trong điều kiện này sẽ không thể đi đến nơi đến chốn, nhưng chủ nhân Nhà Trắng tự vệ một cách bối rối.
Thứ hai là, Rudy Giuliani, luật sư của tổng thống, đã nhúng tay vào nhiều vụ tai tiếng quốc sự. Chính vị luật sư này đã nhìn nhận trên đài CNN là ông đã qua Kiev yêu cầu chính quyền Ukaina điều tra về Joe Biden. Sự kiện nội dung cuộc điện đàm với tổng thống Zelensky được công bố làm cho thủ tục truất phế được củng cố thêm.

Tin đọc nhanh

(Reuters) – Việt Nam ban hành quy định mới chống chạy chức, chạy quyền.
Quy định mới đề ngày 23/09/2019 của bộ Chính trị và được thông tấn xã Việt Nam đưa tin ngày 26/09, áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý cán bộ. Mọi cá nhân vi phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, thậm chí bị khai trừ đảng và tước mọi chức vụ nếu vụ việc nghiêm trọng. Theo Reuters, từ khi được bầu lại làm tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng gia tăng nghiêm trị nạn tham nhũng, sau hàng loạt vụ các bộ trưởng của chính phủ trước bị truy tố vì biển thủ công quỹ, sai sót trong quản lý kinh tế.
(AFP) – Nga bắt giữ hơn 260 ngư dân Bắc Triều Tiên.
Chính quyền Nga ngày 27/09/2019 giải thích toán ngư dân Bắc Triều Tiên này đánh bắt trái phép trong các vùng biển của Nga. Cách nay một chục ngày, tuần duyên Nga cũng đã bắt giữ 160 ngư dân Bắc Triều Tiên. Ba nhân viên tuần duyên Nga bị thương trong cuộc rượt đuổi các tàu cá của Bắc Triều Tiên. Matxcơva chính thức yêu cầu Bình Nhưỡng đưa ra những giải pháp cụ thể, tránh để tiếp diễn các sự cố như trên.
(AFP) – Pháp thông qua dự luật sinh sản nhờ hỗ trợ y tế (PMA).
Dự luật được Quốc Hội Pháp thông qua ngày 27/09/2019. Cho tới nay, PMA chỉ dành cho các cặp khác giới. Luật mới mở rộng phạm vi mang thai nhờ hỗ trợ y tế cho mọi phụ nữ, trong đó có các cặp đồng tính nữ hoặc phụ nữ độc thân. Dự luật này gây rất nhiều tranh cãi tại Pháp trong thời gian qua. Tại Liên Hiệp Châu Âu, biện pháp này hiện chỉ được áp dụng tại 10/28 nước : Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, Anh, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan. Bảy nước khác chỉ áp dụng phương pháp này với phụ nữ độc thân, chứ chưa áp dụng cho cặp đồng tính nữ : Estonia, Latvia, Hungari, Croatia, Bulgari, Hy Lạp, Chypre. Ngược lại, Áo và Malta chỉ cho áp dụng PMA với các cặp đồng tính nữ.
(AFP) – Pháp : Cháy nổ nghiêm trọng tại Rouen gây lo ngại về môi trường.
Hỏa hoạn xảy ra trong đêm hôm 25 rạng sáng ngày 26/09/2019 tại nhà máy hóa chất Lubrizol, tạo ra cột khói lan xa hơn 22 km. Hơn 200 lính cứu hỏa đã được điều tới dập lửa. Rất may là không ai thiệt mạng hay bị thương.
(AFP) – Đọ sức giữa thủ tướng Anh với Nghị Viện chưa tới hồi kết.
Hôm 26/09/2019, đề xuất của thủ tướng Boris Johnson cho Nghị Viện tạm ngưng hoạt động vào tuần tới đã bị bác với 306 phiếu chống, 289 phiếu thuận. Thủ tướng Johnson muốn Nghị Viện ngưng hoạt động trong ba ngày vào tuần sau, để cho phép các nghị sĩ tham dự đại hội đảng. Thông thường vào lúc hai đảng lớn tại Anh họp đại hội vào tháng 9 và tháng 10, Nghị Viện Anh tạm ngưng hoạt động, nhưng lần này, các nghị sĩ lo ngại thủ tướng Anh tìm kế vô hiệu hóa lập pháp để thực hiện kế hoạch Brexit bằng mọi giá trước thời hạn 31/10/2019. Trên nguyên tắc, đó là ngày mà Anh Quốc phải rời Liên Hiệp Châu Âu.
(AFP) – Ả Rập Xê Út lần đầu tiên cấp visa du lịch.
Quyết định được chính quyền Ả Rập Xê Út thông báo hôm nay 27/09/2019. Ả Rập Xê Út muốn mở cửa đón khách du lịch để đa dạng hóa nguồn thu, trong bối cảnh đất nước này hiện vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào dầu khí. Cho tới nay, mới chỉ có những người đi hành hương, một số ít khán giả các trận thi đấu thể thao hoặc tham gia các sự kiện văn hóa mới được cấp visa vào nước này.
(AFP) – Các nhà lãnh đạo Iran và thân nhân bị cấm đến Mỹ.
Ngày 26/09/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh như trên. Trong một thông cáo, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định các lãnh đạo Iran và gia đình họ đã lợi dụng, trong rất nhiều năm, nền tự do và sự thịnh vượng của Hoa Kỳ để hưởng lợi, nhất là về giáo dục, giải trí và văn hóa. Washington cho rằng giới tinh hoa Iran không thể tận dụng những điều tốt đẹp của một xã hội tự do, trong khi người dân nước này phải chịu đựng nạn tham nhũng và sự quản lý yếu kém của chính quyền.
(AFP) – Syria : Mỹ tố cáo chế độ Damas tiến hành một vụ tấn công hóa học mới. 
Theo ngoại trưởng Mỹ ngày 27/09/2019, vụ việc xẩy ra ngày 19/05 tại tỉnh Idleb, thành trì cuối cùng của phe thánh chiến tại miền tây bắc Syria. Phát biểu bên lề khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ông Mike Pompeo khẳng định rằng Washington sẽ có biện pháp đáp trả, nhưng không đi vào chi tiết.
(Bloomberg) – Ngoại trưởng nhóm Bộ Tứ (Quad) họp lại ở New York. 
Lãnh đạo ngoại giao 4 nước Mỹ, Úc, Nhật và Ấn đã họp lại với nhau ngày 26/09/2019 bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Theo ngoại trưởng Úc Marise Payne, các bên đã thảo luận về các nỗ lực nhằm duy trì và phát huy một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở và thịnh vượng. Trong số các chủ đề bàn luận, có vấn đề an ninh trên biển.
(AFP) – Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với cựu chủ tịch Cuba Raul Castro.
Trong một thông cáo, ngày 26/09/2019, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định ông Raul Castro vi phạm nhân quyền, giám sát việc bắt hàng ngàn người dân một cách vô cớ và hiện đang cho giam giữ 100 tù nhân chính trị. Ông Raul Castro, 88 tuổi, cũng bị Washington cáo buộc ủng hộ tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Raul Castro và toàn thể gia đình, nhất là con gái Mariela Castro Espin, bị cấm đến Mỹ.
(AFP) – Liên Hiệp Quốc mở điều tra về vi phạm nhân quyền tại Venezuela.
Hôm nay 27/09/2019, Hội đồng nhân quyền của LHQ quyết định khẩn cấp thành lập một ủy ban quốc tế độc lập để điều tra về các vụ vi phạm nhân quyền ở Venezuela từ năm 2014. Đề nghị này được các nước thuộc nhóm Lima đưa ra và được Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ. Các nhà điều tra sẽ phải trình báo cáo lên Hội đồng vào tháng 9/2020.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?