Tin Việt Nam – 30/09/2019

Tin Việt Nam – 30/09/2019

Đài truyền hình Hà Nội lấy cờ Trung Cộng

đại diện cho Việt Nam ở bản tin thể thao

Tin Vietnam.- Ngày 30 tháng 9 năm 2019, trang facebook có tên Nguyễn Văn Diệu Linh đã loan tải đoạn video về bản tin thể thao của đài truyền hình Hà Nội được phát vào lúc 6 giờ 35 phút ngày 27 tháng 9 vừa qua. Theo đó, nội dung của bản tin nói về lễ bốc thăm vòng chung kết U23 châu Á năm 2020 diễn ra tại Băng Cốc, Thái Lan.
Để minh hoạ cho 16 đội bóng trong khu vực- trong đó có Việt Nam- đi kèm tên đội bóng là lá cờ của đất mình. Tuy nhiên, khi đến lượt đội bóngViệt Nam thì đài Hà Nội đã không lấy lá cờ đỏ một sao vàng làm biểu tượng đi kèm, mà thay vào đó là lá cờ đỏ 5 sao của Trung Cộng.
Sự việc trên được đài Hà Nội loan truyền suốt 3 ngày qua trên kênh youtube của đài, nhưng chỉ đến sáng nay ngày 30 tháng 9, thì nó vấp phải sự bất mãn lớn của cộng đồng mạng xã hội nên bản tin đã được nhà đài gỡ khỏi tài khoản. Nhưng vì đề phòng sự việc trên, nên nhiều người đã tải xuống trước đó và chia sẽ khắp mạng facebook.
Sau khi được phát hiện và đưa lên mạng xã hội, nhiều người phẫn nộ, cho rằng đây là sai lầm có chủ đích của đài Hà Nội. Vì để phân biệt cờ đỏ của CSVN và cờ Trung Cộng không phải là khó.
Hành động nghiêm trọng này không phải xảy ra lần đầu tiên. Trước đó đài truyền hình Việt Nam cũng đã từng có hành động tương tự như trên. Hành vi này xảy ra trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng lệ thuộc vào Trung Cộng, bất chấp Trung Cộng đang xâm lược lãnh hải Việt Nam.
Đã từ lâu, nhiều người dân Việt Nam đã nhận ra rằng lá cớ đỏ không hề đại diện cho truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đó là lá cờ chạy theo phong trào cộng sản quốc tế, cho nên mới xảy ra tình trạng cờ Việt Nam cũng là cờ đỏ sao vàng, còn cờ Trung Cộng là cờ đỏ nhiều sao vàng.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/dai-truyen-hinh-ha-noi-lay-co-trung-cong-dai-dien-cho-viet-nam-o-ban-tin-the-thao/

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội

 đã vượt ngưỡng đỏ, lên ngưỡng tím

Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí AirVisual quốc tế, Hà Nội tiếp tục là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với mức độ ô nhiễm vượt qua báo động đỏ, lên tới ngưỡng tím với chỉ số AQI là 272 vào lúc 6 giờ 30 sáng 30/9. Đây là mức nguy hại đến sức khỏe con người.
Tại nhiều điểm ở phía Bắc cũng có mức độ ô nhiễm ở ngưỡng tím, như tại Bắc Từ Liêm AQI ở ngưỡng 249, Gamuda garden (Hoàng Mai) ở mức 238, Tây Hồ ở mức 241, Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm) ở ngưỡng 204…
Một số điểm đo thuộc đồng bằng Bắc Bộ như Đông Hưng (Thái Bình) AQI ở mức 239, Thái Thụy (Thái Bình), ở ngưỡng 279, Kiến An (Hải Phòng) ở mức 227, Châu Khê (Bắc Ninh) ở mức 229…
Báo trong nước dẫn lời TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam rằng, tình trạng báo động tím xảy ra vào sáng sớm từ 4 – 7 giờ sáng ở nhiều điểm và một vài điểm có ngưỡng tím vào ban đêm. Đây là hiện tượng bất thường, cần phải có những quan trắc và nghiên cứu sâu hơn mới có thể khẳng định được về nguyên nhân. Việt Nam cũng đang thiếu hàng loạt điều kiện cần thiết để triển khai các biện pháp lâu dài nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Hiện nay ở Việt Nam chỉ có 2 trạm quan trắc cố định có độ tin cậy cao ở Hà Nội, còn TP Hồ Chí Minh không có trạm cố định nào.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/air-pollution-in-hanoi-exceeds-red-warning-level-09302019095355.html

Công an Lâm Đồng bắt giữ Facebooker

Vượng Nguyễn, gia đình không được thăm gặp

Facebooker Vượng Nguyễn, tên thật Nguyễn Đức Quốc Vượng, vừa bị Công an Lâm Đồng bắt giữ hôm 23 tháng 9 với cáo buộc “Làm, tằng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật  phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117  Bộ luật Hình sự.
Thông tin anh Vượng bị bắt đã được mạng Facebook lan truyền ngay hôm 23/9 nhưng đến ngày 27/9, trang tin Công an Nhân dân mới chính thức loan báo.
Hôm 30/9, ông Nguyễn Quốc Doanh, anh trai Vượng nói với RFA:
Người ta đến bắt bất ngờ và không có nhắn nhủ gì.  Khi đi em chỉ nói gia đình không đi thăm, hãy bình tĩnh và em không nói gì hết. Thông tin   ở Công an Lâm Đồng nhưng người ta không cho gặp. Lúc bắt có tôi ở đó và họ nói không cho gặp. Sau hai, ba hôm có luật sư gọi nhưng do bối rối nên cũng không biết như thế nào!”
Theo ông Nguyển Quốc Doanh, gia đình chỉ biết ngoài việc đi phụ giao hàng, Vượng có chơi Facebook, nhưng cũng không biết đúng sai thế nào vì gia đình không quan tâm chính trị. Gia đình hiện cũng không tin vào việc luật sư có thể giúp được gì.
“Gia đình chỉ muốn Vượng bình an. Hiện tại gia đình cũng không biết mời luật sư ra sao, mà cũng không tin luật sư có thể giúp được. Chẳng luật sư nào dám đứng ra nhận bào chữa cho Vượng đâu, vì công an đã kết tội rồi.”
Trước khi bị bắt Facebooker Vượng Nguyễn, cư trú tại thôn Hải Dương, Xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Anh Vượng thường livestream về tình hình đất nước và các vấn đề xã hội. Hôm Vượng bị bắt, ông Doanh cho biết gia đình hoàn toàn không biết vì sao Vượng bị bắt.
Anh Vượng, được biết đến qua Facebook Vượng Nguyễn với nhiều post về các vụ cưỡng chế đất đai, biểu tình về môi trường, tội phạm Trung Quốc ở Việt Nam… Facebook của anh có 10.752 lượt follow.
Trong một post đăng hồi tháng 3/2019 trên trang cá nhân, anh Vượng viết:
Họ coi thường tôi nghèo hơn họ và khuyên tôi dừng lại để làm giàu rồi mai sau mới lên tiếng… Vậy họ thành đạt có địa vị trong xã hội rồi sao họ vẫn im lặng thờ ơ… Ôi cũng chỉ là đám trí thức giả nhân giả nghĩa đang ngụy biện cho sự hèn nhát yếu đuối của mình bằng cách kéo người khác xuống hèn giống mình để họ thấy họ không cô đơn khi vận nước lâm nguy trước giặc ngoại xâm (Trung Cộng) trước tà quyền Cộng sản đang cai trị Việt Nam. Dân tộc Việt đã quá đau khổ rồi. “1.000 năm nô lệ giặc Tàu 100 năm đô hộ giặc Tây, 20 năm nội chiến từng ngày… 44 năm toàn Việt Nam đang sống dưới chế độ Cộng sản độc tài. Biết tới bao giờ dân Việt mình mới thoát kiếp khổ đau này?”
Báo Công An Nhân Dân hôm 27/9 cho hay: “Cùng với quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện lệnh khám xét chỗ ở của Nguyễn Quốc Đức Vượng, thu giữ nhiều tài liệu có liên quan…”.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, hơn hai năm qua, Nguyễn Quốc Đức Vượng đã sử dụng mạng xã hội để làm, tán phát tài liệu, tuyên truyền xuyên tạc nhằm bôi nhọ, nói xấu chế độ, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam.”
Theo Công an huyện Đơn Dương, vào tháng 3/2017, “khi phát hiện Vượng có những hành vi vi phạm pháp luật, công an, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã nhiều lần tới nhà hoặc gọi lên khuyên răn, nhắc nhở, phân tích những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật… nhưng đối tượng này vẫn không chịu sửa chữa, tiếp tục vi phạm với mức độ chống đối ngày càng quyết liệt và cực đoan hơn.
Từ đầu năm 2019 đến nay, RFA ước tính có ít nhất 10 tiếng nói chỉ trích chính quyền Việt Nam bị bắt giữ đã được truyền thông trong nước xác nhận. Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 133 người vì thực hiện những quyền cơ bản của mình.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/facebooker-vuong-nguyen-after-a-week-of-detention-09302019091643.html

Vợ tù chính trị Nguyễn Trung Tôn bị an ninh răn đe

 không cho trả lời trên báo, đài nước ngoài

Bà Nguyễn Thị Lành, vợ mục sư Nguyễn Trung Tôn cho biết, an ninh Thanh Hóa hăm dọa nếu bà còn nói với báo, đài nước ngoài về tình trạng của chồng, thì sẽ phải chịu hình phạt.
Bà Nguyễn Thị Lành, vợ mục sư Nguyễn Trung Tôn, thuộc Hội Anh em dân chủ, đang thụ án 12 năm tù giam tại trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai, trong vụ án mà chính quyền gọi là “Nguyễn Văn Đài và đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, đã cho RFA biết về tình trạng của bà hôm 30/9:
Hôm vừa qua (26/9) bị Công An tại đây (Thanh Hóa) triệu tập mời lên làm 1 số công việc về chuyện em trả lời báo đài nước ngoài và những lần đi thăm anh Tôn về. Em muốn trả lời quý đài là họ khống chế em không được trả lời, khống chế không được nói lên báo chí, đài nước ngoài vì ảnh hưởng đất nước dân tộc, nhưng em bức xúc quá, em nghĩ phải nói, khống chế em, em càng sẽ nói hơn.
Bà Lành còn cho biết, an ninh Thanh Hóa hăm dọa nếu bà còn nói với báo, đài nước ngoài về tình trạng của chồng, thì sẽ phải chịu hình phạt.
Hôm 29/8/2019, bà Lành đã cho RFA biết về tình trạng sức khỏe của chồng mình ngày một yếu đi do bị đánh trước khi bị bắt giam khi bà đi thăm chồng tại trại giam Gia Trung, Gia Lai. Bà cũng đồng thời kêu cứu rằng sức khỏe chồng bà yếu nhưng trại giam không cho đi khám, điều trị do đó bà bức xúc nên lên tiếng cho chồng.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn là một nhà hoạt động xã hội tích cực và cũng là chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ. Ông từng nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu, tra tấn, đánh đập, bôi nhọ vì những nổ lực đấu tranh cho dân chủ Việt Nam. Vào tháng 2 năm 2017, ông bị bắt cóc và bị đánh đến mức tàn phế cả hai chân tại khu vực rừng núi Hà Tĩnh.
Ông bị bắt vào tháng 7 năm 2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và bị kết án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế trong phiên tòa diễn ra vào tháng 4 năm 2018.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/political-prisioner-wife-banned-to-anwer-with-RFA-about-her-husband-situation-09302019101949.html

Nổ tại Cục thuế tỉnh Bình Dương,

một nữ cán bộ bị thương nhẹ

Một vụ nổ xảy ra vào khoảng 9h30 sáng hôm 30/9 tại Cục thuế tỉnh Bình Dương khiến một mảng tường đổ, kính vỡ, một phần nhà vệ sinh bị sập.
Một nữ cán bộ không được nêu danh tính bị xây sát do kính và tường đổ bắn vào người.
Truyền thông trong nước cho biết sức ép của tiếng nổ làm vỡ nhiều cửa kính tại các phòng làm việc ở lầu 1, lầu 2 của tòa nhà 4 tầng. Một lỗ thủng khoảng có kích thước  2 mét vuông nằm ở tầng một, dãy nhà phía sau của trụ sở. Mảng bê tông vương vãi trên nóc nhiều xe hơi đậu trong sân.
Tại hiện trường, nhiều công an, an ninh cùng lực lượng Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn phong tỏa khu vực. Cổng chính của Cục thuế được canh giữ và khóa chặt, những người bên trong tạm thời không được cho ra ngoài.
Do trụ sở Cục thuế tỉnh Bình Dương nằm tại quốc lộ 13, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương nên cảnh sát giao thông được ghi nhận canh chừng bên ngoài để ngăn đám đông tụ tập.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương nói với truyền thông Việt Nam: “Tôi cũng mới biết thông tin về vụ việc. Bước đầu xác định không có ai bị thương nghiêm trọng. Còn nguyên nhân vụ việc đang được công an làm rõ.”
Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương nói với các báo trong nước: “Đây chỉ là vụ nổ bình thường. Ghi nhận ban đầu không có thương vong về người. Hiện công an đang tiến hành điều tra.”
Trong thời gian qua, một số vụ nổ đã xảy ra ở các cơ sở công quyền của Việt Nam. Đáng chú ý là vụ nổ ở trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh hôm 20/6/2018 khiến 3 người bị thương. Đã có ít nhất 7 người bị bắt giữ liên quan đến vụ này. Công an thành phố Hồ Chí Minh xác định đây là “vụ khủng bố chống lại chính quyền nhân dân’.
Vào tháng 12 năm 2017, tòa án TP Hồ Chí Ninh tuyên án nhóm 15 người bị buộc tội khủng bố sau khi tiến hành vụ nổ bom tự chế tại sân bay Tân Sơn Nhất và đốt kho xe máy bị giữ do vi phạm tại Đông Nai nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4/1975.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/explosion-at-binh-duong-tax-office-09302019100744.html

Hai cựu Bộ trưởng TT&TT bị đề nghị khai trừ Đảng

Ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn, hai cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, khai trừ Đảng hôm 30/9.
Trước khi bị đề nghị khai trừ Đảng, từ ngày 23/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, để điều tra vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại MobiFone và các đơn vị có liên quan, trong vụ án hình sự Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.
Ông Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhận hối lộ 3 triệu USD từ Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ để chỉ đạo nhân viên dưới quyền phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Chính phủ trong việc MobiFone mua cổ phần của AVG.
Cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn, là người kế nhiệm ông Son, nhận hối lộ 200.000 USD.
Ông Nguyễn Bắc Son là Bộ trưởng Thông tin Truyền thông nhiệm kỳ 2011 – 2016. Ông Trương Minh Tuấn kế nhiệm ông Son, làm Bộ trưởng Thông tin Truyền thông từ tháng 4/2016.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/two-former-Info-communications-ministers-asked-to-expel-the-party-09302019095830.html

Chủ tịch và nguyên chủ tịch Khánh Hòa

bị đề nghị kỷ luật

Ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và ông Lê Đức Vinh, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật.
Đề nghị vừa nêu được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra tại kỳ họp thứ 39 do ông Trần Cẩm Tú – bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương – chủ trì, từ ngày 25 đến 27-9, tại Hà Nội.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và một số cá nhân về các vi phạm đã được kết luận tại kỳ họp 38 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đào Công Thiên, phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Sơn Hải nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chairman-former-chairman-of-khanh-hoa-province-proposed-to-be-disciplined-09302019100050.html

Tỉnh nghèo Sóc Trăng chi 42,000 USD

lắp camera cho nhà riêng 16 quan chức

Tin từ Sóc Trăng, ngày 30/9/2019: Báo VietnamNet đưa tin Sóc Trăng, một tỉnh nghèo ở đồng bằng Sông Cửu Long đã chi 982 triệu đồng (khoảng 42.000 Mỹ kim) từ ngân sách tỉnh để lắp camera bảo vệ cho nhà riêng của 16 quan chức đứng đầu địa phương.
Theo quyết định ban hành bởi phó bí thư thường trực tỉnh uỷ Sóc Trăng, chi phí trung bình để lắp camera cho mỗi nhà riêng một viên chức là hơn 61 triệu đồng. Những viên chức này thuộc ban thường vụ tỉnh uỷ, cơ quan thuộc đảng cộng sản cầm quyền của tỉnh Sóc Trăng.
Không rõ mỗi nhà riêng được lắp bao nhiêu camera. Nhưng nếu chỉ lắp 1 camera thì đây là một dấu hỏi lớn vì giá mỗi một camera trên thị trường chỉ là 1 triệu đến 2 triệu/chiếc.
Nhiều công dân mạng đã phản đối việc sử dụng tiền ngân sách địa phương để trang bị camera cho 16 viên chức đầu tỉnh. Theo họ, viên chức phải tự bỏ tiền chi trả cho việc này. Đại biểu quốc hội Lưu Bình Những cũng cho đây là một hình thức đặc quyền đặc lợi.
Sóc Trăng là một tỉnh nghèo. Năm 2018, tỉnh thu phí, thuế được khoảng 3.700 tỉ đồng trong khi chi gần 9.800 tỉ đồngvà khoản “bội chi” do ngân sách trung ương hỗ trợ.
Tỉnh này cũng có nhiều vụ tai tiếng, điển hình là việc Trịnh Sướng sản xuất và bán một khối lượng lớn xăng không đủ tiêu chuẩn làm bốc cháy phương tiện giao thông trong nhiều năm qua mà không bị phát hiện.
Mấy tháng trước, Hồ Thị Cẩm Đào, trưởng đoàn đại biểu quốc hội của tỉnh bị kỷ luật vì tổ chức đám cưới cho con trong nhiều ngày liền với hàng nghìn khách đến dự.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/tinh-ngheo-soc-trang-chi-42000-usd-lap-camera-cho-nha-rieng-16-quan-chuc/

Thu hồi tiền lắp đặt camera tại nhà riêng

của cán bộ tỉnh Sóc Trăng

Tỉnh ủy Sóc Trăng vừa hủy quyết định lắp camera an ninh tại nhà riêng của các cán bộ Ban Thường vụ tỉnh ủy và thu hồi tiền ngân sách đã chi vào việc lắp đặt. Truyền thông trong nước loan tin hôm 30/9 cho biết như vừa nêu.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng, việc lắp đặt camera an ninh nhằm góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn là chủ trương đúng của tỉnh này. Trong đó việc giám sát khu vực nhà riêng của các cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy được cho nhằm giám sát an ninh, lối xóm, cộng đồng… và đảm bảo an ninh khu vực. Tuy nhiên khi triển khai Tỉnh ủy đã sai về quy mô, số lượng, nguồn kinh phí thực hiện việc lắp đặt.
Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã tiến hành xử lý kiểm điểm khiển trách Phó bí thư Huỳnh Văn Sum vì ký quyết định chi gần 1 tỷ đồng vào việc lắp camera tại nhà các lãnh đạo cùng một số cán bộ liên quan. Ngoài ra, Tỉnh ủy cũng tiến hành thu hồi số tiền đã chi cho việc lắp đặt camera tại nhà riêng của 12 người là Ủy viên Ban Thường vụ để hoàn trả tiền ngân sách.
Vào tháng 4/2019, Phó bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng ông Huỳnh Văn Sum đã ký quyết định về việc cấp kinh phí lắp camera an ninh tại nhà riêng của 16 cán bộ trong ban Thường vụ với số tiền gần 1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng. Việc lắp đặt này được cho là thực hiện theo đề xuất của công an tỉnh Sóc Trăng trong chương trình bảo vệ tổng thể từ trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước…Tuy nhiên, việc dùng tiền ngân sách lắp camera an ninh tại nhà riêng của các cán bộ đã vấp phải phản ứng mạnh từ dư luận.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/recovery-of-camera-installation-fee-at-private-houses-of-officials-in-soc-trang-province-09302019082348.html

Nhiều toà đại sứ Việt Nam

 bị tố cáo gian dối trong thu phí dịch vụ lãnh sự

Tin từ Berlin, ngày 30/9/2019: Theo Thoibao.de, nhiều cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài bị tố cáo gian lận trong việc thu phí các dịch vụ lãnh sự của người ngoại quốc khi xin visa vào Việt Nam, hoặc người Việt muốn trở về thăm quê hương.
Đa số toà đại sứ hoặc lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài từ chối việc chi trả phí dịch vụ lãnh sự bằng phương thức chuyển khoản mà ưu tiên lấy tiền mặt và cheque, để dễ gian dối hoặc không đưa vào sổ sách của cơ quan. Người nộp tiền cũng không được cấp chứng từ có giá trị pháp lý, mà thường chỉ nhận được giấy viết tay và không ghi cụ thể mục đích nộp tiền.
Thoibao.de đưa ra một dẫn chứng về trường hợp chị Nguyễn Thị Cẩm Liên ở Cộng hoà Liên bang Đức, người muốn từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Theo hướng dẫn của một nhân viên thuộc Toà Đại sứ Việt Nam tại Đức, chị đã đóng 200 Euro ngay từ khi nộp đơn xin thôi quốc tịch. Đến ngày hẹn, một nhân viên khác thông báo phải nộp thêm 200 Euro với lý do số tiền nộp khi trước chỉ là chi phí dịch thuật và một số dịch vụ liên quan. Khi chị hỏi về quy định mức phí cụ thể cho mỗi dịch vụ thì nhân viên lãnh sự không trả lời.
Một trường hợp thứ 2 là một cô gái người Đức có bạn trai là người gốc Việt. Khi chị muốn chuyển khoản để trả lệ phí 65 Euro xin chiếu khán vào Việt Nam thì được nói là nên kẹp tiền vào sổ thông hành rồi cho vào phong bì và gửi theo bưu điện. Tuy nhiên, sau một thời gian thì phía toà đại sứ Việt Nam gọi điện cho cô báo rằng họ chỉ nhận được sổ thông hành của cô còn tiền thì không thấy. Cô lại phải nộp tiền thêm để có được chiếu khán.
Một số người rành rọt về cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cho biết, đa số nhân viên của các toà đại sứ và lãnh sự của Việt Nam phải đút lót khá nhiều tiền để được có được vị trí làm việc. Do vậy, họ tìm đủ mọi cách để “thu hồi vốn”.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nhieu-toa-dai-su-viet-nam-bi-to-cao-gian-doi-trong-thu-phi-dich-vu-lanh-su/

Thủ tướng yêu cầu xử lý 21 lô đất ven biển Đà Nẵng

do người Trung Quốc sở hữu

Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Chính quyền thành phố Đà Nẵng xử lý thông tin báo chí phản ánh có 21 lô đất ven biển do người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Truyền thông trong nước, vào ngày 30 tháng 9 cho biết tin vừa nêu, dẫn công văn số 8785/VPCP-NN do Văn phòng Chính phủ ban hành ghi rõ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng xử lý đúng pháp luật 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong số 246 lô đất dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực sân bay Nước Mặn, quận Ngũ Hành Sơn.
Trước đó vào ngày 19 tháng 9, tại buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố Đà Nẵng cho hay 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban đầu được cấp cho người Việt Nam, nhưng trong quá trình hợp tác làm ăn với nguời Trung Quốc và do người Trung Quốc góp vốn, có cổ phần nên họ được đứng tên.
Tại buổi tiếp xúc cử tri này, một cử tri lên tiếng cho rằng tình trạng người Trung Quốc mua đất ở Đà Nẵng là rất đáng lo ngại vì tạo ra cơn sốt đất và người dân không đủ khả năng mua đất.
Cũng liên quan đến lãnh vực đất đai, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh vừa ký thông báo Kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình liên quan hàng loạt sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai và triển khai một số dự án lớn tại tỉnh Thái Bình.
Các dự án bị sai phạm bao gồm Dự án khu đô thị Tây Quốc lộ 10, huyện Đông Hưng; Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng chợ Kỳ Bá, thành phố Thái Bình; Dự án đầu tư xây dựng cụm dân cư và trung
tâm thương mại tổ 34, phường Trần Lãm-thành phố Thái Bình cùng các dự án nhà ở xã hội trong tỉnh Thái Bình.
Nguyên nhân sai phạm trong các dự án này chủ yếu là do giao đất không qua đấu giá, kê khống quỹ đất và bị chậm tiến độ trong quá trình thực hiện dự án.
Với hàng loạt sai phạm nêu trên tại Thái Bình, mới đây Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch tỉnh Thái Bình tập trung xử lý, khắc phục những vi phạm và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai. Đồng thời, Chủ tịch tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện kết luận thanh tra trước ngày 31/12/2019.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/pm-requests-to-treat-21-coastal-lots-in-danang-owned-by-chinese-09302019082609.html

Vì sao Việt Nam chưa thể tố cáo

Trung Quốc xâm lược trước LHQ ?

Mai Vân
Ngày 28/09/2019, trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về tình hình căng thẳng tại Biển Đông. Mặc dù Việt Nam đã bị Trung Quốc xâm lược với hành động cho tàu công vụ của họ vào hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Bãi Tư Chính (Biển Đông), diễn văn của ngoại trưởng Việt Nam không hề nói đến Trung Quốc, cũng không nhắc một cách cụ thể đến Bãi Tư Chính và các hành vi phi pháp cụ thể của Trung Quốc.
Những hành động xâm lấn của Trung Quốc ngay trong vùng thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông trong ba tháng đã được gợi lên trong nhóm từ « những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, trong đó có những vụ vi phạm chủ quyền và quyền tài phán tại vùng biển của Việt Nam », còn thủ phạm thì được gọi là « các bên liên quan ».
Lời lẽ tại Liên Hiệp Quốc của Việt Nam khác xa với tuyên bố ngày 12/09 vừa qua của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, đã nêu đích danh Trung Quốc để « kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình,được xác định phù hợp với các quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). »
Tuyên bố « rất ngoại giao » của ngoại trưởng Việt Nam đã không đáp ứng mong đợi của nhiều chuyên gia ở trong nước cũng như ngoài nước, cho rằng Việt Nam cần phải mạnh dạn nêu bật các hành vi xâm lược của Trung Quốc ra trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nhất là khi Bắc Kinh đã công khai tố cáo ngược lại rằng chính Việt Nam mới là bên đã vi phạm vùng biển của Trung Quốc và đòi phía Việt Nam phải đình chỉ toàn bộ các hoạt động dầu khí tại khu vực Bãi Tư Chính.
Tuy nhiên, trong một bài phân tích đăng ngày 24/09/2019 trên trang mạng của cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, bà Phạm Ngọc Minh Trang, giảng viên Đại Học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thỉnh giảng tại Trường Luật Đại Học New York, đã nêu bật một số yếu tố khiến cho việc vạch mặt chỉ tên Trung Quốc trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc không có lợi cho Việt Nam.
Khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là thời cơ lý tưởng, nhưng…
Mở đầu bài phân tích, tác giả xác nhận rằng hiện có ý kiến cho rằng Việt Nam nên mạnh dạn phơi bày các « hành vi bắt nạt » của Trung Quốc ở Biển Đông ra trước mắt cộng đồng quốc tế. Khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là thời cơ lý tưởng.
Trên nguyên tắc Đại Hội Đồng và Hội Đồng Bảo An là các định chế quan trọng nhất Liên Hiệp Quốc. Các quốc gia thành viên thường đưa ra các vấn đề về hòa bình và an ninh quốc tế ra trước Đại Hội Đồng thay vì Hội Đồng Bảo An, vì lẽ ở đó các quyết định không bị vướng phải quyền phủ quyết của một trong năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An là Anh, Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Một nghị quyết được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua có thể mang lại những hậu quả chính trị và pháp lý nhất định mà nhiều quốc gia hy vọng có thể giúp giải quyết xung đột.
Sức mạnh của Đại Hội Đồng nằm ở chỗ định chế này bao gồm tất cả các quốc gia thành viên, và mọi quốc gia đều có một phiếu bầu bình đẳng với nhau. Một nghị quyết được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua được cho là phản ánh quan điểm của cộng đồng quốc tế, và các quốc gia thường tìm kiếm một nghị quyết như vậy tạo tính chính đáng cho hành động của họ.
Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc có thể ảnh hưởng đến các quốc gia thành viên về mặt chính trị và do đó ảnh hưởng đến các lựa chọn về chính sách đối ngoại. Chẳng hạn như các khuyến nghị do Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đưa ra đã được Hoa Kỳ công nhận làm nguyên tắc đàm phán với Trung Quốc trong Chiến Tranh Triều Tiên.
Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cũng có thể mang lại một số hiệu lực pháp lý…
Một số học giả thậm chí còn coi các nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là đại diện cho sự đồng thuận toàn cầu, có thể được coi là một yếu tố của luật tập quán quốc tế (customary international law). Theo hướng này, nhiều nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã được trích dẫn tại các tòa án quốc tế…
Đưa Biển Đông ra trước Đại Hội Đồng LHQ : Có thể lợi bất cập hại
Theo tác giả bài phân tích, chính vì những tác động tiềm tàng trên đây của một nghị quyết Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam phải cân nhắc khi đem vấn đề Biển Đông ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Căn cứ vào Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, rõ ràng là Việt Nam hoàn toàn có quyền đưa vấn đề Trung Quốc xâm lấn vùng biển của Việt Nam ra trước Đại Hội Đồng. Điều 11 và 14 của Hiến Chương quy định rằng chức năng chủ chốt của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bao gồm việc thảo luận và ra khuyến nghị về những vấn đề có tác hại đến an ninh và hòa bình thế giới.
Với thực tế là Biển Đông bao gồm các vùng biển quốc tế và quan trọng đối với hệ thống thương mại hàng hải toàn cầu, Việt Nam có thể dễ dàng lập luận rằng tình hình ở Biển Đông đã vượt quá phạm vi tranh chấp giữa một số quốc gia hay thậm chí xung đột khu vực và nên được coi là một vấn đề của hòa bình và an ninh quốc tế.
Tuy nhiên, hiện có những trở ngại nghiêm trọng khiến Việt Nam khó có thể đạt được một chiến thắng đáng kể nếu bạo dạn đưa vấn đề Biển Đông ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Khó khăn chủ yếu là làm sao vận động được đại đa số các thành viên Liên Hiệp Quốc ủng hộ mình. Đã đành là các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều đã bày tỏ thái độ quan ngại trước các hành động của Trung Quốc, nhưng hậu thuẫn này có thể không đủ để thông qua nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Nhiều nước còn ủng hộ Trung Quốc
Về phía Trung Quốc, số lượng các quốc gia trước đây từng ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông không phải là ít. Ảnh hưởng của Trung Quốc trên các nước châu Phi phải được đặc biệt tính đến. Hơn nữa, Bắc Kinh dường như đang trong quá trình đàm phán với Malaysia và Philippines, và hai nước này có thể sẽ không muốn phá hỏng quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Kịch bản này khiến Việt Nam khó thuyết phục các nước khác trong Liên Hiệp Quốc, kể cả các nước láng giềng Biển Đông, nhiệt tình ủng hộ mình tại Đại Hội Đồng.
Vào năm 2014, khi Trung Quốc triển khai giàn khoan HD-981 sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, sự kiện này đã chiếm lĩnh tựa lớn trên báo chí quốc tế, và thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Lần này, tình thế đã khác đi, hành động của Trung Quốc đã không làm dấy lên những phản ứng quốc tế tương tự.
Trong tình hình đó, theo chuyên gia Phạm Ngọc Minh Trang, khả năng Việt Nam thắng lớn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào thời điểm này khá xa vời.
Do việc một nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về Biển Đông sẽ có một tác động chính trị và pháp lý sâu sắc, Việt Nam nên giữ khả năng này trong danh sách các chiến lược khả thi, nhưng cần thực hiện một số bước sơ bộ để huy động hậu thuẫn quốc tế và tăng cơ hội thành công.
Theo tác giả bài viết, một tuyên bố của các nước ASEAN hoặc của toàn khối ASEAN chẳng hạn, bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông, có thể khiến vấn đề được thông suốt hơn tại các cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Một tuyên bố chung được Việt Nam và các quốc gia có quan tâm đến Biển Đông như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản cùng soạn thảo và ký kết cũng có thể giúp ích cho Việt Nam.
Trong cả hai trường hợp trên, Hà Nội phải đóng vai trò tích cực và áp dụng một chiến thuật ngoại giao khéo léo.
Tóm lại, đưa vấn đề về Biển Đông ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ không chỉ đòi hỏi một chiến lược tỉ mỉ, mà còn cần đến rất nhiều nỗ lực và thời gian. Hiện tại, khả năng thành công có lẽ không đủ cao để Việt Nam chấp nhận rủi ro. Nhưng với một công cuộc vận động thích hợp, một nghị quyết Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vẫn là một lựa chọn có giá trị cho các nước nhỏ như Việt Nam, đang tìm cách kháng cự lại Trung Quốc ở Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190930-vi-sao-viet-nam-chua-the-to-cao-trung-quoc-xam-luoc-truoc-lhq-ok

Biển Đông : Việt Nam tố cáo Trung Quốc

biến nơi không tranh chấp thành tranh chấp

Thanh Phương
Theo nhật báo Ấn Độ Times of India ngày 29/09/2019, trả lời phỏng vấn riêng cho tờ báo này, đại sứ Việt Nam tại New Dehli Phạm Sanh Châu khẳng định là tại Biển Đông, Trung Quốc « đang biến các vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp ».
Ông Phạm Sanh Châu tuyên bố là , Việt Nam « sẽ dùng mọi phương tiện hòa bình được quy định trong luật pháp quốc tế để bảo vệ các lợi ích chính đáng của chúng tôi (…) Chúng tôi không loại trừ bất cứ biện pháp nào để bảo vệ những lợi ích chính đáng của chúng tôi ».
Theo đại sứ Châu, Việt Nam đang đối đầu với một trong những khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên Biển Đông trong vòng 8 năm qua. Ông nhắc lại : « Vào năm 2011, Trung Quốc đã vào vùng biển của chúng tôi để cắt dây cáp ngầm của chúng tôi. Rồi đến năm 2014, Trung Quốc đã điều một giàn khoan khổng lồ đến vùng biển của chúng tôi. Năm 2019, Trung Quốc lại đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 vào vùng biển của chúng tôi. Nhưng lần này, tàu Trung Quốc ra vào nhiều lần, làm như đây là vùng biển của họ và họ muốn đến, muốn đi lúc nào tùy thích ».
Đại sứ Việt Nam còn lưu ý « điều nguy hiểm nhất đó là họ có một đảo nhân tạo được quân sự hóa ở kế bên. Cho nên, họ không cần trở về Hoa lục hay đảo Hải Nam ( để được tiếp tế ) ».
Ông Phạm Sanh Châu nhấn mạnh là những hành động của Trung Quốc diễn ra không chỉ vào dịp kỷ niệm 70 năm ( thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ), mà còn trùng hợp với dịp kỷ niệm 3 năm phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông, bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở khu vực này.
Trong khi đó, nhật báo The Economic Times, cũng của Ấn Độ, hôm nay đăng một bài viết cho rằng Việt Nam có lý khi phản đối hành động của Trung Quốc ở khu vực Bãi Tư Chính, nơi mà tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 đã xâm nhập từ đầu tháng 7 cùng với nhiều tàu hộ vệ. Tờ báo trích lời các chuyên gia hàng hải cho rằng Trung Quốc không được quyền tiến hành bất cứ hành động này làm phức tạp thêm tình hình và vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam ở Bãi Tư Chính.
Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu các tàu của Trung Quốc phải rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cũng đã kêu gọi quốc tế can thiệp để ngăn chặn các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông để « duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực ». Nhưng cho tới nay, Việt Nam có vẻ đơn độc trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở vùng biển này, tuy Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Ấn Độ và một số nước khác đã bày tỏ quan ngại về các hành động của Bắc Kinh.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190930-bien-dong-viet-nam-to-cao-trung-quoc-bien-noi-khong-tranh-chap-thanh-tranh-chap

Hình ảnh đại diện của Việt Nam:

Biển người bịt khẩu trang

chôn chân trong kẹt xe, ngập nước

Nguyên Bảo
Cả tuần nay, bước chân ra đường là tôi phải chụp liền cái khẩu trang không dám rời. Mà không phải loại khẩu trang y tế mỏng quẹt mấy chục ngàn 100 cái hay khẩu trang vải thường ngày dân Việt Nam vẫn xài. Phải mang khẩu trang loại lọc được bụi mịn siêu nhỏ, chỉ bằng 1/30 sợi tóc. Giá 50 ngàn đồng, xài được 30 tiếng theo quảng cáo. Trong nhà thì đóng kín cửa, phòng ngủ mở máy lạnh ngày đêm mặc dù đang mùa mưa, ban đêm trời mát lạnh, thậm chí không cần quạt vẫn mát.
Để chi? Để hết sức cố bảo vệ lá phổi của mình trước cái bầu không khí đỏ choẹt dấu hiệu cảnh báo ô nhiễm tới mức có hại, hoặc nguy hiểm cho sức khỏe, ở Sài Gòn bữa rày.
(Theo AirVisual, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại TP HCM thường xuyên ở mức ô nhiễm nặng (màu đỏ, cam). Chỉ số bụi mịn PM2.5 dao động ở mức trên 100 µg/m³, cao hơn gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gần 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nhìn qua nhìn lại, bạn bè nhiều người đã phải đi mua máy lọc không khí để mỗi phòng ngủ một cái, hoặc một cái lọc cho cả nhà, giá tròm trèm 6 củ, bằng tháng lương kỹ sư. Vì mấy đứa nhỏ thở không
nổi, khò khè, ho rát cổ. Người lớn thì nặng nhọc, mệt mỏi. Cô chủ tiệm tóc gần nhà tôi có hai đứa con năm và sáu tuổi, đi học về là ra tiệm ở với bố mẹ tới mười giờ đêm. Tiệm không đóng kín cửa, trong ngày cao điểm Sài Gòn ô nhiễm đến mức chỉ số hiện màu tím (rất có hại cho sức khỏe), cả hai đứa lăn ra ho sằng sặc tới nỗi ói hết những gì trong bụng.
Trên báo VNEpress, bác sĩ Ngô Thế Hoàng, Trưởng Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết khoảng từ 19/9 đến 24/9, bệnh nhân nhập nội trú ở khoa tăng cao, có thời điểm quá tải. Cao điểm là chủ nhật 22/9, các y bác sĩ trực phải luôn tay luôn chân vì hầu hết bệnh nhân nhập viện tình trạng nặng, khó thở.
Các khoa hô hấp nhiều bệnh viện TP HCM đều ghi nhận bệnh nhân tăng cao, khoảng 5% đến 10% so với ngày thường. Bệnh nhi hen suyễn tại BV Nhi đồng nhập viện tăng khoảng 15%. Nguyên nhân phần lớn là do không khí ô nhiễm.
OK, ô nhiễm. Nhưng người dân chúng tôi đâu có gây ra ô nhiễm đến mức này? Tại sao chúng tôi phải gánh chịu? Tại sao kiếm đồng tiền chẳng dễ dàng gì, dân công chức thì lương tăng không chạy kịp với giá, mà chi phí cho những chuyện vô duyên cứ tăng không lúc nào dừng? Tại sao chúng tôi phải gánh thêm tiền điện tăng vọt, tiền mua máy lọc không khí, tiền mua khẩu trang, tiền chữa bệnh…? Tại sao người dân Việt Nam đã không may sinh ra ở cái nước nghèo nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu đều cao hơn các nước giàu có, giờ lại thêm khốn cùng tới nỗi thở cũng mất tiền?
Rồi chúng tôi sẽ phải mang khẩu trang cho đến suốt đời hay sao? Khái niệm ra công viên hóng gió, dạo bộ hít thở không khí trong lành giờ sẽ chỉ xuất hiện trong văn thơ tiểu thuyết hay sao?
Có cả một bộ Tài nguyên và Môi trường đó, nhưng chẳng có cơ quan nhà nước nào ở Việt Nam bị quy vào lỗi không quản lý được chất lượng không khí cả.
Trong các báo cáo của Bộ, không khí bị ô nhiễm là do nhiều nguồn phát thải, từ xe cộ cá nhân đời cũ cho đến các nhà máy lạc hậu. Và logic giải quyết vấn đề là: dân tự giác bớt đi xe lại, bớt ra đường đi. Các nhà máy lạc hậu tự động đổi công nghệ mới đi. Mọi người phải tự ý thức để bảo vệ môi trường đi. Bảo vệ môi trường là yêu nước đấy! Mẹ thiên nhiên sẽ chết vì hành động của chúng ta… vân vân.
Chính quyền sốt sắng (kêu gọi doanh nghiệp và các quỹ phi chính phủ) chi tiền ra để phát động những phong trào bảo vệ môi trường trên khắp báo đài và các hoạt động của xã hội dân sự, tổ chức các cuộc diễu hành trên phố.
Nhưng người dân cần phải chạy xe ra đường, vì hệ thống xe công cộng chưa bao giờ đáp ứng tốt nhu cầu của họ. Họ ra công viên tập thể dục, vì họ có quyền ra công viên tập thể dục. Họ phải hít thở thứ không khí độc hại vì tiểu thương và người bán thức ăn đường phố không thể bán hàng với cái khẩu trang trên mặt.  Doanh nghiệp phải cố gắng vận hành những nhà máy cũ kỹ vì nó vẫn còn mang lại lợi nhuận, và vì nếu cái ban kiểm tra môi trường có lò dò xuống kiểm tra thì chỉ cần đấm mõm một cái phong bì thì lại đạt chuẩn cả.
Quý vị chỉ cần google “biệt phủ + rừng đặc dụng” là có thể đọc được vô số vụ phá rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, xây cả quần thể biệt thự và khu du lịch tư nhân ủa các tướng công an, quan chức cấp bộ, cấp tỉnh, nghệ sĩ, doanh nhân…, mà dù có lệnh cấm hay bắt tháo dỡ, vẫn tồn tại hàng chục năm ở khắp Yên Bái, Hà Giang, Sóc Sơn, Đà Nẵng, Kon Tum, Đắc Lắc…
Thế thì ai mới là người cần yêu nước ở đây? Ai mới là người cần thay đổi? Ai mới có thể ra lệnh giảm phát thải, cấm phá rừng, di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi khu dân cư, giảm xe cá nhân, tăng xe công cộng, tăng diện tích cây xanh và nước mặt?
Hay chúng ta có thể đổi câu hỏi lại, AI là người phá nát rừng và biển, đầu độc bầu không khí, tạo nên những con đường bế tắc vì chung cư cao tầng mọc lên ngay trung tâm? Nói cách khác, ai mới là CHÍNH DANH THỦ PHẠM, chủ động gây ra ô nhiễm môi trường, để rồi xây nhà máy sản xuất bán xe máy, xây bệnh viện, bán mũ bảo hiểm, bán khẩu trang, bán máy lọc không khí, bán máy lọc nước.. . và còn bán vô số những thứ gì khác cùng với đà khai thác cạn kiệt cái đất nước này, ăn no béo tốt trên xương máu đồng bào?
Ngày xưa, sau 1975, chủ trương lý lịch khắc nghiệt đã đẩy hàng triệu người Việt Nam ra biển, “cái cột đèn có chân nó cũng vượt biên”. Qua thời tị nạn chính trị là đến tị nạn kinh tế khi thiếu đói hoành hành khắp cả nước. Khi miếng ăn không còn quá thiếu thốn thì các chính sách giáo dục thảm họa khiến dẫn đến cuộc tị nạn giáo dục ra khắp các nước văn minh hơn. Rồi bây giờ là thời của tị nạn môi trường. Rời bỏ đất nước để được thở!
Mai này khi cái thời cùng cực này qua đi, lịch sử sẽ ghi nhận về nó như một trang hài hước mà đau xót tận cùng, khi hình ảnh phổ biến nhất của một đất nước chính là những biển người bịt chặt cái khẩu trang và chôn chân trong kẹt xe, ngập nước mỗi ngày.
Tham khảo:
https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lo-danh-sach-chu-nhan-biet-phu-tren-dat-rung-soc-son-3368426/
https://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-xe-thit-dat-rung-soc-son-ky-luat-gan-40-can-bo-20190923131243198.htm
https://vnexpress.net/topic/biet-phu-xay-trai-phep-tren-nui-hai-van-20568
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cay-khung-va-biet-phu-ben-nhung-canh-rung-hap-hoi-1270737.tpo
https://news.zing.vn/biet-phu-trai-phep-tren-dat-vang-dac-khu-van-don-post836208.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vietnam-image-people-wearing-masks-in-traffic-jams-and-flood-09302019112341.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?