Tin Việt Nam – 27/03/2020

Tin Việt Nam – 27/03/2020

Bộ Công an được yêu cầu hỗ trợ

khi trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại

Bộ Công an tích cự hỗ trợ Công an tỉnh Tiền Giang và công an các địa phương có liên quan để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông tại trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Truyền thông trong nước, vào ngày 27/3, dẫn ý kiến như vừa nêu của  Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc thu phí hoàn vốn dự án BOT Cai Lậy.
Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT), hồi cuối tháng 2 cho biết các đơn vị có liên quan đã thống nhất chọn phương án xây thêm một trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy để thực hiện phương án hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy.
Trạm BOT Cai Lậy, ở Tiền Giang được thông báo dự kiến sẽ bắt đầu thu phí trở lại vào khoảng giữa năm 2020.
Báo giới cho biết dự án đầu tư tuyến tránh Cai Lậy (12km) và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 qua Cai Lậy (26,5km) có tổng vốn đầu tư ban đầu trên 1.398 tỷ đồng. Hai nhà đầu tư tham gia trong dự án này gồm Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái và Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông.
Trạm BOT Cai Lậy bắt đầu thu phí từ ngày 1/8/2017. Tuy nhiên việc thu phí đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân trong khu vực vì cho rằng vị trí đặt trạm không hợp lý. Nhà đầu tư buộc phải tạm dừng thu phí vào ngày 14/8/2017. Đến ngày 30/11/2017 trạm BOT Cai Lậy tiếp tục thu phí trở lại, nhưng vẫn bị tình trạng phản đối quyết liệt của người dân.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ GT-VT, Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với Chính quyền và Công an tỉnh Tiền Giang khi trạm BOT Cai Lậy bắt đầu hoạt động trở lại.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mps-requested-to-maintain-security-when-cailay-bot-toll-opens-agian-03272020084157.html

Đắk Nông: Khởi tố kế toán

giúp đại gia Trịnh Sướng kinh doanh xăng giả

Viện Kiểm sát tỉnh Đắk Nông vào ngày 27/3 vừa quyết định khởi tố và cấm ra khỏi nơi cư trú đối với Ông Lê Ngọc Lý (36 tuổi) về tội sản xuất và buôn bán hàng giả.
Theo kết quả điều tra, ông Lê Ngọc Lý là nhân viên kế toán cho hai công ty Mỹ Hưng và Gia Thành do ông Trịnh Sướng làm chủ. Ông Lý được giao nhiệm vụ theo dõi, cân đối hóa đơn đầu ra, đầu vào, lập phiếu nhập kho, xuất kho, phiếu thanh toán cho 2 công ty Mỹ Hưng và Gia Thành, liên hệ đặt mua dung môi… cho ông Trịnh Sướng.
Cơ quan điều tra cho biết, ông Lê Ngọc Lý biết rõ hai công ty này không có chức năng pha chế xăng nhưng vẫn đặt mua dung môi, hóa chất từ một công ty khác để đưa về các kho của công ty này nhằm pha chế thành xăng A95, E5 để bán ra thị trường. Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định đường dây này đã pha chế, sản xuất hơn 146 triệu lít xăng giả, tương đương giá trị hàng thật là 2501 tỷ đồng và hưởng lợi hơn 122 tỷ đồng.
Liên quan đường dây sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 4 vụ án. Trong đó, công an kết thúc điều tra 3 vụ án, đề nghị truy tố 21 bị can về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả. Công an đang điều tra vụ án còn lại với 11 bị can liên quan.
Trong cùng ngày, công an thị xã Hoàng Mai tỉnh Nghệ An vừa quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Bắc về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan vụ nhận tiền tỷ để chạy án.
Cơ quan điều tra cho biết, vào năm 2019 công an thị xã Hoàng Mai khởi tố ông Văn Huy Thắng về tội buôn bán trái phép vật liệu nổ. Vợ ông Thắng có đến gặp Nguyễn Văn Bắc để nhờ giúp chạy án, ông Bắc khẳng định có quen biết nên hứa sẽ xin giảm khung hình phạt cho Thắng từ 1 đến 3 năm tù với chi phí là 1,5 tỷ đồng. Dù phải bỏ số tiền lớn để chạy án nhưng Thắng vẫn bị truy tố đúng khung hình phạt quy định nên gia đình đã yêu cầu ông Bắc trả khoản tiền đã đưa nhưng ông này không đồng ý.
Qua xác minh điều tra được đường dây nhóm chạy án, ngày 5/3 công an thị xã Hoàng Mai quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Bắc về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang mở rộng điều tra vụ án.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dak-nong-prosecute-the-accountant-who-helped-trinh-suong-fake-gasoline-business-03272020082310.html

Nguy cơ sạt lở

vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau hạn mặn

Diễm Thi, RFA
Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay ở mức độ được nói gay gắt và khốc liệt. Tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, do nước sông Mekong từ thượng nguồn về ĐBSCL ở mức rất thấp nên xâm nhập mặn nghiêm trọng. Dự báo đến cuối tháng 4 mới kết thúc đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay.
Khi hạn mặn đang ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân cũng như hệ sinh thái nơi này thì các chuyên gia lại cảnh báo hiện tượng sạt lở trong mùa mưa sắp tới.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên- Môi trường, lũ lụt, xâm nhập mặn và sạt lở là những thách thức lớn mà ĐBSCL phải đối diện hàng năm. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các trận lũ hầu hết xuất hiện vào giữa tháng 10 và chủ yếu là lũ vừa và nhỏ, số trận lũ lớn đã giảm so với trước đó. Nguyên nhân là do việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện ở thượng lưu sông Mekong đổ về vùng ĐBSCL đã thay đổi quy luật tự nhiên của dòng chảy.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường và tài nguyên, chỉ ra nguyên nhân làm cho tình trạng sạt lở hàng năm ngày càng nặng nề:
“Vùng ĐBSCL là vùng rất là nhạy cảm đối với sự thay đổi khí hậu thủy văn. Khi dòng chảy trên sông Mekong thay đổi do yếu tố như mưa hay do điều kiện đặc biệt khác thì nó ảnh hưởng đến hệ sinh thái rất là nhiều. Đậy là khu vực đồng bằng rất thấp và phẳng lại nằm cuối hạ lưu của một con sông lớn. Thêm vào đó là tác động từ con người như đập thủy điện làm cho tình trạng càng khó khăn hơn.”
Mấy năm gần đây, mặc dù đang là mùa khô nhưng vẫn có hiện tượng sạt lở những căn nhà dọc bờ sông.
Hôm 18 tháng 6 năm 2019, tại diễn đàn ‘Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở vùng ĐBSCL’ do Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP.HCM, một báo cáo cho thấy vùng ĐBSCL có hơn 560 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 800km và xâm nhập mặn hơn 90km.
Cùng ngày, 6 căn nhà liền kề tại khu vực ven bờ sông Vàm Cò Tây, xã Lợi Bình Nhơn, tỉnh Long An đã bị sạt lở.
Ngày 29 tháng 7 năm 2019, năm căn nhà cặp sông Cái Sắn, ven quốc lộ 80 huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ bị sạt lở gây hư hỏng nặng nề và hai căn nhà đã bị cuốn trôi.
Tối ngày 29 tháng 8 năm 2019, 58 m đường ven kênh Rạch Vọp, tỉnh Sóc Trăng bị sạt lở, nhấn chìm hoàn toàn chín căn nhà bán kiên cố xuống sông.
Những vụ sạt lở trên xảy ra không lâu khi mùa mưa đến. Vì thế năm nay, khi mùa khô hạn còn chưa hết, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL đã cảnh báo tình trạng sạt lở vào mùa mưa sắp tới.
Báo trong nước dẫn lời Thạc sĩ Thiện rằng, vào đầu mùa mưa tới, khi mực nước sông còn thấp nhưng bắt đầu chảy mạnh, nước lũ từ thượng nguồn Mekong đổ về làm tăng áp lực bào mòn vào chân bờ sông ở bên dưới. Dòng chảy đã khoét rỗng chân bờ sông, tạo “hàm ếch” bên dưới trong khi người sống ở trên không biết cho đến khi toàn bộ khối đất đổ ụp xuống. Vì vậy, dù đang trong tình trạng hạn mặn, chúng ta vẫn cần đề phòng chuyện này khi mùa mưa đến.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, cho rằng hạn mặn và sạt lở về mặt tự nhiên không liên quan đến nhau, nhưng mặt nhân tai thì có, bởi khi hạn hán thì bà con buộc phải khai thác nước ngầm. Khi khai thác như vậy làm cho nền đồng bằng bị tụt xuống khá nhanh. Điều đó làm ảnh hưởng đến chuyện sụt lở. Nhưng đó không phải là tác động trực tiếp và ngay bây giờ. Theo ông thì chuyện sạt lở là chuyện năm nào cũng có. Ông giải thích:
“Chuyện sạt lở bên bờ sông là do tốc độ dòng chảy của sông bất ổn. Có những lúc rất chậm nhưng có những lúc rất nhanh. Nguyên nhân thứ nhất là những năm lũ lớn, nước trên thượng nguồn lại đổ về do người ta xả đập nên lũ chồng lũ.
Nguyên nhân thứ hai là vùng thượng nguồn họ đắp đê bao kín để làm lúa ba vụ hoặc trồng cây ăn trái nên nước không có đường thoát trên thượng nguồn mà nó tràn xuống bên dưới với tốc độ nhanh hơn.
Nguyên nhân thứ ba là lòng sông những năm gần bị khai thác cát, sỏi rất nhiều nên lòng sông rộng và sâu tạo nên những vùng sụt lở. Ngoài ra những đập nước trên thượng nguồn nó chặn rất nhiều phù sa xuống hạ nguồn cho nên việc bồi đắp phù sa cho lòng sông bị giảm đi.”
Chuyện sạt lở là chuyện xảy ra hàng năm. Đây là một thực tế mà vùng ĐBSCL đã phải chịu từ nhiều năm qua. Nguyên nhân do thiên tai cũng có mà nhân tai cũng có.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định:
“Thứ nhất là người ta ăn cắp cát. Gọi là ăn cắp chứ thật ra họ câu kết với chính quyền địa phương để bơm cát. Khi họ lấy cát thì đáy sông sâu hơn nên dòng nước chảy bị xoáy. Khi nước xoáy vậy thì nó cuốn chân bờ sông khiến bờ sông sụp.
Thêm nữa là khi dòng chảy mạnh thì nó dễ làm cho bờ bị lở. mà sông Tiền, sông Hậu chịu ảnh hưởng của triều bên biển Đông nên cũng có hai con nước lớn hai con nước nhỏ. Mỗi ngày hai lần như vậy. Khi lưu lượng chảy nhanh nó sẽ cuốn bờ sông. Một phần hữa là do dân mình lấn sông cất nhà làm trầm trọng thâm khả năng bị sạt lở.”
Chuyện khai thác cát mà Giáo sư Võ Tòng Xuân đề cập đã xảy ra cả chục năm nay.
Theo thống kê của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, các sở Khoa học Công nghệ, Sở tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng của các địa phương đã cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát dọc sông Tiền và sông Hậu mỗi năm 28 triệu mét khối. Con số này chỉ tính từ năm 2010 đến năm 2013, khi viện này thực hiện đề tài khoa học công nghệ độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu ảnh hưởng hoạt động khai thác cát đến thay đổi lòng dẫn sông Cửu Long (sông Tiền, sông Hậu) và đề xuất giải pháp quản lý, quy hoạch khai thác hợp lý”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/upcoming-risk-of-landslides-in-the-mekong-delta-dt-03262020153830.html

Thêm 10 bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam,

tổng số 163 ca

Bộ Y tế Hà Nội vào khoảng 6 giờ chiều ngày 27 tháng 3 thông báo có thêm 10 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số các trường hợp bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam lên 163 bệnh nhân.
Trước đó vào buổi sáng, Sở Y Tế Đà Nẵng cho biết có 3 ca nhiễm COVID-19 tại thành phố này được chữa khỏi.
Ba bệnh nhân COVID-19 được xuất viện sáng ngày 27 tháng 3 gồm có hai người Anh là ca bệnh số 22 và ca bệnh số 23. Cả hai đều trên 60 tuổi được nhập viện tại thành phố Đà Nẵng để chữa trị hôm 8/3. Sau đó được xét nghiệm âm tính vào các ngày 19,23 và 25 tháng 3. Riêng bệnh nhân số 23 vào ngày hôm qua tiếp tục được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ ba là bệnh nhân số 35, người Việt Nam 28 tuổi. Nữ bệnh nhân này nhập viện ngày 10 tháng 3. Đến các ngày 10,23, 25 tháng 3, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2.
Dù được xuất viện ngày 27 tháng 3, nhưng để bảo đảm an toàn, ba người vừa nêu tiếp tục được cách ly, theo dõi. Hai người Anh được cách ly ở Quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng; người Việt còn lại được cách ly, theo dõi 14 ngày tại nhà.
Như vậy trong tổng số 163 trường hợp bị nhiễm SARS-CoV2 mà Bộ Y Tế Hà Nội xác nhận, đến sáng 27/3 đã có 20 ca được chữa trị khỏi bệnh.
Trên thế giới, tính đến lúc này theo Reuters có gần 532.000 trường hợp bị nhiễm COVID-19. Tổng số tử vong là hơn 24.000. Tất cả các ca nhiễm được ghi nhận tại 203 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hoa Kỳ, vượt Trung Quốc, với gần 85 ngàn ca nhiễm và 1259 người chết vì COVID-19.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/covid-19-ten-more-covid-19-cases-in-vietnam-totaling-163-03272020075013.html

Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai có nguy cơ

thành ổ dịch COVID-19 lớn

 với hàng ngàn người phải được xét nghiệm

Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện lớn nhất ở Hà Nội với hàng ngàn bệnh nhân, có nguy cơ trở thành một ổ dịch COVID-19 lớn với hàng ngàn người phải bị rà soát do có những tiếp xúc với người bị nhiễm COVID-19 được điều trị tại đây.
Theo truyền thông trong nước vào ngày 27/3, Uỷ ban Nhân dân TP. Hà Nội vào cùng ngày đã có thông báo đề nghị người bệnh, người nhà bệnh nhân đã khám, điều trị tại 3 khoa “điểm nóng” của bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay đi lấy máu xét nghiệm để cách ly.
Theo báo Lao Động, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành rà soát gần 1.600 người đến bệnh viện Bạch Mai trong 10 ngày qua. Các trường hợp này sẽ được xét nghiệm COVID-19.
Theo báo Tiền Phong, ba khoa “điểm nóng” của Bạch Mai bao gồm Viện Tim mạch Quốc gia, Khoa Thần kinh và Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã phải đóng cửa cách ly toàn diện vào ngày 27/3. Toàn bộ
nhân viên y tế tại các khoa này được cách ly ngay tại khoa. Bệnh viện cũng tiến hành xét nghiệm sàng lọc cho tất cả các nhân viên bệnh viện là khoảng 4.000 người và khoảng 1.000 người bệnh.
Bệnh viện Bạch Mai hiện cũng đã tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu, dừng hoạt động nhà tang lễ và nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân.
Ngày 20/3 vừa qua, Bộ Y tế đã xác định 2 trường hợp bệnh nhân nhiễm virus SARS-Cov-2 là nhân viên y tế bệnh viện Bạch Mai.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 hôm 25/3, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đánh giá ở dịch ở bệnh viện Bạch Mai rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm tại đây là rất lớn. Ông cho rằng, trong thời gian tới có thể sẽ phát hiện thêm các ca mới lây nhiễm từ bệnh viện này, và lây nhiễm sang các tỉnh, thành khác. Bệnh viện có khoảng từ 6.000 đến 8.000 người bệnh.
Tại khoa Thần Kinh, một bệnh nhân 88 tuổi đã bị phát hiện dương tính với COVID-19. Đây là bệnh nhân nằm cùng phòng bới bệnh nhân thứ 133. Con dâu của bệnh nhân 88 tuổi đến thăm, cũng đã được xác định dương tính với COVID-19.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/biggest-hospital-in-hanoi-likely-to-become-epiccenter-of-covid-19-03272020074050.html

Tình cảnh của giới kinh doanh quán ăn, dịch vụ

tại Sài Gòn hiện nay

Vào ngày 24 tháng 3, UBND TP.HCM đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các cơ sở kinh doanh tụ tập trên 30 người, trong đó bao gồm các nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi giải trí, các cửa tiệm làm đẹp, uốn tóc và hớt tóc…v.v.
Tiếp đến , Thủ tướng Việt Nam chỉ thị các thành phố lớn trong nước như Hà Nội, TP. HCM đóng cửa toàn bộ các cơ sở kinh doanh như nêu trên, không giới hạn số lượng người, bắt đầu vào ngày 28 tháng 3.
Vào ngày 26 tháng 3, RFA đã có cuộc phỏng vấn ghi nhận tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ ở TP. HCM. Ngoài ảnh hưởng do lượng khách hàng giảm từ khi dịch bùng phát đến nay, thì nay họ sẽ xoay sở thế nào khi phải đóng cửa hoàn toàn cơ sở kinh doanh.
Chị Loan, chủ của một tiệm tóc tại Quận 10, TP.HCM, cho biết từ khi dịch bệnh bùng phát trong nước, việc hoạt động của cửa tiệm chị không như trước vì số lượng khách hàng thưa thớt:
“Tình hình dịch bệnh làm hạn chế, ảnh hưởng đến kinh doanh, khách hàng thì sợ bị lây nhiễm. Với lại tiệm đóng cửa trong khi tiền thuê mặt bằng mình vẫn phải trả và thêm tiền lương nhân viên, nên cũng gặp khó khăn nhiều. Trước khi đóng cửa (đã có khó khăn), tại vì dịch ảnh hưởng chung, nên khách hàng cũng giảm”
Chị Loan hiện tại vẫn chưa biết cửa tiệm mình sẽ phải tiếp tục đóng cửa bao lâu, vì theo chị phải theo dõi và xem xét tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến như thế nào. Chị cho biết:
“Chưa biết nha chị. Nhà nước thì ra quy định như vậy, nhưng cũng có thể đến khi đó xem xét tình hình thế nào, có thể đóng cửa tiếp. Theo em thấy ở những vùng học sinh nghỉ học, thì còn đi theo tình trạng dịch như thế nào nữa. Tạm thời phải nghỉ hết tháng.”
Anh Lộc, chủ của một quán ăn ở một khu đô thị mới tại Quận 8, TP.HCM, cho biết khi luật chỉ giới hạn cho những cơ sở kinh doanh có tụ tập trên 30 người, những quán ăn như quán của anh có thể gia giảm số lượng khách phục vụ xuống còn dưới 30 người. Tuy nhiên, sắp tới khi phải đóng cửa toàn bộ nhà hàng, những khó khăn anh gặp phải như sau:
“Khi đóng cửa thì thứ nhất, các đồ ăn, nguyên liệu của mình sẽ bị hư. Thứ hai là khi nhân viên xin nghỉ về quê thì sẽ khó lên lại và cũng khó tìm người nhân viên khác để thay thế. Thêm nữa là chi phí mặt bằng, vì người ta sẽ không giảm cho mình. Khi mình đi xin người ta chưa chắc gì họ sẽ giảm. Trước đây thì những tiệm lớn có thể chỉ giảm thiểu số khách còn đúng 30 người thôi.”
Quán ăn của anh Lộc vẫn còn mới, được thành lập chỉ trong vòng 1 năm trở lại, vì thế nhân viên làm cho quán là những bạn sinh viên, còn trẻ và chưa gắn bó lâu với quán, nên ngoài việc chi phí, thức ăn, anh Lộc lo lắng về việc tìm người thay thế khi quán mở lại cũng sẽ gặp khó khăn.
Về việc phải tạm dừng kinh doanh và cho nhân viên về quê, chị Loan cho biết trong ngành tóc bên chị không quá phải lo lắng việc nhân viên nghỉ mà không quay lại làm, vì họ đã gắn bó với tiệm đã lâu. Chị cho biết thêm:
“Mình cũng hỗ trợ (lương) nhân viên một phần. Thí dụ như mình có thể hỗ trợ cho nhân viên trong thời gian nghỉ lâu dài, có thể cho mấy bạn về quê tránh dịch, hoặc cũng có vài bạn nhân viên ở trên đây (TP.HCM); nếu như ở trên đây nghỉ ít ngày thì mình cũng có hỗ trợ. Nếu như mà qua tháng nhà nước tiếp tục cho nghỉ thêm một, hai tuần chẳng hạn, thì sẽ cho những bạn này về quê tránh dịch.”
Khi trả lời phỏng vấn với RFA ngày 26 tháng 3, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan diễn biến nghiêm trọng hơn, ngoài việc cho sinh viên, học sinh nghỉ học, chính phủ Việt Nam cũng buộc phải đóng cửa các cơ sở kinh doanh ăn uống, giải trí. Vì vậy, doanh thu của những ngành này đều bị ảnh hưởng.
Theo ông Thịnh, so với mọi năm thì năm nay, hầu như các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều thất thu, vì vậy lượng doanh nghiệp xin ngừng hoạt động hay phá sản trong ba tháng đầu năm nay chủ yếu là những cơ sở kinh doanh nhỏ và các hộ gia đình có liên quan đến lĩnh vực dịch vụ này. Ông nhận xét:
“Một số doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình do nguồn lực nó cũng có hạn thôi, mà do doanh thu giảm như vài tháng vừa rồi thì họ không có cái để trả tiền thuê cơ sở vật chất, cũng như là trả tiền lương cho người lao động, nhân viên mà vì vậy những người trong số ngành này cũng tuyên bố phá sản.”
Ông Thịnh cho rằng hiện tại là lúc chủ của các cơ sở kinh doanh có thể lấy đây làm cơ hội để cơ cấu lại doanh nghiệp, tìm những giải pháp tạm thời để có thể tiếp tục hoạt động khi cơn dịch đã đi qua.
Tuy nhiên, theo anh Lộc, trước khi có lệnh đóng cửa như sắp tới đây, quán ăn của anh cũng đã thử nghiệm áp dụng hình thức kinh doanh qua dịch vụ giao tận nhà, nhưng đó không phải là mô hình kinh doanh chủ yếu của quán nên doanh thu từ hình thức này không giúp bù đắp cho việc khách hàng không đến quán ăn của mình:
“Về dịch vụ delivery thì không có chạy được nhiều, vì (hình thức kinh doanh) đa phần khách tới quán là vì khung cảnh đẹp và có gió mát. Đồ ăn của mình lên (dịch vụ delivery) không có dễ, tự nhiên mình bị mất 20% đến 23% cho một phần ăn.”
Đối với chị Loan, chị chỉ mong có được sự hỗ trợ nào đó từ nhà nước để có thể duy trì hoạt động kinh doanh của mình trong trường hợp phải đóng cửa tiệm lâu dài. Chị cho biết:
“Như tụi em làm kinh doanh thì hàng tháng vẫn phải lo mặt bằng, kinh phí này kia nên cũng mong nhà nước sẽ hỗ trợ một phần nào đó. Còn tình hình dịch thì ai cũng phải chung tay đóng cửa hàng, quán để cùng nhau qua mùa dịch này.”
Ông Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc hỗ trợ như một số quốc gia khác chu cấp một lượng tiền đến thẳng cho người dân thật sự rất khó đối với nhà nước Việt Nam:
“Vì ngân sách nhà nước Việt Nam cũng rất eo hẹp và vì thế cho nên phải tính toán cẩn trọng trong việc này. Điều thứ hai là nếu áp dụng biện pháp kích cầu, hoặc dùng biện pháp mạnh tay thì nó rất nhiều vấn đề, thì lúc đó sẽ có thêm vấn đề là ngành nào, doanh nghiệp nào, hình thức nào và ai được hưởng, bao nhiêu, ra làm sao…v.v, nó rất nhiều vấn đề phức tạp.”
Ông Thịnh cho biết thêm, phía các chuyên gia Việt Nam cũng đã có ý kiến đối với cơ quan quản lý để xem xét, miễn giảm các loại thuế cho các loại hình doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh này. Từ đó, ông cũng mong có thể giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh như thế này có thể mở cửa và hoạt động trở lại khi đợt khủng hoảng đi qua.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-situation-of-the-restaurant-and-service-businesses-in-saigon-today-03262020165801.html

Tiếp tục cho học sinh nghỉ học tại 41 tỉnh, thành

để phòng chống Covid-19

41 tỉnh, thành tại Việt Nam tiếp tục cho học sinh nghỉ học từ ngày 27 tháng 3 năm 2020, cho đến khi có thông báo mới, để phòng chống Covid-19.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết, học sinh trung học phổ thông ở nhiều nơi cũng được nghỉ sau thời gian đến lớp trở lại.
Cụ thể, theo thông báo vào tối ngày 26/3 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam gởi lãnh đạo, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học tiếp tục nghỉ học. Trong đó học sinh Trung học cơ sở (cấp 2) đã được nghỉ từ đầu tháng 2 đến nay, sẽ tiếp tục nghỉ. Học sinh cấp Trung học phổ thông (cấp 3), học viên các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đã đi học từ ngày 2/3 đến nay, sẽ lại nghỉ từ 27/3 cho đến khi có thông báo mới.
Các tỉnh Hải Dương, Bạc Liêu, Trà Vinh… cũng có thông báo tương tự, học sinh các cấp sẽ nghỉ từ ngày 27/3 cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, tỉnh Hưng Yên đã cho phép học sinh Trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, Trung học cơ sở nghỉ học từ ngày 26/3 đến khi có thông báo đi học, để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tại tỉnh Long An, Ủy ban Nhân dân tỉnh này đã đồng ý cho tất cả trẻ em cấp học mầm non, học sinh cấp phổ thông và sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, tiếp tục nghỉ học từ ngày 30/3/2020 đến khi có thông báo mới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/schools-continue-to-close-in-41-provinces-and-cities-to-prevent-covid-19-03272020081836.html

TPHCM ra thông báo khẩn

khi có 8 người từ bar Buddha dương tính Covid-19

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM ngày 27/3 cho biết, sau khi phát hiện 8 người mắc Covid-19 (bệnh nhân 91, 97, 98, 120, 124125, 126, 127) khi đến quán bar Buddha tại Thảo Điền Quận 2, dự buổi tiệc hôm 14-3, thì ngày 26-3 TP đã có thêm 3 trường hợp đến quán bar này có kết quả dương tính lần 1 với Covid-19.
Trung tâm nhận định đây là chuỗi lây truyền bệnh vì đã có 8 người lây nhiễm. Do đó trong ngày 27/3 TPHCM đã phát thông báo khẩn đề nghị những khách từng đến quán bar trong các ngày từ 13 đến 17/3 phải liên hệ cơ quan y tế để kiểm tra hoặc có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Trong một diễn biến khác, tỉnh Lào Cai ngày 27/3 đã lập thêm 9 chốt kiểm soát lối ra vào tỉnh hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh thông báo trong cùng ngày và được truyền thông trong nước loan đi.
Theo tin, 9 chốt chặn được đặt tập trung tại tất cả các tuyến đường sắt, đường bộ liên tỉnh như Cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Quốc lộ 4D, 70, 279, tỉnh lộ 153 và tại Ga Lào Cai nhằm kiểm soát người từ các địa phương khác vào.
Tại TPHCM, Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất sẽ tạm dừng hoạt động tất cả xe buýt liên tỉnh trong ngày 28/3. Riêng xe khách sẽ chỉ hoạt động 50% số chuyến. Bên cạnh đó 54/132 tuyến xe buýt tại TP cũng sẽ tạm dừng. Các tuyến buýt thuỷ cũng tạm ngưng hoạt động. Tàu du lịch nếu hoạt động phải đảm bảo không chở quá 20 người/chuyến.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/8-people-infected-covid-19-from-buddha-bar-03272020075855.html

Virus corona : Việt Nam xác định

giai đoạn cao điểm chống dịch cho đến ngày 15/04

Thu Hằng
Việt Nam thắt chặt công tác kiểm soát dịch Covid-19 trong bối cảnh có 153 ca dương tính với virus corona tính đến ngày 27/03/2020 và  1.729 ca nghi nhiễm. Hai biện pháp quan trọng được chính phủ đưa ra là dừng mọi cuộc tụ tập trên 20 người và hạn chế việc di chuyển của người dân.
Theo trang Thông tin Chính phủ, từ ngày 28/03 đến hết 15/04, tạm ngừng mọi hoạt động hội họp, các sự kiện (tôn giáo, văn hóa, thể thao, giải trí) tập trung trên 20 người, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Lãnh đạo các chính quyền địa phương sẽ bị kỷ luật nếu để xảy ra các vi phạm.
Ngoài ra, mọi hoạt động kinh doanh, trừ dịch vụ thiết yếu, cũng bị ngừng họt động. Người dân sẽ bị hạn chế đi lại với việc giảm các chuyến bay nội địa, cắt giảm giao thông công cộng. Thành phố Hà Nội quyết định giảm 80% lượt xe buýt, bắt đầu từ ngày 27/03 đến hết ngày 05/04. Trước đó, chủ tịch UBND thành
phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng để phòng chống dịch Covid-19.
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, kể từ ngày 27/03, người dân ra đường phải đeo khẩu trang. Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh : « Việc này không còn bắt buộc nữa mà phải cưỡng chế ». Người vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200327-virus-corona-vi%E1%BB%87t-nam-x%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%8Bnh-giai-%C4%91o%E1%BA%A1n-cao-%C4%91i%E1%BB%83m-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch-cho-%C4%91%E1%BA%BFn-ng%C3%A0y-15-04

Cách ly ở TP HCM: “Xin người ngoài bao dung

 và người cách ly hãy có ý thức”.

Bùi ThưBBC News Tiếng Việt
Anh Trần Thống Nhất, trở về từ Thái Lan ngày 22/3 và hiện đang được cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM. Khác với nhiều người, Nhất không gọi cho gia đình để yêu cầu tiếp tế bất cứ nhu yếu phẩm gì.
Là hướng dẫn viên du lịch Quốc tế, anh Trần Thống Nhất đến Thái Lan du lịch vào đầu tháng Ba, khi ấy chưa có lệnh cách ly tất cả các chuyến bay nước ngoài về Việt Nam. Đến gần ngày về, Thống Nhất mới biết rằng tất cả hành khách từ các chuyến bay trong thời điểm này đều sẽ bị cách ly.
Giữa những cuộc tranh cãi về việc tiếp tế và điều kiện sống trong các khu cách ly. Anh Nhất chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 27/3:
“Tôi mong mọi người có lòng bao dung với nhau. Người bên ngoài nên thông cảm và rộng lòng một tí. Người trong khu cách ly bớt than vãn một tí. Vì nếu đặt bản thân vào vị trí đó thì sẽ dễ thấu hiểu cho nhau hơn, nhất là trong cơn đại dịch này”.
‘Than thở là điều bình thường’
Đã chuẩn bị lịch trình trước đó vài tháng và mua vé sẵn nên tới ngày, Nhất đến sân bay Suvarnabhumi để về Việt Nam.
Nhất kể lại: “Sân bay mới ở Thái Lan này có chốt chặn để đo thân nhiệt. Nếu hành khách trên 38 độ sẽ bị cách ly. Nếu nhiệt độ bình thường thì sẽ được dán tem màu đỏ và lên máy bay. Chuyến bay này chỉ dành cho công dân Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam”.
Khi biết chắc chuyến bay của mình về Việt Nam sẽ bị cách ly, Nhất đã tìm hiểu thông tin và hỏi thăm về việc cách ly nhưng vẫn không khỏi cảm giác lo lắng.
“Tôi hơi hồi hộp vì phải sống 14 ngày ở một nơi mà không phải là nhà của mình. Nhưng khi nghĩ tới lợi ích chung, nếu mình có bệnh sẽ được chữa trị kịp thời và không lây lan cho người khác thì tôi thấy ổn hơn”. Anh nhớ lại.
Là hướng dẫn viên du lịch, bay nhiều nhưng lần này sân bay có các thủ tục khác thông thường so với trải nghiệm của Nhất.
Mọi người sẽ phải đi qua khu Kiểm dịch y tế. Khi thực hiện các bước khai báo thông tin, hàng khách sẽ nhận quyết định cách ly 14 ngày. Tất cả mọi người nộp lại hộ chiếu cho nhân viên và chờ được trung chuyển đến khu cách ly tập trung ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM”, Nhất thuật lại.
Khi xe chở đoàn đến khu cách ly, Nhất nhận phòng ở cùng ba người khác. Anh mô tả:
“Khu A ký túc xá khá bụi bặm và nhiều rác. Tôi ở một phòng có bốn giường đôi và mỗi người nằm một góc để đảm bảo an toàn. Bên trong nhà vệ sinh dơ, bẩn và khá hôi vì đã cũ, có vẻ đã bỏ hoang. Ở giữa có một cái bàn dùng chung”.
“Mỗi giường được trang bị một tấm chiếu nhỏ, mùng nhỏ để tránh muỗi và một cái mền. Đa số không có gối. Khi nhận phòng vệ sinh xong khoảng 2 tiếng sau được phát mỗi người một chai nước rửa tay và phần ăn tối nhẹ”.
Theo anh Nhất, tâm lý của mọi người khi nhận phòng mà thấy hụt hẫng là điều dễ hiểu:
“Tôi thấy có nhiều bạn trẻ phàn nàn về vấn đề vệ sinh. Theo tôi có phần đúng, có phần sai. Vì bạn nghĩ xem, từ lúc thực hiện các thủ tục để lên máy bay ở nước ngoài, rồi khi về tới Việt Nam trải qua bao quy trình thực sự rất mệt mỏi”, anh Nhất lý giải.
Anh phân tích thêm:
“Tâm lý người trẻ khi mệt mỏi mà nhận phòng điều kiện không tốt thì sẽ thấy mệt, không kìm nén được nên than thở là điều bình thường. Bản thân tôi cảm thấy hơi hụt hẫng vì lúc đó khá mệt và phải dọn dẹp nhiều. Nhưng khi qua cái cảm giác tiêu cực ban đầu thì tôi hiểu được rằng hệ thống cách ly đang quá tải, nhà nước đâu thể nào kịp hỗ trợ hết nên phải kiên nhẫn một tí”.
‘Cần tiếp tế cũng cần nghĩ cho người khác’
Dù khu nhà A ở Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM nơi Thống Nhất đang cách ly, theo anh phòng ốc khá bụi bặm, ẩm mốc và nhiều rác nhưng anh vẫn cảm thấy may mắn vì mình đã về đến được Việt Nam.
Khi về đến khu cách ly, anh Nhất cho hay không có cán bộ hay nhân viên phổ biến chung cho đoàn cách ly về quy trình hay các quy tắc sinh hoạt chung. Nhưng ở cửa phòng có dán bảng thông báo để dặn dò về những quy định.
Anh nói thêm: “Ai có nhu cầu tiếp tế sẽ phải dặn dò người thân đóng gọn gàng đồ đạc trong thùng cát tông, ghi rõ tên người nhận và khu vực và để ngoài cổng. Các anh dân quân sẽ chạy xe chuyển vào hoặc dùng xe ba gác đưa đồ vào”.
“Tôi nghĩ nhu cầu tiếp tế là chính đáng vì bên trong cũng thiếu nhiều thứ. Có người không chịu nóng được thì cần gửi quạt vào. Tôi mong người ở bên ngoài nên có cái nhìn thoáng hơn vì nếu đặt vào bản thân những người trong khu cách ly thì cũng sẽ làm vậy thôi”.
Cách ly ở TP HCM: “Chúng tôi mới là người cần được cảm thông”
Hai người Việt về từ tâm dịch Daegu kể chuyện bị cách ly
Virus corona: ‘Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà’
Tuy nhiên, Nhất lại không nhắn người thân tiếp tế cho mình bất cứ thứ gì vì đã chuẩn bị sẵn trước đó:
“Tôi không nhắn người thân để tiếp tế vì trước khi về, biết sẽ bị cách ly nên tôi vào siêu thị Thái Lan mua những nhu yếu phẩm cần thiết cho bản thân. Tôi chỉ thấy trong phòng khá nóng và tôi cần quạt. Nhưng nghĩ chỉ có 14 ngày thì không sao. Nếu nhắn cho người thân tiếp tế thì tâm lý gia đình sẽ muốn gửi thêm đồ đạc khác vào nữa nên thôi”.
“Phiền các bạn tình nguyện viên hay các anh dân quân phải khuân vác vào khiến tôi ngại nên cố chịu đựng chút, dù nóng thật vì chỉ có một cây quạt trần cả phòng. Tôi thấy có những trường hợp gửi bia bọt, tủ lạnh khá cồng kềnh thì cực khổ cho những bạn tình nguyện viên và phiền họ. Mình cần tiếp tế nhưng cũng cần nghĩ cho người khác.”
”Thứ hai nữa, sau khi 14 ngày sẽ vất vả để di chuyển vì nhiều đồ đạc. Chưa kể, có thể đồ đạc khi đem ra khỏi khu cách ly sẽ phải đi qua quy trình khử khuẩn để mang về nên phát sinh thêm nhiều vấn đề khác”, anh Thống Nhất nói.
‘Người bên ngoài xin hãy cảm thông’
Khi trở về từ Thái Lan, anh Nhất đã đăng tải hình ảnh, video và bài viết không chỉ trên trang cá nhân mà còn các hội nhóm du lịch về trải nghiệm cách ly của mình.Được hỏi về điều này, Nhất chia sẻ: “Tôi đăng câu chuyện cách ly của mình để mọi người có cái nhìn đa dạng, thoáng hơn để hiểu được những gì mà người trong khu cách ly phải trải qua. Từ đó, có sự cảm thông cho nhau hơn”.
Trong khu cách ly phải đảm bảo tuân thủ những quy tắc để tránh lây nhiễm chéo nên mọi cũng cố gắng tìm kiếm thứ tự giải trí.”Có người giải khuây bằng việc đi dạo, người thì lướt mạng. Có mấy bạn du học sinh ở Úc và Hàn khá siêng năng ôn bài. Có các bạn đá cầu, chạy bộ. Có nhóm thì chơi lô tô, đánh bài giết thời gian. Nhưng bao giờ cũng phải đảm bảo khoảng cách 1 đến 2 mét và phải luôn đeo khẩu trang”.
Anh cho biết thêm, với nhiều người, tâm lý họ chưa đủ vững vàng sẽ nảy sinh nhiều nỗi sợ vì thực tế, trong khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia này hôm qua 26/3, đã có trường hợp bệnh nhân thứ 153 dương tính với Covid-19, người đi từ Úc về.
“Tuy vậy tôi không quá lo sợ vì mỗi một ngày đều được cách ly những khu khác nhau. Quy định là không đi giao lưu để hạn chế việc lây nhiễm chéo nên nếu tuyệt đối tuân thủ thì sẽ giảm thiểu rủi ro. Tôi và những bạn cùng phòng hàng ngày quét dọn, lau chùi để giữ vệ sinh”, anh Nhất chia sẻ.
Anh cũng nói thêm, bản thân anh chọn tinh thần lạc quan để một ngày trôi qua nhẹ nhàng hơn:
“Tôi mong mọi người có lòng bao dung với nhau. Người bên ngoài nên thông cảm và rộng lòng một tí. Người trong khu cách ly bớt than vãn một tí. Vì nếu đặt bản thân vào vị trí đó thì sẽ dễ thấu hiểu cho nhau hơn, nhất là trong cơn đại dịch này”, anh Nhất trải lòng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52059616

TP Hồ Chí Minh giảm thu của cán bộ

để hỗ trợ lao động mất việc vì Covid-19!

Nền kinh tế Việt Nam cũng như nhiều nước khác đang gánh chịu tác động mạnh mẽ do dịch bệnh do coronavirus chủng mới gây ra. Nhiều người lao động làm công ăn lương mất việc không có lương để trang trải mọi chi phí cho cuộc sống lúc khó khăn như thế này.
Trước thực tế đó, tại buổi họp giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh chiều 26/3, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết Thường vụ Thành ủy đã họp vào ngày 25/3 và thống nhất các cán bộ, công chức sẽ giảm một nửa phần thu nhập tăng thêm năm nay, dành phần đó hỗ trợ cho người lao động mất việc làm, không có thu nhập.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Thiện Nhân ước tính, có khoảng 600.000 người tại Sài Gòn sẽ mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, nếu lấy một nửa thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức sẽ đủ hỗ trợ 600.000 người lao động với mức 1 triệu/tháng.
Vẫn theo lời ông Nguyễn Thiện Nhân, Thành ủy đã thống nhất và thành phố sẽ sớm có thông báo.
RFA có trao đổi với một cán bộ làm trong Ban lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh không muốn nêu tên và được người này cho hay vẫn chưa có thông báo chính thức từ trên nên ông không thể nói thêm. Trong trường hợp nguồn tin được xác thực, sẽ có người chuyên phụ trách trả lời về vấn đề này.
Tương tự, anh NMQ, một công an phường ở thành phố Hồ Chí Minh nói rõ:
“Chưa biết gì, chỉ có trên mạng thôi, làm việc phải có chỉ thị, thông tin trên báo thì không được.”
Vẫn theo anh Q, nếu quả thực thông tin báo chí đăng tải là đúng, anh vẫn sẵn sàng chịu giảm lương để cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Nhưng quan trọng hơn, đó là nhiệm vụ được giao nên phải hoàn thành:
“Chấp hành thôi chứ sao, nhà nước Việt Nam kêu là phải chấp hành thôi, phục vụ Đảng mà.”
Luật sư Đặng Hùng Dũng, người chuyên phụ trách các vụ án luật lao động và từng công tác tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hiện chính phủ Hà Nội chỉ toàn kêu gọi chứ chưa có các gói kích thích như ở các quốc gia khác như Mỹ hoặc Châu Âu.
“Cái này tôi theo dõi kỹ lắm nhưng chưa thấy có thông tin cụ thể mà còn nói người dân phải thế này, thế kia. Đây là điều người dân thấy các nước khác đều có hỗ trợ nhưng đối với Việt Nam thì gần như chưa có hỗ trợ gì đối với người dân. Chỉ kêu gọi những chủ nhà cho người lao động thuê nên giảm bớt tiền nhà.”
Luật sư Đặng Hùng Dũng cũng nhận định ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động lên kinh tế Việt Nam khá mạnh, đặc biệt đối với những người lao động tay chân:
“Cứ tưởng tượng một gia đình mà những người lao động chính không có việc làm, không có sự hỗ trợ gì thì nguời ta sẽ hết sức khó khăn. Nên bây giờ người ta sẽ phải đi tìm kiếm những công việc sống tạm bợ qua ngày, nhưng việc gì bây giờ khi tất cả hàng quán, công ty đóng cửa hết.”
Xác nhận thực tế cuộc sống khó khăn do bị tạm thôi việc vì Covid-19, anh Đỗ Viết Sang, một nhân viên làm tại khách sạn 5* ở Sài Gòn cho hay:
“Tình hình kinh tế bây giờ mọi người phải ở nhà hết, lockdown hết nên sẽ không có tiền lương, viện trợ gì hết. Em bây giờ không đi làm nên tiền để dành ‘bay’ luôn rồi, tiền thuê nhà hoặc tiền điện nước phải trả mà không có nguồn thu thì làm sao trả, (chính quyền) nên trợ cấp.”
Phân tích rõ hơn về thực trạng tại Việt Nam hiện nay cũng như tính khả thi trong việc cắt giảm lương cán bộ để trợ giúp người lao động bị mất công ăn việc làm. Luật sư Đặng Hùng Dũng nhận định:
“Tôi thấy ở bên Hàn Quốc thì những Bộ trưởng chịu giảm lương nhưng tình hình này tôi chỉ nghe được bắt đầu từ ngày 1/4, ngành y tế, bác sĩ y tế được tăng lương. Riêng ngành y tế tăng lương là điều rất cần vì ngành y tế đang phải làm việc nặng nhọc hơn những ngành khác. Còn với mức lương của người dân hiện nay thì thật ra lương của bất cứ ngành nghề nào cũng chưa đủ sống thành ra giảm lương đi cũng rất khó. Ở các nước khác người ta làm nhưng trong hoàn cảnh Việt Nam thì đó không phải là giải pháp tốt.”
Dưới góc nhìn cá nhân, anh Phạm Ngọc Minh, một nhân viên văn phòng làm cho một công ty marketing ở thành phố Hồ Chí Minh nêu lên quan điểm của anh qua Facebook Messenger như sau:
“Mới tuần trước trên mạng ghép ảnh Thủ tướng Canada nói hỗ trợ dân 82 tỉ đô Canada, Tổng thống Donald Trump nói sẽ hỗ trợ 1.000 tỉ đô Mỹ cho dân, trong khi bác Phúc nhà mình thì “Ai có tiền góp tiền, ai có hiện vật góp hiện vật”. Như vậy đủ thấy kinh tế nước mình đang thế nào. Mình hiện đang làm việc ở nhà nên không bị ảnh hưởng nhiều nhưng mình nghĩ nếu tin tức báo đưa là sự thật thì sẽ rất tốt
cho những người lao động hiện nay. Có thể không cần phải chia đều theo đầu người tất cả người dân của thành phố mà chia theo thu nhập, như cách Mỹ đang làm. Như vậy mình thấy công bằng hơn, nhưng mà nếu theo kiểu đó thì không biết khi nào mới thống kê xong và khi nào tiền mới tới tay người lao động. Từ xưa tới nay ở Việt Nam chỉ có đóng tiền là nhanh chứ lấy tiền lúc nào cũng lâu.”
Cổng thông tin điện tử thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 25/3 đăng tải nội dung cuộc họp giao ban trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều cùng ngày, cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ có văn bản để thông qua các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân. Cụ thể là những đối tượng bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng không có bảo hiểm thất nghiệp, và giáo viên bậc mầm non, tiểu học phải nghỉ không lương.
Văn bản vừa nêu sẽ được trình Hội đồng Nhân dân thành phố vào kỳ họp bất thường diễn ra vào ngày 28/3 tới đây.
Hiện Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng với Liên đoàn Lao động Thành phố cũng đang gấp rút rà soát thống kê doanh nghiệp bị ảnh hưởng và người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Kết quả rà soát phải báo cáo cho thành phố trước 31/3.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hcmc-reduced-staff-revenues-to-support-unemployment-due-to-covid-19-03262020160927.html

TP HCM chi hơn 2.700 tỉ đồng

chống dịch COVID-19

Chiều 27/3,  Hội đồng Nhân dân TP HCM thống nhất thông qua tờ trình chi hơn 2.700 tỉ đồng cho việc phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Truyền thông trong nước cho biết số tiền dự kiến được chi từ ngân sách dự phòng. Trong đó, có 1.800 tỷ đồng để hỗ trợ khoảng 600.000 người lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mức hỗ trợ có thể là 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng.
Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, người đang điều trị COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố được hỗ trợ 90.000 đồng/người/ngày.
Công an, quân đội và các lực lượng khác tham gia phối hợp phòng chống dịch sđược hỗ trợ 90.000 đồng/người/ngày.
Nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch được hỗ trợ 120.000 đồng/người/ngày.
Báo trong nước dẫn lời Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân rằng, “Có 600.000 người thành phố mình mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch. Theo chúng tôi ước tính nếu lấy một nửa thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức sẽ đủ hỗ trợ 600.000 người lao động với mức 1 triệu/tháng”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcmc-spending-over-vnd2700-billion-against-covid19-03272020082130.html

Việt Nam hỗ trợ Lào và Campuchia

vật tư y tế chống dịch

Việt Nam sẽ hỗ trợ Lào và Campuchia vật tư y tế trị giá 100 ngàn USD cho mỗi nước để chống dịch COVID-19, đồng thời sẵn sàng gửi nhân viên y tế sang các nước nếu họ mong muốn.
Đó là thông tin được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết vào hôm 26/3. Truyền thông trong nước loan tin ngày 27/3.
Tin nói Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện thoại hội đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Campuchia Hun Sen để bàn thảo về kế hoạch hợp tác chống dịch.
Báo trong nước cho hay phía Việt Nam đã đánh giá cao nỗ lực của Lào và Campuchia trong việc phòng sự lây lan của virus và hy vọng hai nước tiếp tục tạo cơ hội cho cộng đồng người Việt Nam ở Lào và Campuchia ổn định cuộc sống và có các điều kiện cần thiết để chống dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nói thêm Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Campuchia để mang những công dân Việt Nam hiện đang cách ly ở Campuchia về nước nếu họ muốn.
Tính đến ngày 27/3, Lào hiện có 6 trường hợp nhiễm virus và Campuchia có 98 trường hợp.
Hiện chính phủ Campuchia đã đóng cửa tất cả các lối vào biên giới với Việt Nam từ hôm 20/3.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-supports-lao-campuchia-covid19-03272020083622.html

Cấm dân tụ tập đông người, Đảng tưng bừng đại hội

Gió Bấc
Chính phủ đang kêu gọi toàn dân tham gia phòng chống dịch do virus Vũ Hán mà yếu tố hàng đầu là hạn chế đi lại, cấm tụ tập đông người.
Ý thức trách nhiệm với cộng đồng, Tòa Giám Mục Sài Gòn thông báo tạm ngừng hành lễ trong mùa dịch, Giáo hội Phật Giáo cũng thông báo tổ chức lễ Phật Đản đơn giản.
Trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều khẩu hiệu, bích chương nhắc nhở lẫn nhau hạn chế đi lại. Thế nhưng có một tổ chức duy nhất ngạo nghễ đứng trên các quy định ấy. Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tưng bừng tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở từ thành phố đến nông thôn, quy tụ hàng trăm người.
Điển hình của tệ trạng này chính là Nghệ An, quê hương Xô Viết, quê Bác kính yêu.
Tuy chưa phát hiện có ca nhiễm virus Vũ Hán tại địa phương, nhưng Nghệ An có rất nhiều nguy cơ: Ca nhiễm thứ 137 đang điều trị ở Hà Nội là người gốc Yên Thành Nghệ An; 12 người Nghệ An có mặt trên chuyến bay có người dương tính với virus Vũ Hán vẫn đang còn đang bị truy tìm tông tích; nguy cơ thứ 3 của Nghệ An là 72 người từ Lào trở về đang được cách ly và làn sóng những người từ Lào trở về tiếp tục gia tăng.
Đền thờ ông Hồ Chí Minh, tượng Lê Nin không phải là thuốc vạn năng để chống virus Vũ Hán, lý luận Mác Lê lại càng không. Chỉ có thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống mới tránh đươc nguy cơ bùng phát.
Thế nhưng, trên trang chủ website Truyền hình Nghệ An ngày 26-3, người ta đọc thấy không khí tưng bừng đại hội đảng bộ cở sở của tỉnh. Chỉ tính trên trang này, trong 2 ngày 25 và 26-3 có đến 9 đơn vị xã phường tổ chức đại hội đảng cơ sở như xã Quỳnh Thắng của huyện Quỳnh Lưu, xã Nghi Kim TP.Vinh, xã Hữu Kiệm huyện Kỳ Sơn,….(1)
Các cuộc đại hội này đều tổ chức trong phòng kín, máy lạnh, tập trung trên dưới 100 người là những điều kiện tối ưu để dịch lây lan, bùng phát.
Việc làm này không tự phát mà có sự chỉ đạo từ cấp cao nhất. Trong cuộc họp Bộ Chính Trị chỉ đạo về công tác phòng chống dịch virus Vũ Hán ngày 20-3, chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và sau đó là văn bản, chỉ đạo việc chống dịch phải gắn với đại hội đảng cơ sở “Các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị và các nội dung chỉ đạo trong điện của Thường trực Ban Bí thư ngày 14-3-2020 về tổ chức đại hội Đảng cấp cơ sở.
Trong thời điểm khó khăn và phức tạp này, Bộ Chính trị kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam ta nhất định chiến thắng đại dịch COVID-19”. (2)
Điều thật khó hiểu là mỗi đại hội đảng bộ cơ sở quy tụ ít nhất từ hàng chục tới trên dưới 100 người, thời gian làm việc của mỗi đại hội tối thiểu cũng 8 tiếng đồng hồ, đương nhiên là trong những phòng máy lạnh. Điều này hoàn toàn trái ngược với biện pháp cơ bản của phòng chống dịch là tụ tập đông người. Đại hội đảng hoàn toàn là công việc chủ quan, đâu phải chuyện xuống giống cho kịp mùa vụ hay gieo tinh heo bò mà phải thúc bách thời gian ngay trong cao điểm thời cơ vàng chống dịch.
Nếu dịch chỉ bùng phát giới hạn trong thành phần ưu tú của đảng thì đó là điều đáng mừng với dân tộc, xin mời giai cấp lãnh đạo cứ tha hồ đại hội ăn chia chức vụ vai vế tranh giành ngôi thứ. Nhưng rất tiếc là dịch không tha một ai. Chỉ riêng một Phó Chủ Tịch Hội Đồng Lý Luận trung ương bị nhiễm đã liên quan đến 500 người khác.
Vấn đề thứ hai không kém quan trọng là tình trạng bất nhất, Chính phủ và các Bộ Ngành liên quan bù đầu vắt óc tìm giải pháp chống dịch thì Đảng lại chỉ đạo làm trái ngược. Chống dịch như chống giặc mà Đảng và Chình phủ chỏi nhau thì làm sao thắng giặc?
Ngay ngày 26-3, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo cụ thể hơn ít nhất trong 2 tuần tới, yêu cầu người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người” (3)
Ác thay, có lẽ về thẩm quyền ông Phúc chỉ có thể chỉ đạo chính quyền các cấp, còn đảng thì vẫn đứng ngoài cuộc chơi chống dịch tiếp tục thực hiện chỉ thị 135 của Ban Bí Thư và chỉ đạo ngày 20-3 của BCT.
Bức xúc trước thực trạng oái oăm này, bà Nguyễn Thế Thanh, cựu TBT báo Phụ Nữ TP.HCM đã đưa thông tin về chỉ đạo của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và viết trên Facebook “Đây, thưa các anh chị lãnh đạo chính trị cấp phường đang khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện những cuộc tụ tập chắc chắn đông trên 20 người ! Ở Nga, ông Putin quyền lực ngút trời đã vừa cho tạm hoãn thời hạn trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp mà Duma đã hợp ý. Theo hiến pháp sửa đổi này, ông Putin có thể ở ngôi suốt đời !” (4)
Nhưng cũng có địa phương xé rào, không theo ý chỉ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngày 26-3, Thành ủy Đà Nẵng có Công văn 4095-CV/TU về tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Công văn yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị tại Đà Nẵng tập trung cao độ công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn TP.
Các cấp ủy Đảng tạm hoãn việc tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở, kể cả đại hội điểm cho đến khi có chỉ đạo mới để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất” (4)
Nhân mùa đại dịch chúc đại hội đảng cơ sở và trên cơ sở thành công tốt đẹp. Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
https://truyenhinhnghean.vn/thoi-su-chinh-tri/dai-hoi-dang-cac-cap/202003/dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-xa-quynh-thang-quynh-luu-nhiem-ky-2020-2025-7fe1720/
https://tuoitre.vn/bo-chinh-tri-kien-quyet-kiem-soat-lay-nhiem-covid-19-ho-tro-doanh-nghiep-nguoi-dan-20200321191805048.htm
https://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-tam-dung-moi-cuoc-hoi-hop-tap-trung-tren-20-nguoi-899979.html
https://plo.vn/dich-covid-19/da-nang-hoan-het-dai-hoi-dang-bo-co-so-de-chong-dich-covid19-900123.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/gather-of-more-than-20-people-not-allowed-but-the-party-still-has-meetings-03272020111426.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?