Pháp không loại trừ khả năng can thiệp vào Syria

media

Chiến đấu cơ Rafale của Pháp tại Irak.REUTERS/ECPAD - Armee del'Air/J.Brunet/Handout via Reuter

 
Cho tới nay, khác với Hoa Kỳ, Pháp chỉ tiến hành các cuộc không kích vào Irak nhằm chặn đứng đà tiến của lực lượng Nhà nước Hồi giáo, nhưng nay Paris không loại trừ khả năng can thiệp cả vào Syria.

Tám ngày sau khi Pháp bắt đầu tham gia oanh kích, các chiến đấu cơ của Pháp và Mỹ chia nhau phần lớn nhiệm vụ và các mục tiêu. Không lực Hoa Kỳ liên tục oanh tạc vào các vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở cả Irak lẫn Syria, còn các chiến đấu cơ Rafale của Pháp chỉ nhắm vào lực lượng thánh chiến ở Irak. Tính từ ngày 15/09 cho đến nay, Pháp chỉ mới thực hiện hai vụ oanh kích và khoảng một chục chuyến bay thám thính, thấp hơn rất nhiều so với hơn 200 lần oanh kích của không quân Mỹ tính từ ngày 08/08.
Ban đầu Paris đã loại trừ khả năng Pháp can thiệp vào Syria, nhưng theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian, vấn đề này kể từ nay đang được đặt trên bàn thảo luận. Theo AFP, những người thân cận với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhấn mạnh rằng « hiện giờ chúng ta chỉ mới ở giai đoạn đầu » và hành động của liên minh quốc tế, đứng đầu là Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ kéo dài hàng tháng.
Thật ra chính nước Pháp vào năm ngoái đã chủ trương mở các cuộc oanh kích vào Syria, nhưng Paris đã từ bỏ ý định này sau khi Washington đổi ý, không muốn can thiệp để lật đổ chế độ Bachar al-Assad. Từ đó đến nay, chính phủ Pháp rất do dự với kế hoạch tấn công vào Syria. Thứ nhất, Paris muốn được bảo đảm rằng các cuộc không kích sẽ không làm lợi cho chính quyền Bachar al-Assad. Thứ hai, những cuộc không kích phải phục vụ đúng mục tiêu mà Pháp đề ra, tức là củng cố lực lượng cho phe đối lập ôn hòa ở Syria.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại Liên Hiệp Quốc trong tuần này đã nhìn nhận rằng về mặt pháp lý quốc tế, không có gì ngăn cản việc can thiệp vào Syria. Ông Fabius nói rằng hiện giờ Pháp tập trung vào việc yểm trợ phe đối lập ôn hòa ở Syria, nhưng tùy theo tình hình Paris có thể thay đổi chiến lược.
Trước mắt, trên trận địa Irak, các phi công Pháp và Mỹ trao đổi với nhau những tin tức tình báo về các mục tiêu không kích vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Mục tiêu chính của Pháp hiện giờ là làm suy yếu khả năng quân sự của lực lượng thánh chiến, để quân đội của Nhà nước Irak có thể chiếm thế thượng phong và giành lại toàn bộ những phần lãnh thổ đã bị mất. Chiến dịch sẽ kéo dài bao lâu là tùy thuộc vào khả năng của quân đội Irak khôi phục khả năng chiến đấu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?