Ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, lợi hay hại cho kinh tế Anh ?

 
Ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, lợi hay hại cho kinh tế Anh ?
 
Anh Quốc đang đứng trước một sự chọn lựa lịch sử : Ra khỏi hay ở lại Liên Hiệp Châu Âu ?AFP

Đi hay ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu ? Đó là câu hỏi người dân Anh phải trả lời vào ngày 23/06/2016. Luân Đôn thua thiệt nhiều nếu đa số công luận Anh nghiêng về kịch bản Brexit. GDP sẽ giảm từ 4 đến 10 % do thất thu về thương mại và tài chính.

Vậy thì tại sao trong các nghiên cứu thăm dò về ý định bỏ phiếu, hai phe đòi ở lại và từ giã Châu Âu lại đang ngang ngửa nhau, để đến nỗi, không chỉ Bruxelles mà cả Mỹ, Trung Quốc đều lo ngại nước Anh của thủ tướng David Cameron "ly dị" với Châu Âu ?
Gần 90 % trong số 600 chuyên gia kinh tế được tham khảo ý kiến đều nói tới những tác động tai hại trong trường hợp đa số dân Anh đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu – Brexit, chữ ghép từ British và Exit, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016. Trên đây là kết quả thăm dò do Viện Ipsos-MORI công bố hôm 29/05/2016.
Chia tay với Liên Hiệp Châu Âu, kinh tế Anh sẽ đổ dốc trong 5 năm sắp tới. Trong mắt 82 % những người được hỏi, kịch bản Brexit cũng sẽ đè nặng lên thu nhập của các hộ gia đình ở bên kia bờ biển Manche, gia tăng áp lực lên thị trường lao động, và làm giảm giá đồng bảng Anh.
Về phần cơ quan tư vấn kinh tế Price Water Coopers (PwC) dự đoán là kinh tế Anh sẽ bị thiệt hại đến 100 tỷ bảng – tương đương với 5 % GDP của nền kinh tế thứ 3 trong Liên Hiệp Châu Âu ; gần 1 triệu người lao động mất việc làm do hàng trăm doanh nghiệp dời trụ sở khỏi Vương quốc Anh.
Báo cáo dài hơn 200 trang của chính phủ Anh được công bố và đầu tháng 4/2016 cho thấy, quay lưng lại với Liên Hiệp Châu Âu, thu nhập của mỗi hộ gia đình sẽ giảm đi hơn 5.000 euro vào khoảng năm 2030, thâm hụt ngân sách nhà nước ước tính tăng thêm 45 tỷ euro trong 15 năm sắp tới.
Về phần Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE cuối tháng 4/2016 đã nêu lên những kết luận như sau : Brexit sẽ gây những hậu quả tai hại cho kinh tế Anh và gây xáo trộn cho các đối tác trong OCDE nói chung, cho Châu Âu nói riêng. Ngay từ tháng 10/2015 chi phí bảo hiểm về nợ của nước Anh đã tăng mạnh, đề phòng kịch bản Brexit, đồng bảng Anh tuột giá.
Trả lời đài truyền hình France 24, giáo sư kinh tế Elie Cohen giảng dậy tại Học Viện Khoa Học Chính Trị Paris, Sciences Po, nhấn mạnh đến ba yếu tố giải thích vì sao kinh tế Anh bị thiệt hại trong ngắn và trung hạn nếu như phe bài Châu Âu thắng thế :
« Thứ nhất, không một báo cáo nào tin là kịch bản Brexit sẽ có lợi cho kinh tế Anh nói riêng, cho Liên Hiệp Châu Âu nói chung. Cũng không một công trình nào công nhận các lập trường cho rằng, đứng ngoài Liên Hiệp Châu Âu, nước Anh sẽ tự do hơn để định đoạt về chính sách kinh tế, hay thương mại của mình.
Điểm thứ nhì, các nghiên cứu nói trên đều cho thấy tăng trưởng của Anh sẽ bị giảm từ 1 đến 4 điểm trong trường hợp Luân Đôn tách rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu bởi lẽ, nếu phe chống Châu Âu thắng thế thì nước Anh sẽ phải mất 2 năm đàm phán lại với Bruxelles về những điều kiện để vẫn có thể tham gia khu vực tự do mậu dịch với 27 thành viên còn lại trong Liên hiệp.
Trong hai năm đó, không có gì rõ ràng về vị trí của nước Anh đối với Liên Hiệp Châu Âu và do vậy đầu tư, các hoạt động tài chính, giao thương giữa Liên Hiệp Châu Âu với Anh sẽ bị giảm đi đáng kể.
Vấn đề thứ ba, là ngay trước mắt, nếu như kết quả trưng cầu dân ý cho thấy phe bài Châu Âu thắng thế, thì lập tức giá đồng bảng Anh sẽ giảm mạnh, chỉ số chứng khoán của toàn khối sẽ mất từ 10 tới 15 %. Thế rồi, đừng quên vai trò trọng yếu của khu tài chính City ở Luân Đôn. Sở dĩ khu vực này được mệnh danh là lá phổi tài chính Châu Âu, là do khu City là cánh cổng đưa tư bản của thế giới vào thị trường Châu Âu. Khi tách rời khỏi Bruxelles, Luân Đôn mất đi lợi thế đó. Anh Quốc sẽ phải đàm phán lại với các đối tác Châu Âu về điểm này. Do vậy theo tôi, trung cầu dân ý về câu hỏi đi hay ở lại Châu Âu thuần túy là một vấn đề chính trị nội bộ của nước Anh, nhưng lại bắt cả Châu Âu phải chú ý ».
Thủ tướng Cameron đùa với lửa
Như giáo sư Elie Cohen vừa nói, nhiều người cho rằng, thủ tướng Anh đùa với lửa, khơi dậy tinh thần bài châu Âu của người dân Anh, để rồi về mặt kinh tế nước Anh chẳng được lợi lộc gì mà lại có nguy cơ làm tiêu tan những nỗ lực tăng trưởng của chính mình, gây thiệt hại cho các đối tác chung quanh.
Ngay cả trong trường hợp đa số dân Anh đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, trên thực tế Luân Đôn mới bắt đầu đàm phán về quy chế của Anh Quốc sắp tới trong quan hệ với Bruxelles. Lịch đàm phán dự trù kéo dài trong 2 năm, tức đến năm 2018.
Ba kịch bản có thể mở ra : một là Anh sẽ vẫn ở lại trong Không Gian Kinh tế Châu Âu, như là trường hợp của Na Uy hiện tại, và trong trường hợp này, Luân Đôn tiếp tục đóng góp vào ngân sách chung của Châu Âu, tuân thủ luật chơi chung của thị trường và các công dân Anh vẫn được hưởng quyền tự do đi lại trong Liên Hiệp. Khác biệt duy nhất là Luân Đôn mất quyền biểu quyết tại Hội Đồng Châu Âu.
Khả năng thứ nhì là Anh Quốc được tham gia vào thị trường chung Châu Âu đối với một số ngành nghề, hay lĩnh vực kinh tế. Đây là trường hợp giữa Liên Hiệp Châu Âu với Canada và Thụy Sĩ. Trong kịch bản cuối cùng, Anh sẽ là một đối tác thương mại của Châu Âu, tương tự như mọi thành viên trong Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế.
Đành là trong cán cân thương mại của Anh, Liên Hiệp Châu Âu chỉ chiếm 45 %, nhưng là thành viên trong cùng một gia đình Châu Âu đã cho phép các sản phẩm của Anh dễ dàng tiếp cận một thị trường với 500 triệu người tiêu dùng.
Nhưng trong mọi trường hợp, những tác động tiêu cực đầu tiên đánh thẳng vào kinh tế của Anh, như phân tích sau đây của chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế (CAE) của phủ Thủ tướng Pháp, chuyên gia Angès Bénassy Quéré :
« Ra khỏi Châu Âu, kinh tế Anh, và kèm theo đó là đơn vị tiền tệ của quốc gia này, sẽ bị yếu đi bởi nhiều lý do : tới nay, Anh Quốc được coi là địa điểm thuận lợi để nhiều tập đoàn có trụ sở tại Ireland, hay các vùng đặt dưới ảnh hưởng của Luân Đôn đầu tư vào Châu Âu. Trong trường hợp Brexit, đầu tư ngoại quốc vào Anh giảm mạnh.
Trước mắt, chưa thể xác định một cách chính xác, thiệt hại đó sẽ lên tới bao nhiêu. Đương nhiên là dù có đứng ở bên trong hay bên ngoài Liên Hiệp, Anh Quốc vẫn là một đối tác thương mại của Liên Hiệp Châu Âu. Đối với Pháp chẳng hạn, Anh mua vào 7 % hàng xuất khẩu của Pháp và là khách hàng quan trọng của Paris, trước Hoa Kỳ. Không một đối tác nào trong Liên Hiệp Châu Âu có lợi khi kinh tế của Anh đi xuống. Đổi lại, nếu như Luân Đôn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thay vì đổ vào Anh, sẽ chuyển hướng sang Pháp hay Đức, Ý.
Ngoài ra, đối với kinh tế Anh, tăng trưởng có được hiện nay một phần là nhờ vào các làn sóng người nhập cư nước ngoài. Đó vừa là nguồn lao động, vừa là nguồn tiêu thụ quý giá giúp cho kinh tế Anh được năng động. Phe ủng hộ Brexit quên mất rằng, nếu ra khỏi Châu Âu, người nhập cư vào Anh giảm đi, và qua đó nước Anh sẽ mất đi một nguồn lực quý giá ».
Liên Hiệp Châu Âu mất gì khi chia tay với Luân Đôn ?
Về phía Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles nỗ lực tìm kiếm đồng thuận với thủ tướng David Cameron để giữ Luân Đôn lại trong đại gia đình Châu Âu vì nhiều lý do : Anh Quốc là nền kinh tế lớn thứ ba trong Liên Hiệp, là trung tâm tài chính số 1 tại Lục địa Già. Luân Đôn lại là một nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách của cả 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, ngân sách chung của Liên Hiệp chỉ tương đương với 1 % GDP của toàn khối. Do vậy giới chuyên gia cho rằng, nhìn về tổng thể, sau khi chia tay, Anh Quốc thiệt thòi nhiều hơn so với 27 thành viên còn lại.
Dù vậy, cơ quan tư vấn tài chính và kinh tế Euler Hermes chờ đợi, nếu kịch bản Brexit thành hiện thực, theo thứ tự, Bỉ, Ireland, Hà Lan, Đức, Pháp và ngoài Liên Hiệp Châu Âu là Hoa Kỳ sẽ bị thiệt hại, do các quốc gia này là những bạn hàng chính của Anh. Cán cân thương mại của Đức đối với Anh có thể bị giảm tới 6,8 tỷ euro một năm, trong đó ngành công nghệ xe hơi Đức thất thu đến gần 2 tỷ. Thiệt hại đối với các doanh nghiệp Pháp là ở vào khoảng hơn 3 tỷ euro một năm.
Thực ra, rủi ro đối với Liên Hiệp Châu Âu một khi Anh Quốc bước ra ngoài Liên Hiệp là rồi đây,, sẽ có những quốc gia khác noi gương Luân Đôn và khi đó mái nhà chung Châu Âu sẽ tan rã.
Mối hoài nghi với Châu Âu
Trở lại với cử tri Anh đang đứng trước một sự chọn lựa mang tính quyết định, tất cả các nhà phân tích đều nhắc lại rằng, ngay từ đầu khi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn đã có đầy rẫy những tính toán, và đây chỉ là một cuộc hôn nhân gượng ép, bởi vì Anh Quốc chưa bao giờ thực sự cảm thấy hoàn toàn là một thành viên của Châu Âu. Nước Anh không sử dụng đồng euro, và vẫn còn đứng ngoài Không gian tự do đi lại Shengen.
Yves Pertonicini giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Âu Jacques Delors, phân tích về những yếu tố sâu xa khiến người dân Anh chưa bao giờ mặn mà với Châu Âu :
« Tôi tin nhiều vào những yếu tố lịch sử và địa lý. Về mặt địa lý, nước Anh là một hòn đảo, mà trong quá khứ từng ngự trị trên cả một đế quốc rộng lớn. Trong quan điểm của người Anh, nước Anh có lợi hơn khi giao lưu với các nền kinh tế đang phát triển, đó là những khu vực đang có tỷ lệ tăng trưởng cao.
Thứ nữa, Anh Quốc là thành viên hiếm hoi trong Liên Hiệp Châu Âu mua bán với 27 nền kinh tế còn lại ít hơn so với các đói tác ngoài Liên Hiệp. Về mặt lịch sử, dân Anh chưa bao giờ tin tưởng Liên Hiệp Châu Âu là một lá chắn, đem lại hòa bình và thịnh vượng. Luân Đôn luôn xem việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu như một cuộc hôn nhân có tính toán được, thua. Nếu xét thuần túy về mặt lợi ích thì chắc chắn là dân Anh sẽ quyết định ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu.
Vấn đề đặt ra là ngoài yếu tố kinh tế, thương mại, còn phải kể đến tình cảm của người Anh. Họ vốn luôn hoài nghi với Châu Âu và xem mái nhà chung đó là một trở ngại đối với quyền tự chủ của Vương quốc Anh. Nhìn dưới khía cạnh đó, có thể là bên đòi Brexit sẽ thắng thế ».
Trong mắt nhà báo Sophie Pedder, thông tín viên thường trực của tạp chí The Economist tại Paris, chưa chắc là khi bỏ phiếu ngày 23/06/2016, người Anh cân nhắc những được, thua về kinh tế. Công luận Anh chỉ lo đánh mất bản sắc dân tộc, chủ quyền, khi lệ thuộc vào Liên Hiệp Châu Âu.
Như trong tất cả mọi cuộc chia tay, hay khi các cặp vợ chồng ly dị sau nhiều năm chung sống, những quyền lợi kinh tế tài chính, không hẳn là những yếu tố quyết định khi họ không còn yêu nhau.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện