Tin Việt Nam

Mỗi ngày ở Việt Nam có 72 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông

RFA
2016-05-30
         

tngt.jpg
Tai nạn giao thông khiến người điều khiển xe máy tử vong
Youtube screenshot
            
Mỗi ngày ở Việt Nam có 72 người thương vong vì tai nạn giao thông trong 5 tháng đầu năm 2016.
Theo số liệu trong báo cáo của Tổng Cục Thống kê vừa công bố, cho thấy trong vòng 5 tháng qua đã xảy ra gần 8400 vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam, làm cho 3588 người chết và 7339 người bị thương, bình quân có 72 người thương vong vì tai nạn giao thông.
Báo cáo cũng cho biết số các tỉ lệ số vụ tai nạn giảm, số người thiệt mạng và số người bị thương đều giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Ấn Độ muốn bán tên lửa hiện đại cho Việt Nam

RFA
2016-05-30
000_Hkg10225670.jpg
Một mô hình của tên lửa hành trình BrahMos do Ấn Độ hợp tác với Nga trong triển lãm Quốc phòng và An ninh năm 2015 tại Bangkok vào ngày 03 Tháng 11 2015.
AFP PHOTO
            
Ấn Độ đang muốn bán các tên lửa hiện đại cho Việt Nam.
Báo chí Việt Nam trích nguồn tin từ nước ngoài nói như vừa nêu và thêm rằng các công ty quốc phòng tư nhân và nhà nước của Ấn Độ như Tata, Brahmos Aerospace sẽ tháp tùng Bộ trưởng quốc phòng Manohar Parrikar sang thăm Việt Nam vào đầu tháng sáu tới đây.
Cũng theo báo chí Việt Nam thì Ấn Độ có thể bán cho Việt Nam tất cả các loại vũ khí, trong đó có nhiều loại tương đồng với hệ thống vũ khí của Nga mà cả hai nước đều đang sử dụng.
Loại vũ khí được nhắc tới nhiều nhất là tên lửa siêu thanh Brahmos dùng để tiêu diệt chiến hạm. Đây là loại tên lửa mà Ấn Độ hợp tác sản xuất với Nga, và có thể rất hữu dụng đối với Việt Nam, quốc gia có bờ biển dài và đang phải đối phó với các tàu chiến ngày càng nhiều của Trung Quốc.

Hải ngoại tuyệt thực đồng hành cùng Trần Huỳnh Duy Thức

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-05-30
 

bieutinh-620.jpg
Biểu tình tập thể ở California đồng hành cùng Trần Huỳnh Duy Thức hôm 29/5/2016.
Photo by Nguyễn Thiện Thành
        
Từ lúc18 giờ tối ngày 28 tháng 5 cho tới 8 giờ tối ngày 29 tháng 5 một cuộc tuyệt thực tập thể của người Việt tại Nam California đã diễn ra nhằm đống hành cùng tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức.
Vào lúc 7 giờ tối ngày 29 tháng 5 có chừng 15 người vẫn còn ngồi tại góc đường Bolsa và Morgan trước tiệm Lee’s Sanwiches tuyệt thực trong im lặng. Tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần cho biết mục đích cuộc tuyệt thực này đã làm chị cùng với anh Nguyễn Thiện Thành chung tay kêu gọi người tham gia, chị cho biết:
Tôi là Tạ Phong Tần cùng một người bạn của tôi là anh Nguyễn Thiện Thành tổ chức cuộc tuyệt thực để ủng hộ anh Trần Huỳnh Duy Thức với lý do chúng tôi nghe gia đình anh Thức nói rằng anh ấy tuyên bố tuyệt thực cho đến chết. Tôi là một người tù lương tâm đã từ nhà tù cộng sản Việt Nam bước qua đây và anh Thức cũng là một người tù giống như tôi cho nên tôi đồng tình và ủng hộ anh Thức vì anh đã đấu tranh chống nhà cầm quyền cộng sản trong tù vì giữa những người tù nhân lương tâm thì phải ủng hộ cho nhau, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ.
Ở đây ban đầu có rất nhiều anh em trong cộng đồng tham gia trong đó có Thị trưởng Tạ Đức Trí, anh Trương Đại Vinh là Chủ tịch cộng đồng phía nam ở đây, anh Nguyễn Kim Bình Phó chủ tịch cộng đồng, chú Phan Kỳ Nhơn rồi anh Tùng đại diện Mạng lưới nhân quyền Việt Nam và rất nhiều anh em tham dự. Sau lễ khai mạc vào lúc 8 giờ tối đến khoảng 2 giờ khuya thì mọi người đi về bớt. Những người còn ở lại cho đến thời điểm này có 13 người và dự định sẽ kết thúc cuộc tuyệt thực vào lúc 8 giờ tối hôm nay tức là đúng 24 tiếng đồng hồ.
Anh Sơn, một trong những người tham gia tuyệt thực cho chúng tôi biết lý do khiến anh không ngần ngại ngồi tuyệt thực trong gần 24 giờ qua như sau:
Tôi là Sơn, tôi đến đây tham gia vì tôi là người dân ở Nam Cali và thấy các cư dân ở đây họ đang đứng lên để đồng hành với anh Trần Huỳnh Duy Thức vì mình biết rằng anh ấy đã tuyên bố tuyệt thực và đã tuyệt thực mấy ngày nay và sẽ tuyệt thực cho đến chết. Cả gia đình ảnh cũng đang tham gia cuộc tuyệt thực đó. Chúng tôi thấy là trách nhiệm của người hải ngoại ít nhất cũng phải tham gia và đồng hành tuyệt thực với Trần Huỳnh Duy Thức qua việc làm của ảnh.
Theo chúng tôi được biết tình hình cụ thể của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức qua một tù nhân lương tâm khác là ông Nguyễn Xuân Nghĩa, bạn tù với anh Thức viết trên Facebook của ông như sau: “Tôi có cuộc tâm tình với bác sĩ Lộc (đang làm công tác y tế cho tù nhân trong trại 6 (Thanh chương-Nghệ An). Bác sĩ rất ngạc nhiên khi tôi gọi điện đến. Theo thuật lại, ngay ngày đầu tiên anh Thức tuyệt thực vị bác sĩ đã gặp anh Thức trên tinh thần không chính trị. Hai người nói chuyện rất cởi mở. Vị bác sĩ- ở khía cạnh con người, ông thừa nhận cấp độ văn hóa và tinh thần của anh em TNLT, ở khía cạnh nghề nghiệp, ông đưa ra vài lời khuyên để Trần Huỳnh Duy Thức ngừng tuyệt thực.
Ông ghi nhận thái độ ôn hòa,lịch lãm tôn trọng cá nhân dù người đó là cai tù hay tù nhân, đồng thời ông cũng thừa nhận sự thông minh uyên bác và kiên cường của THDT. Bác sĩ luôn nhắc lại với tôi rằng ông không nói với THDT và với tôi bây giờ trên cương vị người "cán bộ trại giam"; ông nhận thức các vấn đề chúng ta đang mong nhiều người nhận thức được. Vì vậy ông cũng luôn giải thích những khó khăn của ông hiện tại. Ông hỏi tôi có chuyển lời nhắn nào đến THDT không, ngày mai ông gặp THDT với nhiệm vụ của người bác sĩ”.
Đài Á Châu Tự Do sẽ liên tục cập nhật tình trạng sức khỏe của anh Trần Huỳnh Duy Thức khi có thể.

Thanh niên tình nguyện hòa bình Mỹ trở lại Việt Nam

Kính Hòa, phóng viên RFA
2016-05-30
      
BVPhu_20160528_PeaceCorps_H03_GroupPhoto_Arrival-622.jpg
Đoàn thiện nguyện viên Peace Corps vừa đến Togo, tháng 6 năm 1983.
Hình do Anh Phú cung cấp
 
Trong chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai nước đã chính thức công bố rằng Tổ chức thanh niên tình nguyện hòa bình của Hoa Kỳ (gọi tắt là Peace Corps) được phép đến Việt Nam thực hiện các công tác tình nguyện của tổ chức này.

Giúp các quốc gia có nhu cầu cần phát triển

Từ California, một cựu thành viên Peace Corps là nhà báo tự do Bùi Văn Phú dành cho Kính Hòa buổi trao đổi về vấn đề này, trước hết ông nói về việc thành lập tổ chức Peace Corps:
Bùi Văn Phú: Peace Corps của Hoa Kỳ được cố Tổng thống John Kennedy thành lập vào năm 1961. Từ đó đến nay, Hoa Kỳ đã gửi các tình nguyện viên đến các nước cần sự phát triển để giúp các nước đó. Mục đích của Peace Corps, thứ nhất là giúp các quốc gia có nhu cầu cần phát triển. Thứ hai là giúp những người Mỹ hiểu biết những quốc gia mà họ đến đó phục vụ. Thứ ba là giúp các dân tộc mà có đoàn tình nguyện tới làm việc hiểu biết thêm về nước Mỹ. Tới nay theo tôi biết thì có khoảng 220 ngàn tình nguyện viên được gửi đi khắp nơi trên thế gới.
Tôi nghĩ hoạt động nổi bật là giáo dục. Như ở những nước Châu Phi tôi qua, cần rất nhiều thầy cô dạy các môn về khoa học như toán, lý, hóa, rồi còn có nhu cầu học tiếng Anh.
-Bùi Văn Phú
Kính Hòa: Việc tuyển chọn người làm việc cho Peace Corps diễn ra như thế nào?
Bùi Văn Phú: Mình có thể vào Website của Peace Corps để nộp đơn. Trong đơn đó thì có nhiều câu hỏi liên quan đến bản thân của mình, cũng như là những gì mình đã học hỏi, học  những lớp nào, đại học nào, và mình muốn đi phục vụ trong lĩnh vực nào.
Ngoài ra cũng cần có sự giới thiệu, như những giáo sư đã từng dạy mình, bạn bè mình, người chủ mình làm việc trước đây. Sau khi nộp đơn thì văn phòng Peace Corps sẽ có một buổi gặp gỡ phỏng vấn, giống như một buổi phỏng vấn xin việc. Họ sẽ hỏi những câu hỏi như là lý do tại sao mình muốn làm việc này, hay là cái khả năng của mình đến những nước thiếu tiện nghi, thiếu điện, thiếu nước, thì mình có sống được không.
Sau đó chắc cũng phải chờ 3 đến 4 tháng, khi họ thấy khả năng mình làm việc được thì họ sẽ gửi thư yêu cầu mình đi làm hồ sơ sức khỏe, còn vấn đề an ninh thì họ sẽ yêu cầu cơ quan FBI xem hồ sơ của mình có phạm pháp hay không.

BVPhu_20160528_PeaceCorps_H11_Classroom_Chemistry-400.jpg
Anh Bùi Văn Phú trong giờ dạy hóa học ở Togo. Hình do Anh Phú cung cấp.


Kính Hòa: Ứng viên cho Peace Corps phải là công dân Mỹ?
Bùi Văn Phú: Chắc chắn phải là công dân Mỹ.
Kính Hòa: Điểm qua những hoạt động của Peace Corps từ khi thành lập đến giờ ông thấy họ có những hoạt động nào nổi bật?
Bùi Văn Phú: Tôi nghĩ hoạt động nổi bật là giáo dục. Như ở những nước Châu Phi tôi qua, cần rất nhiều thầy cô dạy các môn về khoa học như toán, lý, hóa, rồi còn có nhu cầu học tiếng Anh. Rồi nếu cần có nước uống thì có những toán đi đào giếng nước. Tức là những nhu cầu căn bản, đơn sơ nhất của con người ở những khu vực sâu xa đó.
Kính Hòa: Ngân sách hoạt động của Peace Corps lấy từ nguồn nào?
Bùi Văn Phú: Peace Corps là một cơ quan độc lập, mỗi năm Quốc hội sẽ biểu quyết ngân sách cho chương trình đó. Theo tôi biết thì hiện nay ngân sách là 400 triệu đô la Mỹ một năm, hoạt động độc lập, không phụ thuộc Bộ ngoại giao hay các cơ quan nào khác.

Tùy theo sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ

Kính Hòa: Trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama ở Việt Nam, được biết là đã có sự đồng ý cho Peace Corps hoạt động ở Việt Nam. Theo kinh nghiệm của ông, theo sự quan sát của ông về tình hình Việt Nam thì ông có thấy sự phát triển tốt đẹp cho hoạt động đó không?
Trong giai đoạn đầu tôi nghĩ là có khoảng 20 người. Nhưng trong năm nay tôi cho là không có đủ thời gian để huấn luyện và đưa về Việt Nam, mà sẽ là sang năm mới bắt đầu hoạt động ở Hà Nội và Sài Gòn.
-Bùi Văn Phú
Bùi Văn Phú: Peace Corps đã được vào Việt Nam nhân dịp có chuyến viếng thăm của Tổng Thống Obama trong tuần qua. Đó là một tiến trình theo tôi hiểu là có rất nhiều khó khăn. Tại vì Peace Corps chỉ gửi tình nguyện viên tới khi hai nước là thân thiện với nhau. Chứ ít khi gửi đến những nước không có cảm tình hay thù địch với Hoa Kỳ.
Hồi năm 2008 tôi có gặp ông Michael Michalak đại sứ Mỹ tại Việt Nam vào thời đó, tôi có hỏi ông là quan hệ giữa hai nước có gì đặc biệt hơn, thì ông trả lời là chương trình Peace Corps đã được hai bên thảo luận. Tôi có hỏi chi tiết của chương trình là thế nào, thì ông nói là sẽ đưa tình nguyện viên vào Việt Nam để dạy tiếng Anh, cũng như huấn luyện sư phạm về tiếng Anh. Tôi chờ hoài, và thỉnh thoảng liên lạc với văn phòng của Peace Corps thì họ trả lời là chưa có gì hết. Vào tháng bảy năm ngoái khi tôi gặp ông đại sứ Ted Osius tại San Jose, thì tôi tiếp tục hỏi chuyện đó thì ông trả lời bảo đảm với tôi rằng trong năm nay sẽ có.
BVPhu_20160528_PeaceCorps_H05_AuthorAndNeighbors-400.jpg
Anh Bùi Văn Phú và hàng xóm ở Togo trong một buổi ăn nhậu. Hình do Anh Phú cung cấp.

Theo những thông tin tôi được biết thì ông Trần Đại Quang, lúc đó là Bộ trưởng Bộ công an, đã có chuyến thăm Mỹ, và chính ông là người đã đồng ý cho Peace Corps vào Việt Nam. Vì nó mang tính cách quan trọng trong bang giao hai nước nên phải chờ đến khi Tổng thống Obama sang Việt Nam trong tuần qua mới công bố và ký thỏa hiệp giữa chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trong giai đoạn đầu tôi nghĩ là có khoảng 20 người. Nhưng trong năm nay tôi cho là không có đủ thời gian để huấn luyện và đưa về Việt Nam, mà sẽ là sang năm mới bắt đầu hoạt động ở Hà Nội và Sài Gòn.
Kính Hòa: Ngoài việc giảng dạy tiếng Anh, ông có nghĩ là Peace Corps sẽ mở rộng hoạt động khác trong tương lai ở Việt Nam?
Bùi Văn Phú: Tôi nghĩ đối với Việt Nam mình còn có các lĩnh vực như là nông nghiệp. Tôi từng gặp những bạn đồng hành Peace Corps làm việc đào giếng. Tôi thấy cái đó có thể giúp Việt Nam được ở những vùng sâu xa. Còn ở thành phố lớn thì có thể làm những việc như là IT, việc quản trị thương mại. Cái đó cũng tùy theo chính phủ Việt Nam nữa, nếu họ thấy họ có nhu cầu.
Kính Hòa: Thưa ông, ông có thấy là hoạt động của Peace Corps ở Việt Nam có thể có khó khăn hay không, vì hiện nay hoạt động của các tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam chưa được khởi sắc, chưa được quen?
Bùi Văn Phú: Có thể là đó là vấn đề nhạy cảm giữa hai nước nên chỉ muốn các tình nguyện viên tập trung ở hai thành phố lớn, là Hà Nội và Sài Gòn mà thôi. Trong tương lai nếu có sự tin tưởng giữa hai quốc gia thì người tình nguyện viên có thể đi bất cứ vùng nào vùng sâu vùng xa của Việt Nam. Tôi nghĩ là nó có tăng lên hay phát triển hơn nữa là tùy theo sự phát triển của quan hệ hai nước Mỹ và Việt Nam.
Kính Hòa: Xin cám ơn ông.
Nhà báo tự do Bùi Văn Phú Tốt nghiệp Đại Học Berkeley tại California, từng là tình nguyện viên Peace Corps dạy lý, hóa cấp ba tại Togo, châu Phi. HIện nay dạy toán tại đại học cộng đồng ở California.

Những cựu tù nhân lương tâm từng tuyệt thực lo lắng cho Trần Huỳnh Duy Thức

Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ RFA
2016-05-30         

tran-huynh-duy-thuc.jpg
Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong một lần gặp gỡ gia đình tại trại giam trước đây.
Courtesy photo                        
 
Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực bắt đầu từ ngày 24 tháng 5, theo như xác nhận của chính gia đình sau khi đến thăm ông tại trại 6 Thanh Chương, Nghệ An hôm 14 tháng 5.
Như vậy cuộc tuyệt thực của ông Trần Huỳnh Duy Thức trong trại giam đến nay gần trọn 7 ngày rồi. Thân nhân và những người quan tâm đến ông rất lo lắng cho ông.
Biện pháp ‘cuối cùng’ trong tù
Đến nay tại Việt Nam diễn ra hai đợt kêu gọi tuyệt thực để cùng đồng hành với tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức. Họ bày tỏ sự đồng cảm với quyết định của ông này khi phải dùng đến biện pháp lấy chính mạng sống của bản thân để đòi hỏi trại giam cũng như chính quyền có những hành xử đúng với pháp luật qui định.
Cựu tù nhân lương tâm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết trong thời gian bị tù ông từng có lần tuyệt thực nhưng đến ngày thứ 3 ông không chịu nổi, cho nên bản thân ông rất khâm phục những người như ông Nguyễn Văn Hải- Điếu Cày tuyệt thực lâu nhất được 33 ngày.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nói về điều này:
Tôi nghĩ Trần Huỳnh Duy Thức sẽ không dại gì để mình phải chết. Khi mình tuyệt thực thì trại giam cũng lo lắng vì mình đã can đảm như thế.
- Đặng Ngọc Minh
“Anh Hải Điếu Cày tuyệt thực tổng cộng 33 ngày. Điều này hầu như không ai tin; nhưng sự thực là như vậy vì hồi trong Trại 6 tôi đã chứng kiến toàn bộ sự việc từ ngày đầu tiên anh Hải tuyệt thực cho đến ngày cuối cùng của anh ấy. Biện pháp của anh ấy không đến nỗi cực đoan. Mục tiêu là kéo dài ngày tuyệt thực càng nhiều càng tốt để đánh động lương tâm cũng như dư luận từ bên ngoài. Trong thời gian tuyệt thực ngoài uống nước ra anh ấy cũng phải dùng đến đường và muối pha vào trong nước với tỷ lệ nhất định mà qua các cuộc tuyệt thực trước kia mà anh rút được kinh nghiệm. Chính vì vậy mà anh ấy tuyệt thực được đến 33 ngày.”
Cựu tù nhân lương tâm Đặng Ngọc Minh chia sẻ sự đồng cảm của bà đối với ông Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang phải tuyệt thực trong trại giam:
“Nói chung hằng ngày tôi cũng cập nhật tin tức trên mạng. Vấn đề Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực từ ngày 24 tháng 5 đến nay tôi cũng đồng tình, đồng cảm với Trần Huỳnh Duy Thức. Bởi vì mình ‘cá nằm trên thớt’, mình ở trong tù hình thức duy nhất để mình đấu tranh bất bạo động là bằng cách tuyệt thực để đòi hỏi thôi; chứ mình không thể làm gì khác hơn.”
Quan ngại
Nhiều phân tích cho rằng sức khỏe của ông Trần Huỳnh Duy Thức kém đi nhiều sau hơn 7 năm trời ở trong nhà giam. Do đó quyết định tuyệt thực kéo dài mà như lời ông Thức nói với gia đình hôm ngày 14 tháng 5 ‘đấu tranh này là trận cuối cùng’ gây lo lắng cho rất nhiều người.
Anh Nguyễn Văn Điển, một người từng bị tù tại Malaysia và có lúc phải tuyệt thực trình bày về quan ngại của bản thân đối với sức khỏe của ông Trần Huỳnh Duy Thức:
“Hoàn cảnh và đời sống trong trại giam ở Malaysia điều kiện tốt hơn tại Việt Nam vì môi trường sống và phòng mình ở rất sạch, thông thoáng; do đó về tình trạng của anh Thức tôi rất lo lắng. Anh Thức năm nay cũng 51 tuổi rồi và anh cũng từng nhiều lần tuyệt thực trong nhà tù rồi. Anh Thức cũng thường xuyên sống trong Sài Gòn quen với thời tiết ở đó, nay chuyển ra trại ở Nghệ An sẽ thay đổi môi trường về khí hậu. Tôi sợ đột biến như thế có thể dẫn đến tình trạng đột tử.”
Sống để tiếp tục đấu tranh

1264400_3372527488598_1262372129_o.jpg
Cuốn sách Trần Huỳnh Duy Thức và Con đường nào cho Việt Nam giới thiệu về một người yêu nước bị giam cầm và những trăn trở về đất nước, về dân tộc của Trần Huỳnh Duy Thức - người sáng lập Phong Trào CĐVN.


Tuy nhiên theo kinh nghiệm của bà Đặng Ngọc Minh thì trong tình hình hiện nay, phía trại giam hay chính quyền Việt Nam sẽ không để những tù nhân chính trị phải thiệt mạng trong tù; nhất là đối với tù nhân chính trị nổi tiếng như ông Trần Huỳnh Duy Thức. Cựu tù nhân chính trị Đặng Ngọc Minh phát biểu:
“Tôi nghĩ Trần Huỳnh Duy Thức sẽ không dại gì để mình phải chết. Khi mình tuyệt thực thì trại giam cũng lo lắng vì mình đã can đảm như thế. Trại giam khi đang giam mình cũng sợ ảnh hưởng về vấn đề sức khỏe, tính mạng như thế. Họ không để mình chết đâu. Tôi biết có lần anh Điếu Cày tuyệt thực đến lúc không thể đi được, chỉ bò thôi và trại giam cũng bốc đưa đi bệnh viện chứ không để nằm trong đó chờ chết.”
Cựu tù nhân lương tâm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa có so sánh trường hợp của hai ông Nguyễn Văn Hải- Điếu Cày và ông Trần Huỳnh Duy Thức trong việc tuyệt thực để đòi hỏi trại giam và chính quyền Hà Nội đáp ứng những yêu sách mà họ đưa ra:
“Tôi nghĩ rằng lần tuyệt thực của anh Trần Huỳnh Duy Thức lần này khác hẳn vì nó liên quan đến vĩ mô, liên quan đến thể chế chính trị, liên quan đến vấn đề dân chủ nhân quyền cho nhân dân Việt Nam. Cụ thể anh ấy nói rằng phải trưng cầu dân ý chọn lựa thể chế chính trị, đưa giá trị, tiếng nói, ý kiến của người dân lên trên hết, chứ không phải ý kiến của một đảng cầm quyền. Cho nên cuộc tuyệt thực lần này của anh ấy động chạm đến vĩ mô, động chạm đến ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nên tôi e rằng họ sẽ rất ít chuyển biến, sẽ quan tâm hoặc tìm cách tháo gỡ sự thách thức giữa hai bên. Một bên là tinh thần đấu tranh ôn hòa bằng cách tuyệt thực, một bên là cố vĩnh viễn giá trị, quyền lợi về cầm quyền của mình; nên tôi nghĩ rằng không dung hòa được và sẽ dẫn đến hậu quả anh Trần Huỳnh Duy Thức phải chịu. Có thể anh ấy sẽ suy sụp về thể chất và dẫn đến cái chết.
Lần tuyệt thực của anh Trần Huỳnh Duy Thức liên quan đến vĩ mô, liên quan đến thể chế chính trị, liên quan đến vấn đề dân chủ nhân quyền cho nhân dân Việt Nam.
- Nguyễn Xuân Nghĩa
Tôi đã nói chuyện với ông Lộc vào ngày hôm qua trước khi đưa bản tin lên. Ông Lộc là bác sĩ, người chăm sóc sức khỏe của anh Trần Huỳnh Duy Thức thì bác sĩ cũng khẳng định rằng anh Trần Huỳnh Duy Thức có một thái độ rất cương quyết. Mặc dù với nghĩa vụ của một người bác sĩ và không đứng trên cương vị của người cai tù với tù nhân, ông Lộc đã thuyết phục, nói rất mềm mỏng, có lý có tình với anh Trần Huỳnh Duy Thức. Nhưng cái tình của ông Lộc chỉ là cái tình ở phạm vi của người bác sĩ thôi còn cái nghĩa, trách nhiệm của anh Trần Huỳnh Duy Thức là trách nhiệm với non sông, đất nước nên hai cái đó không hòa hợp được với nhau. Cho nên tôi nghĩ sẽ có những cái liên quan đến tính mạng của anh Trần Huỳnh Duy Thức và tôi rất e chuyện đó.”
Trong những ngày qua, trên mạng Internet cũng như facebook, ngoài kêu gọi cùng tuyệt thực với tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức và những hình ảnh của người đồng hành cùng ông; còn có ý kiến cho rằng cùng đồng hành những không đồng tình về biện pháp tuyệt thực như là trận quyết chiến cuối cùng của ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Ý kiến không đồng tình được facebooker có tên Tâm Anh đăng cho biết của một người bạn gửi và không thể hiện quan điểm của của tác giả; theo đó ‘Trần Huỳnh Duy Thức không được quyền chết’; ‘Đừng để anh Trần Huỳnh Duy Thức thực hiện chính sách cực đoan như của Đảng Cộng sản, mọi cực đoan cần phải được xóa bỏ trong xã hội dân chủ. Mong anh nghe được lời kêu gọi này và đáp lại bằng tiếng nói Dân chủ từ phía anh’.

'Lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh trong tranh chấp Biển Đông'          

Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong.
Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong
 
Tờ Nikkei Asian Review hôm nay dẫn lời cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong nói sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm nghiêng cán cân quyền lực ở châu Á và điều đó thể hiện rõ nhất tại Biển Đông.
Lên tiếng trong một bài phát biểu hôm nay, 30/5 tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 22 về Tương lai Châu Á diễn ra ở Tokyo, ông Goh Chok Tong nói các tranh chấp trên Biển Đông được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc tại nhiều nước tranh giành lãnh hải, nhưng theo lời ông, không thể nào giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ bằng lập luận "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh".
Hội nghị bàn về tương lai của Châu Á, do tờ Nikkei tổ chức, sẽ kéo dài tới ngày mai, thứ ba.
Ông Goh - từng làm thủ Tướng Singapore trong 14 năm, còn đề cập tới các công trình lấp biển xây đảo quy mô do Trung Quốc thực hiện tại Biển Đông, kể cả xây phi đạo, bến cảng, và bố trí các khí tài quân sự. Ông cảnh báo rằng “hậu quả cuối cùng có thể là một Biển Đông bị quân sự hoá nhiều hơn”.
Nhà lãnh đạo lão thành của Singapore khuyến cáo rằng ranh giới giữa các chính sách đối nội và đối ngoại đã bị lu mờ, và cho rằng khích động chủ nghĩa dân tộc có thể tăng khả năng xung đột trên Biển Đông. Ông khẳng định nên giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, gọi tắt là UNCLOS.
Về bức tranh toàn cảnh, ông Goh nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một tác nhân có ảnh hưởng lớn nhất trên toàn cầu trong tương lai có thể trông thấy được. Nhưng giữa lúc Trung Quốc đang tăng tầm ảnh hưởng và trở nên tự tin hơn, các nước “sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh.”
Ông Goh nói sự cạnh tranh giữa các cường quốc là điều không thể tránh khỏi, nhưng không một nước nào muốn phải chọn ngả về bất cứ bên nào.
Ông kết luận rằng ổn định khu vực tại Á Châu sẽ tuỳ thuộc vào quan hệ Mỹ-Trung. Ông nói khu vực này đủ rộng lớn để tất cả các cường quốc lớn đều có thể sống chung, kể cả Nhật Bản, và do đó tất cả các bên liên hệ nên sống chung hoà bình và giải quyết các vấn đề một cách xây dựng, và đừng để cho căng thẳng leo thang.
Nhưng giữa lúc Toà án trọng tài quốc tế tại La Haye đang chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ án chính phủ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông mà Manila gọi là biển Tây Philippines, có nhiều lo sợ căng thẳng sẽ leo thang trong những tuần lễ sắp tới.
Trung Quốc chưa gì đã tuyên bố sẽ bác bỏ phán quyết của toà án quốc tế, làm dấy lên lo sợ về nguy cơ sẽ có đụng độ giữa máy bay Trung Quốc và Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ do những tính toán sai lầm, và bất chấp phán quyết của toà án La Haye, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc xây dựng thêm trên các đảo và bãi đá trên tuyến hàng hải thương mại quốc tế quan trọng ở khu vực để củng cố yêu sách chủ quyền của nước này.
Theo Nikkei Asian Review, Ibtimes.

Báo động: Người Trung Quốc đã lập căn cứ sát nách Cửa Việt-Quảng Trị 

Vị trí khu vực bị Trung Quốc thâu tóm trên bản đồ toàn cảnh (bấm vào để phóng to).
Vị trí khu vực bị Trung Quốc thâu tóm trên bản đồ toàn cảnh (bấm vào để phóng to).
 
Trong một bài bình luận mới đây trên website của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, một học giả Trung Quốc đã nói huỵch toẹt âm mưu của Bắc Kinh một khi chiến tranh Trung – Việt nổ ra là sẽ tìm cách chia cắt Việt Nam từ phía biển.
Xin trích một đoạn trong bài “Học giả Trung Quốc bày mưu chia cắt Việt Nam từ phía biển” trên trang Giaoduc.net ngày 19/4/2016:“…Một khi lực lượng hải quân ngoại bang triển khai từ trên biển thì về mặt địa hình, Việt Nam như ‘dưa hấu gặp dao sắc’, có thể bị tấn công đổ bộ từ bất kỳ địa điểm nào dọc theo đường bờ biển đất liền… Nói cách khác, nếu Việt Nam để mất quyền kiểm soát Biển Đông thì bố trí quân sự của Việt Nam ở miền Bắc mất hẳn chỗ dựa, đầu đuôi khó ứng cứu cho nhau…”
Mặc dù Trung Quốc có thể tấn công đổ bộ từ bất kỳ địa điểm nào dọc theo bờ biển Việt Nam, nhưng tất nhiên họ sẽ nhắm đến những vị trí xung yếu nhất về an ninh quốc phòng.
Đó là những vị trí đáp ứng được ít nhất một trong những tiêu chí sau: (I) thuận tiện cho việc đổ bộ – vùng biển nơi đổ bộ phải đủ sâu cho tàu trọng tải lớn cập bờ, cho phép cả binh lính lẫn các loại vũ khí hạng nặng đổ bộ; (II) nếu đổ bộ thành công, Trung Quốc , họ sẽ khống chế được một khu vực rộng lớn có tầm quan trọng chiến lược; (III) chỉ cần một lực lượng quân sự vừa phải là đủ sức chia cắt Việt Nam tại đó; và (IV) tại vị trí đối diện bên kia biên giới Lào - Việt hoặc Campuchia - Việt Nam, Trung Quốc cũng thiết lập được căn cứ phố hợp, nhằm khi chiến tranh nổ ra, nó sẽ hiệp đồng tác chiến với lực lượng đổ bộ từ biển vào (hoặc với cả lực lượng nằm vùng tại vị trí đổ bộ) để hình thành nên một gọng kìm nguy hiểm.
Hiện nay, Trung Quốc đã chiếm lĩnh được hoặc đang tìm cách chiếm lĩnh nhiều vị trí xung yếu nằm dọc theo bờ biển Việt Nam như Vũng Áng (Hà Tĩnh), Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), Hải Vân (Thừa Thiên – Huế), Silver Shores (Đà Nẵng), Vĩnh Tân (Bình Thuận), Duyên Hải (Trà Vinh), hay Châu Thành (Hậu Giang), v.v.
Cách đây hơn 2 năm, chúng tôi đã từng báo động về việc Trung Quốc sắp lập căn cứ tại Cửa Việt thông qua một “dự án kinh tế” của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – một công ty sản xuất thức ăn gia súc, thuỷ sản và chăn nuôi hàng đầu Việt Nam, vốn thuộc tập đoàn C.P. Group của Thái Lan, nhưng đã bị Trung Quốc thâu tóm. Nhờ sự lên tiếng kịp thời của công luận, dự án này hiện đang bị tạm dừng.
Tuy nhiên, nếu ai đó vội tin rằng Trung Quốc vì thế mà đã từ bỏ âm mưu lập căn cứ ở Cửa Việt thì nhầm to. Đơn giản, Cửa Việt là một trong không nhiều nơi dọc theo bờ biển Việt Nam hội đủ cả 4 tiêu chí nêu trên. Vì thế, nó đã lọt vào “mắt xanh” của các ông chủ Trung Nam Hải từ lâu.
Trong dịp trở lại thăm Cửa Việt vừa qua, chúng tôi lại phát hiện ra là Trung Quốc đang lập một căn cứ khác sát nách cảng Cửa Việt thông qua thủ đoạn núp bóng người Việt để thâu tóm một doanh nghiệp thuỷ sản ở địa phương – đó là Chi nhánh Quảng Trị của Công ty Cổ phần Phát triển Thuỷ sản Huế tại thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong.
Trước kia, đây là một cơ sở thuộc Công ty Thuỷ sản Quảng Trị, một doanh nghiệp nhà nước. Năm 2005, Công ty Thuỷ sản Quảng Trị bị phá sản. Năm 2007, UBND tỉnh Quảng Trị giao cơ sở thuỷ sản này cho một doanh nghiệp nhà nước khác là Công ty Xi măng Quảng Trị. Sau 3 năm trực thuộc Công ty Xi măng Quảng Trị và không hoạt động gì, đến năm 2010, cơ sở này lại được bán cho Công ty Cổ phần Phát triển Thuỷ sản Huế. Và đến Tết Bính Thân vừa rồi, nó đã bị Trung Quốc thâu tóm thông qua một người Việt tên là Hoà, quê ở Thanh Hoá, với mức giá 8 tỷ VNĐ.
Hiện nay, các ông chủ người Hán đang gấp rút sửa sang lại nhà xưởng và xây dựng khu nhà ở cho công nhân trong khi tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý còn lại để cho ra đời một doanh nghiệp Trung Quốc trá hình tại khu vực hết sức nhạy cảm về an ninh quốc phòng này.
Vị trí do người Trung Quốc kiểm soát bao gồm 2 khu: khu văn phòng + nhà ở công nhân và khu nhà xưởng. Tổng diện tích 2 khu này lên tới khoảng 9.000m2.
Người dân địa phương cho chúng tôi biết, nền móng khu nhà ở công nhân được xây hết sức kiên cố và đặc biệt là sâu khác thường: khoảng cách từ nền nhà xuống đáy móng lên đến 2,3m. Các hố móng được lấp đầy cát trắng, với các ống nhựa cắm xung quanh, nghĩa là lượng cát đó có thể được hút ra bất cứ lúc nào để trở thành một hệ thống hầm ngầm bí mật.
Khu vực đã bị Trung Quốc thâu tóm và các vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng xung quanh (bấm vào để phóng to).
Khu vực đã bị Trung Quốc thâu tóm và các vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng xung quanh (bấm vào để phóng to).

Trước khi rơi vào tay Trung Quốc, đây là Chi nhánh Quảng Trị của Công ty Cổ phần Phát triển Thuỷ sản Huế.
Trước khi rơi vào tay Trung Quốc, đây là Chi nhánh Quảng Trị của Công ty Cổ phần Phát triển Thuỷ sản Huế.

Khu văn phòng & nhà ở công nhân (bên trái) và khu nhà xưởng (bên phải) nhìn từ cầu Cửa Việt.
Khu văn phòng & nhà ở công nhân (bên trái) và khu nhà xưởng (bên phải) nhìn từ cầu Cửa Việt.

Khu nhà ở công nhân với nền móng được xây dựng kiên cố khác thường và sâu tới hơn 2,3m.
Khu nhà ở công nhân với nền móng được xây dựng kiên cố khác thường và sâu tới hơn 2,3m.
Từ Cửa Việt lên cửa khẩu Lao Bảo chỉ khoảng 80km, giao thông rất thuận tiện nhờ tuyến đường nhựa lớn nối với quốc lộ 9 chạy thẳng lên Lao Bảo. Bên kia cửa khẩu Lao Bảo là tỉnh Savanakhet, một địa bàn tập trung rất nhiều người Hán cùng các “dự án kinh tế” của họ trên đất Lào.[i] Một khi chiến tranh Việt – Trung nổ ra, lực lượng Trung Quốc từ Savanakhet đánh sang và lực lượng ngoài biển phối hợp với đội quân nằm vùng ở Cửa Việt đánh vào sẽ tạo nên một gọng kìm vô cùng nguy hiểm, đe doạ chia cắt Việt Nam ở khu vực này.
Những căn cứ ven biển của Trung Quốc không chỉ nguy hiểm về mặt quân sự mà, giống như đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Miền Trung thời gian qua, chúng còn âm thầm đầu độc môi trường biển, khiến ngư dân – những “cột mốc chủ quyền” trên biển – không còn tha thiết với việc ra khơi để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Về lâu dài, tình trạng ô nhiễm môi trường biển sẽ làm thui chột nòi giống Việt trong tương lai.
Trong khi lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn không ngớt tụng niệm câu thần chú “4 tốt, 16 vàng”, lãnh đạo Bộ Quốc phòng vẫn chìm đắm trong vòng xoáy kim tiền cùng các màn “giao lưu quốc phòng” với “bạn” thì những gọng kìm của chủ nghĩa Đại Hán vẫn đang ngày đêm âm thầm siết chặt dải đất hình chữ S của chúng ta.
*Ảnh trong bài: Lê Anh Hùng
_______
Ghi chú:
[i] Đây là thông tin mà chúng tôi đã tìm hiểu từ những người hay qua cửa khẩu Lao Bảo sang đất Lào.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?