'Tiếc: chỉ vì cơ cấu mà phải loại!

You need to install Flash Player to play this content.
Vẫn theo ông thì không nên ngăn cản tiếp cận giữa Tổng thống Mỹ với các nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam được phía Mỹ mời như đã xảy ra trong chuyến thăm của ông Barack Obama tới Việt Nam (từ ngày 23-25/5/2016).
"Tôi cho rằng không nên ngăn cản những sự tiếp xúc, tiếp cận như vậy, bởi vì quyết định cuối cùng chính là theo quan điểm của ông Tổng thống, chứ không phải là vì sự tiếp cận ấy," ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội Việt Nam nói với BBC hôm 29/5.
Mở đầu cuộc phỏng vấn với BBC hôm Chủ Nhật, vị Đại biểu vừa tái cử trả lời câu hỏi liệu ông có nêu vấn đề ở Quốc hội Việt Nam hay không, sau khi đã gần hai tháng xảy ra vụ 'Cá chết hàng loạt' ở nhiều tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam.
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng câu chuyện vừa xảy ra ở bờ biển miền Trung thì theo tất cả những thông tin mọi người đã biết, nó đều có được kết luận khoa học rồi.
Thế còn công bố như thế nào thì đến thời điểm này vẫn chưa công bố, nhưng tôi tin chắc rằng trong thời gian rất ngắn tới đây, cái này sẽ được làm cho ngã ngũ, rõ ràng.
Đương nhiên đến thời điểm Quốc hội họp mà không công bố, thì chắc chắn tôi và rất nhiều người khác sẽ đặt vấn đề này với Quốc hội.
Ông Trần Đăng TuấnImage copyrightTRAN DANG TUAN
Image captionNhà báo Trần Đăng Tuấn (trong ảnh) đã bị loại chỉ vì 'cơ cấu' trong cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp ở Việt Nam mới đây, theo Đại biểu Dương Trung Quốc.
BBC: Dường như đến nay, Quốc hội Việt Nam vẫn 'nợ' một số luật, như là luật biểu tình, luật lập hội v.v... và những luật quan trọng khác, sắp tới đây trong nhiệm kỳ thứ tư của mình, ông dự định có ý kiến như thế nào về những vấn đề đó?
Ông Dương Trung QuốcNgay khóa 13 cũng đã bàn tới chương trình làm luật, cũng có nhắc đến một số luật bị gác lại vì nhiều lý do.
Nhưng đều đặt rõ chương trình trong thời gian sắp tới sẽ phải sớm đưa vào thực hiện, nhất là sau khi Hiến pháp (Việt Nam) 2013 đưa ra những vấn đề liên quan đến quyền con người, nó đã trở thành một đòi hỏi bức xúc của xã hội nữa.

Không nên ngăn cản

BBC: Vừa rồi Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam, ông dự định gặp một số khách mời của ông là một số nhà hoạt động ở xã hội dân sự, trong đó có một số người được cho là đã bị chặn, không gặp ông ấy được, trong đó có ông Nguyễn Quang A, blogger Đoan Trang và một số người khác, thì Đại biểu Quốc hội có ý kiến gì về câu chuyện đó?
Ông Dương Trung Quốc: Nhưng thông tin cụ thể, thì tôi không phải là người chứng kiến, tôi cho rằng là không nên ngăn cản những sự tiếp xúc, tiếp cận như vậy, bởi vì quyết định cuối cùng chính là theo quan điểm của ông Tổng thống, chứ không phải là vì sự tiếp cận ấy.
Quan điểm cá nhân tôi, tôi cho là không nên có sự ngăn cản nào cả, nhưng thực tế diễn ra như thế nào thì quả thật tôi không được biết.
BBC:Vừa rồi có khá nhiều người tự ứng cử vào Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam, một loạt người đã bị loại, trong đó có những người ứng cử tự do và độc lập, ông đánh giá thế nào về chuyện đó, nhất là có các ý kiến nói các kỳ bầu cử ở Việt Nam vẫn còn là 'Đảng cử, dân bầu' ?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng chuyện tiến hành bầu cử, thì bao giờ cũng có một quy trình độc lập pháp luật quy định, nhưng mà rõ ràng trong thực tiễn xảy ra cũng có một số trường hợp chính cá nhân tôi cũng đã phát biểu ý kiến rồi.
Rằng những vòng để tuyển chọn thì đương nhiên phải làm cho đúng luật, thế nhưng có những trường hợp như tôi nói trường hợp như anh Trần Đăng Tuấn (BBC: nhà báo, nguyên Phó Tổng Giám đốc VTV) chẳng hạn, tôi thấy là anh có những phẩm chất rất xứng đáng.
Image copyrightJIM WATSON AFP GETTY IMAGES
Image captionTổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và phái đoàn Mỹ tiếp xúc các nhà hoạt động xã hội dân sự của Việt Nam hôm 24/5/2016 tại Hà Nội.
Và tất cả những lần tuyển chọn đều vượt qua được, thế nhưng chỉ vì cái gọi là cơ cấu, cuối cùng phải loại ra - đó là điều hết sức đáng tiếc. Rõ ràng là cho dù cuộc bầu cử năm nay, số lượng - số dư, ở Việt Nam gọi là 'số dư', có nhiều hơn trước, nhưng tôi cho rằng có nhiều hơn nữa thì nó chỉ làm cho chất lượng của bầu cử tốt hơn mà thôi.

Chẳng khác gì lý lịch?

BBCÔng bình luận thế nào về việc con trai của một cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội vừa đắc cử Đại biểu Quốc hội của Hà Nội khóa 14 hay trường hợp phu nhân của một đương kim Phó Thủ tướng Chính phủ hiện nay cũng trúng cử ở tỉnh Nghệ An?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng trước hết phải xem là pháp luật có ngăn cản không? Nếu pháp luật quy định là không nên có những người có những quan hệ như thế trong một tổ chức như Quốc hội, thì điều đó có thể xem xét.
Thế còn cách đặt vấn đề như vừa nêu lên thì chẳng khác gì chúng ta đang bàn đến câu chuyện lý lịch. Điều quan trọng nhất là chính bản thân những người đó có đủ phẩm chất hay không, năng lực, trình độ và có được sự tín nhiệm hết sức minh bạch hay không, điều đó quan trọng hơn là người đó xuất thân từ đâu, từ trên xuống hay là từ dưới lên.
BBC: Hỗ trợ xã hội dân sự và dân chủ hóa ở Việt Nam sắp tới đây có phải là một trong những ưu tiên của ông, hay ông có ưu tiên gì khác?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng dân chủ hóa là một tiến trình và rõ ràng nó đang có những biểu hiện tích cực, vấn đề còn lại là tốc độ như thế nào cho phù hợp, hay có thỏa mãn được mong muốn của người dân cũng như nhu cầu của sự phát triển hay không.
Tôi cho đấy là vấn đề cần được xem xét và cá nhân tôi luôn luôn coi hoạt động trong tổ chức Quốc hội cũng có nghĩa là hoạt động trong sự vận hành của quá trình dân chủ hóa ấy. Đương nhiên cá nhân tôi cũng như các Đại biểu Quốc hội khác cũng phải thể hiện vai trò của mình.

Làm cho nhanh mà thôi

BBC: Còn việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người thì sao?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng trước hết phải thừa nhận nó đã được đề cập hết sức căn bản trong Hiến pháp 2013, nếu so với những bản Hiến pháp trước.
Image copyrightFACEBOOK VIET NHAT TV
Image captionĐại biểu Quốc hội Việt Nam cũng nói là sẽ lên tiếng tại Quốc hội 14 về vụ cá chết hàng loạt, nếu từ nay tới đó không công bố rõ ràng nguyên nhân.
Và cùng với xu thế phát triển xã hội, kể cả hội nhập thế giới, tôi cho là xu hướng đó không thể đảo ngược được.
Chỉ có vấn đề là làm thế nào nhanh hơn mà thôi.
BBC: Tái cử Đại biểu Quốc hội lần thứ tư, trong một trăm ngày đầu nhiệm kỳ mới, ông dự định làm gì?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ trong một trăm ngày đầu thì bình thường tháng Bảy này có triệu tập Quốc hội.
Còn bây giờ tôi vẫn thực thi đúng trách nhiệm của một Đại biểu Quốc hội khóa 13, cho đến khi Quốc hội khóa 14 triệu tập.
Và sau đó tất nhiên với tư cách Đại biểu Quốc hội, chúng tôi thực hiện đúng chương trình làm việc của Quốc hội và những chức trách của mình đối với cử tri.
Ông Dương Trung Quốc là Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam, tại kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp khóa 14 diễn ra ngày 22/5, ông trúng cử với tỷ lệ 74,22% phiếu bầu tại đơn vị ứng cử tỉnh Đồng Nai. Trước đó, ông là Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII và XIII cũng của tỉnh này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?