Tin khắp nơi

Posted on 29/05/2016

Tin khắp nơi

Gần 700 di dân chết đuối ngoài khơi Libya

Tàu thuyền bị lật ngoài khơi trên đường tới châu Âu
Image copyright  AP
Image caption  Những di dân này tìm cách tới châu Âu trên những tàu thuyền không đủ tiêu chuẩn đi biển

BBC
Tới 700 người di cư bị cho là có thể đã chết đuối trong một loạt các vụ đắm tàu ngoài khơi Libya trong vài ngày qua, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết.
Những chiếc tàu thuyền bị chìm ở miền nam nước Ý hôm thứ Tư, Năm, và Sáu khi những người nhập cư tìm cách tới châu Âu bằng các phương tiện không có khả năng đi biển.
Thời tiết mùa xuân khiến làn sóng người nhập cư gia tăng khi họ tìm cách vượt qua vùng biển giữa châu Phi và châu Âu.
Nay đây là tuyến đường di cư chính kể từ khi có thỏa thuận nhằm ngăn chặn người di cư đi qua ngả Hy Lạp.
Bà Carlotta Sami, phát ngôn viên của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, UNHCR, đưa ra các chi tiết về các vụ dắm tàu thuyền:
  • Gần 100 người nhập cư mất tích khi một con tàu của những kẻ buôn lậu người bị lật hôm thứ Tư.
  • Khoảng 550 người nhập cư mất tích từ một con thuyền bị đắm sáng hôm thứ Năm. Những người sống sót nói thuyền không có động cơ và được một tàu của những kẻ buôn lậu người kéo đi.
  • Trong vụ đắm tàu thứ ba diễn ra hôm thứ Sau, 135 người được cứu thoát, trong khi 45 thi thể được vớt lên và một con số không được xác định những người vẫn đang bị mất tích.
Trong khi đó Tổ chức MSF Sea cho rằng con số tử vong trong tuần qua có thể còn lên tới trên 900 người.
Những người sống sót được đưa tới các cảng Taranto và Pozzallo của Ý.
Đức Giáo Hoàng cầm áo phao của những di dân được cứu từ các tàu thuyền đắm
Image copyright  AP
Image caption    Giáo hoàng gặp trẻ em ở Vatican hôm thứ Bảy và nói di dân “không phải là mối nguy hiểm mà đang bị nguy hiểm”                 
Trong khi đó giới chức trách Ý cho biết một tiểu hạm đội của EU cứu được hơn 600 người nhập cư ngoài khơi Libya hôm thứ Bảy đã đưa tổng số người được cứu vớt từ các tàu thuyền này lên tới ít nhất 13.000 người.
Những đợt cứu vớt người mới nhất này do các tàu tuần tiễu đa quốc gia được điều động tới vùng Địa Trung Hải thực hiện.
Bà Carlotta Sami nói với BBC: “[Một trong những điều đáng lo ngại nhất] là những tàu thuyền này đã cùng khởi hành chỉ trong vài ngày … Nó đang gây áp lực nặng nề cho lực lượng cứu trợ.”

Đụng độ tại cuộc vận động của ông Trump

BBC
28 tháng 5 2016
Biểu tình phản đối ong Trump
Image copyright                  AFP
Image caption                                     Những người phản đối Donald Trump biểu tình ngoài Trung tâm hội nghị San Diego                
Những người ủng hộ và phản đối ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đụng độ bên ngoài Trung tâm hội nghị San Diego ở California, nơi cảnh sát chống bạo động được triển khai.
Cảnh sát tuyên bố việc tập trung bên ngoài trung tâm hội nghị thành phố là phạm pháp.
Họ bắt giữ 35 người vì hành vi ném đá và chai lọ.
Ông Trump đến thành phố gần biên giới với Mexico này nhằm vận động tranh cử trước kỳ bầu cử sơ bộ tại California vào ngày 7 tháng Sáu.
Ông này từng hứa nếu thắng cử sẽ xây một bức tường biên giới để ngăn chặn người nhập cư trái phép.

‘Công việc tuyệt vời’

Đụng độ nổ ra khi mọi người đi ra khỏi trung tâm hội nghị sau bài phát biểu tranh cử của ông Trump.
Những người ủng hộ và phản đối gặp nhau trên đường phố, chế giễu và chất vấn nhau.
Hàng chục nhân viên cảnh sát trong tư thế sẵn sàng chống bạo loạn đã được triển khai để tách hai nhóm người trên.
Một vài người phản đối đã leo lên bức tường của trung tâm hội nghị rồi ném chai lọ vào cảnh sát.
Sau khi yêu cầu đám đông giải tán, cảnh sát di chuyển họ ra khỏi khu vực Gaslamp Quarter của thành phố.
Cảnh sát chống bạo động
Image copyright                  Reuters
Image caption                                     Cảnh sát San Diego đã được triển khai để chia tách hai nhóm ủng hộ và phản đối.                

Dân số thành phố San Diego có khoảng một phần ba là người Mỹ gốc Latinh.
Hàng trăm ngàn người trong số đó đi lại qua biên giới Mỹ với Mexico hàng ngày một cách hợp pháp.
Một người biểu tình tại San Diego, Martha McPhail, nói với truyền thông địa phương City News Service:
“Tôi phản đối ngôn ngữ kích động sự căm ghét, kỳ thị chủng tộc và giới tính của ông Donald Trump, cũng như sự ngạo mạn và không khoan dung của ông ta.”
“Tôi ủng hộ tất cả mọi người – bất kể chủng tộc, giới tính, cựu chiến binh – trong khi ông Trump lại gây chia rẽ.”
Tuy nhiên một người ủng hộ ông Trump là Riley Hansen lên tiếng bảo vệ thương gia gây tranh cãi này.
“Bố tôi luôn nói rằng chúng ta cần một Tổng thống có đầu óc kinh doanh. Tôi thích chính sách của ông Trump,” Hansen nói với hãng truyền thông CNS.
Sở cảnh sát San Diego nói đã bắt giữ 35 người, tuy nhiên chưa có tin tức nào về thiệt hại về tài sản hay người bị thương.
Ông Trump đã nhắn tin trên mạng xã hội Twitter khen ngợi cảnh sát:
“Việc trấn áp những kẻ du côn gây gián đoạn cuộc vận động bầu cử hòa bình và đông người tham gia của chúng ta là một công việc tuyệt vời”.

‘Không có hạn hán’

Trước đó, ông Trump phát biểu tranh cử tại Fresno về việc bang California “không có hạn hán”, mặc dù bang này đang chứng kiến giai đoạn khô hạn nhất trong vòng bốn năm qua.
Sau khi nói chuyện với một số nông dân than phiền về việc thiếu nước tưới tiêu nông nghiệp, ông Trump nói:
“Họ không hiểu, không ai hiểu gì hết. Không có hạn hán nào cả. Họ đang đưa nước ra biển”.
Dường như ông này ám chỉ việc nước đang được rút từ sông Sacramento ra Vịnh San Francisco, một phần trong nỗ lực bảo vệ các loài sinh vật bị đe dọa.
Ông Trump vận động tranh cử
Image copyright                  epa
Image caption                                     Ông Trump nói quá trình đề cử của Đảng Dân chủ bị “dàn dựng”.                 
Ông Trump nói nếu lên cầm quyền, ông sẽ “bắt đầu mở nước” để đảm bảo nông dân có đủ nước cho trồng trọt.
Điều này dẫn đến nhiều lời bình luận chế giễu từ phía mạng xã hội.
Một số lời bình luận trên trang Twitter thậm chí còn đưa đường dẫn đến diễn viên Charlton Heston là người đóng vai Moses rẽ nước Biển Đỏ trong bộ phim ‘Mười điều răn của Chúa’ năm 1956.
Hiện ông Trump đang vận động tranh cử tại bang California mà không có đối thủ, sau khi các đối thủ khác của Đảng Cộng hòa đã rút lui.
Ông này cũng đã đạt được số lượng cử tri cần thiết để chắc chắn được Đảng của ông đề cử. Tuy nhiên quyết định này chưa được chính thức hóa.

‘Kẻ bắt nạt’

Trước đó, vào thứ Sáu, ông Trump từ chối lời đề nghị tham gia phiên tranh luận với ứng cử viên Đảng Dân chủ là ông Bernie Sanders.
“Dù rất muốn tranh luận với ông Bernie Sanders – và đây sẽ là một ngày… thật dễ dàng, tôi sẽ đợi tranh luận với người cán đích đầu tiên của Đảng Dân chủ, có thể là bà Hilary Clinton – một người ‘không thật thà’, hoặc với bất cứ ai đi nữa”, ban vận động tranh cử của ông Trump nói.
Ông Sanders nói với phóng viên trong chiến dịch tranh cử của mình là ông hy vọng ông Donald Trump sẽ thay đổi ý kiến.
“Này ông Trump, ông sợ hãi điều gì?” ông Sanders nói, và gọi ứng cử viên đảng Cộng hòa là “kẻ bắt nạt”.
Ông Trump nói quá trình đề cử ứng viên tranh cử chức vụ Tổng thống của Đảng Dân chủ bị “dàn dựng”.
Theo đó bà Clinton và Chủ tịch Hội đồng Quốc gia của Đảng dân chủ là bà Deborah Wasserman Schultz không để cho ông Sanders chiến thắng trong việc đề cử.
Một kết quả trưng cầu dân ý mới nhất cho thấy bà Clinton đang dẫn điểm trước ông Trump khoảng 4%.

Người Việt hải ngoại ‘càng vững mạnh’

Phạm Cao Dương         Gửi cho BBC từ California
  • 17 tháng 9 2014
Chia sẻ

Image caption                                     Lễ khánh thành tượng Đức Thánh Trần tại Little Saigon đầu tháng 9                
Gần đây có quyết định dựng tượng Đức Thánh Trần ở Little Saigon. Tôi không rõ trên giấy tờ liên lạc với Toà Thị Chính Thành Phố Westminster ban tổ chức đã dùng danh xưng của tượng là gì nhưng ở đây tôi vẫn dùng danh xưng là Tượng Đức Thánh Trần.
Khác với các nhân vật lịch sử khác như Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Lý Thường Kiệt, Lê Thái Tổ, Quang Trung …, tất cả đều có đền thờ và được dân chúng địa phương quanh năm hương khói, đến ngày kỵ đều được các quan lại địa phương hàng năm chính thức đến tế. Chỉ riêng có Trần Hưng Đạo ngoài đền thờ, còn được coi là đã hiển linh để phù hộ, giúp đỡ đồng bào của mình, che chở mọi người chống lại tà ma, quỉ quái. Đức Thánh Trần với các con trai và các gia tướng của Ngài như Yết Kiêu, Dã Tượng luôn luôn được truyền tụng là đã hiển linh trong các công tác này. Những chuyện như Phạm Nhan chuyên môn tìm ăn máu dơ của phụ nữ làm cho họ mắc bệnh, mảnh chiếu lấy từ đền thờ của ngài là những chuyện phổ thông trước đây ai cũng biết
Sự kiện các dân di cư tị nạn khi ra đi đã mang theo các thần của mình là một sự kiện đã xảy ra từ lâu trong lịch sử nhân loại. Dân Hy Lạp trong các thế kỷ thứ bảy và thứ tám kéo dài đến hết thế kỷ thứ năm trước Thiên Chúa, khi có những cuộc tranh chấp nội bộ ở các đô thị-quốc gia, những city-states, những polis, của họ, điển hình là hai đô thị Athens và Sparta, các phe bại trận bị loại trừ phải bỏ xứ mà đi. Họ đã tạo nên một đường viền Hy Lạp chung quanh Địa Trung Hải với những quốc gia-đô thị, những polis mới ở nam Âu, ở Tây Á và luôn cả ở Phi Châu. Khi ra đi họ đã mang theo văn minh Hy Lạp và đặc biệt là các thần linh Hy Lạp của họ. Với những yếu tố văn minh, văn hóa và đặc biệt là tín ngưỡng này, những đô thị-quốc gia mới của họ, mặc dù vẫn giữ được những liên hệ lịch sử, văn minh và văn hoá, đã trở thành hoàn toàn độc lập với các đô thị-quốc gia mẹ, đã tự mình đứng vững và phát triển, không còn bị các quốc gia-đô thị mẹ chi phối về phương diện chính trị và sinh hoạt hàng ngày nữa.
Người Tầu khi di cư ra khỏi quê hương của họ cũng làm những việc tương tự. Bằng chứng là các “chùa Tầu” đã hiện diện ở khắp thế giới và ở miền Nam Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là ở Saigon. Tất cả đã trở thành nhũng nơi thăm viếng mà du khách khi tới Saigon đều phải biết và ít nhiều ghé qua. Chính người viết bài này hồi trước năm 1975, khi dẫn sinh viên đi du khảo quanh vùng Thủ Đô Saigon, cũng đã ghé thăm những nơi này. Điều đáng để ý là những nơi này luôn luôn có nhiều khách hành hương tới viếng trong đó rất đông là người Việt. Nơi đây khói hương ngày đêm nghi ngút, không bao giờ tàn lạnh.

Image caption                                     Chiến tranh kết thúc, nhiều người Việt bỏ nước ra đi                
Cho tới nay, Cộng Đồng người Việt ở Hải Ngoại đã được gần tròn 40 tuổi, đã trải qua giai đoạn sống còn, đã mỗi ngày mỗi thêm vững mạnh về đủ mọi phương diện để trở thành thành phần thứ hai độc lập với thành phần thứ nhất của dân tộc Việt Nam.
Cộng Đồng Hải Ngoại của chúng ta trẻ trung hơn, năng động hơn,có tiềm năng hiểu biết cập nhật hơn, có nhiều khả năng phát triển hơn nhờ đã hình thành và phát triển trong những quốc gia tân tiến nhất trên thế giới, so với thành phần thứ nhất mỗi ngày già cỗi hơn, mòn mỏi hơn, kiệt lực hơn, không còn đủ khả năng nhận thức và ngay cả sử dụng những khả năng trí tuệ vẫn còn không ít của mình. Tuổi trẻ Việt Nam ở Hải Ngoại có thể vào và đã vào bất cứ một đại học danh tiếng nào nếu các em mong muốn và được cha mẹ khuyến khích. Rất đông các em đã đạt được điều này. Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đã tự mình hội đủ mọi điều kiện để tự đứng vững. Chúng ta đã có đầy đủ nếu không nói là khá đông các chuyên viên trí thức thượng thặng từ các khoa học gia, các giáo sư đại học, các học giả tốt nghiệp từ các học viện lớn và hiện đang phục vụ trong các trung tâm, các viện nghiên cứu bậc nhất trên thế giới để góp sự hiện diện của mình với các sắc tộc khác. Chúng ta cũng đã có những chỉ huy cao cao cấp trong quân đội, kể cả tướng lãnh. Chúng ta cũng có những chỉ huy trưởng khu trục hạm tối tân nhất của Hải Quân Hoa Kỳ, những nữ đại tá người nhỏ thó chỉ đứng đến nách những đồng sự hay thuộc cấp của mình nhưng vẫn được họ chào kính một cách trịnh trọng. Họ cũng là con em của chúng ta đó.
Trong địa hạt chính trị, người Việt nay cũng đã đi rất sâu và rất cao trong hệ thống chính quyền của nhiều nước, ở đủ cả ba ngành, ngay cả ở cấp trung ương. Nhiều người trẻ cũng đã xuất hiện và đã thành công xuất sắc. Họ thông thạo ngôn ngữ, được học, được sống và hiểu biết về xã hội nơi họ đang cư ngụ. Họ bắt đầu thay thế cho thế hệ cha anh đã đến tuổi xế chiều, nhưng vẫn hiểu biết về Việt Nam và thông thạo tiếng Việt.

Image caption                                     Người Việt nay có cộng đồng lớn tại Mỹ                
Sang một địa hạt khác gần gũi với mọi người hơn là địa hạt giáo dục. Ở đây tôi chỉ nói vế các cấp trung tiểu học và mẫu giáo, những cấp học cơ bản liên hệ trực tiếp tới các em nhỏ của chúng ta trong cộng đồng. Con số những thày cô giáo người Việt hiện diện trong các trường địa phương mỗi ngày một nhiều. Nghề làm thày cô giáo không còn bị chê so với các nghề khác như trong những thập niên đầu. Nhiều người tỏ ra đã yêu mến nghề dạy học ngay từ khi còn học ở bậc trung và luôn cả tiểu học. Họ đã đạt được ước vọng và sau nhiều năm hành nghề vẫn tỏ ra yêu nghề hơn bao giờ hết. Nhiều người đã chuyển sang cấp chỉ huy làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường khi chán phụ trách lớp. Nên nhớ là, ít ra là ở Mỹ, dạy ở cấp nào cùng được coi là quý, là trọng, không nhất thiết là ở bậc đại học, nơi kiếm được một chỗ làm rất khó vì rất hiếm, cạnh tranh giữa các sắc dân Á Châu rất nhiều, bè cánh phe phái rất nhiều. Điều quan trọng là ở chính mình và hạnh phúc của chính mình.
Cộng đồng của chúng ta đã độc lập, đã tự đứng vững và phát triển trong suốt 39 năm qua không hề phải nhờ và vào chính quốc. Trái lại, hàng chục tỷ đôla hàng năm đã được gửi về làm giàu cho các cán bộ và các đại gia ở trong nước. Có điều thay vì để yên cho thành phần thứ hai của dân tộc này phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau song song phát triẻn, cùng hưởng thì các “đỉnh cao trí tuệ” ở trong nước đã coi nó như một con gà đẻ trứng vàng, tìm cách ảnh hưởng tới nó, bắt nó đẻ nhiều hơn, thậm chí bắt và giết nó. Riêng trong phạm vi dạy tiếng Việt có người còn cổ võ đưa các thày ở trong nước ra dạy ở các trường hải ngoại. Cổ võ nhưng vị này không hề quan tâm đến tình trạng suy đồi thậm tệ của tiếng Việt ở ngay chính trong nước mà rất nhiều bài thuyết trình, khảo cứu đã được phổ biến trong nhiều cuộc hội thảo ở khắp nơi trên thế giới, ở Mỹ. ở Canada, ở Úc, ở Pháp, trên báo chí, truyên truyền thanh, truyền hình, trong những năm qua.
Sự hình thành của Cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại coi như thành phần thứ hai của dân tộc là một cơ hội ngàn năm một thuở chúng ta có được, sau khi người dân Việt Nam đã phải trải qua nhiều chục năm dài đầy chiến tranh, đau thương, chết chóc và bất hạnh. Chúng ta đã không có được một lãnh thổ duy nhất, một chính quyền chung nhưng chúng ta có những con người, có chung một lịch sử, một nguồn gốc, đã ra đi trong cùng một hoàn cảnh, một thời điểm. Nói một cách khác, chúng ta đã có một Siêu Quốc gia Việt Nam không có lãnh thổ, không có chính quyền, không có thủ đô nhưng tất cả đều nằm sâu thẳm trong lòng mọi người dân của nó. Một siêu quốc gia như vậy thích hợp hơn với sinh hoạt quốc tế trong thời hiện tại, thời mà biên giới giữa các nước đã mờ dần trước sự phát triển chung của cả nhân loại. Cũng nói cách khác, nếu trong thế kỷ 19, một học sinh người Anh được học rằng “Mặt trời không bao giờ lặn trên Đế Quốc Anh” thì khác đi một chút, kể từ thế kỷ 20, một học sinh Việt Nam phải được học rằng “Từ sau năm 1975, mặt trời không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt Nam cư ngụ.”
Cộng Đồng của chúng ta đã vững mạnh và luôn luôn được các nhà cầm quyền bản xứ che chở. Chúng ta không cần phải có sự giúp đỡ từ bên ngoài, nói trắng ra là từ những người này. Phạm Nhan đã bị chém đầu từ bảy thế kỷ trước tuy vẫn còn lảng vảng khắp nơi để kiếm máu dơ của phụ nữ nhưng y sẽ không làm gì được chúng ta vì chúng ta đã có Đức Thánh Trần và Chúa Liễu Hạnh luôn luôn hiển linh và che chở cho chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau giữ cho tượng ngài quanh năm sạch sẽ và nếu có, hương khói lúc nào cũng nghi ngút, để trở thành một thắng tích bất cứ ai ghé Little Saigon đều phải ghé qua để tỏ lòng tôn kính ngài.
Chúng ta đã khơi lại được mạch sống của bảy trăm năm trước. Chúng ta có sống lại được với sức sống do tiền nhân truyền lại cho chúng ta hay không? Điều này tùy thuộc ở chính chúng ta. Chúng ta sẽ coi quyền lực, danh lợi tiền bạc của cá nhân hay phe nhóm là trọng hay sự tồn vong của cả dân tộc là trọng. Đó là tùy thuộc chúng ta. Những người đang sống trên đất mẹ của chúng ta xem ra khó mà làm được điều này vì dù có muốn họ cũng không làm được và không được phép làm và cũng vì tất cả đều đã quá mòn mỏi, khô cằn, nếu không nói là kiệt lực. Tất cả chỉ còn trông cậy ở chúng ta và con cháu chúng ta.
Bài viết phản ánh quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả. Ông Phạm Cao Dương lấy bằng tiến sĩ sử học ở Đại học Paris, và dạy ở nhiều đại học tại Sài Gòn trước 1975. Sau khi sang Mỹ, ông dạy về lịch sử, ngôn ngữ Việt Nam ở một số trường tại Nam California trước khi về hưu.

Thủ tướng Lào kêu gọi đàm phán song phương về Biển Đông

RFI
Đăng ngày 29-05-2016
media
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (trái) được thủ tướng Nhật Shinzo Abe đón ngày 28/05/2016 tại cuộc gặp Nagoya.Eugene Hoshiko / AFP
 Phải chăng đương kim chủ tịch ASEAN đã công khai tán đồng lập trường Trung Quốc trên Biển Đông ? Câu hỏi này đã nổi cộm lên vào hôm nay, 29/05/2016 khi thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, trả lời báo Nhật Bản Asian Nikkei Review, đã cho rằng tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương giữa các nước liên quan. Theo tờ báo Nhật, đây là một lập trường phản ánh quan điểm của Trung Quốc.

Trong bài phỏng vấn dành cho báo Nikkei nhân dịp ông ghé Nhật Bản hôm 27/05 để tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 mở rộng ra cho một số nước đang phát triển trong đó có Lào và Việt Nam, ông Thongloun khằng định rằng ông sẽ « thúc giục các nước liên quan mở đối thoại hướng tới việc giải quyết hòa bình » các tranh chấp lãnh thổ. Theo báo Nikkei, câu nói đó rõ ràng ám chỉ Việt Nam và Philippines.
Đối với Nikkei, tuyên bố của Lào đáng chú ý vì nước này hiện đang làm chủ tịch khối Đông Nam Á ASEAN, bao gồm 10 thành viên, trong đó có Việt Nam và Philippines. Hai nước này đang bị Trung Quốc chèn ép dữ dội trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cho nên rất muốn ASEAN giúp đỡ trong việc kháng lại các hành vi bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông do Trung Quốc tiến hành.
Việt Nam và Philippines đều muốn ASEAN hình thành ra một mặt trận thống nhất để phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Philippines còn yêu cầu Hiệp Hội Đông Nam Á ra một thông cáo chung về phán quyết sắp tới đây của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) về đơn Philippines kiện đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trên yêu cầu này, thủ tướng Lào cũng tỏ ý dè dặt, cho rằng các nước ASEAN cần phải « cẩn thận xem xét tình hình » khi công bố một tài liêu như vậy. Theo ông Thongloun, ASEAN hoạt động bằng sự đồng thuận, và căn cứ vào tình hình hiện nay, tìm đồng thuận trên yêu cầu của Philippines rất khó khăn.
Publicite, fin dans 22 seconds
Theo Nikkei, 10 nước ASEAN hiện đang chia rẽ về việc có nên ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực hay không, với một số nước, trong đó có Singapore cho rằng nên làm, trong lúc một số nước khác, trong đó có Cam Bốt, thì phản đối.
Lời lẽ thủ tướng Lào như đã xác nhận tuyên bố của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây, theo đó có ba nước ASEAN là Cam Bốt, Lào và Brunei đã « đồng thuận » với lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông.
Lập trường này có thể gói gọn như sau : các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc phải đàm phán song phương với Bắc Kinh để giải quyết vấn đề, các nước ngoài không được quyền can dự vào kể cả các định chế quốc tế. Quan điểm chỉ song phương chứ không đa phương này đã bị giới phân tích cho là nhằm mở đường cho Trung Quốc dễ dàng gây sức ép lên các nước nhỏ hơn mình.
Bắc Kinh cũng đang ra sức tìm hậu thuẫn của các nước trên thế giới ủng hộ cho quyết định của Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền – và qua đó là phán quyết – của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về Biển Đông.
Thái độ dè dặt của Lào, nước chủ tịch ASEAN trước đề nghị của Philippines muốn toàn khối ra tuyên bố chung về phán quyết của quốc tế rõ ràng là đã phục vụ mong muốn của Trung Quốc.

TT Philippines vừa đắc cử đòi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết Biển Đông

RFI
Đăng ngày 29-05-2016
media
Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte tại Davao ngày 16/05/2016.REUTERS/Stringer
Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Liên Hiệp Quốc ở La Haye về việc Philippines kiện những yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh trong vùng Biển Đông. Theo báo chí Philippines, ông Rodrigo Duterte, người vừa được chính thức tuyên bố đắc cử tổng thống Philippines, đã xác định như trên vào hôm qua 28/05/2016.

Theo website của hãng truyền thông Philippines ABS-CBN, người sẽ nhậm chức tổng thống Philippines vào tháng Sáu tới đây, đã cho rằng Trung Quốc phải tôn trọng quyết định của Tòa Trọng Tài ngay cả khi Manila đã cầu viện Bắc Kinh trong việc xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng vô cùng cần thiết tại Philippines.
Ông Rodrigo Duterte đã khẳng định trước các phóng viên như sau : « Nếu Tòa Trọng Tài ra phán quyết, chúng ta hy vọng là Trung Quốc sẽ tuân theo… Chứ không phải là chỉ vì anh giúp tôi xây dựng đường sắt, mà tôi phải bỏ bãi cạn Scarborough ».
Tổng thống tương lai của Philippines muốn ám chỉ tới sự kiện là vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh cho là của họ dù nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines và được Manila tuyên bố chủ quyền.
Philippines đã kiện các yêu sách quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông ra trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, và tòa án trọng tài dự kiến sắp đưa ra phán quyết.
Liên quan đến các đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ tại vùng Trường Sa, ông Duterte từng tuyên bố rằng bất chấp tính mạng có thể bị đe dọa, ông sẽ đi xe trượt nước (jet ski) đến cắm quốc kỳ Philippines trên các thực thể thuộc chủ quyền của Manila.
Hôm qua, ông nhắc nhở Trung Quốc : « Tôi đã bảo quý vị rằng đó là của chúng tôi. Quys vị không có quyền ở đó ».
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết vùng Biển Đông được cho là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ, đồng thời là tuyến đường hàng hải chính. Ngoài Philippines và Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Venezuela: Chính phủ và đối lập gián tiếp đàm phán thông qua trung gian quốc tế

RFI
Thu Hằng                            
Đăng ngày 29-05-2016
                                        
media
Người ủng hộ đối lập biểu tình đòi tổ chức trưng cầu dân ý phế truất tổng thống Nicolas Maduro tại Caracas, ngày 25/05/2016.REUTERS/Marco Bello
Các đại diện của chính phủ Venezuela và phe đối lập mới đây đã có những cuộc thảo luận riêng rẽ với ba nhà trung gian hòa giải nước ngoài tại nước Cộng hòa Dominica nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay tại Venezuela. Theo nhà tổ chức, các cuộc họp trên diễn ra trong khuôn khổ Liên Minh Các Quốc Gia Nam Mỹ (Unasur).

Hãng tin AFP ngày 29/05/2016, trích thông cáo của tổng thư ký khối Unasur, cho biết hai bên đã làm việc riêng rẽ với cựu thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero, tổng thống Dominica Leonel Fernandez và tổng thống Panama Martin Torijos. Mục đích là để nghiên cứu bối cảnh tổ chức một cuộc đối thoại quốc gia giữa một bên là đại diện chính phủ Venezuela và bên kia là phe đối lập mà đại diện là các đảng thuộc Liên Minh Bàn Tròn Thống Nhất Dân Chủ (MUD).
Unasur đánh giá : « Các cuộc họp này khẳng định mong muốn đàm phán của cả hai phía », đồng thời cho biết đã đề xuất lịch trình các cuộc đàm phán mới để « lên kế hoạch đáp ứng những yêu cầu của mỗi bên ». Trước đó, ba nhà trung gian đã đến thủ đô Caracas để làm việc với tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và phe đối lập, chiếm đa số tại Nghị Viện.
Phe đối lập Liên Minh Bàn Tròn Thống Nhất Dân Chủ muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về bãi chức tổng thống Maduro, người kế nhiệm tổng thống Hugo Chavez và giữ nhiệm kỳ đến năm 2019. Theo kết quả nhiều cuộc thăm dò, phần lớn người dân Venezuela muốn tổng thống Maduro từ chức. Tuy nhiên, phe tổng thống đã bác bỏ.
Về phần mình, trong một bản thông cáo, phe đối lập Liên Minh Bàn Tròn Thống Nhất Dân Chủ đã liệt kê những điều kiện để tham gia đối thoại với phía tổng thổng với mục đích « tìm được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay »
 Ngoài điều kiện tổ chức trưng cầu dân ý, còn phải kể đến yêu cầu trả tự do cho các nhà đối lập bị bắt trong thời gian diễn ra khủng hoảng, chấm dứt « việc trấn áp chính trị » và « chấp nhận hàng cứu trợ của quốc tế về dược phẩm, lương thực để nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ». Cuối cùng là yêu cầu « tìm ra được những giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế đang lan rộng do tình trạng tham nhũng và do mô hình kinh tế chỉ gây ra nghèo đói ».
Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lớn trên thế giới song hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giá dầu giảm. Từ năm 2013, đất nước bị thiếu lương thực-thực phẩm và thuốc men. Quốc gia Nam Mỹ này cũng có tỉ lệ lạm phát cao nhất thế giới : 180,9% vào năm 2015 và có thể lên tới 700% theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?