Bảo vệ Senkaku là nghĩa vụ Hiệp ước

Bắc Kinh tái khẳng định "Điếu ngư là của TQ" sau khi ông Obama cam kết bảo vệ Nhật trong các tranh chấp chủ quyền đảo.

Theo BBC
Cập nhật: 06:55 GMT - thứ năm, 24 tháng 4, 2014

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tái khẳng định sự ủng hộ đối với Nhật trong tranh chấp biển đảo với Trung Quốc sau cuộc hội đàm với Thủ tướng chủ nhà Shinzo Abe.
Ông Obama, người đang có chuyến công du đến bốn nước châu Á, đã cảnh báo không chấp nhận để căng thẳng leo thang và nói ông muốn tranh chấp hiện nay được giải quyết một cách hòa bình.
Tuy nhiên ông cũng nói quần đảo tranh chấp nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh giữa hai nước mà theo đó Mỹ sẽ có hành động nếu Nhật Bản bị tấn công.
Hai lãnh đạo cũng đã thảo luận về một hiệp định thương mại và Bắc Hàn.
Mặc dù không đến Bắc Kinh, nhưng quan hệ với Trung Quốc được cho là vấn đề trọng tâm trong những cuộc gặp của ông Obama với các lãnh đạo khu vực.

'Lập trường lâu nay'

Chuyến công du đến ngày 29/4 của ông Obama diễn ra gần bảy tháng sau khi ông hủy một chuyến thăm khác đến khu vực do Chính phủ Mỹ bị đóng cửa.
Các nhà chức trách nói mục tiêu của chuyến đi là nhằm củng cố lòng tin của các đồng minh châu Á về sự cam kết của Washington đối với khu vực giữa lúc ngày càng có nhiều quan ngại về một Trung Quốc đang lớn mạnh.
Vào tối 23/4, ông Obama đã có một bữa ăn tối thân mật với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Sang ngày hômg sau, hai ông đã có cuộc hội đàm và sau đó là họp báo chung.
"Điều 5 [trong Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhât] được áp dụng cho tất cả các vùng lãnh thổ do Nhật Bản kiểm soát bao gồm quần đảo Senkaku," ông Obama nói.
"Đây không phải là lập trường mới, mà là lập trường từ trước đến giờ," ông nói thêm.
Tuy nhiên, ông Obama cũng nói với ông Abe rằng 'tiếp tục leo thang căng thẳng thay vì đối thoại sẽ là một sai lầm lớn'.

"Liên minh Nhật-Mỹ hiện đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết."
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Mặt khác, tổng thống Mỹ cũng tìm cách giảm nhẹ cam kết bảo vệ Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.
Ông nói rõ rằng cam kết bảo vệ Nhật là ‘một vấn đề lịch sử’ chứ không phải nhằm gây hấn với Trung Quốc.
“Hiệp ước (an ninh) giữa Mỹ và Nhật có trước khi tôi ra đời, cho nên đó không phải là lằn ranh đỏ mà tôi vẽ ra,” ông nói.
Ông cũng kêu gọi Tokyo và Bắc Kinh giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và giữ ‘giọng điệu ôn hòa’.

Xoa dịu Trung Quốc


Thủ tướng Abe rót rượu mời Tổng thống Obama trong bữa tối thân mật
Ông nhấn mạnh rằng Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc nhưng ông lưu ý rằng về mặt lịch sử thì Nhật quản lý những hòn đảo này.
“Chúng tôi không tin rằng hiện trạng sẽ được thay đổi một cách đơn phương,” ông phát biểu trong cuộc họp báo.
Quần đảo có tranh chấp này được Nhật gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và hiện đang do phía Nhật quản lý.
Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây đã tăng cường các hành động nhằm khẳng định chủ quyền của mình, trong đó có việc cho máy bay và tàu ra vào khu vực mà Nhật tuyên bố là không phận và hải phận của họ.
Nhật phải phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong vấn đề an ninh do mối quan hệ đồng minh được thiết lập từ sau Đệ nhị Thế chiến. Trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công, Hoa Kỳ có trách nhiệm phải giúp đỡ.
Các cố vấn của ông Obama đã nhấn mạnh rằng chuyến công du này cũng như chính sách của Washington đối với châu Á không phải nhằm để kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc và rằng tổng thống Mỹ không yêu cầu các nước châu Á phải chọn giữa Washington hay Bắc Kinh.
“Chúng tôi muốn khuyến khích Trung Quốc vươn lên một cách hòa bình,” ông nói.

Ông Obama được Nhật hoàng Akihito tiếp kiến tại hoàng cung
Về phần mình, Thủ tướng Shinzo Abe nói ông và ông Obama đồng ý hợp tác trong việc tiếp cận Trung Quốc và các vấn đề khác, trong đó có Okinawa, nơi sự hiện diện của quân đội vẫn là nguồn gốc gây căng thẳng.
“Liên minh Nhật-Mỹ hiện đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết,” ông Abe nói tại cuộc họp báo chung.

Thỏa thuận thương mại

Vào cuối ngày 24/4, ông Obama sẽ đến Hoàng cung để dự dạ yến. Ông cũng sẽ đến viếng Đền Minh Trị, nơi thờ vị hoàng đế đã chứng kiến nước Nhật vươn lên trở thành cường quốc thế giới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 23/4 đã lên tiếng phản đối lập trường của Hoa Kỳ.
"Cái gọi là liên minh Mỹ-Nhật thực chất là sự dàn xếp song phương từ thời Chiến Tranh Lạnh và điều này không được làm tổn hại đến toàn vẹn lãnh thổ cũng như những quyền lợi chính đáng của Trung Quốc," người phát ngôn Tần Cương nói tại Bắc Kinh.
Ông Abe và ông Obama cũng thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại quy mô với sự tham gia của 12 nước.
"Cái gọi là liên minh Mỹ-Nhật thực chất là sự dàn xếp song phương từ thời Chiến Tranh Lạnh và điều này không được làm tổn hại đến toàn vẹn lãnh thổ cũng như những quyền lợi chính đáng của Trung Quốc."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương
Hiệp định này hiện đang bị bế tắc do mâu thuẫn giữa Washington và Tokyo về thuế nông sản.
Bắc Hàn cũng là một trong những chủ đề được bàn luận. Ông Obama muốn Tokyo và Seoul cùng hợp tác trong vấn đề này, nhưng quan hệ giữa hai nước vẫn còn căng thẳng do những vấn đề liên quan đến lịch sử.
Sau Tokyo, ông Obama sẽ bay đến Seoul, giữa lúc có tin về sự gia tăng các hoạt động ở địa điểm thử hạt nhân của Bắc Hàn - cho thấy khả năng Bình Nhưỡng sẽ thử hạt nhân lần thứ tư.
"Vai trò của Trung Quốc để đẩy Bắc Hàn sang hướng khác là rất quan trọng," ông Obama nói

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?