Khủng hoảng Ukraina đeo bám Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm Châu Á

Tổng thống Mỹ Barack Obama trên chiếc Air Force One tại căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc trước khi đến Malaysia ngày 26/04/2014.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trên chiếc Air Force One tại căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc trước khi đến Malaysia ngày 26/04/2014.
REUTERS/Kim Hong-Ji

Theo RFI
Đức Tâm
Thứ bảy 26/4/2014

Tổng thống Mỹ Barack Obama đề ra chiến lược xoay trục sang Châu Á, coi khu vực này là một ưu tiên, thậm chí là nền tảng của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Thế nhưng, dường như ông không có duyên với Châu Á hoặc châu lục này không gặp may.


Cuối năm ngoái, nguyên thủ Mỹ đã phải hoãn chuyến công du Châu Á do tranh cãi tại Quốc hội, gây bế tắc về ngân sách, với hậu quả là nhiều cơ quan chính quyền phải đóng cửa. Trước đó, vào tháng 03/2010, ông Obama đã phải hủy kế hoạch tới Indonesia và Úc, để vận động thúc đẩy chương trình cải cách y tế - ObamaCare. Rồi đến tháng Sáu cùng năm, Tổng thống Mỹ lại hoãn chuyến đi này do vụ nổ dàn khai thác dầu khí BP trong vùng vịnh Mêhicô, gây thảm họa môi trường.
Lần này, ông Obama đến Châu Á trong lúc xẩy ra khủng hoảng Ukraina, với các mối đe dọa can thiệp quân sự của Nga. Một số nhà quan sát ví von là trong chuyến đi này, Tổng thống Mỹ một mắt để ý đến Châu Á, còn mắt kia đau đáu theo dõi tình hình tại Châu Âu.
Chính nguyên thủ Mỹ cũng thừa nhận việc này, khi ông trả lời một nhà báo Hàn Quốc, tại Seoul : « Tôi không có được sự xa xỉ là mỗi lúc, chỉ lựa chọn một vấn đề » để xử lý.
Theo AFP, trong các cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe, tại Tokyo hay với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, ở Seoul, Tổng thống Obama đã dành phần lớn thời gian để nói về kế hoạch của ông nhằm răn đe Tổng thống Nga Putin trong hồ sơ Ukraina.
Hôm qua, 25/04/2014, Tổng thống Mỹ đã ăn tối một cách vội vã với đồng nhiệm Hàn Quốc, để sau đó điện đàm với lãnh đạo một số nước Châu Âu, về việc tăng cường trừng phạt nhắm vào Nga.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cho rằng Obama có tầm nhìn xa. Tuy phải trấn an các đồng minh trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO, Hoa Kỳ vẫn không từ bỏ chiến lược xoay trục sang Châu Á, để chuyển hướng sang Châu Âu, như Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan đã từng kêu gọi.
Bóng đen của cuộc khủng hoảng Ukraina làm cho Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á lo ngại. Nếu Nga có thể sáp nhập Crimée thì tại sao Trung Quốc lại không hành động tương tự để thỏa mãn các đòi hỏi về chủ quyền trong các tranh chấp lãnh thổ, ở biển Hoa Đông và Biển Đông ?
Tuy là có một sự khác biệt giữa chủ nghĩa xét lại của Nga tại Châu Âu và chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Châu Á, nhưng trong cả hai trường hợp, sự nguyên trạng, tức là ổn định trong khu vực đã bị đe dọa bởi vũ lực. Giấc mơ của ông Putin về một không gian Âu-Á có những âm hưởng giống như « giấc mơ Trung Hoa » của ông Tập Cận Bình.
Tổng thống Mỹ hiểu rõ được điều này, nhưng có những đối sách khác nhau, trước mối đe dọa đến từ Nga và sự thách thức của Trung Quốc. Ngày 23/03 vừa qua, tại Hà Lan, Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng Nga chỉ là một « cường quốc khu vực », « nguy hiểm đối với các nước láng giềng, do sự yếu kém hơn là do sức mạnh », đồng thời, Nga không phải là « mối đe dọa an ninh số một đối với Hoa Kỳ ». Thế nhưng, ông Obama sẽ không có những phát biểu tương tự đối với Trung Quốc, một cường quốc đang trỗi dậy.
Tiếp tục chuyến công du Châu Á, hôm nay, 26/04, Tổng thống Mỹ tới Malaysia và thứ Hai, 28/04, ông sang Philippines. Đây là hai nước Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại Biển Đông. Các nước này, cũng như Nhật Bản, cần Hoa Kỳ đóng vai trò như một cái ô, che chắn, trước thái độ hung hăng của Trung Quốc.
Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, cân bằng lực lượng trên thế giới phụ thuộc vào những bảo đảm an ninh từ phía Hoa Kỳ. Thế nhưng, mỗi khi xuất hiện mối đe dọa đối với sự ổn định, thì các bảo đảm này lại tỏ ra mong manh. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào có thể kiềm tỏa được sự trỗi dậy của các đối thủ tiềm tàng ? Làm thế nào trấn an được các đồng minh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ? Theo giới quan sát, tại Châu Á cũng như ở Châu Âu, Tổng thống Mỹ không có phép mầu nào ngoài việc trông cậy vào khả năng tự bảo vệ của chính các đồng minh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?