Bầu cử Quốc hội : Thủ tướng Merkel nhiều triển vọng thêm nhiệm kỳ ba

Áp phích tranh cử của hai ứng cử viên chủ chốt Peer Steinbrück (SPD) và Angela Merkel tại Berlin (CDU/CSU).

Áp phích tranh cử của hai ứng cử viên chủ chốt Peer Steinbrück (SPD) và Angela Merkel tại Berlin (CDU/CSU).
Reuters

Âu Dương Thệ / Thanh Hà

Ngày 22/09/2013, khoảng 62 triệu cử tri Đức tham gia cuộc bầu cử Quốc hội. Thủ tướng Angela Merkel gần như chắc chắn tiếp tục điều hành đất nước thêm một nhiệm kỳ 4 năm. Kết quả chính thức sẽ được công bố ngay tối nay. Có nhiều khả năng đảng bảo thủ Liên minh Thiên chúa giáo CDU-CSU của bà Merkel sẽ phải thành lập chính phủ liên minh với đảng Dân chủ Xã hội SPD cấp tiến. Phân tích của tiến sĩ Âu Dương Thệ từ Dortmund.


Theo các cuộc thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu gần đây nhất, liên minh Thiên chúa giáo CDU-CSU của bà Angela Merkel được 39 % phiếu ủng hộ. Đảng Tự do FDP do ông Philipp Rosler một người Đức gốc Việt lãnh đạo sẽ chỉ dành được 6 %. Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội Cấp tiến do ông Peer Steinbruk đứng đầu đang được 26 % cử tri Đức có ý định ủng hộ. Điều đó cho thấy, bà Merkel tuy chắc chắn tiếp tục giữ chức vụ thủ tướng, nhưng bà sẽ phải thành lập chính phủ liên minh với đảng SPD của ông Peer Steinbruk.
Trả lời đài RFI Việt Ngữ, tiến sĩ Âu Dương Thệ từ Dortmund – Đức - phân tích về những điểm mạnh giúp bà Angela Merkel tiếp tục được cử tri Đức tín nhiệm và bà là một trong những lãnh đạo châu Âu hiếm hoi giữ vững quyền lực trong cơn khủng hoảng tài chính của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Nhưng trước hết, ông Âu Dương Thệ giải thích qua về thể thức bầu cử khá đặc biệt tại Đức :
Tiến sĩ Âu Dương Thệ (Dortmund)
22/09/2013

Đức là nước Dân chủ đa nguyên theo chính thể Đại nghị nên đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất với nhiệm kì là bốn năm. Quốc hội liên bang bầu Thủ tướng (theo đa số quá bán) và sau đó Thủ tướng sẽ thành lập nội các.
Theo Hiến pháp Đức, Thủ tướng là người đứng đầu hành pháp và có quyền cao nhất.
Điểm quan trọng khác cần lưu ý là, để tránh tình trạng chính trị quá phân hóa cho nên Hiến pháp Đức qui định, một chính đảng chỉ được tham gia vào Quốc hội liên bang nếu chính đảng này được tối thiểu 5% cử tri bỏ phiếu bầu trong cuộc bầu cử (Quốc hội liên bang). Ngoài ra, theo luật bầu cử ở Đức, mỗi cử tri có quyền được hai phiếu, một phiếu bỏ trực tiếp cho ứng cử viên của một chính đảng mà họ tin tưởng và còn phiếu kia cử tri có thể bỏ cho một chính đảng họ tín nhiệm.
Hiện nay Quốc hội liên bang có 620 dân biểu của 5 chính đảng, đó là Liên minh Thiên chúa giáo (CDU/CSU) có khuyng hướng bảo thủ, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) có khuynh hướng xã hội cấp tiến, Đảng Tự do (FDP) tập hợp giới hành nghề độc lập, Đảng Xanh (Grüne) có trọng tâm bảo vệ môi trường và Đảng Tả (Linke) phần chính là hậu thân từ đảng Xã hội Thống nhất Đức (SED), tức Đảng CS ở Đông Đức trước đây.
Trong số này thì Liên minh CDU/CSU và SPD là hai chính đảng lớn nhất, cho nên thay phiên giữ chức Thủ tướng ở Đức từ sau Thế chiến Thứ 2.
Trong các cuộc thăm dò mới nhất thì Liên minh CDU/CSU được 39-40% tín nhiệm của cử tri, SPD (28-29%), Đảng Xanh 9-10%, Đảng Tả 8% và Đảng Tự do khoảng 5%. Như vậy sẽ có nhiều khả năng khác nhau trong việc lập một chính phủ tương lai ở Đức.
Đâu là những lợi thế của bà Merkel và đâu là những khó khăn của bà Merkel ?
Các cuộc thăm dò cho thấy đảng của Thủ tướng Merkel đang dẫn đầu trong dư luận cử tri Đức và uy tín của bà cũng được cử tri đánh giá cao hơn so với ứng cử viên Thủ tướng của đảng SPD là cựu Bộ trưởng Tài chánh Peer Steinbrück.
Tuy nhiên sự khác biệt này đang giảm trong ít ngày gần đây. Chính phủ Liên bang hiện nay là một chính phủ gồm hai chính đảng CDU/CSU và đảng Tự do. Về lí thuyết, nếu FDP được trên 5% phiếu thì bà Merkel có thể tiếp tục lập Chính phủ liên hiệp với FDP. Vì SPD chỉ muốn liên hiệp với Đảng Xanh thôi. Cho nên qua các cuộc thăm dò nói trên, khả năng hai đảng SPD và Xanh lập một chính phủ liên hiệp là rất khó xẩy ra.
Nhưng nan giải chính cho bà Merkel là liệu FDP có vượt qua ngưỡng cửa 5% không? Bởi vì đảng FDP trong mấy năm gần đây vì nhiều lí do khác nhau đã mất sự tín nhiệm rất lớn ở Đức, từ gần 15% đạt được trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang 2009, nay chỉ còn khoảng 5% tín nhiệm. Mới chủ nhật trước trong cuộc bầu cử Quốc hội ở tiểu Bang lớn Bayern, Nam Đức, đảng FDP chỉ được 3,3% phiếu, nên đã mất chân trong Quốc hội ở đây. Chính vì thế từ mấy ngày nay Chủ tịch FDP, Philipp Rösler – người gốc VN - đã kêu gọi lòng thương hại của cử tri thuộc Liên minh CDU/CSU dùng lá phiếu thứ hai bỏ cho FDP.
Nhưng bà Merkel đã lên tiếng phản đối ngay và kêu gọi cử tri đảng của Bà chỉ bỏ cả hai phiếu cho ứng cử viên và Liên minh CDU/CSU thôi. Vì chính bà đã trải qua kinh nghiệm đau đớn này. Thật vậy, trong cuộc bầu cử QH vào đầu năm ở tiểu bang Niedersachen (Bắc Đức), khi ấy hai đảng CDU và FDP đang nắm chính phủ liên hiệp ở đây. FDP đã dùng cách « mượn phiếu » này bằng cách kêu gọi sự thông cảm của giới cử tri thuộc đảng CDU, nên cuối cùng đã giữ chân tiếp tục trong Quốc hội ở đây. Nhưng chính vì thế CDU đã mất nhiều phiếu, cho nên cuối cùng chính phủ liên hiệp bị mất về tay hai đảng SPD và đảng Xanh.
Làm sao giải thích được vị thế chính trị của bà Merkel hiện nay ?
Đây là câu hỏi hay và thú vị. Đến nay bà Merkel đã giữ Thủ tướngsuốt hai nhiệm kì, tổng cộng 8 năm, nhưng vị thế chính trị của bà tỏ ra rất vững trong đa số dân chúng Đức, mặc dầu bà là nữ Thủ tướng đầu tiên của Đức và là người theo đạo Tin lành, nhưng lại là đảng trưởng đảng CDU với đa số là Thiên Chúa giáo bảo thủ. Đối với bên ngoài, uy tín quốc tế của bà Merkel rất cao, bà đã nhiều lần được báo chí quốc tế coi là một phụ nữ có quyền uy rất lớn trên thế giới.
Về câu hỏi trên, theo dõi hoạt động chính trị của bà Merkel trong hơn hai thập niên gần đây tôi thấy bà Merkel là một chính khách thông minh, cương quyết, thận trọng và nhạy cảm. Ngoài ra, bà Merkel còn gặp nhiều may mắn rất lớn trong cuộc đời chính trị. Một chính khách thông minh, nhưng nếu thiếu may mắn thì nhiều khi không thể nắm được quyền lâu dài.
Cho tới nay sự thông minh và cơ hội may thường đi song hành với bà Merkel. Xin đưa một vài dẫn chứng: Bà Merkel lớn lên ở Đông Đức cũ và tốt nghiệp tiến sĩ vật lí. Nếu nước Đức không thống nhất vào đầu thập niên 90 trước đây thì có lẽ cùng lắm bà chỉ lên tới chức giáo sư đại học ở đó. Nhưng liền khi Đức thống nhất, do sự thông minh và nhạy cảm bà đã nhẩy vào hoạt động chính trị và gia nhập đảng CDU vào độ tuổi đã gần 40. Do nhu cầu của CDU muốn có những đảng viên có trình độ học vấn cao ở khu vực Đông Đức mới, nên vị thế chính trị của bà Merkel đã lên rất nhanh, chỉ sau ít năm bà đã là bộ trưởng một số bộ khác nhau dưới thời Thủ tướng Kohl và đảng trưởng CDU.
Nhưng vào cuối thập niên 90 vì vấn đề quĩ đen trong đảng CDU nên ông Kohl đã tạo ra khủng hoảng trầm trọng trong đảng CDU, nên cuối cùng người kế vị ông là TS W. Schäuble (hiện nay là bộ trưởng Tài chánh) phải nhường chức Chủ tịch đảng CDU cho bà Merkel (2000), khi ấy bà đang là Tổng thư kí của đảng này.
Trong cuộc bầu cử 2005, Liên minh CDU/CSU đã thắng cử và bà trở thành phụ nữ Đức đầu tiên giữ chức Thủ tướng và lại gặp một cơ may rất lớn nữa. Đó là việc chính phủ của bà đã hưởng các thành quả cuộc cải cách toàn diện và rất quan trọng trong kinh tế, tài chánh, lao động và bảo hiểm xã hội của Thủ tướng Schröder (SPD) vào đầu thập niên của thế kỉ này. Chính nhờ vậy, trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và đặc biệt khủng hoảng đồng Euro trong những năm vừa qua, trong khi nhiều nước trong khu vực Euro rơi vào khủng hoảng tài chính và kinh tế nghiêm trọng thì Đức vẫn là nước đứng vững cả trong kinh tế, tài chánh, với mức thất nghiệp rất thấp và mức xuất cảng đứng thứ nhì trên thế giới!
Sự thông minh và cương quyết của bà Merkel còn có thể nhìn thấy, khi thiên tai tạo ra thảm họa cho một số lò điện hạt nhân ở Fukushima Nhật vào đầu năm 2011, bà Merkel đã quyết định cho ngưng hoạt động nhiều nhà máy điện nguyên tử ở Đức và thúc đẩy nhanh năng lượng tái sản suất của điện mặt trời và sức gió. Chính quyết định này của bà Merkel đã làm cho đảng Xanh mất một đề tài tranh cử và chiếm phiếu từ trước tới nay!
Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, người dân Đức đánh giá chính sách của bà Merkel trong 2 nhiệm kỳ qua như thế nào ?
Như đã nói ở phần trên, khi nhận chức Thủ tướngnăm 2005 bà Merkel đã hưởng những thành quả rất tốt do cuộc cải cách sâu rộng trong kinh tế, tài chánh… của cựu Thủ tướng Schröder. Nhưng mặt khác, chính bà Merkel đã biết cách gìn giữ và khai triển những thuận lợi này qua nhiều mặt khác nhau. Nhờ vậy, trong khi nhiều nước Châu Âu đang rơi vào thâm hụt ngân sách rất cao và nạn thất nghiệp gia tăng mạnh, thì ngân sách quốc gia của Đức đang tiến tới quân bình giữa chi và thu, mức thất nghiệp từ 5 triệu người đang giảm xuống dưới 3 triệu người.
Trong khi một số nước trong EU rơi vào tăng trưởng kinh tế âm thì kinh tế Đức tăng trưởng dương, tuy không cao và mức xuất cảng của Đức luôn luôn vẫn đứng thứ nhì trên thế giới.
Phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng đồng euro trong các năm qua của bà Merkel cũng tạo uy tín và tin tưởng trong đa số nhân dân Đức. Do tính cương quyết và thận trọng, bà Merkel thúc giục các nước trong khu vực đồng Euro theo chính sách thắt lưng buộc bụng, đồng thời khuyến khích những thay đổi cần thiết từng bước về một chính sách kinh tế và ngân sách chung trong khu vực Euro. Các giải pháp này tuy lúc đầu không được một số nước hội viên đồng ý và đôi khi đã gây ra tranh cãi với Pháp và một nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng tới nay dường như nhiều giải pháp của chính phủ Đức đề nghị và được khai triển đã có những kiến hiệu lớn. Cũng vì uy tín đó nên từ nửa năm qua các nước trong khu vực euro đã tạm ngưng thảo luận về đồng Euro để bà Merkel yên tâm tập trung trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang hiện nay.
Liệu sự thông minh và may mắn có tiếp tục đồng hành giúp bà Merkel trong cuộc bầu cử ngày 22.9 hay không. Điều này tùy thuộc hoàn toàn vào cử tri. Vì trong xã hội Dân chủ đa nguyên như ở Đức, cử tri là người quyết định cuối cùng thắng cử hay thất cử của một chính đảng, chứ không như trong chế độ toàn trị do áp đặt từ trên của vài người !  

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện