ĐIỂM BÁO PHÁP

Bắc Kinh cần chấm dứt độc quyền của Doanh nghiệp Nhà nước

Ông Tưởng Khiết Mẫn, nguyên lãnh đạo Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) trong một cuộc họp báo tại Hồng Kông, 19/03/2008
Ông Tưởng Khiết Mẫn, nguyên lãnh đạo Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) trong một cuộc họp báo tại Hồng Kông, 19/03/2008
Reuters

Lê Phước
Công cuộc chống tham nhũng tại Trung Quốc mấy tháng qua trở nên quyết liệt. Nhiều quan chức cấp cao đã bị bắt và bị xét xử. Cấp bậc của những cán bộ bị « sờ gáy » có vẻ ngày càng cao. Chủ đề này đặc biệt thu hút sự chú ý của báo chí Pháp trong thời gian qua với nhiều bài phân tích có giá trị. Tuần san Courrier International số ra tuần này giới thiệu quan điểm của tạp chí kinh tế Tân Thế Kỷ (Xin Shiji Zhoukan) tại Bắc Kinh. Bài viết chạy dòng tựa đáng chú ý : « Tại Trung Quốc, cơn bão chống tham nhũng đang nổi lên ».


Tờ báo trở lại vụ việc ông Tưởng Khiết Mẫn (Jiang Jiemin) bị bắt điều tra vừa qua. Khi dàn lãnh đạo mới được thành lập, ông Tưởng được bổ nhiệm làm chủ nhiệm Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước (SASAC), cơ quan phụ trách quản lý các doanh nghiệp nhà nước nói chung.
Khi bị bắt, người này đã giữ chức vụ nói trên được 6 tháng. Trước đó, Tưởng Khiết Mẫn từng là bí thư đảng ủy kiêm chủ tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC). Trước khi ông bị bắt vài ngày, bốn quan chức cao cấp khác của CNPC cũng đã bị bắt điều tra.
Tờ báo nhận định rằng, vụ việc nêu trên cho thấy tính nghiêm trọng của tham nhũng trong các doanh nghiệp nhà nước, bởi lẽ đó thật sự là một đợt tấn công chống tham nhũng chưa từng thấy ở những mức cao như vậy trong các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc.
"Tân Thế Kỷ" nhấn mạnh, trong thực tế các doanh nghiệp nhà nước được độc quyền trong nhiều lĩnh vực, nắm trong tay quá nhiều quyền hành, vì thế việc tự tung tự tác để thâm lạm công quỹ là điều tất yếu. Tờ báo nói thêm, một khi đã tham nhũng, thì chắc chắn phải để lại dấu vết. Việc tố cáo tham nhũng vẫn luôn sối sục trong dân, và thường có không ít lời đồn khi có tham nhũng phát sinh. Vấn đề là ở chỗ các cơ quan chống tham nhũng « mắt lắp tai ngơ », không muốn làm tới nơi tới chốn. Tờ báo còn nói rõ : Một vài quan chức tham nhũng còn được bao che, việc chống tham nhũng đôi khi rất có « chọn lọc ».
Bàn thêm về chủ đề này, Courrier International còn trích dẫn nhận định đăng tải trên tạp chí Tài Kinh tại Bắc Kinh. Tờ báo này cho rằng, trường hợp quan chức tham nhũng không phải của riêng CNPC, mà nó hiện diện ở nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, những doanh nghiệp độc quyền ở nhiều lĩnh vực trọng yếu như : năng lượng, tài chính, viễn thông…Vì là độc quyền, nên ở những doanh nghiệp kiểu này, các quan chức lãnh đạo có thể tự tiện làm mưa làm gió. Tài Kinh kêu gọi chấm dứt độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước.

Singapore : Internet không được tự do như nền kinh tế

Singapore đã và đang ra sức trở thành trung tâm tài chính kinh tế hàng đầu của khu vực và thế giới. Thế nhưng, ngược lại với sự phát triển năng động của nền kinh tế, quyền tự do ngôn luận trong lĩnh vực truyền thông báo chí đang bị đe dọa. Đó là nhận định của trang mạng Asia Sentinel tại Hồng Kong, được Courrier International trích dịch với dòng tựa : “Hãy cho trang mạng của tôi được tự do !”.
Tờ báo nhắc lại, từ mấy chục năm nay, nhà cầm quyền Singapore luôn kiểm soát gắt gao các phương tiện truyền thông. Báo chí nhà nước thì bị buộc phải ủng hộ nhà cầm quyền. Vì thế, thời gian qua, Internet đã trở thành một nơi để người dân giải bài bức xúc, nhiều trang mạng tư nhân vì thế đã được ra đời và rất được người dân theo dõi.
Và hồi tháng 6 rồi, chính quyền Singapore đã thông qua thêm những biện pháp siết chặt kiểm soát Internet, theo đó các trang mạng thường xuyên bàn về tình hình Singapore và được nhiều người theo dõi, mỗi năm phải tiến hành các thủ tục xin giấy phép mới. Quyết định này đã làm dấy lên sự phản đối sôi nổi của giới blogger và các nhà đấu tranh dân chủ.
Bàn sâu về hiện tượng nhà cầm quyền bóp nghẹt truyền thông, bài viết dẫn ra nhiều trường hợp tiêu biểu. Như việc các tòa soạn báo phải dành vị trí lãnh đạo cho người được chính phủ bổ nhiệm. Hay là chuyện các cơ quan truyền thông phải biết “tự kiểm duyệt” những đề tài nhạy cảm có đụng chạm đến chính phủ.
Báo cáo của Hiệp hội Freedom House của Liên Hiệp Quốc cho biết: Các thành viên của Đảng cầm quyền (tức Đảng Hành động Nhân Dân, cầm quyền từ năm 1959) thường hay dùng luật dân sự và hình sự liên quan đến tội vu khống để buộc im lặng và gây khó dễ cho những người bất đồng chính kiến và những cơ quan truyền thông dám chỉ trích nhà cầm quyền.
Năm nay, Tổ chức Phóng viên không biên giới đã xếp Singapore thứ hạng 149/179 nước trong bản xếp hạng các nước về quyền tự do báo chí. Về phần mình, Freedom House xếp Singapore hạng 153.

Nhật Bản: Phụ nữ không thể tiếp tục ở trong nhà bếp

Cũng tại Châu Á, nhìn sang Nhật Bản, phụ trang cuối tuần báo Le Monde đăng bài: “Phái yếu được củng cố”.
Hiện tại, Nhật Bản đang đối mặt với một thách thức to lớn: Đó là hiện tượng lão hóa dân số, kéo theo nguy cơ thiếu nguồn cung ứng lao động. Năm 2010, số người trong độ tuổi lao động chiếm 63% dân số Nhật Bản, nhưng con số này đang theo chiều hướng sụt giảm, và dự tính vào năm 2030 con số này sẽ là 58,5%.
Để bù cho sự thiếu hụt này, chính phủ Nhật Bản dự định sẽ tăng cường tỷ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động. Lâu nay, tại Nhật Bản, phụ nữ thường hay ở nhà lo việc nội trợ và chăm sóc con cái. Hiện có khoảng 75% phụ nữ Nhật Bản tham gia thị trường lao động, nhưng chủ yếu là những việc làm không ổn định, trong khi con số phụ nữ có việc làm bình quân ở đa số các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là trên 80%. Liên quan đến việc phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, tỷ lệ này ở Nhật Bản chỉ chiếm có 12%, trong khi con số bình quân của OECD là 30%.
Nhà cầm quyền Nhật Bản mấy thập niên qua cũng đã có những biện pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động và hạn chế sự bất bình đẳng giới tính trong vấn đề này, thế nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Một chuyên gia về bình đẳng giới tại Ý nhận định: Chính phủ Nhật Bản đã luôn tỏ ra thiếu quyết tâm trong việc thúc đẩy hồ sơ bình đẳng giới. Hiện Nhật Bản xếp hạng 101 trên bảng xếp hạng bình đẳng giới trên thế giới của tổ chức phi chính phủ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Phương Tây đang dần nhường chỗ cho phương Đông

Tuần san Le Nouvel Observateur số ra tuần này dành trang nhất đăng tựa: “50 gương mặt làm thay đổi thế giới”, nhấn mạnh việc trọng tâm thế giới đang chuyển về khu vực Châu Á.
Tờ báo nhận định, mấy thế kỷ qua, trọng tâm phát triển của thế giới nằm ở khu vực Đại Tây Dương, và hiện đang chuyển dần về khu vực Thái Bình Dương, trong đó nổi lên nhất là các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2011, tăng trưởng của các nước mới nổi là 6%, trong khi con số này của các nước phương Tây chỉ có 1,5%. Năm 1980, các nước phương Tây chiếm đến 70% tài sản thế giới, thế nhưng vào năm 2013 này, con đó sẽ giảm xuống dưới 50%. Trung Quốc đã là “công xưởng của thế giới”. Singapore cũng đang rất phát triển ngành công nghệ sinh học. Ấn Độ thì vươn lên trong lĩnh vực dược phẩm. Hải quân của Trung Quốc thì không ngừng lớn mạnh và đang so kè với hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương. Bollywood của Ấn Độ cũng đang lớn nhanh để đuổi theo Hollywood. Điệu nhảy Gangnam Style của nam ca sỹ Psy của Hàn Quốc cũng đã “làm cả hành tinh nhảy múa”.
Tuy nhiên sự phát triển của các nước phương Đông, theo tờ báo, là do học hỏi từ các nước phương Tây. Có nghĩa là, các nước phương Tây phát triển trước, sau đó các nước phương Đông mới học theo mô hình phát triển này và đã thành công.
Trong nền kinh tế Trung Quốc, Le Nouvel Observateur nhấn mạnh đến vai trò của ông Đặng Tiểu Bình, người đã đưa nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi thời kỳ bao cấp để tiến vào kinh tế thị trường.
Để nhấn mạnh thêm quan điểm này, Le Nouvel Observateur đăng bài phỏng vấn Hiệu trưởng Trường chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore, giáo sư-nhà ngoại giao Kishore Mahbubani. Ông Kishore cũng nhấn mạnh rằng, Châu Á, mà đặc biệt là Trung Quốc, đang lớn mạnh và làm dịch chuyển trọng tâm thế giới. Ông kêu gọi, phương Tây (hiện chỉ chiếm có 12% dân số thế giới) phải biết cách hội nhập với trật tự mới này. Le Nouvel Observateur cũng cho rằng: Phương Tây không nên tiếp tục tỏ ra kiêu ngạo, mà phải biết cách tăng cường hợp tác với cường quốc mới, Châu Âu nên cải cách để còn có thể giữ được một vai trò nào đó trên bàn cờ thế giới.
Tờ báo cũng đăng bản thống kê cho năm 2025 về 20 thành phố có nhiều người dân trên 65 tuổi sinh sống nhất và có sức mua trên 20.000 đô la/năm, trong đó Trung Quốc có đến 9 thành phố, Ấn Độ có 4 thành phố còn Mỹ chỉ có 2 thành phố.

Pháp: Quá nhiều nghị sĩ kiêm nhiệm

Liên quan đến nước Pháp, tuần san L’Express dành trang nhất và một hồ sơ dài để phản ánh hiện tượng có quá nhiều nghị sĩ kiêm nhiệm.
Theo số liệu của L’Express thì tại Pháp, có đến 8 trên 10 nghị sĩ (gồm cả hai viện) có kiêm nhiệm. Dân biểu kiêm nhiệm nhiều nhất là thuộc về các đảng phái cánh hữu. Tờ báo đăng bảng thống kê 141 chính khách Pháp, bên cạnh vai trò là nghị sĩ, còn kiêm nhiệm thêm một hoặc nhiều chức vụ khác. Trong số đó, những dân biểu thuộc cánh hữu chiếm đến 76 trường hợp. L’Express nhận định, hiện tượng này làm giảm hiệu quả hoạt động của nghị viện, làm tăng xung đột lợi ích và làm nghiêm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa các vùng miền.

Pháp: Bộ trưởng bị hạn chế dùng smartphone

Cũng liên quan đến nước Pháp, L’Express còn đăng bài: “SOS tin tặc”. Tờ báo cho biết, để đối phó với nạn tin tặc tấn công, nhất là sau vụ gián điệp rùm ben của Mỹ vừa qua, văn phòng chính phủ Pháp đã có công văn đề nghị các bộ trưởng không được dùng điện thoại thông minh có nối mạng trong các trao đổi có tín nhạy cảm. Còn khi đi công tác ở nước ngoài, thì các bộ trưởng cũng không được để những tài liệu nhạy cảm, máy vi tính và điện thoại di động mà không có sự giám sát, nhất lả ở các phòng họp, hay ở các phòng ngủ khách sạn.

Syria: Putin cứu Assad một bàn thua trông thấy

Đến với điểm nóng Syria, tuần san Courrier International trích dẫn bài của tờ Los Angeles Times với dòng tựa: “Putin, người cứu hộ cho Assad”.
Tờ báo nhận định, thông qua việc đề nghị đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế, Nga đã khéo léo tận dụng những do dự của Mỹ để cứu chính quyền Assad trong lúc nguy nan. Tờ báo cho rằng, Assad và Putin đã tỏ ra khéo léo hơn Obama. Tờ báo nhắc lại, trước đây, tổng thống Obama đã đặt giới hạn đỏ cho việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Và trên thực tế, chính quyền Damas đã vượt giới hạn đỏ này. Thế là, vào lúc Mỹ đang toan tấn công Damas bằng vũ lực, thì Nga và Syria đã tìm ra giải pháp tránh đòn. Và như vậy, Putin đã giúp cho Assad trở lại phía bên kia của giới hạn đỏ.
Về phần mình, nhật báo Al-hayat tại Luân Đôn nêu thêm một nguyên nhân giải thích cho sự do dự và e dè trong việc can thiệp quân sự vào Syria ở các nước phương Tây. Đó là lực lượng nổi dậy tại Syria đã để len lỏi vào hàng ngũ của mình những thành phần Hồi Giáo cực đoan, và chưa tỏ ra có đủ năng lực để thay thế chính quyền Assad.
Cũng bàn về Syria, tuần san L’Express đăng bài: “Trong địa ngục Syria”. Bài viết ghi lại lời kể của một nhà văn nữ Syria tên là Samar Yazbek. Người này từng tham gia phản đối Assad, và từng bị bắt giam tại Syria. Bà rời khỏi Syria vào năm 2011, sau đó đã có lần bí mật trở về Syria. Bà đã kể lại cảnh chiến tranh đầy chết chóc và tang thương mà bà từng chứng kiến tại Syria.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?