Điển Báp Pháp

Syria : Nga chơi lá bài Chiite tại Trung Đông

Ông Bachar el-Assad phát biểu trên đài Russia 24 của Nga - REUTERS /RU24
Ông Bachar el-Assad phát biểu trên đài Russia 24 của Nga - REUTERS /RU24

Lê Phước
Nga đã cứu chính quyền Assad một bàn thua trông thấy khi đề xuất thành công giải pháp đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế để tránh bị phương Tây tấn công quân sự. Nga cũng luôn ủng hộ chương trình hạt nhân của Iran trong khi phương Tây không ngừng phản đối. Chính quyền Putin thật sự muốn gì qua hai hồ sơ Syria và Iran ? Nhật báo Le Monde đăng bài phân tích chủ đề này với dòng tựa : « Sau Syria, Nga chơi lá bài Iran ».

Le Monde nhắc lại, việc Nga thành công trong đề xuất đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế là một thành công ngoại giao to lớn của Nga, đã giúp Nga củng cố vị thế cường quốc khu vực và thế giới. Tờ báo nhấn mạnh : Đây có thể được xem là lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Nga đã thật sự trở lại bàn cờ địa chính trị Trung Đông.
Sau thành công trên hồ sơ Syria, Nga toan tấn công sang hồ sơ Iran. Biểu hiện đó là cuộc hội đàm giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống tân cử Iran Hassan Rohani bên lề thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tổ chức tại Kirghizistan vừa qua. Tờ báo nhận định, sau khi làm trung gian thành công cho Syria và phương Tây, giờ đây, Nga tiếp tục muốn nhảy vào vị trí « trung gian không thể bỏ qua» giữa Iran và phương Tây. Qua cuộc gặp gỡ nói trên, ông Putin muốn trở thành nguyên thủ đầu tiên hội đàm với tổng thống tân cử Iran trước thềm hội nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại Hoa Kỳ.
Về hồ sơ hạt nhân của Iran, tổng thống Nga Putin đã tái khẳng định trong cuộc hội đàm : « Cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Iran có quyền làm giàu uranium vì mục đích hòa bình ». Sau thành công trong hồ sơ Syria, uy tín của Nga đã tăng lên nhiều đối với chính quyền Iran. Bởi vậy, trong cuộc hội kiến, tổng thống Iran Rohani đã thẳng thừng kêu gọi Nga can thiệp nhiều hơn vào hồ sơ hạt nhân của Iran.
Le Monde cho rằng, Iran là « một con bài chiến lược quan trọng » của Nga, và ông Putin đã hiểu rõ điều đó. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Putin vào năm 2007, ông Putin đã đến Iran bằng xe lửa. Đây là trường hợp đầu tiên đối với một tổng thống Nga kể từ thời Staline.

Thật sự Nga muốn gì khi sử dụng hai con bài Syria và Iran ?

Le Monde cho rằng, đó là để đối phó với sự lớn mạnh của phe Hồi Giáo cực đoan Sunni trong khu vực lân cận với Nga. Tờ báo nhắc lại, các thế lực Hồi Giáo cực đoan Sunni đang nổi lên ở vùng Caucase và Trung Á, và Nga muốn dùng Iran và chính quyền Assad để đối phó. Nên nhớ rằng, Nga đã mất đi những đồng minh thân cận Sunni như chính quyền Saddam Hussein tại Irak, Mouammar Kadhafi tại Libya. Nga cũng không hề có quan hệ tốt đẹp với các vương quốc do Hồi Giáo Sunni lãnh đạo tại Vùng Vịnh. Bởi vậy, Nga đang ra sức chơi con bài Hồi Giáo Chiite để duy trì và phát huy ảnh hưởng trong khu vực nhạy cảm này.

Hồ sơ Syria : đường vẫn còn xa

Bàn về hồ sơ Syria, các tờ báo Pháp hôm nay đồng loạt đăng bài cho biết việc báo cáo của nhóm thanh sát viên Liên Hiệp Quốc về vũ khí hóa học tại Syria đã được công bố.
Nhật báo Les Echos đăng bài « Liên Hiệp Quốc mang đến những bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học, một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an đang được chuẩn bị ». Nhật báo cánh tả Libération có bài « Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng ». Nhật báo cánh hữu Le Figaro thì chọn dòng tựa « Báo cáo của Liên Hiệp Quốc mang đến những bằng chứng rõ ràng về việc sử dụng khí độc hại ».
Các tờ báo đều cho hay, theo báo cáo vừa được công bố hôm qua, nhóm thanh sát viên của Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng, vũ khí hóa học đã được sử dụng trên chiến trường Syria, và đã làm chết hơn 1.400 người hôm 21/8 vừa qua. Tuy nhiên báo cáo không nói rõ phe nào tại Syria đã sử dụng loại vũ khí độc hại này, vì rằng, các thanh sát viên chỉ được giao nhiệm vụ là xem có việc sử dụng vũ khí hóa học hay không mà thôi.
Sau khi báo cáo được công bố, ba nước Anh, Pháp và Mỹ đã lần lượt bày tỏ quan điểm và thẳng thừng cho rằng, tác giả của vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 là quân đội Damas. Ba nước này nhân đó yêu cầu áp dụng chương 7 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc cho phép trừng phạt bằng vũ lực nếu chính quyền Assad không tuân thủ đúng cam kết giải trừ vũ khí hóa học. Trong khi đó thì Nga vẫn phủ nhận việc Damas là thủ phạm và vẫn kiên quyết theo đuổi giải pháp hòa bình.
Chưa hết, viễn cảnh loại Assad ra khỏi cuộc chơi có vẽ đang thành hình. Les Echos trích dẫn lời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu hôm qua tại Paris trong cuộc hội đàm với hai đồng nhiệm Anh và Pháp : « Assad đã mất toàn bộ tính chính danh để điều hành đất nước. Mục tiêu của chúng ta là một nước Syria mới ». Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng thêm vào : « Để làm được điều đó, vấn đề quan trọng là phải tăng cường sức mạnh cho phe đối lập ôn hòa tại Syria ».
Nhận định về những diễn biến nói trên, nhật báo Công Giáo La Croix cho rằng : « Nhiều bất đồng vẫn còn tồn tại giữa Phương Tây và Nga ». Hay như nhật báo cánh hữu Le Figaro thì cho rằng : « Áp lực đè lên Damas, nhưng trong vòng xoáy của những sự ngã giá giữa các bên ».
Về phần mình, nhật báo Cộng sản L’Humanité nhấn mạnh rằng, tác giả của việc sử dụng vũ khí hóa học vừa qua tại Syria có thể là chính phủ Damas, cũng có thể là phe nổi dậy, vì theo tờ báo, trên thực tế các lực lượng nổi dậy tại Syria đã kiểm soát nhiều kho vũ khí của chính phủ. Tờ báo cộng sản còn có lời lẽ trách cứ Ngoại trưởng Pháp là không xem trọng giải pháp chính trị mà cứ mãi ưu tiên cho giải pháp quân sự.

Cam Bốt : bất ổn hậu bầu cử tiếp diễn

Tại Cam Bốt, các dân biểu được bầu trong cuộc bầu cử vừa qua chưa làm việc được ngày nào để đóng góp cho nước cho dân, thì khủng hoảng chính trị đã xảy đến do bất đồng về kết quả bầu cử đã toan nhấn chìm đất nước trong bất ổn. Phản ánh chủ đề này, nhật báo Les Echos đăng bài : « Cam Bốt chìm trong khủng hoảng chính trị ».
Còn một tuần nữa là đến kỳ diễn ra phiên khai mạc của quốc hội khóa mới tại Cam Bốt, thế nhưng tình hình hỗn loạn vẫn còn đó. Đảng Cứu Nguy Dân tộc đối lập tố cáo Đảng Nhân Dân của đương kim thủ tướng Hun Sen gian lận bầu cử. Les Echos nhận định, Đảng Cứu Nguy Dân tộc đang ra sức « làm tê liệt hoạt động của quốc hội bằng cách tẩy chay ».
Khủng hoảng đã leo thang khi mà cuối tuần rồi, khoảng 20 000 người ủng hộ đối lập xuống đường biểu tình và đã đụng độ với cảnh sát với hậu quả là 1 người chết và nhiều người bị thương. Làn sóng biểu tình có vẽ vẫn tiếp tục.
Trong bối cảnh đó, ngay cả Quốc vương Norodom Sihamoni cũng đã ra mặt dàn xếp bằng việc mời lãnh đạo hai phe đến hoàng cùng thương thảo. Thế nhưng, nổ lực của Quốc vương đã thất bại. Hôm qua, ông Hun Sen và lãnh đạo đối lập ông Sam Rainsy đã một lần nữa gặp nhau nhưng không thu được kết quả gì.
Les Echos nhắc lại, sau nhiều lần cho kiểm phiếu lại, Ủy ban bầu cử Cam Bốt đã công bố kết quả chính thức với phần thắng thuộc về Đảng Nhân Dân. Và Đảng Cứu Nguy Dân tộc đối lập tiếp tục phản đối và yêu cầu thành lập một Ủy ban kiểm phiếu độc lập. Tổ chức Human Rights Watch ủng hộ quan điểm này khi cho rằng, tại Cam Bốt, nếu không có Ủy ban kiểm phiếu độc lập, thì không thể nào có kết quả bầu cử chính sát.

Trung Quốc : Hứa một đàng, làm một nẻo

Khi nhậm chức, tân lãnh đạo Tập Cận Bình đã kêu gọi đấu tranh chống tham nhũng và tiêu cực. Thế nhưng, bên cạnh việc bắt điều tra nhiều quan chức cao cấp về tội tham nhũng, thì làn sóng trấn áp người đấu tranh dân chủ cũng vẫn tiếp tục. Đó là nhận định của tờ Le Monde trong bài viết : « Làn sóng bắt người đấu tranh dân chủ tại Trung Quốc ».
Tờ báo cho hay, thời gian gần đây, nhiều nhà đấu tranh dân chủ tại Trung Quốc đã bị bắt, cho thấy làn sóng trấn áp dân chủ tại Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng trở lại. Vụ việc tiêu biểu gần đây nhất đó là vào ngày 13 vừa qua, nhà đấu tranh Vương Công Quyền (Wang Gongquan) đã bị bắt vì tội « tụ tập gây rối trật tự công cộng ».
Ông Vương Công Quyền năm nay 40 tuổi, là một tỷ phú và là một blogger đấu tranh dân chủ nổi tiếng tại Trung Quốc. Ông cũng là thành viên tích cực của Phong trào Tân Dân, một phong trào bị nhà cầm quyền Trung Quốc rắp tâm loại trừ. Phong trào này đã tin theo lời kêu gọi chống tham nhũng của tân lãnh đạo Tập Cận Bình nên đã phát động chiến dịch yêu cầu cán bộ lãnh đạo công bố tài sản. Vương Công Quyền tham gia tích cực chiến dịch này và đã rước họa vào thân.

Hai miền Triều Tiên : làm lành lợi cả đôi bên

Hôm qua, ngày 16/9/2013, khu công nghiệp Liên Triều Kaesong đã mở cửa trở lại. Nhật báo Le Monde đăng bài nhận định rằng, đó là « sự ấm lên về chính trị giữa hai miền Triều Tiên ».
Le Monde ghi nhận, sự kiện trên là dấu hiệu « giải hòa » giữa hai miền Nam-Bắc sau thời gian căn thẳng mà có lúc quan hệ song phương căng như sợi dây đàn. Sự kiện này tiếp nối thỏa thuận hồi tháng 8 về việc tổ chức trở lại các buổi đoàn tụ cho những gia đình li tán trong chiến tranh. Hồi đầu tháng 9 này, hai bên cũng đã thỏa thuận tái lập đường dây nóng giữa bộ tham mưu quân đội hai nước.
Tờ báo nói rõ, sự hòa dịu là có lợi cho cả hai bên. Về phía Hàn Quốc, tại Kaesong, có đến 128 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động. Sau chính sách cứng rắn với miền Bắc của ông Lee Myung-bak, giờ đây tổng thống Park Geun-hye muốn theo đuổi chính sách hạ nhiệt, và đã được Bình Nhưỡng hưởng ứng.
Về phần miền Bắc, khu công nghiệp Kaesong sử dụng đến 53.000 lao động Bắc Triều Tiên. Đây là con số không nhỏ đối với nền kinh tế nghèo nàn của miền Bắc. Chưa hết, ước tính, mỗi năm, lương dành cho chính quyền miền Bắc quản lý khu công nghiệp lên đến 90 triệu đô la. Bên cạnh đó, hồi đầu năm, Bình Nhưỡng đã thông qua chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài. Và nếu như hồ sơ Kaesong được xuôi chèo mát mái, thì sẽ rất có lợi cho chính sách này.
Le Monde cho biết thêm, để đạt được thỏa thuận mở cửa Kaesong, Bình Nhưỡng đã có một số nhượng bộ, trong đó có việc đền bù thiệt hại cho các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại đây, bằng cách miễn thuế cho các doanh nghiệp này đến cuối năm nay.

Hy Lạp : giáo viên xuống đường chống khắc khổ

Chính phủ Hy Lạp vẫn theo đuổi biện pháp khắc khổ để đổi lấy trợ giúp của các chủ nợ, trong khi làn sóng phản đối khắc khổ vẫn tiếp diễn. Nhật báo cộng sản L’Humanité có bài cho hay : « Giáo viên Hy Lạp xuống đường ».
Hôm qua, tại thủ đô Athènes, hàng ngàn giáo viên trung học đã xuống đường biểu tình và kêu gọi đình công vào ngày hôm nay và ngày mai. Số là hồi mùa hè rồi, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua luật cải cách giáo dục theo đó có đến 25 000 nhân viên ngành giáo dục bị giảm lương đến 75% và chờ được bố trí lại công việc hoặc bị sa thải. Việc thông qua này là để đổi lại một kế hoạch trợ giúp tài chính của bộ ba chủ nợ là Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Chưa hết, trong mùa tựu trường này, có đến 16 000 giáo viên đã phải rời bục giảng bởi chính sách khắc khổ của chính phủ.

Người Châu Âu buồn vui lẫn lộn

Người Châu Âu nghĩ gì về khủng hoảng ? Để trả lời cho câu hỏi này, nhật báo Công Giáo La Croix đăng kết quả thăm dò của Viện thăm dò dư luận Ifop (Pháp) thực hiện theo đơn đặt hàng của tờ báo.
Kết quả thăm dò cho thấy, người Châu Âu dù còn lo lắng, nhưng đang có xu hướng « lấy lại niềm tin ». Tại Pháp, 54% người được hỏi còn tin rằng nước Pháp có thể lâm cảnh khủng hoảng như Hy Lạp, trong khi con số này hồi năm 2010 là 61%. Tại Tây Ban Nha, con số nói trên là 56% trong năm 2013 và 69% năm 2010. Tại Đức, hiện tại con số trên là 31%, năm 2010 là 34%.
Liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu, 43% người Pháp cho rằng, việc Pháp là thành viên của tổ chức này là « một điều xấu », trong khi con số này cách đây hai năm là 39%. Tại Đức, con số trên hiện là 35%, trong khi cách đây hai năm là 44%. Tại Tây Ban Nha, con số trên hiện tại là 26%, cách đây hai năm là 37%. Tại Ý, con số trên hiện tại là 28%, cách đây hai năm là 45%. Hai con số trên tại Đức là 35% cho hiện tại và 44% cho cách đây hai năm. Như vậy, nhìn trên tổng thể, thì tâm lý ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu vẫn chiếm đa số, tức trên 50%. Thế nhưng, nhìn vào chi tiết, thì số người mất lòng tin với Liên Hiệp Châu Âu đã tăng lên.
Kết quả thăm dò cũng cho thấy, số người ủng hộ đồng euro vẫn chiếm đa số ở các nước Châu Âu (trong và ngoài khu vực eurozone). Thế nhưng, số người mất lòng tin với đồng euro đã tăng lên. Như ở Pháp, số người ủng hộ việc bỏ đồng euro để trở lại với đồng franc hiện tại là 33%, trong khi con số này cách đây 2 năm chỉ có 29%.

Pháp : nợ công đạt kỷ lục vào cuối năm 2014

Liên quan đến nước Pháp, nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa lớn trên trang nhất : «Nợ công của Pháp sẽ xấp xỉ 2 000 tỷ euro vào năm 2014 ».
Le Figaro cho biết, tuần tới, hai bộ trưởng Ngân sách và Kinh tế Pháp sẽ công bố việc nâng dự phóng nợ công của Pháp với mức tăng đáng kể. Theo tờ báo, nợ công của Pháp vào cuối năm 2014 sẽ trên dưới 2 000 tỷ euro, tức chiếm 95,1% GDP. Đây là mức nợ kỷ lục đối với Pháp, cao hơn nhiều so với mức dự phóng mà chính phủ Pháp đã đề ra với Ủy ban Châu Âu. Như vậy, chỉ trong hai năm, nợ công của Pháp đã tăng thêm 120 tỷ euro, tức là mỗi người Pháp phải gánh thêm 30 000 euro nữa. Đây rõ ràng là một tin buồn đối với người Pháp trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện