Tranh cãi về phúc trình Syria của LHQ

TIN QUAN TRỌNG TRONG NGÀY

Cập nhật: 03:35 GMT - thứ ba, 17 tháng 9, 2013


Thanh tra vũ khí hóa học của LHQ
Hoa Kỳ, Anh và Pháp khẳng định rằng phúc trình của Liên Hiệp Quốc về vũ khí hóa học ở Syria đã quy trách nhiệm cho chính phủ Assad.
Các đại sứ Anh và Mỹ tại LHQ nói rằng các chi tiết kỹ thuật cho thấy chỉ có chính phủ Syria mới là người thực hiện cuộc tấn công ngày 21/8.

Nga thì cho rằng hiện chưa thể bác bỏ lập luận là phe nổi dậy có thể đứng đằng sau vụ tấn công bằng hóa học nói trên.
Phúc trình của LHQ xác nhận hỏa tiễn có chứa chất sarin đã được sử dụng. Tổng thư ký Ban Ki-moon gọi đây là "tội ác đáng ghê tởm".
Vụ tấn công này đã khiến Mỹ đe dọa có hành động quân sự chống Syria.
Nga và Hoa Kỳ cũng đã đối thoại ngoại giao về vụ này, dẫn tới thỏa thuận Syria sẽ giải trừ vũ khí hóa học.

'Kết luận quá sớm'

Phúc trình của LHQ không quy trách nhiệm sử dụng vũ khí hóa học cho bên nào.
Ông Ban đã được hỏi tại cuộc họp báo rằng liệu ông có biết ai đứng đằng sau vụ tấn công này hay không.
Ông trả lời rằng "tất cả chúng ta đều có suy luận riêng của mình", nhưng "những người khác sẽ quyết định" phải làm gì để mang thủ phạm ra trước công lý.
Ngoại trưởng Anh William Hague nói: "Từ tổng hợp các thông số kỹ thuật trong bản báo cáo, kể cả quy mô tấn công, các kết quả thử nghiệm từ các phòng thí nghiệm khác nhau, tường trình của nhân chứng và thông tin về các loại vũ khí đã được sử dụng... hoàn toàn rõ ràng rằng chính phủ Syria là bên duy nhất có thể đứng đằng sau vụ tấn công."
"Đây là vụ sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường được xác nhận lớn nhất kể từ vụ do Saddam Hussein gây ra ở Halabja năm 1988."
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon
Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cũng sử dụng ngôn từ tương tự khi nói: "Các chi tiết kỹ thuật trong phúc trình của LHQ cho thấy rõ ràng rằng chỉ có chính phủ Syria có thể thực hiện vụ tấn công quy mô lớn như thế này."
Bà Power chỉ ra rằng loại hỏa tiễn 122mm nhắc tới trong báo cáo là loại trước kia quân đội chính phủ Syria đã dùng và chất lượng của loại sarin lần này còn cao hơn loại mà Saddam Hussein sử dụng ở Iraq.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói: "Khi xem xét kỹ các kết quả điều tra, lượng khí độc được sử dụng, tính phức tạp của hỗn hợp, mục đích của vụ việc và quỹ đạo của hỏa tiễn, không còn nghi ngờ gì về xuất xứ của vụ tấn công này".
Ngày thứ Ba 17/9 ông Fabius sẽ tới Moscow để thảo luận một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về việc đặt lượng vũ khí hóa học của Syria dưới kiểm soát của quốc tế.
Nga đã kiên quyết không thừa nhận rằng đồng minh Syria của mình là thủ phạm vụ tấn công.
Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin nói sau khi phúc trình được công bố: "Tôi cho là một số đồng nghiệp đã kết luận quá sớm khi cho rằng bản báo cáo chứng minh một cách chắc chắn rằng quân đội chính phủ đã dùng vũ khí hóa học."
Ông nói thêm: "Hiện chưa thể bác bỏ cáo giác rằng phe đối lập đã làm việc này".
Ông Churkin cũng đặt câu hỏi tại sao trong số người thiệt mạng trong vụ tấn công không có chiến binh nào của quân nổi dậy nếu thực đây là vụ do quân chính phủ thực hiện.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bác bỏ trách nhiệm và đổ lỗi cho quân nổi dậy.

Nghị quyết LHQ

Sáng hôm thứ Hai 16/9, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã trình bày trước Hội đồng Bảo an về bản phúc trình.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã trình bày về phúc trình thanh tra vũ khí hóa học
Ông Ban nói: "Cuộc điều tra cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng trên quy mô khá lớn ở khu vực Ghouta của Damascus [ngày 21/8]. Vụ tấn công đã gây ra nhiều thương vong, nhất là trong dân thường".
Các điều tra viên của LHQ đã xem xét các mẫu máu, tóc, nước tiểu và mảnh hỏa tiễn.
Ông Ban nói 85% các mẫu máu cho kết quả dương tính với chất sarin.
Ông nói: "Dựa trên phân tích, các điều tra viên kết luận rằng có bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng hỏa tiễn đất đối đất chứa chất độc thần kinh sarin đã được sử dụng tại Ein Tarma, Moadamiyah và Zalmalka trong khu vực Ghouta của Damascus.'"
Ông nói đoàn điều tra không kiểm chứng được con số người chết và bị thương, nhưng nói con số là rất lớn.
Ông Ban nói thêm: "Đây là vụ sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường được xác nhận lớn nhất kể từ vụ do Saddam Hussein gây ra ở Halabja năm 1988".
Các nước lớn ở LHQ nay sẽ cố gắng đưa ra được một nghị quyết của Hội đồng Bảo an dựa trên thỏa thuận mà Nga và Mỹ đạt được hồi cuối tuần rồi, rằng Syria sẽ khai báo đầy đủ về lượng vũ khí hóa học của mình trong vòng một tuần và tiêu hủy chúng trước giữa năm 2014.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?