ĐIỂM BÁO PHÁP BGÀY 27-10-2014

mediaTổng thống Pháp François Hollande (trái) và Thủ tướng Manuel Valls đang lãnh đạo chính phủ trong bối cảnh đảng Xã hôi cầm quyền bị chia rẽ sâu sắc.REUTERS/Philippe Wojazer/Files
 
 

Cánh tả Pháp sẽ tiêu vong ?

 
Theo RFI
Ngày 27-10-2014 15:42
Ukraina lật qua trang sử thân Nga, Bắc Kinh muốn phá thế tài chính độc tôn của Tây phương, Ngân hàng Pháp vững chắc nhất châu Âu nhưng cánh tả Pháp có nguy cơ tan rã vì lãnh đạo chia rẽ vì không có một dự án chung cho tương lai. Trên đây là những chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay.

 
Phản ảnh quan điểm của đa số thầm lặng, một tờ báo địa phương khẳng định đảng Xã hội Pháp không còn đóng vai trò trung tâm trong sinh hoạt quốc gia, đang đứng trước nguy cơ «  bùng nổ » còn hành pháp bị bế tắc từ chính trị đến phương án kinh tế và thậm chí kể cả ý thức hệ. Phát hành tại Paris, nhật báo cánh tả khai phóng Libération đã dành 5 trang để công bố một kết quả thăm dò ý kiến cùng với các bài phân tích để tìm cách trả lời câu hỏi liệu cánh tả Pháp có tan hàng hay không ?
Kết quả thăm dò ý kiến của gần 1000 cử tri ủng hộ cánh tả cho thấy phe này là một « gia đình đã tan rã » đến mức độ khó có thể hàn gắn. Đây là lý do chính sẽ làm cho phe tả mất chính quyền trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội 2017. Trong nội bộ cánh tả đã có ba, bốn xu hướng truyền thống khác biệt : Xã hội, Bảo vệ môi trường, Cộng sản và Cực tả .Các xu hướng này đã biết liên kết với nhau trong cuộc bầu cử 2012 đưa đến chiến thắng của François Hollande và quốc hội đương nhiệm.
Tuy nhiên, năm 2014 này là thời điểm của xung khắc : Chỉ riêng trong đảng Xã hội đã có ba nhóm khác nhau : Nhóm thứ nhất được 24% thuộc xu hướng xã hội truyền thống với chủ trương công bằng xã hội, tái phân chia lợi nhuận của đương kim Tổng thư ký Jean-Christophe Cambadélis và cựu bộ trưởng kinh tế Martine Aubry, mẹ đẻ của chính sách làm việc 35 giờ mỗi tuần. Nhóm thứ hai được 14% thuộc phe của thủ trướng Manuel Valls với chủ trương thắt lưng buộc bụng, tự do cạnh tranh và nhóm thứ ba, 12%, do Bộ trưởng bộ môi trường Ségolène Royal lãnh đạo thuộc xu hướng cánh tả báo thủ, quyền lợi gia đình và quốc gia trên hết.
Bên cạnh ba phe của đảng Xã hội còn có phong trào bảo vệ môi trường mà phong trào này cũng chia làm hai phe kình chống nhau : Một bên chủ trương « trung dung » còn bên kia thì kiên quyết với các « giá trị xã hội ». Chưa hết, bên cạnh đảng Xã hội và các đảng Xanh còn có phe « chống tư bản » mà nòng cốt là đảng Cộng sản Pháp và những cán bộ thuộc phe tả của đãng Xã hội ly khai.
Vấn đề là các xu hướng này đều tự cho mình là đại diện chính thống của cánh tả cho nên cuối cùng họ xung khắc lẫn nhau. Libération phân tích : Cánh tả Pháp đã vỡ tan thành những mảnh vụn do chính những phe nhóm tự đập phá căn nhà chung tương tự như các thủ lãnh của cánh tả do ham muốn khẳng định bản sắc mà làm ta vỡ toàn bộ cánh tả.
Tuy nhiên, nhật báo cánh tả khai phóng của Pháp không đến nỗi bi quan. Libération cho rằng « nhân dân cánh tả không chết ». Kết quả thăm dò dư luận cho thấy giá trị và bản sắc cánh tả vẫn tồn tại trong nước Pháp. Thực tế này, những chính trị gia lãnh đạo cánh tả từ thủ tướng cho đến các vị bộ trưởng và cựu bộ trưởng, lãnh đạo đảng Xanh hay đảng Cộng sản phải biết và cần phải nhìn ra những điểm tương đồng. Trước cuộc khủng hoảng xã hội và kinh tế hiện nay nếu những nhân vật này vẫn tiếp tục tấn công nhau, một phần cũng do chính sách kinh tế từ hai năm nay không mang lại kết quả cụ thể, thì theo Libération, cánh tả Pháp sẽ chết vào năm 2017.

Ukraina : phe thân Tây phương chiếm đa số tại quốc hội

Thời sự quốc tế nổi bật nhất là cuộc bầu cử quốc hội tại Ukraina và Tunisie. Theo Libération, đối với Ukraina, thì cuộc bầu cử hôm qua mà kết quả sơ khởi cho thấy phe chủ trương thân Tây phương thắng lớn, là bằng chứng cho thấy người dân Ukraina đã lật qua trang sử Ianoukovitch, tên của vị tổng thống thân Nga bị lật đổ. Ngay ở miền đông Ukraina, nơi nào không bị phe nổi dậy kiểm soát và ngăn chận, thì kết quả cũng cho thấy các đảng thân Nga chỉ được thiểu số.
Cùng nhận định này, nhật báo cánh hữu Le Figaro đề tựa : Phe thân châu Âu ở thế mạnh tại Ukraina. Bầu cử quốc hội xác định phong trào chính trị của tổng thống Petro Porochenko đặt được nền móng vững chắc. Theo Le Figaro, do hầu hết phe thân Nga đều bị loại vì không đạt tỷ lệ phiếu tối thiểu 5%, chỉ có tổ chức mang tên « Khối đối lập » trong đó có một số chính trị gia thuộc đảng các Vùng của cựu tổng thống Ianoukovitch, với 7,6% phiếu, là có đại biểu tại nghị trường. Trong điều kiện này, Putin chỉ còn hai giải pháp : Một là giảng hòa với Kiev, hai là gây sự bằng cách công nhận kết quả « bầu cử quốc hội » của phe ly khai thân Nga sẽ tổ chức vào ngày 02.11 tại vùng họ kiểm soát. Nhưng nếu Kremli chọn giải pháp trả thù này thì sẽ làm xung khắc với Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu trầm trọng thêm.
Với góc nhìn kinh tế, đặc phái viên của nhật báo Les Echos từ Kiev nhận định là Ukraina tìm một liên minh chính trị để vãn hồi hòa bình và tiến hành cải cách sâu rộng để đưa đất nước ra khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng. Tuy chưa có kết quả chính thức nhưng tổng thống Petro Porochenko có thể trông cậy vào sự ủng hộ của bốn đảng thân Tây phương kể cả phong trào Samopomitch mới khai sinh từ đợt biểu tình ở quảng trường Maidan mà giành được 13% phiếu. Đảng Cộng sản Ukraina lần đầu tiên từ gần 100 năm nay bị loại khỏi quốc hội còn phe của cựu tổng thống Ianoukovitch nhiều lắm mấp mé 8% mặc dù họ chiếm đa số trong nhiệm kỳ kết thúc.
Bình luận về lời tuyên bố của tổng thống Petro Porochenko « chúng tôi bầu một quốc hội thân-Ukraina, thân châu Âu và không theo Nga để quyết tâm bài trừ tham nhũng thay vì để cho tham nhũng đụt khoét đất nước", một chuyên gia độc lập cho rằng tổng thống Ukraina bắt buộc phải cải cách thật sự. Trong thời gian trước đây, ông có thể cải cách hình thức để làm hài lòng Bruxelles, nhưng từ nay lãnh đạo Ukraina buộc phải tiến hành cải cách tận gốc rể vì ông sợ dân chúng. Người dân Ukraina đã thất vọng vì nạn tham ô trong các chính quyền nối tiếp nhau từ thời hậu cộng sản sẽ phản ứng mạnh nếu chính quyền hiện nay không bài trừ được nạn tham ô.

Trung Quốc quyết định phá thế độc tôn của các định chế tài chính đa phương

Ngân hàng Á Châu đầu tư vào  hạ tầng đã được phát động tại Bắc Kinh. Tham vọng của Trung Quốc là cạnh tranh với Ngân hàng phát triển châu Á và các định tế tài chính đa phương khác. Tuy nhiên, nhiều cường quốc kinh tế trong vùng như Hàn Quốc và Úc đã không tham gia. Tại sao ?
Thứ sáu tuần trước, Trung Quốc cùng đại diện 20 quốc gia đã họp tại Bắc Kinh để ký giấy « khai sinh » một định chế lấy tên là « Ngân hàng Á châu đầu tư vào hạ tầng ». Mục tiêu của ngân hàng này, theo truyền thông Trung Quốc, với số vốn 50 tỷ đôla mà Trung Quốc chiếm phân nửa, là để cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển châu Á.

Trong số các nước ký tên có Ấn độ, Việt Nam, Singapore và Qatar

Theo phân tích của Les Echos thì sáng kiến chủ động này của Trung Quốc làm công luận nhớ đến 5 nước lớn đang trổi dậy là Trung Quốc , Nga, Ấn độ, Brazil và Nam Phi đã lập nên nhóm BRICS và thành lập ngân hàng với mục đích là để cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới WB.
Các sáng kiến của Trung Quốc làm các nước công nghiệp phát triển bực mình. Ngay Hàn Quốc và Úc cũng đứng ngoài dự án của Bắc Kinh. Theo Les Echos, Hoa Kỳ đã vận động các nước đồng minh không tham gia định chế tài chính của Bắc Kinh vì hai lý do. Một là lý do cạnh tranh chiến lược dễ hiểu nhưng điều đáng ngại nhất là tính chất thiếu minh bạch của giới tài chính Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn dựa vào lập luận « không can thiệp nội bộ » để đổ tiền trợ giúp các chế độ độc tài và nuôi dưỡng bộ máy tham nhũng tại nhiều quốc gia mà Trung Quốc đầu tư. Jen Paksen, phát ngôn viên bộ ngoạiu giao Mỹ đã nói thẳng là Hoa Kỳ lo âu về « bản chất mập mờ của Ngân hàng Á châu đầu tư vào hạ tầng dưới hình thức hiện nay ».
Chủ tịch Ngân Hàng Phát Triển Châu Á Takehiko Nakao cũng có cùng thông điệp. Một mặt nhà tài chính Nhật Bản tỏ thái độ « thông hiểu » Trung Quốc nhưng mặt khác ông kêu gọi Bắc Kinh cần phải đi thao chuẩn mực quốc tế.
Ý thức là hình ảnh Trung Quốc không tốt đẹp lắm trong công luận quốc tế, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ nghiên cứu « cách quản lý tốt » của các định chế quốc tế.
Thái độ của chính quyền Trung Quốc được Les Echos nhận định trong phần kết luận như sau : Trung Quốc xem ra chỉ ít sợ tính đa nguyên một khi trong đa nguyên đó họ đóng vai trò cột trụ.

« Đại đa số ngân hàng châu Âu vững chắc »

Trở lại thời sự châu Âu, tất cả báo Pháp cùng đưa tin rộng rãi về kết quả trắc nghiệm của Ngân hàng châu Âu qua đó Ngân hàng Pháp được điểm tốt. Ngân hàng Pháp vững mạnh ra khỏi khủng hoảng . Le Figaro nhận định : Nhà băng của Pháp đủ sức đương đầu với một cuộc khủng hoảng tài chính mới nếu có xảy ra.
Les Echos phân tích rõ thêm : Ngân hàng Châu Âu an tâm về khả năng của hầu hết ngân hàng Châu Âu . Đức Pháp là học trò tốt chỉ có Ý là hơi yếu.
Nhật báo công giáo La Croix không qua tâm đến khả năng tài chính của các ngân hàng châu Âu nhưng dành nhiều trang để giúp độc giả hiểu thêm về dân tộc Kurdistan đang chiến đấu chống Hồi giáo cực đoan tại hai mặt trận Irak và Syria. Một hồ sơ khác được La Croix chú ý là phương pháp trợ giúp người bệnh nan y tự tử tại Đức đang gây tranh luận. Tại Đức, khác với Pháp, luật của Đức không trừng phạt, nghiêm cấm hành động trợ sức cho người muốn tự tử. Tuy nhiên, theo nhật báo công giáo, thì dân biểu của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo của thủ tướng Merkel muốn nghị viện phải thông qua luật nghiêm cấm hành động này sau khi hai tổ chức tại Đức đã « trợ giúp » 169 người tự tử trong ba năm 2010 đến 2012.

Kính mắt miễn phí cho người vô gia cư

Cũng trong lãnh vực xã hội, La Croix giới thiệu một sinh hoạt đặc biệt của cơ quan cấp cứu SAMU xã hội của Pháp, phối hợp với một doanh nghiệp chế tạo kính mắt nổi tiếng thế giới Essilor , cung cấp mắt kính cho những người vô gia cư SDF.
Hành động nhân đạo này xuất phát từ một chuyện tình cờ : Một trung tâm tạm cư ở quân 15 tổ chức cờ domino cho người vô gia cư. Một tay cờ từ chối tham dự nói với nhân viên thiện nguyện là ông bị bệnh « mắt kém ». Không ngờ nhân viên thiện nguyện này lại là nhân viên của hãng kính thuốc từ 30 năm nay.
Thế là sáng kiến khám mắt và tặng không mắt kính cho người vô gia cư được thực hiện tại Paris và ngay ngày đầu tiên đã có 190 người được khám mắt. Trừ hai người không có vấn đề, 118 người còn lại được cấp kính mắt ngay trong ngày. Số còn lại chờ làm kính đặc biệt để điều chỉnh thị giác.
Một SDF người Ba lan 58 tuổi thích thú tuyên bố : " Lâu lắm rồi tôi mới thấy rõ người phụ nữ…. "

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?