ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 29-10-2014

                            
media
Tại phố Admiralty, phong trào đòi dân chủ tiếp tục kêu gọi biểu tình - Reuters
 

Đối lập Hồng Kông ngập ngừng về chiến lược hành động

Theo RFI
Ngày 29-10-2014 10:02
Về thời sự Châu Á, báo Le Monde phân tích về phong trào dân chủ Hồng Kông qua bài viết : « Tại Hồng Kông, đối lập ngập ngừng về hành động sắp tới ». Nhật báo đặt câu hỏi : liệu ban tổ chức « phong trào hoa dù » đang nhận thấy hiện thực là « quá dân chủ sẽ tiêu diệt nền dân chủ » ?

Số là sau khi thông báo sẽ cho người biểu tình bỏ phiếu về những kiến nghị trình lên Bắc Kinh, bộ ba tổ chức xuống đường đòi dân chủ từ một tháng qua (liên đoàn sinh viên HKFS, phong trào Scholarism và Occupy Central with Love and Peace, OCLP) đã thoái lui khỏi dự định trên.
Chỉ vài giờ trước khi cuộc bỏ phiếu qua mạng bắt đầu, dự kiến diễn ra trong hai vòng, vào chủ nhật (26/10) và thứ 2 (27/10), ban tổ chức đã thông báo hủy cuộc bỏ phiếu. Ban tổ chức cáo lỗi vì đã không nghiên cứu kỹ nội dung trước khi thảo ra hai kiến nghị trình lên Bắc Kinh. Trong hai yêu sách trên, Hồng Kông đòi Bắc Kinh rút lại quyết định về phương thức bầu cử lãnh đạo hành pháp Hồng Kông 2017 và xem đó như điều kiện tiên quyết cho bất kỳ đối thoại nào sắp tới.
Bất cứ ai cũng được quyền ứng cử cho chiếc ghế lãnh đạo. Đồng thời, bản kiến nghị còn yêu cầu chính quyền Hoa lục rút lại 30 trên tổng số 65 ghế tại hội đồng lập pháp dành cho những dân biểu được Bắc Kinh tuyển chọn. Những đề nghị trên có nguy cơ lại kéo vòng đàm phán vào ngõ cụt.
Tuy nhiên, tờ báo nhận thấy, sau chút lủng củng trong nội bộ ban tổ chức, quan hệ giữa các thành viên lại êm ấm trở lại. Phong trào bất tuân dân sự dường như nhận được sự ủng hộ nhiều hơn trước, trái với dự đoán là họ sẽ dần tan rã. Theo một thăm dò được Chinese University tiến hành từ ngày 8-15/10, 92% số người trong độ tuổi 15-24 « ủng hộ » hay « ủng hộ một phần » phong trào.
Trên tổng số, 38% dân số Hồng Kông khẳng định ủng hộ, tức tăng 7 điểm so với lúc đầu và trước khi sinh viên và chính phủ đàm phán vào ngày 21/10. Le Monde nhận định, không một nụ cười, nhưng với tài năng hùng biện và một thái độ kiên định đầy ấn tượng, sinh viên dường như tiếp tục lôi cuốn sự ủng hộ của người lớn. Bà Anson Chan, cựu quan chức cao cấp trong chính quyền hành pháp Hồng Kông cũ nhận xét : « Cho đến lúc này, sinh viên đã không mắc phải sai lầm nào ».
Ngay tại khu Admiralty, có đến 2.268 tấm lều, một phòng học, các cửa hàng tiếp tế, chẳng có dấu hiệu nào cho thấy phong trào đang tan rã.
Phe đối lập « thân Bắc Kinh » cũng bắt chước y nguyên người biểu tình của phong trào đòi dân chủ Hồng Kông. Họ đeo nơ xanh dương thay vì màu vàng và thu thập đến 600.000 chữ ký vào bản kiến nghị. Trong cuộc biểu tình của phe này, 4 nhà báo đã bị tấn công. 

Trung Quốc muốn giảm tội danh có án tử hình

Liên quan đến Trung Quốc, nhật báo Libération quan tâm đến dự luật giảm bớt tội danh có khung hình phạt tử hình của chính quyền cộng sản. Một giáo sư dạy luật tại Bắc Kinh bình luận : « Đó sẽ là một bước tiến, nhưng rất tiếc là việc xóa bỏ án tử hình vẫn còn rất xa. Theo vị giáo sư xin giấu tên này, án tử hình đối với đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn sẽ là hình phạt không thể thiếu được của chế độ để cai trị đất nước ».
Số người lãnh án tử hình vẫn bị Bắc Kinh giấu kín. Tuy nhiên, một chuyên gia về luật hình sự giấu tên cho Libération biết, theo tính toán, có thể có đến 5000 người đã bị xử tử vào năm 2013, một số liệu không thể kiểm chứng được.
Theo nhật báo, dù sao thì đây cũng là một tiến bộ rõ rệt so với 24000 trường hợp bị tử hình vào năm 1983. Một số tội phạm lãnh án tử hình được cơ quan y tế dùng để lấy nội tạng và cấy ghép. Thành phần này sẽ không bị lãnh viên dạn vào đầu mà bị tiêm thuốc mê để các phẫu thuật gia mỗ để lấy nội tạng, theo lời chứng của một ông bố tù nhân.

Dilma Rousseff, chiến thắng và hạn chế

Nhìn sang Nam Mỹ, kết quả bầu cử tổng thống Brazil được nhật báo Le Monde quan tâm bình luận. Trong bài viết đề tựa : « Dilma Rousseff, chiến thắng và hạn chế », tờ báo cho rằng, tổng thống Brazil tái đắc cử buộc phải thay đổi chính sách kinh tế cũng như tiến hành nhiều cải cách.
Le Monde gọi đây là một chiến thắng mong manh. Chiến thắng khá sít sao của bà Rousseff trước đối thủ làm sáng tỏ những khó khăn và thách thức mà bà phải đối mặt để thống nhất đất nước Brazil đang chuyển mình nhanh chóng, để thúc đẩy kinh tế đang đình đốn và trấn an thị trường. Bà Dilma Rousseff hứa sẽ tăng cường các đạo luật chống tham nhũng, một chủ để trung tâm trong chiến lược tranh cử của bà.
Bên cạnh đó, báo Le Monde có bài viết : « Dilma Rousseff trước ngõ cụt ngoại giao Brazil ». Theo bài báo này, lĩnh vực bị đối lập công kích nặng là chính sách ngoại giao của tổng thống.
Le Monde nhận định, chính sách ngoại giao của Brasilia hoàn toàn thất bại và đang dần cô lập quốc gia Nam Mỹ này. Do là thành viên của nhóm các quốc gia mới trỗi dậy Brics (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và do không muốn làm phật lòng đối tác Nga, nên Brazil đã phải im lặng trên hồ sơ Nga sáp nhập bán đảo Crimée, khủng hoảng Syria, Ukraina, trong khi người Brazil bấy lâu nay vẫn tôn trọng nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của các nước.
Le Monde nhận định, tổng thống Brazil phải quyết định thay đổi hướng chiến lược ngoại giao vì những lý do vừa chính trị vừa kinh tế. Suy thoái chỉ mới bắt đầu và nền kinh tế Brazil sẽ không khởi động lại được nhanh chóng. Năm 2015 có nguy cơ trở nên khá căng thẳng. Đây không còn là lúc mà bà Dilma Rousseff chỉ cam chịu thế bị cô lập hay chỉ hài lòng trông chờ vào thị trường nội địa, kích thích tiêu thụ như bài thuốc để trị bá bệnh cho nền kinh tế, mà Brazil phải đa dạng hóa thị trường và tăng cường xuất khẩu.
Tờ báo dự đoán, những thay đổi trong ékíp của tổng thống và cải tổ nội các sẽ giúp bà Rousseff có những cải cách chiến lược cần thiết. Sau khi đối đầu với Hoa Kỳ trong vụ gián điệp của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), Brazil đã hủy chuyến công du đến Washington dự kiến vào năm 2013 song giờ đây, Brazil buộc phải sưởi ẩm quan hệ với cường quốc Bắc Mỹ, đồng thời xích lại với Châu Âu.
Le Monde cũng khuyên Brasilia nên xét lại tình hình địa chính trị trong khu vực và nên nhận ra Comlombia đã vượt Achentina về mọi mặt. Đối tác Mỹ La tinh thực sự xứng tầm với những kỳ vọng của Brazil chính là Mêhico. Ngày nào mà cả Brazil và Mêhico gạt ra bên lề được những hơn thua về thứ bậc và ganh đua thì lúc đó, cặp đôi Brazil- Mêhico có thể giữ vai trò điều hành khu vực ngang ngửa với cặp Pháp-Đức ở Châu Âu. 

Bán đảo Crimée dưới thời Mátxcơva

Tám tháng sau khi bán đảo Crimée bị sáp nhập vào Nga, nhật báo Le Monde hôm nay giới thiệu cho độc giả về sự thay da đổi thịt của cựu lãnh thổ Ukraina, giờ đây đã bị Nga hóa sâu sắc.
Những thay đổi bên ngoài phải kể đến là quốc kỳ Nga bay phấp phới trên các tòa nhà hành chính tại Crimée. Các nhà cung ứng dịch vụ viễn thông cũng đổi chủ. Đồng phục giống y như tại Nga. Đồng tiền Ukraina không còn được lưu hành tại bán đảo mà thay bằng đồng rúp. Biển số xe, passe port cũng đổi.
Một số công ty Nga cũng đến Crimée để làm ăn, nhưng để tránh các trừng phạt quốc tế, họ đã thay hình đổi dạng với tên gọi hoàn toàn mới. Dần dần, các mối liên hệ với Ukraina cũng bị cắt. Truyền hình, radio Ukraina không còn đến được với dân chúng Crimée. Tại trường học, tiếng Ukraina cũng bị ngưng giảng dạy, hoặc bị giảm phân nửa, mặc dù tân chính quyền tuyên bố thiết lập ba ngôn ngữ chính là Nga, Ukraina và Tatar.
Nhận định về cuộc bầu cử quốc hội Ukraina hôm chủ nhật vừa qua, nhật báo Libération nhận định, Tổng thống Nga Putin đánh mất tầm ảnh hưởng của mình tại Ukraina, sau khi phe thân phương Tây giành thắng lợi. Sắp tới, thương lượng giữa hai nước sẽ càng gay go hơn. Tuy nhiên, Nga vẫn không thiếu quân bài để gây áp lực lên Kiev để bảo vệ lợi ích riêng của nước Nga như đặc biệt sử dụng đến lá bài khí đốt.

Tranh cãi bùng nổ về vụ đập Sivens

Trở lại thời sự tại Pháp với cuộc tranh cãi ngày càng dữ dội sau cái chết của Rémi Fraisse, một tình nguyện viên đấu tranh chống việc xây dựng đập Sivens vào cuối tuần vừa rồi. Nhiều chi tiết mới được tiết lộ từng ngày. Nhật báo La Croix gọi thảm kịch trên là « một cú sốc ».
Dấu vết của thuốc nổ TNT được tìm thấy trên quần áo của nạn nhân. TNT là thành phần trong lựu đạn cay hay lựu đạn tấn công của hiến binh. Cuộc điều tra sẽ tập trung vào quả lựu đạn được ném lên trên ba lô đeo vai của chàng trai trẻ xấu số, gây sát thương giữa cổ và sọ. Libération gọi đó là : « cú bắn sát thủ » trên trang nhất, kèm bức ảnh của nạn nhân Rémi Fraisse trên nền đen để thể hiện tang chế. Libération phát họa chân dung của chàng sinh viên trẻ ngành thực vật học, bản tính khá ôn hòa và chưa bao giờ tham gia một cuộc biểu tình nào như vậy.
Nếu như kết quả điều tra được xác định như những giám định ban đầu thì giới quan sát lo ngại sự sôi sục của phong trào khiến người ta có thể mường tượng ra việc chính phủ sẽ phải rút lại dự án xây dựng đập Sivens (Tarn). Nhật báo Le Parisien nhận định, thảm kịch này sẽ gây xung đột giữa các đảng phái chính trị và trên các trang mạng xã hội, nhiều cuộc xuống đường đã được định ngày tại nhiều thành phố. Đa phần, nhiều ý kiến chỉ trích chính phủ đã phản ứng chậm trễ trước cái chết của Rémi Fraisse.
Nhật báo Le Figaro có bài viết : « Đập Sivens : đảng Xanh thách thức chính phủ ». Theo tờ báo, sau bi kịch của chàng trai trẻ, căng thẳng đã dâng cao giữa những thành viên đảng Xanh chủ trương bảo vệ môi trường và chính phủ. Họ yêu cầu chính phủ phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?