Người Mỹ gốc Việt chống tuyên truyền lịch sử của Hà Nội
Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-10-29
Tổ chức bảo tồn văn hóa và lịch sử người Mỹ gốc Việt tại Hoa kỳ đang tiến hành cuộc vận động chống lai những tài liệu văn hóa và lịch sử được cho là có mang quan điểm tuyên truyền của đảng cộng sản Việt nam tại Mỹ. Đồng thời Hội cũng đang thực hiện một bộ phim về hành trình của người Việt đến Mỹ trong gần 40 năm qua. Bà Triều Giang, Hội trưởng Hội bảo tồn văn hóa và lịch sử người Mỹ gốc Việt dành cho Kính Hòa một cuộc trao đổi ngắn về vấn đề này.
Bà Triều Giang: Hội được thành lập đến nay đúng mười năm. Việc làm của Hội đúng như tên gọi của nó là bảo tồn lịch sử văn hóa. Khi con em chúng ta đi học ở Hoa kỳ này hay đọc những sách vở viết về chiến tranh Việt nam thì phải nói là đến 80% là sai lệch. Nói về quan điểm thì nó bị ảnh hưởng bởi quan điểm phản chiến, thứ đến là bị ảnh hưởng của chính phủ Việt nam ở bên kia trong vấn đề tuyên truyền của họ. Hội được lập ra để cải thiện nó.
Cái thứ hai là ghi chép lại những kinh nghiệm của người Mỹ gốc Việt chúng ta, trong chiến tranh thế nào, sau chiến tranh ra sao và chúng ta đến đây như thế nào, tại sao mình phải đến đây, và trên đường đi thì những cái gì đã xảy ra. Và mình bắt đầu cuộc đời mới như thế nào. Tất cả những ghi chép đó sẽ được đưa vào các trường Đại học, các bảo tàng để triển lãm, hay là Hội đi nói chuyện ở các trường. Hiện Hội đã đưa được vào bốn trường Đại học, đó là Đại học Rice, Đại học California ở Irvine, Texas Tech, và UTM ở Austin.
Kính Hòa: Bà có thể cho ví dụ cụ thể về sự sai lệch của các tài liệu lịch sử về Việt nam?
Bà Triều Giang: Hiện Hội có một cuộc vận động, nói về hai tài liệu. Một là trong phần nói về người Mỹ gốc Việt trong một bộ sử bốn cuốn. Trong này cũng có nói về các cộng đồng khác. Đây là một cuốn bách khoa toàn thư nói về lịch sử của những người Mỹ mới. Trong đó có một chương nói về những người di dân Việt nam tới Mỹ. Họ viết rất sai lạc và Hội đã liên lạc với người chủ biên, và nhà xuất bản.
Ngoài cái tài liệu trong bộ sử đó thì còn có một quyển sách riêng về lịch sử người Mỹ gốc Việt có tên là The Vietnamese American.
Ngoài ra khoảng năm 2006, tại Houston tràn ngập những quyển sách từ Houston qua, trong đó có những quyển sách, tác phẩm rất sai lạc và có tính cách tuyên truyền. Ví dụ họ nói là việc đưa khoảng 3000 em mồ côi sang bên này, hay còn gọi là Baby Lift, là để huấn luyện thành gián điệp và gái điếm…
Kính Hòa: Thực sự có một tài liệu như vậy sao?
Bà Triều Giang: Thưa có. Hội đến các thư viện công cộng của Houston để trình bày rằng đây là những cuốn sách độc hại có tính chất cổ võ cho sự căm thù nước Mỹ, cổ võ cho bạo lực, vậy mà có những cuốn nằm trong khu thiếu nhi nữa. Chúng tôi đã dịch các tài liệu đó ra, và sau chín tháng làm việc thì họ đồng ý cho mình thành lập một ban tuyển sách làm việc song song với họ. Họ làm thì có lương, mình thì không… (cười)
Kính Hòa: Còn cuốn sử nào bà nói là rất sai lệch…
Bà Triều Giang: Chương năm của bộ sách Những người Mỹ mới gồm bốn mươi mấy trang. Hội đã lọc ra nhiều điểm, có những điểm nho nhỏ thì mình không nói tới, nhưng những chuyện lớn thì mình phải đặt vấn đề. Mình thấy có 15 điểm mà có những điểm là sự sai lệch rất là trầm trọng. Ví dụ như là ông Nguyễn Thái Học vào năm 1943 đổi sang tên là ông Hồ Chí Minh. Mình không biết là tại vì người viết kém hay là họ cố tình. Nếu họ có ẩn ý thì chắc là họ nghĩ rằng thì là ai cũng biết ông Nguyễn Thái Học là anh hùng, thì có thể lờ mờ mà nói rằng chính người anh hùng đó là ông Hồ Chí Minh “nhà chúng ta” sau này.
Còn chuyện chiếc tàu Việt nam Thương tín trở về thì họ nói rằng là chính quyền Việt nam cho phép chiếc tàu đó trở về. Sự thực thì theo nghiên cứu của các anh em trong Hội, và theo báo cáo của Quốc Hội Hoa Kỳ thì mặc dù sau bao nhiêu lần liên lạc và có guuwri cho Việt nam vào tháng 9 và tháng 10 năm 1975 để xin cho những người này trở về nhưng mà họ không cho.
Khi mà về thì tất cả bị bỏ tù trừ một em bé 5 tuổi. Theo tài liệu của ông Trung tá hải quân Trần Văn Trụ, người lái con tàu đó, thì tất cả đều bị bắt ngay cửa biển và đưa thẳng vào trong tù, không ai được về nhà cả.
Dạy lịch sử của chúng ta như thế nên chúng tôi cho rằng nó không công bằng. Những cái này là tài liệu tuyên truyền mà lại đưa vào trường học Hoa Kỳ, dạy con em chúng ta, dạy trẻ em Mỹ, hay người lớn cũng có thể đọc, thì chúng tôi thấy rằng nó rất là độc hại.
Kính Hòa: Hồi đầu câu chuyện bà có nói đến một cuốn phim
Bà Triều Giang: Vâng cuốn phim mang tên là The Journey to Freedom of the Vietnamese American, tức là Hành trình tìm tự do của người Mỹ gốc Việt chúng ta. Phim đã bắt đầu thực hiện vào năm 2012, và bây giờ là giai đoạn cuối. Hội hy vọng là sẽ có cuốn phim vào năm tới nhân kỷ niệm 40 năm. Một cuốn phim nói về cuộc sống của những người đã ra đi như thế nào. Bộ phim nói về những người vượt biển, những tù nhân chính trị, những người đến đây bằng nhiều cách khác nhau, và đời sống bây giờ của họ như thế nào.
Hội cố gắng đưa phim vào dòng chính của nước Mỹ, phim được thực hiện bằng tiếng Anh, những đoạn nói tiếng Việt thì có phụ đề. Việc thực hiện bằng tiếng Anh là để đưa vào dòng chính, đưa vào các Đại học, cũng như là các cộng đồng bạn, để nói về cái lịch sử mình đã trải qua, đau thương như thế nào, và hôm nay mình đã vực dậy làm được cái gì có ích cho quê hương và đất nước bên này.
Kính Hòa: Xin cám ơn bà Triều Giang.
Nhận xét
Đăng nhận xét