Ban Kinh tế Trung ương có nhân sự mới

Trưởng ban Kinh tế Trung ương hiện là ông Vương Đình Huệ
 
Theo BBC
30 tháng 3 2015
Ban Kinh tế Trung ương của Đảng Cộng sản có ba phó ban giữa lúc những tranh cãi về đường hướng kinh tế tiếp diễn.
Theo Thời báo Kinh tế Việt nam, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa đã trao quyết định của Bộ Chính trị Việt Nam về việc bổ nhiệm các ông Trương Quang Nghĩa, Trần Văn Hiếu và Trần Tuấn Anh hồi cuối tháng Ba.
Ông Nghĩa là Ủy viên Trung ương Đảng từng là Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, Phó bí thư Đà Nẵng và Tổng giám đốc Vinaconex.
Ông Hiếu hiện là Thứ trưởng Bộ Tài Chính và ông Anh là Thứ trưởng Bộ Công thương.
Cả hai ông sẽ kiêm nhiệm thêm chức vụ phó ban Kinh tế Trung ương thay cho hai người đã nghỉ hưu là các ông Nguyễn Công Nghiệp và Lê Dương Quang.
Thời báo Kinh tế Việt Nam nói ông Trần Văn Hiếu có học vị tiến sỹ và phụ trách về về tài chính doanh nghiệp, quản lý giá và cũng là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC.
Còn ông Trần Tuấn Anh đang là Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công Thương phụ trách xuất nhập khẩu và dịch vụ thương mại, phát triển thị trường và các vấn đề liên quan đến xử lý tranh chấp thương mại và chống bán phá giá, chống trợ cấp ở nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam tại các nước châu Mỹ.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương hiện là ông Vương Đình Huệ, cựu bộ trưởng tài chính. Ông từng được đề cử vào Bộ Chính trị nhưng không được Ban chấp hành trung ương đồng ý.

Bất cập chính sách

Bình luận với BBC hôm 30/3 về các thách thức kinh tế hiện nay của Việt Nam, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, một Việt kiều từng có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh ở Việt Nam nói:
"Nhân sự [cốt cán của] Việt Nam ... chưa được huấn luyện thực sự về quản lý kinh tế thị trường mà chỉ mới định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành trong cơ chế kinh tế thị trường thì còn nhiều bất cập lắm.
"Cái định hướng xã hội chủ nghĩa là cái gì thì cũng không thấy rõ ràng. Còn vận hành trong cơ chế thị trường chưa hẳn đã là kinh tế thị trường.
"Nếu mà định hướng xã hội chủ nghĩa là theo kinh tế quốc doanh với doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì như thế không phải là kinh tế thị trường nữa."
"Hai cái đấy nó có sự chống chọi nhau và đến một lúc nào đấy lãnh đạo Việt Nam cần phải có quyết tâm, quyết liệt nói rõ ra định hướng của mình như thế nào.
"Hiện nay các nhà lãnh đạo Việt Nam ... đi khắp thế giới qua Mỹ, châu Âu đều yêu cầu lãnh đạo nước ngoài công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đã như thế rồi thì những gì không phù hợp nhà nước phải từ từ xóa bỏ nó đi."

'Hệ thống không chịu trách nhiệm'

Khi được hỏi về các quyết sách kinh tế cần có trong thời gian trước mắt, ông Thành bình luận:
"Vấn đề của Việt Nam là làm sao mỗi doanh nghiệp có phương tiện để phát triển ổn định, bền vững.
"Năm nay theo quyết định và thông báo của Chính phủ là năm của doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp Việt Nam rất cần chính sách tiền tệ và tín dụng như thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý với sự giám định tốt về sử dụng nguồn vốn."
Ông cũng nói thêm Việt Nam cần thực hiện những chính sách để thúc đẩy sáu lĩnh vực ưu tiên trong đó có nông nghiệp, công nghệ cao và xuất khẩu.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên từng nói rằng kinh tế Việt Nam "là nền kinh tế định hướng "công nghiệp - phi công nghệ", không khuyến khích sản xuất nội địa, không có công nghiệp hỗ trợ."
Ông Thiên nói có tới 76% máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ ở Việt Nam thuộc thế hệ 1950-1960 và Việt Nam "quá thiên lệch về khuyến khích nhập khẩu để gia công lắp ráp và mang tính đầu cơ."
Ông Thiên cho rằng kinh tế Việt Nam phát triển và tái cơ cấu chậm là do "đang tồn tại một hệ thống không chịu trách nhiệm và không thể chịu trách nhiệm".

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện