Điểm Tin thế giới tiếp theo....

Điểm tin 2    
Hoàng thân Mohammed ben Salman, người chủ xướng kế hoạch cải tổ kinh tế Ả Rập Xê – Út.REUTERS/Saudi Press Agency/Handout via Reuters

 
Hôm qua, 25/04/2016, Ả Rập Xê Út đã công bố kế hoạch kinh tế dài hạn nhằm tránh sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ, bao gồm việc thành lập quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới và bán một số cổ phần trong tập đoàn năng lượng Aramco.
Kế hoạch được mang tên “Tầm nhìn 2030” cho thấy hướng đi mới của quốc gia này trong bối cảnh giá dầu xuống thấp. Quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã bị ảnh hưởng nặng nề do giá dầu sụt giả và phải tìm nguồn thu mới.
Những cải tổ trong kế hoạch này nhằm giải quyết vấn đề nhà ở và thất nghiệp, đồng thời cũng đảm bảo trợ cấp về năng lượng, nước sinh hoạt cho người nghèo. Kế hoạch sẽ tập trung vào cổ phần hóa, giảm trợ cấp, bán 5% cổ phần trong tập đoàn dầu khí Aramco, và lập một quỹ đầu tư hai ngàn tỷ đô la để phát triển các thành phố.
Hoàng tử Mohamed bin Salman trả lời kênh truyền hình Al Arabiya hôm thứ Hai 25/04/2016, đã tuyên bố: “Đến năm 2020, chúng ta có thể sống mà không cần dầu mỏ”.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức khi mà 70% nguồn thu của nhà nước đến từ dầu mỏ. Thêm vào đó, chính phủ Ả Rập Xê Út hàng chục năm nay không thu thuế từ người dân.
Trước đó, các nước láng giềng trong vùng vịnh Ba Tư như Koweit, Quatar và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng đã loan báo kế hoạch cải tổ của mình.
Khánh Bình
Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160426-a-rap-xe-ut-cai-to-de-tranh-phu-thuoc-vao-dau-mo

 
93_Tchernobyl 
Đài tưởng niệm nạn nhân Tchernobyl ở thành phố Slavutych, Ukraina.Reuters/Gleb Garanich
Hôm nay 26/04/2016, đúng 30 năm sau thảm họa hạt nhân Tchernobyl, chính quyền Ukraina tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm khoảng 500.000 người lính cứu hỏa, quân nhân, dân thường đã tham gia vào việc dọn dẹp khu vực thảm họa hạt nhân dân sự, được coi là khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Ngược lại, chính quyền Nga chỉ tổ chức một nghi thức sơ sài.
Lễ tưởng niệm tại Ukraina diễn ra tại hai nơi. Một tại nhà thờ Kiev, được xây dựng nhằm tưởng nhớ các nạn nhân Tchernobyl. Địa điểm thứ hai là tại Slavutich, thành phố mới, cách Tchernobyl khoảng 50 km, đô thị được xây dựng sau thảm họa để tái định cư người dân vùng bị nạn. Tổng thống Ukraina Petro Porochenko vinh danh hơn 500.000 thường dân hay quân nhân, được điều động từ khắp Liên Bang Xô Viết đến tẩy rửa Tchernobyl. Hàng chục người đã chết ngay tại chỗ, rất nhiều người sau đó chết vì những căn bệnh hết sức hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư.
Số lượng các nạn nhân và các hậu quả dài hạn của vụ nổ Tchernobyl, 30 năm sau, vẫn còn là chủ đề bất đồng. Nhiều người thoát nạn lên án việc chính quyền Liên Xô bưng bít thông tin về thảm họa. Theo các nhà quan sát, vụ Tchernobyl đã phơi bày trước thế giới sự rệu rã của chế độ cộng sản Xô Viết.
G7 và Châu Âu tài trợ thêm gần 90 triệu euro
Nhân 30 năm thảm họa, hôm qua 25/04, nhóm G7 và Bred, Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu, quyết định chi thêm 87,5 triệu euro để tài trợ cho việc xây dựng một nơi chôn giữ nhiên liệu hạt nhân của Tchernobyl đã qua sử dụng (của ba lò phản ứng hạt nhân vẫn còn tiếp tục hoạt động trong nhiều năm, sau khi lò số 4 bị nổ tung). Công trình, do công ty Mỹ Holtec thực hiện, sẽ phải hoàn tất trong năm nay, và đi vào hoạt động trong năm 2017. Toàn bộ phí tổn của công trình là 400 triệu euro. Đây là hạng mục lớn thứ hai tại Tchernobyl sau “bộ áo giáp” bê tông, cao 110 mét, nặng 25 tấn, trị giá 2,1 tỉ euro, trùm lên toàn bộ khu vực lò phản ứng số 4, cùng với khoảng 200 tấn macma nhiễm xạ cao. Theo AFP, “bộ áo giáp”mới, đã được lắp đặt tại chỗ, cũng sẽ chính thức được sử dụng trong năm 2017.
Trong khi dịp 30 năm Tchernobyl được kỷ niệm trọng thể tại Ukraina, chính quyền Nga lại hết sức lặng lẽ. Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne cho biết :
“ Về phía Nga, dịp kỷ niệm này gần như một cách âm thầm. Không có một nghi thức quan trọng nào được dự kiến, ngoài cuộc viếng thăm một nghĩa trang gần Matxcơva, nơi chôn cất những người “xử lý”. Đây là những người đã tham gia dập tắt vụ hỏa hoạn hoặc dọn dẹp khu vực nhiễm xạ. Rất nhiều người trong số họ đã phải trả giá bằng sinh mạng mình. Chính phủ chỉ cử đại diện ở cấp thứ trưởng, một quan chức thuộc Bộ các Tình Trạng Khẩn Cấp.
Kết quả của chính sách coi nhẹ này được thể hiện trong thái độ của công luận Nga đối với vấn đề hạt nhân : hiện thời chỉ có khoảng 33% người Nga cho rằng một thảm họa tương tự như Tchernobyl có thể tái diễn, so với 56% cách nay 5 năm. 
Còn tại Belarus, tổng thống Lukachenko đã tới thăm các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nguyên thủ Belarus tuân thủ đường lối chính thức : khắc phục các hậu quả là ưu tiên của chính phủ. Kể từ hôm qua, tại Minsk, diễn ra một hội nghị quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Mục tiêu của hội nghị này là thông qua một chương trình trợ giúp phát triển các vùng bị tổn thương. Đối lập Belarus tổ chức một cuộc tuần hành mang tên “con đường Tchernobyl”. Cuộc tuần hành, được chính quyền cho phép, nay đã trở thành một hoạt động thường niên ”.
Trọng Thành
Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160426-30-nam-vu-tchernobyl-ukraina-vinh-danh-500000-%E2%80%9Cnguoi-don-dep%E2%80%9D-khu-vuc-tham-hoa

 
99_obamacamerun 
Tổng thống Obama trong cuộc họp báo tại Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 22/04/2016.REUTERS/Andy Rain/Pool
Nguy cơ « Brexit », tức là nước Anh rút ra khỏi Liên hiệp châu Âu, đang đe dọa tiến trình đàm phán hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương TTIP. Trong khi chỉ còn hai tháng nữa là đến cuộc trưng cầu dân ý tại Anh Quốc, áp lực ngày càng đè nặng lên vai của các nhà thương thuyết, vừa mở loạt đám phán lần thứ 13 tại New York hôm qua, 25/04/2016.
Hiệp định TTIP, được thương lượng từ năm 2013, là nhằm xóa bỏ mọi hàng rào về thuế quan và về quy định còn cản trở trao đổi mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở hai bờ Đại Tây Dương. Theo thẩm định của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị ( CEPR) của Pháp, hiệp định này sẽ mang lại thu nhập 120 tỷ euro cho Liên Hiệp Châu Âu và 95 tỷ đô la cho Hoa Kỳ.
Nhưng khả năng Anh Quốc, một trong những nền kinh tế chủ chốt của châu Âu, rút ra khỏi khối này, khiến cho đàm phán về hiệp định TTIP có nguy cơ thất bại.
Tuyên bố với hãng tin AFP, ông Gary Hufbauer, một cựu quan chức bộ Tài chính Mỹ, nay là chuyên viên của Viện Peterson của Washington, dự báo rằng nếu Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, đàm phán về hiệp định TTIP sẽ « sụp đổ tan tành », vì theo ông, không có cách nào tiến tới được nữa, do có quá nhiều yếu tố vô định.
Về phần ông Edward Alden, nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ( Council on Foreign Relations ), thì không bi quan đến như thế, nhưng ông cảnh báo rằng, nếu phe chủ trương « Brexit » thắng trong cuộc trưng cầu dân ý thì đàm phán thương mại Âu-Mỹ sẽ bị đặt xuống hàng thứ yếu. Theo ông Alden, lúc đó sẽ có những vấn đề khẩn cấp hơn cần giải quyết, ai cũng sẽ chú tâm đến mối quan hệ mới giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu.
Thật ra thì trước mắt, nguy cơ « Brexit » cũng có một tác động tích cực, đó là thúc đẩy tiến trình đàm phán hiệp định TTIP, có vẻ như đang dậm chân tại chỗ. Trả lời AFP, ông Daniel Hamilton, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề châu Âu, hiện là chuyên gia của Đại học John Hopkins, cho rằng cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu đều cần chứng tỏ là đàm phán đang tiến nhanh và qua đó tác động lên dư luận Anh Quốc. Theo dự đoán của ông Hamilton, trước cuộc trưng cầu dân ý, hai bên sẽ ra một thông cáo chung nhấn mạnh đến những tiến bộ của đàm phán, cho dù bình thường thì không ai ra thông cáo như vậy vào lúc đang còn thương lượng.
Mục đích là để thuyết phục dân Anh nên ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu để được hưởng những mối lợi của hiệp định TTIP và mọi con đường khác đều sẽ dẫn đến ngõ cụt. Bản thân tổng thống Barack Obama khi viếng thăm nước Anh cuối tuần trước cũng đã cảnh báo là trong trường hợp « Brexit », nước Anh sẽ đứng cuối hàng trong thương lượng tự do mậu dịch với Mỹ, vì lúc đó Washington sẽ dành ưu tiên cho Liên Hiệp Châu Âu.
Nhưng cũng phải thấy rằng, nguy cơ « Brexit » không phải là yếu tố duy nhất đe dọa đến thành công của đàm phán về hiệp định TTIP. Cho tới nay, Hoa Kỳ và châu Âu còn bất đồng trên nhiều hồ sơ. Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng không chấp nhận ký hiệp định với bất cứ giá nào, như lời của ông Matthias Fekl, Quốc vụ khanh đặc trách Ngoại thương của chính phủ Pháp, trả lời đài phát thanh RTL hôm nay. Ông Matthias Fekl rất bi quan nói rằng khả năng ký được hiệp định TTIP « đang rời xa ».
Chưa kể là các tổ chức xã hội dân sự ở một số nước như Đức phản đối hiệp định TTIP, mà họ cho là sẽ gây nhiều tác hại cho nông nghiệp và môi trường. Hôm thứ bảy tuần trước, hàng chục ngàn người đã biểu tình chống hiệp định này tại Hanover, một ngày trước khi tổng thống Obama đến thăm nước Đức.
Thanh Phương
Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160426-%C2%AB-brexit-%C2%BB-de-doa-hiep-dinh-tu-do-mau-dich-au-my

 
94_thutruonggoaigiaomy 
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề nhân quyền Malinowski khi đến thăm Việt Nam. Ảnh tháng 5/2015.@humanrights.gov
Hãng tin AP hôm nay 26/04/2016 cho biết, trong cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt-Mỹ diễn ra tại Washington, Hoa Kỳ hôm qua, 25/04/2016 đã gây áp lực lên Việt Nam về một loạt các vụ bắt giữ những người bất đồng chính kiến, đồng thời thúc đẩy những tiến triển khác về nhân quyền, trước khi tổng thống Barack Obama đến thăm Việt Nam vào tháng tới.
Ông Tom Malinowski, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động,  nhận xét, năm ngoái các vụ bắt bớ và sách nhiễu các nhà ly khai ôn hòa tại Việt Nam đã giảm hẳn. Nhưng nay ông nói với AP chính quyền Hà Nội đã gia tăng bắt giữ các nhà hoạt động và blogger trong năm nay, và vấn đề này đã được nêu ra trong cuộc đối thoại « cởi mở và thẳng thắn » hôm thứ Hai.
Các viên chức cao cấp Việt-Mỹ hàng năm vẫn tiến hành đối thoại về nhân quyền – hiện vẫn là một vướng mắc trong việc cải thiện quan hệ hai nước. Phái đoàn Việt Nam do ông Vũ Anh Quang, vụ trưởng vụ Tổ chức Quốc tế, bộ Ngoại Giao dẫn đầu.
Tổng thống Mỹ Obama sẽ thăm Việt Nam vào tháng Năm. Ông sẽ là tổng thống Mỹ thứ ba đến Việt Nam, bốn thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc.
Hoa Kỳ và Việt Nam trong những năm gần đây đã siết chặt thêm quan hệ. Washington tìm cách mở rộng vòng thân hữu tại Đông Nam Á, đã tìm được điểm chung với Hà Nội – hiện phải đối đầu với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự. Việt Nam còn là thành viên Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ chủ xướng, được ký kết hồi tháng Hai.
Gần đây Việt Nam đã thông qua một số đạo luật để cải thiện việc bảo vệ pháp lý cho công dân, và chấp thuận cho thành lập công đoàn độc lập – mà lâu nay vẫn bị cấm đoán – thông qua một điều khoản sẽ có hiệu lực một khi TPP được cả hai nước phê chuẩn.
Tuy nhiên đảng Cộng sản cầm quyền vẫn không nới tay đối với những người bất đồng chính kiến. Theo báo cáo mới đây của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đến cuối 2015 vẫn còn 95 tù nhân chính trị tại Việt Nam. Human Rights Watch cho biết trong tuần lễ cuối tháng Ba Việt Nam đã kết án tù bảy blogger và nhà hoạt động nhân quyền.
Theo AP, trong số các trường hợp bị giam giữ được phía Mỹ nêu ra hôm thứ Hai 25/4, có luật sư Nguyễn Văn Đài, bị bắt tháng 12/2015 với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước. Hồi năm 2007, ông Đài đã bị án tù bốn năm vì tội danh tương tự.
Ông Malinowski nói rằng Hoa Kỳ cũng quan sát chặt chẽ các tiến triển về cải cách luật pháp của Việt Nam. Theo ông, các đạo luật biểu tình, luật về các tổ chức phi chính phủ và về tín ngưỡng mà Quốc Hội Việt Nam sẽ xem xét trong năm nay có thể có tác động quan trọng đến việc tôn trọng nhân quyền.
Thụy My
Nguồn : http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160426-hoa-ky-gay-ap-luc-voi-viet-nam-ve-nhan-quyen-truoc-chuyen-tham-cua-tong-thong-obam

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện