Thư Cho Con: 41 Năm Quốc Hận Đại Nạn Công An Phiệt & Miền Nam Bị Phá Nát Lần Nửa – Giáo Già

Posted on 29/04/2016

Thư Cho Con: 41 Năm Quốc Hận Đại Nạn Công An Phiệt & Miền Nam Bị Phá Nát Lần Nửa – Giáo Già
    
Ngày 29 tháng 4 năm 2016
H,
Còn 1 ngày nữa là 30 tháng tư. 41 năm trước, CS Bắc Việt hoàn tất cuộc xâm lăng Miền Nam VN khiến người miền Nam tháo chạy, vượt biên… trong cơn binh biến; và trong thời gian dài sau đó. Cho đến nay, suốt 41 năm, toàn dân Việt Nam vẫn đang tháo chạy khỏi đất nước vì nhiều lý do:
  • Người có nhiều tiền, tạm gọi là đại gia, đang tháo chạy công khai bằng các diện đầu tư và bảo lãnh…;
  • Các cô dâu chú rể, thế hệ thanh niên đang tháo chạy khỏi Việt Nam bằng những tờ hôn thú giả…;
  • Các du học sinh và chất xám của đất nước…cũng đang tìm đường tháo chạy để tìm việc nơi xứ người; vì hầu như chẳng em nào muốn quay về, trừ con cái các quý tộc đỏ hồi hương để tiếp nối con đường bóc lột dân tộc của cha anh đương quyền lãnh đạo đất nước…
  • Các gia đình có tiền đang râm ran bàn cách cho con cái đi học để chờ ngày không xa theo con định cư nước ngoài…
Do vậy, phải gọi ngày 30-4 là ngày Quốc Hận. Đừng gọi nó bằng một cái tên khác. Cho tới nay, đã qua rồi 41 mùa quốc hận, nhưng mối quốc hận vẫn không hề phai lạt, mà càng ngày càng đậm nét; vì chính những kẻ gây ra quốc hận càng ngày lún sâu vào con đường phản bội dân tộc, làm cho quốc hận càng thêm sôi sục.
Tiếp nhận một gia tài khổng lồ, phồn thịnh là miền Nam Việt Nam, ngay từ ngày quốc hận đó, CS đã đưa miền nam đến chỗ bệ rạc, bế tắc về tất cả các mặt văn hóa, kinh tế, chính trị…; khinh thường dân chúng một cách trắng trợn, và nhất là chỉ vì mưu cầu quyền lực và quyền lợi, tập đoàn lãnh đạo CS đang bí mật đưa cả nước Việt Nam vào con đường Hán hóa, bán đứt đất đai, biển đảo do tổ tiên để lại cho kẻ thù phương bắc.
Trong bài viết “CÓ NHỮNG SỰ THẬT KHÔNG CÃI ĐƯỢC” Huy Phương đã nhận định, Giáo Già xin trích nguyên văn:
“– Ở xã hội ấy (VC) cái gì cũng mua được bằng tiền, cái gì cũng được đem bán, và người ta sẵn sàng bán đi những cái gì quý nhất.
– Ở xã hội ấy, người ta không biết hổ thẹn vì nhân cách, nhưng cảm thấy hổ thẹn khi thua sút những người chung quanh vì cái nhà, cái xe, cái điện thoại, cái xách tay…
– Ở xã hội ấy, ai cũng muốn bỏ đi, những ai còn ở lại là không đi được, hay đang còn kiếm được tiền để chuẩn bị đi hay lo cho những người đã đi.
– Con người là vốn quý như ai đó đã từng nói, nhưng một mạng người không đáng giá bằng một con chó!
– Con người là vốn quý, nhưng người ta coi rẻ sinh mạng của nhau, cầm dao giết nhau chỉ vì một cái nhìn, một chuyện tranh cãi hay để cướp đoạt tài sản của người khác.
– Con người là vốn quý, nhưng công an, thế lực của chế độ, sẵn sàng đánh chết dân vì dân không chịu nhận tội mình không làm.
– Xã hội chủ trương mình sống vì mọi người, nhưng người vá xe sẵn sàng rải đinh trên đường để cho tiệm mình đông khách, thêm lợi nhuận.
– Xã hội chủ trương mình sống vì mọi người nhưng bọn phục vụ cho dân, ăn gian, làm dối, sống chết mặc bay.
– Cộng sản đã từng ca tụng: “Chủ Nghĩa Xã Hội là đỉnh cao trí tuệ loài người!” “Hà Nội là lương tri của nhân loại!” Báo Quân Đội Nhân Dân đã ca tụng “đỉnh cao của khí phách và trí tuệ Việt Nam”, nhưng ngày nay nhân dân Việt Nam đi đến đâu đều được mọi người có những cái nhìn thiếu thiện cảm. Nhật, Thái Lan, Nam Hàn, Singapore… kết án người Việt trộm cắp, ăn tham, xả rác, bán dâm… khiến hình ảnh Việt Nam đang dần trở nên xấu xa. Cả nhân viên nhà nước cũng buôn lậu, ăn cắp, hối lộ, vậy người Việt ra nước ngoài còn dám ngẩng mặt nhìn ai?
– Ở trong nước dân Việt đã bày tỏ dân trí bằng cách ẩu đả, chửi bới nhau để chen lấn mua bánh Trung Thu ở Hà Nội, giành giật đạp lên nhau để giành được một miếng sushi miễn phí ở một cửa hàng mới khai trương, hỗn loạn trèo lên đầu nhau để mua bằng được lá ấn trong lễ khai ấn đền Trần, hôi của khi có tai nạn qua đường như rơi tiền, đổ bia… Người ngoại quốc và các tòa đại sứ ở Việt Nam thì bắt đầu “sợ” dân Việt khi những cây anh đào được đem từ Nhật đến bị đám đông nhào đến vặt sạch, chính phủ Hòa Lan tổ chức phát 3,000 chiếc áo mưa cho dân chúng để tỏ tình hữu nghị thì đám đông ào ạt, hung dữ nhào lên sân khấu cướp từ tay các tình nguyện viên và nhân viên đại sứ quán…”
Đó là đại nạn. Nó càng trầm trọng hơn với đại nạn “Công An Phiệt”, mà những kẻ cầm quyền bố trí cho nhau những chức vụ hàng đầu đều là công an, như [Giáo Già xin nhắc lại vài chi tiết đã ghi trong Thư Cho Con ngày 7-4-2016]:
  1. Chủ tịch nước: Đại tá công an Trần Đại Quang;
  2. Bộ trưởng Công an: Thượng tướng công an Tô Lâm;
  3. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao: Trung tướng công an Trương Hòa Bình;
  4. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: Thiếu tướng công an Nguyễn Hòa Bình.
Xin ghi lại đây một số trường hợp điển hình người dân gặp nạn vì đại nạn công an phiệt:
-  Sáng ngày 17/4/2016 một loạt hội viên Hội nhà báo độc lập Việt Nam bị chặn tại nhà hoặc tạo cớ đưa về đồn công an câu lưu, không cho đến tham dự cuộc tọa đàm “Obama đến Việt Nam – The change we need”. Đó là:
  • Tại Thanh Trì, vào lúc 7 giờ sáng, ông Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch Hội ra khỏi nhà để đi dự họp thì gặp rất đông công an mai phục sẵn từ trước kiên quyết không cho đi;
  • Cũng tại Thanh Trì, anh Vũ Quốc Ngữ cũng bị rất đông công an đến chặn, không cho ra khỏi nhà;
  • Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội từ Sài Gòn và Nhà thơ Bùi Minh Quốc từ Đà Lạt ra Hà Nội từ hôm trước để tham dự tọa đàm. Ông Phạm Chí Dũng mượn xe máy của một người bạn, chưa kịp đi thì có một xe khác tông vào rất khó hiểu(!?). Lấy lý do đụng xe, ông bị đưa đến công an phường Giảng Võ để câu lưu. Nhà thơ Bùi Minh Quốc bị giữ ở công an phường Kim Liên với lý do kiểm tra hộ khẩu. Nhà báo Phạm Đoan Trang là khách mời bị giữ trên đường đi. Cô bị ép lên vỉa hè lúc 8 giờ và bị đưa về đồn công an. Họ giữ cô ở đó đến 12 giờ mới chịu thả.
- Sáng ngày 22/4/2016, Tòa án tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa phúc thẩm (lần 2) xử anh Nguyễn Văn Thông, phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 Bộ luật hình sự. Tại tòa anh Thông một mực kêu oan, vì cho rằng anh chỉ là người đi khiếu nại để đòi nhà nước chi trả tiền bồi thường đúng qui định của pháp luật, chứ không có mục đích lợi dụng các quyền tự do dân chủ như quy kết của bản án sơ thẩm. Các luật sư bào chữa cho anh Thông đều đưa ra những chứng cứ chứng minh việc anh Thông khiếu nại là đúng, các quyết định bồi thường là sai nghiêm trọng; anh Thông hoàn toàn không lợi dụng các quyền tự do dân chủ như bản án sơ thẩm đã quy kết và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên anh Thông vô tội. Nhưng, kết thúc phiên tòa Hội đồng xét xử tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, phạt anh Thông 03 năm 06 tháng tù giam, làm các luật sư và hàng trăm người có mặt tại hội trường vô cùng ngỡ ngàng, thất vọng. Sau đó, lực lượng cảnh sát vội vàng áp giải anh Thông lên xe thùng chở về trại giam, cùng tiếng la hét của người nhà anh Thông.
- Theo đơn tố cáo của nhà báo Trần Đại của báo Pháp Luật Xã Hội, khi anh và một đồng nghiệp đang ghi hình trên đường phố về tình trạng nhiều thanh niên lạng lách, cho xe đánh võng, gây mất an toàn giao thông ở thành phố Thanh Hóa, thì có một người mặc sắc phục màu xanh điều khiển phương tiện lạng lách qua nhiều con đường cũng bị ghi hình. Sau đó, anh và đồng nghiệp đã bị một người đi xe mô tô mang biển số 36B4-665.88 dọa đánh và dùng bình xịt hơi cay xịt vào mặt. Sau khi đơn tố cáo của nhà báo Trần Đại được gửi cho cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Thanh Hóa, chiếc xe mô tô trên đã được xác minh là của ông Nguyễn Ngọc Cường, hiện mang quân hàm thượng sĩ, đang công tác tại đội đặc nhiệm tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Phòng Cảnh sát cơ động tỉnh Thanh Hóa.
- Nhà hoạt động Ngô Duy Quyền thuộc Hội Bầu bí Tương Thân, là chồng của cựu tù nhân lương tâm Lê Thị Công Nhân, đồng thời cũng là anh của cựu tù nhân chính trị Ngô Quỳnh, bị công an bắt đi làm việc từ lúc 4 giờ chiều đến 11 giờ tối mới được thả ra; chỉ vì tội viết thư gửi Bộ trưởng công an Trần Đại Quang nói về một số nhà hoạt động nhân quyền như các anh Nguyễn Chí Tuyến, Đinh Quang Tuyến, facebooker Gió Lang Thang Trịnh Anh Tuấn bị hành hung… Trước đó nữa có những người dân bị hành hung đến chết hoặc bị trọng thương trong đồn công an… như trường hợp em Đỗ Đăng Dư…
- Ngày 20/4 những thông tin về việc Công an Huyện Bình Chánh khởi tố, và Viện KS cùng cấp; phê duyệt Lệnh khởi tố chủ quán café Xin Chào vì dám cạnh tranh với Căng tin của Công an Huyện, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng phải lên tiếng chỉ đạo Trung tướng Giám đốc công an TP.HCM, Viện trưởng VKSND TP.HCM cấp thời làm rõ vụ việc. Sau đó, chiều ngày 22/4, Viện KSND TP.HCM họp với TAND TP.HCM và Công an TP.HCM, thống nhất đình chỉ vụ án. Kết quả cũng cho thấy VKS Nhân dân Tối cao ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Hồ Văn Son, kiểm sát viên sơ cấp Viện KSND huyện Bình Chánh và ông Lê Thanh Tòng, Phó Viện trưởng Viện KSND quận 6, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh, người ký quyết định truy tố ông Nguyễn Văn Tấn, Chủ quán cà phê Xin chào. Nó cũng khiến đại tá công an Nguyễn Văn Quý bị kỷ luật và làm lộ căn biệt thự nguy nga của đương sự [xem hình].
- Trước đó cũng có một số nạn nhơn điển hình của đại nạn công an phiệt được ghi nhận, gồm:
  • Một cô gái ở quận 12 TP.HCM vì tát CSGT giữa phố vào tháng 7.2011 đã bị phạt 9 tháng tù; sau đó giảm còn 6 tháng;
  • Anh Nguyễn Công Nhựt (nguyên trưởng Phòng Quản lý sản phẩm Công ty Kumho-chuyên sản xuất lốp ô tô) chết tại nhà tạm giữ Công an huyện Bến Cát ngày 25.4.2011, phía công an tuyên bố anh Nhựt tự tử;
  • Nghi can Trần Giang Nam bị cho là “tự tử” tại phòng giam giữ Công an huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, ngày 5.8.2014;
  • Nghi can Nguyễn Đức Duân tử vong sau gần 1 tháng bị tạm giam tại phòng tạm giam công an huyện Khoái Châu, Hưng Yên, ngày 8.4.2015;
  • Thiếu niên Trịnh Xuân Quyền, 16 tuổi, ngụ xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, chết bất thường sau hai tuần bị công an huyện tạm giam;
Cùng với đại nạn công an phiệt, trên đường xâm lăng Miền Nam Việt Nam [bên dưới vĩ tuyến 17] lần nữa, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa Ủy viên Bộ Chánh trị gốc Bắc [Nam Định] Đnh La Thăng, nổi tiếng là “Thăng nổ”, vào Nam làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn, mang theo thùng đạn bắn nổ tứ tung. Hắn nói hắn muốn Sài Gòn trở lại danh tiếng “Hòn Ngọc Viễn Đông”, nhưng lại có những hành động dứt khoát làm nát thành phố vốn là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, nơi đã bị CS Bắc Việt xâm lăng năm 1975 phá nát chưa kịp hồi phục, bằng ít nhứt ba hành động quyết liệt:
  1. Cho xuất cả ngàn tỷ đồng tiền thuế của dân Sài Gòn để lót lề đường bằng đá hoa cương khu Catinat [thời trước người Pháp gọi là tiểu Paris], thời VNCH đổi thành đường Tự Do; thay vì lo giải quyết nạn kẹt xe, cung cấp nước sạch cho cư dân, chống ngập khi mưa, chống nạn nước cống tràn lan làm hôi thúi sông rạch… Ngay những thành phố lớn, giàu sang như Paris, Berlin, New York, San Francisco… người ta cũng chỉ lót đá xanh trên vỉa hè… Việc Thăng làm chỉ làm lợi cho cán bộ đảng viên CS rút ruột công trình…
  2. Ra lịnh cho cơ quan quản lý đường sắt TP/HCM đốn hạ 300 cây cổ thụ trên đường Tôn đức Thắng để phục vụ cho dự án giao thông gồm tuyến tàu điện ngầm, cầu Thủ Thiêm 2, nhà ga Ba Son. Đây là hàng cây 100 năm tuổi che bóng mất trên đường Tôn Đức Thắng, tức đường Cường Để của Saigon trước 1975. Rồi tiếp tục đốn hạ 70 cây xanh tại trung tâm thành phố để làm tuyến tàu điện ngầm Bến Thành – Suối Tiên, đoạn công trình từ ga Nhà hát TP đến ga Bến Thành. Trước đó những hàng cây trên đường Nguyễn Huệ, trước Nhà hát TP cũng bị đốn hạ để xây dựng phố đi bộ, đồng thời là ga Nhà hát TP. Hàng cây xanh thuộc công viên 23/9 (giao lộ Trần Hưng Đạo-Phạm Ngũ Lão) và đường Lê Lợi cũng bị đốn hạ; trong đó có nhiều cổ thụ cao hơn 15 m, làm trơ trụi thành phố, hư nát lá phổi của Saigon
  3. Cắt đất trong khuôn viên của Thư viện Khoa học thành phố, trước đây là thư viện lớn nhứt và lịch sử văn hoá kỳ cựu của Saigon, để giao cho một doanh nghiệp tư nhân xây cao ốc 20 tầng, cao khoảng 80m để làm văn phòng và khách sạn nhiều sao cho mướn, giống như CS Bắc Việt hồi mới cưỡng chiếm được Saigon ra lịnh tịch thu sách vở đem đốt… nhằm mục đích cào bằng văn hoá Saigon, văn hoá của người Việt ở Miền Nam
Bao nhiêu đó đủ cho thấy ý đồ của Bí Thư Thành uỷ Đinh La Thăng trong việc phá nát Sài Gòn khiến các trang mạng xã hội và trí thức yêu nước đồng loạt lên tiếng phản đối. Điển hình như Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, một người Nam sống ở Saigon qua ba thơi kỳ, nói rằng: “Khi người Pháp xây dựng Sài Gòn họ đã đi trước tất cả, từ Hồng Kông cho đến Singapore. Các nơi này còn thua kém nhiều… Phải tôn trọng tất cả những kiến trúc có giá trị vừa văn hóa vừa lịch sử…”
Mặt khác, nên biết, 30/4 năm nay, một cuộc chiến “Xâm Lăng Miền Nam” khác mang bóng dáng của Trung Quốc đang âm thầm phủ bóng lên quê hương đang hình thành rõ rệt, bao gồm thực phẩm, hàng hoá, văn hoá mới, môi trường, chính trị…; với nạn ung thư về thực phẩm tăng nhanh trong toàn dân, nền kinh tế lệ thuộc leo thang một cách ngu ngốc vào Bắc Kinh, biển và đất liền bị công khai cưỡng đoạt dần dần, người Tàu di cư ồ ạt và thiếu minh bạch vào Việt Nam, biến nhiều điểm quan yếu của tổ quốc thành tô giới riêng của chúng. Thậm chí năm 2016, đã có những nơi chỉ buôn bán, sinh hoạt cho người Tàu; và dùng tiền nhân dân tệ, không tiếp người Việt…
Giờ đây, cuộc chiến “Xâm Lăng Miền Nam” lần nữa lại đến. Khắp nơi, cuộc chiến không tiếng sung đang diễn ra, chỉ có tiếng vỗ tay… mà vụ án Formosa ở Vũng Áng, Hà Tỉnh, là minh chứng hùng hồn cho tham vọng của Nguyễn Phú Trọng và đám công an phiệt ngồi ở Bắc bộ phủ Hà Nội.
Nếu chiến thắng ngày 30/4 của CSVN mở ra một trang sử mới cực kỳ đen tối cho nước nhà, với đại nạn tham nhũng lên ngôi, đạo đức lùi bước, giả dối ngự trị, hận thù triền miên… thì tiếp theo sau vụ Đinh La Thăng vừa ngồi vào ghế Bí thư thành ủy Sài Gòn đã mau chóng lên kế hoạch phá nát thành phố từng có tên là Hòn Ngọc Viễn Đông; Nguyễn Phú Trọng vào thị sát Hà Tỉnh, ngày 22 tháng 4 năm 2016, mà cứ tỉnh bơ coi như không có đại nạn cá chết từ những ngày cuối tháng 4/2016, nằm dọc bờ biển Việt Nam như những xác người.
Theo báo chí mô tả thì trong chuyến đi Trọng dừng chân ở Thạch Hà vào sáng ngày 22, thăm cơ sở trồng trọt rau tại địa phương này. Sau đó Trọng mới đi tiếp 70 cây số nữa vào khu công nghiệp Vũng Áng. Trọng ca ngợi và khuyến khích trồng rau, xem xét và hài lòng về tiến độ các dự án ở khu công nghiệp Vũng Áng. Trọng cũng khen thành tựu kinh tế mà khu công nghiệp này đã mang lại. Tuyệt nhiên không có dòng nào Trọng nhắc đến chuyện cá chết mà dân chúng đang lo lắng [http://vov.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tham-va-lam-viec-tai-ha-tinh-503287.vov] [xem hình].
Nhiều người Việt vẫn nghĩ rằng Formosa Hà Tĩnh chỉ là công ty Đài Loan; nhưng tiết lộ trên trang web Trần Đại Quang [tên của Đại tướng công an, chủ tịch nước hiện tại ở Việt Nam] cho biết hệ thống đó hoàn toàn của Trung Quốc. Tin cho biết, theo công văn số 1407114 của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đề đạt với chính quyền Hà Tĩnh thì đã có đến 25 công ty Trung Quốc (không phải Đài Loan), trong số 28 công ty thầu. Số lượng công nhân Trung Quốc cũng lên đến 10.000 người. Bài viết trên trang web Trần Đại Quang còn làm một phân tích ngắn về số tiền đầu tư và cổ phần mà các công ty mang nhãn hiệu Đài Loan đại diện ở Vũng Áng. Nó đã chỉ ra một khoảng trống bí mật, cho thấy các công ty vỏ bọc này sau một thời gian ra mặt đã im lặng rút dần, nhường chỗ cho “ông chủ” mới, ẩn danh, chiếm gần 50% vốn. Nguyên văn của bài viết, khẳng định rằng “Formosa Hà Tĩnh không còn là doanh nghiệp nước ngoài 100% vốn Đài Loan như đã đăng ký”. Một chi tiết không được quên là Hà Tỉnh và các tỉnh bị ảnh hưởng “độc chất Formosa” đều ở Miền Nam vĩ tuyến 17. Do đó Miền Nam VN “lãnh đủ”.
Còn nhớ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, sau là Chủ tịch Quốc hội, đã từng dự báo:
  • Giai đoạn một, ngân sách Hà Tĩnh sẽ đạt mức từ 5.000 – 7.000 tỷ.
  • Giai đoạn hai, sau năm 2015, nguồn thu ngân sách sẽ trên 10 nghìn tỷ đồng/năm.
  • Ðể có một khu kinh tế Vũng Áng và những dự án tầm cỡ quốc tế như Formosa là công lao của các thế hệ lãnh đạo, sự vào cuộc của toàn Ðảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh…
Nhưng, giờ đây, 5.000, 10.000 tỷ đồng ngân sách đâu không thấy, chỉ thấy tôm cá chết la liệt khắp nơi, người dân ở 4 tỉnh có cá chết, cũng sắp chết theo vì chẳng còn tôm cá đâu mà ăn!
Do vậy, Nguyễn Phú Trọng quyết định đi Hà Tĩnh để ngầm tỏ ý bảo kê cho lãnh đạo Hà Tĩnh và Formosa, như một cách đưa thông điệp “có ta đây”, có Tổng bí thư đảng, người quyền lực nhất nước, bên cạnh rồi, đừng lo dư luận. Trọng dùng thủ đoạn tinh vi khi đi thăm nơi trồng rau xanh tại một tỉnh mà cá biển chết hôi thối, ruồi nhặng bâu đầy. Qua đó để lấy hình ảnh trồng trọt che lấp làm mờ đi hình ảnh cá chết. Trọng biểu dương tiến độ dự án, biểu dương những thành quả của Hà Tĩnh đạt được là đi đúng hướng, đúng chủ trương của đảng. Chắc ai cũng hiểu, một khi ở vị trí tối cao hắn đã công khai khen như thế là hắn đã ra mặt ủng hộ và sẵn sàng bênh vực cho lãnh đạo Hà Tĩnh và Formosa.
Đừng quên, trước đó, trong buổi họp báo tối ngày 27/4/2016, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân cũng đã lên tiếng bênh vực việc xả chất thải độc hại của tập đoàn Formosa khi tuyên bố: “Chưa có bằng chứng để xác định Formosa và cảng Vũng Áng có liên quan đến cá chết”. Sau đó, trong cuộc phỏng vấn được phát hình trực tiếp trên facebook báo Thanh Niên, vị thứ trưởng này tỏ thái độ tức giận, rồi bỏ đi, khi một nữ phóng viên chất vấn về việc kim loại nặng Crom trong nước biển Lăng Cô cao gấp 9 lần mức cho phép. Theo Nhân câu hỏi này đã “gây tổn hại cho đất nước”, đồng thời yêu cầu các phóng viên phải tắt máy. Mặt khác, ông Đặng Ngọc Sơn Phó chủ tịch UBND Hà Tỉnh nói bừa là “Bà con yên tâm ăn hải sản còn sống, tắm biển ở Vũng Áng” [xem hình]. Nhưng thực tế vừa cho thấy Anh Trương Như La bị nhập viện sau khi ăn cá biển vì các nốt ban đỏ khắp người, mặt, cổ, miệng bị lở loét khiến bệnh nhân không thể ăn hay nuốt được [Xem hình]. Cũng xin ghi lại đây thành tích của Formosa như sau:
  • Năm 1998, Formosa gửi sang Campuchia 300 tấn rác được bọc kỹ bằng những tấm nhựa dày. Thấy những tấm nhựa này quá tốt, người nghèo ở Sihanoukville, Campuchia, xúm vào gỡ những tấm nhựa đó mang về nhà làm mái, làm vách. Ít ngày sau, những người nghèo đó bị sốt, bị tiêu chảy rồi có người lăn ra chết… Hóa ra rác được bọc trong các tấm nhựa là rác nhiễm thủy ngân! Những tấm nhựa tất nhiên cũng vậy. Dân chúng nổi giận và nổi loạn. Riêng chuyện nổi loạn và dẹp loạn làm thêm năm người chết. Trong vụ này, Việt Nam đã gửi giúp Campuchia 500 mặt nạ và đồ bảo hộ để hỗ trợ tẩy độc ở Sihanoukville. Khi mời Formosa CS Việt Nam có lẽ đã quên chuyện này!
  • Năm 2009, Formosa bị EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường) của Hoa Kỳ, phạt 2,8 triệu Mỹ kim vì không thông báo cho dân chúng địa phương tác hại của các chất mà Formosa thải ra và bị buộc phải chi 10 triệu Mỹ kim để khắc phục ô nhiễm tại Tiểu bang Texas và Louisiana. Vụ Formosa là một “case” được giới thiệu trong giáo trình về Luật Môi trường của Barry Hill tại Hoa Kỳ (Environmental Justice, Legal Theory and Practice, Barry Hill, 3rd Edition, 2014).
  • Năm 2009 cũng là năm Formosa được trao giải “Hành tinh Đen”. Đây là giải đặc biệt mà Ethecon – một tổ chức bảo vệ môi trường ở Đức xét trao cho những cá nhân/tổ chức hủy diệt môi trường.
  • Tại Đài Loan, các chuyên gia y tế và môi trường cũng đã từng cảnh báo công nghệ của Formosa thải ra ở Yulin chứa các chất gây ung thư và phá hủy gan.
  • Tháng 2 năm 2014, dân Đài Loan từng biểu tình trước trụ sở Formosa, phản đối tập đoàn này hủy diệt môi trường.
  • Phải nhấn mạnh rằng: bất kể Formosa thế nào, gây hậu quả ra sao, nếu vùng biển khu vực Vũng Áng trở thành biển chết, tôm, cá, thậm chí con người, suốt dải đồng bằng ven biên miền Trung lăn ra chết, thì nơi đáng lên án cũng phải là Formosa.
Từ đó, câu hỏi được đặt ra là: “Tại sao lại chọn Formosa và ai đã mời Formosa vào xứ này?”.
Một nguồn tin cho biết, trong ngày 28/4, Ban tuyên giáo trung ương đã chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí ngừng đưa tin về “khủng hoảng Vũng Áng”. Đồng thời cũng không đưa thêm bất cứ thông tin hay hình ảnh gì về việc cá chết dọc các bờ biển Bắc Trung bộ. Thậm chí, nếu cá có tiếp tục chết cũng không được thông tin. Ngoài ra, cũng tuyệt đối không được đưa tin về các cuộc xuống đường biểu tình của nhân dân các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh… phản đối nhà máy gang thép Formosa trong khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh). Nhưng, cuộc biểu tình đã có [Xem hình Dân làng biển Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình đã tập trung giương cờ và khẩu hiệu, cùng nhau biểu tình phản đối dự án xây dựng nhà máy thép Formosa gây thảm họa môi trường. Ảnh: Facebook]]
Thêm nữa, 300 tấn hóa chất được Formosa nhập về sử dụng để tẩy rửa một số đường ống nói là không gây hại. Nhưng Kết luận của lãnh đạo Formosa rất mập mờ và khó hiểu, gây phẫn nộ cho rất nhiều người dân Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra là hóa chất tẩy rửa đường ống đó có tên hóa học là gì? Nếu lãnh đạo Formosa không trả lời được thì xin cho biết tên thương mại của nó là gì? Chi cục Hải Quan Hà Tĩnh có thể cho dân biết thông tin cụ thể về 300 tấn hóa chất này không?
Mới đây, lãnh đạo Formosa còn tuyên bố “Để phát triển kinh tế việc chết vài con cá biển là chuyện nhỏ và là cái giá phải đánh đổi”. Nhưng, đừng tin Formosa, mà phải coi “Sự việc nghiêm trọng này là thảm họa khôn lường và lâu dài”.
Phải gọi đây là một đại hoạ, vì nó không chỉ gây ô nhiễm môi trường biển trên diện rộng khiến cá chết rất nhiều, mà nó đang khiến hàng triệu con người lâm vào cảnh sống chết mong manh. Biển là mạng sống của hàng triệu ngư dân miền trung. Nếu biển nhiễm độc thì mạng sống của hàng triệu con người đó cũng đang bị nhiễm độc. Biển bị nhiễm độc nên cá chết, cá chết thì ngư dân cũng chết. Ngành thuỷ hải sản ở mấy tỉnh này cũng chết. Mà không chỉ ngư dân chết, ngành du lịch biển cũng chết. Biển nhiễm độc ai còn dám ra bãi biển tắm. Không chỉ ngành du lịch biển chết, toàn bộ người dân Việt Nam cũng sẽ điêu đứng vì sự nhiễm độc này. Đang có những thông tin về những thương lái thu gom cá chết để chế biến nhằm tung ra thị trường khi sự việc này lắng xuống. Hơn nữa, đã có những thông tin về người chết do nhiễm độc từ biển, trong đó có anh thợ lặn phát hiện ra đường ống xả nước thải của một tập đoàn nước ngoài. Từ đó, họa sĩ biếm họa Babui đã gởi Nguyễn Phú Trọng và CSVN bức biếm họa đính kèm [trích từ các Web].
Để góp phần giải quyết vấn đề, ngày 27/04, một nhóm các nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam đã đưa lên mạng bản “Tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung“, chỉ sau một ngày đã nhận được hơn 500 chữ ký, đến ngày 29-4 đã lên tới 880 người [xem phụ đính]. Trước đó, trên mạng cũng lan truyền “Lời kêu gọi xuống đường vì môi trường” tại Hà Nội, Sài Gòn… vào ngày Chủ nhật 01/05.
Bên cạnh đó, một bản kiến nghị hiện có hơn 118.000 chữ ký trên mạng We the People của Tòa Bạch Ốc đề nghị “Tổng thống Obama giúp nhân dân Việt Nam bằng cách đánh giá tác động môi trường độc lập về nhà máy thép Formosa; và Tổng thống Obama hãy nêu vấn đề này với CS Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5”. Được biết, trang mạng We the People cho biết nếu có đủ 100.000 chữ k‎ý trong 30 ngày về một kiến nghị nào đó thì Tòa Bạch Ốc sẽ xem thư, đưa cho các chuyên gia và rồi có trả lời chính thức. Mời xem Bản đồ người TQ có mặt khắp lãnh thổ VN và những công nhân TQ ở VN [Nguồn: internet].
Cũng từ đó, nên xem Câu chuyện Formosa là một phần trong cuôc chiến thầm lặng “xâm lăng” miền Nam lần nữa của CSVN, bắt đầu bằng cuộc tận diệt môi sinh và con người suốt hàng trăm cây số bờ biển. Nên xem những ngày cuối tháng 4/2016, những con cá chết nằm dọc bờ biển Việt Nam như những xác người, nhắc cho hàng triệu người nhớ về một cuộc chiến từ năm 1975 đã dừng tiếng súng, nhưng rồi mở ra một cuộc chiến khác khốc liệt hơn. Cuộc chiến không có tiếng súng, chỉ có tiếng vỗ tay… và chất độc.
Hẹn con thư sau,
Giáo Già (Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)

Phụ Đính
Tuyên Bố Về Tội Ác Đầu Độc Biển Miền Trung Việt Nam (Cập Nhật Đợt 3, Tổng Cộng 880 Người Ký) 
Vụ nước biển miền Trung bị nhiễm độc nặng nề, mà chứng cứ là hàng chục tấn cá biển lớn nhỏ chết giạt vào bờ từ đầu tháng 4/2016 vẫn tiếp tục đến hôm nay, lan từ Hà Tĩnh, vào Quảng Bình, Quảng Trị, đến Thừa Thiên-Huế,… đã gây ra sự phẫn nộ chưa từng có trong toàn thể nhân dân Việt Nam.
Đại hoạ thảm khốc trên không chỉ hủy hoại ngư trường của hàng vạn người dân ven biển miền Trung, hủy hoại môi sinh ven bờ, gây ra tình trạng lan tràn thực phẩm độc hại cho các vùng khác, mà còn gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với các ngành kinh tế khác của Việt Nam như dịch vụ nghề cá, sản xuất muối, nuôi trồng thủy hải sản ven sông biển, du lịch, các dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng ven biển…
Tình trạng ô nhiễm biển nặng nề như trên không chỉ gây hậu quả xấu đối với kinh tế biển Việt Nam mà chắc chắn sẽ lan sang một số nước khác trong khu vực.
Đây là một tội ác hủy hoại môi trường sinh thái và diệt chủng tiềm tàng. Trước mắt là cá và các loài thủy hải sản chết hàng loạt, và đã có người chết; sau đó sẽ gây ra bệnh tật nguy hiểm cho con người và các vật nuôi như đã từng xảy ra ở một số nơi trên thế giới trước đây cùng nhiều hệ lụy chưa thể lường hết được.
Cho đến hôm nay, mặc dù được một số thế lực bao che và tìm cách hoãn binh để phi tang, nhiều bằng chứng đã chỉ ra nghi phạm số một của vụ đầu độc biển Vũng Áng: Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan đóng tại Vũng Áng Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) đã xả số lượng lớn chất cực độc ra biển trong quá trình súc rửa đường ống xả thải.
Vụ Formosa càng bộc lộ rõ hơn sự vô trách nhiệm, vô cảm và bất chấp lợi ích quốc gia, cuộc sống của người dân, cũng như bất lực của cả một hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trước một đại nạn quy mô lớn của quốc gia,khi vụ việc được người dân phát hiện gần một tháng mới có sự khởi động điều tra. Sự chậm trễ ấy rất nhiều khả năng đã tạo điều kiện cho nghi can có thì giờ xoá tang tích để thoát tội.
Người dân càng phẫn nộ trước phát ngôn hàm ý bao che cho nghi phạm, đánh lừa, xoa dịu dư luận của một số quan chức cấp bộ và tỉnh, trước hành vi hết sức khó hiểu của người đứng đầu Đảng Cộng sản – tổ chức tự cho mình độc quyền lãnh đạo toàn diện quốc gia – đã đến thăm nghi can số một, thay vì thăm hỏi người dân bị nạn,đúng vào thời điểm mọi mũi dùi công luận chĩa hết vào nghi can ấy.
Không thể không nhắc đến những ưu đãi khác thường mà lãnh đạo Hà Tĩnh và trung ương đã dễ dãi cấp cho Formosa Hà Tĩnh, từ thời hạn sử dụng dài hết mức (70 năm) đối với một diện tích đất đai rộng lớn tại một vị trí xung yếu về quốc phòng, đến những lỏng lẻo trong quản lý, như về lao động (với số lượng lớn lao động đơn giản China Đại lục không có giấy phép lao động), về thuế, về kiểm soát nước thải (hoàn toàn lệ thuộc công ty). Những người có quyền quản trị quốc gia đã cho phép Formosa Hà Tĩnh được hoạt động như một đặc khu, các cơ quan chức năng của Việt Nam không dễ gì được vào để kiểm tra kiểm soát về an toàn môi trường cũng như mọi hoạt động của nó, như thực tế đã cho thấy trong vụ cá chết vừa qua.
Trước đại nạn biển miền Trung nhiễm độc và những hệ lụy của nó, chúng tôi, những người tha thiết với vận mệnh đất nước, yêu cầu nhà cầm quyền:
1/ Thi hành mọi biện pháp hỗ trợ người dân ven biển miền Trung nạn nhân vụ biển bị nhiễm độc khôi phục sự sống cả trước mắt và lâu dài.Tạm đình chỉ ngay việc sử dụng đường ống xả thải này trước khi các cơ quan chức năng bảo đảm được công tác kiểm tra an toàn nước thải do nó xả ra biển.
2/ Sử dụng mọi quyền lực nhà nước và biện pháp cần thiết, huy động mọi lực lượng xã hội như giới khoa học kỹ thuật, luật gia, nhà báo độc lập, nếu cần thì mời cả chuyên gia quốc tế,để nhanh chóng đưa thủ phạm vụ đầu độc biển miền Trung ra trước pháp luật; trừng trị nghiêm khắc, đích đáng, bắt chúng bồi thường mọi thiệt hại về người và của cho người dân bị liên lụy, cho những tác hại môi sinh của nước nhà.
3/ Gấp rút điều tra để trả lời câu hỏi: Vì sao Formosa, một công ty sản xuất thép với công nghệ lạc hậu và những thành tích bất hảo phá hoại môi sinh ở nhiều nước, như gần đây đã bộc lộ, lại được hưởng những ưu đãi chưa từng có, vi phạm chủ quyền quốc gia như thế?
4/ Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, không để Formosa thi hành việc xả thải gây ô nhiễm từ từ thay vì gây độc cấp tính như vừa qua, làm công luận phẫn uất. Hậu quả của biện pháp đối phó này sẽ là cá, người và biển chết từ từ.
5/ Sẵn sàng xoá bỏ dự án Formosa, nếu những nguy hiểm tiềm tàng mà dự án gây ra không thể triệt tiêu được.
6/ Kỷ luật các quan chức trung ương và địa phương vô trách nhiệm và có thể có tham nhũng, tiêu cực trong việc xử lý vụ đầu độc biển miền Trung.
Đây là giọt nước tràn ly sau quá nhiều tai hoạ do các dự án từ khai khoáng (như bauxite Tây Nguyên) đến thủy điện, nhiệt điện, chế biến… tràn lan khắp đất nước bất chấp những cảnh báo tâm huyết của trí thức và nhân dân. Đã đến lúc nhà cầm quyền phải nghiêm túc rà soát, điều chỉnh, nếu cần thì hủy bỏ các dự án bất lợi cho sự phát triển bền vững, cho an ninh quốc phòng, nhất là các dự án của China, không để tiếp tục xảy ra những tai hoạ về môi sinh cũng như về các mặt khác.
  • Người dân Việt Nam quyết không chọn con đường tăng trưởng kinh tế với cái giá hi sinh môi sinh của đất nước, hisinh quyền lợi của dân nghèo, hisinh chủ quyền quốc gia;
  • Người dân Việt Nam quyết không chấp nhận những kẻ cầm quyền ngu dốt, tham lam, bán rẻ dân tộc vì lợi lộc, tham vọng cá nhân và phe đảng;
  • Người dân Việt Nam quyết không chịu chết thảm như những con cá nhiễm độc ở Biển Đông!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?