Tin Biển Đông – 30/06/2019

Tin Biển Đông – 30/06/2019

Trung Quốc bắt đầu

tập trận 1 tuần gần Trường Sa

Truyền thông trong nước hôm 29/6 trích thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc cho biết nước này bắt đầu tập trận 1 tuần tại khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền.
Theo thông báo, cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 29/6 và kéo dài đến ngày 3/7. Các toạ độ được Cục Hải sự Trung Quốc thông báo cho cuộc tập trận nằm cách quần đảo Trường Sa khoảng 50 hải lý về phía bắc với diện tích khoảng hơn 22.000 km2.
Cục Hải sự Trung Quốc cũng cảnh báo các tàu thuyền hoạt động gần đó không được vào khu vực tập trận.
Thông báo tập trận của Trung Quốc diễn ra vào lúc lãnh đạo các nước đang gặp nhau ở Nhật Bản, tham dự Thượng đỉnh G20 cuối tuần này. Tại Thượng đỉnh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump để thảo luận về căng thẳng thương mại giữa hai nước. Sau cuộc gặp, Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ không áp thêm thuế lên khoảng hơn 300 tỷ đô la hàng hoá của Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Hôm 21/6 vừa qua, hãng tin CNN cho biết hãng này đã có những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai ít nhất 4 máy bay chiến đấu J-10 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam. Các phân tích của chuyên gia được CNN trích cho thấy khả năng Trung Quốc sẽ duy trì các máy bay này trên đảo.
Hồi tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa.
Tại thời điểm đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đổi cuộc tập trận và gọi đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã đem quân ra chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam vào năm 1974 và kiểm soát quần đảo này từ đó đến nay.

Tổng thống Philippines thách thức

Mỹ, Anh, Pháp tới Biển Đông đối đầu TQ

Trước hàng loạt chỉ trích không đấu tranh cho lợi ích của người Philippines, Tổng thống Duterte thách thức Mỹ, Anh, Pháp tới Biển Đông và chống lại Trung Quốc.
Sau hàng loạt các tuyên bố, mà các nghị sỹ đối lập chỉ trích là “bênh Trung Quốc”, về vụ đâm tàu ở bãi Cỏ Rong, Tổng thống Duterte đang hứng búa rìu từ dư luận với cáo buộc nhún nhường trước các hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc.
Trong một bài phát biểu tại Malacañang hôm 26/6, nhà lãnh đạo Philippines khẳng định không phải ông không muốn bảo vệ quyền lợi của người dân mình mà ông cho rằng sự cố hôm 9/6 không đáng để đẩy sinh mạng của 110 triệu người Philippines vào nguy hiểm.
Ông Duterte khẳng định đến ngay cả những nước lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc nhất như Mỹ cũng không làm gì để ngăn chặn Trung Quốc khi Bắc Kinh bắt đầu thực hiện các hoạt động cải tạo phi pháp trên các vùng biển tranh chấp.
“Mỹ, quốc gia duy nhất có đủ tiềm lực để ngăn chặn Trung Quốc không bao giờ nhấc đến một ngón tay. Mỹ thực sự không làm bất cứ điều gì bởi nếu muốn, họ hoàn toàn có thể mang Hạm đội 7 tới, đối đầu với Trung Quốc và nói các người không thể xây dựng một hòn đảo trên biển.
Kể cả Anh hay Pháp. Họ cũng có thể gửi chiếm hạm tới và nói với Trung Quốc rằng đây không phải là lãnh hải của các người. Các người không thể tuyên bố chủ quyền với một hòn đảo”, ông Duterte nói.
Vị Tổng thống Philippines thách thức các quốc gia phương Tây “nếu đủ can đảm” nên giúp Manila tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển có tranh chấp.
“Đây là thách thức của tôi với Anh, Pháp, Mỹ. Hãy tập hợp ở Palawan và hành động. Nếu họ muốn, họ có thể kêu gọi thêm các nước khác tới. Còn với Philippines, chúng tôi không có cơ hội chống lại Trung Quốc và các vũ khí của họ”, ông nói.
Nhà lãnh đạo Philippines cho rằng thay vì chỉ đưa ra những tuyên bố suông, các lãnh đạo phương Tây nên trực tiếp tới để tận thấy tình hình trong khu vực.
“Chúng tôi sẽ đến đó cùng nhau, cả tôi và ông Trump trên boong tàu, nhìn qua kính viễn vọng. Nếu chúng tôi cùng chết vì một vụ nổ, thì mọi chuyện vẫn ổn”, ông nói thêm.

Tiêm kích TQ vờn 2 tàu chiến Canada

vừa thăm Việt Nam

Các máy bay chiến đấu Su-30 của Trung Quốc đã áp sát 2 tàu chiến Canada vừa ghé thăm Việt Nam ở khoảng cách chỉ chừng 300m với độ cao chưa tới 30m.
Sự việc xảy ra khi 2 tàu chiến của hải quân Canada đi ngang qua eo biển Đài Loan để tiến ra biển Hoa Đông. Vùng biển nằm giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục gần đây đã được tính là một phần của Biển Đông.
Hãng thông tấn AFP dẫn thông báo của hải quân Canada ngày 27-6 xác nhận vụ việc xảy ra vào chiều 24-6. Một máy bay trực thăng của Canada thậm chí còn bị rọi tia laser bởi một tàu cá gần đó.
Bộ Quốc phòng Canada cho biết vào thời điểm xảy ra vụ việc, tàu khu trục HMCS Regina và tàu tiếp viện hậu cần Asterix đang ở vùng biển quốc tế. Bất ngờ, hai máy bay chiến đấu Su-30 của Trung Quốc xuất hiện, hạ độ cao và bay xẹt qua đội hình tàu chiến Canada ở độ cao 30m, cách một trong hai tàu Canada chỉ 300m.
Các tàu chiến của Canada đã bị các tàu và máy bay Trung Quốc đeo bám như hình với bóng khi chúng đi ngang eo biển Đài Loan.
Trong một tuyên bố vào tối 27-6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo các động thái của Canada có thể nhấn chìm mối quan hệ vốn đang chẳng mấy tốt đẹp giữa Canada và Trung Quốc.
Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và thường phản ứng một cách giận dữ trước sự xuất hiện của các tàu chiến nước ngoài trong eo biển Đài Loan.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Canada khẳng định họ không có ý khiêu khích hay thể hiện quan điểm chính trị nào khi đi qua khu vực, nhấn mạnh chỉ nghĩ đơn giản đây là tuyến đường ngắn nhất để ra biển Hoa Đông.
Hai tàu chiến Canada xuất phát từ Vịnh Cam Ranh của Việt Nam và hướng tới Đông Bắc Á để tham gia một chiến dịch quốc tế nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Triều Tiên.
Ottawa cũng mô tả các cuộc trao đổi qua điện đàm giữa tàu chiến Canada và tàu chiến, tiêm kích Trung Quốc là “chuyên nghiệp”, “không có gì nguy hiểm” hay “không lường trước”.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Canada đã xấu đi từ sau vụ bắt giữ giám đốc tài chính toàn cầu Huawei Mạnh Vãn Chu tháng 12-2018. Bắc Kinh tuần này đã cấm nhập khẩu thịt từ Canada và yêu cầu thả ngay lập tức bà Mạnh, người bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ.

Đề xuất giải pháp hòa bình

cho vấn đề tranh chấp Biển Đông

Hôm qua (27/6), tại thủ đô Moscow, liên bang Nga đã diễn ra hội thảo quốc tế “Tranh chấp Biển Đông và tìm kiếm giải pháp hòa bình”.
Hội thảo do Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) và Quỹ quốc tế “Con đường Hòa bình” phối hợp tổ chức, trước bối cảnh có nhiều diễn biến căng thẳng và phức tạp tại khu vực Biển Đông. Các đại biểu Việt Nam từ Hội Luật gia và Học Viện Ngoại giao tham dự hội thảo.
Hội thảo quy tụ sự tham gia của các đại biểu là các luật sư, chuyên gia pháp  lý về luật biển, chuyên gia nghiên cứu về biển Đông từ các nước: Nga, Mỹ, Nhật Bản, Philipines, Pakistan, Việt Nam. Đây là lần thứ hai hội thảo quốc tế về biển Đông được tổ chức ở thủ đô Moscow, Nga, sau lần đầu vào năm ngoái. GS.TS Luật Irina Umnova – Chủ tịch Quỹ Quốc tế “Con đường Hòa bình” khẳng định, hội thảo có ý nghĩa quan trọng bởi ngày càng thu hút được nhiều đại biểu tham gia, không chỉ từ giới khoa học – chuyên gia, mà cả từ các tổ chức xã hội, có hợp tác, gắn kết chặt chẽ với chính quyền.
GS.TS Luật Irina Umnova cho biết: “Đây là hội thảo lần thứ hai và chưa phải là lần cuối. Chúng tôi định vị hội thảo là nơi đối thoại thường xuyên ở Nga. Tiếc rằng từ hội thảo lần thứ nhất vào tháng 9 năm ngoái cho đến nay tình hình tại Biển Đông đã không cải thiện hơn, thậm chí còn xấu đi. Vì vậy, nhiệm vụ thứ nhất của hội thảo này là phác họa cách thức thực tế để duy trì hòa bình. Nhiệm vụ thứ hai là phác họa cách thức để mở ra đối thoại hướng tới giải quyết vấn đề sâu sắc và lâu dài về sinh thái, phát triển bền vững, bảo vệ các nguồn tài nguyên, cân bằng lợi ích của tất cả các nước”.
Hội thảo được chia thành hai phiên thảo luận: phiên 1 là cập nhật tình hình ở Biển Đông, những tuyên bố và quan điểm của các bên liên quan, tính liên tục và những thay đổi. Phiên 2 là những đề xuất xây dựng niềm tin và giải quyết tranh chấp. Các đại biểu đã nghe 9 bài thuyết trình của nhiều chuyên gia về luật biển từ Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và LB Nga. Qua đó có thể thấy một bức tranh tổng thể, rõ ràng về tình hình hiện tại ở Biển Đông, đây tiếp tục là mối quan ngại lớn không chỉ đối với khu vực mà cả cộng đồng quốc tế.
Các hành vi cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo, cũng như hành vi quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh của khu vực, mà còn ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không quốc tế cũng như môi trường biển. Từ đó, các diễn giả đã đưa ra nhiều ý tưởng, đề xuất để góp phần làm dịu tình hình Biển Đông và tiến tới giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Các đề xuất đó bao gồm việc xây dựng một quy trình quản lý khủng hoảng hàng hải hiệu quả ở Biển Đông; Phi quân sự hóa các thực thể đã chiếm đóng ở Biển Đông; Tăng cường hợp tác nghề cá ở Biển Đông thông qua việc thành lập một tổ chức quản lý nghề cá khu vực tại Biển Đông; Tăng cường tính minh bạch của các hoạt động của lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông và huy động mọi phương thức giải quyết hòa bình dựa trên Công ước LHQ về luật biển và phán quyết trọng tài năm 2016. Tất cả các đề xuất này đều là những gợi ý tốt góp phần mang lại hòa bình và an ninh cho khu vực và cần được Chính phủ các nước liên quan tiếp tục nghiên cứu và xem xét nghiêm túc.
Đại diện cho đoàn Việt Nam tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo, ông Tô Anh Tuấn – Phó giám đốc Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao đánh giá, đây là hội thảo quốc tế quan trọng. Ông khẳng định, phía Việt Nam tham gia để góp phần thông tin một cách chính xác về tình hình diễn ra trên Biển Đông, qua đó giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ quan điểm của chúng ta cũng như cách thức giải quyết trong thời gian tới.
“Chúng tôi muốn cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn và đưa ra được các khuyến nghị. Biện pháp quân sự hóa không giải quyết được vấn đề, mà phải dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước quốc tế về luật biển năm 1982. Chúng ta phải có tinh thần đối thoại, hợp tác, dựa trên chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế. Một vấn đề nữa là tăng cường sử dụng cơ chế đa phương. Chúng ta có cơ chế đối thoại với ASEAN và Trung Quốc trong đàm phán về DOC, tiếp nữa là COC, cần sử dụng thêm nữa các cơ chế đa phương để đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên trong và ngoài khu vực”, ông Tô Anh Tuấn nói.
Phát biểu kết luận hội thảo, bà Jeane Ellen Mirer, Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) cho biết, trong nhiều năm qua Hội đã kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình để đảm bảo dần ổn định hòa bình và an ninh trong khu vực. Hội khuyến khích tất cả các chuyên gia tham dự sẽ báo cáo kết quả của hội thảo này với Chính phủ của họ để xem xét, áp dụng phù hợp với tình hình của đất nước mình. Bà tuyên bố, Hội Luật gia dân chủ quốc tế sẽ đăng tải toàn bộ kết quả của hội thảo trên trang web và tạp chí của Hội để tiếp tục lan toả tác động của hội thảo lần này.
Trong khi Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang trong quá trình hình thành, Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ quốc tế Mirer kêu gọi các bên sớm chấm dứt các hoạt động xây đảo nhân tạo bất hợp pháp và ngừng triển khai các thiết bị và phương tiện quân sự và các hành động quân sự hóa khác khiến tình hình căng thẳng thêm leo thang; Kêu gọi các bên liên quan bắt đầu ngay quá trình xây dựng lòng tin góp phần giữ gìn an ninh khu vực và môi trường biển.
Bà Mirer cũng tái khẳng định và yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời sớm thiết lập và thực thi COC có tính ràng buộc pháp lý và dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Bộ quy tắc ứng xử cần bao gồm nghĩa vụ pháp lý của các bên liên quan đối với việc bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông và nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?