Tin khắp nơi – 28/06/2019

Tin khắp nơi – 28/06/2019

Thương chiến Mỹ-Trung :

Donald Trump gặp Tập Cận Bình trong thế mạnh

Trọng Nghĩa
Giống như cách nay hơn nửa năm tại Buenos Aires, xứ Achentina, cuộc gặp song phương ngày mai, 29/06/2019 giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được xem là cái « đinh » của Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Với mục tiêu là tìm thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên, cuộc tiếp xúc được cho là một cuộc đấu mới giữa hai lãnh đạo. Theo một số chuyên gia phân tích được báo Le Monde hôm nay 28/06 trích dẫn, thì lần này, ông Trump đến Osaka trong thế thượng phong.
Trước lúc lên đường sang Nhật Bản dự hội nghị, như thông lệ, tổng thống Mỹ không ngần ngại khẳng định : « Nền kinh tế Trung Quốc đang suy sụp, họ muốn có một thỏa thuận ». Và cũng như thông lệ, tổng thống Mỹ đe dọa là trong trường hợp Trung Quốc không chịu thỏa thuận, ông đã có sẵn một « kế hoạch B », đó là áp thuế ồ ạt trên hàng hóa Trung Quốc !
Theo các nhà quan sát, sau một thời gian coi thường ông Trump và cuộc tấn công do ông khởi động chống Trung Quốc, giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức được rằng thâm hụt thương mại chỉ là một phần trong một cuộc tấn công toàn diện hơn mà chính phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã loan báo công khai vào tháng 10 năm 2018, theo đó Hoa Kỳ cần phải chống lại « các nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá vỡ lợi thế địa chính trị của Mỹ và trật tự quốc tế ».
Với Donald Trump, nước Mỹ đã từ bỏ hẳn chiến lược thuyết phục lôi kéo Trung Quốc, với hy vọng là thông qua việc mở cửa ra thế giới bên ngoài và tiếp nhận đầu tư ngoại quốc, Bắc Kinh sẽ áp dụng các quy tắc, chuẩn mực quốc tế. Và sau đó, Mỹ đã cứng rắn với Trung Quốc trên mọi phương diện, từ vấn đề Đài Loan, Tân Cương, cho đến Biển Đông, và mới đây là Hồng Kông, với những quyết định hầu như lúc nào cũng được cả hai đảng tại Mỹ hậu thuẫn.
Bắc Kinh từng lầm tưởng rằng kinh tế Mỹ có thể gặp khó khăn do chiến tranh thương mại, khiến ông Trump gặp khó khăn chính trị. Thế nhưng, theo bà Valérie Niquet, chuyên gia Pháp về Trung Quốc, hiện nay có « hai điều rất đáng ngại cho Trung Quốc là nền kinh tế Mỹ tiếp tục hoạt động tốt. Và ông Trump có khả năng được bầu lại. »
Trong chiều hướng đó, theo bà Niquet Bắc Kinh sẽ phải « gồng mình chịu đựng các biện pháp trừng phạt đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc và nêu bật mức độ lệ thuộc của Trung Quốc vào các thị trường phát triển như Hoa Kỳ và Châu Âu ».
Trung Quốc cũng nghĩ rằng họ có thể khai thác sự chia rẽ giữa một bên là Hoa Kỳ và bên kia là Châu Âu cùng Nhật Bản, thế nhưng, thực tế lại khác. Theo chuyên gia Niquet, Trung Quốc đang phải đối phó với một mặt trận, vì Châu Âu và Nhật Bản có cùng một đánh giá với Mỹ về Trung Quốc, cho dù phương pháp hành động khác nhau : Châu Âu muốn cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, trong khi Hoa Kỳ chỉ muốn hành động đơn phương.
Trước những đòn tấn công của Mỹ, Trung Quốc vẫn sử dụng những chiêu bài xưa cũ : Bộ máy tuyên truyền của chế độ cố kích động tinh thần dân tộc, thi nhau lên án chủ nghĩa đế quốc Mỹ, đồng thời ca tụng « sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc”.
Trong bối cảnh đó, ông Tập Cận Bình đã phải cố gắng hòa hoãn để tìm đồng minh, như sưởi ấm quan hệ với Nhật Bản, từng bị ông làm khó dễ trước đây, hay hòa dịu hơn với Liên Hiệp Châu Âu, mà gần đây đã thể hiện một lập trường phê phán hơn với Trung Quốc.
Bắc Triều Tiên cũng đột nhiên được nâng cấp trở lại thành một nước anh em, trong lúc tình hữu nghị Nga – Trung thì được ca ngợi đến tận mây xanh.
Nhìn chung, cuộc tấn công của Mỹ đã khiến niềm tin của Trung Quốc vào sức mạnh của mình bị lung lay. Đối với chuyên gia Valérie Niquet, « vấn đề tế nhị đối với ông Tập Cận Bình là để lộ vẻ bị buộc phải chiều theo áp lực từ nước ngoài. Các cuộc tấn công của Mỹ đã tác hại đến lập luận về tự hào dân tộc và xoáy vào những điểm yếu của Trung Quốc ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190628-thuong-chien-my-trung-donald-trump-gap-tap-can-binh-trong-the-manh

Giải pháp nào

xoa dịu căng thẳng Mỹ-Iran về hạt nhân?

Thanh Hà
Báo chí quốc tế liên tục sử dụng cụm từ “căng thẳng leo thang” giữa Mỹ và Iran. Teheran và Washington ngày càng bị đẩy sát đến “vòng xoáy của chiến tranh”. Nhưng liệu có lối thoát nào để tránh kịch bản tai hại đó hay không ?
Pháp đang trải qua đợt nóng bất thường, ở vùng Vịnh và khu vực biển Oman, nhiệt độ đã tăng lên rất cao trong những tuần qua, nhưng không vì thời tiết. Sau một loạt các sự cố tại eo biển Ormuz, Teheran thông báo bắn hạ máy bay không người lái của Hoa Kỳ, tổng thống Trump đổi ý vào phút chót trước khi ra lệnh cho quân đội “trả đũa” Iran.
Thời sự trong vùng Vịnh “nóng” đến nỗi, Iran trở thành một trong những hồ sơ quan trọng nhất tại thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản lần này. Cách Osaka hàng ngàn cây số, tại Vienna, cũng hôm 28/06/2019, đại diện Iran, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc họp lại để cứu vãn thỏa thuận mà Teheran đã đặt bút ký với cộng đồng quốc tế – khi đó bao gồm cả Mỹ, cũng tại thành phố này ngày 15/07/2015. Bộ Ngoại Giao Iran coi cuộc họp hôm nay là “cơ hội cuối cùng để hiệp đình này tồn tại”.
Nhật báo Pháp Libération trong một bài viết gần đây đã chơi chữ khi nêu lên câu hỏi : cầu thang dẫn đến chiến tranh Mỹ- Iran có bao nhiêu bậc ? Bởi vì từ ngày 08/05/2018 Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định hạt nhân mà 5 nước trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cùng với Đức đã đạt được với Cộng Hòa Hồi Giáo Iran vào tháng 7/2015, tình hình trong vùng Vịnh nói chung và căng thẳng giữa chính quyền Trump với giới lãnh đạo tại Teheran nói riêng liên tục “nóng lên” và nhất cử nhất động của mỗi bên càng khiến “căng thẳng leo thang”, nguy cơ xảy ra một cuộc “đối đầu quân sự” qua đó tăng theo. Dù vậy, kịch bản tệ hại đó vẫn có thể tránh được. Libération số ra ngày 27/06/2019 mời ba chuyên gia trình bày về những “ngõ thoát hiểm” mà các bên vẫn có thể sử dụng.
Trước hết, luật gia người Iran, Reza Nasri, từng cố vấn cho phái đoàn của tổng thống Hassan Rohani trong giai đoạn Teheran đàm phán với quốc tế về thỏa thuận hạt nhân Iran đánh giá, trong bối cảnh hiện tại, phía “Teheran đã đi đến kết luận rằng chỉ cần một cử chỉ nhún nhường cũng sẽ được Mỹ coi đó là một dấu hiệu Iran đầu hàng và lại càng thúc đẩy chính quyền Trump gia tăng áp lực thay vì chọn giải pháp hòa hoãn. Mỹ chủ trương gây áp lực tối đa (…) Về mặt chính trị và chiến lược, chính quyền Iran không thể nào tính tới khả năng sưởi ấm quan hệ với Washington”.
Tìm trung gian đối thoại
Cựu đại sứ Pháp tại Teheran và cũng là một người nắm rất rõ hồ sơ hạt nhân Iran, François Nicoullaud lạc quan hơn: “Ngày nào mà máu chưa đổ, đôi bên vẫn có thể đảo ngược tình huống, tức là kịch bản xuống thang vẫn có thể diễn ra”.
May mắn thay là đến nay các vụ tàu dầu trong vùng biển Oman bị tấn công, vụ Teheran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ, cũng như chiến dịch tấn công trên mạng nhắm vào Iran, đều không gây ra án mạng. Trong trường hợp đó, cựu đại sứ Pháp cho rằng, khó khăn đầu tiên và cũng là trở ngại lớn nhất, là thiết lập kênh đối thoại giữa Teheran với Washington. Bruxelles và Paris hoàn toàn có đủ tư cách để đóng vai trò trung gian đó. Hơn thế nữa, theo François Nicoullaud, “châu Âu và Pháp phải dấn thân, phải chấp nhận một phần rủi ro, vì ban đầu đôi bên đều sẽ “cau có” với nhau. Trên thực tế, Paris và Luân Đôn đã điều cố vấn ngoại giao đến Teheran.
Nhìn từ Bruxelles, nhà nghiên cứu và cũng từng là cố vấn cho Liên Âu về hạt nhân Iran, Ellie Geranmayeh, thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Châu Âu (ECFR), cho rằng để nói chuyện với Iran, cần tránh là dùng lá bài trừng phạt. Đơn giản là vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã quá rộng bao phủ lên quá nhiều lĩnh vực khác nhau. Châu Âu có phụ họa theo Hoa Kỳ sẽ gần như không có tác động gì, mà ngược lại, thái độ đó càng khiến Iran hoài nghi về tính trung lập của Liên Âu.
Cây gậy và củ cà rốt
Vẫn chuyên gia Geranmayeh thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Châu Âu cho rằng, Bruxelles cần dùng đòn “cây gậy và củ cà rốt” với Iran. Nghĩa là thuyết phục nước này ứng xử trong khuôn khổ hiệp định hạt nhân mà Teheran đã đặt bút ký với cộng đồng quốc tế, nhưng đổi lại thì Teheran cũng phải nhận được “một chiếc phao” về kinh tế.
Cơ chế thanh toán Intex cho phép các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là trong ngành dầu hỏa, tiếp tục giao dịch với Iran mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, vẫn chưa đi vào hoạt động. Dù vậy cựu đại sứ Pháp Nicoullaud cho rằng đây là một tín hiệu mạnh Liên Hiệp Châu Âu gửi đến Iran.
Riêng về dầu hỏa, chuyên gia Geranmayeh trông đợi nhiều vào Trung Quốc, bởi theo bà, “Trung Quốc có trọng lượng về kinh tế để cưỡng lại sức ép của Hoa Kỳ. Vấn đề đặt ra là Bắc Kinh đang đàm phán với Washington về thương mại”. Vẫn theo chuyên gia này, tại thượng đỉnh Osaka lần này, “nếu như các nước châu Âu phối hợp cùng với Trung Quốc và Nga, có khả năng tối thiểu là thuyết phục được các bên có thêm thời gian để suy nghĩ” trước khi quá trễ.
Máy bay đổi lấy máy ly tâm
Một ngõ thoát hiểm quan trọng trong hồ sơ này là làm thế nào để cả tổng thống Trump lẫn giáo chủ Khamenei cùng có thể vỗ ngực khoe khoang rằng họ không “lùi bước trước đối phương”. Cựu đại sứ Pháp tại Teheran, François Nicoullaud giải thích : Trump muốn chứng minh ông đàm phán giỏi hơn Obama. Còn mục tiêu của Teheran là giải thích rằng Iran không nhượng bộ thêm bất kỳ điều gì.
Vậy đôi bên có thể tìm được đồng thuận tối thiểu trên những lĩnh vực nào để giải tỏa bớt căng thẳng hiện nay ?
Một trong những giải pháp có thể là phương châm “dùng máy bay đổi lấy máy ly tâm”. Phía Iran có thể chấp nhận chỉ giữ lại 1.500 trong số 5.000 máy ly tâm. Phía Hoa Kỳ thì có thể làm một công đôi việc cho phép xuất khẩu trở lại máy bay dân sự cho Iran, vừa giúp hãng hàng không dân sự nước này thay thế đội ngũ máy bay đã quá cũ kỹ, kém an toàn, vừa cho phép tập đoàn Mỹ Boeing gặt hái thêm được một số hợp đồng. Một giải pháp khác là Mỹ cũng có thể nới lỏng lệnh cấm vận dầu hỏa Iran.
Diều hâu và bồ câu Mỹ đánh nhau
Khúc mắc nằm ở chỗ, tại Washington, tổng thống Trump kẹt giữa “chiến tranh và hòa bình”. Có một sự bất thường trên chính trường Mỹ là bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đang trong tay phe diều hâu chủ chiến, còn Lầu Năm Góc thì tương đối thận trọng và ôn hòa.
Ngoại trưởng Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia Bolton ủng hộ giải pháp quân sự. Trong khi đó, chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, đại tướng Joseph Dunford và quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cho đến những ngày gần đây là Patrick Shanahan lại dè dặt trước một “nước cờ đầy nguy hiểm”.
Có điều ông Shanahan vừa nhường chiếc ghế lãnh đạo bộ Quốc Phòng lại cho Mark Esper, một người thân cận và là bạn học cũ của đương kim ngoại trưởng Mike Pompeo. Bên cạnh những tiếng nói ôn hòa trong Bộ Quốc Phòng Mỹ, từ tháng 3/2019, bộ Chỉ Huy Trung Tâm Mỹ đã có lãnh đạo mới, nhân vật số 1 của Centcom, tướng Kenneth McKenzie, không che giấu ông là một người “của hành động”. McKenzie rất ăn ý với cố vấn an ninh quốc gia Bolton, bởi cả hai cùng “ghét cay ghét đắng Iran”, như một nhà quan sát bình luận.
Với bản thân Donald Trump, một trong những cam kết của ông khi  tranh cử tổng thống 2016 là ngừng can thiệp quân sự tại Trung Đông. Câu hỏi đặt ra là phe diều hâu hay bên ôn hòa có ảnh hưởng lớn hơn đối với Nhà Trắng ?
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190628-giai-phap-nao-xoa-diu-cang-thang-my-iran-ve-hat-nhan

Mỹ chế tài hai cựu giới chức Venezuela

Một cựu Bộ trưởng Điện lực của Venezuela và một cựu giới chức khác trong Bộ này hôm 27/6 bị Mỹ chế tài vì tham nhũng và bị cáo buộc về vai trò của họ trong một vụ hối lộ riêng rẽ, Reuters dẫn nguồn tin từ các giới chức Mỹ cho biết.
Văn Phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết hai giới chức bị liệt kê chế tài là Luis Motta Dominguez và Eustiquio Jose Lugo Gomez. Ông Motta bị Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, sa thải hồi tháng Tư sau một loạt các vụ cúp điện trên diện rộng.
“Thay vì dùng vị trí chính thức của mình để phục vụ người dân Venezuela, ông Motta và Lugo tự làm giàu cho mình một cách bất hợp pháp và góp phần vào cuộc khủng hoảng điện,” Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài loan báo.
Với quyết định chế tài này, bất kỳ tài sản nào mà hai đương sự có ở Mỹ đều bị đóng băng và dân Mỹ bị cấm không được làm ăn giao dịch với họ.
Mỹ đã đưa vào danh sách đen hơn 150 giới chức và doanh nghiệp Venezuela trong 10 năm qua, với các lý do từ tham gia buôn lậu ma túy đến tham nhũng hay vi phạm nhân quyền.
Bộ Tư pháp Mỹ cho hay Motta và Lugo bị truy tố ở Florida hôm 27/6 với một tội danh về âm mưu rửa tiền và bảy tội danh về rửa tiền. Theo cáo trạng, hai người này nhận hối lộ để cho ba công ty có trụ sở tại Florida trúng các hợp đồng trị giá hơn 60 triệu đô la.
Hai doanh nghiệp, một ở Venezuela và một có trụ sở tại Miami, Florida, đầu tuần này đã nhận có tội liên quan đến vụ hối lộ.
https://www.voatiengviet.com/a/my-che-tai-hai-cuu-gioi-chuc-venezuela/4976747.html

Mỹ đòi Campuchia

điều tra đặc khu kinh tế Sihanoukville

Hoa Kỳ hôm thứ Sáu thúc giục Campuchia phải điều tra về một đặc khu kinh tế do Trung Quốc sở hữu, sau khi có dấu hiệu cho thấy các công ty hoạt động trong khu vực này né thuế đối với các sản phẩm xuất sang Mỹ.
Đặc khu Kinh tế Sihanoukville (SSEZ), nằm ở phía tây thủ đô Phnom Penh, bác bỏ các cáo buộc của Mỹ theo đó nói họ đã cho phép các công ty vận chuyển hàng qua đặc khu, và nói cuộc điều tra nội bộ cho thấy không hề có hoạt động nào như thế.
Campuchia: Sập công trình, chủ Trung Quốc bị bắt giữ
Băng đảng TQ gây bất ổn ở một tỉnh Campuchia
Campuchia: Thủ tướng Hun Sen cầu mong vận may
SSEZ cũng nói không có công ty nào trong toàn bộ 29 doanh nghiệp hoạt động trong đặc khu này và có xuất khẩu sang Mỹ “bị điều tra hay trừng phạt bởi hải quan Mỹ trong thời gian gần đây”, South China Morning Post tường thuật.
SSEZ là khu công nghiệp do các nhà đầu tư Trung Quốc tài trợ, đồng thời tham gia điều hành chung.
Hồi tháng Tư, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng có hơn 160 doanh nghiệp hoạt động tại đây, là khu công nghiệp mà ông gọi là “mô hình thành công cho các dự án Trung Quốc”.
“Hoa Kỳ sẽ quyết liệt theo đuổi các cáo buộc tránh thuế, và dụng mọi công cụ pháp lý có trong tay để ngăn chặn những kẻ vi phạm luật hải quan và thương mại Mỹ,” phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Phnom Penh, Emily Zeeberg được Reuters dẫn lời.
Các công cụ đó có thể gồm cả các biện pháp trừng phạt dân sự và hình sự, hoặc các hành động cưỡng chế khác, bà nói thêm.
“Chúng tôi kêu gọi giới chức Campuchia hay theo dõi sát sao việc quản trị và tuân thủ quy định tại Đặc khu Kinh tế Sihanoukville,” bà nói.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Campuchia, Seng Thai, từ chối bình luận và dẫn chiếu tới một tuyên bố mà chính phủ nước này ra hôm 23/6, theo đó nói các cáo buộc trên là “không có căn cứ”, và rằng trình tự hoạt động tại các đặc khu kinh tế diễn ra rất rõ ràng.
Kể từ 2017, đã có hai trường hợp các công ty hoạt động tại Đặc khu Kinh tế Sihanoukville bị phát hiện nhập khẩu hàng vận chuyển qua đặc khu, và đã bị áp thuế chống phá giá, thông cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ viết.
Bị Trump ‘đánh’, công ty TQ ‘âm thầm’ sang VN?
Tập Cận Bình: TQ ‘là của châu Á và thế giới’
“Trong cả hai trường hợp, các viên chức Hoa Kỳ tiến hành thanh tra tại chỗ ở Đặc khu Kinh tế Sihanoukville và xác định rằng tuy được xuất trình như hàng Campuchia, nhưng số hàng hóa nghi vấn là có gốc gác từ Trung Quốc, được đưa nhập khẩu vào Hoa Kỳ,” bản thông cáo viết thêm.
Với cuộc đối đầu thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã kéo dài cả năm, các nhà phân tích nói rằng lượng hàng hóa trị giá nhiều tỷ đô la đã được dịch chuyển từ Trung Quốc sang vùng Đông Nam Á để tránh bị đánh thuế cao.
Hải quan Việt Nam trong tháng Sáu nói đã phát hiện ra nhiều trường hợp các nhà xuất khẩu dán lại nhãn một cách bất hợp pháp các sản phẩm Trung Quốc để ‘biến’ thành hàng ‘Sản xuất tại Việt Nam’ nhằm tránh thuế nhập khẩu bị áp trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-48785601

TNS Elizabeth Warren giành chiến thắng

 trong buổi tranh luận đầu tiên

Tin từ Miami — Theo một cuộc thăm dò của nhóm tiến bộ Indivisible, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren giành được nhiều sự ủng hộ nhất từ các thành viên trong nhóm này sau cuộc tranh luận sơ bộ giữa các ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ vào tối Thứ Tư (ngày 26 tháng 6).
Theo đài NBC, ngay sau khi kết thúc đêm đầu tiên của cuộc tranh luận, Indivisible đã gửi tin nhắn văn bản tới hàng ngàn thành viên của nhóm trên khắp Hoa Kỳ để hỏi ứng cử viên nào gây ấn tượng nhất với họ. Nhóm đã nhận được trả lời từ 6,497 người ở tất cả 50 tiểu bang. Mặc dù cuộc thăm dò trên không mang tính khoa học, nhưng cũng phần nào cho thấy quan điểm của những thành viên Dân Chủ theo chủ nghĩa tiến bộ.
Bà Warren là sự lựa chọn của 56% số người được hỏi. Đứng thứ hai với 15% số người bình chọn là Cựu Bộ trưởng Gia cư và Phát triển Đô thị Hoa Kỳ Julian Castro. Ông Castro, người gốc Latin duy nhất trong cuộc tranh cử, và vẫn chưa mấy nổi bật trong cuộc bầu cử sơ bộ, nhưng đã có một màn tranh luận mạnh mẽ vào đêm Thứ Tư. Đứng ngay sau ông là Thượng nghị sĩ Cory Booker với 10% và Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar với 6% lượt bình chọn. Sau đó là Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio, Dân biểu Tulsi Gabbard, và Thống đốc Washington Jay Inslee với tỷ lệ 3%.
Cựu Dân Biểu Texas Beto O’Rourke đã không thành công trong cuộc khảo sát, chỉ được chọn bởi 2% số người được hỏi, nhưng vẫn đứng trước Dân Biểu Tim Ryan và cựu Dân Biểu John Delany, với lượt bầu chọn lần lượt là 1% và 0%.
Bà María Urbina, giám đốc chính trị  của Indivisible, cho biết bà Warren đã làm rất tốt trong việc củng cố vị trí của bà đối với những người theo khuynh hướng tiến bộ. Trong khi ông Castro thành công trong việc thu hút được sự chú ý. Indivisible sẽ tiến hành một cuộc thăm dò khác sau cuộc tranh luận vào tối thứ Năm (ngày 27 tháng 6). (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tns-elizabeth-warren-gianh-chien-thang-trong-buoi-tranh-luan-dau-tien/

Kamala Harris nổi bật trong ngày tranh luận thứ nhì

của ứng viên Dân chủ

Bà Kamala Harris nổi bật trong cuộc tranh luận sơ bộ của các ứng cử viên Đảng Dân chủ vào chiều tối thứ Năm 27/6 ở Miami, theo Reuters.
Bà Harris trở thành tâm điểm của các cuộc trao đổi sôi nổi trong đêm tranh luận thứ nhì giữa các ứng cử viên đang cạnh tranh để được Đảng Dân chủ chọn đại diện ra thách thức Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.
Bà Harris trực diện đối đầu với ông Joe Biden, ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Dân chủ, và chỉ trích những bình luận của ông, khoe thành tích đã từng làm việc được với một số nghị sĩ có lập trường kỳ thị chủng tộc trong thập niên 1970, với mục đích hoàn thành nhiệm vụ tại Thượng viện Hoa Kỳ.
Bà Harris cho biết vấn đề chủng tộc là một vấn đề có tính cách cá nhân đối với bà, với cha là người gốc Phi đến từ Jamaica, và mẹ đến từ Ấn Độ.
Bà đặt nghi vấn về lập trường của ông Biden trong thập niên 1970, khi ông chống đối dịch vụ xe buýt dành cho các học sinh sắc tộc. Bà nói bà là một trong những nữ sinh đã được hưởng dịch vụ đó trong khuôn khổ một chương trình hội nhập ở California.
Bà Harris, một cựu công tố viên, nhìn thẳng vào ông Biden và yêu cầu ông giải thích.
“Tôi không tin ông là một người phân biệt chủng tộc… Đây là một vấn đề cá nhân và thật đau lòng khi nghe ông nhắc tới tiếng tăm của hai thượng nghị sĩ Mỹ đã từng xây dựng sự nghiệp của họ trên sự phân biệt chủng tộc tại đất nước này”.
Bà Kamala Harris, 54 tuổi, xếp thứ tư hoặc thứ năm trong danh sách các ứng cử viên đảng Dân chủ trong hầu hết các cuộc thăm dò toàn quốc.
Ông Biden bảo vệ thành tích của ông luôn luôn bênh vực dân quyền, nói rằng những người chỉ trích đã hiểu sai bình luận của ông, là có ý khen ngợi những kẻ phân biệt chủng tộc.
“Nếu các bạn muốn chiến dịch này xoay quanh vấn đề ai ủng hộ dân quyền và liệu tôi có bảo vệ dân quyền hay không, thì tôi rất vui lòng làm điều đó.”
Ông lưu ý rằng thời đó, ông chỉ chống việc chính phủ liên bang phải cung cấp dịch vụ xe buýt, chứ không hề chống đối dịch vụ xe buýt do chính quyền địa phương điều hành.
Ông nói:
“Tất cả những gì mà tôi đã làm trong sự nghiệp của mình, tôi ra ứng cử cũng vì vấn đề dân quyền và tiếp tục tin rằng chúng ta phải tạo ra những thay đổi cơ bản.”
Một trong các ứng cử viên ít được biết đến, ông Eric Swalwell, 38 tuổi, cũng nhắm vào ông Biden khi nhắc tới tuổi tác của ông và kêu ông Biden, 76 tuổi, hãy “truyền đuốc” cho các ứng cử viên trẻ tuổi.
Ông Swalwell nói: “Tôi mới lên 6 khi một ứng cử viên tổng thống tới California và tuyên bố đã đến lúc “truyền đuốc cho một thế hệ người Mỹ mới. Ứng cử viên đó lúc bấy giờ là Thượng nghị sĩ Joe Biden.
“Ông Biden đúng khi tuyên bố như vậy cách đây 32 năm. Và vẫn đúng ngày hôm nay”, ông Swalwell nói.
Ông Biden đáp:
“Tôi vẫn đang nắm giữ ngọn đuốc. Tôi muốn nói rõ ràng như vậy.”
Trong cuộc tranh giành nội bộ đảng Dân chủ, vấn đề chủng tộc đã nổi lên, Thị trưởng Pete Buttigieg của thành phố South Bend, Indiana, cũng đối mặt với những câu chất vấn về cáo buộc phân biệt chủng tộc tại thành phố của ông, sau vụ cảnh sát da trắng bắn chết một người da đen.
Ông Joe Biden và ứng cử viên Bernie Sanders, xếp hạng nhì trong các cuộc thăm dò trong đảng Dân chủ, liên tục nhắm vào Tổng thống Trump.
Ông Sanders nói: “Người dân Mỹ thừa hiểu rằng ông Trump là một kẻ giả dối, ông Trump là người mang bệnh nói dối và là một kẻ phân biệt chủng tộc, ông đã từng nói dối với người dân Mỹ trong chiến dịch tranh cử của ông ta.”
Ông Biden lưu ý rằng quyết định của ông Trump giảm thuế cho người giàu và các chính sách kinh tế khác của ông Trump đang tăng tình trạng bất bình đẳng kinh tế tại Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/kamala-harris-noi-len-trong-ngay-tranh-luan-cua-ucv-tt-dang-dan-chu/4977609.html

‘Cha đẻ’ thiết kế iPhone sắp rời Apple

Jonathan Ive, một người Anh trong suốt hơn hai thập kỷ qua giúp Apple trở thành công ty có giá trị nhất thế giới, chuẩn bị thôi việc tại đây để thành lập liên doanh riêng.
Ngài Jonathan, nhà thiết kế iMac, iPod và iPhone, sẽ rời đi vào cuối năm nay để bắt đầu một công ty sáng tạo, LoveFrom, và Apple sẽ là khách hàng đầu tiên.
“Đây dường như là thời gian thích hợp và nhẹ nhàng để thực hiện thay đổi này”, ông nói.
Ông chủ Apple Tim Cook cho biết “vai trò của ông trong sự hồi sinh của Apple không thể bị cường điệu hóa”.
Nhưng sự ra đi diễn ra đúng vào thời điểm gã khổng lồ công nghệ đang có những thay đổi sâu rộng. Giám đốc bán lẻ Angela Ahrendts rời đi vào tháng Tư và các nhà đầu tư lo lắng về doanh số iPhone giảm.
Apple gợi ý giảm giá bán iPhone
Vì sao Microsoft đang thịnh, Apple sa sút?
Ngài Jonathan cho biết trong một tuyên bố: “Sau gần 30 năm và vô số dự án, tôi tự hào nhất rằng chúng tôi đã gây dựng một đội ngũ thiết kế, quy trình và văn hóa tại Apple mà không ai sánh kịp.”
Có rất ít thông tin về LoveFrom, nhưng công ty sẽ có trụ sở tại California và một trong những lĩnh vực trọng tâm sẽ là các thiết bị công nghệ ‘đeo trên cơ thể’. Tin tức về sự ra đi của ông xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ Financial Times.
Trong bài viết, Ngài Jonathan cho biết Marc Newson, một người bạn và đồng nghiệp tại Apple, cũng sẽ gia nhập công ty mới. Cũng sẽ có “một bộ sưu tập các sản phẩm sáng tạo” trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau ngoài thiết kế, ông nói.
Ông trở thành người đứng đầu phòng thiết kế của Apple vào năm 1996, khi công ty này đang trong gian đoạn tài chính khó khăn và phải cắt giảm nhân công. Bước ngoặt bắt đầu với iMac của Sir Jonathan năm 1998 và iPod năm 2001. Các sản phẩm đình đám khác bao gồm:
2004 – iPod Mini
2007 – iPhone
2008 – MacBook Air
2010 – iPad
2015 – Đồng hồ Apple
2016 – AirPods
Người sáng lập Apple, Steve Jobs, đã từng nói về Sir Jonathan: “Nếu tôi có một đối tác tinh thần tại Apple, thì đó là Jony.”
Một trong những dự án gần đây nhất của Jonathan là hoàn thiện trụ sở công ty mới của Apple, Apple Park, một khu phức hợp cực kỳ hiện đại hợp tác thiết kế cùng các kiến trúc sư người Anh Foster + Partners.
Ben Bajarin, nhà phân tích của Creative Strategies, cho biết: “Đây là sự ra đi đáng kể nhất của người từng là một phần cốt lõi của câu chuyện tăng trưởng” dưới thời ông Jobs.
Ngài Jonathan, được Nữ hoàng phong tước năm 2012, sẽ không có người thay thế ngay lập tức tại Apple. Từ năm 2012, ông đã giám sát thiết kế cho cả phần cứng và phần mềm tại Apple, hai vai trò trước đây hoàn toàn tách biệt.
Apple cho biết vào thứ Năm 27/6, các vị trí sẽ lại được phân chia, với các trưởng nhóm thiết kế Evans Hankey đảm nhận vị trí phó chủ tịch thiết kế công nghiệp và Alan Dye trở thành phó chủ tịch thiết kế giao diện người dùng.
Phân tích của Rory Cellan-Jones
Phóng viên công nghệ
Steve Jobs và Jony Ive như là Lennon và McCartney của Apple – chúng ta không thể thấy công ty trở được như ngày nay mà không có sự hợp tác sáng tạo nhất trong lịch sử kinh doanh này.
Ive tương đối trẻ khi Jobs trở về Apple với sứ mệnh hồi sinh ‘táo khuyết’ dù trước đó bị chính công ty này đuổi. Ông chọn nhà thiết kế người Anh như một người đồng điệu về chí hướng, người chia sẻ nỗi ám ảnh của ông với tôn chỉ rằng vẻ ngoài của một sản phẩm cũng quan trọng như công nghệ bên trong nó.
Thành công đầu tiên của họ là iMac, trông khác hoàn toàn kiểu truyền PC truyền thống trông như chiếc hộp màu be vốn thống trị thị trường xưa nay, cho thấy máy tính có thể là những tác phẩm thiết kế đẹp.
Theo sau đó là iPod, iPhone và iPad, mỗi sản phẩm thiết lập các tiêu chuẩn mới trong thiết kế công nghiệp mà các đối thủ đổ xô bắt chước.
Sau khi Steve Jobs qua đời, có suy đoán rằng một ngày nào đó Jony Ive có thể trở thành giám đốc điều hành. Điều đó có vẻ khó xảy ra – thay vào đó, ông vẫn là chuyên gia thiết kế của công ty, giọng của ông thường xuất hiện trong các video sản phẩm mang tính biểu tượng của Apple trong khi Tim Cook lèo lái cỗ máy in tiền hùng mạnh tiếp tục tiến lên.
Trong những năm gần đây, ít thấy ma thuật Ive được thể hiện hơn. Tuy nhiên vẫn có những sản phẩm như Airpods- có lẽ sẽ sớm trở thành một tác phẩm kinh điển, hay chân đế màn hình Mac Pro với mức giá 999 đôla gây nhiều tranh cãi ngay cả với fan hâm mộ Apple.
Nhưng người đàn ông bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách thiết kế nhà vệ sinh và bàn chải đánh răng cuối cùng đã cho chúng ta huyền thoại iPhone, và từ lâu Ngài đã khẳng định vị trí của mình trong lịch sử.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-48768150

Hai người xác nhận tường thuật

của nữ ký giả tố ông Trump cưỡng hiếp

Hai người phụ nữ lên tiếng xác nhận tường thuật của nhà văn E. Jean Carroll về vụ việc mà bà nói là bị Tổng thống Donald Trump tấn công tình dục hơn 20 năm trước. Cả hai người nói trong một cuộc phỏng vấn được đăng vào ngày 27/6 rằng bà Carroll đã kể với họ về vụ việc vào thời điểm đó.
Reuters dẫn phát biểu của hai phụ nữ này với báo The New York Times cho biết bà Carroll kể với họ rằng ông Trump đã khống chế bà trong phòng thay đồ của cửa hàng bách hóa Bergdorf Goodman ở New York vào cuối năm 1995 hoặc đầu năm 1996 và cưỡng hiếp bà trong vài phút.
Hai người phụ nữ này, tác giả Lisa Birnbach và người từng dẫn chương trình tin tức Carol Martin, cho biết họ đã đưa ra những lời khuyên trái ngược nhau về việc bà Carroll có nên trình báo vụ tấn công hay không. Bà Carroll là một cây bút phụ trách một cột báo cho tạp chí Elle.
Ông Trump bác bỏ cáo buộc này, nói rằng vụ việc không hề xảy ra.
Những cáo buộc tương tự đã xuất hiện trong hai năm qua nhắm vào một số người đàn ông có quyền thế ở Hollywood, trong giới truyền thông và chính trị khi phong trào #MeToo của phụ nữ đạt được đà tiến và rọi ánh sáng những hành vi quấy rối và bạo lực tình dục.
Hơn một chục phụ nữ đã cáo buộc ông Trump, 73 tuổi, ve vãn họ ngoài ý muốn trong những năm trước khi ông tham gia chính trường. Ông Trump phủ nhận những cáo buộc đó và sau đó thắng cử vào Nhà Trắng năm 2016.
Cáo buộc của bà Carroll, 75 tuổi, được đăng vào thứ Sáu tuần trước trong một bài báo của tạp chí New York trích từ hồi kí mới của bà. Bà nói rằng bà đã không trình báo ông Trump, một doanh nhân bất động sản giàu có, với nhà chức trách trong những năm 1990 vì sợ bị trả thù.
Các đại diện của Nhà Trắng không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận về tường thuật của hai người phụ nữ với tờ Times.
Bà Carroll nói với tờ Times rằng bà đã không cân nhắc chuyện công khai cáo buộc trước cuộc bầu cử tháng 11 năm 2016 như những người phụ nữ khác đã làm vì bà tin rằng những cáo buộc như vậy sẽ càng giúp cho nỗ lực tranh cử của ông Trump.
Ông Trump cáo buộc bà Carroll nói dối và tìm cách bán được nhiều sách hơn.
https://www.voatiengviet.com/a/hai-nguoi-xac-nhan-tuong-thuat-cua-nu-ky-gia-to-ong-trump-cuong-hiep/4976769.html

Hai tàu hải quân Canada đi qua Eo biển Đài Loan

làm Bắc Kinh bực bội

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Năm nói rằng các tàu hải quân của Canada đã đi qua Eo biển Đài Loan, nơi phân cách Đài Loan với Trung Quốc, hành động có thể đổ dầu vào lửa cho mối quan hệ vốn đang rất xấu giữa hai nước, Reuters tường thuật.
Tin cho hay các tàu đã đi qua eo biển này vào ngày 18/6, trong chiến dịch nhằm thực thi “tự do đi lại”, theo trang tin The Globe and Mail của Canada.
Động thái mới nhất của Huawei
Canada: Có thể dẫn độ Mạnh Vãn Chu
Huawei quảng cáo trên báo Mỹ để cải thiện hình ảnh
Được biết đây là lần đầu tiên Canada thực hiện hành trình như vậy kể từ khi căng thẳng giữa hai bên dâng lên sau vụ giới chức Canada bắt giữ quan chức của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu.
Cách đây chưa lâu, hồi tháng Tư, Bắc Kinh đã lên án việc Pháp quyết định cho một tàu khu trục đi qua Eo biển Đài Loan.
Khi đó, Trung Quốc đã gọi hành động của Paris là ‘phi pháp’.
Trong tuần rồi, Bắc Kinh đã dừng toàn bộ việc nhập khẩu thịt Canada, giữa lúc tranh cãi ngoại giao và thương mại với Ottawa đang càng trở nên trầm trọng.
Trung Quốc đang đòi Canada phải thả bà Mạnh Vãn Chu, người đã bị bắt giữ từ tháng Mười Hai năm ngoái theo trát bắt của Mỹ.
Sau vụ Canada bắt bà Mạnh, Trung Quốc đã bắt giữ hai người Canada với lý do an ninh quốc gia, và áp lệnh hạn chế đối với một số mặt hàng nông sản của Canada.
Người sáng lập Huawei: ‘Mỹ không thể bóp nát chúng tôi’
Nhậm Chính Phi muốn gì khi trả lời BBC?
Bộ Quốc phòng Canada thừa nhận hai tàu hải quân của nước này đã đi qua vùng biển trên hồi tuần trước, nhưng bác bỏ cáo buộc theo đó nói Canada đang tìm cách đưa ra quan điểm chính trị.
Hai chiến hạm đã thăm Việt Nam
Các tàu này trước đó đã ghé thăm Việt Nam, và đi qua Eo biển Đài Loan sẽ là tuyến đường ngắn nhất để các tàu từ đó tới vùng biển Bắc Hàn, nơi Canada đang giúp chặn tình trạng buôn lậu trên biển, Bộ Quốc phòng Canada nói.
Tàu khu trục đa năng HMCS Regina và tàu tiếp vận MV Asterix đã neo đậu tại Cảng biển Quốc tế Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa hôm 10/6 trong chuyến thăm bốn ngày tới Việt Nam.
Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của tàu hải quân Canada tới Việt Nam.
Phóng viên Canada có mặt trên một trong các tàu trên nói rằng trong quá trình tàu đi qua Eo biển Đài Loan, có lúc hai chiến đấu cơ Trung Quốc bay áp xuống chỉ cách hai tàu khoảng 300 mét.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của quân đội Canada Ashley Lemire nói bà chưa thể ngay lập tức xác nhận tin này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48785600

Uruguay bỏ họp vì sự hiện diện

 của phái đoàn đối lập từ Venezuela

Uruguay ngày 27/6 rút lui khỏi một cuộc họp của Tổ chức Các nước Châu Mỹ (OAS) diễn ra tại Medellin, Colombia, để phản đối sự hiện diện của điều mà họ gọi là phái đoàn không chính đáng từ Venezuela.
Vụ việc, xảy ra trong ngày đầu của hai ngày họp, cho thấy sự không thống nhất trong OAS về việc có nên tăng cường áp lực lên Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hay không. Ông Maduro được một số nước thành viên ủng hộ nhưng bị các nước khác gọi là nhà độc tài.
Dù Venezuela từ tháng Tư 2017 đã loan báo rút ra khỏi OAS, nhưng tình hình chính trị của nước này vẫn là đề tài chiếm lĩnh các cuộc họp gần đây.
Phe đối lập do Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido dẫn đầu đã chỉ định ông Gustavo Tarre làm đại diện của họ tại OAS. Ông Guaido tự xưng là Tổng thống lâm thời sau khi tố cáo kết quả tái đắc cử của ông Maduro là không hợp lệ. Trong số 35 thành viên của OAS có nhiều nước công nhận ông Guaido là lãnh đạo Venezuela.
“Uruguay xem đây là nỗ lực áp đặt sự công nhận đối với phái đoàn đối lập như là các đại diện chính đáng của Venezuela, đây là một sự khuất phục tính pháp lý của OAS không hơn không kém,” Phó Ngoại trưởng Uruguay, Ariel Bergamino, tuyên bố tại cuộc họp. “Chúng tôi rút lui khỏi cuộc họp chứ không phải rút ra khỏi OAS,” ông Bergamino nói.
Ông Julio Borges, trưởng phái đoàn đối lập Venezuela, nói các nước tiếp tục hậu thuẫn Tổng thống Maduro làm như thế vì chính phủ Maduro bán cho họ dầu với giá ưu đãi.
Venezuela, nơi có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, vẫn còn trong tình trạng xáo trộn chính trị trong lúc cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế ngày càng trầm trọng hơnkhiến hàng triệu dân bỏ xứ ra đi.
https://www.voatiengviet.com/a/uruguay-bo-hop-vi-su-hien-dien-cua-phai-doan-doi-lap-tu-venezuela-/4976744.html

Khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20

Tin từ Osaka – Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 hôm thứ Sáu (28 tháng 6), Tổng thống Trump tuyên bố thương mại là ưu tiên hàng đầu; Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình khuyến cáo chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng;  trong khi Ấn Độ, Nhật Bản và Nga bảo vệ các quy tắc thương mại đa phương.
Theo Reuters đưa tin, Tổng thống Trump nhận thấy triển vọng thương mại của Hoa Kỳ đã được cải thiện. Trước đó, Tổng thống đã chỉ trích hiệp ước an ninh Hoa Kỳ-Nhật Bản, đồng thời yêu cầu New Delhi bãi bỏ mức thuế trả đũa.  Tổng thống Trump cũng thúc đẩy thảo luận về mối lo lắng của Hoa Kỳ đối với công ty viễn thông Huawei.
Washington đã thúc giục các đồng minh không sử dụng mạng 5G của Huawei vì lý do an ninh, đồng thời cho rằng đây có thể là một những yếu tố trong cuộc đàm phán thương mại với ông Tập.
Ngoài các cuộc hội đàm bên lề hội nghị G20 với Thủ tưởng Nhật Bản Shizo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Trump dự kiến sẽ tham gia cuộc họp về thương mại với Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình vào thứ Bảy (29 tháng 6). Giá cổ phiếu ở châu Á đã biến động trong ngày, trước những kỳ vọng rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và ông Tập sẽ hạ nhiệt căng thẳng thương mại.
Trong cuộc gặp với các nguyên thủ quốc gia, thủ tướng Ấn Độ kêu gọi tập trung cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích những nỗ lực phá vỡ WTO.
Theo Reuters, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự lạc quan trong giao thương với Nhật Bản. Tổng thống Trump nói thêm rằng hai nước cũng sẽ thảo luận về việc mua thiết bị quân sự của Hoa Kỳ, nhưng các viên chức Nhật Bản sau đó xác nhận sẽ không bàn về vấn đề này.  Hiện Tokyo và Washington đang tham gia vào cuộc đàm phán thương mại khó khăn, khi chính quyền Tổng thống Trump nỗ lực thúc đẩy cắt giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/khai-mac-hoi-nghi-thuong-dinh-g20/

Bốn vấn đề nóng tại thượng đỉnh G20

Trọng Nghĩa
Là cơ chế tập hợp 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, thượng đỉnh G20 tại Osaka mở ra trong hai ngày 28 và 29/06/2019, đau đầu với 4 hồ sơ chính, từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng Iran-Hoa Kỳ, cho đến tăng trưởng toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Thương chiến Mỹ-Trung
Nổi bật nhất trong các hồ sơ này chính là quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, được cho là sẽ chi phối một phần quan trọng của các cuộc thảo luận tại Osaka. Mọi người đang chờ xem diễn tiến và kết quả, nếu có, của cuộc họp song phương bên lề thượng đỉnh, giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào trưa mai 29/06.
Cho dù nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm 27/06/2019 đã tiết lộ Washington và Bắc Kinh đã đồng ý sẽ lại hoãn chiến, nhưng trước khi rời Mỹ qua Nhật Bản, ông Trump lại đe dọa áp thuế hải quan mới trên hầu như tất cả các sản phẩm nhập từ Trung Quốc chưa bị đánh thuế, trong trường hợp đàm phán Osaka thất bại. Trong lúc đó, Bắc Kinh cũng tỏ vẻ cứng rắn, ra yêu sách đòi Washington hủy bỏ ngay lập tức các lệnh trừng phạt nhắm vào tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc Hoa Vi.
Dầu và Iran
Một hồ sơ nóng thứ hai là vấn đề Iran, với cuộc đấu khẩu càng lúc càng ác liệt giữa Washington và Teheran, kèm theo là những sự cố làm tình hình vùng Vịnh căng thẳng hẳn lên, đặc biệt là sau vụ Iran bắn hạ một phi cơ không người lái của Mỹ vào tuần trước.
Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đã khiến giá dầu thô tăng, một tình trạng mà khối 20 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới phải quan tâm, trong bối cảnh đầu tháng 7 tới đây, các nước xuất khẩu dầu trong khối OPEC+ (bao gồm cả các quốc gia ở bên ngoài khối OPEC, trong đó có Nga) sẽ họp lại xem xét khả năng giảm sản lượng để ổn định giá dầu.
Hai quốc gia dầu hỏa quan trọng nhất là Nga và Ả Rập Xê Út, nắm 40% sản lượng của OPEC+, được cho là sẽ có tiếng nói quyết định. Do việc hai nước này đều là thành viên G.20, do đó có khả năng là tổng thống Nga Vladimir Putin và hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohamed ben Salmane sẽ hội ý trước nhân một cuộc gặp song phương bên lề hội nghị Osaka.
Khí hậu và môi trường
Một hồ sơ gai góc khác là biến đổi khí hậu. Các nhà đàm phán Mỹ phản đối việc châu Âu lôi kéo G20 tham gia mạnh mẽ vào cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, mà ông Donald Trump không ngần ngại coi là một « trò lừa bịp ». Trong khi đó, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/06 đã kêu gọi tất cả các thành viên ủng hộ Thỏa Thuận Khí Hậu Paris 2015 và đẩy nhanh việc giảm khí thải nhà kính. Paris thậm chí còn dọa sẽ không ký tên vào một bản thông cáo chung quá rụt rè về khí hậu.
Tăng trưởng và lãi suất ngân hàng
Một hồ sơ quan trọng thứ tư cũng sẽ được đàm phán gay gắt là vấn đề tăng trưởng và lãi suất ngân hàng. Tại cuộc họp về chính sách tiền tệ trung tuần tháng Sáu vừa qua, Cục Dự Trữ Liên Bang ( Ngân hàng Trung ương ) Mỹ đã mở đường cho khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Việc cắt giảm đó sẽ hạ thấp giá của đồng đô la, và có thể buộc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và Ngân Hàng Nhật Bản tìm mọi cách để cho đồng euro và đồng yên khỏi tăng giá mạnh, qua đó bảo vệ nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của họ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190628-bon-van-de-nong-duoc-dam-phan-tai-g20-cua-nhat-ban

Cuộc gặp Trump – Tập

sẽ ‘phủ bóng’ thượng đỉnh G20?

Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt
Cuộc gặp Trump – Tập dự kiến bên lề Thượng đỉnh G20 chắc chắn sẽ làm phủ bóng lên Hội nghị quốc tế quan trọng sắp diễn ra ở Osaka Nhật Bản tuần này, một biên tập viên thời sự của World Service nói với với BBC Tiếng Việt tuần này.
Hôm 27/6, biên tập viên thời sự vùng châu Á – Thái Bình Dương, Michael Bristow, bình luận tại Bàn tròn thứ Năm:
“Tôi cho rằng cuộc gặp bên lề ở Osaka dự kiến vào sáng thứ Bảy 29/6 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ phủ bóng lên Hội nghị Thượng đỉnh, rõ ràng đó là một phần quan trọng bậc nhất của Thượng đỉnh G20. Chúng ta đặt câu hỏi về chữ nếu, nhưng chúng ta biết là hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại Osaka vào sáng thứ Bảy (29/6), trước khi diễn ra Hội nghị chính thức Thượng đỉnh G20.
“Và chắc chắn cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập sẽ phủ mờ nghị trình chính của Hội nghị G20, bởi vì chúng ta biết đây là hai cường quốc kinh tế đang tham gia và đang có cuộc chiến thương mại rất dữ dội và nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Cách mà họ giải quyết như thế nào đối với cuộc xung đột về thương mại của họ sẽ có tác động rất lớn chỉ với hai nước mà còn đối với phần còn lại của thế giới.
Bàn tròn BBC: Trump – Tập gặp gỡ, thương chiến và G20
Lo chiến tranh thương mại, Nhật – Trung muốn ‘nâng tầm quan hệ’
TQ sẽ ‘không cho’ bàn về Hong Kong tại G20
Trump, Tập dự hội nghị G20, bàn thương chiến Mỹ-Trung
Thương mại: Ông Donald Trump đe dọa Việt Nam
Trước câu hỏi, hai bên kỳ vọng sẽ đạt được gì ở cuộc gặp bên lề này và có đạt được không, nhà báo Michael Bristow, người từng có hơn 5 năm làm phóng viên của BBC tại Bắc Kinh và Trung Quốc, nói:
“Vấn đề giữa hai bên là rất sâu sắc và rất lớn, Trung Quốc nói rằng họ sẽ đưa ra một danh sách mà họ muốn phía Hoa Kỳ phải thực hiện trước khi họ làm điều mà Hoa Kỳ muốn. Còn ông Donald Trump nói rằng ông rất tự tin là muốn thỏa thuận sẽ đạt được giữa hai bên.
“Thế nhưng chúng ta nhớ rằng là vào tháng 12/2018, trước kỳ nghỉ Giáng Sinh, thực ra hai bên cũng đã gặp nhau tại một Hội nghị tương tự ở Buenos Aires, Argentina và lúc đó người ta cũng nói hai bên đã có thỏa thuận tạm thời sắp đạt được. Nhưng cuối cùng cũng không giải quyết được gì. Vậy nếu lần trước họ đã không giải quyết được thì lần này có được không, thì đó là một câu hỏi lớn.
“Và chúng ta cũng cần nhớ rằng không chỉ có cuộc gặp giữa ông Tập và ông Trump mà còn rất nhiều cuộc gặp khác tại Hội nghị, ví dụ như ông Tập Cận Bình sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản là Abe Shinzo và hai nước Nhật Bản và Trung Quốc đã có rất nhiều cạnh tranh và có cả những căng thẳng về quân sự. Đây là một vấn đề rất lớn cho cả vùng Đông Á.
“Ngoài ra Hội nghị G20 sẽ có những cuộc tranh luận rất lớn, ví dụ về Biến đổi Khí hậu, mà hiện nay các nước vẫn còn đang tranh cãi và làm thế nào để viết vào bản tuyên bố chung.”
Áp lực từ Hong Kong
Trung Quốc đã loại trừ thảo luận về các cuộc biểu tình phản đối ở Hong Kong tại hội nghị thượng đỉnh G20, theo truyền thông quốc tế, khi được hỏi liệu ông Tập Cận Bình có thể hoàn toàn tránh khỏi chủ đề này không và tác động đáng chú ý nhất của vấn đề Hong Kong đối với ban lãnh đạo Trung Quốc và ông Tập là gì, Michael Bristow nói:
“Mới hôm nay thôi, những người phản đối ông Tập Cận Bình đã đăng ba trang quảng cáo trên các báo phương Tây, ví dụ như tờ The Guardian ở Anh, tờ The Globe & Mail ở Canada và một tờ khác, họ yêu cầu Thế giới hãy thách thức ông Tập Cận Bình tại Hội nghị G20.
“Và để nhắc lại thì các quý vị khán, thính giả đã biết rằng những người biểu tình ở Hong Kong đã rất giận dữ vì dự thảo luật dẫn độ mà có thể cho phép Hong Kong gửi những người là nghi phạm về Trung Quốc để xét xử. Có lẽ vấn đề này những người ở G20 sẽ nói với ông Tập trong chốn riêng tư.
“Về tác động của biểu tình ở Hong Kong với Trung Quốc và sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, đây là một câu hỏi thú vị. Chúng ta biết rằng ông Tập Cận Bình có sự kiểm soát tuyệt đối đối với Đảng Cộng sản và Đảng Cộng sản kiểm soát tuyệt đối Trung Quốc bằng các chính sách, chẳng hạn như là kiểm duyệt.
“Năm vừa rồi, ông Tập Cận Bình đã hoàn toàn đóng cửa bất kỳ khả năng có thể đối kháng nào tại Trung Quốc đại lục. Nhưng còn Hong Kong thì rất là khác. Chúng ta đã thấy là người dân xuống đường phản đối ông ta.
“Ban đầu, ông Tập Cận Bình đã sử dụng biện pháp mà ông ta sử dụng biện pháp ông ta đã dùng ở đại lục, đó là biện pháp rất cứng rắn để đàn áp người biểu tình, thế nhưng như những tuần vừa qua cho thấy thì ông Tập Cận Bình không có vẻ gì cho thấy là ông đã kiểm soát được tình hình. Bởi vì ông ta đã không có kinh nghiệm, trải nghiệm thực sự để đối phó với một nơi như Hong Kong.”
Chung một mô thức?
Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ở Osaka, Tổng thống Trump được cho là đã đe dọa Việt Nam, nói rằng đất nước này đã được hưởng lợi từ thuế quan của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
“Đây là một kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong tất cả mọi người”, ông Trump nói về Việt Nam và cho hay thêm rằng Hoa Kỳ sẽ “thảo luận” vấn đề này với Việt Nam.
Thế nhưng ông Trump được cho là cũng đã sử dụng phương pháp “đe dọa” này từ trước với nhiều nước khác, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ, khi được đề nghị đưa ra bình luận, nhà báo Michael Bristow nói:
“Kể từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền ở Nhà Trắng thì ông đã có một quan hệ rất khác đối với các đồng minh, thậm chí với cả những nước mà đã có quan hệ rất gần gũi từ nhiều thập niên với Mỹ hơn cả Việt Nam, ví dụ như là Nhật Bản và Hàn Quốc, thì ông Donald Trump đã nói với họ là họ phải trả tiền nhiều hơn cho quan hệ giữa hai nước, theo ông phải có quan hệ bình đẳng hơn giữa họ với Hoa Kỳ.
“Thế thì những lời bình luận của ông Donald Trump với Việt Nam cũng nằm trong cùng một mô thức như vậy. Đó là ông Donald Trump muốn xé bỏ những quan hệ cũ đi, những hợp đồng cũ, để làm một hợp đồng quan hệ mới mà theo ông là có lợi cho Hoa Kỳ hơn.
“Về bình phẩm cụ thể của ông Donald Trump về Việt Nam, tôi đã xem, nhưng không rõ về phát biểu của ông Trump, ông nói có hai ý, hay hai khả năng. Một là thặng dư thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mà hiện nay đã lên đến 40 tỷ đôla một năm, hay là ông ta muốn nói đến rằng Việt Nam có hưởng lợi từ cuộc chiến thuế má mà Hoa Kỳ áp đặt lên Trung Quốc.
“Bởi vì chúng ta đã biết là có những cáo buộc rằng gần đây, sau khi Hoa Kỳ áp đặt thuế lên Trung Quốc, thì đã có những hàng hóa từ Trung Quốc được chuyển ngược sang Việt Nam, sau đó được đưa sang Hoa Kỳ để tránh mức thuế của ông Trump đặt ra. Thế thì có thể ông Trump muốn nhắc đến điều này và ông ta cảm thấy giận dữ vì Việt Nam hưởng lợi từ cuộc chiến thuế ấy.
“Thế nhưng cũng cần lưu ý rằng chưa chắc Việt Nam là đối tượng thực sự mà ông Trump muốn nhắm đến. Bởi vì ông Trump đã viết trên Twitter rằng ông ta đã rất giận dữ vì việc Ấn Độ cũng áp thuế lên hàng hóa Mỹ. Như vậy, rất có thể việc ông Trump bình luận về Việt Nam cũng nằm hoàn toàn trong một mô thức chung của ông, tức là ông muốn đặt lại quan hệ của nước Mỹ với các nước khác trên thế giới.”
Sẽ kết thúc thế nào?
Trước câu hỏi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung này có thể sẽ kết thúc ra sao, biên tập viên thời sự vùng của BBC World Service nói:
“Tôi nghĩ rằng cuối cùng họ sẽ đạt được một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp về những điều mà đã khiến ông Donald Trump giận dữ. Ví dụ như là vấn đề buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc khi mà đầu tư và những vấn đề khác.
“Thế nhưng đây chỉ là những giải pháp tạm thời, bởi vì vấn đề giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mang tính sâu sắc hơn mà không thể giải quyết được. Ví dụ như Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có những vấn đề cạnh tranh về ai mạnh hơn ở một số nơi trên thế giới và vấn đề về cả hệ thống Trung Quốc.
“Vì thế mà gần đây Hoa Kỳ đã quyết tâm cấm cửa công ty Huawei khỏi nước Mỹ. Thế thì đây là những vấn đề vượt ra ngoài tầm của một cuộc chiến tranh thương thương mại và vì thế theo tôi vấn đề giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không thể giải quyết được,” nhà báo Michael Bristow nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt hôm 27/6.
Được biết, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay sẽ diễn ra ở Osaka, Nhật Bản từ ngày 28-29/6.
Bên lề Hội nghị này, ngoài cuộc gặp dự kiến giữa ông Trump và ông Tập, hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc này và chủ nhà Nhật Bản sẽ có nhiều cuộc gặp song phương với các quốc gia khác.
Đối với Trung Quốc, ông Tập Cận Bình dẫn đầu đoàn cấp cao tham dự Thượng đỉnh trong bối cảnh Thương chiến Mỹ – Trung tiếp tục có những diễn biến phức tạp và chưa rõ sẽ giải quyết hoặc hạ nhiệt thế nào, trong khi đó, Hong Kong đã và tiếp tục diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn và rất lớn phản đối chính quyền đặc khu hành chính và chính quyền Bắc
Kinh, điều được xem là những diễn biến có tính áp lực rất lớn với ban lãnh đạo Trung Quốc và cá nhân ông Tập.
Michael Bristow, biên tập viên châu Á / Thái Bình Dương, BBC World Service và tác giả của các cuốn sách ”China in Drag”, “Travels with a Cross-dresser”, từng có thời gian (5 năm và 3 tháng) làm việc cho BBC với tư cách là phóng viên ở Bắc Kinh và Trung Quốc. Ông học tiếng Trung tại Đại học Liên minh Bắc Kinh năm 2005-2006 và trước đótốt nghiệp Đại học Newcastle (1987-1991) với chuyên ngành về Chính trị và Nghiên cứu Đông Á, Chính trị Đông Á.
Mời quý vị theo dõi toàn văn nội dung Bàn tròn thứ Năm hôm 27/6/2019 tại đây.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48771132

G20 hay G2 – Mỹ và TQ?

Theo nhà phân tích Stan Grant của ABC News, nói một cách thực tế, G20 dường như là G2: sàn diễn của Mỹ và Trung Quốc.
Điều đó không có nghĩa là các quốc gia khác không quan trọng – Đức và Nhật Bản vẫn là những nền kinh tế lớn tiên tiến, Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ. Một cường quốc trung bình như Australia mang ảnh hưởng đặc biệt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi nước này đứng giữa sự phân chia giữa các siêu cường.
“Nhưng chính mối quan hệ Washington- Bắc Kinh sẽ xác định thời đại của chúng ta và ngay bây giờ nó đang ở một bước ngoặt lớn” – Grant viết. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại leo thang: một trò chơi để xem ai chớp mắt trước.
Quan trọng là hai nhà lãnh đạo: Donald Trump và Tập Cận Bình. Họ đã tự hào về mối quan hệ thân thiết của mình trước đây, nhưng vẫn chưa đủ để có được một thỏa thuận về thương mại. Tờ Financial Times tuần này mô tả bầu không khí chung là “độc hại” và nói rằng “niềm tin không có gì ngoài sự sụp đổ”.
Có lẽ hai nhà lãnh đạo chia sẻ quá nhiều điểm chung: Cả hai đều đặt đất nước của họ lên hàng đầu và nói về việc trở lại sự vĩ đại. Ngoài ra, cả hai nước đều bỏ qua Tổ chức Thương mại thế giới.
Ông Trump đã cho thấy ông muốn làm lung lay trật tự toàn cầu do Mỹ đứng đầu, từ việc đặt câu hỏi về tương lai của NATO, đến việc áp thuế thương mại đối với các đồng minh và đối tác kinh tế trên đường tới hội nghị G20 và chỉ trích quốc gia chủ nhà Nhật Bản không thể hiện trọng lượng trong liên minh quốc phòng với Mỹ. Nếu nước Mỹ tham chiến, ông nói, người Nhật sẽ “xem nó trên tivi Sony” hơn là tham gia cùng.
Trung Quốc, cùng với Ngân hàng Đầu tư và Hạ tầng Châu Á, trong khi đó đang xây dựng mạng lưới ảnh hưởng của riêng mình, sáng kiến Vành đai và Con đường – 1 nghìn tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và đầu tư tại hơn 60 quốc gia chiếm 40% GDP toàn cầu. Họ tuyên bố và quân sự hóa (phi pháp) trên biển Đông, bỏ qua phán quyết của Tòa án Hàng hải ở The Hague.
hi hai người khổng lồ chiến đấu về thương mại, có những lo ngại gia tăng về một cuộc xung đột nguy hiểm hơn.
Các nhà phân tích cảnh báo về “Bẫy Thucydides” – định luật địa chính trị được cho là có từ thời chiến tranh của Sparta và Athens cổ đại, rằng một sức mạnh đang trỗi dậy và một sức mạnh suy yếu không thể tránh khỏi sẽ gặp nhau trên chiến trường. Theo chuyên gia về các vấn đề quốc tế, Christopher Coker, logic với các quốc gia hùng mạnh rằng “nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh”.
Coker nhận định chiến tranh có thể tránh được nhưng cảnh báo nếu nó nổ ra thì có thể sẽ xảy ra trong thập niên tới. Nó phụ thuộc vào cách hai cường quốc thể hiện sự cạnh tranh này.
Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, trong tháng 6 đã nói với các nhà lãnh đạo châu Âu: “Trung Quốc muốn trở thành cường quốc kinh tế và quân sự thống trị thế giới, truyền bá tầm nhìn độc đoán cho xã hội và các tập quán tham nhũng của họ trên toàn thế giới”.
Chiến lược an ninh quốc gia gần đây nhất của Mỹ một lần nữa làm rõ thế giới đang trong kỷ nguyên của sự cạnh tranh quyền lực lớn. Nga và Trung Quốc được mệnh danh là mối đe
dọa lớn nhất – hơn cả khủng bố quốc tế – các quốc gia “muốn định hình một thế giới phản đối các giá trị và lợi ích của Mỹ”. Đây là sự xung đột của các giá trị.
Các nhà quan sát còn nói về một cuộc xung đột của nền văn minh và ý thức hệ. Ông Tập Cận Bình từng nói về việc chiến đấu trong “trò chơi lâu dài”, dùng những từ như “hy sinh” và “máu”. Ông cảnh báo về các mối đe dọa bên ngoài và chủ nghĩa tư bản.
George Magnus từ Đại học Oxford, trong một cuốn sách đã cảnh báo Trung Quốc về 4 “cái bẫy”: bẫy nợ, bẫy tiền tệ, bẫy tuổi (già hóa dân số) và bẫy thu nhập trung bình. Ông Tập Cận Bình, phát biểu trước hội nghị của đảng năm 2017, cảnh báo nền kinh tế đang mất cân bằng và thiếu sáng tạo. Đây là một lời cảnh báo mà các lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra trong hơn một thập niên.
Tóm lại, trò chơi với Trung Quốc là một trò chơi nguy cơ cao, trong đó thương chiến với Mỹ chỉ là một yếu tố, dù tương đối lớn.
Theo Grant, ông Tập cũng biết có nhiều trở ngại cho “sự trở lại” của Trung Quốc. Mỹ vẫn lấn át Trung Quốc về mặt kinh tế và quân sự thuần túy. Họ có các liên minh toàn cầu nơi Trung Quốc chỉ có giao dịch.
Mason Richey, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học nghiên cứu quốc tế Hankuk ở Seoul nói với Al Jazeera: “Tôi nghĩ rằng Trump sẽ quan tâm đến việc phát huy mặt tích cực của các mối quan hệ mà Mỹ có với các đồng minh và đối tác chiến lược cho dù đó là Nhật Bản, NATO hay đó là Ấn Độ.
“Và tôi nghĩ theo một cách nào đó, ông ấy đang chơi trò cảnh sát tốt- cảnh sát xấu với chính mình. Ông ấy đóng vai cảnh sát xấu với Nhật Bản và Ấn Độ về các vấn đề an ninh và về các vấn đề thương mại. Bây giờ ông ấy lại đang phát huy mặt tích cực của mối quan hệ, nói về mối quan hệ của Mỹ gần gũi với Ấn Độ và Nhật Bản như thế nào. “
Ông Abe mô tả cuộc đối thoại ba bên Mỹ – Nhật – Ấn tại G20, nói nhóm này là “nền tảng của hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.”
Hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung có thể chưa đạt được một thỏa thuận lớn, nhưng có một sự tính toán đầy đủ về mối quan hệ trong tương lai. Thủ tướng Australia Scott Morrison nói răng cuộc tranh giành quyền lực toàn cầu đồng nghĩa với việc thế giới cần “sửa chữa khẩn cấp” hệ thống dựa trên các quy tắc, trong khi Bộ trưởng Thương mại nước này, Simon Birmingham nói quyền lực đi kèm trách nhiệm.
Đối với ông Tập Cận Bình và ông Trump, trách nhiệm bắt đầu từ chính quê nhà của họ, và cả hai dường như đều quyết tâm đặt ra những quy tắc phù hợp với mình.
Các nhà lãnh đạo của Nhóm 20 quốc gia đang họp tại thành phố Osaka, Nhật Bản. Đứng đầu chương trình nghị sự là cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
G20 là một diễn đàn của các nhà lãnh đạo quốc tế bao gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu. Nhóm này đại diện cho hơn 80% sản lượng kinh tế của thế giới và hai phần ba dân số. Mục đích chính của họ là thúc đẩy sự ổn định tài chính quốc tế.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29006-g20-hay-g2-my-va-tq.html

NATO ngần ngại

trước yêu cầu của Mỹ chống lại Iran

Các đồng minh NATO không đưa ra cam kết vững chắc nào là họ sẽ tham gia nỗ lực toàn cầu hầu bảo đảm các tuyến đường thủy quốc tế trước các mối đe dọa từ Iran, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết hôm 27/6, khép lại cuộc họp NATO đầu tiên của ông.
Ông Esper cho biết Mỹ sẽ quay trở lại vào tháng sau và cung cấp cho các đồng minh thêm nhiều chi tiết hơn về cách thức chính xác mà mối đe dọa Iran đã leo thang trong những tháng gần đây, và cách mà các quốc gia có thể hợp tác để ngăn chặn hành vi gây hấn hơn nữa.
“Chung quy là yêu cầu của chúng tôi, trong ngắn hạn, là công khai lên án hành vi xấu của Iran,” ông Esper nói khi ông chuẩn bị rời Brussels. “Và trong khi chờ đợi, để tránh leo thang quân sự, giúp chúng tôi giữ gìn sự tự do hàng hải ở Eo biển Hormuz, ở Vịnh Ba Tư và ở bất cứ nơi nào.”
Ông Esper không nhận được cam kết vững chắc nào, dù ông nói một số đồng minh ở nơi riêng tư muốn nghe Mỹ trình bày thêm.
Chuyến thăm của ông Esper đến NATO, chỉ vài ngày sau khi ông lên nắm quyền tại Lầu Năm Góc, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tăng mạnh giữa Mỹ và Iran. Chính quyền Trump đã quy trách Iran về các cuộc tấn công gần đây nhắm vào các tàu chở dầu ở Vịnh Oman, cũng như các vụ đánh bom ở Iraq. Các lực lượng Iran cũng bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ mà họ nói là đã bay vào không phận của họ, điều mà Mỹ bác bỏ.
Các cuộc thảo luận của ông Esper với các đối tác NATO nhắm củng cố lời kêu gọi hành động được đưa ra trước đó trong tuần này bởi Ngoại trưởng Mike Pompeo. Các nhà lãnh đạo Mỹ muốn xây dựng một liên minh rộng lớn, bao gồm các nước Châu Á và Châu Âu, để chống lại mối đe dọa quân sự từ Iran, và giúp giám sát vận tải ở khu vực Vịnh Ba Tư, nơi các tàu chở dầu đã bị tấn công.
Các đồng minh NATO đã bày tỏ sự miễn cưỡng tham gia vào bất kì nỗ lực quân sự nào giúp giữ an ninh cho khu vực hoặc chống lại Iran. Châu Âu muốn nhấn mạnh hơn vào việc giảm thiểu nguy cơ chiến tranh, đặc biệt là sau các sự kiện diễn ra vào tuần trước, khi Tổng thống Donald Trump chấp thuận trả đũa quân sự Iran về vụ bắn hạ máy bay không người lái, nhưng sau đó rút lại lệnh này vào phút cuối.
https://www.voatiengviet.com/a/nato-ngan-ngai-truoc-yeu-cau-cua-my-chong-lai-tehran/4976777.html

Ủy Hội Châu Âu kêu gọi

Nga điều tra lại vụ án Nemtsov

Tú Anh
Nghị viện của Ủy Hội Châu Âu, gồm 47 nước châu Âu, yêu cầu Matxcơva « mở lại và tiếp tục » cuộc điều tra về vụ nhà đối lập chống Putin bị ám sát ngày 27/02/2015. Nghị quyết được toàn thể đại biểu, trừ ba đại biểu Nga, thông qua ngày 27/06/2019.
Trong nghị quyết, Hội Đồng Nghị Viện của Ủy Hội Châu Âu đưa ra hai yêu cầu. Thứ nhất, mở lại hồ sơ vụ cựu phó thủ tướng liên bang Boris Nemtsov, bị bắn chết sát bên điện Kremlin cách nay bốn năm, trong khi nạn nhân sắp công bố hồ sơ về vai trò của nước Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina.
Yêu cầu thứ hai là 47 nước thành viên của Ủy Hội Châu Âu đưa vào danh sách đen những quan chức « làm thất bại các biện pháp điều tra và thủ tục pháp lý ». Nghị quyết nêu đích danh hai người : tướng Alexandre Bastrykine, chủ tịch ủy ban điều tra và phụ tá chưởng lý Viktor Grin.
Điều tra chính thức của Nga không kết luận ai là kẻ chủ mưu. Một người bị cáo buộc là « thủ phạm » lãnh án 20 năm tù. Bốn « tòng phạm » lãnh án từ 11 đến 19 năm .
Trong bản báo cáo Hội Đồng Nghị Viên của Ủy Hội Châu Âu, đại biểu Emanuelis Zingeris, người Litva, trình bày một cách chi tiết những thiếu sót và phi lý trong kết quả điều tra của Nga : « Tất cả các yếu tố chính đáng của vụ án không được xem xét và tất cả sự thật không được thiết lập ».
Hôm 26/06/2019  sau một cuộc tranh cãi sóng gió dài 9 tiếng đồng hồ, cuối cùng, Hội Đồng Nghị Viện của Ủy Hội Châu Âu, với 116 phiếu thuận, 62 phiếu chống và 15 người vắng mặt, đã cho phép phái bộ Nga trở lại cơ chế này sau năm năm bị cấm cửa. Quyết định này gây phẫn nộ cho nhiều nước Đông Âu, nhất là Ukraina và các quốc gia vùng Baltic. Quan điểm chiếm đa số dựa trên lập luận « cho Matxcơva hội nhập trở lại để có thể can thiệp và cải thiện hồ sơ nhân quyền tại nước Nga ».
Hội Đồng Nghị Viện của Ủy Hội Châu Âu chỉ là cơ quan tham vấn, cho ý kiến.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190628-uy-hoi-chau-au-vua-tai-nhap-nga-duoc-keu-goi-dieu-tra-lai-vu-an-nemtsov

World Cup 2019:

Pháp gặp Mỹ với hy vọng làm nên lịch sử

Trọng Nghĩa
Hai đội bóng đá nữ Pháp và Mỹ gặp nhau tối 28/06/2019, tại sân vận động Parc des Princes, Paris, để giành vé vào bán kết Cúp Thế Giới Bóng Đá Nữ 2019. Về tương quan lực lượng, đội tuyển Pháp không bì được với đội Mỹ của Megan Rapinoe và Alex Morgan, cho dù đội Pháp vào tháng Giêng vừa qua đã làm cho các nữ tuyển thủ Mỹ nếm thất bại duy nhất trong 20 trận đấu gần đây của đội này.
Bảng thành tích chung của hai đội tuyển Pháp và Mỹ đã cho thấy rõ chênh lệch đẳng cấp giữa hai bên. Pháp chưa từng vào được chung kết một giải lớn, cho dù là Cúp Thế Giới, Giải Vô Địch Thế Vận, hay là Cúp Châu Âu. Trong lúc đó thì đội Mỹ đã 3 lần đoạt Cúp Thế giới vào những năm 1991, 1999 và 2015, và đang tìm kiếm một chiếc Cúp thứ tư. Là quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng của Liên Đoàn Bóng Đá Quốc Tế FIFA, Mỹ cũng đã 4 lần vô địch Thế Vận Hội, trong những năm 1996, 2004, 2008, 2012.
Dù vậy, ở Cúp Thế Giới 2019 này, tài nghệ hai đội tuyển có vẻ ngang ngửa nhau. Đội Mỹ, tuy đã hạ một cách ngoạn mục đội Thái Lan 13-0, nhưng đã chật vật hơn ở vòng 1/8, phải đá penalty mới thắng được đội Tây Ban Nha 2-1.
Đội Pháp thì khởi sự hoàn hảo với trận ra quân trước đội Hàn Quốc, thắng được 3-0, nhưng sau đó ở vòng 1/8 lại phải chật vật mới loại được đội Brazil với tỷ số 2-1 nhờ bàn thắng cuối cùng của Amandine Henry ở hiệp phụ.
Pháp hy vọng là trong trận so tài hôm nay, lợi thế sân nhà, với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả sẽ chắp cánh cho các nữ cầu thủ của mình.
Bên thắng trận hôm nay sẽ vào bán kết để gặp đội Anh, vừa thắng đội Na Uy 3-0 vào tối 27/06/2019, trên sân thành phố cảng Le Havre, miền tây nước Pháp.
Đồng hành với Anh vào bán kết còn có Đức, cũng đã thắng Nigeria 3-0.
http://vi.rfi.fr/phap/20190628-world-cup-nu-2019-phap-gap-my-voi-hy-vong-lam-nen-lich-su

Đợt nóng tại Pháp: Bốn tỉnh báo động đỏ,

4000 trường học đóng cửa

Tú Anh
Đợt nóng cháy da lên đỉnh điểm, với nhiệt độ tới 44°C, trong ngày thứ sáu 28/06/2019 tại bốn tỉnh miền nam nước Pháp. Khoảng 4000 trường tiểu học quyết định cho học sinh nghỉ học, theo thông báo của thủ tướng Edouard Philippe.
Pháp cũng như nhiều nước châu Âu hiện đều bị ảnh hưởng các luồng khí nóng từ sa mạc Sahara thổi đến. Nhiệt độ được cơ quan khí tượng dự báo lên đến kỷ lục 44°C trong ngày hôm nay.
Tại Pháp, nhiệt độ tại thủ đô Paris lên đến 34°C, nhưng không nghiêm trọng như ở bốn tỉnh miền nam từ 44°C đến 45°C, lần đầu tiên được đặt trong tình trạng báo động đỏ từ nay cho đến sáng chủ nhật. Học sinh của khoảng 4000 trường tiểu học được nghỉ thêm một ngày trước cuối tuần.
Lực lượng thiện nguyện được tăng cường để chăm sóc, cung cấp nước uống cho những người vô gia cư. Công ty đường sắt quốc gia Pháp cũng có các dịch vụ trợ giúp hành khách.
Trái lại, ở các tỉnh tây bắc thuộc vùng duyên hải Đại Tây Dương, không khí tương đối dễ chịu, từ 25 đến 33 độ là tối đa. Thông tin này báo hiệu trong hai ngày cuối tuần vùng Bretagne sẽ tràn ngập du khách.
Tại Tây Ban Nha, nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra ở vùng Catalunya. Hàng trăm lính cứu hỏa và máy bay chữa lửa được huy động. Một thiếu niên 17 tuổi ở Andalusia và một cụ bà 93 tuổi ở Valladilid đã thiệt mạng vì nắng nóng.
http://vi.rfi.fr/phap/20190628-chau-au-nang-chay-phap-bao-dong-do-4000-truong-hoc-dong-cua

Giới chức Iran: ‘Chúng tôi chỉ muốn bán dầu’

Yêu sách chính của Iran trong các cuộc đàm phán nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran là khả năng được bán dầu ở mức như trước khi Washington rút ra khỏi thỏa thuận cách đây 1 năm, Reuters dẫn lời một giới chức Iran ngày 27/6 cho biết.
Iran đe dọa sẽ vượt quá mức tối đa về uranium được phép tinh chế theo thỏa thuận 2015 để trả đũa các chế tài của Mỹ làm kiệt quệ kinh tế Iran trong năm qua.
Các giới chức cấp cao từ Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận sau khi Mỹ rút lui sẽ gặp nhau tại Vienna ngày 28/6 trong mục tiêu duy trì thỏa thuận. Tuy nhiên, các cường quốc châu Âu đã hạn chế khả năng bảo vệ nền kinh tế Iran trước các trừng phạt của Mỹ.
“Yêu cầu của chúng tôi là gì? Yêu sách của chúng tôi là khả năng bán dầu và lấy lại tiền. Đây thật sự là lợi ích tối thiểu của chúng tôi từ thỏa thuận,” giới chức ẩn danh nói với Reuters.
“Chúng tôi không yêu cầu châu Âu đầu tư vào Iran… Chúng tôi chỉ muốn bán dầu của chúng tôi mà thôi.”
Giới chức này nói thêm rằng Iran sẽ tiếp tục con đường hiện tại và vượt quá những giới hạn đề ra trong thỏa thuận từng điểm một, bắt đầu từ mức tinh luyện uranium, cho tới khi nào yêu sách của Iran được đáp ứng.
https://www.voatiengviet.com/a/iran-noi-chung-toi-chi-muon-ban-dau-/4976751.html

Hội nghị các nước Mekong-Lan Thương

Truyền thông Lào và Việt Nam loan tin ngày 28.6 cho biết chủ đề diễn đàn là về phát triển bền vững công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Ông Thongsay Xanexaya, Thứ trưởng Bộ Bưu điện và Thông tin liên lạc Lào phát biểu tại diễn đàn hy vọng các nước trong khu vực sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương để khu vực cùng phát triển về lĩnh vực ICT.
Ý tưởng hợp tác Mekong – Lan Thương với sự tham gia của sáu nước ven sông Mekong (gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc) được Thái Lan đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012.
Một vấn đề lớn giữa các nước ven sông Mekong là việc xây đập thủy điện trên dòng chính con sông này gây nên tác động bất lợi cho các nước hạ nguồn. Vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải quyết vì các nước vẫn tiếp tục xây dựng đập thủy điện mà công tác tư vấn theo yêu cầu không mấy được tôn trọng. Trung Quốc có chuỗi đập trên dòng chính Mekong nhiều nhất tính đến nay.
Phần sông Mekong chảy qua Trung Quốc được gọi tên Lancang và Bắc Kinh cho hình thành nên cái gọi là Hợp tác Lancang-Mekong và phiên họp lãnh đạo đầu tiên của 6 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam diễn ra vào tháng 3 năm 2016.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/Mekong-Langcang-countries-meet-in-vientain-laos-06282019091333.html

Nhật hoàng tiếp tổng thống Pháp và phu nhân

Thụy My
Trước khi đến Osaka dự hội nghị thượng đỉnh G20, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân đã được tân Nhật hoàng Naruhito và hoàng hậu Masako mời dự tiệc trưa tại Hoàng cung ở trung tâm Tokyo hôm qua 27/06/2019. Ông Macron là nguyên thủ ngoại quốc thứ hai, sau tổng thống Mỹ Donald Trump được Nhật hoàng Naruhito tiếp kể từ khi lên ngôi.
Bữa tiệc có khoảng 30 người tham dự, trong đó có sáu công chúa Nhật và ngoại trưởng Pháp. Đoàn đại biểu Pháp tặng cho Nhật hoàng  một chiếc quạt bằng lụa tơ tằm được nghệ nhân Anne Hoguet vẽ hoa, còn hoàng hậu nhận món quà là chiếc túi xách hiệu Dior. Thông tín viên RFI tại Tokyo, Frédéric Charles cho biết báo chí Nhật tỏ ra thú vị với chuyến thăm của hai vợ chồng tổng thống Pháp :
« Cặp vợ chồng tổng thống Pháp thu hút người Nhật với chuyện tình của họ, và khoảng cách tuổi tác đến 25 năm. Trong một đất nước rất cổ điển về hôn nhân, người Nhật coi đây là một điều hết sức mới mẻ.
Truyền thông Nhật chú ý đến vinh dự hiếm hoi là tổng thống Macron cùng với phu nhân được tân Nhật hoàng Naruhito và hoàng hậu Masako mời đến Hoàng cung dự tiệc trưa.
Một phóng viên truyền hình Nhật cho rằng nếu đây là một cuộc gặp riêng mang tính thân mật giữa hai khuôn mặt Hoàng gia Nhật Bản và cặp vợ chồng nguyên thủ nước Pháp thì tốt hơn. Hoàng hậu Masako nói thông thạo tiếng Pháp vì đã từng sống tại châu Âu, còn Nhật hoàng Naruhito cũng hiểu rất rõ ngôn ngữ của Emmanuel Macron.
Nhưng Hoàng gia đầy quyền lực đã áp đặt một bữa tiệc đúng theo quy cách, với khoảng 30 người ngồi xung quanh bàn ăn, khởi đầu bằng món bánh mì nướng, trong im lặng.
Nữ nhà báo truyền hình mạnh dạn nhận xét, đối với Nhật hoàng và hoàng hậu, dùng bữa trưa với hai vợ chồng tổng thống Pháp có lẽ dễ chịu hơn là buổi tiệc mừng tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania. Theo cô, việc này hoàn toàn khác biệt.
Nhật hoàng không giữ vai trò chính trị, nên cuộc nói chuyện xoay quanh các chủ đề chung như văn hóa, lịch sử hay tính cách của hai dân tộc ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190628-hoang-de-nhat-tiep-tong-thong-phap-va-phu-nhan

Dân Hong Kong lại xuống đường

chống dự luật dẫn độ

Hơn 1.000 người, đa số là sinh viên mặc trang phục màu đen, lại tập hợp bên ngoài các văn phòng chính phủ Hồng Kông hôm thứ Sáu 28/6, giữa lúc các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ chưa có dấu hiệu gì là sẽ chấm dứt.
Sau các cuộc biểu tình đông đảo và bạo lực nhất trong nhiều thập kỷ, Trường đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã tạm đình chỉ dự luật gây nhiều tranh cãi, mà nếu được thi hành, sẽ cho phép dẫn độ một số nghi phạm sang Hoa lục để xét xử. Mặc dù vậy, bà Carrie Lam không đáp ứng yêu sách của những người biểu tình, đòi hủy bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ.
Tận dụng hội nghị thượng đỉnh quy tụ các nhà lãnh đạo G20 diễn ra ở Nhật Bản trong tuần này, giới hoạt động ở Hong Kong đã vận động để số phận của cựu thuộc địa Anh được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị, một động thái chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh giận dữ. Trước đó, lãnh đạo ở Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ không “dung thứ” việc mang vấn đề Hong Kong ra thảo luận.
Cuộc biểu tình mới nhất diễn ra sau nhiều tuần bất ổn khi hàng triệu người thuộc mọi tầng lớp kéo nhau xuống đường, làm tắc nghẽn giao thông ở Hong Kong, trung tâm tài chính của châu Á, trong hành động thách thức lớn nhất của dân chúng đối với lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình, kể từ khi ông này lên nắm quyền vào năm 2012.
Hồng Kông được trao lại Trung Quốc cai trị vào năm 1997 theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, cho phép dân Hong Kong được hưởng các quyền tự do như tự do biểu tình, và một nền tư pháp độc lập mà người Hong Kong cho là quý giá và quyết bảo vệ, những quyền tự do mà người dân ở đại lục không được hưởng.
Những người phản đối dự luật dẫn độ coi dự luật này là mối đe dọa đối với nhà nước pháp trị và sợ luật dẫn độ sẽ đẩy họ vào thế phải đối phó với hệ thống tư pháp Trung Quốc, nơi mà các quyền con người không được đảm bảo.
Vào đêm thứ Sáu giờ địa phương, hàng ngũ người biểu tình liên tục tăng dần giữa lúc những người biểu tình tham gia xuống đường sau giờ làm việc, ba ngày trước kỷ niệm 22 năm ngày bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc, mà theo dự kiến là ngày diễn ra một cuộc biểu tình quy mô khác.
Tại Trung Quốc, các nhà kiểm duyệt đã xóa hoặc chặn hầu hết những tin tức có liên quan tới các cuộc biểu tình ở Hong Kong giữa lúc có nhiều lo ngại ở Bắc Kinh, rằng bất kỳ cuộc biểu tình lớn nào của công chúng cũng có thể truyền cảm hứng cho các cuộc biểu tình trên lãnh thổ Hoa lục.
Sinh viên Joey Siu thuộc hội sinh viên Đại học Thành phố Hồng Kông, cho biết một số đại diện sinh viên đã tới Nhật Bản để thu hút sự chú ý của thế giới về Hồng Kông, giữa lúc các nhà lãnh đạo thế giới triệu tập tại Osaka để dự thượng đỉnh G20.
Nữ sinh viên Joey Siu nói:
“Chúng tôi muốn đưa Hong Kong vào hàng ưu tiên trong chương trình nghị sự. Chúng tôi sẽ không ngừng nói, chỉ vì ông Tập Cận Bình không cho phép cộng đồng quốc tế nói tới Hong Kong ở hội nghị G20”.
Chúng tôi tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lên tiếng về tình hình ở Hồng Kông.
Ông Tập sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày mai, thứ Bảy 29/6.
Trong nỗ lực tạo chú ý mới nhất, các nhà hoạt động Hong Kong đã đăng quảng cáo toàn trang trên một số báo quốc tế để thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo G20. Chiến dịch quảng cáo này được tài trợ bởi một chiến dịch gây quỹ trên mạng, đã gầy được khoảng 5,5 triệu đô la Hồng Kông, tương đương với 704,560 USD.
Hôm thứ Tư, hàng ngàn người đã tuần hành tới lãnh sự quán các cường quốc ở Hong Kong, kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 hãy hậu thuẫn yêu cầu của họ, đòi hủy dự luật dẫn độ và hãy “giải phóng” Hồng Kông.
https://www.voatiengviet.com/a/dan-hong-kong-lai-xuong-duong-chong-du-luat-dan-do/4977832.html

Đối đầu Mỹ, TQ quay sang ‘ve vãn’ Nhật

Trung Quốc đề xuất với Nhật Bản rằng hai nước nên xây dựng một mối quan hệ an ninh mới, trong bối cảnh quan hệ của Bắc Kinh với Washington ngày càng xấu đi, một nhà cựu ngoại giao Nhật Bản tiết lộ.
Ông Tomoki Kamo, giáo sư chuyên về các vấn đề Trung Quốc tại ĐH Keio ở Tokyo, cho biết Bắc Kinh lần đầu đưa ra đề xuất này khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái.
Chuyến thăm đó được cho là một nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ sau giai đoạn hai nước rất căng thẳng vì tranh chấp trên biển Hoa Đông.
“Phía Trung Quốc đưa ra cụm từ ‘quan hệ an ninh mới’ trước khi ông Abe thăm Trung Quốc năm ngoái”, ông Kamo nói. “Rõ ràng quan hệ ngày càng xấu đi của Bắc Kinh với Wshington là một nhân tố kích thích quan trọng”, ông nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc không nói cụ thể quan hệ mới đó như thế nào, khiến Nhật Bản không hiểu rõ họ đang nhận được đề xuất gì, ông Kamo cho biết.
Trung Quốc từ lâu vẫn coi Nhật Bản là một đối thủ chiến lược và tranh chấp giữa hai nước đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông vẫn là một điểm nóng tiềm tàng.
Bắc Kinh lâu nay cũng miễn cưỡng chuyện bàn bạc về quan hệ an ninh với Tokyo, vì thực tế là Nhật Bản trong Thế chiến 2 đã chiếm đóng một số khu vực của Trung Quốc, dẫn đến cái chết của hàng triệu người. Lịch sử vẫn là nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai nước cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, quan hệ xấu đi với Mỹ khiến Trung Quốc cảm thấy ngày càng bị bao vây, nên đang cố gắng tìm thêm bạn bè trên khắp thế giới.
Trong bối cảnh đó, ông Abe sang thăm Trung Quốc vào năm 2018. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản kể từ cuối năm 2011. Chuyến thăm đó đã chứng kiến các thỏa thuận trị giá 18 tỷ USD được ký kết. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gọi đây là một dấu hiệu cho thấy “triển vọng tươi sáng” cho quan hệ kinh tế song phương trong tương lai. Và chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật Bản vào cuối tuần này có thể mang đến tiến triển nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này.
Hai bên có thể dùng cơ hội này để thảo luận việc nới lỏng kiểm soát hàng thực phẩm xuất khẩu của Nhật Bản và việc Nhật Bản tham gia vào Sáng kiến Vành đai Con đường do ông Tập khởi xướng.
Quan hệ hai nước trở nên gần gũi hơn kể từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ năm 2017. Cả Bắc Kinh và Tokyo đều cảm thấy bất định về tương lai quan hệ của họ với Mỹ – điều Bắc Kinh hy vọng sẽ khiến Nhật Bản không ủng hộ những nỗ lực của ông Trump nhằm cô lập Trung Quốc hơn nữa trên trường quốc tế.
Về phần mình, Nhật Bản sợ rằng họ sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của các biện pháp bảo hộ của ông Trump, sau khi Tổng thống Mỹ dọa tăng thuế lên ô-tô Nhật.
Những bất chấp những dấu hiệu đó, các nhà quan sát Nhật Bản vẫn rất hoài nghi về mức độ Nhật Bản và Trung Quốc có thể hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực an ninh.
Ông Masatoshi Murakami, một chuyên gia về quan hệ Nhật – Trung ở ĐH Doshisha ở Kyodo, nói rằng hai bên có thể xây dựng quan hệ tốt hơn, nhưng đây sẽ chỉ là “chiến thuật chứ không phải chiến lược”.
“Trung Quốc và Nhật Bản cần nhau ngay lúc này, đặc biệt trên mặt trận kinh tế, nhưng kiểu hợp tác này khó giữ lâu dài”, báo SCMP dẫn lời ông Murakami.
Từng là một nhà ngoại giao, ông Murakami nói rằng Nhật Bản vẫn rất lo ngại về những tham vọng chiến lược của Bắc Kinh.
Ông nói Tokyo quan ngại những hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông, nơi Bắc Kinh xây các cơ sở hạ tầng quân sự và tăng cường hiện diện trên vùng biển mà những nước Đông Nam Á khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Ông cho rằng Trung Quốc thường có kiểu đột ngột thay đổi quan điểm trong các cuộc đàm phán, khiến các bên khó xây dựng lòng tin.
“Trung Quốc có thể đột ngột hủy ký một thỏa thuận ngay trong buổi sáng diễn ra lễ ký kết, khiến các nhà ngoại giao Nhật Bản chúng tôi mất mặt”, ông nói.
Ông Akio Takahara, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Tokyo, nói rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng sức mạnh quân sự khiến nước này khó có thể xây dựng quan hệ an ninh với Nhật.
“Chiến thuật quân sự của Trung Quốc hiện nay là lấn át đối thủ và chiến thắng mà không cần chiến đấu thực sự. Nhưng điều đó sẽ không có tác dụng, vì nó làm xói mòn cơ sở của quan hệ song phương”, ông Takahara nói.
http://biendong.net/bi-n-nong/28991-doi-dau-my-tq-quay-sang-ve-van-nhat.html

Ông Tập kêu gọi lãnh đạo Mỹ – Triều

họp thượng đỉnh lần ba

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định Kim Jong-un vẫn quyết tâm phi hạt nhân hóa và Mỹ – Triều nên thể hiện sự linh hoạt để thúc đẩy đối thoại.
“Xu hướng giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại không thay đổi. Chúng ta nên mở rộng nỗ lực thúc đẩy đối thoại và phối hợp cùng nhau”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản hôm nay. “Trung Quốc ủng hộ lãnh đạo Mỹ – Triều tổ chức vòng đối thoại mới. Chúng tôi hy vọng hai bên thể hiện sự linh hoạt và thúc đẩy tiến trình đối thoại”.
Cuộc gặp với ông Moon diễn ra một tuần sau chuyến thăm chính thức Triều Tiên đầu tiên của ông Tập. Chủ tịch Trung Quốc khẳng định lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn quyết tâm phi hạt nhân hóa.
“Ông ấy đang cố gắng thúc đẩy phát triển kinh tế Triều Tiên và cải thiện mức sống thông qua con đường chiến lược mới của đất nước. Ông ấy cũng hy vọng cải thiện môi trường bên ngoài”, ông Tập nói.
Tổng thống Hàn Quốc nói rằng Trung Quốc đang đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực hướng tới “phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo”. Theo ông, hội nghị thượng đỉnh Trung – Triều cùng việc lãnh đạo Mỹ – Triều trao đổi thư gần đây đã tạo động lực cho tiến trình hòa bình.
Trung Quốc là nước bảo đảm an ninh lớn nhất cho Triều Tiên từ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hiệp ước hữu nghị và hợp tác hỗ trợ lẫn nhau giữa Trung Quốc và Triều Tiên được ký kết tại Bắc Kinh năm 1961, trong đó bảo đảm quân đội Trung Quốc sẽ can thiệp nếu Triều Tiên bị tấn công vũ trang bởi bất kỳ quốc gia nào.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh thứ hai hồi tháng hai. Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong, nói rằng những gì Trung Quốc có thể làm đều có giới hạn.
“Không bên thứ ba nào có thể là trung gian hòa giải hiệu quả trong trường hợp này. Việc Triều Tiên cuối cùng có phi hạt nhân hóa hay không phụ thuộc hoàn toàn vào các cuộc đàm phán song phương giữa Bình Nhưỡng và Washington. Hai nước sẽ tự quyết định và Bắc Kinh hay Seoul cũng không thể tạo ra sự khác biệt đáng kể”, Zhang nói.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/29003-ong-tap-keu-goi-lanh-dao-my-trieu-hop-thuong-dinh-lan-ba.html

Hải quân TQ không có cơ hội sống sót

trước Hải quân Mỹ?

Một số ý kiến cho rằng, với tiềm lực hiện tại, hải quân TQ mới chỉ đáp nhiệm vụ phòng thủ biển gần và hoàn toàn không có cơ hội sống sót trước hải quân Mỹ.
Mặc dù được thành lập từ năm 1950 nhưng hải quân Trung Quốc (HQTQ) trước kia chỉ là một lực lượng hoạt động ở vùng nước nông ven bờ, trang bị nghèo nàn, lạc hậu, hoàn toàn không có khả năng tác chiến viễn dương.
Sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1991), chứng kiến sức mạnh vượt trội của quân đội Mỹ trước quân đội Iraq, một đội quân có vũ khí và lý luận quân sự tương tự với Trung Quốc nhưng đã bị quân đội Mỹ đè bẹp nhanh chóng.
Thêm một lý do nữa là năm 1996, nhóm hai tàu sân bay của Mỹ đi vào eo biển Đài Loan để đáp trả các cuộc tập trận của lực lượng tên lửa và hải quân Trung Quốc đang gây áp lực lên cuộc tranh cử tổng thống ở Đài Loan khi đó. Điều này đã làm Trung Quốc “mất mặt” và kể từ đó Bắc Kinh đã tăng tốc độ phát triển lực lượng hải quân.
Thành tựu hiện đại hóa hải quân Trung Quốc sau gần 30 năm
Công cuộc hiện đại hóa HQTQ lấy nâng cấp các hệ thống vũ khí làm trọng tâm, xây dựng con người là then chốt, phát triển lý luận tác chiến hải quân phù hợp với xu thế mới.
Chỉ trong vòng 20 năm, từ một lực lượng hải quân ven bờ, vũ khí phần lớn từ thời Liên Xô, HQTQ đã phát triển thành lực lượng hải quân hiện đại, gồm nhiều loại phương tiện tác chiến trên biển.
Đáng chú ý nhất trong số đó là tàu khu trục Type 052D Lữ Dương III, tàu hộ tống tên lửa đa năng Type 054A Giang Khải II, tàu hộ tống cỡ nhỏ Type 056; tất cả đều được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Năm 2012, Trung Quốc đã có chiếc tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh. Chiếc thứ 2 mang tên Type 001 được đóng dựa trên thiết kế của Liêu Ninh nhưng có rất nhiều cải tiến, chuẩn bị đưa vào biên chế.
Trung Quốc đang nghiên cứu đóng chiếc thứ ba, có khả năng được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS). Tham vọng của Trung Quốc là đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và sẽ gia nhập HQTQ trước năm 2030.
Trung Quốc cũng nỗ lực tập trung phát triển lực lượng tàu ngầm, được tối ưu hóa để ngăn chặn hải quân đối phương tiếp cận vùng biển khu vực. Lực lượng tàu ngầm hiện nay gồm năm tàu ngầm tiến công chạy bằng năng lượng hạt nhân, bốn tàu ngầm tên lửa đường đạn và 53 tàu ngầm tiến công chạy bằng diesel.
Đến năm 2020, 75% lực lượng tàu ngầm và tất cả các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc sẽ được trang bị tên lửa hành trình chống hạm (ASCM).
Không quân của HQTQ dù mới được thành lập nhưng hiện có khoảng 690 máy bay, bao gồm Su-30MKK nhập khẩu từ Nga, JH-7 và J-15 sản xuất trong nước, đều là những máy bay tiên tiến thuộc máy bay thế hệ 4.
Lực lượng Hải quân đánh bộ của Trung Quốc hiện có khoảng 100.000 quân, trong đó có 20.000 binh sỹ tác chiến đặc biệt. Năm 2015, HQTQ có 56 tàu đổ bộ, nổi bật là các tàu vận tải đổ bộ lớp Type 071 Yuzhao có khả năng vận chuyển cao và các tàu đổ bộ trực thăng Type 075 có tính năng tương tự các tàu tấn công đổ bộ của Mỹ, rất hiện đại.
Hải quân Trung Quốc hiện có khoảng 50.000 thủy lôi, gồm nhiều loại khác nhau; trong đó có loại có thể thả được ở vùng nước sâu, nơi các tàu ngầm của Mỹ thường xuyên hoạt động. Thủy lôi của HQTQ có thể được rải từ các phương tiện như tàu ngầm và thậm chí là tàu dân sự như tàu đánh cá và thuyền buồm.
Hiện nay Trung Quốc đang tích cực phát triển và triển khai một số vũ khí phòng thủ biển hiện đại, được triển khai cả trên bộ và trên biển.
Các hệ thống phòng thủ trên đất liền gồm có tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21, thường được gọi là “sát thủ tàu sân bay” – và tên lửa hành trình chống hạm được hỗ trợ bởi hệ thống C4ISR (C4ISR gồm chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, tình báo và trinh sát).
Các hệ thống vũ khí tiến công và phòng thủ được lắp đặt trên các tàu chiến của HQTQ bao gồm: tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa hành trình tiến công mặt đất (LACM) và các hệ thống phòng không hạm hiện đại.
Sau khi làm chủ được công nghệ đóng tàu chiến hiện đại, trọng tâm của Trung Quốc là sản xuất những tàu này với số lượng lớn. Theo các ước tính khác nhau của Mỹ cho thấy, số lượng tàu ngầm Trung Quốc có thể tăng lên từ 70 đến 80 tàu vào năm 2020.
Trong một nghiên cứu mới về ngành đóng tàu Trung Quốc, cựu giám đốc hoạt động tình báo Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ James Fanell nhận định: HQTQ có khả năng triển khai tới 430 tàu mặt nước và 100 tàu ngầm vào năm 2030.
Nếu trở thành hiện thực, nó sẽ giúp HQTQ vượt mặt Hải quân Mỹ về mặt số lượng, tạo nên lợi thế không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Những điểm yếu của Hải quân Trung Quốc
Bên cạnh những thành tựu, HQTQ có hai điểm yếu lớn chưa dễ khắc phục; đầu tiên, họ thiếu một hệ thống phòng không hạm, để có thể tạo thành chiếc ô phòng không vững chắc bảo vệ cụm tàu chiến đấu xa bờ; hiện nay các tàu chiến Trung Quốc chỉ có thể tác chiến trong phạm vi yểm trợ của không quân hoặc máy bay cảnh báo sớm (AEW) có căn cứ trên đất liền.
Trước đó, Trung Quốc cho ra mắt hệ thống chiến đấu Aegis trang bị radar mảng pha trên các tàu khu trục Type 052C và tàu hộ tống Type 054; những tàu này là bước nhảy vọt về công nghệ của HQTQ. Tuy nhiên hệ thống này chỉ được trang bị trên một số ít trên các tàu chiến đấu và khả năng thực tế chưa được kiểm nghiệm.
Do các tàu sân bay của Trung Quốc hiện nay chưa thể trang bị máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm trên không (do tàu không có máy phóng máy bay) nên HQTQ không thể tối ưu hóa tiềm năng của các tàu bằng cách tích hợp chúng vào mạng lưới phòng không. Hơn nữa, để có thể hiện thực hóa việc gắn kết hệ thống trang thiết bị hiện đại này với không quân cũng mất nhiều năm.
Thứ hai, khả năng tác chiến chống tàu của HQTQ còn kém; hiện tại, lực lượng tàu ngầm của Bắc Kinh không được tối ưu hóa cho mục tiêu chống ngầm (hoặc tiến công trên bộ).
Nhiệm vụ chính của những tàu này là tác chiến chống tàu mặt nước ở khu vực gần các tuyến đường vận tải biển huyết mạch trong khu vực. Do đó, các tàu chiến và tàu thương mại của HTTQ vẫn dễ bị tiến công bởi các tàu ngầm khác ở chuỗi đảo đầu tiên.
Tuy nhiên, như cách thức thực hiện với hệ thống phòng không, Trung Quốc khai thác “lợi thế sân nhà” và bắt đầu từ khoảng năm 2014 đã tăng cường quan tâm đến tác chiến chống ngầm.
Hiện tại, Bắc Kinh bắt đầu triển khai các tàu hộ vệ Type 056 có lắp thêm sona kéo rê phía sau tàu và phát triển máy bay trực thăng Z-18F và Z-20 được tối ưu hóa cho nhiệm vụ chống ngầm.
Hải quân Trung Quốc còn lắp đặt các sensor tiên tiến dưới đáy biển và đưa vào trang bị máy bay tuần tra chống ngầm Gaoxin-6. Tuy nhiên, tác chiến chống tàu ngầm vẫn là điểm yếu nghiêm trọng của HQTQ, sẽ mất nhiều năm – có thể là một, hai thập kỷ để khắc phục.
Tuy nhiên, điểm yếu và khó đánh giá nhất là yếu tố con người; con người là yếu tố thể hiện sự khác biệt quan trọng trong chiến đấu, không chỉ đơn giản ở cấp chiến thuật mà còn ở cấp chiến dịch và chiến lược.
Bởi vậy, câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề chỉ huy của Hải quân Trung Quốc trong thực chiến. Các mệnh lệnh sẽ được thực hiện như thế nào giữa thuyền trưởng, các sĩ quan và thủy thủ?
Các vấn đề khác cũng cần được xem xét là chất lượng huấn luyện hạm đội của HQTQ, đặc biệt là huấn luyện chiến đấu trong điều kiện thực tế, khả năng sử dụng các loại vũ khí hiện đại và các hệ thống khác mà HQTQ được trang bị.
Kết luận
Nhìn những gì quân đội Trung Quốc đã thực hiện trong gần 30 năm qua cho thấy, Trung Quốc đã đạt được các bước tiến lớn trong việc trở thành cường quốc hải quân hàng đầu khu vực. Nếu xây dựng một hạm đội lớn như đề xuất vào năm 2030, Trung Quốc sẽ có đủ lực gây sức ép với Hải quân Mỹ.
Trên thực tế, quân đội Trung Quốc nói chung và HQTQ vẫn còn có nhiều hạn chế. Họ đang nỗ lực để khắc phục những khiếm khuyết này nhưng điều đó không thể thay đổi trong thời gian ngắn.
Trung Quốc đã chi nhiều khoản đầu tư lớn vào máy bay chiến đấu, tàu nổi và tàu ngầm với mục đích cạnh tranh trực tiếp với hải quân Mỹ.
Song, với tiềm lực hiện tại, HQTQ mới chỉ đáp nhiệm vụ phòng thủ tích cực biển gần, đủ sức gây sức ép với hải quân các nước trong khu vực tranh chấp, hoàn toàn không có cơ hội sống sót trước một lực lượng hải quân ưu việt như hải quân Mỹ.
http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/29002-hai-quan-tq-khong-co-co-hoi-song-sot-truoc-hai-quan-my.html

TQ nhập dầu Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ

Chiếc tàu chở dầu của Iran cập bến Trung Quốc vào ngày 20-6, thách thức các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran.
Chiếc tàu chở dầu của Iran cập bến Trung Quốc vào ngày 20-6, thách thức các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran. Ảnh: REUTERS
Iran đã giao chuyến dầu thô đầu tiên cho một tổ hợp nhà máy lọc dầu của Trung Quốc kể khi Mỹ chính thức hủy bỏ quy chế miễn trừ lệnh trừng phạt 8 quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu mỏ của Iran hồi đầu tháng 5, bao gồm cả người mua lớn nhất là Trung Quốc, đài RT đưa tin.
Theo báo TankerTrackers, một tàu Suezmax cỡ trung bình, được đặt tên là SALINA, thuộc sở hữu của Công ty tàu chở dầu Iran (NITC), đã chở khoảng 1 triệu thùng dầu thô, khởi hành từ Iran vào ngày 28-5. Chiếc tàu cập bến Khu liên hợp hóa chất và tinh chế Jinxi ở Trung Quốc vào ngày 20-6, thách thức các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran.
Theo tờ Bourse & Bazaar, sự xuất hiện của một lô hàng dầu thô của Iran tại khu phức hợp Jinxi, thuộc quyền sở hữu và điều hành của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), cho thấy Trung Quốc đang nối lại nhập khẩu dầu thô của Iran như một phần của chính sách của chính phủ.
Tháng trước, TankerTrackers ngày 16-5 cho biết họ đã chứng kiến lô xuất khẩu dầu thô đầu tiên của Iran kể từ khi lệnh miễn trừ trừng phạt của Mỹ có hiệu lực từ ngày 2-5.
Trong một phân tích hồi đấu tháng này, công ty dịch vụ tài chính toàn cầu IHS Markit nói rằng xuất khẩu dầu mỏ Iran sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phương thức Trung Quốc thực hiện nhập khẩu dầu thô từ nước Cộng hòa Hồi giáo.
“Bất chấp việc siết chặc các biện pháp trừng phạt nhằm đẩy xuất khẩu dầu của Iran về mức bằng 0, Trung Quốc dự kiến sẽ không hoàn toàn cắt giảm nhập khẩu dầu thô từ Tehran”, ông Fotios Katsoulas, chuyên gia phân tích năng lượng, hàng hải và thương mại tại IHS Markit cho biết.
Tuy nhiên, ông Katsoulas nói rằng việc nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Iran có thể sẽ rất thấp trong một khoảng thời gian dài sắp tới.
Trung Quốc trước đó đã chỉ trích quyết định của Mỹ chấm dứt lệnh miễn trừ trừng phạt và nói rằng một số nhà tinh chế dầu mỏ Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục mua dầu của Iran trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Bắc Kinh và Washington vẫn đang kéo dài.
Theo số liệu mới nhất, tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc sụt mạnh trong tháng 5 từ mức kỷ lục hàng tháng trong tháng 4, do các nhà máy lọc dầu tại nước này giảm mạnh lượng nhập khẩu dầu của Iran do lệnh trừng phạt của Mỹ và do một số nhà máy lọc dầu tại Bắc Kinh thực hiện việc bảo trì theo kế hoạch.
http://biendong.net/bi-n-nong/28992-tq-nhap-dau-iran-bat-chap-lenh-trung-phat-cua-my.html

Lần đầu nêu giới hạn cuối cùng trong đàm phán,

TQ sẽ dùng 3 mũi tên vàng đánh bại thương chiến?

Moscow không tin vào nước mắt còn Osaka hoàn toàn có thể nghi ngại trước tương lai ảm đạm của thương chiến dù nơi đây sắp chứng kiến cái bắt tay giữa nguyên thủ Mỹ-Trung.
Kết quả tốt nhất
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Hội nghị G20 ở Osaka (Nhật Bản), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết đàm phán đi đến thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đã hoàn thành 90%, hi vọng sẽ ký kết vào cuối năm nay. Tổng thống Donald Trump cũng thể hiện thái độ lạc quan về khả năng Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận thương mại.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Trung Quốc dường như lại có câu trả lời khác. Kết thúc phiên ngày 26/6, tổng giá trị giao dịch của sàn chứng khoán Thượng Hải và sàn chứng khoán Thâm Quyền đạt 391,7 tỷ Nhân dân tệ, giảm gần 24% so với hôm trước.
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, phiên ngày 26/6 là 1,213 tỷ Nhân dân tệ. Diễn biến trên “thị trường của kỳ vọng” cho thấy nhà đầu tư vẫn khó tin về sự tái hiện “mùa xuân” trong quan hệ Mỹ-Trung sau cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Dù nguyên thủ Mỹ-Trung đồng ý gặp nhau là tín hiệu tích cực, nhưng dư luận cơ bản nhận định kết quả tốt nhất của cuộc gặp thượng đỉnh lần này là hai bên quyết định nối lại đàm phán thương mại. Chuyện Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận thương mại, đó có thể là tương lai xa.
Nguyên nhân, như hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Mỹ, là do Washington không chấp nhận bất cứ điều kiện nào liên quan tới thuế quan và hối thúc Trung Quốc mang bản cam kết trước khi sửa đổi trở lại bàn đàm phán.
Điều đó có nghĩa phía Mỹ từ chối các yêu cầu cốt lõi của phía Trung Quốc trong việc đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai bên. Đồng thời, cho dù đàm phán thương mại có nối lại và hai bên vẫn phải đi một chặng đường dài giải quyết các vấn đề then chốt trước khi đạt được thỏa thuận song phương.
Việc Mỹ-Trung đồng ý nối lại đàm phán có thể là do sức ép từ các số liệu kinh tế. Ngày 26/6, The Conference Board, một hiệp hội của các doanh nghiệp lớn trên thế giới, công bố số liệu cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tháng 6/2019 giảm 9,8 điểm, còn 121,5 điểm, là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Lynn Fanco, thành viên cao cấp của The Conference Board, cho rằng, leo thang căng thẳng về thương mại và thuế quan đã làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng, dự kiến, tình trạng này sẽ còn tiếp tục.
Đối với Trung Quốc, nước này đã đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế, nhưng theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của tổ chức nghiên cứu thị trường eMarketer, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, tăng trưởng của ngành bán lẻ Trung Quốc thấp hơn dự kiến, chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những con số thống kê khác cho thấy lượng tiêu thị xe ô tô tháng 5/2019 của Trung Quốc giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái còn lượng nhà bán được trong tháng 5/2019 cũng giảm so với 4 tháng đầu năm.
Trong khi đó, bất động sản là ngành quan trọng nhất đối với kinh tế Trung Quốc, hoạt động mua nhà giảm sẽ ảnh hưởng tới gần như mọi ngành nghề khác như sắt thép, đồ gia dụng… Rõ ràng, chiến tranh thương mại đã tác động tiêu cực tới niềm tin người tiêu dùng và hạn chế hiệu quả các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Giới hạn cuối cùng của Trung Quốc
Tại Hội nghị G20 ở Argentina vào ngày 1/12/2018, hai bên đã đạt được nhận chức chung về việc “không tiến hành chiến tranh thương mại”. Nhưng đầu tháng 5 vừa qua, khi các bên kỳ vọng Mỹ-Trung sẽ đạt được thỏa thuận đình chiến, đàm phán thương mại đã đổ vỡ.
Phía Mỹ chỉ trích phía Trung Quốc đã hủy bỏ những cam kết trước đó vốn thỏa mãn nhiều yêu cầu của Mỹ, bao gồm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Mỹ và giảm trợ cấp ngành nghề… Phía Trung Quốc đã lên tiếng phản bác, cho rằng đòi hỏi của phía Mỹ quá rộng, xâm phạm chủ quyền của nước này.
Giờ đây, nguyên thủ hai nước đã quyết định ngồi lại với nhau một lần nữa, cũng là trong thời gian diễn ra Hội nghị G20 và như những gì nêu trên, kết quả tốt nhất có lẽ là việc Mỹ-Trung quyết định nối lại đàm phán thương mại.
Theo Phó Chủ tịch Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế, cựu Thứ trưởng thương mại Trung Quốc Ngụy Kiến Quốc, ý nghĩa quan trọng nhất của việc nối lại đàm phán thương mại nằm ở việc đưa hai nước trở về quỹ đạo đối thoại thay cho đối kháng. Sau khi nối lại đàm phán thương mại, hai nước sẽ tiếp tục hiệp thương, tìm kiếm phương án giải quyết.
Đặc biệt, ông Ngụy cho biết khi trực tiếp gặp nhau, nguyên thủ hai nước sẽ đưa ra lập trường của mỗi bên. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ lần đầu tiên nêu ra các giới hạn cuối cùng của phía Trung Quốc về đàm phán thương mại, gồm 3 điểm:
Một là bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia, không để bị xâm phạm.
Hai là bảo đảm an ninh quốc gia, bao gồm an ninh lãnh thổ, an ninh mạng và an toàn đất nước.
Ba là cơ hội phát triển của Trung Quốc không thể bị tước đoạt hay áp chế.
Ba mũi tên vàng
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC, chiến tranh thương mại đang ảnh hưởng tiêu cực tới Trung Quốc qua nhiều kênh. Gần đây, Mỹ nâng mức thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%, nếu kéo dài có thể khiến tăng trưởng xuất khẩu thực tế của Trung Quốc trong 12 tháng tới giảm 1,7-2,8 điểm phần trăm và kéo thụt tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 0,3-0,5 điểm phần trăm.
Trong trường hợp, phạm vi áp thuế 25% bao phủ cả hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 6,3-6,8 điểm phần trăm và tăng trưởng GDP thực chất của Trung Quốc giảm 1,1-1,2 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh đó, dù chính sách nới lỏng định lượng có thể giúp kích thích nhu cầu trong nước và triệt tiêu một phần ảnh hưởng, nhưng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 6%.
Nếu không thể nào làm lắng dịu va chạm thương mại trong tương lai gần, niềm tin doanh nghiệp và đầu tư có thể bị ảnh hưởng lớn, trong ngắn hạn nhu cầu đầu tư sẽ đi xuống, về trung hạn tăng trưởng sức sản xuất cũng giảm.
Ngoài ra, việc Mỹ đưa một số doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc vào “danh sách đen” bắt đầu phá hoại chuỗi cung ứng cho ngành điện tử và các sản phẩm khác. Ví dụ từ khi Huawei bị đưa vào “danh sách đen”, lượng tiêu thụ điện thoại thông minh ở nước ngoài của hãng này đã giảm tới 40%. Do đó, chiến tranh thương mại càng kéo dài, sức phá hoại càng lớn.
Muốn giành thắng lợi trong chiến tranh thương mại với Mỹ, HSBC cho rằng Trung Quốc cần phải:
Thứ nhất, mở rộng chính sách nới lỏng kích thích nhu cầu trong nước bằng tái lạm phát (reflation). Biện pháp tái lạm phát cụ thể bao gồm giảm thuế giá trị gia tăng cho ngành chế tạo từ 13% xuống 9-10%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20-22% và hạ mức đóng bảo hiểm xã hội, tăng cường cấp tín dụng cho doanh nghiệp dân doanh.
Thứ hai, thúc đẩy cải cách mang tính kết cấu để hỗ trợ các doanh nghiệp dân doanh.
Thứ ba, mở rộng hơn nữa cánh cửa kinh tế dẫn dắt xuất khẩu rời xa thị trường Mỹ và tiến bước trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc của HSBC Khuất Hồng Bân, lập trường của phe bồ câu trong Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) còn mang tới không gian để Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC, ngân hàng trung ương) giảm lãi suất khi cần thiết. Một phương án khác mà PBOC có thể thực hiện để chống lại tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại là tăng không gian dao động cho tỷ giá đồng nhân dân tệ, nhưng không nên quá rộng.
Chuyên gia Khuất tin rằng một chính sách bao gồm 3 mũi tên nêu trên có thể giúp Trung Quốc tiến bước trong bối cảnh tồn tại nhiều nhân tố không xác định. Với việc thực thi chúng, trong vài năm nữa, kinh tế Trung Quốc sẽ trở lại quỹ đạo ổn định, tăng trưởng bền vững.
http://biendong.net/doc-bao-viet/28984-lan-dau-neu-gioi-han-cuoi-cung-trong-dam-phan-tq-se-dung-3-mui-ten-vang-danh-bai-thuong-chien.html

Bị dồn vào chân tường, ông Tập gặp thế khó:

Phải đạt thỏa thuận mà không bị tiếng ở “chiếu dưới”

Những vấn đề nội tại trong nước như tăng trưởng kinh tế suy giảm, biểu tình ở Hồng Kông đang khiến ông Tập Cận Bình bị giới hạn về sự lựa chọn.
Căng thẳng thương mại dẫn đến Chiến tranh Lạnh?
Những tuyên bố của ông từ Washington về khả năng chuyển hướng tình trạng căng thẳng thương mại hiện nay với Trung Quốc thành một cuộc chiến tổng lực về kinh tế, đã khiến hội nghị tại Osaka trở thành một trong những hội nghị G20 mang tính trọng yếu nhất kể năm 2008 khi các nhà lãnh đạo thảo luận cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Sự kiện đáng chú ý nhất tại Osaka lần này sẽ là cuộc gặp bên lề giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sau nhiều thông tin trái chiều về khả năng diễn ra cuộc gặp, Tổng thống Trump vào ngày 18/6 đã xác nhận cuộc gặp sẽ diễn ra trên mạng xã hội twitter, sau khi ông cho biết đã có “cuộc điện đàm tốt đẹp” với người đồng cấp bên phía Trung Quốc.
Viễn cảnh lý tưởng nhất mà các nhà phân tích và chuyên gia từ cả 2 nước đưa ra sau cuộc gặp là khả năng Mỹ sẽ dừng áp thuế nhập khẩu mới và các bên nối lại đàm phán thương mại trước đó đã bị ngắt quãng từ tháng 5.
Dẫu cho một thoả thuận đình chiến thương mại sẽ chỉ làm gia tăng những bất ổn và đồn đoán vốn đã kéo dài từ năm ngoái, ít nhất điều này cũng sẽ tạo ra hi vọng cho một sự ổn định trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, trường hợp xấu nhất sẽ là viễn cảnh căng thẳng thương mại chuyển biến thành 1 cuộc Chiến tranh Lạnh. Nếu cuộc gặp không diễn ra hoặc 2 nhà lãnh đạo không đi đến thống nhất, thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong đó, thị trường tài chính thế giới sẽ phải hứng chịu tác động trực tiếp, kèm theo là tốc độ tăng trưởng toàn cầu suy giảm.
Đây là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, bởi cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình luôn giữ 2 cách tiếp cận đàm phán hoàn toàn trái ngược. Đối với Tổng thống Trump, đó là phong thái phá cách và luôn tạo ra sự bất ngờ đối với người đối diện. Ngược lại, ông Tập Cận Bình cho thấy sự cẩn trọng. Ngoài ra, Bắc Kinh luôn đảm bảo mọi cuộc gặp mặt với sự tham dự của nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.
Thế khó của ông Tập Cận Bình
Khi một số ý kiến ở Trung Quốc cho rằng những hành động của Tổng thống Trump là sự “bắt nạt”, điều này đặt ông Tập Cận Bình vào thế khó để chấp thuận các yêu sách của Mỹ từ việc cải cách nền kinh tế cho đến thắt chặt quyền sở hữu trí tuệ và giảm trợ cấp doanh nghiệp.
Theo đó, việc càng đẩy ông Tập Cận Bình vào chân tường sẽ khiến nhà lãnh đạo này khó có thể đạt được thoả thuận với ông Trump mà không bị xem là ở “chiếu dưới”, Daly nói.
Những vấn đề nội tại trong nước như nền kinh tế suy yếu, các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông hay vấn đề Tân Cương… khiến ông Tập Cận Bình bị giới hạn về sự lựa chọn.
Trong bối cảnh đó, cuộc chiến thương mại với Mỹ tiếp tục kéo dài sẽ khiến tình trạng trong nước tiếp tục xấu đi.
Ngoài ra, việc nhiều lần tuyên bố rằng ông đang ở thế thượng phong so với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Trump chỉ khiến tình hình trở nên khó khăn hơn, trong khi đáng ra một cách tiếp cận mềm dẻo có thể sẽ giúp giải quyết tình hình, Robert Daly, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Wilson, Washington, nhận định.
Thỏa thuận sẽ có vào cuối năm nay?
Clete Willems, cựu cố vấn kinh tế quốc tế cho Tổng thống Trump lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ có một thỏa thuận vào cuối năm nay. Những đe dọa về thuế quan và leo thang gần đây của ông Trump, nhắm đến việc thúc đẩy một thỏa thuận hơn, ông Willems nói.
Một manh mối hé lộ khả năng này khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã hoãn một bài phát biểu dự kiến diễn ra vào ngày 24/6 về Trung Quốc do kết quả của sự tiến bộ trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Matthew Goodman, chuyên gia tại CSIS, thì cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về khả năng một cuộc Chiến tranh Lạnh. Kể cả khi ông Trump tiếp tục đưa ra những cảnh báo với Trung Quốc, hay sử dụng các biện pháp gây sức ép lên tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, Goodman cho rằng mục tiêu hiện tại của Mỹ sẽ vẫn là đạt được vị thế thương mại cân bằng hơn với Trung Quốc.
http://biendong.net/doc-bao-viet/28980-bi-don-vao-chan-tuong-ong-tap-gap-the-kho-phai-dat-thoa-thuan-ma-khong-bi-tieng-o-chieu-duoi.html

TQ kêu gọi Mỹ dỡ bỏ chế tài đối với Huawei

Mỹ nên dỡ bỏ ngay lập tức các chế tài đối với hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei, một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi hôm 27/6, vài ngày trước khi lãnh đạo của hai nước gặp gỡ để bàn về thương mại.
Trung Quốc phản đối Mỹ lạm dụng kiểm soát xuất khẩu và kêu gọi Mỹ quay trở lại con đường hợp tác, phát ngôn viên Cao Phong nói.
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ hủy bỏ các chế tài ngay lập tức đối với các công ty Trung Quốc bao gồm Huawei để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định trong quan hệ Trung-Mỹ,” ông Cao nói, khi được hỏi liệu hai bên có dự kiến đạt được thỏa thuận về các biện pháp mà Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc đang đối mặt.
Ông Cao lưu ý rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc điện đàm vào tuần trước – một cử chỉ khơi dậy hi vọng về một thỏa thuận – rằng ông hi vọng Mỹ có thể đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc.
Đầu tháng 5, Mỹ cáo buộc Trung Quốc rút lại các cam kết cải cách kinh tế, làm Bắc Kinh phẫn nộ và khiến các cuộc đàm phán thương mại sụp đổ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư nói rằng một thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đạt được vào cuối tuần này khi họ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 20 cường quốc hàng đầu (G20) tại Nhật Bản, nhưng ông sẵn sàng áp thuế đối với hầu như tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc nếu bất đồng tiếp diễn.
Ông Trump đã gợi ý rằng Huawei có thể là một phần trong thỏa thuận.
Báo Wall Street Journal đưa tin ông Tập định sẽ trình bày với ông Trump các điều khoản để chấm dứt tranh chấp thương mại, bao gồm xóa bỏ lệnh cấm bán công nghệ của Mỹ cho Huawei. Tờ báo dẫn nguồn tin là các quan chức Trung Quốc biết về kế hoạch này.
Bài báo cũng cho biết Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ tất cả các mức thuế quan trừng phạt và từ bỏ các nỗ lực bắt Trung Quốc hứa sẽ mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn so với những gì họ đã đồng ý trước đó – nhắc lại những yêu sách từ lâu nay.
Mỹ đã đưa Huawei, hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, vào danh sách đen xuất khẩu, dẫn ra các vấn đề an ninh quốc gia. Danh sách này cấm các nhà cung cấp của Mỹ bán thiết bị cho Huawei mà không có sự chấp thuận đặc biệt.
Huawei phủ nhận sản phẩm của họ đề ra mối đe dọa về bảo mật.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-keu-goi-my-do-bo-che-tai-doi-voi-huawei/4976762.html

Nghị sỹ Philippines ‘thách’ Tổng thống

gửi ngư dân tới đánh cá ở vùng EEZ của TQ

để ‘chứng minh tình hữu nghị’

Nhiều nghị sỹ đối lập thách thức Tổng thống Duterte đưa ngư dân tới đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc để “chứng minh tình hữu nghị” mà ông đề cập.
Thách thức này được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Philippines hôm 26/6 khẳng định Trung Quốc vẫn sẽ được phép đánh bắt cá ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) vì tình hữu nghị giữa 2 nước.
Tuyên bố này của ông ngay lập tức hứng phải chỉ trích từ dư luận, đặc biệt là các nghị sỹ đối lập.
“Tình hữu nghị không liên quan tới việc duy trì chủ quyền. Tình hữu nghị cũng không thể được viện dẫn cho hành động nhiều lần vi phạm chủ quyền. Tuyên bố của Tổng thống cho thấy ông ấy không hề có ý định duy trì chiến thắng pháp lý mà chúng tôi đã đạt được tại tòa án quốc tế”, ông Renato Reyes, Tổng thư ký của Bayan cho hay.
Chuyên gia lập hiến Christian Monsod cho rằng việc ông Duterte cho phép đánh bắt cá ở EEZ là hành động vi hiến.
“Hiến pháp quy định rõ ràng rằng chỉ có người Philippines mới được quyền đánh bắt tại vùng đặc quyền kinh tế của đất nước và ông Duterte không có quyền sửa đổi điều này”, ông Monsod, một trong những người soạn thảo Hiến pháp năm 1987 của Philippines cho hay.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, ông Albert Del Rosario nhận định ông Duterte có thể bị luận tội vì không thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ của Philippines trong hiến pháp.
Thẩm phán tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio dẫn một điều khoản trong Hiếp pháp quy định Tổng thống phải bảo vệ tài nguyên của quốc gia ở vùng biển quần đảo, lãnh hải cũng như vùng đặc quyền kinh tế và dành riêng quyền sử dụng và đánh bắt cho công dân Philippines.
Tuy nhiên, ông Duterte cho rằng quy định này chỉ dành cho những người thiếu suy nghĩ và nó sẽ chỉ là mảnh giấy lộn nếu chiến tranh nổ ra trên vùng đặc quyền kinh tế.
“Đây là điều khoản dành cho những người thiếu suy nghĩ và vô cảm. Còn tôi đang bảo vệ đất nước và 110 triệu người Philippines”, ông nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Philippines cho rằng Trung Quốc sẽ chẳng đời nào tuân theo quy định đó và thậm chí còn có hành động trả đũa làm leo thang chiến tranh.
“Tên lửa Trung Quốc có thể bay tới Manila trong 7 phút và Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảnh bảo chiến tranh khi đề cập tới vấn đề khai thác dầu ở biển Đông”, ông cho hay.
Không dừng lại ở đó, ông Duterte còn chỉ trích những người kêu gọi luận tội ông, đe dọa tống tất cả vào trong song sắt.
“Luận tội tôi ư? Tôi sẽ tống tất cả vào tù, Cứ thử xem”, vị Tổng thống Philippines thách thức, nói thêm rằng những người bất đồng chính kiến đang muốn ông xua đuổi những người có thể thách thức ông trong một cuộc chiến.
Trong một diễn biến mới nhất, Phủ Tổng thống Philippines hôm 27/6 đưa ra phát ngôn cải chính tuyên bố gây tranh cãi của ông Duterte.
Người phát ngôn của Phủ tổng thống, ông Salvador Panelo khẳng định ông Duterte sẽ không từ bỏ chủ quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
“Tôi cho rằng có vẻ ý của Tổng thống là Philippines sẽ không cho phép Trung Quốc để công dân của họ đánh cá trong vùng EEZ vì họ coi chúng tôi là bạn và biết rằng đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines sẽ chỉ dẫn tới sự thù địch không mong muốn làm leo thang một cuộc đối đầu vũ trang”, ông Panelo cho hay.
Ông này cho biết tuyên bố của ông dựa trên cuộc nói chuyện với Tổng thống hôm 26/6.
“Thực tế là chúng tôi không biết người dân Trung Quốc có đang đánh cá vào thời điểm đó hay không. Tất cả mọi thứ chỉ là suy đoán vào giai đoạn này. Kể cả vào thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ liệu tàu tàu Trung Quốc đang đánh cá hay chỉ thực hiện quyền đi lại vô hại của họ”, ông Panelo nói khi đề cập tới vụ tàu cá Philippines bị đâm chìm hôm 9/6 tại bãi Cỏ Rong.
http://biendong.net/bi-n-nong/29005-nghi-sy-philippines-thach-tong-thong-gui-ngu-dan-toi-danh-ca-o-vung-eez-cua-tq-de-chung-minh-tinh-huu-nghi.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?