Tin Việt Nam – 30/06/2019

Tin Việt Nam – 30/06/2019

Cocacola bỏ “Mở Lon Việt Nam”

vì ngành văn hoá sợ bị thêm “mũ và dấu”

Tin Vietnam.-  Báo Vnexpress ngày 29 tháng 6 năm 2019 loan tin, sau khi bị bà Ninh Thị Thu Hương- Bộ Văn Hoá, Thể thao và Du lịch cộng sản Việt Nam- suy diễn về nhóm từ “Mở lon Việt Nam”, phía Coca-Cola đã phải bỏ nhóm từ này.
Trước đó, vào ngày 19 tháng 6, bà Hương đã gửi văn bản đến nhiều đơn vị yêu cầu phía Coca-Cola phải chỉnh sửa nhóm từ “Mở lon Việt Nam”. Bà Hương cho rằng nhóm từ trên “thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Nguyên nhân được bà Hương đưa ra là từ “lon” đã khiến cho bà nghĩ đến một từ khác tục tĩu , đó là khi từ “lon” có thêm dấu, và mũ!
Nhóm khẩu hiểu quảng cáo “Mở Lon Việt Nam” đã được phía Coca-Cola thay bằng nhóm từ “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày”. Từ “lon” đã hoàn toàn biến mất để tránh bị bà Hương suy diễn. Bà Vũ Thị Thanh Trúc, Trưởng phòng Đối ngoại và Phát triển bền vững Coca-Cola khu vực Đông Dương giải thích: “Mở lon Việt Nam” được đơn vị thiết kế chỉ với mục đích đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách thức xem mãi khuyến mãi dưới nắp khoén sản phẩm. Khi đưa ra nhóm từ trên, công ty không hề nghĩ đến yếu tố ngữ văn khác.
Sau khi bỏ nhóm từ “Mở Lon Việt Nam”, phía Coca-Cola phải thay toàn bộ nội dung đã quảng cáo trên các kênh truyền hình, kỹ thuật số, và 70% quảng cáo ngoài trời. Cũng vì nguyên nhân này, Coca-Cola đã bị phạt 25 triệu đồng vì “quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/cocacola-bo-mo-lon-viet-nam-vi-nganh-van-hoa-so-bi-them-mu-va-dau/

Xôn xao vì một từ ‘lon’, mà từ ‘lon’ có tội tình gì

TTO – Cộng đồng mạng đang xôn xao tranh luận về văn bản của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola có cụm từ “mở lon Việt Nam”.
Theo Cục, cụm từ này có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, vi phạm các quy định về Luật quảng cáo.
Bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở – cho rằng việc ra văn bản với mục đích tôn trọng thuần phong mỹ tục nước nhà và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, trên tinh thần có trách nhiệm phòng ngừa những cái chưa đẹp trong xã hội. Cần phải khẳng định rằng đây là động cơ, ý thức tốt đẹp.
Thế nhưng, xem xét một cách thấu đáo thì slogan “mở lon Việt Nam” có trái thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt hay không?
Thuần phong mỹ tục là gì?
“Thuần phong mỹ tục” là một thành ngữ Hán Việt có nghĩa khái quát: phong tục, tập quán, lối sống văn minh, tốt đẹp, lành mạnh, trong đó bao gồm hai khái niệm tương đồng thuần phong (phong tục thuần hậu, chất phác) và mỹ tục (tục lệ tốt đẹp); đó là những thói quen tốt đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo.
Đưa câu “mở lon Việt Nam” tham khảo ý kiến của nhiều nữ giảng viên trong bộ môn, người viết nhận được các ý kiến đồng nhất: ThS ngữ văn Trần Nguyên Hạnh khẳng định: “Chẳng thấy câu trên ảnh hưởng gì đến thuần phong mỹ tục cả!”; ThS văn học Huỳnh Diễm Diễm nhấn mạnh thêm: “Chữ nghĩa rõ ràng, không ẩn ý, về thuần phong mỹ tục thì câu trên không có vấn đề gì!”.
Khi chúng tôi nêu ý kiến của bà Cục trưởng: từ “lon” đứng một mình, không gắn với từ Coca-Cola hay bia, có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa; nếu bị thêm dấu, thêm mũ trong các quảng cáo ngoài trời sẽ rất phản cảm thì ThS ngữ văn Nguyễn Tố Nga nêu cảm nhận của mình: “Tôi nghĩ ngay đến việc mở cái lon bia/ nước ngọt chứ có nghĩ gì đâu. Mình thì nghĩ thế, người quản lý thì lại thấy có chuyện, kiểu “nhạy cảm”, nhìn đâu cũng thấy vấn đề không bình thường”.
Từ “lon” có tội tình chi?
Tâm điểm gây xôn xao cộng đồng chính là ở từ “lon” trong slogan trên.
Khảo cứu cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức do Trung Bắc Tân Văn ấn hành năm 1931, chúng tôi chưa thấy ghi nhận từ “lon” này, mặc dù đã thấy xuất hiện từ “bơ” với giải thích là cái vỏ hộp đựng bơ (beurre – tiếng Pháp) hay sữa bò, trong dân gian tận dụng dùng làm dụng cụ đong lường chất hạt rời như thóc, gạo, ngũ cốc…
Một số từ điển hiện hành thì giải thích “lon” là vật tròn bằng kim loại, dùng đong hay múc: cái lon, lon nước, có dung lượng bằng 1/3 lít. Ở một số vùng phương ngữ phía Bắc, “lon” được gọi là bơ/ ống bơ: nấu hai bơ gạo = nấu hai lon gạo.
Như vậy, “lon” là một vật dụng tồn tại lâu đời trong đời sống dân gian và được phản ánh trong từ điển với tư cách là một danh từ riêng biệt, định danh một sự vật cụ thể đang hiện hữu trong đời sống hiện tại, chứ không hề mang ẩn ý gì, hay gợi lên những suy tưởng thô tục, phản cảm nào cả.
Hiện nay, hầu hết các loại đồ uống như bia, nước ngọt đều được đóng trong lon, nên từ lon trở thành thông dụng trong lĩnh vực giải khát nói chung. Trong giao tiếp, mua bán người ta cũng sử dụng từ “lon” hết sức tự nhiên, như kiểu: “Bà chủ, cho tôi thêm 2 lon nữa nhé!”.
“Mở lon Việt Nam” có sai ngữ pháp?
Bà Thu Hương nhận xét thêm: Cụm từ “Mở lon Việt Nam” không rõ ràng về sản phẩm, nên ghi Mở lon Coca tại Việt Nam, hoặc Chương trình mở lon Coca trong chiến dịch tại Việt Nam… “Cụm từ “lon Việt Nam” trong cụm từ “Mở lon Việt Nam” là không có nghĩa. Trong
tiếng Việt không có từ lon Việt Nam”. Vậy vấn đề gây lăn tăn cho Cục phải chăng nằm ở sự kết hợp giữa chữ lon và chữ Việt Nam – tên một quốc gia?
Thực ra, slogan không nhất thiết phải nêu tỉ mỉ, chi tiết đặc điểm, tính chất của sản phẩm, mà là một khẩu hiệu ngắn gọn chứa đựng thông điệp cần nêu, có âm điệu phù hợp. Cách khác, slogan là “khẩu hiệu tiếp thị” của các doanh nghiệp, thường được sáng tạo dựa trên các phương thức tu từ như điệp âm, chơi chữ mang tính liên tưởng, ẩn dụ, sao cho khách hàng chóng nhớ, lâu quên.
Về ngữ pháp, slogan thường phải là câu rút gọn, câu đặc biệt; có thể lược bớt hầu hết các thành phần câu sao cho ngắn gọn, súc tích trong khoảng 3-5 từ, mà mang được đầy đủ thông điệp về thương hiệu – là tiêu chí hàng đầu của mọi slogan.
Không thể thay “lon” bằng “chai”, “hộp”
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-6, đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết theo yêu cầu của cơ quan quản lý, công ty đã sửa câu “Mở lon Việt Nam” nhưng không thể dùng các từ như “chai” hay “hộp” thay cho “lon”. Slogan của chiến dịch quảng cáo này đã được sửa thành “Mở lon trúng vàng”. Ở những nơi hiển thị dòng quảng cáo cũ mà không sửa được, công ty sẽ cho gỡ bỏ.
“Trong tuần tới chúng tôi sẽ có công văn chính thức gửi đến Bộ VH-TT&DL để giải thích rõ hơn về việc này” – đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết. (T.ĐIỂU)
https://tuoitre.vn/xon-xao-vi-mot-tu-lon-ma-tu-lon-co-toi-tinh-gi-20190629214310355.htm

Công dân Nga – Phạm Văn Điệp bị bắt

vì hành vi “nói xấu lãnh tụ”

Ông Phạm Văn Điệp, một người Nga gốc Việt vừa bị Công an Thanh Hóa bắt tạm giam 4 tháng vào sáng 29/6/2019 để điều tra với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, ông Điệp thường xuyên “viết, chia sẻ, đăng tải, phát tán các bài viết, hình ảnh, tài liệu và phát trực tiếp các video clip có nội dung xấu nhằm xuyên tạc chủ trương, đường lối của đảng Cộng sản, chính sách, pháp luật của Nhà nước.”
Ngoài ra ông còn kêu gọi “đa nguyên đa đảng, bôi nhọ, nói xấu lãnh tụ, xúc phạm danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bịa đặt, phỉ báng chính quyền các cấp, kích động nhân dân biểu tình, chống đối, gây rối an ninh trật tự.”
Mạng báo TTO dẫn nguồn tin từ công an Thanh Hóa cho biết, từ tháng 3/2019 đến khi bị bắt, ông Phạm Văn Điệp liên tục đăng tải các bài viết và live stream các clip kích động nhân dân biểu tình phản đối dự án xây dựng quảng trường biển Sầm Sơn, gây phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên tài khoản Facebook cá nhân mang tên Phạm Văn Điệp có đăng tải các bài viết liên quan đến các vấn đề nóng trong xã hội Việt Nam, biểu tình Hồng Kông và người dân ở biển Sầm Sơn biểu tình gần đây nhưng lượt tương tác các bài viết thấp.
Tháng 6/2016, ông Điệp bị chính quyền Lào bắt giữ về hành vi “làm, rải truyền đơn chống phá đảng Cộng sản Việt Nam tại tượng đài chiến thắng ở thủ đô Viêng Chăn” và bị kết án 21 tháng tù giam với cáo buộc tội “sử dụng lãnh thổ nước CHDCND Lào chống lại nước láng giềng”.
Sau khi ra tù, ông Điệp bị dẫn độ về Việt Nam và tiếp tục mở một trang facebook để đưa các thông tin.
Ông Phạm Văn Điệp là trường hợp mới nhất bị bắt giữ vì liên quan đến nhóm tội về An ninh quốc gia. Chính quyền Việt Nam thường chối bỏ trước thế giới việc bắt giữ và kết án các nhà hoạt động ôn hòa và cho rằng chỉ có những người phạm tội hình sự bị bắt giữ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/russian-vn-arrested-for-decrediting-leaders-06302019080730.html

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Điển

sẽ tuyệt thực để phản đối ngược đãi

Tin từ Thanh Hoá, ngày 30/6/2019: Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Điển, người đang thụ án tù 6 năm 6 tháng tù giam tại Trại giam số 5 của bộ công an ở tỉnh Thanh Hoá, sẽ tuyệt thực để phản đối việc anh bị đối xử hà khắc tại trại giam này.
Ông Nguyễn Thái Văn, bố của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Điển cho biết trong cuộc gọi điện về nhà sáng nay, anh đã thông báo ý định tuyệt thực bắt đầu từ ngày mai. Tuy nhiên, anh chưa kịp nói nguyên nhân cụ thể cho gia đình thì cuộc gọi bị dừng.
Anh Nguyễn Văn Điển bị bắt vào đầu tháng 3 năm 2017 cùng với ông Vũ Quang Thuận với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của bộ luật hình sự, vì sản xuất và đăng tải nhiều video clip tuyên truyền kiến thức quyền con người và đa nguyên chính trị trên Youtube và Facebook. Sau đó, anh bị kết án 6.5 năm tù, còn ông Vũ Quang Thuận bị kết án 8 năm tù giam, trong khi Trần Hoàng Phúc bị kết án 6 năm tù.
Cũng như nhiều tù nhân lương tâm khác, sau khi bị kết án với bản án nặng nề bởi một toà án không tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế bằng một tội danh nguỵ tạo, anh bị đưa đi đày ở Trại giam số 5, một nơi nổi tiếng về chế độ giam giữ hà khắc.
Để đối phó với việc đối xử vô nhân đạo và hạ nhục trong nhiều nhà tù trên khắp Việt Nam, tù nhân lương tâm chỉ có vũ khí duy nhất là tuyệt thực.
Từ ngày 10/6, nhiều tù nhân lương tâm, trong đó có các ông Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Đào Quang Thực và Trần Phi Dũng tuyệt thực trong Trại giam số 6 ở Nghệ An sau khi giám thị nhà tù tháo dỡ hết quạt điện trong phòng giam của họ trong điều kiện mùa hè nóng bức và gió Lào ở một khu vực miền núi của huyện Thanh Chương.
Nhiều nhà hoạt động và dân thường đã lên tiếng trong một bức thư ngỏ phản đối việc đối xử hà khắc đối với tù nhân lương tâm của chế độ cộng sản.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/tu-nhan-luong-tam-nguyen-van-dien-se-tuyet-thuc-de-phan-doi-nguoc-dai/

Nông dân trồng mít Thái Việt Nam lao đao

vì Trung Cộng mở rộng diện tích trồng mít

Tin Vietnam.-  Báo Vietnamnet ngày 30 tháng 6 năm 2019 loan tin, sau khi hay tin Trung Cộng đang có tham vọng mở rộng diện tích trồng mít Thái lên đến 180,000 ha, nhiều nông dân Việt Nam trồng loại cây này đứng ngồi không yên.
Hiện tại, giá mít Thái ở Việt Nam đã xuống thấp nhất trong 10 năm qua, do thị trường Trung Cộng chiếm 90% lượng tiêu thụ nhưng giờ đây sức mua đã giảm mạnh. Nếu như 3 tháng đầu năm 2019, giá mít Thái được thương lái thu mua tại vườn là 70,000 đến 80,000 đồng một kg, thì giờ đây giá chỉ còn 5,000 đến 18,000 đồng một kg, tuỳ vào chất lượng. Với mức giá trên, nhiều nông dân trồng mít than vãn, giá một kg mít Thái bây giờ không bằng giá 1kg rau.
Trước đó, vì thấy giá mít Thái tăng cao, nên nhiều nông dân đã ồ ạt loại bỏ nhiều cây trồng khác để chuyển sang trồng mít. Thí dụ như tỉnh Hậu Giang, diện tích trồng mít Thái tăng hơn 2,000 ha, diện tích tăng gấp đôi chỉ trong thời gian từ tháng 9 năm 2018 đến nay. Hiện tại, toàn Việt Nam có hơn 26,000 ha trồng mít Thái, nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long đã ồ ạt bỏ trồng lúa, và các loại cây ăn trái khác để trồng mít Thái.
Sự việc cây mít Thái không phải là bài học đầu tiên của Việt Nam về lệ thuộc qúa nhiều vào thị trường Trung Cộng. Rất nhiều bài học nông dân sẵn sàng chặt bỏ các cây trồng đang xanh tốt trong vườn để chạy theo thị trường Trung Cộng. Nhưng khi diện tích tăng lên nhanh chóng thì phía Trung Cộng ngừng mua. Điệp khúc này diễn ra thường xuyên, và kéo dài hàng chục năm nay. Nhưng cơ quan chức năng CSVN không có biện pháp khắc phục, còn người nông dân vẫn cứ tiếp tục mắc lừa.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nong-dan-trong-mit-thai-viet-nam-lao-dao-vi-trung-cong-mo-rong-dien-tich-trong-mit/

Thuỷ sản Việt Nam

có thể chuyển từ thẻ vàng sang thẻ đỏ của EU

Tin Vietnam.-  Báo Tuổi Trẻ ngày 29 tháng 6 năm 2019 loan tin, theo kế hoạch, vào đầu tháng 11 năm 2019, đoàn thanh tra về biển và thuỷ sản của Uỷ ban Châu Âu sẽ đến Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến cáo về hành vi chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Dù chỉ còn 4 tháng nữa là đến thời điểm trên, nhưng trong thời điểm hiện tại, phía Việt Nam vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp. Riêng tại tỉnh Bình Định- là một 4 tỉnh mà phía Uỷ ban Châu Âu dự trù sẽ kiểm tra- ông Phan Trọng Hổ, giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bình Định có 13 tàu với 89 thuyền viên bị lực lượng chức năng các nước khác trong khu vực bắt giữ. Hệ thống công nghệ vệ tinh Movimar đã phát hiện có 48 lượt tàu cá của Bình Định vi phạm, cùng với đó là 2 tàu cá bị lực lượng kiểm ngư cảnh báo đã vi phạm tại khu vực biển phía Nam. Nguyên nhân được ông Hổ cho là ngư dân biết, nhưng vẫn vi phạm vì mục đích kinh tế. Cơ quan chức năng Việt Nam chưa cai quản, giám sát được tàu cá hoạt động ở vùng giáp ranh với các nước trong khu vực, do đường phân định ranh giới biển giữa Việt Nam và các nước chưa rõ ràng.
Nếu tình hình trên không được chấm dứt, ngành thuỷ sản Việt Nam vẫn chưa gỡ “thẻ vàng” sẽ phải nhận thêm “thẻ đỏ”. Có nghĩa là thuỷ sản Việt Nam- hiện đang nằm trong tình trạng bị kiểm tra toàn bộ xuất xứ các lô hàng trong vòng 6 tháng- sẽ bị cấm nhập cảng vào thị trường Châu Âu.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/thuy-san-viet-nam-co-the-chuyen-tu-the-vang-sang-the-do-cua-eu/

Việt Nam đã giúp Trung Cộng

xuất hàng tỷ Mỹ kim hàng hóa sang Mỹ

Tin Vietnam.-  Báo Trithucvn ngày 30 tháng 6 năm 2019 dẫn lại tin từ tờ báo Wall Street Journal với nội dung, một lượng hàng hoá giá trị hàng tỷ Mỹ kim của Trung Cộng lẽ ra phải chịu thuế quan của Mỹ, nhưng đã được đi đường vòng qua các nước khác ở Châu Á, đặc biệt là Việt Nam.
Theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2019, hàng máy tính và điện tử của Việt Nam xuất cảng Mỹ tăng 71,6% tương ứng 1,8 tỷ Mỹ kim, cao gấp 5 lần so với tốc độ xuất cảng sang tất cả các nước khác trên thế giới. Cùng với việc xuất cảng mạnh sang Mỹ, thì trong thời gian này Việt Nam nhập cảng các mặt hàng trên của Trung Cộng tăng 80,8%, tương ứng 5,1 tỷ Mỹ kim.
Cũng trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất cảng máy móc và thiết bị sang Mỹ tăng 54,4% so với cùng kỳ năm 2018, tương đương 1,7 tỷ Mỹ kim. Và cũng trong thời gian này, Việt Nam nhập cảng các mặt hàng trên tăng 29,2%, tương đương 5,7 tỷ Mỹ kim.
Đại diện của cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ chỉ ra rằng, họ đã xác định được việc trung chuyển bất hợp pháp hàng hoá Trung Cộng qua các nước như Việt Nam, Malaysia, và Philippines. Và trong nhiều năm, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc nhập cảng thép Trung Cộng, sau đó gia công lại một chút như giải quyết nhẹ, sơn phủ bổ sung, rồi gắn nhãn mác Việt Nam để xuất cảng sang Mỹ.
Theo Jeffey Newman- người sáng lập công ty luật Jeffey Newman Law có trụ sở tại Boston, là công ty chuyên giải quyết các trường hợp gian lận thương mại- nhiều nhà máy của Trung Cộng đang được xây lên ở Việt Nam với mục đích là nơi lưu trữ hàng hoá của Trung Cộng.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/viet-nam-da-giup-trung-cong-xuat-hang-ty-my-kim-hang-hoa-sang-my/

Nguy cơ: Việt Nam mất lợi thế

vì hàng Tàu núp bóng xuất khẩu sang Mỹ

Các công ty đang tìm cách né tránh thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc bằng cách giả dạng hàng hóa ở các nước châu Á khác, đặc biệt là Việt Nam, theo tờ Wall Street Journal.
Các dữ liệu thương mại của Việt Nam cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam đối với các mặt hàng điện tử, máy tính, máy móc và các thiết bị khác đã tăng mạnh so với một năm trước đó. Bên cạnh đó, lượng xuất khẩu những hàng hóa đó từ Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng tăng đột biến.
Cụ thể, xuất khẩu máy tính và điện tử của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 72% lên 1,8 tỷ đô la trong 5 tháng đầu năm nay và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đã tăng 81% lên 5,1 tỷ đô la. Xuất khẩu máy móc và thiết bị từ Việt Nam sang Mỹ tăng 54% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu các sản phẩm đó từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng 29%.
Lượng gia tăng đó vượt xa mức tăng trưởng về nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa trên toàn thế giới của Việt Nam, điều này cho thấy khả năng các doanh nghiệp đang chuyển hàng hóa Trung Quốc sang Việt Nam, sau đó đến Mỹ, theo WSJ.
Người phát ngôn của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho biết họ đã xác định được tình trạng trung chuyển bất hợp pháp hàng hóa Trung Quốc qua một số quốc gia, trong đó nêu tên cụ thể các nước như Việt Nam, Malaysia và Philippines.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư (26/6), khi được hỏi về hàng Trung Quốc núp bóng hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, Tổng thống Trump bình luận rằng “Việt Nam đang lợi dụng chúng tôi thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc.”
Khi được hỏi liệu ông có định áp thuế đối với các sản phẩm của Việt Nam hay không, Tổng thống Trump cho biết chính quyền của ông “đang có các cuộc thảo luận” với Việt Nam.
Năm ngoái, Hoa Kỳ đã áp thuế hơn 250% đối với một số mặt hàng xuất khẩu thép của Việt Nam sau khi chính quyền Trump phát hiện ra chúng có “một phần đáng kể” là thép Trung Quốc, theo Reuters.
Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khi các công ty coi đất nước hình chữ S là một sự thay thế cho Trung Quốc. Apple, Foxconn, Sharp, Williams-Sonoma, Lovesac và các hãng khác đã quyết định chuyển sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Việt Nam để tránh trở thành đối tượng đánh thuế của chính quyền Trump.
Tuy nhiên, những lời phát biểu mới đây của Tổng thống Trump có thể khiến các doanh nghiệp suy nghĩ lại về việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, WSJ nhận định.
Theo Markets Insider, ông Michael Every, chiến lược gia cấp cao châu Á-Thái Bình Dương tại RaboResearch, bình luận: “Bạn gần như có thể nghe thấy tiếng rít hãm phanh trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và trong quan hệ địa chính trị Việt-Mỹ”.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/28989-nguy-co-viet-nam-mat-loi-the-vi-hang-tau-nup-bong-xuat-khau-sang-my.html

Tiếp tay hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ vào Mỹ:

Ngăn chặn ngay

Các cơ quan của Việt Nam đang căng mình để kiểm soát việc gian lận xuất xứ, tránh tình trạng lợi dụng Việt Nam làm “bàn đạp” để hàng Trung Quốc né thuế vào Mỹ.
Cảnh báo dồn dập
“Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra, kiểm soát thông tin về việc có doanh nghiệp Việt tiếp tay cho hàng Trung Quốc né thuế vào Mỹ”, đại diện một hiệp hội ngành hàng chia sẻ với PV.VietNamNet. Vị này cũng nói rằng “đây là thông tin rất nhạy cảm, cho nên cần phải làm thật cẩn thận”.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan kiểm soát chặt một mặt hàng của Trung Quốc mà đang có thông tin bị phía Cục Hải quan và biên phòng Mỹ điều tra. Bởi, mặt hàng này có kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước.
Hồi giữa tháng 5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng có ký văn bản gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu rõ rằng: Hoa Kỳ đã nâng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời dự kiến sẽ áp thuế nhập khẩu bổ sung cho khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nữa từ Trung Quốc vào Mỹ.
Trước những diễn biến cho là “phức tạp” này, Bộ Công Thương đề nghị VCCI kiểm tra chặt chẽ các hồ sơ cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Đặc biệt là các mặt hàng liệt kê tại một danh mục được Bộ Công Thương gửi kèm; lưu ý các doanh nghiệp có lượng xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến, nhất là các doanh nghiệp từ trước tới nay chưa hoặc ít khi xin cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ.
Ngoài việc kiểm tra kỹ chứng từ, hồ sơ khai báo của thương nhân, Bộ Công Thương đề nghị VCCI tăng cường công tác xác minh năng lực sản xuất thực tế của thương nhân và xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Nghị định 31 quy định chi tiết luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.
Ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho hay: Đầu tư của khu vực châu Á, trong đó có Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng lên. Đầu tư của nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam 6 tháng là 2,2 tỷ USD, xếp thứ 3 trên 95 nước.
“Việc chuyển dịch đầu tư này chúng tôi đã có Đề án nghiên cứu tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đến làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp”. Theo đó, có khả năng doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam khi Mỹ áp thuế cao với hàng Trung Quốc”, ông Nguyễn Nội chia sẻ.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho hay đang theo dõi chặt chẽ dòng vốn đầu tư này để kịp thời ngăn chặn các dự án lợi dụng để gian lận xuất xứ, tác động không tốt đến môi trường.
Ngăn chặn triệt để
TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, nhận định: Nếu không kiểm soát tốt xuất xứ hàng hóa thì phía Mỹ có thể tăng cường những biện pháp kiểm soát phi thuế quan với hàng xuất xứ Việt Nam, tức là nâng tầm giám sát phi thuế quan của cửa khẩu phía Mỹ lại. Điều này làm tăng chi phí của DN khi xuất khẩu vào Mỹ.
“Nghiêm trọng hơn, phía Mỹ có thể tạm dừng nhập, hay điều tra chống bán phá giá hoặc gian lận thương mại. Khi đó, các DN bình thường của Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng”, chuyên gia này chia sẻ và cho rằng phải kiểm soát chặt việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Công ty TNHH Luật Bizlink, cho rằng: Trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, doanh nghiệp Trung Quốc không xuất được trực tiếp thì có khả năng qua kênh Việt Nam và một số nước để tuồn hàng vào Mỹ. Nếu doanh nghiệp Việt Nam vì lợi nhuận, đánh mất lòng tự tôn dân tộc làm việc đó thì rất nguy hiểm cho Việt Nam. Khi các cơ quan của Mỹ áp dụng biện pháp kiểm soát thì chính DN Việt Nam bị thiệt hại, bao gồm cả những doanh nghiệp chân chính.
Ngày 20/6, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, phóng viên nước ngoài đã nêu câu hỏi về thông tin cho rằng thời gian qua xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc gắn nhãn “Made in Vietnam” để xuất sang Mỹ, Việt Nam đã có biện pháp gì chưa?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chính phủ Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và sẽ xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28990-tiep-tay-hang-trung-quoc-gian-lan-xuat-xu-vao-my-ngan-chan-ngay.html

EU và VN ký hiệp định thương mại tự do và đầu tư

Liên minh Châu Âu lễ ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam (EVIPA).
Đây là thỏa thuận mậu dịch tự do thứ hai EU ký với một nước tại Đông Nam Á, trước đó là Singapore.
Sự kiện diễn ra tại Văn phòng Chính phủ nơi phía EU cử Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại EU sang Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dẫn lời nói “FTA và IPA sẽ như một đường cao tốc quy mô lớn” giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Thỏa thuận trong EVFTA được kỳ vọng sẽ xóa thuế nhập khẩu cho nhiều hàng hóa giao dịch, trong khi phần còn lại sẽ nhận ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch theo lộ trình riêng.
Được biết Việt Nam sẽ giảm 49% thuế nhập khẩu đối với hàng EU ngay khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Để đổi lại hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm 85% thuế quan với lộ trình để xóa thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm, theo AP.
“Thỏa thuận này là rất quan trọng cho Việt Nam,” kinh tế gia Phạm Chi Lan nói với AP. “Một mặt nó sẽ thúc giục đất nước thay đổi thể chế để phù hợp với các điều khoản của thỏa thuận. Mặt khác sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế vực tư nhân.”
Việt Nam xuất khẩu sang EU các mặt hàng như điện thoại, giày dép và hàng may mặc trong khi nhập từ các nước EU máy móc công nghệ cao, máy bay, xe và thuốc men.
Sau khi EU và Việt Nam ký, thỏa thuận phải đệ trình cho Nghị viện châu Âu chuẩn thuận. Nếu Nghị viện châu Âu cũng thông qua, thỏa thuận thương mại sẽ được Hội đồng châu Âu duyệt lần chót để đi vào hiệu lực.
Ủy ban châu Âu ca ngợi việc thông qua EVFTA
Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU ký ngày 30/6
Sau lễ ký kết, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet viết trên Facebook:
“Đã xong! Một bước mới trong quan hệ đối tác của chúng ta: FTA qui mô nhất từ trước tới nay với Việt Nam và là thỏa thuận tham vọng nhất của EU tại Đông Nam Á, một bước quan trọng cho nhân dân và tương lại chung của chúng ta.
“Trong giai đoạn khó dự đoán, các nỗ lực chung để thúc đẩy nhà nước pháp quyền trong đầu tư và mậu dịch, thúc đẩy phát triển bền vững, mậu dịch tự do nhưng công bằng không phải là điều gì xa xỉ: đó là trách nhiệm của tất cả”.
Trả lời phỏng vấn với phóng viên BBC Nguyễn Hoàng của BBC hồi tháng 3/2019 tại Hà Nội, ông Đại sứ Liên minh Châu Âu Bruno Angelet nói EVFTA quan trọng vì nó giúp phát huy vị thế cạnh tranh của Việt Nam, và hội nhập kinh tế Việt Nam vào thương mại thế giới cũng như kết nối thị trường châu Âu với thị trường Việt Nam.
“Nó [EVFTA] còn giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong và ngoài ASEAN, vì đây không chỉ là hiệp định thương mại giữa EU với Việt Nam mà còn là chiến lược phát triển của EU với cả châu Á,” ông Bruno Angelet nói thêm.
Ông Angelet khi đó nói thông qua thương mại, EU cũng mong muốn có thể bảo vệ quyền của người lao động ở cả châu Âu và Việt Nam.
“Về cơ bản, chúng tôi làm việc với cả hai bên để thông qua quy ước chung của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), và sau đó thực hiện quy ước này tại Việt Nam và châu Âu. Chúng tôi cũng tôn trọng các tiêu chuẩn về lao động.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các doanh nghiệp châu Âu có thể cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước tại Việt Nam, nghĩa là không có sự phân biệt đối xử nào giữa các doanh nghiệp châu Âu với các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam”.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-48817562

Hai người Việt ‘được cấp visa’

sang Mỹ ghép tủy cứu anh trai

Viễn Đông
Một nhà lập pháp Mỹ mới cho biết rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cấp thị thực cho hai người Việt sang California để giúp chữa trị cho anh trai bị bệnh ung thư máu, sau một thời gian họ “bị từ chối” visa.
Dân biểu Zoe Lofgren, Chủ tịch Tiểu ban Tư pháp Hạ viện Mỹ chuyên trách về Di dân và Công dân, mới lên tiếng hoan nghênh thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc hai người Việt “đã được cấp visa tạm thời để nhập cảnh vào Mỹ” để cứu mạng một người anh tên là Tứ Lê.
Theo nhà lập pháp này, ông Tứ Lê, hiện sinh sống ở San Jose, California, “bị một chứng bệnh ung thư cấp tính mà chỉ có ghép tủy mới có thể giúp ông sống còn”.
“Hai người em trai của ông đều ở Việt Nam và thật hiếm hoi, họ có gen phù hợp 100%, nhưng thoạt đầu bị từ chối visa nhập cảnh vào Mỹ để giúp người anh của mình có cơ hội sống sót tốt nhất”, bà Lofgren nói trong một tuyên bố ra ngày 18/6.
Tin cho hay, hai người em của ông Tứ Lê xin visa du lịch B-2 để sang giúp người anh 63 tuổi của mình, nhưng “bị từ chối” thị thực hồi đầu tháng Sáu mà lý do là họ “bị nghi ngờ sẽ ở lại Mỹ”.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, thị thực B-2 “dành cho mục đích mang tính giải trí, bao gồm đi du lịch, thăm bạn bè hoặc họ hàng, điều trị y tế và các hoạt động có đặc thù về tình hữu nghị, xã hội hoặc dịch vụ”.
XEM THÊM:
Trục xuất người tị nạn ‘gây tổn hại lòng tin’ Việt – Mỹ
Người xin loại visa này “phải trình bày mục đích của chuyến đi đến Hoa Kỳ là chuyến đi tạm thời, chẳng hạn như đi công tác, đi du lịch hoặc điều trị y tế; dự định lưu trú tại Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian cụ thể, có hạn; bằng chứng ngân sách để chi trả những chi phí khi ở Hoa Kỳ; có địa chỉ thường trú ngoài Hoa Kỳ cũng như những ràng buộc về xã hội hoặc kinh tế khác đảm bảo sẽ trở về sau khi kết thúc chuyến đi”.
Nữ dân biểu Lofgren cho biết thêm rằng bà cùng với thượng nghị sĩ Kamala Harris, một trong các ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, thay mặt cho ông Tứ Lê và gia đình, “đã làm việc với Bộ Ngoại giao”.
“Tôi không thể vui mừng hơn cho ông Tứ Lê và gia đình ông”, bà Lofgren nói. “Thử tưởng tượng việc biết rằng việc ghép tủy xương có thể là cách duy nhất để cứu mạng mình, nhưng người em trai hiến tủy lại bị từ chối cơ hội tới cứu sống mình”.
Nữ dân biểu cũng ngỏ lời “cám ơn Đại sứ Mỹ [tại Hà Nội] Kritenbrink đã cùng với tôi và thượng nghị sĩ Harris tìm một giải pháp sớm nhất có thể” và “chúc ông Tứ và gia đình ông những điều tốt đẹp nhất và tiếp tục sẽ hỗ trợ nếu cần”.
VOA tiếng Việt chưa thấy Đại sứ quán Mỹ có phản ứng nào về thông báo của bà Lofgren, nhưng các cơ quan ngoại giao Mỹ thường không tiết lộ thông tin về các trường hợp cá nhân xin thị thực.
Đây không phải là trường hợp người Việt đầu tiên muốn sang Mỹ giúp người thân chữa trị trọng bệnh bị từ chối visa, nhưng sau đó lại được cấp nhờ sự can thiệp của các nhà lập pháp Mỹ.
Hồi tháng Tám năm 2017, bà Lofgren cũng đã vận động giúp bà Nguyễn Thị Hoa từ Việt Nam sang Mỹ thăm con bị bệnh ung thư phổi, sau khi bà bị từ chối visa vì cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ “lo ngại” rằng “bà sẽ tìm cách ở lại Mỹ bất hợp pháp”.
Báo chí khi đó cho hay, nguyện vọng cuối cùng của nữ bệnh nhân ung thư Trinh Phan, được nhìn thấy mẹ cười và cầm tay mẹ lần cuối, sau đó đã trở thành sự thật.
https://www.voatiengviet.com/a/hai-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-nh%E1%BA%ADn-visa-sang-m%E1%BB%B9-gh%C3%A9p-t%E1%BB%A7y-c%E1%BB%A9u-anh-trai/4979475.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?