Bí ẩn đá phiến Mỹ khắc chế vũ khí dầu mỏ Nga

 - Dầu đá phiến và những tiến bộ công nghệ của Mỹ trong việc khai thác loại dầu này được cho là nguyên nhân dẫn đến sự tuột dốc của giá dầu thế giới những ngày qua.

Lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, giá dầu thô thế giới đã chọc thủng đáy 60 USD/thùng và dự kiến vẫn còn tiếp tục giảm.
Nguyên nhân của việc giá dầu liên tục giảm mạnh là do nguồn cung dầu thô đang vượt cầu khi sản lượng của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ trong khi OPEC vẫn giữ sản lượng ở mức cao.
Câu hỏi đặt ra là, điều gì đã khiến một quốc gia nhập khẩu dầu khí như Mỹ lại vượt cả Nga và Ả rập Xê út để trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới? Câu trả lời chính là cuộc cách mạng dầu khí đá phiến tại Mỹ.
Nước Mỹ tuyên bố những tiến bộ công nghệ đã giúp họ có thể khai thác dầu đá phiến hiệu quả cao, chi phí thấp trong một thời gian ngắn điều mà trước đây còn là một khó khăn đối với ngành công nghiệp này.
Các quan chức của OPEC, tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ cũng coi dầu đá phiến chính là thủ phạm số 1 dẫn tới tình trạng giá dầu sụt giảm chóng mặt trong thời gian qua.
Vậy, dầu đá phiến là gì?
giá dầu, sụt giảm, tuột dốc, thủ phạm, dầu đá phiến, công nghệ, Mỹ, chưa biết
Phân bố địa chất của dầu khí đá phiến và các mỏ dầu truyền thống. (Ảnh: EIA)
Theo thuyết sinh vật học thì dầu mỏ được hình thành từ các vật chất hữu cơ được sinh ra sau quá trình phân rã xác các sinh vật thời tiền sử. Qua hàng thiên niên kỷ, các vật chất hữu cơ này trộn với bùn, và bị chôn sâu dưới các lớp trầm tích dày.
Môi trường áp suất lớn và nhiệt độ cao khi bị các lớp trầm tích đè lên đã khiến các vật chất hữu cơ này bị phân giải, hình thành dầu và khí. Dưới dạng khí lỏng chúng len lỏi trong các lớp đá có độ thấm và độ rỗng cao, và dồn về nơi có áp suất thấp hơn tạo thành các túi dầu thô và khí đốt. Đây chính là các mỏ dầu mà con người khai thác trong hơn 100 năm qua.
Tuy nhiên, với các vật chất hữu cơ này ở độ sâu chưa đủ tạo ra áp suất và nhiệt độ cao và ở những lớp đá có độ thấm và độ rỗng thấp thì dầu và khí dù được hình thành song không thể tập trung vào một chỗ để tạo thành các mở dầu khí. Khi đó, chúng sẽ tích tụ trong các lỗ hổng nhỏ, không liên thông, nằm xen kẽ giữa các lớp đá phiến. Dầu và khí được tạo ra trong trạng thái như vậy gọi là dầu khí đá phiến.
Như vậy, điểm khác biệt giữa dầu khí đá phiến với các mỏ dầu truyền thông chính là ở chỗ thay vì tập trung thành các túi dầu tập trung, dầu khí đá phiến nằm xen kẽ trong các lớp đá phiến một cách phân tán. Chính đặc điểm này khiến dầu khí đá phiến không thể khai thác theo kiểu khoan và bơm như với các mỏ dầu truyền thông được.
Trữ lượng dầu khí đá phiến trên thế giới
giá dầu, sụt giảm, tuột dốc, thủ phạm, dầu đá phiến, công nghệ, Mỹ, chưa biết
Bản đồ phân bố trữ lượng dầu khí đá phiến trên thế giới. (Ảnh: EIA)
Theo một báo cáo được thực hiện năm 2013 của Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) thì dầu đá phiến có mặt tại 41 quốc gia khác nhau với 137 có thể điểm khai thác được, trong đó bao gồm Mỹ, Nga, Canada, Trung Quốc, Brazil, Australia, một số quốc gia châu Âu và Bắc Phi.
Tổng trữ lượng dầu đá phiến có thể khai thác được theo tính toán của EIA là 345 tỉ thùng. Trong khi đó, tổng khối lượng khí đá phiến (shale gas) có thể khai thác được vào khoảng 206,6 ngàn tỉ mét khối.
Điều đáng nói là, trữ lượng dầu và khí đá phiến có thể khai thác được đã tăng lên đáng kể so với năm 2011, nghĩa là chỉ 2 năm trước đó.
Theo EIA, vào năm 2011, số quốc gia được cho là có trữ lượng dầu khí đá phiến có thể khai thác được chỉ là 32 quốc gia với tổng trữ lượng dầu là 32 tỉ thùng và khối lượng khí là 187,5 ngàn tỉ mét khối.
Cũng theo báo cáo này, Nga là quốc gia có trữ lượng dầu đá phiến lớn nhất thế giới với 75 tỉ thùng. Đứng ở vị trí thứ 2 chính là Mỹ với 58 tỉ thùng. Ở các vị trí tiếp theo là Trung Quốc, Argentina, Lybia, Australia, Venezuela với trữ lượng lần lượt là 32, 27, 26 và 18 tỉ thùng.
Trong khi đó, trữ lượng khí đá phiến tập nhiều nhất ở Trung Quốc với 31,5 ngàn tỉ mét khối. Đứng thứ 2 là Argentina với 22,7 ngàn tỉ mét khối. Mỹ xếp vị trí thứ 4 với 18,8 ngàn tỉ mét khối còn Nga xếp ở vị trí thứ 9 với 8 ngàn tỉ mét khối.
Tuy vậy, cần lưu ý rằng, trữ lượng dầu đá phiến (345 tỉ thùng) chỉ chiếm một phần mười tổng trữ lượng dầu thô trên toàn thế giới và trữ lượng khí đá phiến (206.6 ngàn tỉ mét khối) chiếm khoảng một phần ba tổng trữ lượng khí đốt toàn thế giới.
Riêng đối với Mỹ, trữ lượng dầu và khí đá phiến chiếm khoảng một phần tư tổng trữ lượng dầu và khí. Trung Quốc mặc dù có trữ lượng khí đá phiến nhiều hơn gần gấp đôi Mỹ nhưng hiện nay vẫn loay hoay với bài toán khai thác thế nào cho hiệu quả.
Lê Văn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?