Việc thành lập Ngân hàng Phát triển của nhóm BRICS là một sự kiện lớn trong năm 2014
Dự án này của nhóm BRICS là một thách thức đối với phương Tây. Ngân hàng sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính và tín dụng cho các nền kinh tế đang phát triển, tức là sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Ngân hàng phát triển đã được thành lập vào tháng Bảy năm nay tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Brazil. Không chỉ các thành viên BRICS mà còn các nền kinh tế mới nổi khác có thể tham gia tổ chức này. Theo các chuyên gia, trong số các ứng viên có Mexico, Indonesia và Argentina. Cơ chế chung thứ hai của BRICS – Quỹ dự trữ ngoại tệ – cũng mở rộng cửa cho các thành viên mới. Quỹ dự trữ có mục đích hỗ trợ cho các nền kinh tế trong trường hợp bùng nổ cuộc khủng hoảng toàn cầu. Các biện pháp này của BRICS cho thấy rằng, các nước thành viên có ý định cơ cấu lại hệ thống tài chính và tín dụng toàn cầu, tạo ra cơ chế đầu tiên có thể thay thế Ngân hàng Thế giới và Quỹ IMF. Các chuyên gia cho rằng, các nước BRICS có đủ tiềm lực để thực hiện thành công dự án này.
Vào cuối năm 2014 Nga phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh tỷ giá hối đoái của đồng rúp so với đồng USD, đồng euro, cũng như so với các ngoại tệ "mềm" - nhân dân tệ và đồng rupee. Điều này sẽ thúc đẩy nhóm BRICS sử dụng tích cực hơn các đồng tiền quốc gia trong thanh toán với nhau khi thành lập Ngân hàng Phát triển mới. Trung Quốc và Ấn Độ đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú có thể hữu ích cho Nga và các nước khác. Chuyên gia Alexander Salitsky của Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) nói: “Cả Ấn Độ và Trung Quốc đã thu lượm những kinh nghiệm phong phú hơn Nga trong lĩnh vực này. Đây là những kinh nghiệm rất có giá trị. Trong thời gian khủng hoảng trên thị trường thế giới vào những năm 1997-1998 và 2008-2009, các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng của các quốc gia đó đã giúp cho các nhà sản xuất thoát khỏi lo lắng về tỷ giá hối đoái. Ở giai đoạn đầu tiên của cuộc cải cách, Nga có thể dựa vào những kinh nghiệm của Ấn Độ, sau đó có thể sử dụng những kinh nghiệm của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia, kể cả chuyên viên của nhiều tổ chức quốc tế, ví dụ như UNCTAD, đã ghi nhận rằng, có lẽ Trung Quốc đã xây dựng cơ cấu tối ưu trong lĩnh vực điều khiển tiền tệ và ngân hàng đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất địa phương”.
Mỗi nước thành viên BRICS đều đồng ý đóng góp 10 tỷ USD cho việc thành lập Ngân hàng Phát triển. Theo thời gian, tổng số vốn của Ngân hàng này sẽ đạt khoảng 100 tỷ USD. Trung Quốc sẽ đầu tư 41 tỷ USD vào quỹ dự trữ ngoại tệ, Nga, Brazil và Ấn Độ - 18 tỷ USD mỗi nước, Nam Phi – 5 tỷ. Như vậy, Ngân hàng BRICS sẽ trở thành một trong những tổ chức tài chính phát triển đa phương lớn trên thế giới. Như vậy, quỹ dự trữ ngoại tệ chung với nguồn lực tài chính hùng mạnh lên đến 200 tỷ đô la sẽ đặt nền móng cho sự phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô của các nước BRICS.
Đọc tiếp: http://vietnamese.ruvr.ru/2014_12_29/281784351/
Đọc tiếp: http://vietnamese.ruvr.ru/2014_12_29/281784351/
Nhận xét
Đăng nhận xét